hụ Nữ Ở Thế Tiến Thoái Lưỡng Nan: Việc Xuất Gia Ở Thái Lan MONICA LINDBERG FALK Dẫn nhập Phụ nữ Thái Lan là một trong những người sùng đạo Phật vào bậc nhất. Tuy nhiên, theo truyền thống họ không được giai nhập đời sống tu tập theo Phật giáo. Dầu trên thực tế nữ giới Thái Lan chưa bao giờ được nhận vào Tăng đoàn, nhưng các tu nữ đã có mặt từ lâu trong xã hội Thái. Vai trò của các nữ tu Thái không rõ ràng, vì chính ra họ được xem là nữ cư sĩ nhưng đồng thời họ cũng được đối xử như một nữ tu. Ở Thái Lan sự khác nhau giữa người tu sĩ và cư sĩ tuỳ thuộc vào số giới luật Phật giáo mà người đó giữ và mức độ là giữa tám giới và mười giới. Thông thường tu nữ Thái giữ tám giới trong khi sa-di nam thọ mười giới. Bài tiểu luận này nhằm mô tả việc phân loại các tu nữ (mae chis) Phật giáo Thái Lan như thế nào hiện nay so với Tăng đoàn Thái và các cư sĩ. Hơn thế nữa, tôi sẽ đưa ra một hình ảnh mới hơn của các tu nữ, những người trước đây được xem là những phụ nữ tuyệt vọng mang theo “một trái tim tan nát”, bệnh hoạn, nghèo khổ, già nua và tâm trí bấn loạn do kết quả của nghiệp quả xấu. Bài viết này dựa trên những khám phá của mười lăm tháng tìm tòi trong môi trường nhân chủng học, và kết thúc vào tháng sáu năm 1998. Công tác nghiên cứu được thực hiện phần lớn tại các ni viện ở trung tâm Thái Lan và đặt trọng tâm vào những sự thay đổi đối với người tu nữ như là một nhóm xã hội và một phân loại văn hóa, những sự thay đổi rất quan trọng trong việc xây dựng giới tính ở Thái. Một xã hội Phật giáo lý tưởng gồm có tăng, ni, nam và nữ cư sĩ (bhikkhu, bhikkhuni, upasaka, upasika) với sự phân biệt rạch ròi giữa giới tu sĩ và cư sĩ. Thái Lan chưa đạt được mức độ lý tưởng này do thiếu chúng tỳ-khưu ni (bhikkhuni), vì nữ giới chưa bao giờ được thọ đại giới tỳ-khưu ni. Theo tôi, việc các ni đã không được thọ đại giới trong xã hội Thái là do vai trò giới tính nam nữ, đã trói buộc phụ nữ vào giới cư sĩ. Trong xã hội Thái, nữ giới được coi là trưởng thành sau khi đã lập gia đình, sinh con, trong khi phái nam được coi là đã thành nhân sau khi xuất gia trong một thời gian nhất định. Những giả thuyết về tính trưởng thành này ngăn cản phái nữ phát triển khả năng của họ để có thể hội nhập vào lãnh vực tôn giáo Thái vì nó đã không ghi nhận vai trò của phái nữ. Trong bài tiểu luận này tôi sẽ trình bày việc những phụ nữ xuất gia đã thách thức những vai trò do giới tính chế định như thế nào, việc họ đã xoá mờ ranh giới giữa người cư sĩ và tu sĩ, và vị thế mơ hồ của họ đã phản ảnh quyền lực của việc phân biệt giới tính như thế nào trong xã hội Thái. Các tu nữ (Mae chi) không phải là một nhóm đồng nhất. Tuổi tác, nguồn gốc xã hội, trình độ học vấn, ước nguyện, và những động lực xuất gia của họ rất khác nhau và thể hiện những sự khác biệt được coi là tính chất của nhóm tu nữ. Nơi các tu nữ sống ở Thái Lan cũng rất quan trọng, vì có những sự khác biệt có tính địa phương trong giáo lý của đức Phật, cũng như các hình thức tu tập. Có một sự khác biệt quan trọng giữa các nữ tu sống trong chùa và các nữ tu sống trong ni viện. Ở chùa, các nữ tu vẫn tập trung vào các hoạt động đời thường, dù họ là những người đã từ bỏ cuộc sống thế tục. Trách nhiệm của họ không bao gồm các hoạt động tôn giáo