Có lẽ trong tiềm thức của tôi trong hơn 35 năm qua luôn luôn vẫn có một số thắc mắc, tức bực về tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Trước hết nếu so với các truyện kiếm hiệp cổ điển của Trung Quốc như Lã Mai Nương, Càn Long du Giang nam, Tiết Nhân Quý chinh đông, Thuyết Ðường, Thủy Hử v.v..., trong các truyện chưởng của Kim Dung - ít khi nào ông cho khai tử bớt những nhân vật cực ác khi đến quá nửa truyện. Thậm chí nhiều khi cho đến hết truyện những nhân vật cực kỳ nham hiểm và gian ác đó vẫn chưa được cho gác kiếm về chầu Diêm Vương, nhưng lại vẫn cứ tiếp tục sống dai và "quậy" dài dài cho đến một thế hệ tiếp nối trong một truyện kiếm hiệp nối tiếp khác. Thí dụ như Tây độc Âu Dương Phong trong Xạ điêu Anh hùng truyện đã sống luôn qua đến khoảng nửa truyện kế tiếp mang tên Thần Ðiêu hiệp lữ rồi mới lăn đùng ra chết sau khi đấu võ nghệ với Bắc cái Hồng Thất công suốt mấy ngaỳ liền trên một đỉnh núi tuyết trước sự chứng kiến của cậu thanh niên Dương Quá. Hoặc giả như Tinh Tú lão quái Ðinh Xuân Thu trong Lục Mạch thần kiếm và Thiên Long bát bộ - một nhân vật cực kỳ hung ác ai cũng ghét thế mà cứ sống dài dài - sống lâu hơn một trong những nhân vật chính là Tiêu Phong - cho đến hết truyện luôn. Cũng giống như Mộ Dung Phục - lúc đầu truyện mang cá tính nửa chính nửa tà nhưng đến lúc cuối truyện trở nên hoàn toàn gian ác bởi mang nhiều tham vọng khôi phục nước Yên - tác giả cũng không cho chết quách cho xong nhưng lại trở nên điên điên khùng khùng như Âu Dương Phong trong cuối truyện Anh hùng xạ điêu nói trên. Tranh chấp để xem xem ai võ công cao nhất, ai là anh hùng vô địch thiên hạ cũng thường không được giải đáp cho thật chắc chắn như trong các truyện kiếm hiệp ngày xưa trước thời Kim Dung. Trong Anh hùng xạ điêu và Võ lâm ngũ bá, có tất cả 5 người với võ nghệ tuyệt luân: Bắc cái Hồng Thất công, Nhất Đăng đại sư Ðoàn Nam đế, Tây độc Âu Dương Phong, Ðông tà Hoàng Dược Sư và Trung thần thông Vương Trùng Dương. Năm người đó mỗi người có một hai ngón võ tuyệt chiêu bao trùm thiên hạ. Nhưng khổ nổi nếu họ đấu với nhau thì lại "bất phân thắng bại"!!! Vương Trùng Dương thường được xem như "trên cơ" 4 người kia một chút nhưng lại... chẳng may chết sớm, và trước khi chết thật Vương Trùng Dương đóng kịch chết giả để cố ý thọc vào chính huyệt của Tây độc Âu Dương Phong một ngón Nhất dương chỉ cho Tây Ðộc chừa bỏ tham vọng đi ăn cắp quyển võ công bí kíp Cửu Âm chân kinh. Thành ra trong hầu hết suốt các truyện Anh hùng xạ điêu hoặc Võ lâm ngũ bá ta không thấy một ai có thể xưng anh hùng vô địch hay võ lâm minh chủ cả. Thất vọng nhất trong cái "lô gích" của Kim Dung phải là anh chàng Quách Tỉnh. Anh này có nội công tự nhiên trời cho như hút được máu rắn quí của một thiền sư nào đó, học võ nghệ từ nhỏ với Giang Nam thất quái, học leo núi với Mã Ngọc, học các võ chính như Hàng long thập bát chưởng của Hồng Thất công, học thế đánh Thiên cang Bắc đẩu trận của phái Toàn Chân, học Cửu Âm chân kinh và Song thủ hỗ bác từ Chu Bá Thông một cao thủ tương đương hay hơn Võ lâm ngũ bá một chút, vài ngón nghề Nhất dương chỉ từ chính Ðoàn Nam đế. Quách Tỉnh như vậy đã học các món võ chính tông của ít lắm là 3 trên 5 vị ngũ bá đó - cộng với tuổi trẻ, với "tư duy" sẵn có, với nội công thâm hậu nhờ uống máu rắn. Thế mà lúc đấu với các cao thủ khác như