Phần II
Chương 15
TIẾNG VỌNG MÙA XUÂN
I

    
óng nàng từ xa lại. Đúng là người con gái ấy! Đúng là người đàn bà ấy! may mà chàng đã ngồi xuống một các trụ gạch, chiếc áo mưa gấp gọn để bên. Tuy ngồi khá vững trên mặt phẳng trụ gạch mà khi vừa thoáng thấy bóng Vân từ xa đi lại, Kha còn thấy lao đao. Một cảm giác nửa như lo lắng nửa như rộn ràng, bầu không khí xung quanh bỗng hoang vắng hẳn và làn gió thổi tới như đôi cánh mênh mông của loài chim lạ,  mơ hổ cuốn theo cả những bóng cây từ xa lại.
Kha khoanh tay nhìn Vân, nụ cười ngưng đọng hẳn trên môi, nhưng là một sự ngưng đọng bàng hoàng như bóng chiều vừa tới lúc chập choạng.
Anh đợi em đã lâu chưa?
Lâu rồi  em ạ.
Kìa, anh bỏ quên áo mưa.
À nhỉ.
Đôi lời vấn đáp đó đem lại niềm rung động ấm áp cho hai tâm hồn.
Từ ngày gặp lại nàng ở Hà Nội, chàng khao khát bao nhiêu những giây phút gần gũi như thế này, rõ ràng nàng cố tình lẩn tránh, vậy mà khi chàng xuống Hải Phòng chuẩn bị ngày mai di cư vào Nam thì tự nhiên nàng suất hiện bất ngờ… chính nàng cho hẹn nơi Cầu Ngự lộng gió và lấp loáng ánh sông này. Chàng đương đi vào một giấc mộng đẹp vô ngần, chàng vừa cảm thấy lâng lâng vừa cảm thấy bứt rứt.
Em đói!- nàng nói.
“Hạnh phúc lớn quá- Kha nghĩ thầm chúng ta hãy đi ăn là phải”. và chàng mỉm cười khẽ gật đầu:
Anh cũng đói để anh đưa em đi. Dời Cầu Ngự chúng ta theo phố Cầu Đất một quãng, rồi rẽ vào phố Khách bên tay mặt, ở đấy có hai hiệu ăn lớn của Tàu, anh sẽ gọi món cua bể sào chua ngọt đặc biệt em ăn.
Anh có vẻ thạo lắm nhỉ.
Lúc đó Kha thấy trí mình sáng suốt lạ, chàng nắm lấy tay Vân, hai người đi về ngả có nhiều ánh sáng. Cả hai cùng như vừa bắt đầu gặp niểm vui tuổi thơ khi bước vào tiệm ăn sạch sẽ, lịch sự, thoang thoảng mùi hào nấu. Họ đều thấy đói. Kha chọn một bàn ở vào góc khuất; người hầu sáng tới, chàng com- măng thức ăn.
Từ Hà Nội xuống Hải Phòng tìm anh, đi nửa đường em mới sực nhớ mình chỉ còn rất ít tiền Đông”.
Anh có thừa tiền cho chúng ta tiêu…
Kha muốn nói tiếp nhưng không biết tiếp sao vì chàng vẫn chưa biết Vân xuống Hải Phòng làm gì, ở đến bao giờ, có ý định di cư vào Nam không. Chắc là không rồi, vì nếu có thì…
Bác không cùng em xuống đây sao?
Mẹ em đã qua cơn nguy kịch, bắt đầu ăn giả bữa, người chờ bình phục hẳn để còn lên đồn điền Phú Thọ cải táng cho ba me.
Ngừng một phút nàng tiếp:
Em đã viết thư cho anh Hãng bên Pháp, gửi đi ngay trưa nay ở đây.
Trong đó em viết gì?
Em viết theo lời mẹ em bảo là anh Hãng ở Pháp cứ việc về Nam, có thể mẹ em cải táng cho ba em rồi vào kịp.
Thế còn em, em xuống đấy rồi lại lên Hà Nội?
Thì mẹ em còn ở trên ấy!
Chàng chỉ cần biết vậy, chàng không muốn hỏi thêm để nàng phải trả lời dựa dẫm hay nói dối. Chàng không muốn hỏi thêm để biết thời gian hạnh phúc chàng được sống bên nàng là bao ngày, biết trước làm gì, nên giữ bất ngờ là hơn. Thú hồi hộp được sống bên nàng, giây thần kinh căng thẳng, niềm vui tận hưởng nguy nga từng giây phút, cho đến ngày nàng ngỏ lời từ biệt trở lại miền Cộng sản tiếp thu…
Đĩa cua bể sào chua ngọt đã mang lại bốc khói thơm phức.