như hành lễ, đi khất thực, những trách vụ được coi là chỉ dành cho chư tăng. Ở các ni viện, vai trò của các nữ tu được mở rộng hơn và gần giống như của các tăng. Tuy nhiên, chỉ trong vài thập kỷ gần đây, các ni viện Phật giáo do chính các ni quản lý mới bắt đầu được thành lập. Các ni viện đã chứng tỏ là nơi thích hợp để các nữ tu có thể nỗ lực làm tròn tiềm năng tâm linh của họ như là các nữ tu Phật giáo. Một Ni Viện Thái Điển Hình Các vị sư trưởng ở các chùa cũng quan tâm đến việc thiếu sót các cơ hội học tập cho các nữ tu, nên có nhiều nữ tu đến với ni viện qua sự khuyến khích của các vị trụ trì này. Tại các ni viện ta có thể chia ra hai hạng nữ tu. Mae chi là các nữ tu mà vị thế của họ tùy thuộc vào thời gian xuất gia. Hạng thứ hai là chi phram, cũng giữ tám giới, nhưng không cạo tóc và chân mày, chỉ ở trong ni viện một thời gian. Chi phram là tên gọi theo các tín đồ Bà la môn cải đạo sang Phật giáo, mặc đồ trắng mà không cạo tóc. Có sự khác biệt về y phục của hai chis. Các nữ tu mae chis mặc áo trắng, váy dài trẳng (phasing) và một khăn choàng trắng phủ trên vai trái. Các chi phrams cũng mặc áo trắng và phasin nhưng chúng được may một cách khác và y ngoài của họ thì ngắn hơn y của nữ tu mae chis. Không gian xếp đặt dành cho họ biểu hiện sự khác biệt về cấp bậc và vị thế khác nhau của họ ở các ni viện. Trong các buổi lễ ở ni viện Ratburi, các nữ tu mae chis ngồi trên bệ cao cùng với các ni sư cao hạ gần các tượng Phật nhất, trong khi các tân nữ tu mae chis mới xuất gia ngồi xa các tượng Phật. Các chi phrams và thammacrins ngồi phía sau các nữ tu mae chis và dưới bệ, qua đó thể hiện vị thế thấp hơn của họ. Các nữ tu mae chis giữ tám giới suốt đời, cũng như các chi phrams và thammacrins. Các cư sĩ cũng có thể giữ tám giới vào các ngày lễ lớn của Phật giáo như lễ wan phra. Tuy nhiên các Phật tử thường chỉ giữ ngũ giới. Tám giới tạo ra một quy chế khổ hạnh hơn, trong đó bao gồm năm giới đầu tiên của hàng cư sĩ - ngoại trừ giới thứ ba đòi hỏi các nữ tu mae chis hoàn toàn không được có quan hệ tình dục. Ba giới sau là không được ăn quá ngọ, không được đi xem hát hay trang điểm, và không nằm, ngồi trên giường nệm cao sang. Các sa-di nam giữ mười giới mà trong đó tám giới giống như các nữ tu mae chis. Tuy nhiên, giới thứ bảy: không được múa hát hay trang điểm, thì được chia làm hai đối với các tăng. Giới thứ mười là không được giữ vàng bạc (tiền) hầu phân biệt tăng và tục; tuy nhiên giới này thường hay bị chư tăng vi phạm vì đôi khi họ cũng phải sử dụng tiền. Tại nhiều chùa ở Thái Lan, các nữ tu mae chis sống thành cộng đồng riêng (samnak chi) trong khuôn viên chùa. Đây là việc tu tập theo truyền thống Theravada (Nguyên thủy) theo đó các tăng và nữ tu sống biệt lập nhau. Ngày nay các nữ tu có nhiều lý do để sống trong các ni viện, thay vì trong chùa. Đa số các nữ tu ở các ni viện đã xuất gia ở các chùa và đã có kinh nghiệm sống tại chùa hoặc ni viện. Các nữ tu mae chis xuất gia tại ni viện Ratbury cho biết là sống trong các cộng đồng nữ tu mae chis thích hợp hơn là sống trong các chùa nơi có các tăng cư ngụ. Theo ý kiến của họ, tăng và ni nên tu riêng. Một lý do khác nữa, cho sự lựa chọn này, là các nữ tu mae chis thích được học tập. Trong khoảng