Phần thứ nhất -1-

    
- gười ta thường bảo: “Trời cho ta cái tài, trời lại cho ta cái tình, ta phải mượn cái tài mà ca hát cái tình, ấy là lẽ tự nhiên”.
Đó là câu triết lý hằng ngày của Vũ. Chàng sinh ra trong một gia đình sung túc, sống hoàn toàn trên nhung lụa. Cha chàng làm Đốc phủ ở một tỉnh miền đông Nam Bộ. Từ khi được mười lăm tuổi, chàng rời bỏ quê nhà lên Sàigòn học tập. Chính cái thời gian xa hẳn cái gia đình nền nếp, chàng tìm đặng cái quan niệm trên đây, làm mục tiêu cho đời sống mình.
Sự thật, Vũ vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Chàng có một tấm lòng rất dễ xúc cảm với một tình yêu bao la: tình yêu tất cả vạn vật và nhơn loại. Một làn khói trắng bên nhà, một chiếc lá vàng rơi trên mặt cỏ, một tiếng chim kêu lặng lẽ trong u buồn, cũng có thể làm cho chàng bâng khuâng vơ vẩn. Vũ nhận thấy những cảm giác tế nhị của lòng mình, và chàng tìm hòa hợp nó trong Thơ. Chàng là một Thi sĩ.
Vũ nhớ từ khi từ giã băng nhà trường để trở về xứ sở, chàng không quên gởi lại các bạn tiếng lòng tha thiết của mình:
Thôi thế bạn về yên xóm cỏ,
Xứ nghèo đã cổi gốc yêu thương.
Nhớ nhau vẫy bút làm mưa gió,
Cho đống xương đời được nở hương.
Và từ đấy, chàng đem cái tài và cái tình của mình về chốn quê xưa, đem phổ nó vào cảnh hùng vĩ của núi sông trong những buổi chiều tà bảng lảng.
Ngày xanh như lá rụng! Thấm thoát đã ba năm rồi. Một hôm, Vũ đang vơ vẩn trên cầu, bỗng nghe bên rặng tre có tiếng xào xạc. Một chiếc thuyền lách qua cụm lau rồi tiến về phía Vũ. Chàng ngạc nhiên khi thấy một người vạm vỡ dưới thuyền bước lên, kính cẩn chào chàng:
- Cậu có phải là cậu Vũ không?
- Phải, sao chú biết tôi?
Người khách mỉm cườì:
- Ai ở đây mà không biết cậu?
Và hắn lần lưng ra một bức thư đưa cho chàng:
-Cậu có bức thư.
Vũ tiếp lấy thư. Chàng nhận ra tuồng chữ ở phong bì quen quen, nhưng không nhớ là của ai. Nét chữ mềm mại, mảnh mai của một thiếu nữ:
Hoa thôn, một chiều mùa thu...
Anh Vũ yêu quí,
Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
Anh ơi! Em còn nhớ một buổi chiều mưa gió, anh ngâm câu thơ ấy cho em nghe. Từ khi em quay bước về chốn tử phần, chẳng hiểu theo kiếp phù trầm của nhân thế, có khi nào anh nhớ đến người bạn gái ngày xưa mà nâng cốc rượu than rằng: “Em ấy bây giờ thì trôi nổi về đâu?”
Con bướm của thời xưa đã bay về nơi quê cũ, hấp hối trên đống lá vàng. Buồn lắm, anh ơi! những ngày êm đẹp sao mà chóng tàn, những phút nhớ nhung sao mà vĩnh viễn...
Đường danh chửa đạt nhưng người ấy
Về gởi xương tàn ở đất quê!
Chết nát cả cõi lòng! Chiều chiều, nhìn theo đám mây giang hồ mong gởi chút tình thương nhớ. Những đêm mộng mị bàng hoàng, em vẫn thường mơ thấy bạn. Thượng đế hãy ban chút phước lành để làm dịu bớt lại lòng em.
Em tiếc ngày xa xanh quá! Anh ơi! Em sợ một cánh đồng cỏ xanh hiu hắt và một làn khói nhẹ bốc lên trời. em sợ cả bóng đêm, em sợ cả biều chiều về chậm chậm...
Em chết mất. Em sẽ từ giã cả, từ giã cõi đời, từ giã cha mẹ thân yêu, từ giã anh mà suốt đời em yêu quí.
Em của anh,
PHƯỢNG
Đọc xong bức thư, Vũ dường như bàng hoàng trong cõi mộng. Cả một dĩ vãng lại diễn ra trước mắt khiến lòng chàng xao xuyến, bâng khuâng...
Ngày xưa, Vũ và Phượng là đôi bạn thân yêu. Thấy bạn buồn mà buồn, thấy bạn vui mà vui, đôi bạn trẻ ấy quấn quít nhau, đấp đổi cùng nhau những mộng ngày xanh đằm thắm. Những đêm trăng về trên vườn cau vương bóng, hai người cùng dẫn ra cầu này, đứng bên nhau, nhìn làn nước tấp tênh cánh bèo trên bọt úa. Cảnh trời êm lặng. Vài con vạc sành kêu khắc khoải trên bờ sương. Vũ cầm đàn khẽ nắn đường tơ. Tiếng đàn trầm bổng vang ra não nùng. Vũ biểu nàng ca. Nàng nhìn Vũ bẽn lẽn, rồi cất tiếng ca lảnh lót
Một con bướm hồng
Bên hồng bay bướm.
Một làn phấn bướm,
Bay bướm bên hồng.
Tiếng đàn tình tang,
Tính tang kêu vang.
Thấy bướm thấy chàng,
Buông tay buông đàn...
Phượng ca dứt thì Vũ cũng vừa buông đàn. Hai người nhìn nhau cười vì tìm không thấy bướm.