Ăn đi em- chàng nói- món này phải” sai năm quân” ăn mới thú.
Nàng đã bắt đầu ăn và hỏi chàng:
Tiệm ăn lớn mà sao vắng thế này anh?
Người Hải Phòng bắt đầu di cư nhiều vào Nam, nếu ngày ngày em có dạo qua các phố Đông Kinh, Ngõ Ngang Hàng Cháo, Chợ Sắt, em đã thấy nhiều hiệu lớn cửa đóng im ỉm, đó là chủ nhân đã đi, hoặc đương cùng gia đình sửa soạn đi. Có lẽ vui nhất và cũng buồn nhất là cảnh chợ giời họp ở bên hồ Thiên Cuông, Hà Nội, đủ cả radio, bàn ghế, giường tủ, bát đĩa sứ, sách… Nhà cửa đáng giá bạc triệu, ra đi bán rẻ chừng ba bốn vạn. Kẻ quyết tâm ở lại thì mua rẻ mọi thứ của kẻ quyết tâm ra đi; mua nhà, mua xe hơi, mua đồ đạc…Như vậy em bảo tiệm ăn đông vui như xưa sao được? Còn những người dân từ các ngả Hà Nội, Hưng Yên, Kiến An, đồ về đây thì tập trung cả ở những trại tiếp cư, hay ở tòa Thị Chính, ai còn lòng dạ nào hẹn hò nhau ở Cầu Ngự và đưa nhau đi ăn tiệm như anh và em thế này.
Chàng và nàng cùng cười.
Thật là một giấc mộng- Kha nghĩ- ta đương sống lâng lâng trong một giấc mộng tuyệt vời, bên người yêu cũ, người yêu thở dài ban đầu.
Em uống vang đi chứ- chàng nói
Anh thích uống vang lắm hả- nàng hỏi
Nói là anh thích uống vang thì không đúng hẳn.
Như vậy là sao?
Anh thích cái ly pha lê cao chân như thế này, anh thích màu vàng đỏ sóng sánh trong ánh pha lê như thế này, anh không uống vang, anh uống cái đẹp.
Chàng nhìn nàng, thứ nhìn say mê dìu dịu, hai nụ cười giao thoa. “ Anh ấy ưa nói thật và sự thật của anh bao giờ cũng quyến rũ như vậy”- Vân nghĩ thầm.
À quên, anh chưa hỏi em hiện nay ở đâu?
Lát nữa anh đưa em về!
Biết rằng nàng ở phố nào, ở nhờ nhà ai, căn phòng ra sao? Một sự bí mật nhẹ nhàng bao phủ lấy lời nàng nói, lấy tia mắt nàng nhìn, lấy nụ cười thoáng hiện. Kha chẳng muốn hỏi thêm.
Hôm nay có lúc nào em qua Tòa Thị Chính?
Có, vào lúc mười một giờ, ngay sau khi vừa gặp anh ở đằng nhà.
Em thấy gì?
Đông lắm, dân chúng đông lắm.
Em có biết họ đến làm gì không?
Em không rõ.
Họ đến xem đã có tên họ trong bảng danh sách di cư vào Nam chưa để còn lĩnh vé, lĩnh vé hôm trước, hôm sau đi liền.
Phần nhiều đi bằng đường thủy phải không anh?
Cả hai, ai muốn di cư bằng đường hàng không thì tập trung một nơi riêng, sẽ có xe đưa tới sân bay Cát Bi.
Đôi mắt Vân thoáng buồn. Trong cùng thẳm tâm hồn, nàng cảm như có trận mưa nào đổ xuống một vùng đất đai khô cằn. Tiếng Kha hỏi:
Em xuống đây vẫn bằng chuyến tàu suốt, ngừng lại ở ga giáp giới thuộc Hải Dương?
Vâng, ga Phú Thái!
Chắc nơi đó vẫn biểu diễn tấn bi hài thường xuyên: cán bộ khám dân chúng?
Giọng Kha có vương chút căm hờn tuy đã gia công đè nén, chút căm hờn đó tan đi rất nhanh chóng, biến thể thành tính chất mỉa mai nhẹ nhàng. Vân đáp:
Vân vẫn vậy.
