---~~~mucluc~~~---


P4.HẦM HÌNH SỰ.
1. SỰ CÁM DỖ CỦA THÁNH GUYNPLÊN.

    
ó tia lửa chỉ sáng loà trong bóng tối, có tia lửa lại làm bùng cháy hoả diệm sơn.
Có những tia sáng rất to.
Guynplên cầm bức thư, đọc đi đọc lại. Rõ ràng có câu: Tôi yêu anh.
Biết bao kinh hoàng đang tiếp nối nhau trong đầu óc nó.
Đến nỗi, đầu tiên, nó tưởng nó điên.
Điên. Điểm ấy thì chắc chắn rồi. Những điều nó vừa thấy làm gì có thật. Ảo ảnh của chiều hôm đang trêu ghẹo nó, con người khốn khổ. Thằng bé mặc áo đỏ là một ánh sáng của ảo tưởng. Nhiều khi đang đêm có vật không đâu cô đúc lại thành ngọn lửa, đến trêu ghẹo anh. Sau khi đùa giễu, vật hão huyền kia biến mất, để lại Guynplên điên rồ ở lại. Bóng tối thường vẫn làm những việc như thế.
Nỗi kinh hoàng thứ hai mà nó nhận thấy là nó hoàn toàn có đầy đủ lý trí.
Một ảo tưởng ư? Đâu phải. Nếu vậy, còn bức thư này. Nó chẳng nắm trong tay một bức thư là gì? Đây không phải là phong bì, là niêm phong, là giấy trắng. Là chữ viết sao? Có phải nó không biết người viết đâu? Chẳng có gì tối tăm trong chuyện này cả. Người ta đã cầm bút mực, người ta đã viết. Người ta đã châm một ngọn nến và người ta đã lấy xi niêm phong. Tên nó chẳng được ghi trên phong bì là gì: Gửi Guynplên. Giấy viết thơm phức. Mọi việc đều rõ ràng. Thằng bé, Guynplên biết nó. Thằng lùn ấy là một tên tiểu đồng. Cái ánh chớp lập loè ấy là một thằng hầu. Tên tiểu đồng ấy đã hẹn gặp lại Guynplên ngày mai, cũng giờ này. Ở đầu cầu Luân Đôn có phải là ảo tưởng không? Không, không, tất cả những cái ấy đều rõ ràng. Trong đó chẳng có chút mê sảng nào cả. Toàn bộ đều là hiện thực. Guynplên hoàn toàn tỉnh táo. Đây không phải một chuyện ma quái thoáng hiện thoáng tan; đây là một việc đến với nó hẳn hoi. Không. Guynplên không điên. Guynplên không mơ và nó đọc lại bức thư.
Ừ thì đúng. Nhưng rồi sao?
Vậy thì phi thường quá.
Có một người đàn bà ưng nó.
Một người đàn bà ưng nó! Nếu thế, từ nay xin đừng ai nói đến hai chữ vô lý. Một người đàn bà ưng nó! Một người đàn bà đã từng thấy mặt nó! Một người đàn bà không phải mù! Và người đàn bà ấy là ai? Một cô nàng xấu xí chăng? Không. Một cô nàng xinh đẹp hẳn hoi. Một cô gái hát rong chăng? Không. Một nữ công tước.
Có cái gì trong đó: như thế nghĩa là thế nào? Chiến thắng như vậy thì nguy hiểm quá! Nhưng sao lại không liều mạng lao đầu vào đấy?
Sao! Người đàn bà ấy! Con nhân ngư, cái bóng ma, bà phu nhân, người nữ khán giả trong khán đài huyền ảo người đàn bà khó hiểu sáng chói! Và chính người đàn bà ấy. Đúng người đàn bà ấy không sai.
Trong lòng nó, tiếng nổ tí tách của đám cháy bắt đầu đang bắn tung toé ra khắp phía. Chính người đàn bà kỳ dị không quen biết đó! Vẫn con người làm nó xao xuyến bao đêm! Và những tư tưởng hỗn loạn đầu tiên của nó về người đàn bà kia lại tái hiện, như được ngọn lửa tối tăm kia đốt nóng. Quên là một tấm giấy da để xoá chữ cũ viết chữ mới lên thôi chẳng có gì khác. Chỉ cần một biến cố xảy đến, là tất cả những gì đã xoá lại hiện ra giữa các dòng chữ của ký ức kinh ngạc. Guynplên tưởng đã gạt bỏ được khuôn mặt ấy ra khỏi tâm tư, vậy mà nay lại thấy nó ở đấy; khuôn mặt đã in hình trong tâm tư và đã để lại dấu vết trong cái đầu óc vô tư lự, có tội, đã mơ mộng đó. Giấc mơ đã để lại dấu vết rất sâu mà Guynplên không ngờ. Giờ đây đã bắt đầu có triệu chứng đau và tất cả các trạng thái mơ màng đó, từ nay có lẽ không có cách nào cứu chữa, nó lại hằn học tiếp tục suy nghĩ.
Sao? Người ta ưng nó! Sao! Công chúa bước xuống khỏi ngai, thần tượng rời khỏi bàn thờ, tượng đồng bước xuống khỏi bệ, ma quỉ rời khỏi tầng mây! Sao! Con quái vật lại từ chốn tận cùng của cõi vô biên đến đây! Sao vị thần truyền thuyết tối cao ấy, ánh hào quang ngời toả ấy, con hải tinh toàn thân ướt đẫm ngọc châu ấy con người xinh đẹp tuệt trần và không thể tới gần ấy, từ chốn cao xa chót vót tràn đầy tia sáng lại cúi xuống với Guynplên! Sao! Cỗ xe rực sáng bình minh của nàng, do cả chim câu và rồng thiêng đóng kéo, nàng lại dừng nó ngay trên đầu Guynplên, và nàng nói với Guynplên: Anh đến nhé! Sao, nó - Guynplên - mà lại được cái vinh quang khủng khiếp thành đối tượng của một chuyến hạ cố như vậy của trời xanh! Người đàn bà ấy, nếu có thể gắn tên đó lên một hình bóng vũ trụ cao nhất, người đàn bà ấy đang tự nguyện hiến mình, tự dâng mình! Choáng ngợp thay! Thần tiên mà lại bán mình! Cho ai? Cho nó. Cho Guynplên! Những cánh tay của gái giang hồ mà lại mở rộng một vùng hào quang để ôm ghì nó vào ngực nữ thần! Mà lại không vết bẩn nhơ. Những bậc vương giả ấy không bôi đen, ánh sáng rửa sạch thánh thần. Và vị nữ thần đến với nó ta thừa biết việc của mình làm. Có phải nàng không rõ điều rùng rợn hiện thân ở Guynplên đâu. Nàng đã thấy cái mặt nạ thường ngày của Guynplên kia mà! Và cái mới lạ ấy không khiến nàng lùi bước. Guynplên đã được yêu bất chấp hết cả.
Điều vượt tất cả mọi ảo tưởng là chính vì thế mà nó được người ta yêu! Không mảy may khiến nữ thần lùi bước. Cái mặt nạ đó lại lôi cuốn nữ thần. Hơn cả được yêu Guynplên đã được người ta thèm khát. Hơn cả được chấp nhận, nó đã được người ta kén chọn. Nó mà được kén chọn!
Sao! Nơi người đàn bà kia ngự trị, giữa môi trường vương giả của ánh sáng chói ngời, vô trách nhiệm và của quyền uy tự do tuyệt đối, có biết bao công hầu, nàng có thể chọn một hoàng thân, có biết bao huân tước, nàng có thể chọn một huân tước, có những chàng trai đẹp, duyên dáng, oai vệ, nàng có thể chọn Ađônix[33]. Thế mà nàng lại chọn ai? Nhafrông[34]. Nàng có thể lựa chọn trong số các thiên thể và sấm sét vị thiên sứ khổng lồ sáu cánh, vậy mà nàng lại chọn con bọ ngoe nguẩy trong chốn bùn lầy. Một bên là các vị hoàng thân, các ngài lãnh chúa, là tất cả cái gì vĩ đại, giầu có, vinh quang, một bên là tên hát rong múa rối. Vậy mà tên hát rong lại thắng. Thế thì trong trái tim của người đàn bà kia có loại cân gì? Nàng cân tình yêu của nàng bằng quả cân nào Người đàn bà kia nhấc khỏi trán mình chiếc miện quận công và vứt nó lên sân khấu của thằng hề! Người đàn bà kia bỏ khỏi đầu mình vầng hào quang thần thánh và đặt nó lên cái sọ lởm chởm của con quỉ. Không biết cuộc đảo lộn của trời đất, khiến cho sâu bọ lúc nhúc ở trên, trăng sao chìm xuống dưới, đã dìm Guynplên hốt hoảng vào một đống ánh sáng hỗn độn, và kết cho nó một vùng hào quang trong vũng nước dơ. Một người đàn bà quyền uy tột bậc, vùng lên chống đối sắc đẹp và huy hoàng, lại hiến thân cho kẻ bị doạ đầy vào tăm tối, lại thích Guynplên hơn Antinôux[35]. Lại nổi máu tò mò trước cảnh u minh, bước xuống đó và từ sự thoái vị đó của nữ thần, vương quyền của kẻ khốn khổ bước ra, phi phàm, đầu đội vương miện. "Anh xấu kinh khủng...Tôi yêu anh". Mấy chữ này đã chạm vào Guynplên đúng chỗ xấu xa của lòng kiêu hãnh. Kiêu hãnh là cái gót, nơi mà tất cả một đấng anh hùng đều có thể bị đả thương. Trước đây Guynplên vẫn tự hào về vẻ mặt quỉ quái của mình. Chính nhờ dị dạng mà nó được yêu. Nó cũng vậy, cũng như và có lẽ còn hơn cả các thần Giuypite[36] và Apôlông[37].
Lời thú nhận và điều bí ẩn, hai cái mồm ấy, một cái khiêu khích, một cái đe doạ, đều nói như nhau: cứ liều xem!
Chưa bao giờ tính nham hiểm của tình cờ lại khéo sắp đặt đến thế, và đưa cám dỗ đến đúng lúc hơn. Bồi hồi rạo rực, trước cảnh trời xuân và sức trào dâng nhựa sống của vạn vật, Guynplên đang sống trong giấc mơ xác thịt. Cái ông già kiên cường, mà chúng ta không ai chiến thắng nổi, đang trỗi dậy trong chàng trai muộn mằn, hai mươi bốn tuổi đời mà vẫn phơi phới thanh tân. Chính nhờ vào thời cơ ấy, chính vào giây phút thác loạn nhất của cơn khủng hoảng ấy, việc mời chào kia đến với nó, và phơi ra trước mặt nó đôi vú lồ lộ, chói loà của con nhân sư. Tuổi xuân là một mặt dốc, Guynplên đang đứng cúi bỗng có người đẩy nó, Ai? Trời xuân. Ai? Đêm tối. Ai? Người đàn bà kia. Giá không có tiết tháng tư, con người ắt đức hạnh hơn. Bao nhiêu bụi rậm nở hoa đều là một lũ tòng phạm! Tình yêu là một tên ăn trộm, trời xuân là kẻ chứa chấp.
Guynplên bàng hoàng điên đảo.
Phía trước tội lỗi vẫn có chút ít khói của tội ác mà lương tâm không hít thở được. Lòng lương thiện bị cám dỗ thường có cái cảm giác buồn nôn khó hiểu về địa ngục, Nhùng nơi hé mở nửa chừng thường bốc ra nột thứ uế khí báo trước cho người khoẻ mạnh và làm kẻ yếu choáng váng. Guynplên đang gặp cảm giác khó chịu bí mật ấy.
Những điều tiến thoái lưỡng nan, vừa thoảng qua vừa dai đẳng, nó chập chờn trước mặt nó. Tội lỗi ngoan cố chào đón, đang hình thành. Ngày hôm nay, nửa đêm, cầu Luân Đôn, tên tiểu đồng! Có nên đi không? Xác thịt hét: có! Linh hồn quát: không!
Tuy vậy, ta phải nói thẳng dù sự việc thoạt tiên có vẻ kỳ quặc đến mấy nó cũng không hề dám tự đặt một cách rõ ràng câu hỏi: - Có nên đi không? Những hành động đáng chê trách vẫn có chỗ được chừa lại. Cũng như những thứ rượu mạnh quá, người ta không uống cạn một hơi. Người ta đặt chén xuống, hẵng chờ xem, giọt đầu tiên đã rất kỳ lạ.
Điều chắc chắn là nó có thấy bị đẩy từ sau lưng vào chỗ xa lạ.
Nó run sợ. Nó thoáng thấy miệng vực. Nó vội nhảy lùi, nhìn phía nào cũng hãi hùng. Nó nhắm mắt lại. Nó cố hết sức để chối cãi là không có câu chuyện ly kỳ này và để ngờ vực trí tuệ của mình. Tất nhiên đó cách tốt nhất.
Khôn ngoan hơn cả, là tự cho rằng mình điên.
Cơn sốt thật ác nghiệt. Trong đời mình bất cứ người nào gặp chuyện bất ngờ, cũng đều có những phút dao động bi đát như vậy. Người quan sát luôn luôn lo lắng, nghe ngóng, những tiếng âm thầm của số mệnh thúc giục lương tâm.
Than ôi! Guynplên tự hỏi. Nơi nào bổn phận đã rõ ràng, đặt câu hỏi tức là chiến bại.
Vả lại có một chi tiết cần chú ý, nó không hề phát hiện ra tính chất vô liêm sỉ của câu chuyện, mà có lẽ một người sa đoạ cũng phải thấy là chướng chối. Cái khía cạnh trâng tráo lì lợm, nó không hay biết, ý nghĩ truỵ lạc nói trên đây không hề đến gần nó. Nó không đủ sức quan niệm nổi điều đó. Nó trong trắng quá nên không thể nào chấp nhận những giả thuyết phức tạp.
Ở người đàn bà kia, nó chỉ thấy mặt vĩ đại. Than ôi! Nó vẫn quen được tâng bốc. Lòng tự kiêu của nó chỉ thấy thành công. Cho rằng mình là đối tượng của một chuyện trơ trẽn chứ không phải của tình yêu, muốn suy luận nổi điều đó nó cũng cần phải có nhiều thông minh hơn tính chất ngây thơ. Bên cạnh câu: Tôi yêu anh, nó không nhận thấy câu đính chính khủng khiếp: Tôi ưng anh.
Nó không nắm được khía cạnh thú vật của vị nữ thần.
Trí óc có thể bị xâm chiếm. Trong tâm hồn cũng có những thứ phá hoại cái đẹp, đến huỷ hoại đức hạnh của chúng ta, đó là những tư tưởng xấu. Hàng nghìn ý nghĩ trái ngược thay nhau lao vào Guynplên, đôi khi cùng một lúc. Rồi trong nó lại im lặng. Thế là nó ôm lấy đầu, trong tư thế trầm ngâm bi đát, y như lúc lặng ngắm cảnh tời đêm.
Thình lình nó nhận ra một điều, là nó không nghĩ ngợi gì nữa. Trạng thái mơ màng của nó đã đến lúc đen tối mà mọi vật đều biến mất.
Nó cũng để ý là nó vẫn chưa về nhà, dễ đến hai giờ sáng.
Nó bèn bỏ bức thư của tên tiểu đồng vào túi bên, nhưng nhận thấy túi ở bên tim, nó lại rút ra, nhét bức thư nhầu nát vào túi quần cụt, rồi đi về phía quán rượu. Lẳng lặng bước vào, không gọi thằng bé Gôvicâm vẫn chờ cửa nhưng lại gối đầu vào tay ngủ ngay trên bàn, đóng cửa lại, châm ngọn nến ở cái đèn kính của quán rượu, cài chốt, vặn một vòng khoá, tự nhiên cũng thận trọng như người về muộn, trèo lên chiếc thang của Hộp Xanh, chui vào cái lều cũ vẫn dùng làm buồng cho nó, nhìn Uyêcxuyt ngủ, thổi tắt nến nhưng không nằm xuống.
Một giờ trôi qua như thế. Cuối cùng, nhọc quá, nghĩ rằng giường là giấc ngủ, nó bèn đặt đầu lên gối, vẫn mặc cả quần áo, và đành nhượng bộ bóng tối nhắm mắt lại; nhưng bão táp cảm xúc vẫn không ngừng quấy rầy nó. Mất ngủ là một cách đêm tối hành hạ con người, Guynplên rất đau khổ. Lần đầu tiên trong đời nó không bằng lòng với bản thân. Nỗi đau xót sâu kín xen lẫn vào lòng tự kiêu được thoả mãn của nó. Làm gì đây? Sáng rồi. Nghe tiếng Uyêcxuyt dậy, nó vẫn không mở mắt. Nhưng nó vẫn không được thanh thản. Nó nghĩ đến bức thư. Từng lời từng chữ lại hiện lên với nó như một mớ tơ rối. Tư tưởng như một chất lỏng gặp một luồng gió mạnh nào đó thổi từ trong tâm hồn. Tư tưởng quằn quại, trào dâng, và để thoát ra một cái gì như một tiếng rì rầm của sóng nước. Cảnh triều lên xuống, dồn dập, quay cuồng, cảnh ngập ngừng trước ghềnh của sóng biển, cảnh mưa đá, mưa cơn, mây đen với những khoảng từ loé sáng, cảnh một lớp bọt tả tơi xơ xác, cảnh lồng lộn trào dâng rồi đổ ụp, cảnh những cố gắng lớn lao không kết quả, cảnh bão táp xuất hiện từ mọi phía, cảnh bóng tối và tan tác, tất cả những thứ ấy, vẫn nằm trong vực thẳm, đều có trong lòng người, Guynplên đang ở trong trạng thái bão táp ấy.
Giữa lúc lòng đầy lo âu như vậy, mi mắt vẫn nhắm, nó bỗng nghe một giọng nói ngọt ngào: Guynplên, anh ngủ đấy à? Nó giật mình, mở mắt ngồi dậy; cửa phòng quần áo mở hé. Đêa xuất hiện trước ngưỡng cửa. Trên mắt và trên môi cô vẫn cái nụ cười khó tả. Cô đứng thẳng, duyên dáng, yêu kiều, giữa vùng hào quang trong trong vô thức của cô. Một giây phút thiêng liêng Guynplên lặng ngắm Đêa, nó run rẩy, hoa mắt, sực tỉnh: sao lại sực tỉnh? Hết ngủ ư? Không, hết mất ngủ thì đúng hơn. Chính là cô, chính là Đêa; đột nhiên nó cảm thấy trong lòng bão táp tan biến một cách khó tả và từ trên cao cái thiện đang diệu kỳ hạ xuống, át hẳn cái ác; sự huyền bí của con mắt thần xuất hiện: cô gái mù hiền lành sáng chói, riêng sự hiện diện của cô, không cần một cố gắng nào khác: đang xua tan hết mọi bóng tối trong lòng nó; bức màn mây tự vén khỏi óc nó như một bàn tay vô hình kéo lên, và điều kỳ diệu thần thánh, Guynplên lại cảm thấy trời xanh lại ùa vào lương tâm. Nhờ đức hạnh của đấng thiên thần đó, nó đột nhiên trở lại anh chàng Guynplên ngây thơ, hiền lành vĩ đại. Cũng như tạo hóa, linh hồn cũng có những phút đối diện thật huyền bí, cả hai đều im lặng, nàng là ánh sáng, nó là vực sâu, nàng thiêng liêng, nó nguôi dịu, và bên trái tim sôi sục sóng gió của Guynplên, Đêa sáng ngời nhờ một ánh sao nào đó rất khó tả của biển khơi.

