Phần thứ hai - 1 -

    
áng hôm ấy, tất cả Hoa Thôn đều rộn ràng vì cái tin tỉnh thành đã lọt vào tay quân đội Nhật. Khi Phượng quét sân xong vừa bước ra để mở cổng, thì gặp ngay bộ mặt hí hởn của chú cai Bi trỏ vào:
- Chú Tư đâu, cô Phượng?
- Ba cháu vừa dậy, còn ở trong nhà.
Hắn cười híp cả mắt:
- Cô hay tin gì chưa? Quân Nhật đảo chánh rồi, câu chuyện lý thú lắm cơ!
- Câu chuyện làm sao, hở bác?
Chú cai Bi bước vào sân:
- Cô vào đây, tôi thuật cho chú Tư và cô nghe.
Nghe tiếng người nói chuyện ở sân, bác Tư chạy ra:
- Có chuyện gì mà xôn xao thế, chú cai?
- À chuyện đảo chánh.
- Cái gì đảo chánh?
- Nhật đảo chánh.
- Đảo chánh làm sao?
Chú cai ra giọng người thông thạo, cắt nghĩa:
- Đảo chánh nghĩa là lật đổ một chánh phủ để nắm lấy chánh quyền.
Bác Tư ngạc nhiên:
- Vậy quân Nhật đã nắm chánh quyền?
- Phải, ngay hồi sớm mai này.
- Và họ cai trị mình, cũng như...
- Không, họ sẽ cho mình độc lập.
Phượng ngắt lời:
- Có khi nào bỗng dưng họ cho mình độc lập?
Hắn lại nhe răng cười:
- Ấy, mà họ sẽ cho.
Và để dẫn chứng cho lời mình nói, hắn bắt đầu kể:
- Sớm mai này, trong khi cả tỉnh thành uể oải dậy sau một giấc ngủ ngon lành, bỗng giật nẩy mình vì hai tiếng súng đồng chát chúa. Những cánh cửa vừa mở ra, ầm ầm khép lại. Nhưng những cặp mắt tò mò vẫn gắn vào kẹt cửa để nhìn ra. Họ thấy năm chiếc thiết giáp chở đầy lính Nhật đổ cách dinh chủ tỉnh chừng hai trăm thước, hơn mười chiếc khác đổ gần thành săn đá, chĩa súng vào thành. Sau vài phút bắn dọa, người ta thấy dinh quan chủ tỉnh treo ngọn cờ hàng. Quân Nhật ồ vào như giòng thác lũ, tịch thâu tất cả khí giới và bắt tất cả người Pháp. Trong lúc ấy, phía bên thành bắt đầu chống cự lại với những loạt súng đại bác và liên thinh. Nhưng quân Nhật đã lọt vào tận thành. Vài võ quan Pháp ngã gục dưới ngọn cờ, còn bao nhiêu đành chịu làm tù binh cho quân địch.
Phượng rùng mình, nói với cha:
- Hèn chi tang tảng sáng con đã nghe tiếng súng. Con ngỡ họ tập binh.
Bác Tư không nghe lời con, bác hỏi cai Bi:
- Rồi tỉnh thành lấy ai cai trị? Họ có nói gì với dân chúng không?
- Lẽ tức nhiên họ để người lại thay thế. Và họ đã ra bố cáo cho dân chúng hiểu. Họ bảo họ sẽ ra sức giải phóng cho tất cả những dân tộc nhược tiểu, họ sẽ mở một vùng thạnh vượng chung cho Đại Đông Á.
Phượng bĩu môi:
- Thế sao họ không trả chủ quyền ngay lại cho ta?
Cai Bi lắc đầu luôn mấy cái, mắt hắn xếch lên như đôi mắt ếch:
- Không được, không được. Ta làm sao nắm chánh quyền ngay được, khi mà trong tay chưa có một tổ chức binh bị. Họ hứa sẽ giúp ta tổ chức tất cả, khi nào ta đủ điều kiện, họ sẽ giao trả hoàn toàn cho ta.
Phượng mỉm cười:
- Họ hứa nhiều quá!
Cai Bi có vẻ bực mình:
- Cô không hiểu gì hết. Thà họ hứa còn hơn không.
Và hắn day lại phía bác Tư:
- Mai này, chú ra tỉnh với tôi. Tôi nghe nói nhiều đảng phái mình đang hoạt động để tổ chức một quân đội quốc gia. Tình hình nghiêm trọng, ta không thể ngồi yên được.
Bác Tư gật đầu:
- Phải, tôi sẽ đi với chú. Mình độc lập được hay không chỉ có cơ hội này.
Cai Bi đắc ý:
- Và chỉ có cơ hội này mới biết được kẻ nào yêu nước hay là không.
° ° ° ° °
Trọn ngày hôm đó, Phượng thấy trong lòng nàng xao xuyến. đợi đến chiều, nàng trốn cha ra Quán Lá, mong đổ tất cả sự xao xuyến ấy lại cho Bão.
Vì Phượng cũng đã là một đảng viên cách mạng.
Ngay hôm khi Vũ ra đi, việc làm đầu tiên của Phượng là tìm Bão xin nhập vào đảng. Nàng chỉ có cách ấy mới xứng đáng với tấm lòng của kẻ ra đi, vì nàng vẫn nhớ đến lời Vũ: “không phải vì lẽ em là gái mà có quyền từ chối phận sự”.
Thấy Phượng đến, Bão cười to:
- Cô Phượng đem tin đảo chánh đến đó phải không?
Phượng nhìn qua thấy có Bão và vài người bạn. Nàng cũng cười:
- Không, vì em biết mấy anh đã hay tin trước rồi.
- Thế sao cô có vẻ hối hả quá vậy?
- Vì em phải trốn nhà ra đây. Nàng ngồi xuống một chiếc sập đâu mặt với Bão. Khuôn mặt nàng ẩn một nửa trong bóng tối.
Bão nói:
- Cái việc mà bọn Nhật làm hôm nay, tôi đã dự đoán từ lâu rồi. Không có gì là lạ lùng.
- Nhưng họ hứa cho mình độc lập?
- Hứa là một chuyện mà thi hành là một chuyện khác. Cứ trông vào cái gương Cao Ly, Mãn Châu kia thì biết.
- Em cũng biết như vậy. Không lý họ công đâu đi giải phóng cho mình.
Bão lặng yên nhìn các bạn rồi nghiêm giọng tiếp:
- Chính chúng ta mới là những người có nhiệm vụ. Ta không thể tin ở bọn Nhật được. Phải tự ta giải phóng lấy nước ta.
Phượng nhìn thẳng vào mắt Bão:
- Ta phải làm sao?
- Ta phải vận động bành trướng lực lượng bí mật trong các vùng quê và đợi chỉ thị của Trung ương.
- Tại sao không tổ chức quân đội ngay ở châu thành như các đảng phái khác, vì người Nhật đã cho ta tự do lập đảng và tự do tổ chức binh bị?
Bão cười chua chát:
- Họ không bao giờ cho ta một lực lượng gì trong tay. Một ngày gần đây thấy cần phải đàn áp, họ sẽ giải tán tất cả đảng phái và quân đội. Vả lại không thể nào cộng tác với họ được.
- Liệu ta có đủ lực lượng mà chống họ hay không?
- Không có sức mạnh nào đàn áp nổi sự vùng dậy của một dân tộc. Ta sẽ thắng.
Như có một sức mạnh thiêng liêng kích thích, tất cả đều lập lại một cách cương quyết:
- Ta sẽ thắng!
Bóng tối đã tràn vào lấp kín cả chiếc quán. Một người bạn đốt diêm lên, châm vào ngọn đèn huê kỳ đặt ở giữa bàn. Bên ngoài, gió thổi lên từng chập và tiếng mưa bắt đầu rơi lác đác.
Phượng bỗng hỏi khẽ:
- Có được tin gì của Vũ chăng?
Bão vui vẻ:
- Có, Vũ cho hay rằng công cuộc đã chuẩn bị xong xuôi rồi. Vũ hiện đã về ở miền Bắc Việt.