Qua thời kỳ bé bỏng, đôi bạn cùng xa quê để tiếp tục học ở Saigòn. Nhưng đến năm thứ tư thì Phượng thôi học về nhà, vì sinh kế phải theo cha mẹ về miền Tây là nơi quê cũ của Phượng. Thế là từ đó, Vũ không được tin tức gì của nàng nữa.
Hôm nay, bức thư của nàng đến giữa lúc bất ngờ làm cho chàng cảm động. Chàng run run hỏi người khách:
- Phượng bây giờ ở đâu? Tôi có thể đến thăm Phượng chăng?
- Phượng cũng muốn gặp cậu.
Vũ có cảm giác như tim chàng ngừng đập. Nhưng chàng điềm tĩnh:
- Tôi đi với chú ngay bây giờ được? Tôi nóng gặp...
Hắn mỉm cười:
- Được. Cậu xuống thuyền.
Vũ theo người khách bước xuống. Thuyền tư từ tách ra khỏi bãi sậy đìu hiu. Một cơn gió lốc làm cho nó chập chờn trên đợt sóng. Giữa trời, một con chim con vừa mới biết bay đang kêu lên những tiếng thảm thiết, rồi không chịu nổi với cơn gió mạnh, rơi như chiếc lá xuông cành cây khế bên kia sông.
Vũ hỏi người khách:
- Không thể đi đường bộ sao, chú?
- Được, nhưng xa hơn.
- Độ bao lâu tới?
- Chừng trăng lên.
Vũ không nói gì nữa, đưa mắt nhìn ánh chiều tà đang nhường bước cho màn đêm. Sao đã nhấp nhố ở bốn hướng trời.
Thật như lời khách nói, thuyền ghé bờ khi trăng vừa lên ngọn cau. Khách lên bờ, Vũ bước theo, hai người đi sóng đôi đến một khoảnh vườn rộng. Vũ thấy qua hàng cau, một chiếc nhà ngói cũ kỹ, chàng đoán đó là nhà Phượng.
Qua khỏi cổng, Vũ thấy dạng một thiếu nữ và một cậu bé đứng ở sân. Nàng nhìn ra phía sông, hình như có ý chờ đợi. Đi thêm đặng vài bước, nhờ ánh trăng nghiêng lên mặt, Vũ nhận ra nàng. Chàng cảm động reo lên:
- Em Phượng!
- Anh!
Bốn mắt nhìn nhau lặng lẽ. Mắt thiếu nữ lóng lánh đẹp, nhưng Vũ nhận nó chan chứa một cái gì. Chàng chợt nhận ra nàng gầy đi nhiều, và dưới ánh trăng xanh, khuôn mặt nàng càng tăng vẻ xanh xao tiều tụy.
Vừa lúc ấy, ba má Phượng từ trong nhà bước ra. Bác Tư mừng rỡ:
- À, cậu Vũ.
Vũ kính cẩn cúi đầu:
- Chào hai bác.
Bà Tư mỉm cười:
- Cậu trông mau lớn quá! Cháu Phượng vẫn nhắc đến cậu luôn.
- Đã năm năm rồi còn gì!
- Sao cậu biết bác ở đây mà đến?
- Em Phượng vừa cho cháu hay, cháu ngỡ hai bác còn ở xa.
Bác nhìn Phượng, rồi thở dài nói:
- Bác về đã nữa năm nay. Cháu Phượng hình như không chịu phong thổ miền dưới nên đau ốm luôn. Từ hôm về đây, cháu đã bớt.
- Sao bác không cho cháu hay?
Và chàng day qua phía Phượng:
- Sao em không cho anh hay?
Bà Tư cười nói:
- Tưởng cháu còn đi học.
Vũ tin lời đó ở bà Tư, nhưng chàng không thể tin nếu lời đó cũng thốt ra ở Phượng. Tuy nhiên, chàng vẫn thấy lòng khoan khoái đứng trước những mỹ tình thân ái bỗng đem đến cho chàng một cách đột ngột, cái mỹ tình mà chàng ngỡ đã xa vắng, và sẽ xa vắng đến vĩnh viễn.
Trăng đã lên cao. Từng mảng mây kéo ngang thành những vệt dài xuyên qua làn không khí. Thân cây in bóng xuống nền đất, mấy tàu lá đánh bật sau ót như mấy chiếc đuôi sam.
Đêm đó, chàng nói chuyện thật khuya với gia đình Phượng. Tất cả những chuyện xảy ra từ ngày xa cách, từ chuyện làm ăn của ba má Phượng, đến chuyện học hành của Vũ, đều được ôn lại một cách thân mật và vui vẻ. Chỉ có một điều Vũ chưa nói tới, là tấm lòng của chàng đối với Phượng.
Phượng cũng biết Vũ không bao giờ nói điều đó hay là chàng chưa bao giờ nói. Nhưng nàng đã hiểu nó không cần lời. Những lúc nằm trên giường bịnh, nàng đã nhận nó bằng tâm tưởng. Và giờ đây, dưới ánh trăng huyền bí, nàng đã nhận nó qua tia mắt của Vũ như nàng đã nhận ra ngày xưa ở những bài thơ êm ái của chàng.
- II -
Nhưng Vũ không chỉ là một nhà thơ, Vũ còn là một nhà triết học. Các bạn ở trường thường bảo Vũ: “Anh sống xa thật tế quá!”. Thật vậy, Vũ sống gần với lý tưởng hơn, mặc dầu cái lý tưởng ấy Vũ chưa lĩnh hội một cách đích xác, và chỉ thấy mang máng nó qua đám sương mờ.
Sinh ra với một tình yêu thâm thúy bao la, Vũ thường nhìn qua lòng mình và lòng người. Và Vũ có một phản động tự nhiên đối với những chế độ hà khắc: chế độ gia đình và chế độ xã hội. Nhưng đó là một phản động tiềm tàng, tiêu cực, Vũ chưa một lần bộc lộ nó ở cử chỉ, họa may một đôi lần lộ liễu nó ở ngòi bút. Vì Vũ vẫn còn những sợi giây trắc ẩn đối với gia đình cũng như một mối tình phong phú đối với thế nhân.