2. HẾT VUI ĐÙA ĐẾN NGHIÊM NGHỊ.

Phép mầu thật đơn giản! Trong Hộp Xanh lúc ấy đang giờ ăn trưa, và thực tình Đêa muốn biết tại sao sáng nay Guynplên không đến ngồi ở cái bàn con của hai người.
- Em! - Guynplên reo lên, và thế là hết. Nó không có chân trời nào khác, hình ảnh nào khác bầu trời trong đó có Đêa.
Ai chưa thấy nụ cười tột khởi của biển cả sau trận phong ba, thì không sao hiểu nổi những phút êm đềm như vậy. Không gì yên tĩnh hơn vực thẳm. Vì nó nhấn chìm dễ dàng quá. Trái tim con người cũng thế. Tuy nhiên không phải luôn luôn như vậy.
Chỉ cần Đêa xuất hiện là tất cả ánh sáng trong Guynplên tỏa ra và đến với cô; sau lưng Guynplên choáng váng chỉ còn một lũ yêu ma chạy trốn. Lòng tôn thờ một nữ thần bị hoá giải hết sức tài tình!
Lát sau cả hai người ngồi đối diện nhau, Uyêcxuyt ngồi giữa, Ômô dưới chân. Trên bàn đặt ấm trà với chiếc đèn con thắp sáng. Fibi và Vinox đều ở ngoài và đang lo công việc.
Bữa trưa cũng như bữa tối đều dọn ở ngăn giữa. Do cách kê cái bàn quá hẹp, Đêa ngoảnh lưng về vào phía lỗ hổng của bức vách, hướng ra cửa Hộp Xanh.
Đầu gối hai người chạm nhau, Guynplên rót trà cho Đêa.
Đêa duyên dáng thổi vào tách nước. Thình lình cô hắt hơi. Đúng lúc ấy, trên ngọn đèn, một làn khói đang toả nhẹ, và như có tàn giấy rơi xuống thành tro. Chính làn khói đó đã làm Đêa hắt hơi.
- Gì thế - Cô hỏi
- Không có gì đâu - Guynplên đáp.
Và nó tủm tỉm cười.
Nó vừa đốt bức thư của người nữ công tước.
Thiên thần bảo vệ người đàn bà được yêu, chính là lương tâm của con người đàn ông đang yêu.
Bớt được bức thư đó trên người, Guynplên thấy nhẹ nhõm lạ kỳ và nó cảm thấy lòng thành thật của mình như đại bàng có đôi cánh.
Hình như sự cám dỗ đang bay theo làn khói toả, và cùng với tờ giấy, người nữ công tước đang hoá thành tro bụi.
Hai bên vừa chuyện trò vừa đổ lẫn hai tách trà và thay nhau uống chung một tách. Tiếng thỏ thẻ của cặp uyên ương như tiếng ríu rít của đôi chim sẻ. Trò trẻ thơ xứng đáng với Mẹ ngỗng và Hôme. Hai trái tim yêu đương. Phải chăng tìm tứ thơ ở đâu xa hơn; hai cái hôn đối đáp nhau, cần gì đi đâu xa hơn, cần gì đi đâu xa hơn mới tìm ra ý nhạc.
- Anh có biết chuyện gì không?
- Không.
- Anh Guynplên ạ, em mơ thấy chúng mình là những con vật, và chúng ta có cánh.
- Cánh, thế là chim - Guynplên nói khẽ.
- Vậy nghĩa là thiên thần - Uyêcxuyt lẩm bẩm.
Cuộc trò chuyện lại tiếp tục.
- Anh Guynplên này, nếu không có anh...
- Thì sao?
- Thì sẽ không có chúa lòng lành.
- Trà nóng quá. Bỏng em mất, Đêa.
- Anh thổi vào tách em đi.
- Sáng nay em đẹp quá?
- Anh phải biết, có bao nhiêu chuyện anh muốn nói với anh cơ.
- Em nói đi
- Em yêu anh
- Anh tôn thờ em!
Uyêcxuyt lẩm bẩm một mình:
- Lạy chúa, đúng là những người trong trắng.
Khi người ta yêu nhau, điều tuyệt diệu nhất là những phút giây im lặng. Nó như tích tụ tình yêu để sau đó bùng nổ nhẹ nhàng.
Ngừng một lúc rồi Đêa nới to:
- Ôi giá mà anh biết được Tối tối, lúc chúng mình biểu diễn, khi tay em chạm vào trán anh... Ôi! Guynplên, anh có một mái đầu thật cao quý!... Khi em cảm thấy làn tóc của anh dưới ngón tay em, em bủn rủn cả người, em có một niềm vui thần thánh, em tự nhủ, trong cõi trần đen tối bao quanh em đây, trong vũ trụ cô đơn này, trong cảnh sụp đổ mông mênh tăm tối em đang sống đây, trong cảnh rung chuyển hãi hùng của em và của tất cả: em có một điểm tựa, nó đây. Chính nó. Chính là anh.
- Ôi! em yêu anh quá!
Guynplên nói:
- Anh cũng vậy trên trần gian anh chỉ có mình em. Đối với anh. Em là tất cả. Đêa, em muốn anh phải làm gì? Em có ước mong nột thứ gì không? Em cần gì nào?
Đêa đáp:
- Em thông biết. Em hạnh phúc lắm rồi.
- Ôi! - Guynplên tiếp luôn - cả hai ta đều hạnh phúc!
Uyêcxuyt nghiêm nghị nói to:
- Hừ hai đứa chúng mày hạnh phúc! Thế là phạm tội vi cảnh đấy. Tao đã căn dặn chúng mày rồi kia mà. Hừ! Chúng mày hạnh phúc! Vậy thì phải giữ gìn đừng để ai nhìn thấy chúng mày. Phải chiếm thật ít chỗ thôi. Muốn hạnh phúc phải chui vào lỗ. Nếu có thể, phải thu mình nhỏ hơn hiện giờ nữa. Ý Chúa là kẻ sung sướng càng bé thì hạnh phúc càng to. Những ai mãn nguyện đều phải lẩn trốn, như kẻ gian phi. Hừ, chúng mày toả sáng, trời ơi: chúng mày là những con đom đóm độc ác, người ta sẽ xéo nát chúng mày ra, và thế là phải. Tất cả những trò hú hí ấy là gì? Tao, tao có phải bà bảo mẫu có nhiệm vụ ngồi nhìn anh ả rỉa lông rỉa cánh cho nhau đâu. Sau cùng, chúng mày làm tao đau đầu lắm. Chúng mày cút xéo đi cho rảnh.
Và cảm thấy giọng nói chua chát của mình cứ dịu dần, trở thành trìu mến, ông vội dìm tình cảm của mình vào một tràng cảu rảu rất dài.
- Bố ơi - Đêa nói - sao bố nặng lời thế!
- Là vì tao không ưa người ta sung sướng quá - Uyêcxuyt đáp.
Đến đây, Ômô bỗng như đáp lại lời Uyêcxuyt. Có tiếng gầm gừ dưới chân đôi trai gái.
Uyêcxuyt cúi xuống, đặt tay lên đầu Ômô.
- Đúng rồi, mày nữa, mày cũng bực mình. Mày gầm gừ. Mày dựng đứng cả bờm trên cái thủ sói của mày. Mày không ưa những trò mèo mỡ. Vì mày khôn ngoan. Không cần. Cứ im lặng. Mày đã lên tiếng. Mày đã cho biết ý kiến của mày, được rồi; bây giờ, cứ nằm im đấy.
Con sói lại gầm gừ nữa.
Uyêcxuyt nhìn xuống gầm bàn.
- Yên nào, Ômô! Thôi, đừng có nhấn mạnh nữa, anh triết gia!
Nhưng con sói đứng thẳng lên và nhe răng về phía cửa ra vào.
- Mày làm sao thế - Uyêcxuyt nói.
Và ông nắm lấy da cổ Ômô.
Đêa không để ý đến tiếng gầm gừ của con sói, chỉ ngồi tơ tưởng và thưởng thức một mình giọng nói của Guynplên, im lặng trong trạng thái ngây ngất riêng biệt của những người mù, đôi khi trạng thái đó dường như dành cho tâm hồn họ một tiếng hát để nghe và thay thế cho họ cái ánh sáng họ thiếu bằng một thứ nhạc lý tưởng nào đó. Cảnh mù loà là một đường hầm trong văng vẳng thứ hoà âm sâu sắc bất tận.
Trong lúc Uyêcxuyt cúi đầu mắng Ômô thì Guynplên đã ngước mắt nhìn lên.
Đang định uống tách trà, nó thôi không uống, đặt tách trà xuống bàn, thong thả như chiếc lò xo chùng lại, ngón tay vẫn xoè; và ngồi im, mắt nhìn chằm chằm, không thở nữa.
Một người đàn ông đứng sau lưng Đêa, giữa khung cửa.
Y vận toàn đồ đen với áo choàng tư pháp. Y đội bộ tóc giả xoã xuống tận lông mày, tay cầm một cái gậy sắt hai đầu chạm trổ hình vương miện.
Cái gậy ngắn và to.
Ta hình dung Mêduyzơ[38] thò đầu giữa hai cành cây trên thiên đàng.
Cảm thấy có người mới đến, Uyêcxuyt rùng mình ngẩng đầu lên, tay vẫn giữ chặt Ômô, và nhận ra ngay nhân vật đáng sợ kia, ông nhìn hắn từ đầu đến chân. Ông khẽ nói vào tai Guynplên.
- Quan thiết trượng đấy.
Guynplên chợt nhớ ra.
Một tiếng ngạc nhiên suýt bật lên, nó vội ghìm lại. Chiếc gậy sắt có vương miện ở hai đầu là cây thiết trượng.
Đó là chiếc gậy sắt trên đó các quan tư pháp thành phố lúc nhậm chức phải tuyên thệ; chính nó đã đẻ ra chức vụ thiết trượng quan ngày xưa, của ngành cảnh sát nước Anh.
Sau lưng người đội tóc giả, trong bóng tối lờ mờ, thấp thoáng ông chủ quán thất đảm. Người kia, hiện thân của Muta Themis[39] trong các hiến chương ngày xưa, không có một lời nào, hạ cánh tay phải qua đầu Đêa vẫn hăm hở, và dùng cái gậy sắt chạm vào vai Guynplên, trong khi ngón tay cái trái của y chỉ cánh cửa Hộp Xanh phía sau lưng. Hai cử chỉ ấy, thầm lặng nên càng mang tính chất hách dịch, có nghĩa là: Đi theo ta Pro signo exeundi, sursum nghe[40], pháp điển xứ Normăngđi dạy.
Người nào bị chiếc gậy sắt chạm vào chỉ còn quyền vâng lời. Không còn ý kiến gì trước mệnh lệnh thầm lặng đó cả. Những hình phạt nặng nề của nước Anh chờ đợi kẻ nào ương bướng.
Dưới bàn tay cứng nhắc đó của pháp luật, Guynplên rùng mình, rồi ngồi đờ ra như phỗng.
Giá bị cái gật sắt nện mạnh vào đầu chứ không phải chạm nhẹ vào vai, có lẽ nó cũng không choáng váng hơn thế. Nó thấy buộc lòng phải đi theo viên cảnh sát. Nhưng tại sao? Nó không hiểu.
Về phía mình, Uyêcxuyt cũng thấy hoang mang đau xót ông thoáng thấy một điều gì đó khá rõ nét. Ông nghĩ đến bọn hát rong, đến cánh truyền giáo, đến những kẻ cạnh tranh với ông, đến gánh Hộp Xanh bị tố giác, đến con sói phạm pháp, đến việc rắc rối của chính ông với ba lão ở tôn giáo pháp đình Bisopghết, và biết đâu? Có lẽ những điều này qua thật là hãi hùng, đến những lời nói vô lễ và phản nghịch của Guynplên liên quan đến quyền lực nhà vua, ông run sợ sâu sắc.
Đêa vẫn tủm tỉm cười.
Cả Guynplên, cả Uyêcxuyt, chẳng ai nói nửa lời. Hai người đều chung một ý nghĩ không nên làm cho Đêa lo lắng. Có lẽ con sói cũng cùng tư tưởng đó, nó không gầm gừ nữa. Nói cho đúng thì Uyêcxuyt cũng không buông nó ra.
Vả lại tuỳ lúc Ômô cũng có mặt tinh khôn của nó. Ai mà chẳng nhận thấy một đôi trường hợp lo lắng khôn ngoan của súc vật?
Có lẽ trong chừng mực một con sói có thể hiểu được con người, nó cũng tự cảm thấy bị loại trừ.
Guynplên đứng dậy.
Không thể có chuyện chống đối. Guynplên hiểu như vậy nó nhớ lại những lời nói của Uyêcxuyt và không thể đặt một câu hỏi nào hết. Nó đứng im trước mặt viên thiết trượng quan. Viên thiết trượng quan nhấc cái gậy khỏi vai Guynplên, rụt nó về, cầm thẳng trong tư thế chỉ huy, một cử chỉ của cảnh sát thời ấy được toàn dân hiểu rõ, và bao hàm mệnh lệnh sau đây:
- Người này hay đi theo ta, và không một ai khác, tất cả cả phải ngồi nguyên chỗ. Im lặng.
Không ai được tò mò. Thời nào cũng thế cảnh sát vốn thích những lối rào chắn như vậy.
Lối bắt giữ ấy được mệnh danh là: "bắt giữ người".
Viên thiết thượng quan, chỉ bằng một động tác và như một cái máy xoay tròn, ngoảnh lưng lại rồi oai vệ, trang nghiêm, bước về phía lối ra của Hộp Xanh.
Guynplên nhìn Uyêcxuyt.
Uyêcxuyt chỉ đóng tuồng câm, khẽ nhún vai, khuỷu tay áp sát cạnh sườn, bàn tay xoè rộng, và lông mày dướn cong lên, ý nói: phục tùng người lạ mặt.
Guynplên nhìn Đêa. Cô đang mơ màng và vẫn tiếp tục cười nụ.
Guynplên để mấy đầu ngón tay lên môi gửi cho Đêa một cái hôn khó tả.
Nhờ một lúc quan thiết trượng ngoảnh mặt đi, Uyêcxuyt, phần nào thấy đỡ hãi hùng, liền lợi dụng thời cơ để rỉ tai Guynplên:
- Muốn sống thì chớ có nói trước khi người ta hỏi.
Guynplên cố không làm ồn như khi bước vào phòng người ốm, lấy ở trên vách xuống cái mũ và chiếc áo khoác, quàng áo lên đến tận mặt và kẻo sụp mũ xuống trán; vì chưa ngủ nên nó vẫn còn áo quần làm việc, và trên cổ vẫn còn cái lá sen bằng da; nó nhìn Đêa một lần nữa. Đến cửa ngoài Hộp Xanh, viên thiết trượng quan liên giơ cái gậy lên và bắt đầu bước xuống chiếc thang con bên ngoài; thế là Guynplên cất bước đi theo, như người kia kéo bằng một sợi dây vô hình; Uyêcxuyt nhìn Guynplên ra khỏi Hộp Xanh; con sói lúc ấy mới khẽ gầm gừ: nhưng Uyêcxuyt giữ nó nằm im và khẽ nói với nó:
- Rồi nó khắc về.
Trong sân, ông chủ Nicơlex, bằng một cử chỉ hèn hạ và hách dịch, ngăn chặn những tiếng kêu hốt hoảng từ miệng Vinox và Fibi. Hai ả này buồn bã nhìn theo Guynplên bị dẫn đi, theo bộ quần áo mầu tang và cây gậy sắt của viên thiết trượng quan.
Hai cô gái đờ đẫn như hai pho tượng đá.
Gôvicâm, rụng rời, trố mắt thò mặt giữa một cửa sổ mở hé.
Viên thiết trượng quan đi trước Guynplên mấy bước, không ngoảnh lại, không nhìn nói với thái độ bình thản lạnh lùng, yên trí mình là luật pháp đây.
Cả hai người, trong cảnh im lặng, tha ma, vượt qua sân, qua căn phòng tối của quán rượu và đi ra bãi. Ở đó đang có mấy người qua đường tụ tập trước cửa quán, lão pháp quan định túc số[41] chỉ huy một phân đội cảnh sát. Đám người tò mò này, sững sờ, chẳng nói chẳng rằng, tránh dạt ra và đúng theo kỷ luật Anh Cát Lợi trước cây gậy sắt của viên cảnh sát; lão thiết trượng quan đi về hướng các phố nhỏ, lúc bấy giờ gọi là Litơn Xtren, chạy dài theo sông Tami; còn Guynplên, bên phải bên trái đều có quân của viên pháp quan định túc số đi thành hai hàng rào, thì tái mét, không một cử chỉ, không một động tác nào khác những bước chân của nó, mình quấn chiếc áo khoác như một tấm vải liệm, thong thả rời khỏi quán rượu, câm lặng bước theo sau con người lầm lỳ, y hệt một pho tượng đi theo một bóng ma.