- Có ra chỉ lịnh gì cho ta?
- Chúng ta phải sẵn sàng lực lượng và mở rộng cuộc tuyên truyền.
Và Bão nói với các bạn:
- Ngày mai, chúng ta nên ra thành xem tình hình hoạt động của các đảng phái, luôn tiện tìm cách bành trướng thế lực đảng ở thành.
Cả thảy đều tán đồng lời Bão.
- II -
Hôm nay là ngày lễ “Độc lập” ở tỉnh bộ, do các chi ngánh đảng phái tổ chức.
Thiên hạ chen chúc nhau ngoài đường phố, người nào người nấy mặt có vẻ hân hoan. Họ tin tưởng ở những ngọn cờ giải phóng. Tấm lòng yêu nước bấy lâu tiềm tàng trong tâm khảm, được dịp bùng lên như làn khói lộng trời xanh. Họ nhắc đi nhắc lại hai tiếng “Độc lập” một cách khoái trá, hai tiếng mà trước kia họ sợ như là một bịnh dịch, giờ đây họ thốt ra một cách tự do. Nhưng một sự đắc ý nhất, là được thấy lá cờ “Long tinh” của Chánh phủ Việt Nam phất phới ở trước mỗi cửa nhà. Lá cờ bằng giấy vàng viền ở trung tâm một sọc đỏ, những lá cờ bằng vải nhuộm vàng và gạch ở giữa một đường son, những lá cờ sao mà có vẻ oai dũng lạ thường!
Phượng cũng đi với họ. Nàng có cảm tưởng như vừa sống lại một thời nào xa xưa, mà tất cả ai ai ở đây cũng đều là một người anh hùng yêu nước. Họ yêu nước một cách bồng bột, và không biết gì nữa ngoài cái tình yêu ấy. Họ có thể đứng bất cứ dưới ngọn cờ nào, miễn là ngọn cờ đó có danh nghĩa yêu nước. Rồi ai đó đưa họ đến đâu thời đến, họ không cần nghĩ tới.
Qua một con đường cái dẫn đến dinh Chủ tỉnh, Phượng dừng bước để đọc một biểu ngữ bằng đệm giăng ngang đường.
Đang nghĩ ngợi triền miên, Phượng bỗng giật mình vì một làn sóng người đang lao nhao quanh một trụ sở chính trị. Trước trụ sở một tấm biển lớn viết to tướng mấy chữ “NHẬT VIỆT PHÒNG VỆ ĐOÀN”. Nhiều thanh niên đầu chải mượt, vận âu phục thật đẹp, mang trên cánh tay một cái băng vải trắng có đề danh hiệu của đoàn. Họ chạy ra, chạy vào, dường như lúc nào họ cũng có những phận sự quan trọng.
Một người đứng bên Phượng nói:
- Họ sắp đi biểu tình.
Một người khác:
- Họ sửa soạn diễn văn đọc trước bàn thờ Tổ quốc.
Phượng cố lách mình mới qua khỏi được trụ sở, và nàng gặp ngay Bão đang đứng giữa đám đông. Mắt Bão vơ vẩn nhìn theo hai người lính Nhật đang rểu qua rểu lại một cách thản nhiên trước tổng hành dinh quân đội Nhật. Phượng bước đến, nói rất khẽ vào tai Bão:
- Anh dọ thám quân Nhật phải không?
Bão day lại và nở một nụ cười hóm hỉnh:
- Đó là một lẽ khác, muốn được độc lập, mình nên tin ở sức mình chớ không nên chạy theo họ.
Phượng lập lại một cách kiên quyết:
- Phải, chỉ nên tin ở sức mình.
Một tràng pháo tay từ phía trước đưa lại, Bão nhìn sang thấy ngọn cờ “VIỆT NAM QUỐC GIA ĐỘC LẬP ĐẢNG” đang uốn mình trước một căn nhà đầy biểu ngữ. Bão và Phượng không bảo nhau đồng bước tới. Vừa đi, Bão vừa nói với Phượng:
- Nội các Trần Trọng Kim đã thành lập.
- Họ có hậu thuẫn gì không?
- Có, quân đội Nhật.
- Họ hợp tác với quân Nhật?
- Vì không thể nào làm khác. Muốn biết việc làm của họ, cô cứ xem những biểu ngữ kia thì rõ.
Phượng trông lên những hàng biểu ngữ dán thứ tự hai bên tường, nàng không nói gì nữa, mặt có vẻ nghĩ ngợi. Đó là những lời yêu cầu người Nhật giao trả Toàn quyền, kêu gọi toàn dân đoàn kết, kêu gọi liên hiệp tất cả các đảng phái ủng hộ cuộc tranh đấu của Chánh phủ Việt Nam.
Cuộc lễ cử hành ở một khoảnh sân rộng. Nơi đây, người ta đặt một bàn thờ Tổ quốc giữa những cờ xí huy hoàng. Lư trầm tỏa hương, đượm thêm màu trang nghiêm cổ kính.
Buổi lễ khai mạc với những bài diễn văn tuyên ngôn của các đảng phái. Mỗi lần họ nhấn mạnh đến lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, quần chúng reo lên một cách phấn khởi. Mỗi lần họ nhắc nhở đến những chiến công oanh liệt của tiền nhân, quần chúng lại yên lặng một cách cảm động. Tất cả đều bộc lộ lòng mình với những cử chỉ thẳng thắn và chân thành.
Chính Phượng cũng thấy những cảm giác ấy ở lòng.
Phượng thấy lòng nàng trào lên một dòng máu nóng. Đó là dòng máu ái quốc của người dân Việt trước tiếng gọi tha thiết của quê hương.
Nàng đã tìm ở đây cái ý nghĩa thiêng liêng của một tình yêu mà bấy lâu nay nàng chỉ mang máng ở tâm tưởng. Bây giờ nàng mới hiểu cái lẽ vì sao Vũ cương quyết ra đi.Và nàng tự nhủ: “Ta cũng sẽ cương quyết như chàng”.
Khi ra về, Phượng hỏi Bão:
- Anh nghĩ thế nào về buổi lễ hôm nay?
Bão trầm tĩnh đáp:
- Tôi nghĩ rằng họ đã đánh trúng vào chỗ yếu của người dân Việt Nam, bằng cách khêu gợi lòng yêu nước của người dân Việt Nam, cũng vì đó người ta mới lầm lạc.
- Sao anh cho rằng họ lầm lạc?
Bão nở một nụ cười tự tin:
- Vì tôi tin rằng quân Nhật sẽ bị Đồng Minh đánh bại một ngày gần đây.
 
- III -
Vừa về đến cổng nhà, bác Tư thấy dịu bớt những nỗi khó chịu. Thằng Tí đứng đợi ba ở trước cửa, reo lên khi thấy dạng bác:
- Ba về, ba về...
Ngày thường thì bác đã vò lấy đầu con, nắm tay nó dẫn vào. Nhưng lần này bác chỉ nhìn thoáng qua nó, rồi lặng lẽ bước. Tí theo sau bác, mặt tiu nghỉu buồn xo.
Bác đặt cuốc xuống phản, lần ra diệm nước rửa tay. Bà Tư biết có chuyện gì xảy ra, nhìn theo chồng, thở dài. Phượng đang ngồi rửa mấy cái chén, ngẩng lên, rụt rè hòi:
- Ba hôm nay sao về trễ?
Bác Tư vừa nhúng tay vào diệm nước vừa càu nhàu:
- Hôm nay đi làm xa, tận gần núi Bà. Họ bắt đốn cây, đào hầm làm phòng tuyến, làm từ tảng sáng đến bây giờ mới được nghỉ!
- Làm phòng tuyến làm gì ở gần núi? Máy bay họ lại đi thả bom trên núi à?
- Biết đâu họ. Họ ra lịnh thì mình làm, ai dám vào đấy mà cải.
Và bác thở dài:
- Làm cho đến ngày độc lập.