Ở nhà Phượng về, Vũ thấy lòng mang thêm những thắc mắc. Đi ngang qua phòng làm việc của quan Phủ - cha chàng - Vũ cảm thấy một bầu không khí trang nghiêm đến khó thở. Chàng không dám nhìn cha, nhưng biết rằng mắt ông đang nhìn chàng với tất cả sự giận dữ răn đe. Ông Phủ chưa nói gì, Vũ biết công việc rầy chàng ông đã để cho mẹ chàng.
Vũ muốn đi thẳng về phòng mình, nhưng rồi vẫn ríu ríu lại chào mẹ như thường lệ.
Mẹ Vũ đang ăn trầu trên bộ ván. Thấy chàng, bà đặt vội miếng thuốc đang xỉa xuống tráp trầu:
- Con mới về đó phải không?
- Thưa mẹ, vâng.
Bà nghiêm giọng:
- Con đi đâu suốt cả đêm nay?
- Con đi thăm một người bạn đau nặng.
- Mẹ đã dặn con không nên đi chơi với bạn bè nhiều... Con phải lo học thêm hoặc ở nhà giúp đỡ cha con. Cha con tính cho con thi ngạch thông phán tòa bố kỳ thi sắp tới đây.
Vũ nhớ đến bầu không khí ở phòng làm việc của cha lúc nãy. Chàng lắc đầu:
- Con tính về vườn thôi, mẹ ạ! Nghề trồng trỉa hợp với con hơn, và tự do hơn.
- Hừ, tự do! Bây thì động cái là nói tự do, đòi tự do. Chớ ỏ đây ai cùm xích mà không tự do?
Vũ nghĩ thầm: “Ở đây cái gì cũng là cùm xích” nhưng chàng chỉ đáp khẽ:
- Con đã định thế từ lâu.
Chàng chào mẹ rồi trở về phòng.
Vừa đặt lưng xuống giường, bao nhiêu nỗi bực dọc đều nhường chỗ cho những ý nghĩ về Phượng. Chàng nhớ đến từ ngày Phượng bé bỏng, đến một Phượng nữ sinh, rồi một Phượng gầy võ tiều tụy. Thời gian thay đổi nhanh chóng quá. Nhưng tánh tình Phượng thì chàng thấy vẫn không chút đổi thay. Chàng tự hỏi: “Mình có yêu Phượng không?” Chưa một lần nào lòng chàng trả lời câu hỏi đó. Chàng chỉ biết mình gần Phượng từ thuở bé với một tình bạn thân mật hơn là một tình yêu. Có những khi trong những bài thơ, chàng có tả đôi mắt đẹp của Phượng, tánh tình ngây thơ của Phượng, nhưng đó là vì chàng cảm thấy cái đẹp ở đấy mà thôi. Nếu có thể nói, tấm lòng của chàng bao quát đối với những vẽ đẹp, không riêng gì ở Phượng. Và mối tình của chàng đối với Phượng - ngay đến buổi gặp gỡ sau cùng này - cũng chỉ là một tình bạn và là mối tình của một thi sĩ đối với một vẽ đẹp mà thôi. Có thể gọi đó là ái tình không? Chàng cười thầm: “Nguời ta bảo mình lập dị, có lẽ cũng phải”. Vũ lấy cuốn “Triết học Mặc Tử” để ở đầu giường, lật qua đến trang đang xem dở. Đó là quyển sách đầu nằm của Vũ. Nó hợp với Vũ ở một tình yêu rộng rãi bao la - tình yêu đại đồng - và Vũ tìm đặng ở nó ít nhiều phản động đối với chế độ cũ. Thế là Vũ ôn nhuần nó như là quyển kinh nhật tụng. Vũ nghĩ: “dầu không thi hành được những phương pháp để đào tạo một thế quân bình, thì âu là hãy có một tâm hồn yêu thế nhân thiết tha như Mặc Tử?” Vũ đang bước qua cái trạng thái của một người sống đầy đủ quá trong vật chất, muốn tìm vài nhu cầu cần thiết cho tâm hồn.
Chàng đang chăm chú đọc đến “Chủ nghĩa kiêm ái”, bỗng nghe có tiếng ai rộn rịp ở sân ngoài. Chàng nhìn qua canh cửa sổ. Một tốp năm người lính đang dẫn một thanh niên bị còng tay đứng ở sân, có lẽ còn chờ lịnh của quan Phủ.
Vũ buột mồm reo lên:
- Anh Bão! Bão làm gì ở đây và làm sao bị bắt?
Chàng vội vàng ngồi dậy. Bão lam lũ trong bộ quần áo đen đã bạc màu. Mặt chàng xạm đen, nổi bật lên những đường gân cương quyết và chững chạc. Mắt chàng sáng quắc, ngó thẳng ra phía trước.
Vũ muốn chạy ra với bạn, nhưng có cái gì ngăn cản không cho chàng bước. Vũ có cảm giác thèn thẹn với bạn. Nhưng chàng biết ra lúc này cũng vô ích, hãy đợi xem Bão bị tội gì.
Bão bị tội gì? Đó là một câu hỏi nảy ra ở đầu Vũ từ khi thấy Bão. Chàng cố đem ra bao nhiêu nghi ngờ để có thể buộc Bão một tội, nhưng mà không thể. Bão không thể gây nên một tội ác gì cả, con người ấy Vũ đã hiểu nhiều sau mấy năm chung đụng gần gũi ở ban Trung học. Bão là một người thành thật, chất phát và học giỏi nhất lớp. Vũ đã xem Bão như một người anh và vẫn thường phục Bão ở mọi cuộc luận bàn về văn chương hay triết lý. Một hôm Vũ đọc cho Bão nghe mấy bài thơ của mình mới viết. Bão nghe xong, cười nói: “Thơ không phải là để nói trời nói đất, mà phải gần với đời sống và phụng sự nhân sinh. Thời đại này không phải là thời đại của Lý Bạch hay Đổ Phủ”. Vũ cũng cười: “Nhưng nếu không như Lý Bạch hay Đổ Phủ thì không còn là thơ nữa”. Bão thẳng thắn kết luận: “Nếu vậy càng hay, bằng làm thơ như họ thì hãy tìm ra những hoang đảo mà làm”. Rồi đôi bạn vui vẻ bắt sang chuyện khác.
Biết bao nhiêu kỷ niệm thân mật về Bão. Từ ngày Vũ thôi học về đây, Vũ chỉ nhận đặng một bức thư vắn tắt của Bão cho biết rằng chàng cũng đã thôi học vì phận sự phải đi xa. Đã ba năm rồi, chàng không được tin tức gì về Bão nữa, cho đến hôm nay...
Vũ thở dài nhìn theo gót mấy người lính đưa Bão xuống trại giam. Chàng thấy lòng thắt lại.
° ° ° ° °
Vũ càng ngạc nhiên khi được biết Bão là một người tình nghi cách mạng.
Gần đây phong trào cách mạng nổi dậy khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam. Nhà cầm quyền ra lịnh đàn áp bọn phiến loạn và truy nã những kẻ bị nghi. Rất nhiều lãnh tụ của họ bị bắt và bị đày ra Côn Đảo.
Tiếng “cách mạng” làm khủng khiếp tất cả các giới quan quyền, làm chấn động đến cả giới trí thức và tư sản. Họ nơm nớp lo sợ, nhiều người không hiểu nó có mục đích gì. Chính Vũ cũng là một trong những hạng người ấy. Có một đêm, Vũ bị đánh thức dậy bởi những tiếng ồn ào. Chàng chổi dậy trong khi cha chàng thét lính canh phòng cẩn mật bốn mặt nhà, mẹ chàng run lên như cầy sấy khi nghe tiếng súng bắn dọa ở trước sân. Chàng không dám mở rộng kính cửa sổ, rón rén đến nhìn qua kẹt cửa. Từng đoàn người rần rộ kéo nhau đi. Họ vác hèo mác, cầm biểu ngữ, trương cờ đỏ, vừa reo to những khẩu hiệu. Mặt người nào người nấy đầy sát khí, tưởng chừng như họ có thể giết chết bất cứ người nào ra cản đường họ. Cứ như thế diễn ra luôn mấy đêm. Sáng ra, người ta hay tin một viên hương quản bị chặt đầu. Đêm khác, vài tên lính bị ám sát. Nhiều bản tuyên cáo dán đầy đường hăm sẽ lấy đầu quan Phủ. Vài tuyên ngôn rải khắp ngõ để bày tỏ nguyện vọng của họ, nhưng không ai dám đọc. Tang tảng sáng, đoàn lính tủa ra các ngả đường lượm về, để một chồng ở dinh quan Phủ, rồi đem nạp về tòa bố.
Trước những cảnh ấy, Vũ không hiểu gì họ và cũng không có một cảm tình gì với họ được. Vũ không quen với những hành động phản kháng tính cực, nhất là cuộc đẫm máu đồng bào. Nhưng Vũ cũng không có gì thù hằn họ. Nhiều khi Vũ còn thương họ là khác, khi những người bị của họ bị bắt, bị khảo tra, bị tù đày.
Nhưng lần này, bao nhiêu ý nghĩ của Vũ về họ đều đổ vỡ và xáo trộn trong đầu óc Vũ: Bão là một nhà Cách mạng. Có thể như thế được chăng? Có thể Bão cũng là một người hung hăng, khát máu như thế chăng? Tại sao Bão lại làm cách mạng, cái hành động mà xưa nay Vũ vẫn cho là vô lối, là không tưởng?
Bao nhiêu câu hỏi ấy vẩn vơ trong đầu Vũ. Vũ nghi ngờ Bão, rồi nghi ngờ cả những nhận xét lâu nay của mình. Rốt cuộc, Vũ nhất quyết: phải tìm hiểu Bão, phải rõ sự thật.
Trưa hôm ấy, trong lúc quan Phủ ở phòng việc, Vũ xuống ngay phòng giam. Sau khi nói với tên lính gác rằng chàng có chuyện cần dọ hỏi tội nhân, chàng tiến ngay vào phía Bão.
Trong khám có ba người. Hai người thường phạm đang ủ rũ ngồi trong một hóc nói chuyện, chợt ngưng bặt khi thấy Vũ vào. Bão đứng cạnh cánh song sắt hướng ra đường, mắt đăm đăm nhìn mấy tên lính gác đi qua đi lại, có vẻ nghĩ ngợi. Bão không để ý cánh cửa mở, cũng không để ý đến người vừa vô là ai.
Vũ nghĩ thầm: “Cũng vẫn vẻ hiên ngang ấy”, và chàng gọi lớn:
- Anh Bão!
Bão day lại - À, Vũ.
Vũ tiến đến bên Bão, đưa tay ra bắt tay bạn:
- Tôi không ngờ gặp anh trong trường hợp này. Ba năm rồi, không được tin tức gì của anh, tôi ngỡ anh đã phiêu lạc về phương trời nào.
Bão cười:
- Phải, ba năm rồi biết bao là công việc đổi thay, chỉ có anh là không thay đổi gì cả. Đời vẫn bình thản dưới mái nhà ấm, và tiếng nói của anh vẫn là giọng của một nhà thơ.
