Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Nữ Cư Sĩ

    
rong thế kỷ 19, vai trò của những người trong tấm bưu thiệp không dễ thay đổi và hoán chuyển như hiện nay.  Một phụ nữ quê mùa cúng dường thực phẩm cho một tu sĩ Phật giáo, tiếp nối thực tập của tổ tiên.  Có thể bà chưa bao giờ được nghe đến giáo lý về thiền, điều này chỉ dành riêng cho chư tăng; nhưng hẳn là bà đã được dạy phải thực hành hạnh bố thí, đạo đức, và lòng từ trong sinh hoạt hằng ngày, và phải hỗ trợ chư tăng.  Bằng cách này, bà được san sẻ công đức với những người hành các hạnh cao hơn.  Bản thân bà không thể thọ giới như chư tăng, và dầu đã có những nữ nhân đạt được Giác ngộ trong lịch sử Phật giáo, kinh điển vẫn nói rõ ràng rằng những trở ngại trong cuộc sống gia đình sẽ khiến bà không thể nào giác ngộ nhanh hơn một vị tăng.
Thử cho rằng người phụ nữ ấy rất hoan hỷ trong việc cúng dường, có lòng tin vào việc làm của mình, và không phải hành động vì áp lực xã hội. Cả ngày hôm ấy, bà sẽ cảm thấy phấn chấn vì đã thực hiện nghi thức này; bà tin tưởng vào giáo lý dạy rằng hạnh bố thí cúng dường sẽ mang lại cho bà nhiều thiện nghiệp. Nếu bà rất sùng đạo, bà sẽ cố gắng thực tập nhiều hơn nữa và ban trải lòng rộng lượng đến tất cả những người mà bà ấy có dịp gặp gỡ trong ngày. Nhiều kinh điển dạy rằng bà không cần phải cảm thấy xấu hổ đối với chồng con. Vì dầu hiện tại bà đang ở một vị trí thấp kém, nhưng trong tương lai bà có thể đạt được giải thoát khi trở thành một tu sĩ.  Dĩ nhiên trong kiếp sống này, bà không thể nào có thời gian để tọa thiền nhiều như vị tăng kia.  Có thể bà cũng mừng vì điều này, vì bà còn thương chồng, thương con, và nghĩ rằng cuộc sống của người tu sĩ chắc là nhàm chán lắm.
Qua những gì đã được thảo luận, rõ ràng Phật giáo coi việc thụ thai và nuôi dưỡng con cái thuộc về phạm vị hoạt động của nữ giới. Mặc dù Mật Tông có nói về những nguyên tắc của sự hòa hợp nam nữ khi thụ thai, cái mà chúng ta có thể gọi là sự tham gia “hết mình” của nam giới trong việc nuôi dưỡng con cái không được nhắc đến nhiều, và lòng mong muốn có con của nam giới cũng không được nhấn mạnh. Nhưng lòng mong muốn có con của nữ giới thì được chờ đợi, chấp nhận, và cổ vũ. Như vậy, ở thời điểm đó, người phụ nữ trong tấm bưu thiệp không cảm thấy xấu hổ hay bất cứ điều gì khi bà với tư cách là người phụ nữ, trở thành người vợ và người mẹ trong gia đình.
[X] đi gặp [thiền sư của cô, một vị thầy tu] để nói về lòng mong muốn có con của cô, và thầy cô nói rằng nếu cô muốn thì cũng là điều tốt thôi, cô sẽ là một người mẹ tuyệt vời, cô sẽ nuôi dưỡng đứa con trở thành Phật tử, tạo ra một đạo tràng trong tương lai, nhưng rồi cô nghĩ rằng, đối với cô các khoá tu quan trọng hơn, nên quyết định không có con.
Nữ cư sĩ Mỹ, khoảng 40 tuổi.