Phượng biết đó là một lời phẫn uất của một tấm lòng tin bị lừa dối. Ngày quân Nhật mới đảo chánh, chính bác là người đặt hy vọng vào họ. Ngày lễ “Độc lập” đánh thêm một tiếng chuông huyền bí vào cái hy vọng ấy.
Phượng theo cha trở vô. Nhưng đến cửa thì bác Tư đứng lại, lần lưng lấy ra một gói thuốc. Bác mở gói ra, vấn một điếu thật to, đánh lửa lên châm. Bác đứng vơ vẩn một lúc, đợi Phượng dọn cơm. Ánh nắng chiều phản chiếu lên nền đất, vạch lên khuôn mặt kham khổ của bác những nét răn u ám.
Bác là người không ưa cảnh tỉnh. Thế mà hôm nay bác đứng yên một chỗ, nhìn những tàu chuối oặt òa theo chìu gió, nghe tiếng chim ríu rít rủ nhau về vườn. Lòng bác muốn dịu xuống, lắng xuống theo bóng hoàng hôn. Đó là một sự khác thường đối với bác, như một cánh chim phũ phàng sau cơn gió bão, tìm được phút êm ái giữa khoảng trời này.
Nhưng đó không phải là cách đè nén một sự bực tức. Nên chỉ được mấy phút, tâm trí bác không được bình tĩnh nữa. Bao nhiêu nỗi bực dọc lại đổ về, bao nhiêu cảnh trái mắt ban sáng lại diễn ra. Mặt bác đỏ lên. Người bác run run vì giận.
Mà bác giận là phải. Bác nhớ đến cái bộ mặt đáng ghét của thằng cha cai Bi, cái giọng nói hống hách của thằng cha xếp Kỷ. Họ là những người bạn của bác ngày xưa. Cai Bi là người láng giềng của bác, xếp Kỷ là người vẫn lui tới với bác để uống “cọp” vài cốc rượu. Từ khi quân đội Nhật về đây, họ bỗng nhiên trở nên những nhà ái quốc. Họ chạy theo đảng này, họ chạy theo phái kia, họ chạy lăng xăng để rồi nhảy tuốt vào quân đội Nhật. Họ được đưa vào đội phòng thủ để cai quản bọn dân phu. Thế là từ đó, họ không còn là người bạn láng giềng nữa, họ không còn là người bạn uống “cọp” rượu nữa. Họ là những ông xếp, họ luồn cúi rất hay, họ gầm thét cũng rất hay.
Nghĩ đến đây, bác Tư thở một hơi dài cán nản.
Trời đã tối lúc nào bác không hay. Ánh đèn trong nhà le lói đưa ra khung cửa. Thằng Tí trong nhà chạy ra nói với bác:
- Ba vô ăn cơm, ba!
Lần này bác mới để ý đến con, bác vuốt tóc nó:
- Con ăn rồi chưa?
- Chưa, má bảo đợi ba.
Thấy bác âu yếm, thằng Tí hí hởn nắm tay bác dẫn vào.
Buổi cơm vẫn thân mật như thường bữa. Những cuộc phong vũ, bác không để nó xâm phạm đến ngưỡng cửa gia đình. Vì đây chính là nơi tìm gởi triết lý an phận của những tâm hồn đã bị cảnh đời ngược dãi.
Phượng hiểu rõ tâm trạng của cha. Sau buổi cơm, nàng theo cha ra sân. Đứng dưới một gốc cau, nhìn ra vòm trời cao rộng, Phượng có cảm giác nàng đang đứng giữa một đêm dài vằng vặc, đợi một ánh bình minh. Nhưng bác Tư thì không còn chờ đợi gì nữa. Bác chỉ mong sao mình được đứng yên trong cái đêm dài lặng lẽ ấy, đừng có một cuộc phong vũ nào. Dòng đời cứ quạnh quẽ trôi, dìu hiu và tê tái.
Phượng hỏi:
- Ba thấy tình hình nước mình ra sao? Còn hy vọng gì không?
Bác Tư đáp khẽ trong bóng tối:
- Nước mình chỉ hy vọng vào Nhật, mà bọn họ không có vẻ gì thành thật. Không khéo mình lại mang vào một cái ách đau thương hơn.
- Các đảng phái còn hoạt động chăng?
- Chỉ còn một vài đảng, nhưng họ hoạt động bên cạnh Nhật. Cứ xem công trình đồ sộ của Nhật tổ chức ở đây, ta thấy rằng họ chỉ lăm le làm bá chủ. Các đảng phái không làm gì được.
- Nhưng mà Nhật không còn ở đây lâu, ba ạ!
Bác Tư ngơ ngác:
- Ai bảo với con rằng bọn Nhật không còn ở đây lâu?
- Ba không hay rằng bọn họ bị Đồng Minh đánh bại liên tiếp ở nước họ hay sao? Trong một tuần, họ mất luôn cả mấy đảo.
- Nhưng lực lượng họ ở nước ta vẫn còn mạnh. Họ không bao giờ chịu bỏ rơi ta.
- Con chắc chắn một ngày gần đây họ phải đầu hàng, quân Nhật ở khắp nơi đều phải buông khí giới. Chừng ấy, ta có thể thừa cơ hội mà nắm lấy chánh quyền.
Bác Tư không ngờ Phượng có ý nghĩ như vậy. Bác không dám tin, nhưng bác vẫn thấy lời Phượng có lý. Và bác đánh thêm một dấu ngờ vực:
- Đành rằng Nhật có thể bại trận, nhưng ta có lực lượng đâu mà nắm lấy chánh quyền?
- Ba không còn tin ở các đảng phái hay sao?
Phượng muốn phá tan sự hoang mang trong lòng cha, đặt trở lại cho người một tin tưởng. Nàng bắt đầu ngỏ sự thật:
- Có một đảng đang hoạt động chống Nhật. Hiện họ đã khuấy nhiễu quân Nhật ở miền Lạng Sơn, Cao Bằng.
Bác Tư đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Bác nhìn Phượng với cặp mắt lạ lùng, và bác hỏi như thét vào tai Phượng:
- Có lý nào chuyện như vậy mà ở đây không ai hay biết?
- Quân Nhật cố che đậy sự thật để dân ta mơ màng tin tưởng ở họ. Chính đảng viên của đảng đó cũng có ở gần đây.
Bác trố mắt nhìn Phượng:
- Ai?
- Một người có sứ mạng quan trọng đã đi xa: anh Vũ, và một người hiện làm lãnh tụ ở đây: anh Bão.
- Toàn là những người bạn của con cả?
- Phải, và cả con nữa.
Bác lại trố mắt, nhưng giọng bác bị ngắt quảng vì cảm động:
- Sao cha chẳng bao giờ nghe con nói?
- Vì chưa tiện lúc. Nhưng hôm nay thì con thấy cần phải nói.
Phượng kể lại chuyện Vũ ra đi, chuyện nàng ngập đảng và tất cả những hành động của nàng từ bấy lâu nay.
Bác Tư như vừa tỉnh một cơn mộng. Bắc lẵng lặng nghe Phượng, và khi nàng thuật dứt, bác cảm thấy như ngọn lửa bấy lâu ngỡ tắt đã bừng cháy lại ở tâm hồn.
Bác nói với Phượng:
- Ta phải như họ, con ạ! Chiều nay, cha muốn gặp ngay Bão, và bắt đầu từ nay, cha cũng là một chiến sĩ trong hàng ngũ của họ.
Bác đã gặp Bão. Ngay lần đầu tiên, bác thấy ở Bão có cái gì khác thường, và bác đem lòng mến yêu ngay chàng tuổi trẻ. Bác lấy làm lạ tại sao bấy lâu nay đã xem Bão như muôn ngàn người khác, cũng lam lũ và cũng mộc mạc. Có lẽ tại vì Bão ít hay để lộ tánh tình mình, nhất là trong lúc bôn ba hoạt động.
Càng gần gũi Bão, Bác Tư thấy mình vững lòng. Những áng mây mờ tan đi, bác tìm lại cái can đảm để nhìn ra xa và để hăng hái tiến bước. Bác biết rằng bốn phương trời sẽ còn nhiều gió lộng, gió sẽ thét gầm điên đảo khắp cả dải giang sang, nhưng mà bác không sợ. Vì gió không làm sao chuyển nổi những cánh chim bằng.