3. LEX, REX, FEX[42].

Việc bắt bớ không cần giải thích, khiến một người Anh ngày nay phải ngạc nhiên, là một biện pháp cảnh sát thường được áp dụng ở Anh. Mãi đến tại triều đại Giorgiơ đệ nhị người ta vẫn sử dụng nó bất chấp luật habeas corpus[43], nhất là đối với những việc tế nhị mà ở Pháp bổ khuyết bằng mật thư, và một trong những vụ buộc tội mà Vanpon phải tự bênh vực là đã ra lệnh bắt hay để cho bắt Niuhop theo cách đó. Vụ buộc tội đó có lẽ không đủ cơ sở vì Niuhop, vua xứ Corxơ, bị các chủ nợ tống giam.
Những việc bắt bớ thầm lặng, mà Xanhtơ Vême ở Đức hay lạm dụng, đều được tục lệ nước Đức ngày xưa chấp nhận, và trong một số trường hợp lại được tục lệ Normăngđi khuyến khích. Một nửa các điều luật trước kia của nước Anh đều do tục lệ nước Đức ngày xưa chi phối, còn một nửa do tục lệ Normăngđi chi phối. Viên chỉ huy đội cảnh vệ hoàng cung Giuyxtiniêng[44] được gọi là "nhân viên thầm lặng của hoàng đế", silentiarus-imperialis. Các pháp quan nước Anh áp dụng lối bắt bớ này, thường dựa vào nhiều văn bản Normăngđi như:
Canes latrant, sergentes silent- Sergenter agree, in esttacere[45]. Họ trích Lundulphus Sagax, đoạn 16: - Faxit imperator silentium[46]. Họ dẫn hiến chương của vua Philip, năm 1307 - multos tene bimus bastonerios qui obmutescentes, sergentare valeant[47] - Họ dẫn những pháp lệnh của Hăngri nước Anh, chương LIII: Surge signo jussus. Taciturnior esto. Học est esse incoptione regis - Họ đặc biệt tự phụ về cái quy tắc được xem như nằm trong những trường hợp miễn trừ cổ xưa của chế độ phong kiến nước Anh: "- Dưới tử tước có các đội trưởng cầm kiếm, những người này phải dùng gươm xử tội tất cả những kẻ tham gia các tổ chức không tốt, những kẻ buộc phải có phạm tội ác, những kẻ lẩn trốn và bị trục xuất... khi bắt chúng phải thật quyết liệt và thật kín đáo để dân lành được bảo vệ an toàn và bọn bất lương không thể gây hại". Bị bắt như thế là bị bắt bằng uy lực của thanh kiếm (Vetus consuetudo Normannioe)[48].
Ngoài ra, cánh cố vấn pháp luật còn viện: in Charta Ludovici Hutini pro normannis[49]. Chương servientesis- apathoe[50]. Các Servientes spathoe, trong ngôn ngữ La tinh hạ lưu tiến dần đến các thổ ngữ của chúng ta, trở thành những Sergentes spadoe.
Những vụ bắt bớ thầm lặng trái hẳn với lối hò hét bắt bớ, và cho thấy rõ là nên giữ im lặng cho đến khi một số điều mờ ám được sáng tỏ.
Chúng có nghĩa là: vấn đề riêng biệt.
Chúng cho biết trong hành động của cảnh sát có phần vì lợi ích nhà nước.
Từ ngữ Private trong pháp luật có nghĩa là xử kín, được áp dụng trong loại bắt bớ này.
Theo một số nhà biên niên sử, chính Eđua đệ Tam đã dùng lối ấy để bắt Mortimơ ngay trong giường mẹ mình là Izaben nước Pháp. Cả trường hợp này nữa, người ta vẫn có thể nghi ngờ, vì Mortimơ lúc ấy đang đương đầu với một cuộc vây hãm trong thành phố mình trước khi bị bắt.
Varvik, chuyên gia nhào nặn ra vua chúa, sẵn lòng áp dụng cái lối "quyến rũ quần chúng" này.
Cromoen cũng hay dùng lối đó, nhất là ở Connot: và chính bằng lối phòng ngừa im lặng đó mà Toren li Accơlô, họ hàng của bá tước Ormông, đã bị bắt tại Kinmacop.
Những kiểu bắt bớ bằng ám hiệu đơn thuần của công lý như vậy tượng trưng cho trát trình diện hơn là trát bắt giữ.
Đôi khi chúng chỉ là một biện pháp thẩm vấn, và qua việc buộc mọi người phải im lặng, còn bao hàm một ý vì nể nào đó đối với người bị bắt.
Đối với dân chúng, vốn ít hiểu biết các chi tiết đó, chúng thường gây khiếp sợ đặc biệt.
Xin đừng quên rằng nước Anh lúc ấy không phải ở vào năm 1705, mà cũng phải ở vào thời kỳ rất xa về sau nữa, như ngày nay. Đại thể rất hỗn độn và đôi khi rất nặng tính chất đè nén. Đanien di Fô, người đã được nếm mùi đài bêu tù. Ở đâu đó có gọi trật tự xã hội nước Anh bằng những chữ: "bàn tay sắt của pháp luật". Không phải chỉ có pháp luật, mà có cả vấn đề chuyên chế. Ta cứ nhớ lại Xtin bị gạt ra khỏi nghị viện, Lôkơ ra khỏi diễn đàn. Hopbơ và Gipbông buộc phải đi trốn, Saclơ Sơcsin, Hium Prixli bị ngược đãi; Gion Uynkex bị bỏ tù. Ta cứ kể ra, vì đếm lại sẽ dài quá, những nạn nhân của luật seditluos libel. Lối bắt bớ lạm quyền phần nào đã lan khắp châu Âu; những biện pháp cảnh sát được nhiều nơi học tập. Ở nước Anh việc vi phạm quái gở vào mọi quyền hạn là chuyện rất có thể xảy ra: ta cứ nhớ lại vụ Nhà báo mặc áo giáp. Ngày nay thế kỷ mười tám, vua Luy XV hạ lệnh bắt ngay giữa phố Piccađili những nhà văn mà ông không ưa. Việc Giorgiơ đệ Nhị tóm cổ kẻ tranh ngôi ngay giữa nhà hát Ca nhạc kịch nước Pháp là việc có thật. Đấy là hai cánh tay rất dài, cánh tay vua nước Pháp thò sang tận Luân Đôn, và cánh tay vua nước Anh thò sang tận Pari. Tự do là như thế đấy.
Phải nói thêm rằng người ta cũng thường hành quyết người ngay trong nhà tù; việc dùng mưu kế xen lẫn hình phạt, một phương sách bỉ ổi mà lúc này nước Anh đang quay lại. Bằng cách đó nước Anh đã cho thế giới thấy cảnh lạ lùng của một dân tộc lớn đang muốn làm tốt hơn nhưng lại chọn lựa điều tệ hại hơn. Trước mặt nó, một bên là quá khứ một bên là tiến bộ, và nó đã nhận lầm, nhìn đêm tối ra ban ngày.