Tuy nhiên, Phật giáo có thuyết rằng không có sự khác biệt giữa khả năng đạt được Giác ngộ của người nam hay nữ. Trong thời gian và ngay sau thời của đức Phật lịch sử, có một số chư ni thành công gần giống như chư tăng, có rất nhiều bài thơ giác ngộ của phụ nữ nói về sự nhẹ nhõm của họ khi họ không còn phải sống trong vai trò truyền thống của phụ nữ, họ thoát khỏi nhiệm vụ khó khăn, liên quan đến việc phục dịch người đàn ông và gia đình của họ.  Nhiều phụ nữ cũng rất hoan hỷ khi biết rằng họ không còn bị bó buộc phải tái sinh, vì luôn luôn có những phụ nữ "đạt được mục tiêu cao cả nhất".  Ngày nay ở hầu hết các trung tâm Phật giáo mà tôi biết, không có sự phân biệt giữa nam và nữ khi họ tham gia các khóa tu chuyên sâu. Là phụ nữ, tôi đã không bị cản trở trong việc chọn lựa bất cứ pháp tu nào, nhưng tôi, cũng như tất cả mọi người tu khác, phải sàng lọc các giáo lý để chọn những gì tốt nhất cho mình.
Nếu bạn có thể làm tốt cho  [cuộc sống gia đình], thì tôi chắc rằng sự giác ngộ [sẽ] hiện diện. Nhưng đối với hầu hết mọi người điều này có vẻ quá khó khăn. Đối với tôi, việc tu tập luôn là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nỗ lực nhìn vào bản chất của những gì đang xảy ra và bản chất của sự quan tâm của tôi trong đó, và đối với tôi dường như bản chất thật của tôi là trải qua [các loại mong muốn đó.]
Tỳ-kheo Ni, người Mỹ, khoảng 30 tuổi.
Nói chung, không thể phủ nhận rằng nữ giới ít được hỗ trợ để hoàn toàn sống đời xuất gia như nam giới.  Trong một số hệ phái của Phật giáo, người tu thề nguyện không bao giờ coi thường phụ nữ, nhưng nếu ta đến thăm các tu viện đầy những người đã thệ nguyện ấy, và quan sát xem những ai đang nấu ăn, dọn dẹp, và ai là người đại diện cho chân lý cao tột - ai đang đảnh lễ ai, và ai không đáp trả lại - ta sẽ thấy bản chất giới tính của sự việc và sẽ thấy rằng sự sắp xếp này cũng giống hệt như những gì thể hiện trên tấm bưu thiệp….
Trong Phật giáo và trên thế giới, nữ giới dường như luôn luôn đứng nữa bên ngoài của hệ thống. Điều này có thể là chất xúc tác kỳ lạ để người phụ nữ có thể đánh giá lại hệ thống đó, để phát triển các lý thuyết và quan điểm khác về các vấn đề giáo lý, và quyết định rằng học thuyết này là sai lầm hoặc không thể áp dụng cho họ được. Phụ nữ Tích Lan chúng tôi có thể là may mắn khi không được giáo dục nhiều về kinh điển Phật giáo, do đó không phải biết đến những sự phê bình (về người nữ), nhưng chúng tôi cũng nghe rằng làm thân người nữ là đã tái sinh vào cõi "thấp hơn".  Có rất ít kinh sách Phật giáo nói về đời sống gia đình, nhưng có một bài kinh mô tả về hành vi thích hợp của vợ đối với chồng, quy định rằng vợ phải dậy sớm và ngủ muộn hơn chồng, làm mọi việc để cho chồng cảm thấy thoải mái, và không quên trả lời chồng một cách ngọt ngào. Nếu người nữ đọc được các văn bản như vậy, liệu người ấy có bớt đi niềm tin về những gì mình đã được dạy và thay vào đó tự tạo ra một triết lý riêng độc lập cho chính mình?....
Vị nữ thiền sư giác ngộ mà tôi đã có dịp gặp là Dipa Ma, một phụ nữ người Bengali tu theo truyền thống Thiền Minh Sát của Miến Điện (Burmese Vipassana)  và được xem là người đã đạt đến Tam Thiền trong Tứ Thiền.  Bà nói với một nhóm thiền sinh, trong đó có tôi, rằng có rất ít các yếu tố hoạt động trong tâm bà: bà có thể biết tâm chánh niệm, chủ tâm, và lòng từ. Dipa Ma phản đối luận điểm phổ biến cho rằng trẻ em là sự phân tâm, ngược lại, trẻ em giúp xây dựng sức mạnh tinh thần, sự tập trung, và là một pháp tu tốt cho thiền sinh. Theo Dipa Ma, một bà mẹ không thể đắm mình trong những suy nghĩ thông thường, đầy bản ngã. Người mẹ phải đặt sự chú ý của mình hoàn toàn ở bên ngoài bản thân, tập trung ở đây, ở đó, và ở kia, trong liên tục chớp nhoáng. Mà sự chú ý không chỉ đơn thuần là tập trung, mà còn phải dịu dàng và yêu thương, và có chánh niệm rõ ràng về phẩm chất của nó.  Bà là chiếc áo tu, bà là giới luật của tôi.