hai mươi năm gần đây, con số ni viện độc lập với chùa đã gia tăng. Theo số liệu của Ni viện Thái, thì ngày nay tại Thái Lan có khoảng 850 ni viện. Vì các nữ tu Thái không thuộc truyền thống hành chánh Tăng đoàn nên dễ cho các nữ tu mae chis thành lập cộng đồng riêng hơn là nếu như họ có một quy chế chánh thức. Một số ni viện được thành lập trên đất riêng của các nữ tu mae chis hay của gia đình họ. Thường các ni viện được thiết lập là do các cư sĩ cúng dường đất, đóng góp tài chánh và cũng thường giúp xây cất công trình. Các ni viện thường dựa trên khuôn mẫu của một chùa Phật giáo nhưng không bao gồm tất cả các công trình xây dựng như ở chùa. Các chùa (wat) ở Thái Lan có thể rất khác nhau về các kiểu kiến trúc, đường nét, kích thước nhưng phần bên trong của các chùa cơ bản đều giống nhau. Thí dụ, có một sl nơi mà các buổi lễ và các buổi họp thường được tổ chức, dành cho cả hai giới, xuất gia và tại gia; một vihra, được chư tăng sử dụng trong các nghi thức tôn giáo và cũng là nơi mà hàng cư sĩ có thể nhóm họp; và một ubosoth, nơi chư tăng sử dụng chủ yếu trong các lễ xuất gia và các nghi lễ chỉ dành riêng cho chư tăng. Công trình này được xây cất trên đất thiêng, bao bọc bởi một sm hay phân định ranh giới bắng đá. Cũng có một chedi hay stupa (bảo tháp), có hình tháp chuông chứa đựng xá lợi, cũng như nơi trú ngụ của các tăng ni, đây có thể là các công trình kiểu nhà ngủ hay là các cốc liều cá nhân được gọi là các kutis (tịnh thất). Công trình chính ở ni viện thường là sl, nơi các buổi lễ hay các sinh hoạt khác có thể được tổ chức. Các ni viện không có vihra hay ubosoth. Một số ni viện có chedis và tất cả ni viện có các cốc liêu hay công trình nhà ngủ cho các nữ tu. Các chùa thường có nhà thiêu xác nhưng các ni viện thì không. Cả chùa lẫn ni viện thường có tủ kiếng đặc biệt để đựng nhiều bộ kinh của Tipitaka, đại tạng kinh Phật giáo. Tương tự, cây Bồ-đề thường được thấy ở các chùa nhưng ít thấy ở các ni viện. Trong khi ở các chùa thường có trường học còn thì chỉ mới gần đây là vài ni viện có xây trường học. Cuộc sống hàng ngày của các nữ tu mae chis cũng không khác lắm với cuộc sống của các chư tăng. Các mae chis ở các ni viện độc lập mà tôi đến viếng vẫn theo truyền thống tụng kinh sáng và chiều, hành thiền và học Pháp. Các nữ tu cũng đi khất thực, một sinh hoạt mà gần đây đã trở nên phổ biến của các nữ tu mae chis ở các ni viện trong làng. Việc hỗ trợ cộng đồng tu sĩ luôn được đánh giá cao và tiếp tục được coi là một hành động quan trọng và đầy công đức trong xã hội Thái. Theo truyền thống thì các nữ tu mae chis không được coi là người đi khất thực để tạo công đức và không có thói quen đi khất thực. Do đó, trước kia dân làng không hỗ trợ trực tiếp các nữ tu mae chis. Thay vào đó họ đã để bát cho chư tăng và các vị này chia sẻ thực phẩm lại cho các mae chis. Các nghiên cứu ở những quốc gia theo Phật giáo Nguyên thuỷ như Miến Điện, Tích Lan cho thấy nhiều phụ nữ xuất gia phải nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình để duy trì cuộc sống. Các nữ tu Thái cũng từng phải nhờ vả gia đình hay dựa vào các phương tiện riêng, nhưng ngày nay các nữ tu mae chis nói chung, cũng giống như chư tăng, được hàng cư sĩ hỗ trợ. Là mae chi, người