chaan Ranjuan là một phụ nữ Thái, xuất gia làm tu nữ khá muộn màng nhưng đã đắc thiền rất nhanh chóng. Bà đã được chính Thầy của mình, lão sư Buddhadasa, khuyến khích dạy thiền từ rất sớm. Khi tôi được gặp bà, bà đang hướng dẫn khóa tu thiền cho hàng trăm người, nhưng bà vẫn dành tất cả thời gian cho tôi như thể bà không có việc chi khác để làm. Mắt bà long lanh tỏa đầy vẻ từ bi, dường như bà là biểu tượng của lòng từ bi bác ái. Vị thế của bà không được rõ ràng: bà cạo tóc nhưng mặc y màu trắng và đen, thay vì toàn trắng như các ‘tu nữ’ người Thái khác. Dầu bà bảo rằng mình là nữ cư sĩ, nhưng đối với tôi rõ ràng bà là một vị nữ tu. ° Mười lăm năm trước, trong một kỳ nghỉ cuối tuần, tôi đến miền Đông Bắc Thái Lan. Khi lái xe qua một làng quê, bạn tôi bảo rằng gần đây có một lâm tự viện rất hay. Tôi rất thích thăm viếng các tịnh thất, nên quyết định đến đó. Đường vào tu viện rất xấu, đầy bùn lầy, nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian trước khi đến được nơi đó, nên đành ngủ lại qua đêm. Vị trụ trì già rất từ tốn và tử tế. Đêm đó ngài ban cho chúng tôi một thời Pháp, và trong khi lắng nghe ngài, tôi bỗng như bừng tỉnh. Tôi ngộ ra rằng một người Phật tử thuần thành phải tinh tấn tu tập để hiểu được trạng thái tâm của mình, nhất là tâm vọng tưởng. Tôi bắt đầu hành thiền để lắng đọng tâm. Sau đó tôi quán chiếu về các đặc tính của tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Tôi vẫn duy trì công việc giảng dạy trong trường đại học về ngành Khoa học Thư Viện. Sau năm năm hành thiền trong khi vẫn tiếp tục làm việc, tôi quyết định chọn thiền làm con đường đạo mà tôi phải đi theo. Tất cả những gì cần làm, tôi đã hoàn tất. Tôi đã hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của người công dân trong xã hội. Tôi cảm thấy như được giải thoát, nên quyết định buông bỏ tất cả để tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài Achann Chah. Ngài là vị thầy đầu tiên của tôi, nhưng tôi không tu học với Ngài được lâu. Trong mùa hè an cư đầu tiên của tôi, ngài Achaan Chah ngã bệnh, bị bại liệt, không thể dạy các đệ tử nữa. Đó là mười một năm về trước, khi tôi còn cảm thấy rất non nớt trên con đường tu, nên tôi quyết định đi tìm một vị thầy khác. Một số đạo hữu giới thiệu tôi đến chùa Suan Mok để đảnh lễ Hòa thượng Buddhadasa. Tôi quyết định thử tu theo phương pháp của ngài một thời gian. Phương pháp này rất khác với những gì tôi đã học, nên tôi muốn biết chắc rằng nó có thích hợp với tôi hay không. Và tôi thấy phương pháp này rất thích hợp nên tôi trụ lại. Tôi thích tính chất thực dụng của nó. Hòa thượng Buddhadasa nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều phải ưa thích việc mình làm. Chúng ta cần phải thực hành Pháp trong tất cả mọi việc mình làm. Quan trọng nhất là chúng ta phải luôn chánh niệm. Chúng ta cần phải phát triển định và tuệ trong việc tu tập, thay vì chỉ ngồi im lặng nhắm mắt. Ngài nhắc nhở chúng tôi phải tu tập ngay cả trong những lúc khó khăn. Hòa thượng Buddhadasa khuyến khích tôi dạy thiền. Năm đầu tiên Ngài để tôi được tu tập một mình. Khi tôi có