4. UYÊCXUYT THEO DÕI CẢNH SÁT

Như chúng tôi đã nói, theo những luật cảnh sát rất khắc nghiệt thời ấy, lệnh cho một cá nhân phải đi theo trượng quan cũng buộc những kẻ hiện diện lúc bấy giờ không được cựa quậy.
Tuy vậy vẫn có một cố kẻ tò mò to gan, đi sau đoàn người áp giải Guynplên một quãng khá xa.
Uyêcxuyt cũng nằm trong số đó.
Uyêcxuyt đờ đẫn mất một lúc. Nhưng đã bao lần bị vùi dập bởi những chuyện bất ngờ của cuộc đời lang thang và bởi những chuyện độc ác không dè trước, Uyêcxuyt như một chiếc thuyền chiến, được chuẩn bị cho chiến đấu, đã huy động đến vị trí chiến đấu toàn hộ thủy thủ, nghĩa là tất cả trí tuệ, ông lập tức không đờ đẫn nữa, và bắt đầu suy nghĩ. Lúc này đâu phải là lúc xúc động, mà phải nhìn thẳng.
Nhìn thẳng vào sự biến, là nhiệm vụ của kẻ nào không ngu ngốc.
Không nên tìm hiểu mà phải hành động. Ngay lập tức Uyêcxuyt tự hỏi: "- Cần phải làm gì? "
Guynplên đi khỏi, Uyêcxuyt đứng ở giữa hai mối lo sợ: nỗi sợ cho Guynplên khuyên ông nên đi theo, nỗi sợ cho mình, khuyên ông ở lại.
Uyêcxuyt mạo hiểm như một con ruồi và thản nhiên như cây trinh nữ. Nỗi run sợ của ông thật khó tả. Tuy nhiên ông vẫn anh dũng quyết định, và quyết đương đầu với pháp luật, đi theo viên thiết trượng quan vì ông rất lo ngại cho Guynplên.
Chắc ông phải sợ lắm nên mới cả gan như vậy.
Một con thỏ sợ hãi còn có được hành động dũng cảm gì kia chứ!
Con hoẵng cuống cuồng thường nhảy xuống vực. Sợ hãi đến mức dại dột, đấy là một trong những hình thức dại dột, đấy là một trong những hình thức hốt hoảng.
Guynplên bị bắt cóc hơn là bị bắt giữ. Hành động cảnh sát đã tiến hành nhanh đến nỗi bãi chợ phiên, vốn rất vắng vào giờ phút sớm sủa này, hầu như không bị náo động. Trong các lều lán của cánh đồng Tarinhzô hầu như không ai ngờ rằng viên thiết trượng quan đã đến tìm Thằng Cười. Vì vậy không có mấy quần chúng.
Nhờ chiếc áo khoác và cái mũ gần giáp nhau trên mặt, Guynplên không bị những người qua lại nhận ra.
Trước khi đi theo Guynplên, Uyêcxuyt đã có ý đề phòng. Ông gọi riêng ông chủ Nicơlex, thằng nhỏ Gôvicâm, Fibi và Vinox, và yêu cầu họ tuyệt đối không nói gì với Đêa, cô vẫn chẳng hay biết gì cả; cố gắng đừng nói một lời nào có thể gây ngờ vực cho cô về sự việc xảy ra; giải thích với cô là công việc nội trợ của Hộp Xanh đòi hỏi Guynplên và Uyêcxuyt phải vắng mặt; vả lại sắp đến giờ ngủ giữa buổi của cô, trước khi Đêa dậy ông sẽ trở về cùng với Guynplên, tất cả những việc ấy chỉ là chuyện lầm lẫn, là mixtêkơ[51] như ở Anh vẫn gọi; ông và Guynplên rất dễ dàng trình bày để các pháp quan và cảnh sát hiểu; hai người sẽ chỉ rõ chỗ ngộ nhận, và chốc nữa cả hai sẽ về. Nhất là không ai được nói gì với Đêa. Dặn dò xong ông ra đi.
Uyêcxuyt có thể theo Guynplên mà không bị ai chú ý. Tuy đi sau thật xa, ông vẫn tìm cách để khỏi mất hút nó. Táo bạo trong rình mò là dũng cảm của những kẻ rụt rè nhút nhát.
Nói cho cùng, và dù bề ngoài có nghiêm trọng mấy, có lẽ Guynplên cũng chỉ bị cảnh sát gọi vì một chuyện vi phạm gì đó không quan trọng lắm.
Uyêcxuyt nghĩ bụng vấn đề sẽ được giải quyết ngay lập tức thôi.
Sự việc sẽ sáng tỏ, ngay trước mắt, tuỳ theo hướng đi của phân đội áp giải Guynplên, lúc hết phạm vi cánh đồng Tarinhzô, đến lối vào các ngõ hẻm của Litơn-Xtren.
Nếu phân đội rẽ trái, tức là nó dẫn Guynplên đến trụ sở Xaothuak. Như vậy không sợ lắm; một tội nhẹ không đáng kể gì đó thuộc phạm vi thành phố, một bài cảnh cáo của quan toà, vài ba senlinh tiền phạt, rồi Guynplên sẽ được thả, và Hồng hoang chiến bại sẽ lại được trình diễn ngay buổi tối như thường lệ. Chẳng ai hay biết gì cả.
Nếu phân đội rẽ phải thì sẽ nghiêm trọng đấy.
Phía ấy có những nơi nghiêm khắc.
Vào lúc viên thiết trượng quan, dẫn dầu hai hàng cảnh sát với Guynplên đi giữa, đến quãng nhiều ngõ hẻm, Uyêcxuyt hồi hộp để mắt nhìn. Có những lúc toàn bộ con ngươi đều dồn lên hai con mắt.
Họ sắp rẽ bên nào?
Họ rẽ phải.
Uyêcxuyt hãi quá, lảo đảo, tựa vào một bức tường cho khỏi ngã.
Không còn gì giả dối bằng câu người ta thường nói một mình: Ta muốn biết xem phải thế nào. Trong thâm tâm, người ta chẳng muốn gì cả. Người ta sợ hãi một cách thầm lặng. Nỗi lo âu lại càng phức tạp vì một cố gắng tối tăm nên không bao giờ chấm dứt. Người ta không dám nói ra, nhưng trong bụng rất muốn giật lùi, và khi đã trót đi tới rồi người ta hối hận.
Uyêcxuyt cũng thế, ông rùng mình nghĩ bụng:
- Chiều hướng không hay rồi. Lẽ ra lúc nào mình cũng phải biết sớm hơn một tí. Ta đi theo Guynplên làm gì?
Nghĩ thế xong, nhưng vì con người vốn dĩ mâu thuẫn, ông lại rảo bước và cố nén lo âu, hối hả tiến gần đến phân đội để khỏi mất hút trong khu bàn cờ nhằng nhịt phố xá của Xaothuak, sợi dây nối liền giữa Guynplên với ông.
Đoàn cảnh sát không thể đi nhanh, vì nghi thức trang nghiêm của nó.
Viên thiết trượng quan dẫn đầu.
Viên pháp quan định túc số đi đoạn hậu.
Trật tự đó đòi hỏi đi tương đối chậm.
Toàn bộ vẻ uy nghiêm có thể có ở một kẻ thừa hành đều thể hiện rõ nét trên viên pháp quan định túc số. Y phục của lão nằm giữa bộ trang phục choáng lộn của vị tiến sĩ âm nhạc Ocxfoc và bộ quần áo giản dị màu đen của vị tiến sĩ thần học Kembritgiơ. Lão mặc áo quí tộc, ngoài khoác chiếc gôđơbe dài, một thứ áo choàng nữ lót lông thỏ Na-uy. Nhìn lão vừa cổ lỗ vừa tân thời, với bộ tóc giả như Lamoanhông và những ống tay áo như Tơrixtăng ẩn sĩ. Con mắt tròn to của lão xoáy chặt lấy Guynplên chằm chằm như mắt cú vọ. Lão bước thật nhịp nhàng. Không còn tìm đâu ra một con người dữ tợn hơn.
Uyêcxuyt bị lạc mất một lúc trong cái mớ ngõ ngách chằng chịt, đến gần Xanhtơmari, Ôvơ Rai, lại đuổi kịp đoàn người, may sao, bị chậm lại ở gần nhà thờ, do một đoàn trẻ con và chó, một sự kiện thường gặp trên đường phố Luân Đôn, sổ sách cảnh sát ngày xưa vẫn thường ghi dogs and boys[52], bao giờ cũng để chó trước trẻ con.
Một ngườl bị cảnh sát dẫn lên gặp quan toà, nói cho cùng, là một sự việc rất nhỏ nhặt, và ai cũng có công có việc của mình, nên số người tò mò cũng đã phân tán hết. Theo sau Guynplên chỉ còn mỗi Uyêcxuyt.
Đoàn người đi qua trước hai tiểu giáo đường, đối diện nhau, của Ricrieetiv Rơligiơnixt và Ligơ Alêluya, hai môn phái lúc bấy giờ và hiện nay vẫn còn.
Rồi đoàn người vòng vèo đến hết ngõ nọ sang ngõ kia, chọn toàn những con đường chưa có nhà cửa, những phố cỏ mọc và những ngõ vắng vẻ, và đi ngoắt ngéo mãi.
Cuối cùng nó dừng lại.
Đoàn người đang ở trong ngõ con chật hẹp. Không có nhà cửa, đầu phố chỉ có hai ba túp lều. Ngõ này có hai bức tường; một ở bên trái, thấp, một ở bên phải, cao. Bức tường cao đen, xây kiểu Xăcxơ có lỗ châu mai, có máy phóng lao và những ô mắt cáo song sắt to bên trên các cửa hầm chật hẹp. Chẳng có lấy một cửa sổ nào cả: đây đó chỉ thấy những cái khe ngày xưa là họng súng bắn đá và phóng lao. Dưới chân bức tường lớn ấy thấy có một cái cửa tò vò bé tí, rất thấp, y như cái lỗ phía đuôi bẫy chuột.
Cánh cửa tò vò, lắp một hình bán nguyệt nặng nề bằng đá, có một lỗ con chắn lưới sắt, một cái búa to, một ổ khoá lớn, những bản lề cục mịch chắc chắn, đóng đinh chằng chịt, một lớp sắt sơn dầy cộp và cấu tạo bằng sắt nhiều hơn gỗ.
Trông ngõ vắng tanh vắng ngắt. Không có cửa hàng không người qua lại. Nhưng nghe có tiếng động liên tục rất gần, dường như ngõ này song song với một dòng thác. Đó là tiếng ồn ào của tiếng người và xe cộ. Có lẽ bên kia bức tường đen có một đường phố to, chắc là phố chính của Xaothuak, một đầu nối với đường Cantoberi, một đầu nối vào cầu Luân Đôn.
Suốt cả chiều dài ngõ, ngoài đoàn người bao quanh Guynplên ra, nếu kẻ nào đứng rình cũng không thấy ai khác ngoài khuôn mặt nhìn nghiêng tái nhợt của Uyêcxuyt liều lĩnh và thập thò trong bóng tối nhá nhem của một góc tường, vừa nhìn vừa sợ bị trông thấy.
Ông ta đứng lấp vào một chỗ ngoặt của đường phố.
Phân đội tập trung trước cái cửa tò vò.
Guynplên đứng giữa, nhưng sau lưng lúc này là lão thiết trượng quan và cái gậy sắt của lão. Viên pháp quan định túc số nhấc cái búa lên, gõ ba tiếng.
Cái lỗ mở ra.
Viên pháp quan nói:
- Theo lệnh nhà vua.
Cánh cửa nặng nề bằng sắt và gỗ sồi xoay trên bản lề. Một lỗ hổng xanh nhợt và lạnh lùng hiện ra, y hệt một cửa hang. Một mái vòm rùng rợn kéo dài trong bóng tối. Uyêcxuyt trông thấy Guynplên biến mất vào đó.