Có những đêm tối trời, đảng họp những phiên nhóm bất thường ở một cánh đồng hoặc ở giữa một khu rừng. Ngọn lửa reo vui làm cho mọi tâm hồn phấn khởi. Những cuộc bàn cãi lúc thì sôi nổi, lúc thì ôn tồn, luôn luôn đem lại những tia sáng linh hoạt. Mỗi lần bàn đến vấn đề giải phóng nước nhà, bác Tư là người hoạt bác nhất. Bác thốt ra tất cả những cái gì bực tức, những cái gì căm phẫn, để rồi thẳng tay kết án tất cả những chế độ, tất cả những cùm xích.
Trong lúc bác nói, cả thảy đều lẵng lặng nghe.
Phượng sung sướng thấy giọng cha không thua gì giọng Bão. Vẻ hiên ngang làm cho bác trẻ lại như những thuở đầu xanh.
Sau những buổi họp như thế, Phượng ra về vui vẻ như con chim sơn ca. Trái lại, bác Tư vẫn điềm nhiên, cái điềm nhiên của Bão mỗi khi thấy mình đang có một sứ mạng quan trọng.
Một hôm, Phượng đang ngồi tính với cha vài phương pháp để cải tổ xã hội sau này, thì chợt Bão bước vào. Bão thân mật đến ngồi một bên hai người:
- Tôi có chuyện cần bàn với bác và cô Phượng.
Phượng vội hỏi:
- Quan trọng?
Bão gật:
- Rất quan trọng. Bác và cô Phượng phải nhập ngay vào hai đảng Việt Nam thân Nhật có thế lực nhất hiện nay.
Bác Tư kinh ngạc và cho là Bão thử lòng mình.
Phượng dè dặt:
- Anh định thi hành một chiến thuật?
Bão dẫn giải:
- Tình thế không cho ta hoạt động công khai ở thành, ta phải dùng đến một chiến thuật với những phương pháp hoạt động bí mật. Ta phải tìm cách chi phối lực lượng đó vào đảng của chúng ta, dùng chúng làm hậu thuẫn sau này.
Phượng lo lắng:
- Việc làm ấy rất khó.
Bão nghiêm giọng:
- Không có việc gì khó, nếu ta chịu đặt vào đây một tin tưởng và tất cả sự cố gắng. Tôi cân phân kỹ lưỡng và tôi chỉ có thể ủy nhiệm trọng trách ấy cho bác và cô Phượng. Vậy hai đồng chí hãy vì Tổ quốc, ráng sức hoàn thành nhiệmvụ của mình.
Bão dứt lời, đứng lên chào bác Tư và Phượng. Hai người đưa Bão ra tận cửa. Đến cổng, Bão day lại mỉm cười nhìn Phượng:
- Một ngày gần đây anh Vũ sẽ về, anh ấy sẽ sung sướng thấy những hành động can đảm của cô.
Phượng thấy quả tim nàng đập rộn lên, trong lúc Bão nhanh bước tiến về phía rặng trâm.
° ° ° ° °
Đêm ấy, bác Tư và Phượng bàn bạc đến khuya, thằng Tí ngồi bên chị, mê mẩn nhìn mấy con thiêu thân chuyển cánh quanh ngọn đèn. Bà Tư ngồi vá áo con trên sập, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn chồng, nhìn con, lòng bà dậy lên một niềm vui thầm kín.
Gió bên ngoài thét lên từng chập. Từng loạt mưa hắt vào cánh liếp, đưa vô một âm hưởng buồn buồn.
Tiếng cây lá lào xào, náo động lòng đêm giữa một cơn phong vũ.
Một tiếng sét nổ vang dội làm cho thằng Tí giựt mình. Tiếng sét gieo vào lòng mọi người một cảm giác rùng rợn. Phượng bỗng ngước lên:
- Con nhớ một hành động của người xưa rất hợp với tình thế của ta ngày nay. Và con nghĩ: âu là ta cũng làm như thế.
Bác Tư đưa mắt lặng lẽ nhìn con. Phượng nghe tiếng gió vi vút bên kẽ liếp như những tiếng thở dài.
Một tiếng sét nữa rên dài trên mái ngói làm cho mọi người nín lặng. Vài chiếc tàu cau bị gió bóc, rơi đánh độp xuống trước sân. Tiếng chim kêu rộn rã từng hồi, tơi bời trong con gió.
Phượng lắng nghe. Một tiếng động làm cho nàng chú ý, nàng ngẩng lên nói khẽ:
- Hình như có người!
Bác Tư lắng tai:
- Một người đang lần đến bên cửa.
Đột nhiên, bác Tư và Phượng đều rùng mình. Thằng Tí sợ hãi ngồi nép vào lòng chị. Bà Tư buông kim, ngơ ngác nhìn ra.
Có tiếng gõ nhẹ vào cánh liếp:
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Ánh đèn chao dưới ngọn gió phảng phất một màu sắc u huyền.
Tiếng gõ ngừng một lát rồi lại vang vang lên, mạnh hơn. Phượng ngồi yên một chỗ. Bác Tư nhìn ra cửa, dõng dạc hỏi:
- Ai?
Một giọng đáp khẽ, run run:
- Tôi, một người Pháp.
Như một cái máy, bác Tư và Phượng cùng đứng lên. Phượng nói với cha:
- Chắc là họ trốn bọn Nhật, lạc đường?
- Ta phải đối với họ làm sao?
- Ta cứ tiếp họ.
Và nàng tiến lại phía cửa. Cánh cử mở ra. Đùa theo một loạt mưa vào người Phượng. Nàng vội lùi lại vài bước vào trong.
Một người Pháp đội mũ lệch ngang tai, toàn thân run rẩy dưới những giọt mưa xối xả vào mình. Hắn theo Phượng bước vào. Khi thấy mình đã ở một nơi yên ấm, hắn mới đưa mắt nhìn qua một lượt, rồi nghiêng đầu lễ phép chào mọi người.
Phượng hỏi hắn bằng tiếng Pháp:
- Ông là ai? Có điều gì cần đến chúng tôi chăng?
Người Pháp ngần ngại một lúc, đáp:
- Tôi tên là Chatrian, đại úy đội pháo binh tỉnh này. Ngày quân Nhật đảo chánh, tôi nhờ hay tin trước nên trốn vào rừng. Gần đây, bọn Nhật tầm nã theo chúng tôi, nhều bạn tôi bị bắt traocho bọn phát xít. Tôi vì lạc đường nên chạy đến đây. Tôi hy vọng gặp ở đây những người bạn Việt Nam không xem chúng tôi như kẻ thù địch.
Phượng bật cười:
- Vậy thì ông không có gì phải sợ. Người Việt Nam chúng tôi chỉ biết yêu nước, và kẻ thù địch của chúng tôi hiện nay là quân Nhật chớ không phải các ông.
Như cởi hết sự lo lắng, người Pháp tươi tỉnh nói:
- Nếu tất cả người Việt Nam đều nghĩ như cô, thì chúng tôi đã không đến nỗi khổ sở. Tôi tin rằng không sớm thì muộn, Đồng Minh sẽ đổ bộ ở đây. Chừng ấy chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô.
Phượng hơi cau mày:
- Hiện nay chúng tôi đứng bên cạnh Đồng Minh chống Nhật, mục đích là giành lại sự độc lập cho dân tộc tôi. Nếu sau này nước Pháp biết tôn trọng sự đòi hỏi của chúng tôi ngày nay, thì chúng ta sẽ luôn luôn là bạn. Bằng trái lại, chúng ta có thể trở nên là kẻ thù địch.
Viên đại úy Pháp giật mình nhìn Phượng. Đôi mắt thiếu nữ sáng quắc làm cho hắn chột dạ.
Phượng biết ý, vội nói:
- Nhưng giờ thì ông hãy xem chúng tôi là những người bạn thành thật. Xin ông cho biết những điều tôi có thể giúp ông?
Viên đại úy cảm động:
- Tôi chỉ xin tạm nghỉ ở đây một hôm, đêm mai tôi sẽ lên đường.
- Nếu vậy thì ông cứ ở đây. Chúng tôi lấy làm hân hạnh được tiếp một người bạn Pháp có tinh thần dũng cảm như ông.
° ° ° ° °
Đêm sau khi tiễn đại úy Chatrian lên đường, Phượng mỉm cười nói:
- Chúng tôi ước mong rằng một ngày kia chúng ta không đến nỗi phải gặp nhau ở chiến trường. Đó là một việc rất đau thương mà dân tộc chúng tôi không bao giờ muốn.
Đại úy chào Phượng một lần chót:
- Tôi cũng ước mong như thế.
Khi bóng người Pháp biến mất trong bóng tối, Phượng trở vào nhà và thấy lòng xao xuyến. Bác Tư nhận ra vẻ mặt lo âu của con, bác hỏi Phượng:
- Con nghĩ thế nào về viên đại úy Pháp?
- Đó là một người bạn tốt.
- Sao con lại có vẻ lo âu?
- Vì con sợ rằng sự đau thương giữa hai dân tộc sẽ không thể tránh. Không còn gì đau đớn hơn những người bạn tốt sẽ trở nên những kẻ thâm thù.
Bác Tư thở dài. Bác cũng nghĩ như Phượng và bác đã hình dung trước mắt một ngày mai đầy xương máu. Bác ngậm ngùi nói khẽ:
- Biết làm sao? Chúng ta vì Tổ quốc.
 
- IV -
Ngày bác Tư nhập vào một đảng thân Nhật, bác gặp cai Bi ở Tổng hành dinh quân đội Nhật. Thấy bác, hắn nhăn răng cười:
- À, à, chú lại ra hoạt động? Phải, vào đấy cho vui, bọn Nhật đang cần những trang nghĩa dõng như chú để mở rộng thêm vùng Đại Đông Á.
Bác Tư cau mày:
- Phải giữ vững tinh thần, chú Cai ạ! Phải biết lợi dụng chớ đừng để bị lợi dụng.
Và bác thản nhiên làm việc. Bác mở một lớp dạy võ cho thanh niên, bác mở những cuộc hội họp luận đàm về chính trị, bác mở rộng những cuộc tuyên truyền về các quận, tổng, làng. Bác lần lần vạch ra cho họ thấy con đường phải đi, không thể tin ở bọn Nhật.
Trong lúc ấy, Phượng cũng hoạt động ở một đảng khác. Nàng cố đem những tư tưởng thâu thái được ở Bão, gây nên một ảnh hưởng lớn ở đảng.
Cái tinh thần gần uể oải được nàng kích thích cho bừng dậy. Nàng đặt cho họ một tin tưởng và chỉ cho họ những phương pháp. Họ bỗng thấy qua đám mây mờ, còn có một chân trời sáng lạn. Phượng thường đem tin tức của đảng mình ở hải ngoại nói cho họ nghe. Phượng, đối với họ, đã trở nên một nhân vật quan trọng.
Sau mấy tháng hoạt động, bác Tư và Phượng đã có một thế lực mạnh mẽ. Hai người chỉ còn chờ cơ hội là kéo vào hàng ngũ mình.
Một hôm Bão đến, vui vẻ nói:
- Hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima khiến cho quân Nhật phải đầu hàng. Cơ hội của chúng ta đã tới.
Bác Tư và Phượng mừng rỡ:
- Bây giờ ta phải hành động cách nào?
- Phải chuẩn bị để nắm chánh quyền.
- Bằng võ lực?
- Không, bằng chánh sách hòa bình; chánh quyền sẽ được giao trả cho người Việt Nam. Đảng bộ của ta đã tổ chức xong ở khắp nơi. Bác và cô Phượng hãy mở cuộc tuyên truyền để nắm giữ quyền hành chánh tỉnh này. Cần nhất là phải kéo hai chi nhánh đảng thân Nhật làm hậu thuẫn.
Phựơng nôn nả:
- Điều ấy rất dễ, chúng ta đã sẵn sàng.
Bão đứng lên tươi cười:
- Nếu vậy hay, cô hãy lo chuẩn bị. Phần tôi đang tổ chức một sư đoàn dân quân cách mạng, sau đây sẽ dùng làm quân đội chánh qui. Khí giói tuy ít nhưng tinh thần dũng cảm rất nhiều. Ta có thể tin cậy ở họ.
Bão ra về. Phượng thấy tim mình đập mạnh. Nàng day lại nói với cha:
- Ngày của lịch sử sắp đến.
° ° ° ° °
Một buổi sáng mùa thu, người ta bị đánh thức bởi nhửng tiếng rầm rộ ngoài đường. Thiên hạ ùng ùng mở cửa và thấy quang cảnh nhuộm một màu sắc mới. Những tiếng lao nhao bàn tán ở khắp nơi:
- Tân chánh phủ Việt Nam đã thành lập để thay thế cho chánh phủ Trần Trọng Kim.
Những lời ấy truyền từ miệng này sang miệng khác. Điều người ta chú ý nhất là lá cờ Long tinh ở dinh Tham Biện không còn nữa, thay vào đấy một lá cờ mới, phản chiếu một màu hồng rực rỡ dưới ánh sáng lê minh.
Khi người ta kéo đến dinh thì đã thấy lố nhố một đám dân quân. Đứng đầu họ là những người rất quen thuộc.
Nhưng có một chàng trai mà nhiều người ở thành không nhận ra, là Bão.
Để trấn tĩnh lòng họ, Phượng cất tiếng nói:
- Hôm nay là ngày lịch sử của dân tộc ta. Các bạn hãy nghe lời anh Bão, một chiến sĩ cách mạng, lập lại lời tuyên ngôn của Tân chánh phủ.
Bão bước đến trước, giữa những tràng pháo tay vang dậy. Chàng ôn tồn cắt nghĩa cho họ nghe mục đích của cuộc cách mạng, chánh sách đối nội và đối ngoại của Tân chánh phủ. Sau rốt, chàng kêu gọi toàn dân hãy siết chặt hàng ngũ để biểu dương tinh thần đoàn kết, ủng hộ Chánh phủ tranh đấu với sự mưu phục chủ quyền của đế quốc.
Một tràng pháo tay nữa lại nổ lên. Trong đám dân chúng, nhiều người reo to những khẩu hiệu...
 
- V -
Tổ chức xong Ủy ban Nhân dân tỉnh bộ, bác Tư và Phượng trở về công tác với Bão chỉ huy sư đoàn dân quân cách mạng.
Bão nói với Phượng:
- Công việc cần thiết hiện nay là vấn đề binh bị. Ủy ban Nhân dân Nam bộ đã liên hiệp tất cả các đảng phái để cấp tốc tổ chức một quân đội quốc gia. Sư đoàn của ta là trụ cốt.
- Nhưng khí giới của ta chưa đầy đủ?
- Ta sẽ nhận lấy một số khí giới của Chánh phủ cấp cho, ngoài ra ta sẽ đoạt lấy ở những chiến công oanh liệt sau này.
Và ba người hăng hái rèn luyện quân sĩ.
Từ ngày bước chân vào con đường cách mạng, Phượng thấy tâm hồn mình thay đổi hẳn. Nàng không còn thấy hàng trâm lúc nào cũng đượm vẻ u buồn, và tấm lòng lúc nào cũng mênh mang một niềm thương nhớ. Có nhiều lúc nàng cũng nghĩ đến Vũ, nhưng nàng không thấy rung cảm một cách tha thiết nữa. Cái tấm nhu hoài của người con gái yếu đuối ngày xưa đã tan theo dĩ vãng, Phượng chỉ nghĩ đến Vũ để gợi ra những ý niệm hùng tráng giúp cho nàng thêm phấn khởi.
Ngày hai mươi ba tháng chín, tiếng súng đầu tiên nổ ở thủ đô Nam bộ, vang lại tai Phượng như tiếng thở dài của lòng đất quặn đau. Cái mà nàng lo sợ đã đến. Chân trời phong tỏa sẽ lan dần ra khắp dải quê hương.
