ió lộng trên bao lơn đài quan sát. Gió từ châu Phi đến, vượt qua biển, mang theo hương thơm của cỏ cây nhiệt đới đang nở hoa, thứ hương thơm khơi lên những ước vọng xao xuyến trong tâm hồn. Mơ-ven Ma-xơ không thể nào tạo cho mình một tâm trạng sáng sủa, cương quyết không hồ nghi mà anh cần phải có trước khi tiến hành một thí nghiệm trọng đại. Từ Tây-tạng, Ren Bô-dơ báo tin rằng việc sửa lại thiết bị Co-rơ I-un đã xong. Bốn người quan sát của vệ tinh số năm mươi bảy sẵn sàng hy sinh tính mệnh, miễn là được góp sức vào công cuộc thí nghiệm lâu nay chưa từng có trên hành tinh. Nhưng họ làm thí nghiệm mà chưa được Hội đồng cho phép, không có sự thảo luận rộng rãi về mọi khả năng trước khi tiến hành. Điều đó khiến cho toàn bộ việc làm của họ phảng phất dư vị thói dấu diếm hèn nhát hết sức xa lạ đối với người thời nay. Mục đích vĩ đại mà họ đặt ra dường như bào chữa cho tất cả những biện pháp ấy, nhưng... phải làm sao cho lương tâm hoàn toàn trong sạch! Mối xung đột cổ xưa trong xã hội loài người đã xuất hiện: xung đột giữa mục đích và phương tiện đạt tới mục đích. Kinh nghiệm của một nghìn thế hệ dạy rằng cần phải biết xác định chính xác ranh giới chuyển tiếp, như phép tính rê-pa-gu-le vẫn thực hiện trong các vấn đề toán học trừu tượng. Làm thế nào áp dụng được cách tính đó vào trực giác và đạo đức?... Câu chuyện Bét Lon ám ảnh Mơ-ven Ma-xơ. Ba mươi năm trước, một nhà toán học lỗi lạc nhất Trái đất là Bét Lon tìm ra rằng một số dấu hiệu dịch chuyển trong tác động qua lại giữa các trường lực mạnh có thể giải thích bằng sự tồn tại các trường song song. Ông làm một loạt thí nghiệm lý thú về sự biến mất của các vật. Viện hàn lâm Giới hạn của kiến thức tìm ra sai lầm trong lập luận của ông và đưa ra cách giải thích mới về nguyên tắc cho những hiện tượng quan sát thấy. Bét Lon là một trí tuệ tài giỏi, phát triển thái quá đến mức chèn lấn cả sự phát triển của nền tảng đạo đức và của sự tự liềm chế. Là một người có nghị lực và ích kỷ, ông quyết định tiếp tục làm thí nghiệm theo hướng ấy. Để có một bằng cớ quyết định, ông lôi cuốn được một số người tình nguyện trẻ tuổi, dũng cảm, sẵn sàng lập bất cứ chiến công nào để phục vụ kiến thức. Những người tham gia thí nghiệm của Bét Lon cũng biến đi như các đồ vật, không để lại dấu vết gì. Khác với dự tính của nhà toán học tàn bạo, "từ phía bên kia", tức là từ chiều bên kia không một người nào báo tin về. Khi Bét Lon đưa một nhóm mười hai người vào "cõi hư vô" - nói cho đúng hơn là tiêu diệt họ - thì ông bị đưa ra tòa. Ông đã bày tỏ niềm tin vững chắc rằng những người mất tích hiện vẫn còn sống và đang lang thang ở chiều bên kia, ông chỉ làm việc đó với sự thỏa thuận của họ. Kết quả ông bị kết án trục xuất. Ông sống mười năm trên sao Thủy, rồi sau đó lánh ra đảo Lãng-quên. Mơ-ven Ma-xơ cho rằng câu chuyện của Bét Lon cũng giống trường hợp của anh. Ở đấy cũng có một thí nghiệm bị cấm, vì nó được tổ chức theo những nguyên tắc mà khoa học bác bỏ, và sự giống nhau ấy không làm Mơ-ven Ma-xơ hài lòng lắm. Ngày kia sẽ có buổi phát tin thường kỳ trong Vành-khuyên, sau đó anh được rảnh việc trong tám ngày để làm thí nghiệm. Mơ-ven Ma-xơ ngửa đầu lên trời. Anh có cảm tưởng như các ngôi sao đặc biệt sáng và gần. Có nhiều ngôi anh biết tên cổ của chúng, quen với chúng như những người bạn cũ. Mà chẳng phải chúng vẫn là những người bạn ngàn đời của con người hay sao: chúng chỉ hướng đường đi cho con người, chắp cánh cho tư tưởng con người bay bổng lên cao, cổ vũ cho những ước mơ! Một ngôi sao nhỏ sáng mờ chênh chếch ngả về chân trời phương Bắc: đấy là sao Bắc-cực, hay Thiên-vương gam-ma. Trong kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ, sao Bắc-cực ở trong chòm Tiểu-hùng-tinh, nhưng ở phần rìa Thiên-hà, gồm cả Hệ Mặt trời, xoay theo hướng đến gần chòm Thiên-vương. Ở trên cao, trong dải Ngân-hà, chòm sao Thiên-nga là một trong những chòm sao lý thú nhất của bầu trời phương Bắc, nó xòe rộng đôi cánh và đã vươn cái cổ dài về phương Nam. Trong chòm sao đó có một ngôi sao đôi mỹ lệ rực sáng, được người Ả-rập thời cổ đặt cho cái tên là An-bi-rê-ô. Thực ra ở đấy có ba ngôi sao: An-bi-rê-ô I là sao đôi, An-bi-rê-ô II là ngôi sao xanh khổng lồ và rất xa chúng ta và có một hệ hành tinh lớn. Nó cách xa chúng ta cũng gần như sao Đê-nép khổng lồ ở đuôi chòm Thiên-nga: Đê-nép là ngôi sao trắng, độ sáng bằng bốn nghìn tám trăm Mặt trời của chúng ta. Trong một buổi phát tin trước đây, người bạn trung thành của chúng ta là Thiên-nga 61 đã bắt được thông tin của An-bi-rê-ô II: một lời cảnh cáo nhận được sau bốn trăm năm kể từ lúc phát đi, nhưng nội dung hết sức lý thú. Một nhà nghiên cứu vũ trụ nổi tiếng của An-bi-rê-ô II, mà tên gọi theo âm Trái đất là Vơ-líc-khơ Ô-dơ Đơ-ri-dơ, đã chết trong khu vực chòm sao Thiên-cầm, vì ở đấy ông ta đã gặp phải mối nguy hiểm ghê gớm nhất của vũ trụ là sao Oóc-cơ-rơ. Các nhà bác học thế giới đã xếp những ngôi sao đó vào lớp E - tên của lớp ký hiệu bằng chữ cái đầu tên của nhà vật lý vĩ đại nhất thời cổ là Anh-xtanh. Anh-xtanh đã đoán được sự tồn tại của những ngôi sao như thế, tuy rằng một thời gian dài sau đó, ý kiến ấy vẫn còn bị bài bác, thậm chí người ta còn quy định giới hạn cho khối lượng của ngôi sao, gọi là giới hạn Tsan-đơ-ra-xê-ca. Nhưng trong các tính toán của mình, nhà thiên văn vật lý thời cổ ấy chỉ xuất phát từ cơ học sơ cấp về sức hút và nhiệt động học đại cương, mà hoàn toàn không chú ý