5. NƠI HẮC ÁM

Lão thiết trượng quan bước theo sau Guynplên.
Đến viên pháp quan định túc số.
Rồi toàn phân đội.
Cánh cửa tò vò khép lại.
Tấm cửa lại nặng nề gắn khít vào khung đá, mà vẫn không thấy ai mở cũng không thấy ai đóng nó cả. Hình như then cửa tự động chạy vào lỗ chốt. Một số máy móc như thế, ngày xưa được sáng chế để thị uy, vẫn còn trong những nhà tù rất cổ. Có cửa mà không thấy người gác. Thành thử ngưỡng cửa nhà tù giống như ngưỡng cửa hầm mộ.
Cửa tò vò này là cái cửa thấp của nhà lao Xaothuak.
Trong toà nhà rêu phong long lở này, không có gì phản lại cái vẻ khiếm nhã vốn dĩ của một nhà tù.
Nhà ngục Xaothuak nguyên là một ngôi đền tà đạo, do người Cachiulan ngày xưa xây dựng cho Mogon tức những vị thần trước kia của người Anh, sau đó trở thành lâu đài của Ethelulfe và pháo đài của thánh Êđua, rồi lại được Giăng Vô thổ[53]nâng lên cương vị nhà tù năm 1199. Nhà ngục này thoạt đầu có một đường phố chạy ngang, cũng như ngục Sonôngxô bị một con sông chảy qua, trong một hay hai thế kỷ vẫn là một cái ghết[54], nghĩa là một cái cửa ô; sau đó bị xây bít lại. Ở Anh vẫn còn một số nhà tù kiểu ấy: chẳng hạn ở Luân Đôn có Niughêt; ở Cantoberi có Uextghêt, ở Êđimbua có Cononghêt. Ở Pháp, ngục Baxti lúc đầu cũng là một cái cửa.
Hầu hết những nhà ngục của Anh đều có bộ mặt như vậy, một bức tường to ở ngoài, bên trong một lô hầm tối. Không gì bi thảm hơn loại nhà tù gô-tic ấy. Nơi đây nhện và công lý chăng lưới ra, và John Howard, tia sáng ấy, chưa soi tới. Tất cả, cũng như cái địa ngục cổ xưa của Bruycxen, đều có thể gọi là Tơrơrembơ, nhà nước mắt.
Đứng trước những công trình xây dựng khắc nghiệt và dã man ấy, người ta hồi hộp lo âu như những nhà hàng hải ngày xưa trước những địa ngục nô lệ mà Plôtơ nói đến, những hòn đảo loảng xoảng tiếng sắt, ferricre- piditoeinsuloe, lúc họ đi qua khá gần có thể nghe thấy tiếng xiềng xích.
Nhà ngục Xaothuak, nơi chuyên diệt trừ tà ma và hành hạ ngày xưa, lúc đầu có các tay phù thủy, như hai câu thơ khắc trên tảng đá gần mờ hết bên trên cửa tò vò:
Sunt arreptitu vexati doemone multo
Est energumenus quem doemon possidet unus[55]
Hai câu thơ này phân định điểm khác biệt tế nhị giữa người bị ma ám và người bị quỷ ám.
Trên dòng ghi ký này, dấu hiệu của công lý tối cao, có một cái thang bằng đá đóng áp vào tường, xưa kia thang bằng gỗ, nhưng sau hoá thành đá vì bị chôn trong lớp đất hoá đá của nơi gọi là Axpli Gôvix, cạnh tu viện Vôboc.
Nhà ngục Xaothuak, ngày nay đã bị phá huỷ, nhìn ra hai đường phố. Ngày xưa, còn là ghết, nó vẫn là lối đi lại giữa hai phố và có hai cửa; nhìn ra phố to là cái cửa nghi lễ, dành cho các nhà chức trách, và nhìn ra ngõ hẹp là cái cửa xép, dành cho những người còn lại. Và cũng dành cho cả người chết; vì khi nào có tù chết trong ngục thì xác đi theo cửa ấy. Âu cũng là một sự giải thoát.
Chết tức là phóng thích cõi vô biên.
Guynplên vừa được đưa vào nhà tù qua cái cửa xép.
Như chúng tôi đã nói, cái ngõ con chỉ là một con đường nhỏ hẹp, rải sỏi, nằm ép giữa hai bức tường đối diện nhau. Loại phố như vậy ở Bruyexen có nơi gọi là phố một người. Hai bức tường không đồng đều, bức tường cao là nhà tù, bức tường thấp là nghĩa địa. Bức tường thấp này bao quanh bãi xác chết của nhà ngục, không cao hơn đầu người mấy tí. Một cái cửa, chọc thủng bức tường, gần như đối diện cửa tò vò nhà ngục. Người chết chỉ phải chịu khó bước qua con đường thôi. Chỉ cần men theo bức tường độ hai mươi bước là vào tới nghĩa địa. Bức tường cao, đặt áp một cái thang của giá treo cổ: trước mặt, trên bức tường thấp, khắc một hình đầu lâu. Bức tường bên này không làm vui được bức tường bên kia.

6. DƯỚI NHỮNG BỘ TÓC GIẢ NGÀY XƯA LÀ NHỮNG PHÁP QUAN NÀO?

Lúc ấy, giá có ai nhìn từ phía bên kia nhà tù, phía cửa tiền, thì thấy cái phố lớn của Xaothuak, và đã để ý đến một chiếc xe du lịch, đỗ trước cái cổng chính đồ sộ của nhà ngục, rất dễ nhận qua chỗ ngồi của chiếc xe mà ngày nay người ta quen gọi là xe ngựa mui trần hai bánh. Một vòng người tò mò vây quanh cỗ xe. Xe có chạm trổ huy hiệu, và người ta thấy một nhân vật bước xuống, đi vào nhà tù; quần chúng phỏng đoán có lẽ đấy là một pháp quan. Ở nước Anh, pháp quan thường là quí tộc và hầu như lúc nào cũng hưởng quyền có dũng sĩ theo hầu. Ở Pháp thì hầu như huy hiệu và áo thụng loại trừ nhau; công tước Xanh Ximông khi nói về pháp quan vẫn bảo: "những hạng người ấy". Ở nước Anh một nhà quí tộc không bao giờ mất danh giá vì làm pháp quan.
Ở nước Anh vẫn có pháp quan lưu động gọi là quan tuần du, và việc trông thấy một pháp quan đi công cán ngồi trong cỗ xe đó là chuyện bình thường. Nhưng kém bình thường hơn là nhân vật được xem như pháp quan lại bước xuống, không phải từ trong xe, mà từ khoang phía trước, vị trí không phải thường dành cho chủ nhân.
Điều đặc biệt khác: Ở Anh thời ấy có hai lối du lịch, bằng "xe khách" cứ năm dặm một senlinh, và bằng xe trạm phóng nước đại mỗi dặm mất ba xu và cứ mỗi trạm thêm bốn xu trả cho phu trạm. Một chiếc xe nhà, mà lại không muốn du lịch từng chặng, cứ mỗi đầu ngựa và mỗi dặm người cưỡi ngựa trạm phải trả bao nhiêu xu, thì nó phải trả bấy nhiêu senlinh: thế mà chiếc xe đỗ trước nhà ngục Xaothuak đóng những bốn ngựa và có hai phu trạm, một kiểu xa phí của bực vương giả. Cuối cùng để hoàn thành việc kích thích và đánh lạc hướng những chuyện phỏng đoán, chiếc xe còn được che chắn rất tỉ mỉ. Cửa hoành kéo lên. Cửa kính có cửa ván che kín; tất cả các lỗ hở mắt có thể nhìn qua đều bịt kỹ, từ bên ngoài không thể nhìn thấy gì ở trong, và có lẽ từ bên trong cũng không thể nhìn thấy gì ở ngoài. Hơn nữa chẳng có người nào trong xe cả.
Xaothuak nằm trong phạm vi Xơrê, nên nhà tù Xaothuak thuộc quyền quận trưởng Xơrê. Những quyền quản hạt riêng biệt như thế rất thường thấy ở nước Anh. Cho nên, chẳng hạn, tháp Luân Đôn[56] xem như chẳng nằm trong lãnh địa nào cả, nghĩa là về mặt pháp lý nó đứng chơ vơ giữa trời. Tháp chỉ công nhận quyền xét xử của quan cảnh sát của nó, gọi là custos turris. Tháp có quyền tài phán riêng. Quyền hạn của custos hay quan cảnh sát lan ra ngoài Luân Đôn đến hai mươi mốt hamlet, tạm dịch là thôn ấp. Vì ở nước Anh những đặc điểm pháp định thường dẫm đạp lên nhau nên chức vụ của người bắn đại bác nước Anh lại do Tháp Luân Đôn quyết định.
Có những tập tục pháp định khác dường như kỳ quặc hơn nữa. Cho nên toà án bộ tư lệnh hải quân nước Anh lại tham khảo và áp dụng luật pháp của Rôđơ và Ôlêrông (đảo của Pháp đã trở thành của Anh).
Quận trưởng một tỉnh rất quan trọng. Bao giờ ông ta cũng làm kỵ sĩ, và đôi khi là hiệp sĩ. Trong các hiến chương cũ, ông ta được phong spectabili "người ai cũng phải nhìn". Tước vị trung gian, giữa illustris clarissimus[57], kém chức trước, hơn chức sau. Ngày xưa quận trưởng lãnh địa do dân chúng lựa chọn, nhưng vì Êđua đệ Nhị và sau đó Hăngri VI dành quyền chỉ định cho nhà vua, các quận trưởng trở thành sản phẩm của nhà vua. Tất cả đều do nhà vua bổ nhiệm; từ quận trưởng Oextmorolen vốn cha truyền con nối, và các quận trưởng Luân Đôn và Mitdonxêc do phường hội trong Comonhôn bầu. Các quận trưởng xứ Galơ và xứ Sextơ được một số đặc quyền về thuế má. Tất cả những chức vụ ấy vẫn còn ở nước Anh nhưng bị suy tàn dần do cọ xát với các phong tục và tư tưởng, chúng không còn giữ bộ mặt như ngày xưa. Quận trưởng lãnh địa có nhiệm vụ hộ tống bảo vệ các "tuần du". Như con người có hai tay, ông ta cũng có hai viên chức, cánh tay phải, viên phó quận, và cánh tay trái, viên pháp quan định túc số. Viên pháp quan định túc số, được viên pháp quan trong đoàn một trăm người gọi là thiết trượng quan giúp việc, có trách nhiệm bắt giữ, xét hỏi và mọi trách nhiệm thuộc về quận trưởng, giam cầm bọn trộm cắp, giết người, làm loạn, du thủ du thực, và mọi kẻ phản nghịch, để chờ các quan tuần du xét xử. Chỗ khác biệt giữa phó quận và pháp quan định túc số chỉ tham dự.
Quận trưởng nắm giữ hai toà án, một toà án cố định và trung ương, toà contri-cortơ và toà án lưu động, toà Sêrip-tocn. Như vậy ông ta tượng trưng cho thống nhất và chia cắt. Với tư cách quan toà, trong các vấn đề tranh chấp ông ta được sự giúp đỡ và hướng dẫn của một viên đình lại đội mũ, gọi là sergens coi foe, vốn là một đình lại luật sư đội mũ vải trắng Cambrai, ngoài đội thêm mũ chỏm đen. Quận trưởng thanh lý các nhà tù ; lúc đến một thành phố của tỉnh, ông ta có quyền sơ bộ thải bớt tù nhân, điều này dẫn đến chỗ hoặc tha hẳn, hoặc treo cổ, tức là "giải toả nhà ngục"gaol deliver. Quận trưởng xuất trình giấy cáo tố cho hai mươi bốn vị bồi thẩm buộc tội, nếu tán thành họ phê lên trên billa vera[58]; nếu không tán thành họ phê ignoramus[59] ; thế là buộc tội bị huỷ bỏ và quận trưởng có đặc quyền xé giấy cáo tố. Nếu trong thời gian luận tội, một bồi thẩm chết, thế là theo pháp định bị can được trắng án và trở thành vô tội; quận trưởng đã có đặc quyền bắt giữ bị can hay có quyền tha bị can. Điều khiến ngươi ta đặc biệt quí trọng và sợ hãi quận trưởng là ông ta có nhiệm vụ thi hành tất cả mọi mệnh lệnh của nhà vua; phạm vi thật đáng sợ. Mặt chuyên chế nằm trong mấy chữ đó. Lớp viên chức gọi là vecdo và những vecdo và những coronơ thuộc đoàn tuỳ tùng của quận trưởng và lớp thư ký ngoài chỗ trợ lực cho lão quận trưởng còn có một đoàn tuỳ tùng rất oai vệ cưỡi ngựa và quân hầu đầy tớ. Sembơclên nói quận trưởng là "linh hồn của công lý, của Luật pháp và của Lãnh địa".
Ở nước Anh có một sức phá hoại kín đáo không ngừng nghiền nát, làm tan rã luật pháp và phong tục. Chúng ta cần nhấn mạnh là ngày nay cả quận trưởng, cả thiết trượng quan, cả pháp quan định túc số, không ai thi hành nhiệm vụ của mình như họ đã thi hành thời ấy. Ở nước Anh cũ, thường có đôi chút lẫn lộn về quyền hạn, và những chức năng không rõ rệt thường được giải quyết dẫm đạp lên nhau, một việc mà ngày nay không hề có. Tình trạng lẫn lộn giữa cảnh sát và công lý không còn nữa. Danh từ vẫn còn nhưng chức vụ đã thay đổi. Chúng tôi còn nghĩ rằng danh từ thiết trượng quan cũng đã thay đổi nghĩa. Trước kia nó có nghĩa một pháp quan, ngày nay có nghĩa một đơn vị lãnh thổ; trước kia nó chỉ rõ người trong đoàn một trăm, ngày nay nó chỉ rõ đơn vị tổng (centum).
Vả lại thời ấy quận trưởng lãnh địa bao gồm, hơn một tí kém một tí, và cô đúc trong quyền hạn của mình, vừa của nhà vua vừa của thành phố, cả hai pháp quan ngày xưa ở nước Pháp gọi là trung uý dân sự và trung uý cảnh sát. Tính chất trung uý dân sự của Pari được qui định khá rõ trong chỉ thị cảnh sát sau đây: "Người trung uý dân sự không bỏ qua những vụ cãi cọ gia đình vì việc cướp bóc luôn luôn thuộc về ông ta" (22 tháng bảy 1704). Còn trung uý cảnh sát, nhân vật gây lo ngại, vừa phức tạp vừa mơ hồ, được tóm tắt lại ở những điển hình tốt nhất là Ronê Acghenxân; theo lời Xanh Ximông, trên mặt ông này có đủ ba diêm thần một lúc.
Ba vị diêm thần này đã thấy tại Bisopghêt Luân Đôn.