Vũ nhìn tận vào mặt bạn, vẻ mặt nhuộm một màu khắc khổ nhưng rắn rỏi. Chàng thấy ở lời vừa thốt ra ấy của Bão có cái gì mỉa mai nhưng thân mật, mà chỉ có những người bạn thẳng thắn như Bão mới biểu lộ ra được. Chàng chưa tìm được lời gì để đáp, thì Bão thản nhiên tiếp:
- Cảnh ở đây nên thơ quá, Vũ nhỉ? Trong những nơi huy hoàng đài các như thế này, người ta sống biệt lập với những cõi đời ngoài ngưỡng cửa. Suốt đời, tôi chưa được hưởng những phút ấy, và nếu tôi được hưởng, chẳng hiểu tôi có khác gì anh không?
Vũ cảm thấy mặt mình nóng bừng, chàng đáp khẽ, giọng phân trần:
- Đó không phải là lỗi ở tôi, Bão ạ! Cha mẹ tôi ở đây, tôi cũng đã được sinh ra và nuôi nấng ở đây từ thuở nhỏ.
Bão day mặt ngó ra đường để che một nụ cười:
- Tôi nói có sao đâu? Tôi chỉ bảo đây là một căn nhà tây thật đẹp và thật sang.
Không thể giữ vẻ điềm nhiên nữa, Vũ ngắt lời Bão:
- Anh Bão, thật tôi không hiểu anh ra sao cả. Nếu anh còn xem tôi là người bạn thân của anh ngày xưa, tôi mới có thể tiếp chuyện với anh được. Tôi có nhiều điều cần phải hỏi anh...
Mặt Bão trở nên dịu dàng:
- Chúng ta vẫn là bạn. Từ ngày ta xa nhau, tôi đã từng theo dõi từng việc làm của anh, bằng cớ là tôi đã đọc hầu hết những bài thơ anh viết ở các báo, cả những bài thơ của anh nữa.
Vũ ngạc nhiên:
- Anh đã đọc cả? Nhưng bấy lâu nay anh ở đâu?
- Ở khắp nơi.
- Và anh đã về đây?
Bão gật đầu:
- Phải, hơn một năm nay.
Giọng Bão buông rơi một cách lạnh lùng, trong khi Vũ đi lần từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chàng thấy Bão có cái gì khác thường, hay ít nhất, khác xa với chàng.
- Anh về đây làm gì?
Bão lại cười:
- Điều ấy anh đã biết: tôi làm cách mạng.
Vũ trố mắt:
- Cách mạng?
- Anh lạ lắm sao? Một người sống bay nhảy khắp nơi để về đây nằm trong ngục tối, anh đã từng sống bên người ấy, gần gũi hơn là ruột thịt, anh không hiểu được người ấy sao?
Vũ thở dài:
- Thật tình, tôi chưa hiểu gì anh lúc này.
Bão đưa tay nắm lấy chân song sắt, chàng không cười nữa, mày hơi cau:
- Cũng có lẽ, anh không hiểu là phải!
Vũ không để ý đến lời bạn, chàng nắm lấy tay Bão, như để giữ lòng tin ở bạn:
- Tôi chưa hiểu cách mạng là gì, và thú thật tôi không cảm tình gì với nó. Những hành động của họ chỉ làm tôi hoang mang. Ở trường, người ta không nói đến nó; về đây, tôi không biết gì hơn ngoài những triết lý duy tâm ở sách vở. Tôi không thích đem cá tính mình ràng buộc trong những chế độ xiềng xích, nhưng tôi đã tìm được một lối thoát cho tâm hồn: tôn giáo. Tôi tưởng nếu rèn luyện cho mình một tâm hồn vị tha thì có thể vượt ra ngoài mọi khuôn khổ phiền phức.
Bão buông nhẹ hai tay xuống để tỏ một cử chỉ phản đối; - Như thế chỉ là một lối giải thoát cá nhân.
- Tại sao chỉ là cá nhân?
- Con đường ấy nhiều người đã đi rồi. Đức Phật có một tình yêu bao quát, Mặc Tử có một tình yêu đại đồng, nhưng có một tình yêu không, chưa đủ. Phật có nhập Niết Bàn - nếu quả đó là cõi giải thoát - thì chỉ giải thoát riêng cá nhân Phật mà thôi. Mặc Tử có cổ xúy chủ nghĩa “Kiêm ái”, chỉ là phương pháp độc tài về lòng yêu thiên hạ mà thôi. Giáo lý Phật đã mấy ngàn năm, mà thế nhân vẫn còn oằn oại trong đau khổ. Mặc học có biểu dương khắp Trung Quốc, cũng không thâu phục được lòng thiên hạ trong một quốc gia. Như vậy, ta còn có thể tìm ở đó một chân lý giải thoát chăng?
Vũ như chợt tỉnh:
- Đành rằng vậy, nhưng không có chân lý nào tuyệt đối.
- Sao lại không? Chân lý đó không phải nảy nở trong những cánh cửa đài các, mà ở ngoài kia ngưỡng cửa. Và người ta phải nhận thức nó, nhận lấy nó theo luật tiến hóa của xã hội. Lòng yêu vị tha mà anh tìm ra ở tôn giáo là một phương tiện để soi sáng cái chân lý ấy.
Vũ đưa một tay lên trán như để cố gợi một ý thức:
- Những điều anh nói còn mờ ám quá, nhưng hình như tôi hơi mang máng hiểu.
Bão sung sướng:
- Thế thì tôi tin anh sẽ hiểu?
Vũ bỗng nghe tiếng rang rảng của quan Phủ từ phòng giấy đưa lại, có lẽ đang rầy vài người hầu. Vũ thấy chột dạ, hỏi khẽ Bão:
- Tại sao anh làm cách mạng?
- Câu chuyện dài, tôi không thể nói ở đây. Tôi sẽ nói với anh, một này kia khi tôi ra khỏi ngục.
Câu của Bão nhắc lại Vũ cái mục đích của chàng vào đây. Chàng lo lắng:
- Anh bị bắt có đủ bằng cớ không?
- Không, tôi bị tình nghi.
- Anh có hy vọng được thả không?
- Điều ấy tôi không nghĩ đến.
Vũ ngập ngừng, nói nhỏ để cho hai thường phạm đừng nghe:
- Tôi sẽ tìm cách cho anh được thả ra trong vài hôm. Anh có thể tin tôi, một người bạn.
Bão thản nhiên ngẩng đầu lên:
- Hãy thận trọng, Vũ ạ! Việc ấy có thể nguy hiểm cho anh, cho gia đình anh.
Vũ cũng thản nhiên:
- Tôi đã quyết. Vả lại, tôi cần phải hiểu anh hơn, cần phải nghe câu chuyện anh thuật lại về cuộc đời cách mạng của anh. Vì tôi đang muốn tìm ra chân lý.
Bão không đáp trong khi Vũ từ giã bước ra. Tới cửa, Vũ quay lại chào chàng một lần nữa với một nụ cười đảm bảo, rồi lẵng lặng vặn khoá.
Cánh cửa khép lại với một tiếng rên siết nặng nề.
 
- III -
Vũ vui vẻ đạp xe về hướng Hoa Thôn. Gió ngược chiều lướt dài trên mái tóc. Vài chiếc lá rơi la đà trước mặt, lạc loài như những cánh chim.
Đến một nẻo đường mòn, chiếc xe đạp vồng lên trên những mô đất. Những cây tràm, cây phượng, cây điều nối liền những rặng trúc thành hai hàng dài san sát hai bên lề. Bánh xe chuyển mình trên những cánh phượng, ghi lại dặm đường những vết máu lòng trinh.
Vũ đạp một thôi dài mà không biết mệt. Buồng ngực chàng căng lên. Lòng chàng rộn rã. Đời xin tươi trong ánh nắng lên đào.
Vượt khỏi rặng trúc, Vũ khoan khoái thấy những đọt lá cau uốn mình đong đưa quanh mái ngói. Chàng đã nhận ra đó là nhà Phượng. Nhớ đến người con gái ấy, Vũ lại thấy lòng mênh mang. Hơn một tuần rồi, vì bận lo cho Bão, Vũ không có thì giờ nghĩ đến Phượng. Cho đến sáng hôm nay, trong một lúc vơ vẩn nhìn ra cầu, Vũ chợt nhớ đến bạn và có ý định đến thăm nàng.
- Chị Phượng ơi! Anh Vũ đến đây nè.
Thằng Tí, em Phượng, đang chơi trước nhà, mừng rỡ, reo lên khi thấy Vũ vào. Vũ cũng vừa đến sân, nhảy xuống xe, mỉm cười hỏi nó:
- Sao em biết tên anh?
Tí láu lỉnh đáp:
- Em biết, vì chị Phượng nhắc đến anh luôn.
- Chị Phượng em đâu?
- Chỉ ở ngoài vườn sau. Anh đứng đây, để em chạy gọi chỉ nhé?
Chàng nắm lấy tay Tí:
- Không, anh cùng đi với em cũng được.
Tí không đi vô nhà, bước lẹ ra phía hông rồi thẳng ra vườn, Vũ hỏi nhỏ:
- Chị Phượng em có hay buồn không?
- Lúc nào chỉ cũng buồn.
- Sao vậy?
- Em không biết. Má em cũng thường hay hỏi, nhưng chỉ không chịu đáp. Ba em nói vì chỉ đau tim, có lẽ chỉ buồn vì sợ chết!
Vũ nhớ lại bức thư của Phượng, trong đấy Phượng than thở và tiếc rẻ tuổi xanh của mình. Có lẽ đó là bằng cớ về mối buồn của Phượng. Nhưng không phải vì lẽ đó mà thôi, lòng Phượng vẫn còn cái gì thắc mắc, khiến cho nàng sống trên sự hồi hộp, đợi chờ. Vũ đã hiểu sự thắc mắc ấy ở Phượng. Cho nên ngay sau khi ở nhà nàng về, Vũ đã dè dặt hỏi lại lòng mình, xem nó có đáng với sự chờ đợi của nàng không. Vũ chưa tự trả lời được thì chuyện Bão xảy ra, lôi cuốn chàng và cả trí não chàng vào công việc hoạt động của Bão. Cái câu hỏi mà chàng chưa kịp trả lời ấy, đến bây giờ chàng mới nhận rõ. Chàng thấy mình nghiêng về lý trí hơn là tình cảm, tình bạn hơn là tình yêu.
- Chị Phượng!
Vũ đang miên man nghĩ, tiếng gọi của Tí làm cho chàng giật mình. Phượng đứng dưới giàn mướp, tà áo ẩn trong bóng lá phản chiếu với ánh nắng thành một màu thiên thanh. Mái tóc nàng lấm tấm những đài hoa mướp vàng.
Phượng chưa kịp cất lời chào, Vũ buột mồm reo lên:
- Đẹp quá!
Phượng dịu dàng nhìn Vũ:
- Anh bảo cái gì đẹp?
Vũ tươi cười:
- Cái gì hôm nay cũng đẹp, mà đẹp nhất là người thiếu nữ dưới giàn hoa.
Phượng bẽn lẽn cúi đầu, đôi má xanh xao của nàng ửng hồng chẳng hiểu vì ánh nắng hay vì thẹn. Vũ yên lặng nhìn nàng. Phượng vẫn đẹp, tuy khuôn mặt và vóc dáng có gầy đi nhiều. Chàng thân mật:
- Anh đến thăm Phượng đây. Phượng có trông anh lắm không?
Nàng đáp nhỏ:
- Anh còn phải hỏi!
Đôi mắt buồn và câu đáp dịu dàng của Phượng làm cho chàng cảm động. Chính câu nói ấy ngày xưa, một lần Phượng dùng nó để bộc lộ tấm lòng mình, mà đến ngày nay Vũ vẫn còn nhớ. Năm ấy, Phượng và Vũ học năm thứ ba, hai ngưòi ở trọ cách nhau nhưng vẫn thường qua lại thân mật. Một hôm nhân kỳ lễ, các bạn về cả, chỉ còn Vũ ở lại. Chàng băng khoăng ra bến xe hỏi thăm tin tức ở nhà. Đến bến xe, Vũ ngạc nhiên thấy Phượng cũng vừa đến. Gặp Vũ, nàng mừng rỡ:
- Anh Vũ chưa về sao?