gì đến cấu tạo điện từ phức tạp của những ngôi sao khổng lồ. Nhưng chính những lực điện từ lại quyết định sự tồn tại của những ngôi sao lớp E, là những ngôi sao có kích thước ganh đua được với những ngôi sao khổng lồ lớp M, như sao An-ta-rét hay sao Bê-ten-gây-đe, đồng thời lại có tỷ trọng rất lớn, ngang với tỷ trọng Mặt trời. Sức hút mạnh ghê gớm của ngôi sao như thế ngăn cản tia bức xạ, không cho ánh sáng rời khỏi ngôi sao và bay vào không gian. Những khối lượng bí mật ấy lớn không thể tưởng tượng được, chúng tồn tại trong không gian từ thuở nào đến giờ và ngấm ngầm nuốt chửng vào cái đại dương trơ của mình tất cả những gì mà sức hút của chúng - giống như những tay với không thể cưỡng lại nổi - đã với tới được. Trong thần thoại tôn giáo cổ Ấn-độ, người ta gọi những thời kỳ nghỉ ngơi không hoạt động của đấng tối cao là "đêm Bra-hơ-ra", và theo tín ngưỡng của họ, tiếp sau đó là "ngày" hay thời kỳ sáng tạo. Điều đó thực là giống thời kỳ tích tụ vật chất lâu dài, kết thúc bằng sự nung nóng bề mặt của ngôi sao đến lớp 0 - không - tức là đến một trăm nghìn độ -, cố nhiên chuyện này không dính dáng gì đến thần. Rút cuộc là một vụ nổ hết sức lớn đã xảy ra, làm bắn tung ra trong không gian những ngôi sao mới, với những hành tinh mới. Hồi xưa, đám tinh vân hình con cua đã nổ tung như vậy, bây giờ đường kính của nó đã tới năm mươi triệu triệu ki-lô-mét (50x1012km). Vụ nổ ấy tương đương với sức nổ cùng một lúc của một triệu tỷ tỷ (10 24) trái bom khinh khí khốc hại trong kỷ nguyên CR. Trong không gian, người ta đoán ra những ngôi sao E hoàn toàn tối chỉ bằng cách căn cứ vào sức hút của chúng, và con tàu vũ trụ nào đi qua gần ngôi sao quái gở ấy thì không thể nào thoát chết được. Những ngôi sao vô hình phóng tia hồng ngoại và thuộc lớp quang phổ T cũng là một mối nguy hiểm trên đường đi của tàu vũ trụ. Ngoài ra, còn có những đám mây tối tạo nên bởi những hạt rất lớn hay còn có những vật thể hoàn toàn nguội lạnh thuộc lớp TT. Mơ-ven Ma-xơ nghĩ rằng việc tạo nên Vành-khuyên vĩ đại liên hệ với những thế giới có sinh vật biết tư duy là một cuộc cách mạng lớn lao nhất đối với Trái đất cũng như đối với mỗi hành tinh có người ở. Trước hết, đấy là thắng lợi đối với thời gian, đối với tuổi thọ ngắn ngủi của đời người không cho phép chúng ta cũng như những người ở các thế giới khác thâm nhập vào những nơi xa xăm sâu thẳm của không gian. Gửi thông tin đi trong Vành-khuyên tức là gửi vào một tương lai bất kỳ, bởi vì tư tưởng của con người được gửi đi trong hình thức như vậy sẽ tiếp tục thâm nhập vào không gian cho tới khi tới những vùng xa xăm nhất. Khả năng nghiên cứu những ngôi sao rất xa đã trở thành hiện thực, đây chỉ là vấn đề thời gian. Mới đây chúng ta đã nhận được thông tin từ một ngôi sao cách ta rất xa, tên là Thiên-nga gam-ma. Nó ở cách ta hai nghìn tám trăm pác-xếc, và thông tin đi mất hơn chín nghìn năm. Nhưng chúng ta hiểu được thông tin ấy, và những thành viên của Vành-khuyên mà tư duy có tính chất gần giống tư duy của những người gửi tin cũng có thể luận đoán ra được. Tình hình hoàn toàn khác, nếu thông tin xuất phát từ những hệ thống sao và những tinh đoàn cầu có lịch sử lâu đời hơn những hệ thống phẳng của chúng ta. Cũng như vậy, ở trung tâm Thiên-hà, trong đám mây sao ở đường trục, có một khu vực vô cùng rộng lớn có sự sống, bao gồm hàng triệu hệ hành tinh không hề biết đến bóng tối ban đêm, vì được trung tâm Thiên-hà chiếu sáng. Chúng ta đã nhận được những thông tin khó hiểu từ nơi gửi đi: những bức tranh có cấu trúc phức tạp, không thể diễn tả được bằng các khái niệm của chúng ta. Đã tám trăm năm nay, Viện hàn lâm Giới hạn của Kiến thức không thể luận đoán ra điều gì. Hay có lẽ...- Mơ-ven Ma-xơ tắc thở vì một ý nghĩ bất ngờ - có lẽ những hệ hành tinh gần, thuộc Vành-khuyên thì gửi đi những thông tin về đời sống bên trong của mỗi hành tinh có người - khoa học, kỹ thuật, các các tác phẩm nghệ thuật của hành tinh -, còn những thế giới xa xăm lâu đời của Thiên-hà thì lại trình bày sự vận động bên ngoài, vận động vũ trụ của khoa học và đời sống của mình chăng? Họ cho biết về việc họ tổ chức lại các hệ hành tinh theo ý muốn của họ. Họ "quét dọn" không gian nhằm gạt bỏ những vân thạch cản trở các con tàu vũ trụ, vun chúng lại và tiện thể vun cả những hành tinh lạnh ở bên ngoài, không thuận tiện cho sự sống, hất cả vào ngôi sao trung tâm để kéo dài bức xạ của nó hay để nâng cao cao nhiệt độ sưởi ấm của các mặt trời của mình. Có khi như vậy cũng chưa đủ: họ tổ chức lại những hệ hành tinh lân cận, nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất cho sự tồn tại những nền văn minh vô cùng vĩ đại. Mơ-ven Ma-xơ liên lạc với kho lưu trữ những tài liệu ghi nhớ của Vành-khuyên vĩ đại và quay số hiệu xin một thông tin từ xa gửi tới. Trên màn ảnh, những cảnh tượng lạ lùng chậm chạp lướt qua: đấy là những hình ảnh được gửi đến Trái đất từ tinh đoàn hình cầu Nhân-mã ô-mê-ga. Đây là tinh đoàn thứ hai trong số những tinh đoàn gần Hệ Mặt trời nhất, cách cách hệ Mặt trời có sáu nghìn tám trăm pác-xếc. Ánh sáng từ các ngôi sao rực rỡ của nó phải mất hai nghìn năm đi xuyên qua không gian vũ trụ mới đến được mắt người Trái đất. Sương mù xanh lam đặc sệt trải thành những lớp đều đặn. Những ống trụ đen thẳng đứng quay khá nhanh cắm xuyên qua các lớp đó. Đường viền của ống trụ thỉnh thoảng lại co vào một cách khó nhận thấy, trở nên giống như những hình nón thấp, liền đáy