Nữ Phật tử, sinh viên cao học, khoảng 40 tuổi; đang trông chừng con ở phòng đối diện.
Những nhận xét này là của bà Dipa Ma, bắt nguồn từ những trải nghiệm và ý kiến riêng của bà.  Những điều này sẽ không thể tìm thấy trong sách vở. Như đã nói ở trên, đối với những phụ nữ Phật tử chân thành và tu tập miên mật, trách vụ làm mẹ gần như luôn là niềm cảm hứng để người ta xem xét lại các học thuyết chính thống. Những phụ nữ này cảm thấy, và nói rằng khi đảm nhận trách nhiệm của người mẹ, họ cũng đang tu tập như các tu sĩ. Họ so sánh công việc của hai bên, kể cả giấc ngủ ngắn ngủi của chư tăng.  Người mẹ phải từ bỏ các sở thích cá nhân cũng như các vị tu sĩ phải làm sau khi thọ giới.  Phải thoả mãn các nhu cầu của con trẻ tương đương với việc phải tuân theo 227 giới luật….
Tại sao lại tránh cuộc sống gia đình?  Nếu bạn không thể thực tập tình thương yêu, lòng rộng lượng và chánh niệm với những người bạn yêu mến, thì thực tập ở đâu?  Nếu bạn sống mà tránh né xung đột, bổn phận, thì cuộc sống đó có ý nghĩa gì?  Tôi tin vào sự làm việc với những gì thực tế, không phải tránh né nó.  Do đó, sự tu tập của tôi – (cười) là  tìm ra chính mình ngay trong khi đang tranh cãi với chồng con, để hỏi gia đình chúng tôi làm thế nào có thể vượt qua khó khăn này, điều gì là tốt nhất cho cả gia đình,  trong trường hợp này, con đường trí tuệ là gì?
Nữ cư sĩ Thụy Sĩ, người phục vụ ở các trung tâm tu chuyên sâu, mẹ của bốn con, khoảng 40 tuổi.
Các Nam Cư Sĩ
Sau nhiều năm tu tập, sự hiểu biết sẽ chín chắn hơn, qua đó nam và nữ Phật tử đều có khả năng đánh giá các giá trị Phật giáo trong cuộc sống đời thường, để tự quyết định cho bản thân.  Điều này rất có thể xảy ra ở các trung tâm tu học của Phật giáo Tây Phương, nơi mà giáo lý phải trải qua sự thích ứng không thể tránh để hợp với môi trường  mới.
Người trong cộng đồng Phật giáo [Bắc Mỹ] được xem là những cá thể riêng biệt, nên ý nghĩa cho rằng người ta chỉ trưởng thành khi đã làm cha mẹ, vân vân, không phải là cách duy nhất.  Còn những người nói rằng họ muốn có một ai đó để yêu thương, dầu sự thật thì phức tạp hơn nhiều, có thể luôn luôn tìm thấy bao chúng sinh quanh họ để yêu thương. Họ có thể sử dụng pháp tu đó của Phật giáo. Mặt khác, nếu bạn muốn có một đứa con và không có được, bạn không thể đổ lỗi cho Phật giáo. Bạn có nhiều cách để áp dụng giáo lý vào hoàn cảnh của mình.  Nếu bạn muốn có một đứa con, thì hãy cứ thực hiện đi. Tôi không chắc là người ta sẽ nói gì nếu tôi có con, nhưng tôi không bao giờ có cảm giác rằng điều đó không phải là một lựa chọn khả thi.
Nữ cư sĩ Phật giáo Nam tông,  Hoa Kỳ, nhà châm cứu, khoảng 40 tuổi.