Nàng đến tìm Bão. Không đợi cho nàng ngỏ ý, Bão nói ngay:
- Tình hình đã nghiêm trọng. Tôi đang định bàn với cô đem binh về thủ đô tiếp viện.
- Em cũng có ý đó.
- Vậy ngày mai bác Tư và cô đem một trung đội đại diện cho miền Đông về thủ đô. Mỗi ngày cô phải có tin liên lạc đem về cho tôi biết.
- Em sẽ gắng lập một chiến công đầu.
Đêm đó, Phượng trằn trọc không ngủ được. Nàng mong đến sáng.
Đến trưa hôm sau, đạo quân mới lên đường. Trung đội chỉ gồm có hai chục cây súng trường, còn bao nhiêu toàn là giáo, mác, cung, nỏ.
Đi ngang qua tỉnh, các đoàn thanh niên, phụ nữ, thiếu sinh ra tận đường đưa. Đoàn thanh niên có nhiều người xin theo. Đoàn phụ nữ gởi theo năm chị nữ cứu thương và hai cần xé bánh tổ. Các em thiếu sinh đứng hai bên đường hát vang lên bản Quốc ca.
Đoàn quân đi đã xa, tiếng hát còn dập dồn đưa lại như tiếng nhạc hồn của đất nước...
Lòng kẻ ra đi sôi nổi bao nhiêu thì lòng người ở lại cũng sôi nổi bấy nhiêu. Muôn mắt hướng về một chân trời.
Một người náo nức:
- SàiGòn bị phong tỏa giữa muôn trùng vây. Quân ta mạnh lắm.
Một người khác:
- Họ sắp đầu hàng.
Nhiều người cương quyết:
- Ta sẽ thắng. Hãy chiến đấu đến cùng.
Cả thảy đều nuôi ở lòng một tin tưởng mãnh liệt. Từ bữa ấy, mỗi ngày họ đều đến phòng tuyên truyền dọ hỏi tin tức. Mỗi ngày, tiếng loa ở các trụ sở vang ra những lời kêu gọi, giục thúc và khuyến khích. Đoàn thanh niên lo rèn luyện thêm cung, ná, đoàn phụ nữ lo may thêm những vành khăn trắng với những dấu thập hồng. Không lúc nào người ta thấy lòng xao xuyến hơn lúc này.
Tin của Phượng ở thủ đô liên tiếp đưa về...
Nhưng mấy ngày nay, không có tin tức gì về các mặt trận, song một tin quan trọng hơn làm cho mọi người hồi hộp:
Chánh phủ ra lịnh hưu chiến để thương thuyết.
Những trận đại thắng vẻ vang của Trung đội miền Đông đưa về, nâng cao thêm tinh thần chiến đấu. Người ta bàn tán xôn xao về các trận đánh. Người ta dồn đối phương không còn đủ lương thực. Đường tiếp tế bị cắt đứt. Họ sẽ rủ ra mà chết, nếu không chịu đầu hàng.
Nhưng một tin đến làm cho mọi người ngơ ngác: một chiếc tàu binh vừa cặp bến Sàigòn và nhiều quân lính đổ bộ. Trận kịch chiến tái khởi.
Người ta căm tức. Người ta nguyền rủa. Người ta gào thét. Và để tỏ tinh thần hy sinh vì nước, người ta rủ nhau cùng ra mặt trận.
Trước tình thế, Bão biết rằng cuộc diện sắp thay đổi. Trung đoàn miền đông lần lượt bỏ Phú Nhuận, Gò Vấp, rút lui về Bà Quẹo. Bão cho nhiều tin ra khuyến lệ quân sĩ, tiếp tế lương thực. Nhưng một đại đội hùng binh Pháp đã tràn lên Tham Lương. Trung đoàn phải rút lui về Hốc Môn cố thủ.
Bão cấp tốc ra lịnh cho tản cư, thi hành chánh sách “nhà không vườn trống”. Chàng đoán rồi Hốc Môn sẽ phải chịu một số phận với Thủ đô. Đã đến lúc không thể dùng chiến lược mặt đối mặt. Phải ứng dụng chiến thuật du kích, phải hy sinh tất cả những thị thành lớn.
Bão đem sư đoàn về Trung Lập, đợi tin của Phượng. Chẳng bao lâu, Hốc Môn lại thất thủ. Bác Tư và Phượng kéo tàn quân về nhập với Bão.
Khi cùng nhau bàn về kế hoạch, Phượng lo lắng nói:
- Lực lượng họ rất mạnh, ta không thể đương nổi. Ta có tất cả bốn sư đoàn, hai đã rút về miền Tây, hai rút về miền Đông.
Bão vẫn thản nhiên:
- Nhưng ta có một lực lượng hơn họ là: tinh thần tranh đấu. Với lực lượng đó, ta sẽ thắng trận cuối cùng.
Và Bão cất tiếng cười. Phượng biết sự tin tưởng ấy chẳng phải Bão mới có. Chàng đã có nó từ lâu, từ ngày nhận thức được những bài học ở ngục hình, từ ngày tiến thân vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Bão chưa hề bao giờ sờn lòng trước những trở lực. Càng gặp trở lực, chàng càng hăng hái tiến.
Trọn ngày hôm đó, Bão vẽ một chương trình chống trả dữ dội với đối phương trước khi rút lui. Chàng điều động binh ra bốn mặt, phòng thủ.
Nhưng trái với dự định của Bão, đối phương không tiến đánh Trung Lập. Họ dự bị một binh lực mạnh mẽ, rồi tấn công một lúc các tỉnh miền Đông, chiếm tất cả các thị trấn.
Bão thấy không còn có thể cố thủ ở một thị trấn nhỏ, vội đem sư đoàn về miền sơn cước Tây Ninh.
 
- VI -
Trọn một mùa đông, Bão đã đột kích và phục kích nhiều trận lần nào cũng thâu hoạch nhiều thắng lợi. Về binh pháp, Bão có một tính lập dị là phải dùng chiến thuật phương Đông, có lẽ vì chiến thuật này hợp với phương pháp du kích. Những trận đồ của Tôn Võ Tử được Bão đem ra ứng dụng lại, và chàng thấy ở nó có những tính hành binh rất huyền diệu. Dùng yếu đánh mạnh, chuyển bại thành thắng, sư đoàn của Bão trở nên một đạo binh vô hình, một đạo binh tiến không ai thấy, lui không ai hay.
Nhưng được như thế, vẫn chưa thể là một đạo binh vô địch. Và Bão tìm thấy cái ý nhị chua chát ấy ở một trận bất ngờ.
Một buổi sáng đầu xuân, thiên hạ đang sửa soạn ăn một cái Tết lịch sử. Trời xuân Việt Nam tuy có đẫm máu, nhưng không làm mất hết vẻ đẹp của những màu sắc và ý tình thiêng liêng. Đoàn dân quân khoan khoái đứng chào trước ngọn cờ, và gởi tâm huyết mình vào đó. Những bài tráng ca nhịp nhàng lâng bay trong gió.
Giữa lúc muôn lòng đang náo nức, bỗng một tiếng đông trên không làm cho cả thảy giật mình. Bão nhìn lên và nhận ra một đoàn phi cơ của Pháp. Biết mình bị tấn công thình lình, Bão vội ra lịnh cho đoàn dân quân bình tĩnh ai về hàng ngũ ấy, chuẩn bị cuộc phòng thủ.
Một thông báo viên cho hay đối phương đã tiến vào khu vực dân quân. Họ chia làm hai mặt và chỉ còn cách Tổng hành dinh hai cây số, Bão cấp tốc phân binh theo thế trận Trường Sà, Phượng chỉ huy một trung đoàn đánh về hướng Nam, bác Tư chỉ huy một trung đoàn đón đạo binh đang tiến đến từ phương Bắc, Bão tập trung lực lượng còn lại để giữ mặt trận trung ương và tiếp viện. Nếu trung đoàn nào thắng, sẽ đánh bọc lại thành vòng cung để bao vây đối phương, bằng chống trả không lại, phải lui dần về trung ương để rút theo một đường tắt về phương Tây.