phụ nữ chọn đời sống độc thân. Khi chọn ni viện, người đó cũng chọn sống trong cộng đồng nữ giới ít bị ảnh hưởng của nam giới. Các nữ tu mae chis đến sống ở tu viện đã chọn lối sống này hơn là giải pháp sống trong chùa. Các nữ tu mae chis trình bày sự hiểu biết của họ về những lợi ích của cuộc sống ở ni viện như là có nhiều tự do (isl), nhiều thời giờ, cũng như nhiều cơ hội cho việc tu học hơn là ở chùa. Tuy nhiên, trong thực tế các nữ tu mae chis ở tu viện có cuộc sống khá khó khăn vì họ không thể trông cậy vào các cư sĩ giống như chư tăng và các nữ tu mae chis ở chùa. Cuộc sống ở các ni viện có nhiều khác biệt so với cuộc sống của các nữ tu mae chis ở chùa nơi cũng có các tăng sống. Cả hai giới tăng và nữ tu mae chis đều mong muốn được tu học, nhưng chánh quyền chỉ nâng đỡ việc học của các tăng còn việc hành thiền được coi như thích hợp nhất cho các nữ tu mae chis. Các nữ tu ở chùa không được phép hành lễ. Tuy nhiên các nữ tu ở ni viện lại được hành lễ tương tự như các tăng. Ở chùa, các nữ tu thường chịu trách nhiệm về bếp núc trong khi chỉ các tăng đi khất thực. Tại các ni viện, các nữ tu mae chis cũng lo việc nấu nướng, nhưng họ cũng đi bát buổi sáng, điều này tạo được ảnh hưởng tích cực, và quan trọng về vị thế của mae chis như là các vị xuất gia. Vị Thế Mơ Hồ Của Các Mae Chis Trong khái niệm của người Thái về nữ giới (phetying) có nhiều sự phân loại khác nhau và các nữ tu mae chis là một phân loại thách thức truyền thống trật tự này. Thái độ khá tiêu cực của người Thái đối với các nữ tu mae chis, cùng với vị thế nhọc nhằn của họ trong tư cách là người xuất gia, đã khiến cho vai trò của mae chis mơ hồ và đáng nghi ngại. Thông thường, người Thái không có thái độ rõ ràng đối với những người phụ nữ đã từ bỏ các vai trò xã hội được truyền thống chấp nhận, và họ không khuyến khích nữ giới quay lưng lại với xã hội. Người phụ nữ Thái lý tưởng phải làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ của họ. Như thế, các nữ tu mae chis đã phá bỏ mẫu mực văn hóa về giới tính bằng cách từ bỏ cuộc sống gia đình, xa rời thế tục, cho dù họ không được chấp nhận vào Tăng đoàn. Dầu cho áp lực xã hội muốn ngăn cản nữ giới sống đời xuất gia, và sự thật là cánh cửa bước vào Tăng đoàn cũng đóng lại với họ, nhưng các nữ tu mae chis đã bắt đầu sáng tạo và làm cho các vai trò trong tôn giáo và trong cộng đồng của họ được nhuần nhuyễn hơn. Ngày nay cuộc sống của các mae chis trong ni viện cũng giống như cuộc sống của chư tăng với việc hành thiền, khất thực, hành lễ và các nghi thức tôn giáo, và điều này đã làm mờ đi sự phân biệt về vị thế của họ với tư cách là người xuất gia hay cư sĩ. Sự kiện này càng được thấy rõ hơn trong những cách mà người cư sĩ dùng để xưng hô với các nữ tu. Đôi khi họ xưng hô với các nữ tu như là đối với cư sĩ, và đôi khi như các tu sĩ bằng cách sử dụng những từ như rup hay ong, là những từ ngữ thường dùng cho các tăng. Những người có quyền hành cũng đối xử với các mae chis một cách mập mờ. Chánh quyền hỗ trợ chư tăng bằng cách miễn phí về giáo dục, thuốc men, giảm hoặc miễn phí giá vé xe buýt, xe lửa. Các tu nữ không nhận được những sự hỗ trợ này vì quy chế chánh thức của họ là cư sĩ. Tuy nhiên cũng chánh quyền đó đã từ chối quyền bỏ phiếu của các tu nữ trong các cuộc bầu cử, với lý do là họ có quy chế tu nữ và đã từ bỏ cuộc sống thế tục. Vị thế thứ yếu của phụ nữ trong Phật giáo Thái Lan được thể hiện qua việc phái nam giữ mười giới thì được coi là người tu sĩ, là thành viên trong Tăng đoàn, trong khi người phụ nữ cũng giữ mười giới đó thì bị coi là cư sĩ. Nguồn gốc xã hội của mae chi ảnh hưởng lớn đến đời sống xuất gia của họ. Sự giàu có và giai cấp xã hội cao đôi khi có thể giúp cải thiện vị thế cá nhân của một nữ tu, nhưng cũng không đủ để bảo đảm họ được chấp nhận như là một tu sĩ, vì điều đó đòi hỏi một sự kết hợp giữa kiến thức tôn giáo và sự thực hành. Như vậy, giáo dục và công phu tu hành rốt ráo rất quan trọng đối với các mae chis trong vai trò là người xuất gia. Trong khoảng hai thập kỷ qua, vai trò của các nữ tu mae chis đã bắt đầu thay đổi. Mae chis ở ni viện được các thí chủ và chư tăng mời đi tụng kinh ở nhiều buổi lễ. Hầu hết các nữ tu mae chis sống trong ni viện phát triển vị thế như là các tu sĩ hơn là cư sĩ và điều này tương ứng với quan niệm của nhiều cư sĩ thí chủ, những người chấp nhận và khuyến khích vị thế này. Tuy nhiên, tình trạng này không đồng đều đối với tất cả các nữ tu mae chis. Một số nữ tu mae chis đã kể lại kinh nghiệm là họ đã không được tôn trọng khi thăm viếng những nơi như Bangkok hay những nơi không có các ni viện. Nhận thấy sự bất bình đẳng và các khó khăn của các nữ tu mae chis trong việc được chấp nhận như người tu sĩ, một nữ luật sư nổi tiếng và rất được tôn trọng là nữ tu Mae Chi Khunying Kanithas Wichiencharoen đã đề nghị một dự luật nhằm công nhận các mae chis là những người xuất gia. Vấn đề này đã được thảo luận trong Viện Ni Thái trong nhiều năm. Năm 1998, Viện này cuối cùng đã đồng ý gửi dự luật này tới công quyền để được chấp thuận. Nếu dự luật được thông qua thì các nữ tu được công nhận là tu sĩ Phật giáo và họ có thể sẽ được hưởng các quyền lợi về giáo dục và các lợi ích khác giống như các tăng. Dự luật đã quy định rõ rằng các nữ tu muốn được công nhận là các nữ tu mae chis chứ không phải là các ni đã thọ đại giới; như thế vị trí của họ đối với chư tăng vẫn không thay đổi. Lý Do Khiến Phụ Nữ Thái Xuất Gia Có nhiều lý do để người phụ nữ lựa chọn đời sống tu hành. Kinh nghiệm cuộc sống hay sự dự đoán trước cái khổ đôi khi được kể tới, nhưng thường là do nhiều lý do kết hợp lại. Một cuộc thăm dò thực hiện cách đây mười năm cho thấy động lực thường được nhắc đến trong việc trở thành nữ tu là muốn được học và hành Pháp Bảo. Những lý do khác bao gồm việc muốn thành tựu ước nguyện và giúp đỡ người khác. Chỉ một phần nhỏ là ước muốn thành tựu Niết-bàn, mục đích tối hậu của Phật tử. Các nữ tu mae chis ngày nay cũng nói đến các lý do đó, nhưng theo sự tìm hiểu của tôi thì thứ tự của các lý do này cũng đã thay đổi. Lý do được kể tới thường nhất là được sống một cuộc đời trong sạch (chiwit borisot) ngỏ hầu thành tựu Niết-bàn. Đây có thể được coi là một sự thay đổi trong các động lực xuất gia, nhưng có lẽ nó cũng phản ảnh sự kiện là các nữ tu sĩ mà tôi phỏng vấn phần lớn là ở các ni viện ở ngoại ô Bangkok, trong khi sự thống kê của Suwanbuddha chỉ được thực hiện trong các chùa ở tại Bangkok. Cần lưu ý là nam giới cũng xuất gia vì nhiều