với nhau. Khi ấy, các lớp sương mù xanh lam rã ra thành những những chiếc liềm lửa chói gắt, quay cuồng quanh trục các hình nón. Màu đen bay lên, biến mất ở nới nào trên cao, để lộ ra những cột trắng lóa đồ sộ. Từ phía sau những cột ấy, có những mũi nhọn nhiều cạnh màu lục ló ra, làm thành những thanh chênh chếch. Mơ-ven Ma-xơ xoa trán, cố tìm lấy một điều gì có thể hiểu được. Trên màn ảnh, những mũi nhọn nhiều cạnh quấn thành hình xoáy ốc xung quanh các cột trắng và bỗng nhiên trút xuống thành một dòng thác những quả cầu lấp lánh ánh kim, tạo thành một vành đai rộng hình khuyên. Vành đai này bắt đầu phát triển theo chiều rộng và chiều cao. Mơ-ven Ma-xơ mỉm cười giễu cợt và tắt máy. Trí óc anh lại trở về với những suy nghĩ lúc trước. "Vì không có những thế giới có người ở, hay đúng hơn, vì không liên lạc được với những thế giới ấy ở các vĩ độ cao của Thiên-hà, người Trái đất chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi vùng xích đạo mờ tối của Thiên-hà. Chúng ta chưa thể vượt lên trên đám bụi vũ trụ bao quanh mặt trời của chúng ta và các ngôi sao lân cận. Cho nên chúng ta nhận biết vũ trụ khó hơn người ở nơi khác..." Mơ-ven Ma-xơ đưa mắt nhìn về phía chân trời ở bên dưới chòm Đại-hùng-tinh, nơi có chòm sao Tóc Vê-rô-ni-ca[1] nằm dưới chòm Đại-cẩu. Đấy là cực "Bắc" của Thiên-hà. Tất cả sự rộng lớn của không gian ngoài Thiên-hà hiện ra chính ở phía ấy, cũng như ở điểm đối diện của bầu trời, trong chòm sao "Nhà điêu khắc", cách không xa ngôi sao Phô-man-hô nổi tiếng của cực Nam hệ Thiên-hà. Ở khu vực ngoài rìa, nơi có ánh mặt trời của chúng ta, bề dày các nhánh của cái đĩa Thiên-hà hình xoáy ốc chỉ có gần sáu trăm pác-xếc. Có thể vượt qua ba bốn trăm pác-xếc theo phương vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của Thiên-hà để lên cao hơn cái bánh xe khổng lồ do các vì sao tạo nên. Tàu vũ trụ không thể vượt qua được con đường đó, nhưng đấy không phải là trở ngại không thể khắc phục nổi đối với việc phát tin của Vành-khuyên. Nhưng hiện thời, chưa một hành tinh nào của các ngôi sao ở những vùng ấy gia nhập Vành-khuyên... Những câu đố bí hiểm và những câu hỏi không có câu trả lời từ ngàn đời nay không còn ý nghĩa gì nữa nếu ta thực hiện được một cuộc cách mạng khoa học: chiến thắng thời gian khắc phục bất cứ không gian nào, bước bàn chân chúa tể vào khoảng bao la vô tận của vũ trụ. Khi ấy không riêng gì Thiên-hà của chúng ta, mà những đảo sao khác cũng sẽ không cách xa chúng ta hơn là những đảo nhỏ ngoài biển Địa-trung-hải lúc này đang vỗ sóng ở dưới kia, trong bóng đêm. Đấy là lý do biện minh cho mưu đồ táo bạo mà Ren Bô-dơ nghĩ ra và anh, Mơ-ven Ma-xơ, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất là người thực hiện. Giá như hai người có thể luận chứng xác đáng hơn cho việc thí nghiệm, để được Hội đồng cho phép... Ánh đèn của Đường xoáy ốc chuyển từ màu da cam sang màu trắng: hai giờ đêm là thời gian tăng cường việc vận chuyển. Mơ-ven Ma-xơ nhớ ra ngày mai là ngày hội Chén-lửa mà anh đã mời Tsa-ra Nan-đi đến dự. Chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất không thể quên cuộc làm quen trên bờ biển với cô gái ấy, cô gái có nước da màu đồng đỏ, có những cử chỉ mềm mại, thanh nhã. Chị như bông hoa tượng trưng cho sự chân tình và những cảm hứng mãnh liệt. Đó là một trường hợp hiếm có trong thời đại mà tình cảm đã được kỷ luật hóa cao độ. Mơ-ven Ma-xơ trở vào phòng làm việc, gọi Viện Đại Thiên-hà làm việc ban đêm, yêu cầu đêm mai gửi cho anh những phim hình nổi của mấy Thiên-hà, và được họ đồng ý. Sau đó, anh lên mái của của mặt nhà phía trong. Ở đây có bộ máy nhảy xa của anh. Mơ-ven Ma-xơ ưa thích môn thể thao không phổ thông này và đã đạt tới trình độ khá điêu luyện. Sau khi thắt những dây đai quanh mình để giữ chắc lấy bình hê-li, anh nhún mình nhảy vút lên không nhờ một cánh quạt dắt được phát động trong giây lát, do một ắc qui nhẹ cung cấp năng lượng. Mơ-ven Ma-xơ bay trong không trung theo một cung dài ngót sáu trăm mét, rồi hạ cánh xuống một khối nhô ra của Nhà thực phẩm, và anh lại nhảy lần nữa. Sau một đợt nhảy, anh đến được khu vườn nhỏ ở dưới vách đứng của một quả núi đá vôi. Anh tháo bỏ máy nhảy ở trên cái chòi cao bằng nhôm, tụt xuống đất theo một cây sào, và đến chiếc giường cứng của mình ở dưới một cây ngô đồng hùng vĩ. Cái tên Hội chén lửa là lấy ở một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ kiêm nhà sử học Đan-xen. Ông này đã miêu tả một tục lệ cổ Ấn-độ: người ta chọn những phụ nữ đẹp nhất để mang những thanh kiếm và những chén đựng nhựa thơm cháy bừng bừng đến tặng những người anh hùng ra đi lập chiến công. Số lượng chiến công đã tăng lên nhiều vô kể trong dân cư của hành tinh, những người can trường và đầy nghị lực. Trong quá khứ, khả năng làm việc lớn chỉ có ở một số người đặc biệt dẻo dai, được gọi là thiên tài. Khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào thể lực vững vàng và việc cơ thể có nhiều chất kích thích hoóc-môn. Sự chăm lo trau dồi thể lực trong hàng nghìn năm đã khiến cho người bình thường trên hành tinh cũng không thua kém gì những anh hùng thời cổ: không biết chán trong việc lập công, trong tình yêu và trong nhận thức. Ngày hội Chén-lửa trở thành ngày hội xuân vui vẻ của phụ nữ. Hàng năm, vào tháng thứ tư kể từ ngày đông chí, hay tháng tư theo lịch cũ, những phụ nữ xinh đẹp nhất của Trái đất ra mắt với những điệu vũ, những bài ca và những bài thể