Chương 1 (C)
LẬP QUỐC RỒI VONG QUỐC

    
ự quan trọng của xứ Canaan
Muốn hiểu tại sao dân tộc Do Thái sau hai ngàn năm vong quốc, phiêu bạt khắp thế giới mà vẫn hướng về Jérusalem, hễ gặp nhau là chúc nhau “sang năm về Jérusalem”; muốn hiểu tại sao một nhóm người rời rạc, ngôn ngữ bất đồng, huyết thống cũng khác xa nhau, mà lại đoàn kết với nhau, chống lại khối Ả Rập, chống lại cả với Anh để tái lập quốc gia của họ trên một dải đất nhỏ xíu và nguy hiểm đó? Nguy hiểm vì Israel quay lưng ra biển mà đương đầu với ba phía Ả Rập. Muốn hiểu hết điều đó thì phải hiểu qua lịch sử của dân tộc Do Thái và những nỗi đau khổ, tủi nhục mà họ phải chịu trong hai ngàn năm nay. Xứ Israel, xưa tên là Canaan, có một vị tri rất quan trọng từ hồi thượng cổ. Nằm vào cái khớp giữa châu Á và châu Phi, quay mặt ra Địa Trung Hải và quay lưng vào sa mạc; Israel như một cửa sổ ngó qua châu Âu. Nó lại ở vào khoảng giữa Ai Cập và Mésopotamie, tức hai trung tâm của hai nền văn minh sớm nhất của nhân loại, cho nên các dân tộc du mục Á và Phi thường đi qua đó để trốn tránh kẻ xâm lăng hoặc bán buôn các thổ sản; mà những dân tộc trên sa mạc Ả Rập cũng lại đó tìm chỗ định cư. Họ chém giết nhau, tranh giành nhau những cao nguyên ở Judée miền thung lũng của con sông Jourdain và lần lần các nền văn minh chồng chất lên nhau trong khu vực nhỏ hẹp đó.
Trong thung lũng Betchean (có sách viết là Beit Shan), gần con sông Jourdain, người ta đã đào được di tích của mười tám thành phố xây chồng lên nhau. Cứ một dân tộc tới, cất nhà cửa, đền đài thành luỹ rồi bị cát vùi: ít lân sau một dân tộc khác, tới dựng châu thành trên đám cát đã lấp châu thành cũ đó. Mới đầu là dân tộc Sémite. Hồi đó, Ai Cập và Mésopotamie đương tranh giành nhau ảnh hưởng, miền Canaan chưa bị xâm chiếm và gồm nhiều tiểu quốc. Rồi sau dân tộc Philistin từ Crète tới, chiếm miền duyên hải và đặt tên cho miền đó là Palestine.
Dân tộc thứ ba tới định cư ở Canaan là dân tộc Hebreu, cũng thuộc giòng Sémite
Dân Hebreu và miền đất hứa
Theo thánh kinh thì cổ sử của dân tộc Hebreu đồng nhất với cổ sử thế giới. Nhưng lịch sử riêng của họ bắt đầu từ Abraham, được coi như thủy tổ của họ.
Abraham gốc gác ở thành Our, xứ Chaldée, ngày nay là Iraq, thân phụ của ông rời Our, theo một phong trào di cư của dân tộc Hebreu (Hebreu nghĩa là “ở phía bên kia” sông Euphrate) tiếng Trung Hoa phiên âm He1breu là Hi-Bá-lai) mà tiến qua phía Tây.
Gia đình Abraham đã tới Mésopotamie, muốn ngừng lại thì Thượng đế ra lệnh cho Abraham tiếp tục đi nữa. Thời đó Mésopotamie cũng như như các xứ khác đều theo đa thần giáo. Abraham có lẽ không chấp nhận tín ngưỡng của họ, ông lại tiếp tục đi, tới xứ Canaan thì lại nghe thấy Thượng Đế bảo: “Ta cho con cháu ngươi đất này”. Gia đình Abraham định cư ở Canaan và Abraham thành thủy tổ dân tộc Do Thái, đồng thời thành người sáng lập ra Do Thái giáo, một tôn giáo nhất thần, gốc của đạo Ki-tô và đạo Hồi sau này.
Vậy dân tộc Do Thái ngay từ thời thượng cổ đã tin rằng mình có một sứ mạng thực hiện ý chí của Thượng đế - mà họ gọi là Jahvé - ở trên thế giới, rằng Israel là đất mà Thượng đế hứa cho họ và giòng giõi họ.
Trong ba thế hệ đầu, lịch sử của dân tộc Do Thái chỉ là lịch sử của một họ, đúng hơn là của một chi trong họ: Abraham,  một người con của Abraham là Isaac, và một người con của Isaac là Jacob; còn những chi khác không giữ truyền thống của gia đình. Tới đời thứ tư, mười hai người con trai của Jacob mới gây dựng “dân tộc” Do Thái.