7. RUN SỢ

Nghe tiếng cửa tò vò ken két đóng lại, Guynplên rùng cả mình. Nó cảm thấy cái cửa vừa đóng kín đó là cánh cửa giữa ánh sáng với u minh, một bên nhìn ra cảnh nhộn nhịp trần gian, một bên dần vào cõi chết, giờ đây tất cả mọi thứ được mặt trời soi sáng đều ở sau lưng, nó đã vượt qua biên giới của cái gọi là cuộc đời và đang đứng bên ngoài. Nó thấy trong lòng tê tái vô hạn. Người ta sắp làm gì nó đây? Tất cả những chuyện ấy nghĩa là thế nào?
Nó đang ở đâu?
Nó chẳng nhìn thấy gì xung quanh cả; nó đang đứng trong cảnh tối tăm mù mịt. Cánh cửa khép lại như bưng lấy mắt nó một lúc. Cửa thông gió cũng sập kín như cửa ra vào. Chẳng có cửa hầm, chẳng có đèn đóm. Đấy là một lối thận trọng của những thời xa xưa. Có lệnh cấm thắp sáng bên trong nhà ngục để kẻ mới đến khỏi nhận thấy gì cả.
Guynplên đưa tay ra, chạm vào tường bên phải và bên trái: nó đang đứng trong một hành lang. Dần dần ánh sáng hầm không biết từ đâu rịn rỉ tới, lơ lửng ở những nơi tối tăm, và con ngươi cũng giãn nở dần theo, khiến nó nhận thấy đây đó một đường nét, và hành lang lờ mờ hiện ra trước mắt nó.
Từ trước đến nay, chỉ thoáng thấy những cảnh khắc nghiệt của hình phạt qua những lời phóng đại của Uyêcxuyt nên Guynplên cảm thấy như một bàn tay rát to và đen tối tóm chặt. Bị sức mạnh vô hình của pháp luật nhào nặn quả thật hãi hùng. Dũng cảm trước tất cả mọi thứ, nhưng đứng trước công lý người ta cũng hốt hoảng. Vì sao? Vì công lý của con người chỉ như bóng hoàng hôn, mà quan toà thì luôn luôn lảng vảng ở đấy. Guynplên nhớ đến những lời Uyêcxuyt nói về việc cần phải im lặng: nó muốn gặp lại Đêa; trong hoàn cảnh của nó, có mặt tuỳ nghi hành định làm cho sáng tỏ lại làm xấu thêm. Tuy nhiên, về một mặt khác, câu chuyện này nặng nề quá khiến cuối cùng nó phải chịu thua, không thể không đặt một câu hỏi:
- Thưa các ngài, các ngài dẫn tôi đi đâu?
Không ai đáp lời nó cả.
Đây là luật bắt giữ thầm lặng, và văn bản Normăngđi rất rõ ràng:
A silentiarus ostio proepositis introducti sunt[60].
Thái độ im lặng đó khiến cho Guynplên ớn lạnh cả người. Từ trước đến nay nó vẫn nghĩ là nó mạnh: nó rất tự mãn; tự mãn tức là có quyền thế. Nó vẫn quen sống cách biệt, tưởng cách biệt là không ai chạm đến mình. Ấy thế mà đột nhiên nó tự cảm thấy bị đè nén bởi cái sức mạnh tập thể gớm guốc. Vùng vẫy thế nào với kẻ vô danh khủng khiếp này, với luật pháp bây giờ? Nó mất hết tinh thần trước điều bí ẩn. Một nỗi sợ hãi xa lạ đã tìm thấy chỗ yếu trên tấm áo giáp của nó. Lại thêm nó chưa được ngủ, chưa được ăn; nó chỉ mới khẽ chạm môi vào tách trà. Suốt đêm nó sống trong cảnh mê sảng, và vẫn còn thấy sốt hầm hập. Nó khát, có lẽ nó đói nữa. Dạ dầy khó chịu thì quấy rầy đủ mọi cách. Từ tối hôm qua nó gặp bao nhiêu sự cố dồn dập. Những cảm xúc đang giầy vò nó đang ủng hộ nó; không có phong ba, cánh buồm chỉ là mảnh giẻ rách mà gió thổi phồng đến rách toang ra. Nó lại cảm thấy đang ở trong người nó. Nó cảm thấy yếu dần.
Liệu nó có ngã lăn ra bất tỉnh trên nền đá lát không?
Ngất lịm là thủ đoạn của đàn bà và là sự nhục nhã của đàn ông. Nó cố lên gân, nhưng vẫn run rẩy.
Nó có cảm giác của một người hẫng chân.