dục. Vẻ đẹp tinh vi của các chủng tộc khác nhau biểu lộ trong dân cư hợp chủng của hành tinh được thể hiện một cách chói lọi ở đây, với muôn hình muôn vẻ, chẳng khác nào những mặt ngọc quý, và đem lại niềm vui sướng vô tận cho người xem, từ những nhà bác học và kỹ sư mệt mỏi vì lao động kiên nhẫn cho đến những nghệ sĩ hào hứng hay những học sinh cấp ba trẻ măng. Ngày hội Héc-quyn của nam giới cũng không kém đẹp, nó được cử hành vào tháng thứ chin. Những thanh niên bước vào tuổi trưởng thành báo cáo những chiến công Héc-quyn mà họ đã lập được. Về sau, vào những ngày ấy, người ta có tục lệ xét duyệt toàn dân về những hành động và những thành tựu xuất sắc trong năm. Ngày hội đó trở thành ngày hội chung cho cả nam lẫn nữ, và được chia thành ngày "Cái có ích và đẹp", ngày "Nghệ thuật cao cấp", ngày: "Tính mạnh bạo và trí tưởng tượng khoa học". Trước đây, Mơ-ven Ma-xơ đã từng được công nhận là anh hùng của ngày hội thứ nhất và thứ ba... Mơ-ven Ma-xơ đến Phòng Mặt trời rộng mênh mông của sân vận động Ti-rê-ni đúng vào lúc Vê-đa biểu diễn. Anh tìm múi số chín của khu vực bốn, nơi Ép-đa Nan và Tsa-ra Na-đi ngồi. Anh đứng dưới bóng rợp của vòm cuốn, lắng nghe cái giọng trầm của Vê-đa. Chị mặc áo dài trắng, cất cao mái tóc màu tro sáng, quay mặt về phía công chúng ở những dãy trên cùng, và hát một bài chứa chan niềm vui sướng, bài hát mà chàng trai gốc Phi châu cảm thấy là tượng trưng cho mùa xuân. Mỗi người xem ấn một cái nút trong bốn cái nút phía trước mặt họ. Những ngọn đèn màu vàng óng ánh, màu xanh lam, màu ngọc bích hay màu đỏ bừng lên ở trên trần biểu lộ sự đánh giá nghệ sĩ thay cho những tràng vỗ tay ồn ào xưa kia. Vê-đa dứt tiếng hát, và được khen ngợi bằng ánh hào quang rực rỡ của những ngọn đèn vàng và xanh, lẫn vào đó lác đác có mấy đốm sáng màu lục, và có một ngọn đèn đỏ duy nhất nhập vào đám đèn ấy, đấy là chuyện thường tình khi người ta xúc động. Mơ-ven Ma-xơ đến và được đón tiếp niềm nở. Anh đưa mắt nhìn quanh, tìm người thầy và người tiền nhiệm của mình nhưng không thấy Đa-rơ Vê-te đâu cả. - Các chị giấu Đa-rơ Vê-te đi đâu rồi? - Mơ-ven Ma-xơ hỏi đùa ba người phụ nữ. - Thế anh giấu Ren Bô-dơ vào đâu rồi? - Ép-đa Nan đáp lại, và Mơ-ven Ma-xơ vội lẩn tránh cặp mắt thấu suốt của chị. - Vê-te đang lục lọi dưới mặt đất Nam Mỹ, tìm ti-tan - Vê-đa vốn giàu từ tâm hơn, chị nói, và nét mặt chị dường như hơi run lên. Bằng một điệu bộ che chở, Tsa-ra Nan-đi kéo nhà sử học xinh đẹp về phía mình và áp má mình vào má Vê-đa. Khuôn mặt hai người phụ nữ hết sức khác nhau, nhưng cũng dịu hiền như nhau. Dưới vầng trán rộng, cặp lông mày thẳng và thấp của Tsa-ra Nan-đi nom như đôi cánh xòe của con chim đang lượn và rất tương hợp với màu hạnh nhân. Còn lông mày Vê-đa thì xếch ngược lên phía trên... "Con chim vỗ cánh..." - Mơ-ven Ma-xơ nghĩ. Mái tóc dày và bóng của Tsa-ra xõa xuống gáy và vai Vê-đa, làm tôn thêm màu sắc nghiêm trang của mái tóc chải cao và gọn của chị. Tsa-ra nhìn đồng hồ trên trần vòm của căn phòng và đứng lên. Y phục của Tsa-ra làm cho Mơ-ven Ma-xơ ngạc nhiên. Cái cổ để hở cho thấy sợi dây chuyền bằng bạch kim nằm trên bờ vai mịn màng. Ở phía dưới mỏ ác, cái khóa bằng tua-ma-lin màu đỏ sáng lấp lánh đóng kín sợi dây chuyền. Cặp vú rắn chắc gần như lộ trần, nom giống như hai cái chén to úp ngược do một người thợ khắc tuyệt giỏi gọt đẽo nên. Giữa cặp vú ấy, một băng vải màu tím thẫm chạy suốt từ cái khóa dây chuyền đến thắt lưng. Những dải băng cũng như thế chạy vắt qua chính giữa mỗi bên vú, được kéo về phía sau bằng sợi dây chuyền đóng kín trên tấm lưng lộ trần. Chiếc dây lưng trắng điểm những ngôi sao màu đen, nom như nửa cái váy dài. Vũ nữ không mang đồ trang sức gì cả, ngoài những khóa móc sáng loáng trên trên đôi giày cổ nhỏ nhắn màu đen. - Sắp đến lượt tôi rồi - Tsa-ra nói một cách thản nhiên, vừa đi về phía hành lang cuốn vừa ngoái lại nhìn Mơ-ven Ma-xơ và biến mất giữa những tiếng rì rầm hỏi nhau, trước hàng nghìn cặp mắt tò mò dõi theo. Một nữ vận động viên thể dục xuất hiện trên sân khấu: đó là một cô gái thân hình tuyệt mỹ, tuổi không qua mười tám. Giữa tiếng nhạc hát nói, trong ánh sáng vàng chóe, cô biểu diễn những động tác bay bổng, nhảy và quay tròn dồn dập như vũ bão. Đến những chỗ điệu nhạc chuyển lướt du dương và ngân dài, cô đứng sững lại trong một tư thế cân bằng khó mà tưởng tượng nổi. Người xem bật lên hằng hà sa số những ngọn đèn vàng óng ánh để hoan nghênh tiết mục vừa biểu diễn, mà Mơ-ven Ma-xơ nghĩ rằng sau một thành công như thế, Tsa-ra Nan-đi muốn trổ tài sẽ không phải là dễ dàng. Trong lòng hơi lo ngại, anh nhìn đám đông trước mặt và bỗng nhận thấy họa sĩ Các-tơ Xan ở khu vực thứ ba. Họa sĩ chào anh với thái độ vui vẻ mà anh cảm thấy là không đúng lúc: Các-tơ Xan đã chọn Tsa-ra Nan-đi làm người mẫu để vẽ bức tranh "Người con gái Địa-trung-hải", vậy thì anh phải lo cho kết quả của cuộc biểu diễn của cô gái mới phải. Chàng trai gốc Phi vừa thoáng nghĩ rằng sau cuộc thí nghiệm, anh sẽ đến xem bức tranh thì đèn ở trên cao bỗng tắt. Cái trần trong suốt bằng thủy tinh tổng hợp bỗng rực lên ánh sáng thắm hồng như màu gang nung đỏ. Từ trên những tấm chặn dưới của sân khấu, đèn đỏ bừng lên thành thành những luồng ánh sáng tuôn chảy. Ánh sáng đèn nhảy nhót và đổ xô lại thành từng đám theo nhịp điệu rành rọt của bản nhạc hòa tấu, trong đó âm thanh cao vút của vi-ô-lông xen lẫn với tiếng bật trầm lặng của của dây đồng. Hơi sửng