- Có lẽ anh không về được.
- Em cũng ở lại vì ba em đau ở nhà thương Chợ Rẫy. Nếu anh không về, chiều em đến chơi với anh nhé?
- Ừ, em đến chơi, anh ở lại một mình buồn quá!
Nhưng chiều đó, xe của quan Phủ đến và Vũ phải theo cha về quê. Thấm thoát ngày lễ qua, Vũ trở lên Sài Gòn. Trong khi ngồi xe về nhà trọ, Vũ thấy Phượng đi bên đường, mắt đăm đăm nhìn xuống chân như đếm từng bước. Chàng gọi lớn: “Em Phượng!” Chẳng hiểu có nghe hay không mà Phượng vẫn cúi đầu lẵng lặng bước đi.
Chiều lại, Vũ lật đật đến tìm Phượng. Nàng đang lay hoay xếp sách trên bàn. Thấy Vũ, nàng không nói gì, tay mân mê mấy chồng sách, nhưng vẻ mặt nàng đượm một u hoài không thể tả. Vũ hỏi:
- Bữa ấy, Phượng có đến kiếm anh chăng?
Phượng im lặng một lúc, rồi ngẩng lên nhìn Vũ với đôi mắt rưng rưng:
- Anh còn phải hỏi!
Đó là một lời trách cứ êm đềm và thâm thúy. Vũ thấy lòng sung sướng trước những giọt nước mắt vì mình, giọt nước mắt thấy lòng mình cảm động hơn là rung động, thương nàng hơn là yêu nàng.
Hôm nay tình cờ Phượng lập lại câu đó làm cho Vũ lại lo sợ. Chàng muốn Phượng hiểu chàng hơn, nhưng không có cách gì để giải rõ lòng mình. Chàng chỉ nói:
- Anh bận lắm, Phượng ạ! Rồi anh sẽ thuật lại cho em nghe.
Vừa lúc đó có tiếng chân từ trong nhà bước ra. Vũ day lại và gặp bà Tư:
- Chào bác ạ!
- Chào cậu.
Rồi bà thân mật:
- Lúc nãy vừa nhắc cậu thì giờ cậu đến, may quá! Cậu ở lại chơi đến chiều hãy về. Ở miệt đồng quê này, không khí rất tốt và được cái yên tỉnh.
- Cám ơn bác. Cháu cũng định thỉnh thoảng có rảnh lại về đây chơi.
Bà Tư vui vẻ nhìn quanh, cất tiếng gọi:
- Tí đâu rồi?
Thằng Tí đứng cạnh Phượng sau giàn hoa, vội vàng chạy lại:
- Con đây, má.
- Vào đây má nhờ cái này, con!
Dứt lời bà dẫn Tí trở vào. Vũ nhìn theo, mỉm cười nói với Phượng:
- Cậu Tí trông kháu quá! Tí vừa mách với anh một câu chuyện về Phượng đấy.
Phượng đưa mắt cho Vũ, hỏi lẹ:
- Chuyện gì, hở anh?
- Tí bảo rằng Phượng hay buồn lắm.
Mắt Phượng chớp chớp như hai cánh bướm:
- Không, em có buồn đâu!
Nhưng Phượng không dám nhìn Vũ nữa. Nàng bước mấy bước ra phía cổng, vừa bảo Vũ:
- Ta đi lần ra mé sông chơi, anh Vũ. Và anh thuật câu chuyện mà anh hứa kể lại cho em nghe.
Vũ bước theo nàng:
- Phải, ta cùng ra mé sông chơi đi. Gió ngoài ấy hẳn mát hơn.
Vũ tiến đến bên nàng và cùng đi song song ra cổng. Cách một con đường mòn nhỏ thì đến sông. Mặt nước phẳng lặng như nằm ngủ dưới bóng cây, vài rặng lau nhấp nhô trương mình ra ánh nắng. Gió dìu dịu và trời đìu hiu.
Vũ tự nhiên có một cảm tưởng, chàng nói:
- Ở đồng quê, cảnh vật lúc nào cũng như trầm tĩnh. Ở những nơi như thế này, người ta dễ giữ được bản tính thiên lương hơn.
Tiếng “hơn” Vũ có ý muốn nói: “hơn những nơi đài các”. vì chàng vừa chợt nghĩ đến lời Bão vừa nói hôm nào. Vũ lại nhận ra rằng từ ngày gặp Bão đến nay, chàng hay vơ vẩn vì những tư tưởng của Bão, dầu là đến những tư tưởng nhỏ nhặt.
Nhưng Phượng thì nàng nghĩ khác, cho rằng Vũ nhắc nhở đến mối buồn của nàng. Phượng ý nhị nói:
- Nhất là sau những cơn giống tố, cảnh vật chẳng những trầm tĩnh mà còn thêm uể oải. Chẳng hiểu những lúc ấy người ta có giữ được tính thiên lương hay không?
Vũ cười:
- Điều ấy thì em hẳn hiểu?
Phượng cũng cười:
- Mà nào em có hiểu đâu!
Hai người đứng dưới cội trâm. Tàn lá xum xê che khuất cả ánh nắng. Phượng vói tay nắm lấy một nhành cây. Đôi bồ câu đang ríu rít gù nhau trên cành, vụt vỗ cánh bay đi vì tiếng động.
Phượng nhắc Vũ:
- Nào, anh kể chuyện đi.