Cắt đặt vừa xong, hai tiếng nổ dữ dội ở phía đông Tổng hành dinh. Tiếp theo vài loạt bom khác rơi vào những khoảng không trong rừng thẳm. Khói bay mù mịt. Lửa dậy một góc trời.
Tiếng súng bắt đầu nổ ở hai tiền tuyến. Trong vòng lửa, không ai nhận được địa thế bên đối phương. Những loạt đạn đối đáp nhau, làm náo động cả cây cỏ, tơi bời những cánh chim.
Bên dân quân không có đại bác, chỉ chống trả bằng súng trường và tiểu liên thinh. Những bụi cây trước mặt họ dạt dần xuống. Hai quả bom rớt ngay xuống Tổng hành dinh. Một tiếng kinh khủng vang lên, dân quân không ai dám nhìn lại. Lửa bốc cao khỏi ngọn cây. Họ biết trong đấy đã chôn vùi bao nhiêu đồng chí.
Phượng thấy có cái gì phẫn uất đưa lên cổ. Nàng bậm môi thét lớn “Tiến lên và đánh bọc hậu”. Đó là một lịnh liều lĩnh, nhưng đoàn quân cũng đã vâng theo. Họ chia làm hai mặt, đánh vào hông đối phương. Phượng vượt khỏi chỗ núp. Những người ở sau đều theo Phượng. Vài loạt súng làm cho họ nằm rạt. Họ tức giận bắn trả lại, rồi hăng hái trườn đến. Hai bên chỉ cách nhau năm mươi thước. Người ta đã có thể trông thấy nhau và tầm đạn có thể xuyên tới đích.
Bác Tư điềm tĩnh hơn Phượng. Thấy Tổng hành dinh đã cháy và lực lượng đối phương lần lần càng mạnh, bác ráng sức cùng đoàn quân giữ vững vị trí.
Bão nhìn qua trận thế và biết tình hình đã nguy. Chàng ra lịnh hai đoàn tiền tuyến rút lui.
Bác Tư vội thu lần quân về hiệp với Bão. Phượng cũng đã được lịnh. Nàng cán hậu cho trung đoàn mình rút về hậu tuyến.
Đối phương nhận thấy sự rối loạn bên phía dân quân. Họ ra lịnh rượt theo. Đoàn quân cản hậu của Phượng ngã gục dưới một loạt đạn.
Phượng vừa kịp nằm xuống thì một mũi súng kề tai nàng:
- Buông súng và đứng lên!
Không thể chống trả được, nàng đành buông khí giới. Một người lính trói nàng lại, rồi dẫn về bên kia hàng ngũ.
Phượng nặng nề bước đi. Nàng nghe tiếng súng phía bên mình vang lần ra xa, biết Bão đã rút quân ra khỏi mặt trận. Phượng thở ra khoan khoái.
Khói ở trước mặt nàng vẫn còn vần vũ. Tiếng chân của người lính bước xột xạt sau lưng nàng. Nàng nhớ đến những người bạn vừa ngã gục ở mặt trận, nhớ đến những vẻ mặt rắn rỏi với những tấm lòng hy sinh không bờ bến. Nàng cũng muốn như họ, và nàng nghĩ: “Ta chỉ chạy đến vài bước, một viên đạn sẽ xuyên vào người ta. Ta sẽ vui lòng nhắm mắt”. Nhiều lần nàng định làm theo ý nghĩ, nhưng có cái gì khiến cho nàng không thể bước. Không phải là nàng sợ hãi. Không phải là nàng sợ chết. Những cái ấy nàng xem thường. Nàng chỉ sợ rằng mình chưa làm tròn bổn phận. Phải chết một cách đáng chết; nếu có thể sống, hãy sống để tranh đấu đến cùng.
Đến một gốc cây, tên lính ra lịnh cho nàng đứng lại. Hắn cũng đứng cách bên nàng vài bước, có ý mong đợi đoàn quân trở về. Phượng nhìn về phí Tổng hành dinh. Nàng chỉ thấy mấy lùm cây tơi bời cành lá. Những cội cây trầy trụa vì những vết đạn, những nhánh cây gẩy lã còn vướng lại trên cành. Không một bóng chim. Tiếng súng vẫn vọng lại não nùng.
Có lẽ cái nơi thân yêu đã từng sống chung nhau những tâm hồn chính khí, bây giờ chỉ còn là đống tro tàn. Ngọn gió xuân sẽ bốc lên, đưa họ đi mãi trong vòng tàn phá. Nhưng cái mạch đời lưu động đang chuyển dịch ấy, từ nay đã thiếu mất một người.
Lòng Phượng thắt lại. Nàng cảm thấy mình đang sa chân giữa một giòng nước ngược, mặc tình cho nó cuốn lôi, đưa đẩy vào một ao tù tăm tối và ảm đạm đến bực nào.
Tiếng chân dồn dập của đoàn quân đi trở về làm cho Phượng phải ngảnh mặt. Nàng không muốn nhìn rõ những bàn tay của tội ác, những bàn tay đã làm đẫm máu cả một dải giang sơn.
Họ đã đến gần. Tên lính thét lịnh cho nàng lên đường. Phượng toan bước đi, một tiếng reo phía sau làm cho nàng giật mình:
- Tưởng ai, ra cô Phượng.
Một người tiến nhanh đến, Phượng ngạc nhiên nhận ra người đó là Cai Bi. Hắn cầm ở tay một khẩu liên thinh lỏ mắt nhìn nàng:
- Tại sao lúc nào tôi cũng gặp cô?
Phượng thấy mắt hắn đỏ ngầu như say máu. Nàng bĩu môi đáp:
- Tôi cũng nhớ mới gặp chú ngày nao!
Rồi Phượng cười sặc...
 
- VII -
Bão kéo binh về Dầu Tiếng.
Sự thất bại nặng nề làm cho Bão nản chí, nhưng cái tin tất cả các tỉnh miền Tây đều thất thủ làm cho chàng lo âu. Tin tức của chánh phủ không còn liên lạc nữa. Mỗi sư đoàn mặc tình chiến đấu với những phương pháp theo ý mình, không còn có sự chỉ huy thống nhất. Nhiều tổ chức du kích lần lần tan rả dưới sự tấn công mãnh liệt của đối phương. Nhiều ủy ban hành chánh phải ra đầu hàng vì không còn hậu thuẫn bảo vệ.
Một sự khủng hoảng tinh thần lan tràn khắp đây đó. Ngày trước, đoàn dân quân đi đến đâu, dân tình lấy sự được đón tiếp làm vinh dự. Nhưng bây giờ họ đâm ra kinh hãi. Mỗi lần đoàn quân Việt đến, tức có trận kịch chiến xảy ra. Sau khi dân quân rút lui, cả làng xóm đều chịu tiêu tan. Họ hoang mang, họ lo sợ.
Non nước phong yên, ngút trời tao loạn, Bão ái ngại nhìn cảnh điêu tàn của chiến họa. Lòng người ấy chưa bao giờ nghĩ đến sự thất bại, thế mà chàng cũng tìm ra một cảm giác đau thương. Bão sợ nếu không khéo điều khiển, rồi đây các sư đoàn sẽ tan rã.
Một hôm Bão đang ngồi định kế ở văn phòng, bỗng có một người lạ mặt mang vào một tin. Đó là tin đoàn Giải phóng quân ở Bắc bộ vào tiếp viện. Bão mừng rỡ được biết thêm rằng trong đạo binh ấy có cả Vũ.
Vài ngày nữa, một tin khác đến. Người ta dự định một cuộc hội họp quân sự giữa các sư đoàn trưởng và tham mưu trưởng ủy ban khánh chiến Nam bộ với chỉ huy trưởng đoàn Giải phóng quân vừa đến, ở một khu rừng miền Đông.
Ở cuộc hội họp, Bão gặp Vũ. Hai người bắt tay nhau, cảm động. Vũ ngày nay trông quắc thước, hiên ngang, không phải là Vũ thi sũ giàu mơ mộng.