- Tha hồ dân chúng văng tục, chửi, mà cán bộ vẫn tươi cười vẫn ngọt ngào như không. Họ tưởng như vậy là biểu lộ tinh thần kỷ luật, tinh thần thắng kỷ của Đảng, họ lầm lớn, dân chúng càng tởm họ là giống người máy vô tri giác rợn người. Nghe người ta thuật lại nhiều chuyện bỉ ổi về sự khám xét của cán bộ VẸM ở ga Phú Thái này, một hôm anh mua vé ngược Hải Dương quan sát một chuyến. Anh tới vừa kịp lúc chứng kiến cảnh các bà cứ khỏa thân như vậy trong phòng khám mà ra. Có bà ngồi xuống tiểu tiện đã rồi mới đứng dậy bận quần áo vào, có bà xoay đủ một vòng, nghễu nghện hai bầu vú nuôi con rồi mới bận áo. Các bà ấy là những người cực kỳ thông minh và biết trọng nhân phẩm lắm em àh. Anh thấy hàng bao nhiêu tấn giấy tờ của người trí thức quốc gia viết ra để chống đối Cộng sản không nặng bằng một đồng cân so với cái cử chỉ vừa khôi hài vừa thâm trầm chua chát của cuộc khỏa thân tập thể như vậy. Tất cả những người đàn ông quốc gia (cũng vừa bị khám ra) cúi đầu im lặng nặng nề, chỉ còn nụ cười của người cán bộ. Trên cái nền khỏa thân của các bà, nụ cười đó quả đã được bóc trần đến chất lõi máy móc vô nhân của nó.
Kha ngừng nói, có lẽ là hơi hối vì giọng điệu đượm nhiều gay gắt, Vân cúi đầu nghĩ đến cái chết của cha nàng, nghĩ đến mẹ nàng một đời vất vả chăm nuôi lũ con, rồi nhỏ lệ cho cái chết oan khiên của cha nàng, rồi những ngày bệnh tình gần đây, Vân nhớ lại kỷ niệm những ngày ở đồn điền Phú Thọ bên cha, mẹ, anh, em, nàng nhớ đến những thửa mầu dưới nắng hè rực rỡ, nàng nhớ đến những khoảng rừng hoang vu mà những đám mây trắng nõn như biết dừng lại để soi mình xuống vùng xanh loang loáng mênh mông và câm lặng đó. Nàng nghĩ đến sau ngày cưới của nàng hai tuần lễ thì Kha chợt xuất hiện, chàng dời khỏi Trung Đoàn Thủ Đô đến tìm nàng tại đồn điền. Lúc đó còn e lệ nỗi gì, nàng gục mặt lên đầu gối nức nở:” Thời tao loạn em còn biết nghĩ gì? Sao anh không về trước đây nửa tháng, em vẫn còn kịp phản đối lễ cưới…”
Kha đã đưa tay sang chấm nước mắt cho nàng bằng chiếc mùi xoa. Ồ, mãi nghĩ về dĩ vãng nàng khóc lúc nào. Tiệm ăn vắng tanh, chỉ còn chàng với nàng. Kha vẫy hầu sáng, bảo tính tiền. Khi đi ra chàng lại quên áo mưa, Vân lượm lấy đưa cho chàng và nói:
Anh hãy còn tính hay quên như ngày xưa.
Kha hơi nheo mắt nhìn nàng, ngày xưa xa xôi quá chẳng hiểu chàng hay quên ra sao. Ra ngoài đường phố, sương đêm lạnh, chàng tung áo mưa ra khoác cho cả hai. Nàng im lặng vẫn bước đều nhưng thân hình nép gọn bên vai chàng, trong vòng tay chàng và dưới làn áo mưa. Từ sau đêm xuân trác tuyệt năm nào chàng và nàng ôm hôn nhau lần đầu tiên say điên như bị nhào cuốn trong cơn lốc vũ trụ, thì đây là lần thứ hai hình hài hai người chạm sát nhau.
Im lặng làm chàng xao xuyến nao nao, chàng sợ xao xuyến và chàng cất tiếng hỏi trong khi hơi ấm cơ thể nàng đã thấm sang cánh tay quàng:
Em về lối nào?
Chúng mình về lối Lạch Tray.
Ủa thế là trên đường từ phố Cầu Đất ra Đồ Sơn?
Vâng.
Khoảng đó toàn villa đẹp.
Vâng, bạn em đã đưa em mượn chìa khóa đây.
Bạn em có đây?
Không, bạn em ở Hà Nội.
Có một mình em ở villa đó?
Vân ngừng lại ngượng ngập giây lâu mới đáp:
Vâng!
Kha không hiểu sao nàng lại được bạn trao cho mượn chìa khóa.
Sao sáng nay em lại hẹn anh đợi ở cầu Ngự, ngược hẳn với chiều em ở?
Em hẹn anh đợi em ở cầu Ngự vì trước đây lâu lắm em có theo ba xuống Hải Phòng và được ba đưa ra cầu Ngự ngắm cảnh sông hóng gió mát.