8. RÊN SIẾT

Đoàn người bắt đầu cất bước.
Họ tiến tới, trong hành lang.  
Không có phòng lục sự sơ bộ nào cả. Chẳng có bàn giấy, chẳng có sổ sách gì hết. Nhà tù thời bấy giờ không nặng về giấy tờ. Chúng chỉ cần khép kín lại trước mặt anh, thường thường chẳng cần biết tại sao. Là nhà tù, và tù nhân, thế là đủ.
Đoàn người phải giãn dài và khuôn theo hình dáng hành lang. Hầu như họ đi theo hàng một; dẫn đầu là lão thiết trượng quan, tiếp đến Guynplên, rồi viên pháp quan định túc số, rồi đến cánh nhân viên cảnh sát đi thành khối và bịt kín hành lang sau lưng Guynplên như một cái nút đệm. Hành lang chật dần; lúc này hai khuỷu tay Guynplên chạm vào tường; cái vòm bằng bê- tông sỏi chốc chốc lại có chỗ nhô ra bằng đá hoa như muốn thắt ngang, phải cúi đầu mới qua được, trong hành lang không thể nào chạy nhanh; có trốn cũng buộc phải đi thong thả; con đường ống này lại ngoằn ngoèo; đã là lòng là ruột thì phải ngoắt ngoéo, lòng nhà tù cũng như ruột con người; đây đó lúc bên phải lúc bên trái có những chỗ cắt khoét trong tường, vuông vuông, và bịt kín bằng lưới sắt to, cho thấy những cầu thang, cái này đi lên, cái kia dẫn xuống. Đến một cái cửa đóng kín, tự động mở ra, đoàn người đi qua, cửa lại tự động khép lại. Sau đó gặp một cửa thứ hai, đoàn người đi qua, rồi một cửa thứ ba cũng xoay trên bản lề như thế. Nhưng cửa ấy đều như tự động mở tự động đóng. Chẳng thấy một bóng người nào cả, hành lang thắt lại, thì đồng thời vòm trần cũng thấp xuống; nền đá lát hành lang nhầy nhụa như lòng lợn. Cái mầu nhạt nhạt tù mù thay cho ánh sáng mỗi lúc lại thêm mờ đục; không khí ngột ngạt. Nhưng rùng rợn nhất là cứ phải đi xuống.
Phải chú ý mới nhận thấy là đang đi xuống, ở những chỗ tối, chỉ hơi dốc cũng đã ghê rợn rồi. Không gì đáng sợ bằng những chỗ tối tăm mà cứ phải lần theo những đường dốc khó thấy. Đi xuống tức là bước vào nơi lạ lẫm hãi hùng.
Đi như thế bao lâu? Guynplên cũng không biết nữa.
Qua cái máy cán đó. qua cảnh lo âu ấy, giây phút cứ dài ra vô tận.
Thình lình đoàn người đứng lại.
Bóng tối dày đặc.
Hành lang rộng ra đôi tí.
Guynplên bỗng nghe cạnh người một tiếng động mà chỉ tiếng phèng la của Tàu mới có thể cho ta được một ý niệm; y như một tiếng gõ vào vách ngăn của vực thẳm.
Chính viên thiết trượng quan vừa gõ cái gậy của y vào một tấm sắt.
Tấm sắt ấy là một cánh cửa.
Không phải một cánh cửa xoay, mà một cánh cửa sập. Gần như một cái bừa.
Bỗng có tiếng loạc soạc chói tai trong một đường rãnh, và trước mắt Guynplên vụt hiện ra một ô vuông sáng. Tấm sắt vừa được rút lên vào cái kẽ ở vòm trần như kiểu bẫy chuột. Một lỗ hổng hiện ra.
Không thể gọi đây là ánh sáng, nó là một thứ lờ mờ.
Nhưng đối với con ngươi giãn to của Guynplên, thứ ánh sáng nhạt nhạt và đột ngột đó thoạt tiên loé lên như một tia chớp.
Mất một lúc nó không trông thấy gì hết. Phân biệt trong ánh sáng chói loà cũng khó như trong đêm tối.
Rồi, từng tí một, con ngươi của nó thích ứng dần với ánh sáng cũng như đã thích ứng với bóng tối, cuối cùng nó phân biệt được rõ ràng, chút ánh sáng, lúc đầu tưởng như chói quá, dịu dần trong con ngươi của nó và trở lại nhợt nhạt ; nó đánh liều nhìn qua cái lỗ hổng toang hoác trước mặt, và điều nó nhận thấy thật là khủng khiếp.
Dưới chân nó, độ hai mươi bậc thang, cao, hẹp, nhẵn thín, gần như thẳng đứng, gần như không có tay vịn bên phải bên trái, một thứ mào đá y hệt mảng tường cắt xén thành cầu thang, đi vào và chui tuột xuống một cái hầm rất sâu, Chúng dẫn xuống tận dưới xa.
Hầm này tròn, vòm hình cung nhọn, thấp lè tè, vì không xây cuốn, tình trạng nứt nẻ thường thấy ở mọi hầm ngầm mà bên trên chồng chất những công trình rất nặng.
Chỗ cắt làm cửa mà tấm sắt vừa mở ra cho thấy, và nối vào cầu thang, được xén vào vòm trần, thành thử đứng từ chỗ cao đó mắt nhìn vào hầm như chúi xuống giếng.
Hầm rộng, và nếu là đáy giếng thì là đáy một cái giếng khổng lồ. Ý niệm và cái từ ngữ "trôn ngục" ngày xưa gợi nên chỉ có thể áp dụng cho cái hầm này với điều kiện phải hình dung một cái ngục nhốt sư tử hoặc hổ báo.
Hầm chẳng lát đá gạch gì hết. Nền là mặt đất ẩm ướt lạnh lẽo của những nơi sâu thẳm.
Giữa hầm, bốn cái cột thấp, dị hình, chống đỡ một cửa lớn hình cung nhọn nặng nề, bốn đường gân giao nhau ở trong cửa gần giống mặt trong mũ giám mục. Cái cửa to này, tương tự như những thánh đường dưới đó ngày xưa người ta để những quan tài đá, cao đến tận mái vòm, tạo thành một kiểu phòng trung tâm, nếu có thể gọi là phòng một khoảng trống bốn phía, và thay cho bốn bức tường là bốn cột trụ.
Giữa vòm lủng lẳng một chiếc đèn đồng, tròn và bịt lưới như cửa sổ nhà tù. Chiếc đèn này toả ra xung quanh, lên trên hàng cột, một ánh sáng trắng nhợt, với những vạch bóng cắt ngang- Chính thứ ánh sáng này đã làm loá mắt Guynplên lúc đầu. Bây giờ nó chỉ còn mầu đỏ hầu như tù mù.
Trong hầm chẳng còn thứ ánh sáng nào khác.
Không cửa sổ, không cửa ra vào, không cửa hầm.
Giữa bốn cột trụ, ngay dưới chiếc đèn, chỗ nhiều ánh sáng nhất, có một bóng trắng, khủng khiếp, dán sát trên mặt đất.
Hình bóng nằm ngửa. Người ta thấy một cái đầu với cặp mắt nhắm nghiền, một thân hình mà nửa trên biến mất dưới một đống gì đó nho nhỏ dị dạng, bốn chi dính vào thân theo hình chữ thập thánh Angđrê và kéo căng về hướng bốn cột trụ bằng bốn sợi xích buộc vào chân vào tay. Mỗi sợi xích bắt vào một vòng sắt ở chân cột. Hình hài đó nằm im trong tư thế tàn nhẫn của hình phạt xé xác, xám xịt giá lạnh như tử thi. Nó trần truồng; đó là một người đàn ông.
Guynplên sững sờ, đứng trên cầu thang, nhìn xuống.
Thình lình nó nghe có tiếng rên.
Thì ra cái xác vẫn còn sống.
Ngay cạnh bóng ma đó, trong một hình cung nhọn của cái cửa, hai bên chiếc ghế bành to đặt trên một tảng đá rộng, có hai người đứng, mặc áo thụng đen; ngồi trên chiếc ghế bành là một ông già mặc áo thụng đỏ, xanh mét, cứng đờ, hung ác, tay cầm một bó hoa hồng.
Một kẻ ngu dốt hơn Guynplên ắt cũng hiểu bó hoa hồng là thế nào.
Quyền xét xử với bó hoa trên tay tiêu biểu cho pháp quan vừa của nhà vua vừa của thành phố. Lãnh chúa - thị trưởng Luân Đôn vẫn xét xử như thế. Giúp đỡ các quan toà xét xử, đó là tác dụng của những cánh hồng đầu xuân.
Ông già ngồi trên ghế bành là viên quận trưởng lãnh địa Xorê.
Ông ta có cái cứng nhắc oai vệ của người La Mã trong cương  vị đế vương.
Chiếc ghế bành là chiếc ghế ngồi duy nhất trong hầm.
Bên cạnh chiếc ghế bành, có một cái bàn trên để đầy giấy tờ sổ sách, và chiếc đũa trắng dài của quận trưởng.
Đứng bên phải và bên trái viên quận trưởng là hai vị tiến sĩ, một y khoa, một luật khoa; ông này dễ nhận ra nhờ cái mũ đình lại luật sư trên bộ tóc giả. Cả hai đều không mặc áo thụng đen, một người mặc áo quan toà, một người mặc áo thầy thuốc. Hai loại người này để tang cho những người chết do họ tạo ra.
Sau lưng viên quận trưởng, ở mép cái bục của tảng đá ngồi thu lu một viên lục sự đội bộ tóc giả tròn; y có cạnh người, một cái nghiên để trên mặt nền, một tập hồ sơ bìa cứng để trên đầu gối và một tờ giấy da trên tập hồ sơ, tay y luôn luôn cầm bút trong tư thế một người luôn luôn sẵn sàng ghi chép.
Viên lục sự ấy gọi là lục sự giữ túi; điểm đó thấy rõ qua cái túi con để ở chân, trước mặt y. Những cái túi con ấy, ngày xưa vẫn dùng trong các phiên toà, được mệnh danh là "túi công lý".
Một người mặc toàn đồ da, khoanh tay đứng tựa lưng vào một cột trụ. Đó là một tên quân hầu của đao phủ.
Những người trên đây hình như đang mê say trong tư thế buồn thảm của họ, quanh con người bị xích. Không ai nhúc nhích, cũng không ai nói năng.
Trên toàn bộ cảnh tượng đó, một không khí bình tĩnh kỳ quái.
Trước mặt Guynplên là một cái hầm hình sự. Những loại hầm như thế ngày xưa đầy rẫy ở nước Anh. Hầm mộ nhà thờ Bôsăng Taoơ vẫn dùng vào việc ấy một thời gian rất lâu, cũng như hầm ngầm của Lôlar- Prizân. Có cái hầm gọi là "hầm mộ của Lêđi-Plêxơ" và ngày nay người ta có thấy ở Luân Đôn loại hầm như vậy. Trong cái phòng sau cùng này, có một cái lò sưởi khi cần.
Tất cả những nhà thờ thời vua Gion, ngục Xaothuak thuộc số đó, đều có hầm hình sự.
Những việc sau đây đều được thi hành rất thông thường ở nước Anh hồi ấy, và nói cho cùng, về mặt tố tụng hình sự, hiện nay vẫn có thể thi hành,vì tất cả luật lệ ấy vẫn tồn tại. Nước Anh hiến cho ta cái cảnh kỳ lạ của một bộ luật dã man sống rất hoà hợp với nền tự do. Phải công nhận đó là đôi vợ chồng tuyệt diệu.
Tuy nhiên đôi chút ngờ vực cũng không phải không đúng lúc. Nếu xảy ra một sự khủng hoảng, thì việc quay lại lối tra tấn cổ xưa không phải không thể có. Pháp chế nước Anh là một con hổ đã thuần. Nó có vẻ hiền lành nhưng vẫn còn đủ móng vuốt.
Cắt móng cho luật pháp là điều khôn ngoan.
Luật pháp hầu như không nghĩ đến quyền lợi. Một bên là hình phạt, một bên là nhân loại. Các triết gia phản đối; nhưng còn lâu trước khi công lý con người gắn liền được với công lý thực sự.
Tôn trọng luật pháp là châm ngôn của nước Anh. Ở Anh người ta tôn thờ các điều luật một cách quá đáng nên không bao giờ huỷ bỏ chúng. Một đạo luật già cứ việc tàn tạ như một bà già; nhưng không ai giết một bà già cũng như đạo luật già. Không thi hành chúng nữa, có thế thôi. Cho chúng tự do nghĩ rằng mình vẫn đẹp vẫn trẻ. Cứ mặc cho chúng mơ tưởng là mình vẫn tồn tại. Thứ lễ độ đó gọi là tinh thần tôn trọng.
Tập quán Normăngđi đã có nhiều nếp nhăn; thế mà khối quan toà nước Anh vẫn còn liếc mắt đưa tình với nó đấy. Người ta vẫn âu yếm bảo tồn một vật cổ xấu xí, nếu nó của xứ Normăngđi. Còn gì tàn bạo độc ác hơn cái giá treo cổ? Năm l867 người ta xử phạt một người đàn ông[61] chặt làm bốn mảnh để dâng cho người đàn bà, là nữ hoàng.
Vả lại ở Anh không hề có tra tấn. Sử sách vẫn nói như thế. Quý hoá thay tính chất chính trực vô tư của lịch sử.
Machiơ Oetminxtơ chứng nhận "luật pháp Xăcxơ rất nhân hậu và hiền lành" không xử tội nhân, và còn nói thêm: "Người ta chỉ cắt mũi, móc mắt, và xẻo bộ phận sinh dục" thế thôi.
Guynplên ngơ ngác ở đầu cầu thang, bắt đầu run bắn cả chân tay. Nó rợn cả người. Nó cố nhớ xem mình đã phạm tội gì. Tiếp theo cái im lặng của viên thiết trượng quan là hình ảnh một cực hình. Một bước tiến thực sự, nhưng một bước bi đát. Nó thấy điều bí ẩn tối tăm của luật pháp đang đè nặng lên người nó mỗi lúc lại thêm mù mịt.
Hình người nằm ở đất lại rên khừ khừ lần thứ hai.  Guynplên có cảm giác bị đẩy nhẹ vào vai.
Chính viên thiết trượng quan đẩy nó.  Guynplên hiểu là phải đi xuống.
Nó tuân lệnh.
Nó bước xuống cầu thang, từng bực từng bực một. Bực thang rất thấp, độ hai mươi nhăm phân. Lại thêm không có tay vịn, chỉ có thể bước xuống một cách thận trọng. Xuống theo Guynplên, cách sau hai bực, là viên thiết trượng quan giơ thẳng cây gậy sắt, và theo sau viên thiết trượng quan, cũng cách quãng như thế, là viên pháp quan định túc số.
Chân bước xuống những bực thang đó, mà trong lòng Guynplên cảm thấy tiêu tan hết hy vọng. Đúng là kiểu chết dần từng bước từng bước. Mỗi bực đi xuống lại làm tắt thêm chút ánh sáng le lói trong lòng nó. Mỗi lúc một tái nhợt, nó xuống hết cầu thang.
Con sâu quằn quại trên đất và bị xích vào bốn cột trụ lại tiếp tục rên hừ hừ.
Có tiếng trong bóng tối tù mù nói ra:
- Tiến gần lại.
Chính viên quận trưởng nói với Guynplên.
Guynplên bước lên một bước.
Gần nữa - tiếng đó bảo.
Guynplên bước thêm bước nữa.
Sát vào - viên quan quận trưởng lại nói.
Viên pháp quan định túc số khẽ rỉ vào tai Guynplên, nghiêm nghị đến nỗi tiếng thì thầm trở thành trịnh trọng
- Anh đang đứng trước ngài quận trưởng lãnh địa Xorê.
Guynplên tiến sát đến bên người bị hành hình nằm giữa hầm. Viên thiết trượng quan và viên pháp quan định túc số đứng lại, để cho Guynplên bước tới một mình.
Lúc Guynplên đến đứng dưới cửa, được nhìn tận mắt cái của khốn khổ mà từ nãy nó mới trông thấy từ xa, và lại là một người còn sống, nỗi ghê sợ của nó bỗng trở thành hãi hùng.
Con người bị xích trên mặt đất hoàn toàn trần truồng, chỉ có mỗi mảnh giẻ dơ dáng gớm guốc mà người ta có thể gọi là cái lá nho hình phạt; đây là cái succingulum  của người La Mã, cái christipanmus của người gô-tic, mà tiếng lóng xứ Gôlơ cổ xưa của chúng ta chuyển thành cripanhơ[62]. Chúa Giê-su, trần truồng trên cây thánh giá, chỉ có mảnh giẻ như thế.
Tội nhân rùng rợn mà Guynplên đang nhìn dường như quãng năm sáu mươi tuổi. Đầu hắn ta hói, râu bạc tua tủa ở cằm, hắn nhắm mắt, há mồm. Răng nhe cả ra. Bộ mặt hốc hác giơ xương  bên cạnh cái sọ người chết. Hai tay, hai chân nối liền bằng xích vào bốn trụ đá. Hợp thành một chữ X. Trên ngực và bụng, một tấm sắt mỏng, trên tấm sắt chất đống năm sáu tảng đá to. Tiếng rên hừ hừ của hắn. lúc như tiếng thở. lúc lại là tiếng rống.
Viên quận trưởng. vẫn không rời bó hoa hồng, đưa bàn tay còn lại cầm chiếc đũa trắng ở bàn, vừa đưa thẳng nó ra vừa nói:
- Theo lệnh nhà vua.
Đoạn ông ta đặt chiếc đũa xuống bàn.
Tiếp đó, thong thả như tiếng chuông nguyện, không một cử chỉ, cũng cứng nhắc như tội nhân, viên quan quận trưởng cất giọng nói:
- Hỡi con người bị xiềng xích kia, lần cuối cùng hãy nghe tiếng nói của công lý. Anh được lôi từ hầm tối ra và dẫn đến nhà ngục này. Anh được chất vấn đúng theo thủ tục formalus verbis pressus, không kể những văn kiện và thông báo đã đọc và sẽ đọc lại lần nữa cho anh nghe. Do có tư tưởng xấu xa và tà tâm, anh vẫn cố tình im lặng, không chịu trả lời quan toà. Đó là một thứ tự do đáng ghét, và trong số những hành vi đáng phạt hình cashlis, thì đó là tội ác và khinh tội về eversenesse.
Viên đình lại đội mũ đứng bên phải quận trưởng cắt lời và nói với giọng dửng dưng đượm một vẻ gì thật ảm đạm.
Overhernessa. Luật Anfrêt và Gôtrân. Chương sáu.
Viên quận trưởng nói tiếp:
- Điều luật được tất cả mọi người tôn kính, trừ những tên trộm cướp làm nhơ bẩn rừng rú là nơi hươu nai sinh đẻ.
Như tiếng chuông nọ nối tiếp tiếng chuông kia, viên đình lại nói:
- Qui faciunt vastum in foresta ubi damoe solent founinare[63]
- Kẻ nào không chịu trả lời pháp quan - viên quận trưởng nói - đáng nghi là phạm tất cả mọi tật xấu. Nó bị xem như có thể phạm toàn bộ điều ác.
Viên đình lại xen vào.
- Prodigus, devorator, prousus, salax, ruffianus, ebriosus, luxuriosus, simulator, consumptor patrimonu, elluo, ambro,et gluto[64]
 Mọi tật xấu - viên quận trưởng nói - tức là mọi tội lỗi. Kẻ nào không khai tí gì, kẻ ấy thú nhận tất cả. Kẻ nào im lặng trước các câu hỏi của quan toà, kẻ ấy rõ ràng nói dối và giết cha.
- Mendax et parricida - viên đình lại nói.
Viên quận trưởng tiếp:
Người kia, không ai được phép lẩn tránh và im lặng. Lối khuyết tịch giả dối gây một ung nhọt cho luật pháp. Nó giống như Điômeđơ làm thương tổn một nữ thần. Lầm lì trước công lý là một hình thức chống đối. Xúc phạm công lý tức là xúc phạm nhà vua. Không còn gì đáng ghét và liều lĩnh hơn. Kẻ nào lẩn tránh khẩu cung, kẻ đó đánh cắp chân lý. Luật pháp đã dự kiến đến chuyện đó. Đối với những trường hợp như vậy, người Anh thời nào cũng đều hưởng quyền hố huyệt, đinh ba và xiềng xích.