lý do khác nhau. Một số lý do được họ đưa ra là muốn trở thành tăng sĩ để được học và hành Pháp Bảo, được làm trọn nguyện ước, tránh khổ và thoát nghèo. Số thanh niên thọ sa-di giới trong ba tháng hạ (vassa) đã giảm sút trong những thập kỷ gần đây, dầu các bậc phụ huynh đều mong muốn các con trai của mình duy trì truyền thống này, thọ sa-di giới trong một thời gian hạn định. Các thiếu nữ trẻ không bị điều kiện này ràng buộc, không ai kỳ vọng họ phải xuất gia. Nếu họ xuất gia thì hành động này của họ coi như đã để lại phía sau một vài điều bất hạnh. Tôi có phỏng vấn nhiều nữ tu trẻ mae chis, họ phàn nàn là gia đình của họ lúc đầu đã không đồng ý để họ xuất gia. Những phụ nữ xuất gia làm nữ tu mae chis đã từ bỏ gia đình và tất cả mọi ràng buộc xã hội của đời sống thế tục. Vì các giá trị văn hóa truyền thống của Thái quy định rằng các cô con gái phải lo lắng cho cha mẹ họ bằng mọi cách có thể, nên người phụ nữ khi xuất gia là đã vi phạm trật tự xã hội. Do đó khi người con gái xuất gia, thì cha mẹ cô coi đó là một sự mất mát và các cô gái trẻ thường bị gia đình ngăn cấm không cho xuất gia. Nói chung, các nữ tu mae chis vẫn duy trì mối liên hệ với gia đình bên ngoại của mình và theo tôi được biết thì các ni trưởng thường phải chăm sóc cha mẹ già của họ tại các ni viện. Đây được coi như là họ đã làm tròn bổn phận của nữ tu-con gái, nhưng cũng cần biết là ngay các cao tăng như Ajahn Chah cũng đã chăm sóc các mẹ già trong các samnak chi (phòng ni) trong chùa của họ. Điều này chứng tỏ rằng việc chăm sóc mẹ già là điều quan trọng cho cả tăng lẫn ni. Các nữ tu mae chis xuất gia lúc trẻ thường nói rằng trước đó họ rất mong muốn được trở thành người tu và muốn sống đời sống tu hành. Họ tuyên bố rằng họ muốn được xuất gia ngay khi họ biết rằng phụ nữ có thể sống đời xuất gia và như vậy, đối với họ cuộc sống thế tục không có gì hấp dẫn. Trước khi xuất gia, các thiếu nữ này thường phát huy niềm tin sâu sắc bằng việc lắng nghe các chương trình phát thanh Phật giáo, đọc kinh sách và tham dự các buổi pháp thoại của chư tăng trong chùa. Các nữ tu mae chis xuất gia khi đã luống tuổi, sau khi đã lập gia đình thường nói rằng cuộc sống của người nội trợ thì buồn chán và trống trải. Một thời gian dài trước khi xuất gia, những người phụ nữ này thường cúng dường lễ vật cho chư tăng. Vì sự cúng dường của hàng cư sĩ dành cho các nữ tu không phải là thông lệ như đối với chư tăng, nên một số phụ nữ khi trở thành nữ tu mae chis cho biết là họ đã phải lên kế hoạch để xuất gia, và phải làm việc nhiều năm để dành tiền cho đời sống xuất gia của họ…. Tại các chùa và ni viện, số người chi phrams (giới tử) đã gia tăng và tại một số chùa, con số chi phrams đã vượt qua số mae chis. Thường các chi phrams đến chùa và các cốc (samnaks) để hành thiền và nghe Pháp hầu có được sự thanh tịnh nội tâm xuyên qua sự tu tập. Nhưng họ đến tu gieo duyên có khi cũng vì các động lực khác như để làm tròn lời ước nguyện, để tạo công đức cho các thân nhân trong gia đình hay bà con của họ. Các chi phrams đã tạo ra một phân loại mới cho nữ "cư sĩ thọ giới". Các nữ tu này được các mae chis hướng dẫn và dưới quyền của các mae chis; sự phát triển mới này đã đặt các mae chis vào vai trò của các giáo thọ.