Gọi là dân tộc, chứ thực ra chi là một bộ lạc, và khi bộ lạc đó theo Joseph (con của Jacob) qua Ai Cập vì Joseph được làm một vị thượng thư hay phó vương ở Ai Cập - thì cả thảy chỉ gồm có bảy chục người.
Họ sống yên ổn ở Ai Cập tới năm 1583 trướcTây lịch, một vị pha-ra-ông (vua Ai Cập), khác lên ngôi, nghi kỵ họ, đối đãi với họ tàn nhẫn, bắt họ phải làm nô lệ. Lúc đó họ mới đoàn kết với nhau, có ý thức thành lập một quốc gia.
Moïse là vị anh hùng cứu họ khỏi bị diệt chủng. Ông đứng vào hàng thân vương của Ai Cập nhưng thấy nỗi cơ cực, tủi nhục của đồng bào, ông bỏ địa vị cao sang, qua phe họ, bênh vực họ. Một hôm ông nghe được lời Thượng đế ra lệnh cho phải giải thoát đồng bào, dắt họ qua bờ bên kia Hồng Hải, tới núi Sinaï để nhận “luật” của Thượng đế. Thế là năm 1266 trước Tây lịch, ông cầm đầu đồng bào, đưa họ di cư về Đất hứa, rời núi Sinaï, họ sống đời lang thang cực khổ nhưng tự do của tổ tiên như vậy trong bốn chục năm.
Ở núi Sinaï: Moïse do Thượng đế khải thị mà đặt cơ sở cho Do Thái giáo. Abraham trước kia chỉ mới có một ý thức, về một tôn giáo nhất thần, nhờ Moïse tôn giáo đó mới thực là thành lập, thờ thần Jahvé, một vị thần vạn tri, vạn năng, chí công, chí nhân, tạo ta trời đất và là cha sinh ra muôn loài.
Theo thánh kinh của đạo đó, ông tổ loàỉ người bị một lỗi, nên loài người phải chịu khổ, nhưng một ngày kia, một vị cứu thế sẽ sinh trong dân tộc Do Thái và sẽ hòa giải Jahvé với nhân loại. Người trong đạo tin có linh hồn và linh hồn bất diệt khi thể xác tiêu tan. Từ đó phải theo đúng mười điều thập tự giới như: chỉ thờ một Chúa thôi, phải kính trọng cha mẹ, không được giết người, không được cướp của, không được nói dối, phải giữ linh hồn và thể xác cho trong sạch…
Vậy nhờ Moïse mà dân tộc Do Thái bắt đầu văn minh và thống nhất.
Tới đời sau, Josué, chiếm được xứ Canaan, Đất hứa của họ và các “con cái Israël” về đó định cư.
Về Canaan được một đời, dân tộc Do Thái mới nghĩ tới việc lập quốc vương (trước kia quyền hành ở trong tay các phán quan): Quốc vương đầu tiên là Saül, đánh đuổi được dân tộc Philistin ở Canaan, nhưng tử trận.
David lên nối ngôi, thắng mấy trận lớn, chiếm được toàn cõi Canaan, dựng đô ở Jérusalem. Tới đời con David là Salomon, quốc gia Israël thịnh nhất. Ông cho cất một ngôi đền đẹp đẽ, đền Jérusalem, nghĩa là đền Bình trị. Ông tổ chức hành chánh, tài chánh và quân đội, dùng một thứ lịch như âm lịch của Trung Hoa, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày và cứ hai, ba năm lại có một tháng nhuận.
Khi ông mất, vào khoảng 930 trước Tây lịch, nước chia làm hai tiểu quốc: Israel phương bắc, Judée ở phương nam: họ tranh giành nhau, do đó suy yếu dần. Phương bắc bị Assyrie chiếm năm 722 trước Tây lịch, phương nam bị Babylone chiếm năm 586 trước Tây lịch, thành Jérusalem bị phá, một số đông dân chúng bị đày qua Babylone.
Tới khi vua Ba tư là Cyrus chiếm Babylone, họ mới được về xứ, xây cất lại đền Jérusalem, dần dần gây dựng lại quốc gia và sống tạm yên trong khoảng hai trăm năm (538-333).
Đế quốc Ba Tư sụp đổ sau những trận tấn công như vũ bão của vua Hi Lạp - Đại đế Alexandre; và Israel lại đổi chủ, nhưng nhờ vậy mà học được văn minh của Hi Lạp. Năm 168 trước công Tây lịch, các vua Syrie đối xử với họ tàn nhẫn, họ nổi dậy, đánh đuổi người Syrie, chiếm lại được Jérusalem, sống yên ổn được một thế kỷ.