sốt vì nhịp điệu dồn dập và mạnh mẽ của bản nhạc, Mơ-ven Ma-xơ không nhận thấy ngay là Tsa-ra đã xuất hiện ở chính giữa sàn sân khấu rực ánh lửa và bắt đầu vũ với một nhịp điệu khiến người xem phải nín thở. Mơ-ven Ma-xơ kinh hoảng, không biết sự thể sẽ ra sao nếu điệu nhạc đòi hỏi múa nhanh hơn nữa. Không phải chỉ có chân và tay tham gia điệu vũ, cả cơ thể cô gái hưởng ứng điệu nhạc bốc lửa, toát ra sức sống không kém phần nồng nhiệt. Mơ-ven Ma-xơ nghĩ rằng nếu phụ nữ thời xưa của Ấn-độ cũng như Tsa-ra thì nhà thơ có lý khi so sánh họ với những cái chén bốc lửa và đặt tên cho ngày hội của phụ nữ là hội Chén-lửa. Trong ánh phải quang của sân khấu và của mặt sàn, nước da rám nắng của Tsa-ra có màu đồng đỏ rực. Tim Mơ-ven Ma-xơ đập thình thịch. Anh đã thấy màu da ấy ở những người trên hành tinh kỳ diệu của sao Đỗ-quyên ép-xi-lon. Chính khi ấy,anh hiểu ra rằng có thể có những cơ thể đầy cảm hứng, đủ khả năng dùng những cử động, những thay đổi tinh tế nhất của các hình thức tuyệt mỹ để diễn tả những sắc thái sâu nhất của tình cảm, của trí tưởng tượng, của niềm say mê và sự cầu mong hạnh phúc... Mơ-ven Ma-xơ trước nay vẫn để hết tâm trí vào thế giới xa xăm cách Trái đất chín mươi pác-xếc, nơi con người chưa thể nào đi tới được, giờ đây anh hiểu rằng trong số những vẻ đẹp phong phú vô cùng tận của loài người trên Trái đất, có thể có những bông hoa cũng mỹ lệ như hình ảnh xa xăm mà anh hằng ấp ủ. Nhưng đã bao lâu nay, anh theo đuổi một ước mơ không thể thực hiện được, ước vọng đó không dễ gì tan biến nhanh như thế. Tsa-ra cải trang thành cô gái da đỏ của Đỗ-quyên ép-xi-lon lại càng khiến cho chủ nhiệm các Trạm liên lạc ngoài Trái đất thêm quyết tâm thi hành dự định không lay chuyển của mình. Ép-đa Nan và Vê-đa Công là những người vũ tuyệt giỏi, lần đầu tiên họ được xem nghệ thuật vũ của Tsa-ra và lấy làm sửng sốt. Là nhà nhân chủng học và nhà sử học về các chủng tộc thời cổ, Vê-đa rút ra kết luận rằng trong quá khứ xa xưa, tại Gôn-đơ-van-na, tức là các nước phương Nam, đàn ông bị giết trong các trận giao chiến với vô vàn thú dữ. Về sau, khi ở các nước đông dân phương Nam đã hình thành những quốc gia chuyên chế của phương Đông cổ đại thì đàn ông chết vô số trong những cuộc chiến tranh thường xuyên, phần nhiều là do thói cuồng tín tôn giáo hay do thói ngông cuồng của những kẻ độc tài gây ra. Những người con gái phương Nam sống trong hoàn cảnh gay go, vì thế vẻ đẹp của họ ngày càng được mài dũa đến độ hoàn mỹ. Ở phương Bắc, dân thưa và thiên nhiên nghèo nàn, nên không có chế độ chuyên chế thời Trung cổ. Ở đấy đàn ông nhiều hơn, phụ nữ được quý trọng hơn và sống có phẩm giá. Vê-đa theo dõi từng cử động của Tsa-ra và nghĩ rằng ở đây có hai điều đáng ngạc nhiên: động tác của chị vừa dịu dàng vừa hung dữ. Sự dịu dàng là do tính nhịp nhàng của các động tác và do sự mềm dẻo không thể tưởng tượng của cơ thể tạo nên, còn cảm giác về sự hung dữ là do những chuyển biến đột ngột, do những cái quay và cái dừng diễn ra với tốc độ mau lẹ hầu như khó nhận thấy của một con thú ăn thịt. Qua hàng ngàn năm đấu tranh gian khổ để sinh tồn, những người con gái của da nâu xứ Gôn-đơ-van-na đã đạt được sự mềm dẻo duyên dáng ấy. Nhưng ở Tsa-ra, sự mềm dẻo ấy mới hài hòa làm sao với nét mặt cương quyết và tinh vi của người Hy-lạp đảo Cờ-rét! Xen lẫn vào điệu nhạc khoan thai, ngắn ngủi, có những âm thanh lỗi điệu của những nhạc khí gõ, không rõ loại gì. Trong điệu vũ, nhịp điệu bay bổng và suy sụp mau lẹ của tình cảm con người được diễn tả bằng sự xen kẽ những động tác rất súc tích với những lúc dừng hoàn toàn, khi người múa đờ ra như pho tượng. Sự thức tỉnh của những tình cảm đang ngủ, sự bùng nổ mãnh liệt của tình cảm, sự suy kiệt dần dần, cái chết và sự tái sinh - lại một lần ra đời, mãnh liệt và mới lạ, - sự sống bị gò bó và luôn luôn đấu tranh với đà diễn biến không thể đảo ngược lai được của thời gian, đấu tranh với tính tất yếu rành mạch và nghiệt ngã của bổn phận và số phận. Ép-đa Nan cảm thấy cơ sở tâm lý của điệu vũ gần gũi với chị đến nỗi mà chị đỏ ửng lên và hơi thở trở nên dồn dập... Mơ-ven Ma-xơ không biết rằng bản nhạc vũ ba-lê này là do nhà soạn nhạc viết riêng cho Tsa-ra Nan-đi, nhưng anh không còn lo sợ về nhịp điệu vũ bão của nó nữa, vì thấy cô gái theo kịp được nhịp điệu đó một cách dễ dàng. Những làn sóng ánh sáng màu đỏ bao quanh thân hình màu đồng của cô gái, dội ánh thắm hồng lên đôi chân khỏe, mất hút trong nếp gấp tối của vải nhung, ửng hồng như ánh bình minh trên lụa trắng. Đôi tay cô gái giơ về phía sau, từ từ trở nên bất động ở phía trên đầu. Đột nhiên, không có gì khúc kết, điệu nhạc vũ bão của những âm thanh vút lên cao chợt ngừng bặt, ánh đèn đỏ dừng lại và tắt ngấm. Cái vòm trần cao vút của phòng biểu diễn bừng lên ánh sáng thường. Cô gái mệt mỏi cúi đầu xuống, mái tóc dầy của cô che lấp mặt. Tiếp theo hàng nghìn ánh đèn sáng rực, có tiếng ồn ào nổi lên. Người xem dành cho Tsa-ra vinh dự lớn nhất của diễn viên: đứng dậy và chắp hai tay vào nhau giơ cao lên đầu để khen ngợi chị. Trước khi lên biểu diễn, Tsa-ra không hề lo sợ, bây giờ chị bối rối, vén mớ tóc dài xuống mặt và bỏ chạy, sau khi đưa mắt nhìn dãy lan can trên cùng. Ban tổ chức ngày hội tuyên bố tạm nghỉ. Mơ-ven Ma-xơ đâm bổ đi tìm Tsa-ra, còn Vê-đa Công và Ép-đa Nan ra cái cầu thang khổng lồ, rộng một ki-lô-mét, bằng thủy tinh mờ màu da trời. Cái thang này dẫn thẳng từ sân vận động xuống bờ biển. Hoàng hôn trong suốt và mát mẻ lôi cuốn hai người phụ nữ đi tắm, theo gương hàng nghìn người đến xem hội. - Tôi chú ý ngay đến Tsa-ra Nan-đi không phải là không có lý - Ép-đa Nan bắt đầu nói - chị ấy là một diễn viên xuất sắc. Hôm nay chúng ta đã được xem vũ điệu về sức mạnh của cuộc sống! Có lẽ đấy chính là Ê-rốt của người xưa... - Bây giờ tôi hiểu là Các-tơ Xan, đúng là vẻ đẹp quan trọng hơn chúng ta tưởng nó là hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống, hôm đó anh ấy nói rất đúng - Vê-đa đồng ý, chị cởi giày và nhúng chân xuống làn nước ấm rập rình vỗ lên các bậc thang. - Với điều kiện là sức mạnh tâm lý do một cơ thể khỏe mạnh, đầy nghị lực sản sinh ra. - Ép-đa Nan nói rõ thêm, đồng thời cởi áo ngoài và lao những làn sóng trong suốt. Vê-đa đuổi kịp chị, và hai người bơi tới hòn đảo cao su khổng lồ loáng ánh bạc, cách bờ đập của sân vận động chừng một ki-lô-mét rưỡi. Bề mặt đảo bằng phẳng, ngang mực nước biển, xung quanh có những mái che hình vỏ trai, làm bằng chất dẻo màu xà-cừ, có kích thước đủ để che nắng cho ba bốn người và làm cho họ hoàn toàn cách biệt với những người bên cạnh. Hai người phụ nữ nằm dài trên sàn của "cái vỏ trai", thở hít mùi biển vĩnh viễn tươi mát. - Từ khi chúng ta gặp nhau trên bờ biển, chị đã cháy nắng nhiều lắm! - Vê-đa Công vừa ngắm bạn vừa nói - Chị đã phơi nắng trên bờ biển hay thuốc tạo sắc tố đấy? - Uống thuốc tạo sắc tố - Ép-đa thú nhận. - Chị không biết Ren Bô-dơ ở đâu thực đấy à? - Vê-đa Công tiếp tục hỏi. - Tôi biết đại khái, và điều đó đủ để tôi lo lắng! - Ép-đa Nan khẽ đáp. - Chị muốn ư?... - Vê-đa ngừng bặt, không nói hết ý ngĩ của mình. Ép-đa Nan mở những mí mắt đã nhắm lại và nhìn thẳng vào mắt Vê-đa. - Tôi có cảm giác Ren Bô-dơ là một chú bé bất lực, chưa trưởng thành - Vê-đa phản đối với vẻ lưỡng lự - còn chị là một người chưa hoàn hảo, có trí tuệ minh mẫn, không thua kém bất cứ người đàn ông nào. Bao giờ người ta cũng cảm thấy chị có một ý chí bằng thép. - Cả Ren Bô-dơ cũng nói với tôi như thế. Nhưng chị đánh giá Ren Bô-dơ không đúng, cũng thiên lệch như Ren tự đánh giá mình. Anh ấy là người có đầu óc mạnh bạo và thông tuệ, có khả năng làm việc hết sức lớn. Ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng không mấy người trên hành tinh này sánh kịp với anh ấy. So với tài năng của anh ấy thì những phẩm chất khác có kém phát triển hơn, vì chúng chỉ như những phẩm chất của con người trung bình hay thậm chí còn non kém hơn. Chị gọi Ren là đứa trẻ con cũng đúng thôi, nhưng đồng thời anh ấy là người theo nghĩa chính xác của khái niệm đó. Như Đa-rơ Vê-te chẳng hạn, anh ấy có những tính trẻ con, nhưng đấy là do thừa thể lực, chứ không phải là do thiếu thể lực như Ren. - Thế chị đánh giá Mơ-ven Ma-xơ thế nào? - Vê-đa tò mò - Bây giờ chị biết rõ anh ấy hơn rồi chứ? - Mơ-ven Ma-xơ là tổ hợp đẹp đẽ của trí tuệ, lạnh lùng với cuồng vọng đời xưa. Vê-đa Công cười rộ: - Tôi chỉ muốn làm thế nào học được cách diễn đạt xác đáng của chị thì hay quá! - Tâm lý học là nghề của tôi mà - Ép-đa Nan nhún vai - Nhưng bây giờ xin cho tôi hỏi chị một câu. Chị có biết Đa-rơ Vê-te là người có sức hấp dẫn đối với tôi không? - Chị e ngại những quyết định nửa vời chứ gì? - Vê-đa đỏ bừng mặt - Không, ở đây sẽ không có những quyết định nửa vời và sự thiếu thành thật. Mọi việc đều sáng tỏ như ban ngày... - và dưới cái nhìn dò xét của nhà bác học về tinh thần kinh - Vê-đa bình tĩnh nói tiếp - Éc-gơ No-rơ... con đường của chúng tôi đã chia rẽ từ lâu. Có điều tôi không thể đi theo tình cảm mới trong lúc anh ấy còn ở trong vũ trụ, tôi không thể lìa bỏ anh ấy, vì như vậy là làm yếu niềm hy vọng, làm yếu lòng tin vào việc anh ấy sẽ trở về. Bây giờ, điều đó lại trở thành một dự tính chính xác và là điều chắc chắn. Éc-gơ No-rơ biết hết, nhưng anh ấy vẫn đi con đường riêng của mình. Ép-đa Nan quàng cánh tay mảnh dẻ của mình ôm lấy đôi vai thẳng băng của Vê-đa. - Vậy là Đa-rơ Vê-te phải không? - Phải! Vê-đa trả lời dứt khoát. - Anh ấy biết chứ? - Chưa. Sau này, khi "Tan-tơ-ra" về đến nơi... Ta trở lại sân vận động thôi chứ? - Vê-đa kêu lên. - Đến lúc tôi phải đi rồi, không thể tham dự ngày hội được nữa. - Ép-đa Nan nói - hạn nghĩ sắp hết. Trước mắt là một công việc quan trọng ở Viện hàn lâm về Nỗi đau xót và Niềm vui sướng mà tôi còn phải gặp cháu gái nữa kia. - Chị có con gái lớn ư? - Cháu mười bảy tuổi. Con trai tôi lớn tuổi hơn nhiều. Tôi làm tròn bổn phận của bất cứ người phụ nữ nào phát triển bình thường và có khả năng di truyền: hai đứa con, không ít hơn. Còn bây giờ tôi lại muốn có đứa thứ ba, nhưng lại là đứa trưởng thành. Ép-đa Nan mỉm cười, và gương mặt đăm chiêu của chị ngời lên vẻ yêu đương trìu mến, làn môi trên cong như cánh cung hé mở. - Còn tôi, tôi hình dung đó là một thằng bé xinh trai, mắt to... cái miệng nom cũng dễ ưa và đượm vẻ ngạc nhiên như miệng chị... nhưng mặt điểm vết tàn nhang và mũi hếch - Vê-đa nói một cách ranh mãnh, mắt vẫn nhìn về phía trước. Người bạn gái của chị im lặng một lát rồi hỏi: - Chị chưa có công việc mới phải không? - Chưa, tôi đang đợi "Tan-tơ-ra". Sau đó sẽ làm một chuyến thám hiểm lâu dài. - Đi với tôi về thăm con gái tôi đi - Ép-đa Nan đề nghị, và Vê-đa vui vẻ nhận lời. Cái màn ảnh bán cầu cao bảy mét choán hết một mặt tường của đài quan sát. Màn ảnh này dùng để xem những bức ảnh và phim do các viễn kính mạnh ghi lại được. Mơ-ven Ma-xơ chiếu tấm ảnh chụp bao quát cả