Vũ ngắm bạn một lúc, ngần ngại, rồi chàng thuật lại câu chuyện gặp Bão cho Phượng nghe. Chàng thuật lại với tất cả sự thắc mắc của những trạng thái biến đổi của tâm hồn. Trong lúc Phượng chăm chú lắng nghe, và cũng như Vũ, nàng cố hiểu. Nhưng sau khi nghe xong, nàng không tỏ vẻ gì quan tâm đến, thản nhiên nói:
- Bão hoạt động như vậy là phải. Những kẻ nghèo thì luôn luôn tìm cách để binh vực quyền lợi của kẻ nghèo, có gì là lạ?
- Binh vực quyền lợi thì thiếu gì cách, sao lại dùng đến bạo động và nguy hiểm vậy?
Phượng cười:
- Bởi vì Bão là người hiếu động cũng như anh là người ưa tĩnh. Bão làm cách mạng cũng như anh làm thơ.
Câu ví của Phượng làm cho Vũ bật cười. Lý luận của nàng thật dễ dàng và ngây ngô, nhưng chính Vũ cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Có ai vì thị hiếu mà hy sinh tánh mạng mình bao giờ? Càng nghĩ, Vũ càng hoang mang. Chàng có cảm giác ở ngoài kia còn một chân trời mới lạ, mà chàng chưa khám phá ra, cũng chưa hình dung nó được.
Trong lúc Phượng và Vũ đứng lặng bên nhau, mỗi người đeo đuổi theo một ý tưởng, thì chợt có tiếng lá động xạc xào. Vũ nắm tay Phượng bảo khẽ:
- Có người đến.
Từ trong một ngõ rẽ um tùm cây lá, ba người đàn ông bước ra, vừa đi vừa nói chuyện. Mặt người nào người nấy đều có vẻ gân guốc, chững chạc. Hình như họ đang bàn câu chuyện gì quan trọng.
Nhận ra một người trong bọn họ, Vũ bỗng reo lên:
- Anh Bão!
Bão ngoảnh lại, đôi mày chàng hơi cau khi bắt gặp đôi mắt ngạc nhiên của thiếu nữ. Chàng đến bên Vũ, chào qua Phượng, rồi thẳng thắn đùa bạn:
- Lúc này mà anh còn đi tìm tứ thơ hay sao?
Vũ có cảm giác như sắc mặt mình đỏ lên. Chàng lúng túng đáp:
- Không, tôi đi thăm một người bạn gài đồng học cũ.
Và chàng day lại phía Phượng:
- Luôn tiện, xin giới thiệu anh Bão với em Phượng.
Bão chào Phượng một lần nữa, trong lúc Phượng nép bên Vũ, bẽn lẽn cúi đầu. Bão để ý thấy Phượng gầy yếu xanh xao, vẻ mặt kiều diễm đượm một sắc u buồn. Chàng tự nhiên thấy lời đùa của mình hơi ác ý, vội chữa:
- Tôi năng đến vùng này mà không biết cô Phượng ở đây. Vậy từ nay thỉnh thoảng tôi ghé cô chơi, được không cô Phượng nhỉ?
- Cám ơn anh. Như thế là hân hạnh cho em lắm.
Bão day qua Vũ:
- Chúng tôi có chút việc. Anh có rảnh để theo chúng tôi một đoạn đường chăng?
Vũ nói:
- Tôi theo ngay. Các anh đợi tôi một phút.
Dứt lời, Vũ vội vã chạy vào từ giã bà Tư rồi lấy xe đạp ra. Chàng thân mật nói với Phượng:
- Thôi, em Phượng vào nhà nghỉ nhé! Khi khác anh lại đến, và hẳn là sẽ có chuyện có ích cho em.
- Em vẫn mong như thế.
Bão dịu dàng chào Phượng rồi cùng ba người bước đi. Khi đã khuất dạng thiếu nữ, Bão nói với Vũ:
- Ngay hôm được anh vận động thả ra, tôi về đây lo tụ họp lại các đồng chí cũ. Một số đã bị bắt, bao nhiêu còn lại vẫn cương quyết với chí hướng mình. Chúng tôi đang bí mật mở những cuộc tuyên truyền lớn ở các vùng quê.
Vũ ngần ngại một lúc, đáp:
- Tôi không thể tán thành công việc của các anh làm, vì tôi chưa hiểu rõ mục đích của các anh. Tôi vận động trả tự do lại cho anh, một là vì tôi là bạn anh, hai là để rõ sự thật những gì mà tôi chưa được rõ. Tôi muốn tỏ rằng: không phải vì cái hố sâu giai cấp mà chúng ta không có quyền thấu rõ chân lý.
Bão khẽ nhếch mép, để lộ một nụ cười rắn rỏi:
- Tôi đã hiểu anh nhiều, Vũ ạ! Một người bạn đã từng sống bên cạnh anh những ngày còn ở trường, đã từng theo dõi hành động anh từ ngày chia rẽ, người bạn ấy không thể hiểu lầm anh đâu. Anh là người hằng nói đến chữ “Thiên lương”, mặc dầu là một thi sĩ đi nữa, anh cũng không thể sống riêng với tình cảm mà không cần đến lý trí.Hôm nay, tôi muốn đánh thức lại cái lý trí ấy ở anh, để anh nhận lấy cái ý niệm tổ chức lại một đời sống mới.
- Miễn là đời sống đó không phản với Thiên lương.
- Cái ấy đã đành. Tôi không thể nói nhiều để cho anh hiểu, vì tôi tự biết tôi biểu lộ tư tưởng mình một cách khó khăn, nhưng tôi đã thận trọng ghi rõ lên trang giấy.
Bão rút trong túi ra một xấp giấy đưa cho Vũ, ân cần tiếp:
- Anh có thể xem đấy mà hiểu được tôi, hiểu được những điều mà anh muốn hiểu. Xem xong, anh nhớ đốt ngay.
Vũ sung sướng tiếp lấy. Chàng có cảm tưởng như cánh cửa của chân trời mới đã từ từ mở ra, một luồn ánh sáng lùa vào làm cho chàng nở bừng cả tuệ giác.