Tới năm 63 trước Tây lịch. La Mã chiếm xứ Judée. Chính trong thời Hérode làm vua ở Judée mà đức Ki-tô ra đời trong một chuồng bò ở gần Bethléem.
Lớn lên đức Ki-tô đi khắp xứ Galilée và Judée để giảng đạo, bị một môn phái của đạo Do Thái oán ghét, tìm cách hãm hại. (lúc đó người La Mã đã dùng một tên mới để gọi “con cháu Israel”, tên đó người Pháp gọi là Juif, có nghĩa là dân xứ Judée, người Trung Hoa phiên âm là Do Thái(1).
Bị đức Ki-tô vạch cái thói kiêu căng và giả dối, môn phái đó trả thù, xúi dân chúng nổi dậy, vu cho ông là phiến loạn, buộc nhà cầm quyền La Mã xử tội ông. Ông bị đóng đinh trên núi Golgotha cùng với hai tên cướp.
Sự cai trị của La Mã mỗi ngày một tàn khốc, dân tộc Do Thái nổi loạn nhiều lần và đền Jérusalem bị phá hại lần nữa. Người La Mã cấm họ xây lại đền ở nền cũ, lại đổi tên Jérusalem ra tên Aelia Capitolina, đổi tên Israel ra Palestine, tên cũ.
Từ đó dân tộc Do Thái mất quốc gia và phiêu bạt khắp thế giới. Khi đế quốc La Mã sụp đổ, Palestine dần dần nội thuộc Byzance, Damas và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đạo Do Thái thì vẫn còn. Nhờ giữ được tôn giáo mà dân tộc Do Thái lang thang non ngàn năm nay, mất ngôn ngữ, gần mất hẳn huyết thống vì pha trộn với đủ các giống người trong bao nhiêu thế hệ, mà vẫn giữ được một tinh thần riêng, vẫn được liên lạc với nhau, cùng hoài bão một mộng chung, mộng trở về Thánh địa để gây dựng lại tổ quốc. Dù gặp nhau ở chân trời góc bể nào, khi chia tay họ cũng chúc nhau: “Sang năm về Jérusalem”. Họ tin rằng Israel là đất Jahvé đã hứa cho họ, và thế nào cũng có ngày họ trở về đó. Họ là đứa con cưng của Jahvé thì không khi nào Jahvé bỏ họ.
Có một điều lạ là lời tiên tri chua xót này trong Thánh kinh cơ hồ như đúng: “Khi mà dân tộc “Israel” bị trục xuất ra khỏi xứ thì xứ sẽ bị hoang phế, không có dân cư”. Không hẳn là không có dân cư, nhưng từ khi dân tộc Do Thái thành “một dân tộc không có đất đai” thì xứ Israel cũng thành “một đất đai không có dân tộc”, nghĩa là bao nhiêu dân tộc tiếp tục nhau lại sống tại đó, không một dân tộc náo lập nghiệp một cách vĩnh viễn, tạo nên nổi một quốc gia.
Người La Mã, người Ba Tư, người Ả Rập, thay phiên nhau làm chủ, nhưng chỉ coi Palestine là một thuộc địa xa xôi không có ý khai hoá hay khai thác và khi Godefroy de Bouillon cầm đầu một đoàn thập tự quân, vô Jérusalem năm 1099, thì thấy một tình trạng rất hỗn loạn về chính trị cũng như về tôn giáo, không có ai làm chủ, quyền hành bị chia xẻ, người ta chống đối nhau, tranh giành nhau: mà dân chúng thì gồm đủ các giống người: Ả Rập du mục, Do Thái, Hi Lạp ở Syrie, rồi Pháp, Hung Gia Lợi,  Anh, Nhật Nhĩ Mãn, Ấn Độ…
Tình trạng đó kéo dài, dưới sự đô hộ của Ả Rập (và trong một thời gian ngắn, của quân đội Mông Cổ nữa, do Titnourlenk hoặc Tamerlaa chỉ huy(2), và của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1517) mãi cho tới Thế chiến thứ nhất.
Chú thích:
  1. Như vậy có ba tiếng để chỉ một dân tộc: Hebreu từ thời Abraham tới khi dân tộc Do Thái ở Ai Cập trở về Canaan; Israel từ thời lập quốc ở Canaan tới khi bị La Mã chiếm; và Juif từ khi bị La Mã chiếm cho tới 1948, năm quốc gia Israel thành lập. Ngày nay người ta dùng từ Israel, nhưng từ Juif vẫn chưa mất hẳn.
  2. Theo David catarivas trong cuốn Israel (Petite Planète –Seuil – 1960)