khu vực bầu trời gần cực Bắc Thiên-hà: đó là dải kinh tuyến của các chòm sao từ Đại-hùng-tinh đến chòm sao Quạ và chòm Nhân-mã. Ở đây, trong các chòm Đại-cẩu, Tóc Vê-rô-ni-ca và Thất-nữ, ta thấy vô số Thiên-hà, đó là các đảo sao của vũ trụ, hình dạng như những bánh xe dẹt hay như những chiếc đĩa. Người ta khám phá ra rất nhiều đảo sao như thế, trong chòm Tóc Vê-rô-ni-ca: từng đảo riêng biệt, đều đặn hoặc không đều, ở những vị trí và hình chiếu khác nhau, đôi khi xa vô cùng, cách ta hàng tỷ pác-xếc, đôi khi tạo thành những "đám mây" gồm hàng chục nghìn Thiên-hà. Những Thiên-hà lớn nhất có đường kính từ từ hai mươi đến năm mươi ngàn pác-xếc, như đảo sao của chúng ta, hay như Thiên-hà NN 89105+XB 23 thời xưa mang tên M31 hay Tinh vân Tiên-nữ. Từ Trái đất, nhìn bằng mắt thường, ta thấy nó là một đám mây mù rất bé nhỏ, sáng mờ mờ. Người ta đã khám phá được bí mật của đám mây ấy từ lâu. Đám tinh vân đó là một hệ thống sao hình bánh xe khổng lồ, lớn gấp rưỡi cả Thiên-hà khổng lồ của chúng ta. Tinh vân Tiên-nữ cách người quan sát ở Trái đất bốn trăm năm mươi ngàn pác-xếc, nhưng việc nghiên cứu đám tinh vân ấy đã giúp rất nhiều cho việc nhận thức Thiên-hà của chúng ta. Mơ-ven Ma-xơ vẫn nhớ những tấm ảnh tuyệt diệu chụp những Tiên-hà khác nhau mà anh đã được xem từ thuở bé. Người ta thu được những hình đó nhờ phương pháp đảo ảnh điện tử hay nhờ những kính viễn vọng vô tuyến nhìn được vào vũ trụ xa hơn cả những kính viễn vọng khổng lồ ở Pa-mia hay Pa-ta-gô-ni chẳng hạn (mỗi ống kính này có đường kính bốn trăm ki-lô-mét ). Các Thiên-hà là những đám tinh tú kỳ lạ, gồm hàng trăm tỷ ngôi sao cách nhau hàng triệu pác-xếc. Chúng bao giờ cũng khơi trong lòng anh niềm mong muốn cuồng nhiệt: làm thế nào biết được những quy luật cấu tạo, lịch sử xuất hiện và số phận sau này của chúng. Và điều trọng yếu nhất mà mỗi người dân Trái đất đều hồi hộp quan tâm là vấn đề sự sống trên vô số hệ thống hành tinh của những đảo sao của vũ trụ, vấn đề về những ngọn lửa tư tưởng và kiến thức đang rực cháy ở đó, vấn đề về những nền văn minh của con người trong khoảng không gian xa vô tận của vũ trụ. Trên màn ảnh hiện lên ba ngôi sao mà người Ả-rập cổ xưa gọi là Xia-ra, Mia-ra và An-ma tức là sao Tiên-nữ an-pha, bê-ta và gam-ma - làm thành một đường thẳng đi lên. Nằm ở hai phía của đường thẳng đó là hai Thiên-hà gần: đám tinh vân Tiên-nữ khổng lồ và đường xoắn ốc M-33 rất đẹp trong chòm sao Tam-giác. Mơ-ven Ma-xơ không muốn nhìn thấy một lần nữa những viền sáng quen thuộc của chúng và anh đổi tấm phim kim loại. Kia là một Thiên-hà đã được biết từ thời cổ xưa, hồi đó nó mang tên NGK 5194 hay M-51 trong chòm Đại-cẩu, cách ta hàng triệu pác-xếc. Đấy là một trong số những Thiên-hà hiếm hoi mà chúng ta trông thấy ở vị trí nằm theo phương vuông góc với mặt phẳng của "bánh xe". Nhân Thiên-hà dày đặc, rực sáng, gồm hàng triệu ngôi sao, với hai nhánh hình xoáy ốc. Đầu cuối dài ngoằng của những nhánh đó vươn về hai phía ngược nhau, ra xa đến hàng chục ngàn pác-xếc, dần dần trở nên mờ nhòa cho đến khi biến mất trong không gian tối đen. Giữa những nhánh chính, có những vực thẳm đen ngòm, tức là những khối vật chất tối thẫm xen kẽ với những vệt ngắn cong cong hệt như cánh tua-bin do những đám sao và những đám mây khí tạo nên. Thiên hà khổng lồ NGK 4595 trong chòm Tóc Vê-rô-ni-ca nom rất đẹp. Ở xa bảy triệu pác-xếc, có thể nhìn thấy rìa của nó. Thiên-hà nghiêng về một phía như con chim đang lượn. Nó trải rộng về mọi hướng, nom như cái đĩa mảnh và rõ ràng là cấu tạo bởi những nhánh hình xoáy ốc. Còn ở trung tâm, cái nhân hình cầu rất bẹt cháy rực, nom như một khối sáng dày đặc. Ta thấy rõ rệt là những dảo sao dẹt như thế nào: có thể so sánh Thiên-hà với cái bánh xe mỏng của bộ máy đồng hồ. Rìa bánh xe nom không rõ, dường như hòa tan vào bóng tối không đáy của không gian. Mặt trời và hạt bụi nhỏ xíu là Trái đất tồn tại chính ở một đường rìa như thế của Thiên-hà chúng ta, và nhờ sức mạnh của kiến thức mà hạt bụi ấy liên kết với với vô số thế giới có người ở, xòe rộng dôi cánh tư tưởng loài người vượt lên trên sự vĩnh cửu của vũ trụ. Mơ-ven Ma-xơ chuyển cần máy, chiếu lên màn ảnh hình Thiên-hà NGK 4594 thuộc chòm Thất-nữ. Thiên-hà này bao giờ cũng khiến anh quan tâm hơn cả. Nó cũng là Thiên-hà được nhìn thấy trong mặt phẳng xích đạo. Nó cách ta mười triệu pác-xếc, nom giống một thấu kính dày chói rực bị bao phủ một lớp khí sáng. Một dải dày màu đen cắt ngang thấu kính dọc theo quỹ đạo: đó là một đám vật chất tối. Ta có cảm giác Thiên-hà này là ngọn đèn bí ẩn dưới đáy vực thẳm. Có những thế giới nào ẩn náu ở đó, trong luồng bức xạ chói lọi hơn các Thiên-hà khác, tính trung bình đạt tới lớp quang phổ F. Trong Thiên-hà có những hành tinh hùng mạnh có người ở hay không, và phải chăng tư tưởng của những sinh vật có lý trí ở đấy cũng đang ráo riết tìm hiểu những bí mật của thiên nhiên như ở Trái đất của chúng ta? Nghĩ tới tình trạng hoàn toàn im hơi lặng tiếng của các đảo sao khổng lồ, Mơ-ven Ma-xơ siết chặt hai nắm tay. Anh hiểu tất cả sự ghê gớm ấy của khoảng cách: ánh sáng đi tới Thiên-hà ấy mất ba mươi hai triệu năm. Thời gian cần có thể trao đổi thông tin là sáu mươi tư triệu năm. Mơ-ven Ma-xơ lục lọi các cuộn dây, và trên màn ảnh bừng lên một vệt sáng rực, to, tròn ở giữa những ngôi sao thưa thớt, mờ nhạt. Một dải đen không đều đặn cắt ngang vệt sáng, càng làm nổi bật thêm những khối lửa sáng rực ở hai