điều thắc mắc, tôi sẽ đến trình Ngài và Ngài luôn sẵn lòng giải thích bất cứ điều gì. Sau một năm, Ngài gửi một số sinh viên, giáo sư và cư sĩ đến học Pháp với tôi. Lần đó Ngài viết xuống rằng tôi chỉ cần dạy họ những điều tôi biết. Tôi thưa với Ngài rằng tôi không biết chi nhiều, nhưng Ngài khuyên rằng tôi chỉ cần dạy họ những gì tôi biết, không cần gì hơn thế nữa. Tôi là một nữ cư sĩ (upasika) nhưng tôi thệ nguyện giữ tám giới như các sa-di. Điều khác biệt duy nhất là chiếc váy đen mà tôi thường mặc với áo trắng. Vậy tại sao tôi không xuất gia làm sa-di? Khi tôi còn đi làm và bắt đầu tìm hiểu Pháp, tôi đã đến thọ giáo với một bà thầy mù vì bị đục thủy tinh thể, và tôi thấy bà vận y phục giống như thế. Bà không chính thức là một tu nữ, nhưng hành vi của bà, cách bà tu tập, cũng giống như một vị nữ tu thuần thành. Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu tôi đi theo con đường của bà, tôi cũng sẽ ăn vận giống như bà. Tôi không quan tâm về hình dáng hay y áo bên ngoài. Trong tâm mình có giữ được như người xuất gia mới là điều quan trọng. Làm như thế thật tiện lợi. Tôi chỉ cần cạo tóc, rồi mặc y áo trắng và đen (mae chis thì vận toàn y trắng). Tôi không có cảm giác gì đặc biệt về vai trò của các nữ tu sĩ ở Thái Lan. Nhiều nữ phóng viên Tây phương và Thái Lan thường hỏi tôi về điều này. Khi chúng tôi đã chọn cuộc sống này, chúng tôi muốn luyện tập để tâm bớt tham, sân và si. Nếu chúng tôi đòi hỏi điều này, điều nọ, thì chúng tôi chỉ làm tăng thêm tâm si mê của mình. Đó không phải là mục đích của việc hành Pháp. Nếu tất cả mọi người đều cố gắng vun trồng chánh niệm và diệt bỏ mọi ô nhiễm, thì sẽ không còn có vấn đề gì. Chúng ta có thể sống chung hòa bình. Câu trả lời của tôi thường không làm cho những người phỏng vấn hài lòng. Có thể cũng đúng ở một mức độ nào đó, ở Thái Lan khi làm người xuất gia, người nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người nam về tài chánh cũng như giáo dục. Vấn đề có thể bắt nguồn từ cách truyền dạy Phật Pháp ở đất nước này. Nếu cốt lõi của Phật giáo được dạy một cách trực tiếp, thì không có sự khác biệt giữa tăng và ni, không có chuyện kẻ cao, người thấp. Một số phụ nữ có thể nghĩ rằng họ có ít cơ hội hơn vì họ mong được một điều gì đó trong cuộc sống nơi tu viện, nhưng nếu họ đến đây mà không có lòng hoài vọng và chỉ chú tâm hành thiền, thì tôi nghĩ là sẽ không có bất cứ vấn đề gì. Trong tu viện của ngài Achaan Chah có hơn sáu mươi nữ tu. Không phải ai cũng là người có học, nhưng ngài đã cố gắng để giúp họ vì ngài rất thông cảm với những người kém may mắn trong xã hội. Ngài muốn giúp họ được ở trong tu viện hành thiền và học tự giúp bản thân họ bằng cách phát triển một trái tim thuần khiết và đem lại lợi ích cho mọi người. Đối với tôi, một upàsika cũng là một người xuất gia. Tôi không thấy có gì khác biệt giữa một upàsika và một tu nữ. Làm người xuất gia giúp tôi giữ được chánh niệm. Xa rời nơi tôi gọi là nhà, xa rời những người tôi gọi là thân quyến, xa rời nơi làm việc hay cuộc sống thế tục, tôi có được nhiều thời gian tự do để tu tập và học Pháp.