Bão thuật lại tình hình Nam bộ từ ngày khởi chiến. Vũ lẳng lặng nghe, thỉnh thoảng ngắt lời bạn, hỏi một vài câu. Vẻ mặt chàng thản nhiên, gần như lạnh lùng.
Khi Bão thuật dứt, Vũ nói:
- Những tin tức ấy, phần nhiều tôi đã được nghe. Ngày Sàigòn còn ở trong tình trạng khẩn trương, tôi và đồng bào ta đàng ngoài vẫn hồi hộp ngóng trông tin từng phút. Hơn một triệu người biểu tình phản kháng ở thủ đô Hoàng Diệu, làm cho tôi càng muốn hăm hở trở về. Nhưng công việc quân binh không thể tự ý mình có quyền liệu định. Tôi phải chỉ huy một đơn vị bộ đội Giải phóng quân chận đánh sáu thuyền quân thổ phỉ ở Hòn Gay, phòng thủ luôn ở miền duyên hải. Đến khi hay tin các tỉnh miền Nam đều thất thủ, tôi cương quyết nhập vào đoàn quân tiếp viện. Về đến đây, tôi mới nhận rõ tình thế nguy khốn của quân ta. Đó là tình thế không may, nhưng không phải là không có thể cứu vãn.
- Anh đã có phương pháp nào chăng?
Vũ ôn tồn:
- Lẽ tất nhiên là có, và ta sẽ bàn đến nó trong buổi họp. Tôi còn vài điều riêng muôn hỏi anh: anh có tin tức gì về song thân tôi không?
- Hai Ngài hiện ở trong vùng bị chiếm và vẫn giữ chức vị cũ.
Vũ hơi cau mày, môi chàng điểm một nụ cười chua chát:
- Tôi không có can đảm nghĩ như thế, không ngờ đó là sự thật. Chỉ có hai con đường, cha tôi đã chọn một và tôi chọn một. Đối với luân lý xưa, tôi là một kẻ có trọng tội.
- Điều ấy tôi đã hiểu anh từ xưa, nhưng đó không phải là một tội.
Vũ thơ thẩn nhìn ra dải rừng, nói khẽ:
- Còn một người...
- Phượng?
- Phải, Phượng! Anh có biết tin gì của Phượng không?
- Rất nhiều.
- Chắc là tin buồn?
- Có lẽ buồn, nhưng có lẽ sẽ làm cho anh sung sướng.
Mắt Vũ sáng lên, lòng hồi hộp. Chàng nhìn bạn, không dám hỏi. Biết Vũ đợi lời mình, Bão bật cười:
- Những lúc này, tôi mới thấy anh còn một tâm hồn thi sĩ. Phượng đã bị bắt, anh ạ!
Không để ý đến sự đổi sắc trên mặt, Bão bắt đầu kể lại những ngày hoạt động của Phượng và bác Tư, những chiến công và những cử chỉ anh hùng của Phượng.
Vũ cảm thấy có cái gì rung chuyển ở tâm hồn, những hình ảnh trong câu chuyện hiện ra trước mắt chàng, yêu kiều và linh hoạt. Chàng không biết rằng mình buồn hay là vui, hay chỉ là một cảm xúc mênh mang. Chàng lặng yên để giữ lấy nó ở lòng như để giữ lấy những tình cảm nghịch thường của cuộc đời cách mạng.
Chàng nói với Bão:
- Tôi không lầm Phượng, nhưng tôi cũng không ngờ Phượng có thể được như vậy.
- Phượng được như vậy, một phần lớn là nhờ anh.
Vũ nở một nụ cười thỏa mãn:
- Nếu lời anh nói là đúng, thì quả thật tôi lấy làm sung sướng.
Chàng do dự một lúc:
- Ta phải tìm cách cứu nàng.
- Tôi cũng đã nghĩ.
Đôi bạn nhìn nhau một phút.
Có tiếng xôn xao ở phòng họp, Vũ vội nắm lấy tay Bão:
- Buổi họp đã nhóm. Hôm nay ta bàn đến nhiều vấn đề quan trọng, có thể nói là vấn đề mất còn của Nam bộ.
- Trung tướng Tổng tư lịnh đoàn Giải phóng quân là người như thế nào?
- Rồi anh sẽ rõ.
Hai người vào phòng họp. Trong phòng đã có đủ mặt các Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và nhiều sĩ quan cao cấp. Giữa bầu không khí trang nghiêm, ai nấy đều nhận thấy giờ phút nghiêm trọng.
Sau khi bàn cãi về tình hình quân sự biến chuyển ở miền Nam, Tổng tư lịnh Giải phóng quân, kêu gọi phải cấp tốc tổ chức lại binh đội.
Cách tổ chức sẽ y theo chương trình của Chánh phủ:
Ngoài các vùng đã bị chiếm, những vùng dưới quyền kiểm soát của Chánh phủ được chia ra thành Chiến khu. Quân sĩ chiến đấu thường trực ở mỗi khu phân ra làm nhiều Chi đội (Régiments). Mỗi Chi đội chia ra làm ba Đại đội (Bataillons) đáng số thứ tự từ A đến C. Mỗi Đại đội gồm ba Trung đội (Compagnies). Mỗi trung đội chia làm nhiều Phân đội thường trực hoặc lưu động.
Số quân sĩ của những bộ đội ấy không nhất định, nhiều hay ít tùy theo các vùng địa phương. Ngoài ra nhiều ủy ban được tổ chức ở mỗi địa phương để hỗ trợ sự hoạt động của quân đội như: ủy ban ám sát, ủy ban phá hoại, ủy ban tình báo, ủy ban tuyên truyền...
Đề nghị của Trung tướng được phần đông tán thành, nhưng có vài người phản đối. Họ ưng thuận cải tổ các đoàn “Dân quân cách mạng” thành “Giải phóng quân”, nhưng họ không chịu phân sư đoàn thành Chi đội. Họ cho sự sửa đổi như thế sẽ làm hoang mang tinh thần quân sĩ và làm mất uy lực ở quần chúng.
Cuộc bàn cãi lại sôi nổi.
Sau cùng, Trung tướng tuyên bố:
- Đó là huấn lịnh của Chánh phủ, chúng ta có bổn phận là phải tuân theo.
Lời của Trung tướng làm cho mọi người im lặng. Nhưng trong sự im lặng dường đã điểm vài vẻ bất bình.
Khi tan cuộc nhóm ra, Vũ hỏi Bão:
- Anh nghĩ sao về Trung tướng?
Bão không ngần ngại đáp:
- Một người khí phách và cương quyết. Trung tướng sẽ thành công, mặc dù bắt đầu từ hôm nay sẽ có cuộc chia rẽ trong hàng ngũ.
Vũ mỉm cười. Chàng thấy Bão vẫn như xưa, vẫn có những cái gì khiến cho chàng phải kính phục.
Chàng phấn khởi nhìn bạn:
- Thế anh sẽ đứng trong hàng ngũ nào?
- Hàng ngũ của Chánh phủ.
Vũ để tay lên vai Bão:
- Phải, chúng ta chỉ có một con đường, anh ạ! Lúc này không phải là lúc chia rẽ. Lực lượng của đối phương là khí giới tối tân, lực lượng của chúng ta là một khối dân tộc, một khối ý chí. Rồi đây tôi sẽ chỉ huy một Chi dội về miền Đông, chừng ấy sẽ có dịp gần anh để cùng đứng sát bên nhau mà hoạt động.
Ngừng một lúc, Vũ tiếp:
- Hiện nay tôi đã có một tin tưởng.
- Hiện nay tôi cũng đã có một cảm tưởng.
- Tôi tin tưởng rằng ta sẽ thắng.
- Tôi có cảm tưởng rằng non nước sẽ huy hoàng. Giờ nguy khốn đã qua, ta đang bước đến một giai đoạn mới.
Đôi bạn cùng mỉm cười. Từ bên ngoài, vang lại những tiếng ca hùng dũng.