phía. Dải đen phình rộng ở hai đầu và che lấp vành đai khí cháy rộng lớn đánh đai lấy vệt sáng. Đấy là hình ảnh của những Thiên-hà va chạm nhau trong chòm Thiên-nga mà người ta đã chụp được nhờ những biện pháp kỹ thuật khéo léo lạ thường. Đã từ lâu, người ta biết rằng sự va chạm như thế của những Thiên-hà khổng lồ có kích thước bằng tinh vân Tiên-nữ của chúng ta, chính là nguồn bức xạ ra-đi-ô có lẽ là mạnh nhất trong phần vũ trụ mà chúng ta biết được. Những luồng khí khổng lồ chuyển động nhanh, làm sinh ra những trường điện từ có công suất mạnh ghê gớm, đến nỗi mọi xó xỉnh của vũ trụ đều nhận được tin về thảm họa kinh khủng. Bản thân vật chất gửi các tín hiệu ghê rợn ấy đi bằng một trạm ra-đi-ô có công suất một tỷ tỷ ki-lô-oát. Nhưng khoảng cách đến các Thiên-hà lớn đến nỗi bức hình ngời sáng trên màn ảnh cho biết tình trạng của chúng cách đây nhiều triệu năm về trước. Còn về việc hiện giờ các Thiên-hà đi qua nhau như thế nào thì chúng ta chỉ có thể thấy được sau một số năm lâu đến nỗi không rõ là đến lúc ấy thì loài người có tồn tại được nữa không. Mơ-ven Ma-xơ chồm dậy và chống mạnh hai tay vào cái bàn đồ sộ, khiến các khớp xương kêu răng rắc. Thời hạn truyền tin lâu hàng triệu năm, hàng chục ngàn thế hệ nối tiếp nhau chưa chờ đợi nổi, điều đó có ngĩa là "không bao giờ", dù là đối với hậu thế xa xôi nhất. Thật là tai hại đối với ý thức. Nhưng, có thể trừ khử điều tai hại ấy bằng chiếc đũa thần. Chiếc đũa thần ấy là phát minh của Ren Bô-dơ và thí nghiệm chung của họ. Những điểm xa vô tận của vũ trụ sẽ nằm trong tầm tay với. Các nhà thiên văn thời xưa cho rằng các Thiên-hà chạy tản về mọi phía. Ánh sáng từ các đảo sao ở xa lọt vào ống viễn kính của Trái đất đã bị thay dổi đi: các dao động sáng dài ra, biến thành sóng đỏ. Việc ánh sáng hóa đỏ như thế chứng tỏ các Thiên-hà ra xa người quan sát. Người thời xưa quen nhìn nhận các hiện tượng theo lối một chiều và thẳng đuột: họ tạo nên thuyết vũ trụ giãn nở hay bùng nổ mà chưa hiểu rằng họ nhìn thấy một khía cạnh của quá trình phá hủy hay sáng tạo vĩ đại. Chính là chỉ một khía cạnh, khía cạnh khuyếch tán hay phá hủy, tức là sự chuyển năng lượng xuống các mức thấp theo định luật thứ hai của nhiệt động học. Khía cạnh ấy được các khí quan của chúng ta và những dụng cụ tạo ra để tăng cường các khí quan ấy tiếp thu. Còn khía cạnh khác - sự tích tụ và sáng tạo - thì người ta không cảm thấy, vì bản thân sự sống có được sức mạnh là nhờ năng lượng từ các ngôi sao - mặt trời khuyếch tán ra và cách cảm thụ thế giới xung quanh của chúng ta cũng phù hợp với điều đó. Nhưng trí tuệ mạnh mẽ của loài người đã thâm nhập cả vào quá trình sáng tạo các thế giới trong vũ trụ của chúng ta, những quá trình vẫn bị che giấu khiến ta khó thấy. Tuy vậy, thời xưa, người ta tưởng rằng một Thiên-hà nào đó càng ở xa Trái đất thì tốc độ ra xa của nó càng lớn. Càng đi sâu vào không gian thì tốc độ các Thiên-hà càng gần tốc độ ánh sáng. Giới hạn của vũ trụ thấy được là khoảng cách mà từ đó trở đi các Thiên-hà dường như đã đạt tới tốc độ ánh sáng: thật vậy, chúng ta sẽ không nhận được ánh sáng nào của chúng và không bao giờ có thể nhìn thấy chúng. Bây giờ chúng ta biết những nguyên nhân khiến cho ánh sáng của các Thiên-hà hóa đỏ. Có nhiều nguyên nhân. Từ các đảo sao ở xa, chỉ có ánh sáng do các trung tâm rực sáng của chúng phát ra là đến được với chúng ta. Bao quanh những khối vật chất cực lớn ấy là những trường điện từ hình Vành-khuyên có tác dụng hết sức mạnh không chỉ do công suất, mà còn do tính làm chậm những dao động sóng, biến những dao động ấy thành những sóng đỏ dài hơn. Thuở xưa, các nhà thiên văn đã biết rằng ánh sáng phát ra từ các ngôi sao có tỷ trọng rất lớn sẽ biến thành ánh sáng đỏ, các vạch quang phổ chuyển dịch về đầu đỏ và ngôi sao dường như đang ra xa, chẳng hạn như phần hợp thành thứ hai của sao Thiên-lang là sao Trắt màu trắng tên là Thiên-lang B. Thiên-hà càng ở xa thì bức xạ đến với chúng ta càng tập trung và sự dịch chuyển về phía đầu đỏ của quang phổ càng mạnh. Mặt khác, trên con đường rất xa xăm trong không gian, các sóng ánh sáng bị "lay động" và các lượng tử ánh sáng mất một phần năng lượng. Bây giờ hiện tượng đó đã được nghiên cứu kỹ: sóng đỏ có thể là những sóng ánh sáng thường, mệt mỏi "già nua". Ngay cả những sóng ánh sáng thâm nhập được vào mọi nơi cũng bị "già đi" khi vượt qua những khoảng cách khó tưởng tượng nổi. Con người có hy vọng khắc phục được hiện tượng ấy nếu không tấn công vào chính sự hấp dẫn bằng mặt đối lập của nó, theo kết quả suy ra từ toán học của Ren Bô-dơ! Như thường lệ, Mơ-ven Ma-xơ ra ban-công đài quan sát và rảo bước đi đi lại lại. Trong đôi mắt mệt mỏi của anh lấp lánh những Thiên-hà đã gửi tới Trái đất những ánh sáng đỏ, chẳng khác gì những tín hiệu cầu cứu, những lời kêu gọi tư tưởng bách thắng của con người. Mơ-ven Ma-xơ cất tiếng cười khe khẽ và tự tin. Những tia đỏ ấy sẽ trở nên gần gũi với con người cũng như những tia đã rọi ánh sáng đỏ đầy sức sống lên cơ thể Tsa-ra Nan-đi trong ngày hội Chén-lửa. Tsa-ra đã đột nhiên xuất hiện trước mắt anh dưới hình dáng cô gái có nước da màu đồng của sao Đỗ-quyên ép-xi-lon, cô gái anh hằng mơ tưởng. Và anh hướng véc-tơ Ren Bô-dơ vào chính Đỗ-quyên ép-xi-lon không phải chỉ vì hy vọng nhìn thấy một thế giới tuyệt đẹp, mà còn để tôn vinh người con gái đại diện cho ngôi sao đó trên Trái đất! Chú thích: [1] Chevelure de Bérénice - Chòm Hậu-phát