- Anglicana, charta[65] năm 1088 - viên đình lại nói.
Rồi vẫn cái vẻ trịnh trọng máy móc, hắn thêm:
- Ferrum, et fossam, et jurcas, com alus libertatibus[66]
Viên quận trưởng tiếp:
-Bởi vậy, người kia, vì anh không muốn từ bỏ thái độ im lặng, mặc dù trí óc hoàn toàn sáng suốt và hoàn toàn hiểu rõ công lý đòi hỏi anh điều gì, vì anh ngoan cố một cách quá quắt, lẽ ra anh phải bị tra khảo và theo qui định của luật hình sự, anh đã nếm mùi đau đớn của cái gọi là "hình phạt mạnh và cứng"[67]. Đây là những gì đã được áp dụng đối với anh. Luật pháp buộc tôi phải cho anh biết một cách xác thực. Anh đã được dẫn đến cái hầm ngầm này, anh đã bị lột bỏ hết quần áo, anh phải nằm trần truồng trên đất, hai tay hai chân xích căng ra bốn trụ của luật pháp, một tấm sắt đã được đè lên bụng anh, và người ta đã đặt lên người anh một lượng đá mà anh có thể chịu đựng được. "Và hơn nữa". Luật pháp nói.
- Plusque - viên đình lại xác định.
Viên quận trưởng tiếp tục:
Trong hoàn cảnh đó và trước khi kéo dài cuộc thử thách, anh đã được tôi, quận trưởng lãnh địa Xơre, nhiều lần khuyên bảo thúc giục trả lời và nên nói; anh vẫn ngoan cố im lặng như ác quỉ, mặc dù anh đã bị tra tấn, xiềng xích còng gông.
- Attachiamenta legalia[68] - viên đình lại nói.
- Do anh từ chối và lì lợm - lão quận trưởng nói - theo lẽ công bằng với ngoan cố của tội phạm, thử thách đã được tiếp tục đúng theo qui định của pháp lệnh và văn bản. Ngày thứ nhất người ta không cho anh uống, không cho anh ăn.
- Hoc est super jejunare[69] viên đình lại nói.
Im lặng một lúc, có tiếng thở rít lên nghe rất dễ sợ của con người nằm dưới đống đá.
Viên đình lại luật sư nốt nốt chỗ hắn ngắt quãng:
- Ađe augmentum abstimentioe ciborum dimiun- tione. Consuetudo britannica[70] điều năm trăm linh bốn.
Hai con người ấy, lão quận trưởng và viên đình lại cứ luân phiên nhau; không còn gì ảm đạm hơn cái không khí đơn điệu bất di bất dịch đó; giọng nói rùng rợn trả lời giọng nói nham hiểm: cứ như linh mục và trợ tế hình phạt, đang tiến hành buổi lễ tàn ác của luật pháp.
Lão quận trưởng lại bắt đầu:
- Ngày thứ nhất, người ta không cho anh uống, không cho anh ăn. Ngày thứ nhì người ta cho anh ăn mà không cho anh uống; người ta đã nhét vào mồm anh ba miếng bánh đại mạch. Ngày thứ ba người ta cho anh uống mà không cho anh ăn. Người ta đã rót vào mồm anh, ba lần, ba cốc, một chai nước múc ở cống nhà tù. Đã đến ngày thứ tư. Tức hôm nay. Bây giờ, nếu anh tiếp tục không trả lời, anh sẽ bị bỏ mặc cho đến khi chết. Công lý muốn như vậy.
Viên đình lại luôn luôn phụ hoạ, tán thành:
- Mors rei homagium est bonoe legi[71]
- Và trong lúc anh tự cảm thấy chết dần một cách thê thảm - lão quận trưởng lại tiếp tục - sẽ không một ai giúp đỡ anh, dù cho máu có trào ra khỏi họng, ra chân râu, ra kẽ nách và mọi lỗ hở trên người từ mồm đến hết thắt lưng.
- A throtebella -viên đình lại nói - et pabu et subhircis, et a grugno usque ad crupponum.
Lão quận trưởng tiếp tục.
- Người kia, hãy coi chừng. Vì hậu quả liên quan đến anh. Nếu anh từ bỏ thái độ im lặng đáng ghét của anh, và nếu anh thú nhận, anh sẽ chỉ bị treo cổ, và được hưởng melde feoh là một số tiền.
- Damnum cònitens - viên đình lại nói - habeat le melde feoh. Leges Inoe, chương hai mươi.
- Món tiền này - lão quận trưởng nhấn mạnh - sẽ trả cho anh bằng doitkins, suskins và galihalpens, trường hợp duy nhất loại tiền này có thể dùng được, theo lời văn đạo luật bãi bỏ, năm thứ ba triều Hăngri đệ Ngũ, và anh sẽ có quyền và được hưởng scortum ante mortem, sau đó sẽ bị thắt cổ trên giảo đài. Đó là những quyền lợi của việc thú nhận. Anh có đồng ý trả lời công lý không?
Lão quận trưởng im lặng và chờ đợi. Tội nhân vẫn không nhúc nhích.
Lão quận trưởng lại nói:
- Im lặng là nơi ẩn náu có nhiều nguy hiểm hơn giải thoát. Ngoan cố là hiểm độc và đáng bị đoạ đầy. Kẻ nào im lặng trước công lý là phản nghịch đối với nhà vua. Chớ có giữ thái độ bất phục tùng không hợp với đạo tôi trung đó. Hãy nghĩ đến chúa thương. Chớ có chống đối với nữ hoàng kiều diễm của chúng ta. Khi tôi nói với anh, anh hãy trả lời với nữ hoàng. Anh nên làm kẻ thần dân trung hậu.
Tội nhân thở khò khè.
o quận trưởng lại nói tiếp:
- Như vậy sau bảy mươi hai giờ đầu tiên thử thách, bây giờ chúng ta đang ở ngày thứ tư. Người kia, hôm nay là ngày quyết định. Luật pháp qui định việc đối chất vào ngày thứ tư.
Quarta die, frontem ad frontem ađuce - viên đình lại lầm bầm trong miệng.
- Luật pháp anh minh - lão quận trưởng lại nói - đã chọn giờ phút tối hậu này, để có được điều mà tổ tiên chúng ta gọi là "sự xét xử bằng cái lạnh chết người", vì đây là lúc con người được tin tưởng qua lời thú nhận có hay không của nó.
Viên đình lại luật sư lại nói:
Judicium pro frodmortell, quod homines cre- dendíint per suum  ya et per suumna. Hiến chương vua Ađenxtan. Tập một, trang một trăm bảy mươi ba.
Một lát chờ đợi, rồi lão quận trưởng cúi mặt nghiêm nghị về phía tội nhân.
- Hỡi con người nằm ở đất kia.
Lão dừng lại một tí.
- Người kia - hắn quát to - anh có nghe ta nói không?
Người kia không nhúc nhích.
- Nhân danh pháp luật - lão quận trưởng nói - anh hãy mở mắt ra.
Mí mắt người kia vẫn nhắm nghiền.
Lão quận trưởng ngoảnh về phía người thầy thuốc đứng bên trái.
- Bác sĩ khám nghiệm xem.
- Probe, da diagnóticum - viên đình lại nói.
Lão thầy thuốc bước xuống thềm, cứng nhắc, oai nghiêm, tiến đến gần người kia, cúi xuống, ghé tai cạnh mồm tội nhân, bắt mạch cổ tay, nách và đùi, rồi ngẩng lên.
- Thế nào? - lão quận trưởng hỏi.
- Nó vẫn nghe được - lão thầy thuốc nói.
- Nó có nhìn thấy không - lão quận trưởng hỏi.
Lão thầy thuốc đáp:  - Nó có thể nhìn thấy.
Theo lệnh của lão quận trưởng, viên pháp quan định túc số và viên thiết trượng quan tiến lên. Viên thiết trượng quan đứng cạnh đầu tội nhân; viên pháp quan định túc số dừng lại sau lưng Guynplên.
Lão thầy thuốc lùi lại một bước giữa hàng cột trụ.
Đúng lúc ấy, lão quận trưởng nâng bó hoa hồng lên như một linh mục nâng cây ngù rảy nước thánh, cao giọng gọi tội nhân và trở nên hung dữ:
- Hỡi con người khốn khổ kia, hãy nói lên! luật pháp yêu cầu người trước khi tuyệt diệt ngươi. Ngươi muốn làm ra vẻ câm, nhưng hay ngẫm đến nấm mồ câm lặng; ngươi muốn làm ra vẻ điếc, nhưng hãy ngẫm đến kiếp đoạ đầy cũng điếc đặc. Hãy nghĩ đến cái chết, nó còn ghê rợn hơn ngươi. Hãy suy nghĩ kỹ đi, người sắp bị bỏ mặc trong hầm tối này. Hỡi con người đồng loại của ta, hãy lắng tai mà nghe, vì ta cũng là một con người! Hỡi người anh em, hãy lắng tai mà nghe vì ta là kẻ có đạo! Hỡi đứa con của ta, hãy lắng tai mà nghe vì ta là một người già! Hãy coi chừng ta, vì ta nắm trong tay đau khổ của người, và lát nữa ta sẽ rất khủng khiếp. Sự khủng khiếp của luật pháp tạo nên vẻ uy nghiêm của quan toà. Hãy ngẫm đến việc chúng ta cũng run sợ trước mắt ta. Quyền uy của chính ta khiến ta kinh ngạc. Chớ có đẩy ta đến chỗ cùng đường. Ta cảm thấy ta đầy độc ác thiêng liêng của trừng phạt. Hỡi kẻ bất hạnh, đối với công lý cần phải có lòng sợ hãi thực sự và thích đáng, và hãy vâng lời ta. Giờ phút đối chất đã đến, và ngươi phải trả lời. Chớ có ngoan cố chống đối lại. Chớ có đi vào chỗ vô phương cứu gỡ. Hãy nhớ rằng việc kết liễu thuộc quyền của ta. Hỡi các tử thi đã bắt đầu, hãy lắng nghe đây! Nếu người không muốn thở hắt ra tại đây hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, và ngắc ngoải kéo dài một cảnh hấp hối khủng khiếp đói khát, đầy cứt đái, dưới những tảng đá nặng kia, một mình trong hầm ngầm này, không ai dòm ngó, bị lãng quên, bị thủ tiêu, mặc cho  chuột nhấm lon[72] ăn, bị những con vật trong tối gặm cắn, trong lúc mọi người đi đi, lại lại, mua mua, bán bán, và xe cộ rầm rập lăn bánh ở đường phố trên đầu ngươi, trừ phi người không thích rên siết luôn mồm trong chốn tận cùng tuyệt vọng này, nghiến răng, khóc lóc, nguyền rủa, không có lấy một thầy thuốc để xoa dịu những vết thương, không có lấy một linh mục để ban cốc rượu thánh cho linh hồn người; ôi trừ phi người không muốn cảm thấy từ từ nẩy nở trên môi người lớp bọt rùng rợn của mộ địa, ôi! ta khẩn nài ngươi, ta van xin ngươi, hãy nghe ta! Ta kêu gọi ngươi hãy tự cứu lấy mình, hãy thương lấy bản thân, hãy làm những điều người ta đòi hỏi ngươi, hãy chịu khuất phục công lý, vâng lời, ngoảnh mặt lại, mở mắt ra, và nói xem ngươi có biết người này không.
Người bị tra tấn không ngoảnh đầu lại, cũng không mở mắt ra.
Lão quận trưởng lần lượt đưa mắt cho viên pháp quan định túc số và cho viên thiết trượng quan.
Viên pháp quan định túc số liền nhấc mũ và bỏ áo khoác của Guynplên ra, nắm lấy vai nó, xoay cho nó nhìn thẳng vào ánh đèn, về phía người bị xích. Khuôn mặt Guynplên nổi bật trong bóng tối, với tất cả đường nét quái đản, hoàn toàn sáng rõ.
Cùng một lúc, viên thiết trượng quan cúi  xuống, nắm lấy thái dương người bị tra tấn giữa hai bàn tay, xoay cái đầu bất động về phía Guynplên, rồi bằng hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ mở banh những mí mắt nhắm nghiền. Đôi mắt hung dữ của người kia hiện ra.
Tội nhân trông thấy Guynplên.
Thế là, tự ngóc đầu lên và mở thật to mí mắt, hắn nhìn Guynplên.
Hắn rung bần bật như một con người có thể rung khi có một quả núi trên ngực, và hét to:
- Chính nó! Phải! Chính nó.
Và khủng khiếp, hắn bật cười ha hả - Chính nó - hắn nhắc lại.
Rồi mặc cho đầu đập xuống đất, hắn nhắm mắt lại.
- Lục sư, viết đi - lão quận trưởng nói.
Guynplên, tuy là rụng rời, cho đến lúc ấy vẫn tỏ thái độ gần như bình tĩnh. Tiếng hét của người bị tra tấn; Chính nó! Làm nó thảng thốt. Tiếng: Lục sự, viết đi làm nó lạnh toát cả.  Hình như nó chợt hiểu ra có một kẻ khốn kiếp đang lôi kéo nó vào số kiếp của hắn, mà nó, Guynplên, nó không thể đoán được tại sao, rằng lời thú nhận không hiểu nổi của người kia đang khép lại trên người nó như chiếc bản lề gông. Nó hình dung người kia với nó bị xích chung vào một đài bêu tù hai cột song song. Guynplên hẫng chân trong cảnh hốt hoảng này, và cố vùng vẫy. Nó ấp úng mấy câu rời rạc, hoang mang cực độ một cách ngây thơ và, run rẩy, hãi hùng, cuống cuồng, kêu lên mấy tiếng nó chợt nghĩ ra cùng tất cả những tiếng lo âu, có vẻ như những viên đạn vô nghĩa.
- Không đúng! Không phải tôi! Tôi không biết người này. Nó không thể biết tôi vì tôi không biết nó. Tối nay tôi sắp có buổi biểu diễn. Người ta muốn gì tôi? Tôi yêu cầu trả tự do lại cho tôi. Như thế cũng vẫn chưa hết, tại sao người ta lại dẫn tôi vào cái hầm này. Thế ra không còn luật pháp gì nữa cả. Thưa quí toà, tôi xin nhắc lại, không phải tôi? Ai muốn nói gì thì nói. Tôi vẫn vô tội. Tôi biết rõ như thế. Tôi muốn ra khỏi đây. Thế này là không đúng. Giữa người này với tôi không có chút liên quan gì hết. Người ta có thể điều tra. Cuộc sống của tôi chẳng phải là một cái gì che dấu cả. Người ta đến bắt tôi như bắt một tên ăn trộm. Tại sao lại thế? Tên kia, tôi có biết bắn là ai đâu? Tôi là một thằng bé lang thang, làm trò trong những ngày phiên và ở các chợ. Tôi là Thằng Cười. Có khá nhiều người đến xem tôi. Chúng tôi đóng tại cánh đồng Tarinhzô. Tôi vẫn sinh sống lương thiện mười lăm năm nay. Tôi hai mươi lăm tuổi. Tôi ở tại quán rượu Tacaxtơ. Tôi tên là Guynplên. Thưa quí tòa, quí toà làm phúc cho tôi ra khỏi đây. Xin đừng lạm dụng cảnh thấp hèn của những kẻ khốn khổ, xin quí toà rủ lòng thương xót một người không hề làm gì sai trái, và không được ai che chở, không được ai bảo vệ. Trước mặt quí toà là một thằng múa rối đáng thương.
- Trước mắt tôi - lão quận trưởng nói - là huân tước Fermên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvin kiêm hầu tước Corlêo ở Xixin, nguyên lão Anh quốc.
Rồi vừa đứng dậy, vừa bỏ chiếc ghế bành của mình cho Guynplên, lão quận trưởng nói tiếp:
- Thưa huân tước, xin ngài hãy hạ cố ngồi xuống.
-------
[33] Ađônix (Adonis): Một vị thần trong thần thoại Hi Lạp nối tiếng đẹp trai.
[34] Nhafrông (Grafron) một anh thợ khâu giày trong các kịch rối.
[35] Antinôux (Antinolis): một thanh niên xứ Bitini, nổi tiếng đẹp trai.
[36] Giuypite (Jupite): thần 1ớn nhất trong thần thoại Hi Lạp.
[37] Apôlông (Apollon): thần Mặt trời.
[38] (Mèduse): theo thần thoại Hy Lạp, là một nữ quái có mái tóc rất đẹp, nhưng vì xúc phạm thần Minecvơ nên bị Minecvơ hoá phép phạt. Mặt Mêduydơ thành xấu xí, mỗi sợi tóc thành một con rắn, mắt nhìn ai thì người đó hoá đá.
[39] Tiếng La tinh - công lý thầm lặng.
[40] Tiếng La tinh - khi người ta ra lệnh cho mày đi ra thì hãy đứng dậy.
[41] Định túc số (Quorum): số hội viên được tối thiểu qui định để hội nghị họp, thảo luận và quuyết nghị được hợp lệ.
[42] Tiếng La linh: pháp luật, nhà vua.
[43] Habeas corpus: Tên một đao luật ra xưa ở nước Anh. Buộc phải đưa người bị bắt ra pháp đình để xét xử xem người ấy quả có tội hay không.
[44] Giuyxtiniêng (Justinien) hoàng đế phương Đông từ năm 527 đến năm 565.
[45] Chó sủa, đội trưởng im lặng - xử sự như đội trưởng cũng là im lặng.
[46] Hoàng đế làm thinh.
[47] Chúng ta có nhiều đội trưởng, họ cứ im lặng là sẽ thành đội trưởng.
[48] Phong tục cũ Normăngđi,. MS. Phần I, mục I, chương II.
[49] Trong hiến chương của Luy Hutin cho người Normăng (Luy VII).
[50] Đội trưởng cầrn đũa sắt (nay là thừa phát lại)
[51] Mixtêkơ (Mistake) tiếng Anh.
[52] Dogs and boys (tiếng Anh): chó và trẻ con.
[53] Giăng Vô thổ (Jean San Terre), sinh năm 1167, làm vua nước Anh từ năm 1199 đến 1216. Vì bố đã chia hết đất đai cho các con đầu lúc ông còn bé, nên ông được mệnh danh như thế.)
[54] Ghêt(Gate, tiếng Anh): cửa có song sắt.
[55] Tiếng la tinh: Người ma ám, giãy giụa trong địa ngục đầy ma. Người quỉ ám, chỉ có một quỉ quấy rầy.
[56] Tháp Luân Đôn (Tuor de Londres): nhà tù chính của nước Anh thời ấy.
[57] Danh tiếng và rất tôn kính.
[58] Dự án nói đúng.
[59] Chúng tôi không biết.
[60] Tiếng Latinh: Họ bị các quan chức giữ trật tự dẫn đến cửa
[61] Ám chỉ Bruke, đảng viên một đảng cách mạng thành lập năm 1861, chủ trương tách xé lêclăng khỏi sự đô hộ của nước Anh. Hiện nay là đảng Sin Fêin đã dành được độc lập cho lêclăng năm 1937.
[62] Cripanhơ (Cripagne): cái khố.
[63] Viên đình lại nhắc lại bằng tiếng La- tinh lời quận trưởng đã nói ở trên.
[64] Hoang phí, phàm ăn, vô độ, dâm đãng, ma cô, nghiện rượu, hoang dâm, nói dối, phá gia chi tử, hư ăn. nếm rượu và tham ăn.
[65] Hiến chương nước Anh.
[66] Xiềng xích. hố huyệt và đinh ba, cùng các quyền khác.
[67] Khắc nghiệt và cứng rắn.
[68] Các loại xiềng xích hợp pháp.
[69] Đây là những hình phạt nhịn ăn cao nhất
[70] Thêm việc tăng nhịn vào việc giảm thức ăn. Phong tục nước Anh.
[71] Cái chết của bị cáo là một sự tôn kính đối với pháp luật công bình. đối với pháp luật tốt.