Em muốn anh đưa em về bằng xe, hay cứ thế này đi bộ về?
Cứ thế này đi bộ về anh ạ.
Chàng hỏi như thể đưa nàng về rồi vào ở luôn với nàng, nàng trả lời cũng chẳng hề có ý sẽ khép cửa tạm biệt khi chàng đưa tới nhà. Hai người đã tới Phố Cầu Đất, đường phố thênh thang, các cửa hàng nouveautés  bán đồ trang điểm của các bà đã đóng cửa. Bóng hai đầu chụm lại, hai thân mình nép dưới áo mưa đi trên con đường thăm thẳm hướng ra biển thật đẹp. Biển, không trông thấy, nhưng hai bóng nhỏ đó đem lại ý nghĩa mênh mông cho biển, Kha và Vân thỉnh thoảng vẫn có lời đàm thoại, đều là câu hỏi và câu trả lời không quan trọng, họ nói cho có chuyện nhưng tiếng nàng cười khẽ nồng nàng ân tình. Khi còn ngồi đối diện trong tiệm ăn, chàng có nhìn Vân nhưng ý thức lơ là, giờ đây chàng nhìn thẳng về phía trước và ôn lại trong trí hình ảnh nàng; mỗi lần hai người đi vào bóng tối của lùm cây, hình ảnh nàng càng rõ. Vân vẫn giữ được nước da hồng hào khỏe mạnh.
Em ở Việt Bắc có bị sốt rét?
Không anh ạ, em uống quinine đều, và hình như cơ thể em có chất chống đối lại bệnh sốt rét.
Tóc cắt ngang vai như phần nhiều phụ nữ miền kháng chiến, chải mịn về phía trước, cặp ở phía sau, cắt làm đầu đó cho người ngoài thấy nàng đã là đàn bà, nhưng khuôn mặt đầy đặn trẻ măng của nàng, với đôi mắt đượm chút u sầu của nàng lại là một cái gì tha thiết đi thẳng vào tim chàng. Lúc đó chàng còn nhớ đến cả những ngón tay búp măng của nàng khum khum cầm đũa, bàn tay chàng tìm bàn tay nàng dưới làn áo mưa, nàng ngước nhìn chàng mỉm cười như để đánh dấu một sự trao gởi. Chàng chưa kịp hỏi đã sắp tới nhà chưa, thì nàng nói:
Em còn nhớ mãi câu anh nói:” mùa xuân không thể chỉ có nắng vàng, mùa xuân phải có gió mưa nữa, chúng ta không thể trong sạch như thánh nhân, chúng ta sẽ chết trong sự trong sạch đó như hai con cá đã chết!”
Rồi anh hôn em- chàng tiếp- cái hôn đầu tiên của đời anh, của đời em, rồi tuy chúng ta còn đôi lần gặp nhau nữa nhưng cũng kể như là chia ly từ sau cái hôn đó.
Nàng kéo chàng dừng lại trước cổng sắt, nàng lách tay vào trong nhấc chiếc then ngang, chàng đẩy cửa giúp nàng. Khi cả hai đã bước vào bên trong, chàng vẫn một tay quàng giữ vai nàng, tay kia đóng cửa lại và cài then ngang. Không khí còn nóng ấm dĩ vãng giúp chàng và nàng cùng không thấy ngượng ở hoàn cảnh a tòng nhau tự giam hãm thành đôi sai cánh cửa villa. Cả hai bước lạo xạo trên lối đi rải cuội.
Giọng nàng buồn rầu:
Rồi cũng kể như chia ly thật!
Hai người lên thêm, nàng mở khóa, vặn quả nắm sứ mở vào phòng khác, một chiếc giường có trải nệm trắng kê ở tít góc trong, trên giường có chiếc va ly nhỏ đựng quần áo của nàng mà sáng nay chàng đã thấy dưới chân nàng. Cả hai cùng ra đứng trước khung cửa sổ ngay gần đầu giường. Lúc đó chàng mới sực nhận ra rằng ngoài vườn có ánh trăng, thứ trăng xuông mờ mờ huyền ảo. Villa bên thấp thoáng có ánh đèn đêm, tít ngoài xa, ngọn đèn đường cô độc màu vàng khè mệt mỏi cao ngang với lùm me.
Chàng cúi xuống để tiếp ánh mắt của nàng vừa nước lên, đôi mắt phảng phất u sầu đó vụt sáng, khiến chàng tưởng như đó là hai vì sao lạc vừa rớt xuống một cai giếng thăm thẳm không đáy là chính linh hồn chàng.