Cừu Thiên Nhận (chính hiệu), Quách Tỉnh không bao giờ chứng tỏ được thế thượng phong đánh hạ được họ hay cho họ nằm "đo đất" cả. Lô gích đó của Kim Dung hồi còn trẻ người viết xem như hơi "lổng chổng" không được chặt chẽ chút nào. Thêm một thí dụ khác: Trương Vô Kỵ trong Cô gái Ðồ long đã trải qua bao nhiêu thăng trầm và học được bao nhiêu thế võ tuyệt chiêu: Cửu Dương chân linh lúc sống dưới thung lũng núi tuyết qua quyển sách dấu trong bụng con khỉ, ăn được con ếch đỏ cũng ở dưới thung lũng để bổ xung dương khí, luyện được Càn Khôn đại na di tâm pháp lúc bị nhốt trên Quang Minh đỉnh, học Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm rất thuần thục với Trương Tam Phong, v.v... và v.v... thế đến khi đụng độ với người yêu cũ Chu Chỉ Nhược, hình như Trương Giáo chủ phải chịu lép mặc dù cô Chu chưởng môn Nga Mi chỉ học được có Cửu Âm Chân Kinh và một số chiêu của Nga Mi kiếm pháp mà thôi. Lô gích nằm ở đâu hay Kim Dung đã theo mốt thời đại trọng nữ khinh nam? Tức bực cho độc giả còn phải kể đến cái ngón Lục mạch thần kiếm của thái tử Ðoàn Dự! Võ nghệ thứ gì mà khi được khi không, trong cuộc đời thật chắc làm gì có loại võ nghệ kỳ cục như vậy - giống như chiếc xe hơi, cái radio hay tivi rất cũ kỹ khi chạy khi không? Rồi còn rất nhiều, nhiều nữa những cái lủng củng trong lô gích của Kim Dung về ai giỏi võ hơn ai trong các bộ truyện chưởng của ông. Những thắc mắc đó hình như cứ lởn vởn trong đầu người viết qua nhiều năm tháng, rồi trở đi trở lại trong hai thập niên qua khi xem phim tập Hongkong quay đi quay lại nhiều lần các truyện của Kim Dung. Nhiều khi người viết cũng thử đặt ra một vài giả thuyết dựa trên kiến thức rất hạn hẹp của mình về triết lý Đông phương - thử giải thích các dụng ý của Kim Dung khi ông ra công sáng tác các tác phẩm kiếm hiệp để đời đó. Người viết thử dùng những triết lý như "nhân vô thập toàn" hay bắt chước các người viết khác moi Kinh Dịch, hay sưu tầm những "ẩn số chính trị" để tìm giải đáp cho một thắc mắc lâu năm về Kim Dung. Nhưng rất tiếc và nói cho đúng người viết vẫn chưa được hoàn toàn thoả mãn về những ẩn ý của Kim Dung khi ông cho vào các truyện của ông một lôgích có vẻ hoàn toàn bác bỏ lôgích của Tam đoạn luận: A giỏi hơn B, B giỏi hơn C, do đó A phải giỏi hơn C. Nói một cách khác và thông thường, nếu A có nhiều tiền và của cải hơn B, ta nói A giàu hơn B. Nếu A cùng cỡ tuổi với B và A học được và thành thục nhiều ngón võ hơn B, A chắc sẽ giỏi võ hơn B và sẽ "nốc ao" B khi đấu với B. Tương tự Trương Vô Kỵ có vẻ học được nhiều ngón võ tuyệt chiêu hơn Chu Chỉ Nhược - đại khái Cửu Dương chân kinh, Càn Khôn đại nã di, Thái Cực kiếm, Thái Cực quyền, v.v... Nội cái Càn Khôn đại nã di - một môn võ tối cao của Minh giáo thời đó có mãnh lực biến đối thủ dùng gậy ông đập lưng ông - Vô Kỵ đã học được trong lúc bị nhốt với Tiểu Siêu ở trong mật động của Quang Minh Ðỉnh - nếu theo đúng mô tả của chính tác giả - cũng đủ dùng để chế ngự được Cửu Âm Chân Kinh, nếu không kể đến các thứ võ lâm chi bảo như Thái Cực kiếm và Thái cực quyền. Càn Khôn Ðại Nả Di chắc chắn - theo lôgích của mô tả trong truyện - sẽ chế ngự được thế đánh móc vào sọ người kiểu Cửu Âm bạch cốt trảo trong Cửu Âm Chân Kinh bởi nó có thể khiến bàn tay bạch cốt trảo quay về tự móc sọ của người xử dụng nó để tấn công mình! Trong khi ấy Chu Chỉ Nhược theo với ước đoán của độc giả (vì đoạn Chu Chỉ Nhược luyện Cửu Âm Chân Kinh tác giả dấu không kể ra) chỉ biết có Cửu Âm Chân Kinh và rất có thể chỉ biết qua loa về Nga Mi kiếm pháp bởi lúc Diệt Tuyệt Sư Thái nhường ngôi chưởng môn Nga Mi cho họ Chu, Diệt Tuyệt Sư Thái đang sắp sửa tự tử nên chưa có thì giờ truyền lại trọn vẹn các ngón nghề của Nga Mi kiếm pháp cho nàng. Thế mà Kim Dung tự ý cho Vô Kỵ gần như bất lực trước Chỉ Nhược và có vẻ "dưới cơ" Chu Chỉ Nhược. Thật bực mình!!!Thế nhưng, gần đây nhân lúc đọc được quyển "Cờ Bạc" của Huỳnh Văn Lang do Nhà văn nghệ Tổng Phát Hành xuất bản vào năm 1998, người viết tự nhiên thấy những "cái đinh" kể ra trong quyển Cờ Bạc, nhất là những chương về nghệ thuật đá gà khả dĩ có thể dùng để giải thích những hiện tượng tréo cẳng ngỗng trong các phần đấu võ trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Theo tác giả Huỳnh Văn Lang (HVL) trong suốt "sự nghiệp" đá gà ăn tiền của ông kéo dài hàng chục năm sau khi rời chiếc ghế Tổng giám đốc Viện Hối đoái VNCH, ông đã kiếm tiền khá bộn trong việc nuôi gà đá và đá gà nhờ ở việc áp dụng thuyết Ngũ hành của triết lý Trung Quốc. Tác giả kể lại một ngày nào đó năm xưa ông được một người bạn tặng cho một quyển sách cũ viết về nghệ thuật đá gà áp dụng theo thuyết Âm Dương Ngũ hành do chính đức Tả quân Lê Văn Duyệt viết. Xin tạm trích một đoạn quan trọng của quyển Cờ Bạc: "Theo Tả quân,...con gà cũng như con người, cùng vạn vật đã sinh ra trong vũ trụ thì tất nhiên bị vũ trụ bao vây và chi phối, mà vũ trụ cùng vạn vật lại do định luật âm dương ngũ hành chi phối, vì tất cả đều do âm dương ngũ hành mà ra... Suy luận như vậy, Tả quân đã dùng luật Ngũ hành làm tiêu chuẩn căn bản cho môn chọi gà nòi của Ngài và còn để lại cho hậu thế những bài học nghệ thuật vừa cao siêu vừa hiệu nghiệm. Theo lời Ngài dạy: Từ thuở khai nguyên vũ trụ thì có Hoả, Hoả tự thiêu để sinh ra Thổ, Thổ sinh ra Kim, Kim sinh ra Thủy, Thủy sinh ra Mộc, để rồi Mộc lại sinh ra Hoả, làm thành một chu kỳ tương sinh của Ngũ hành. Ðộng lực để vạn vật phát triển là SINH và KHẮC. Sinh là tạo, là dưỡng. Khắc là diệt, là trừ: Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Mộc Khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, để rồi Thủy khắc Hoả lại - thành một chu kỳ tương Khắc của Ngũ hành." Tác giả thuật tiếp cách phân biệt Ngũ hành qua màu sắc của con gà và những phức tạp gặp phải khi con gà mang nhiều màu sắc khác nhau. Lông màu gì pha với màu gì, mồng gà màu gì và chân cẳng vảy vi mang màu gì. Sau khi đã minh định được màu sắc chính của con gà người chọi gà có thể xác nhận gà thuộc mạng nào, Kim hay Mộc, hay Thủy, hay Hoả hoặc Thổ, và đem nó đi so với gà sắp sửa phải đấu. Nếu gà mình mạng Hoả và gà đối phương thuộc mạng Kim - Hoả khắc Kim - gà bên mình rất có nhiều cơ hội để thắng. Và tác giả HVL đã xác nhận qua hằng trăm trận đấu gà từ năm 1969 cho đến đầu năm 1975 - cũng như Tả quân Lê Văn Duyệt trước khi viết quyển sách bí truyền đó, đã trải qua kinh nghiệm cở 400 độ đấu gà - luật Ngũ hành gần như có hiệu nghiệm gần đến 80-90 phần trăm. Theo khoa học, định luật Ngũ hành có vẻ rất có lý đó khi được áp dụng vào các vụ đấu gà được gọi định luật empirical (định luật thống kê). Ðịnh luật empirical rất nhiều khi vẫn có giá trị tương đương với những định luật thuần lý. Thí dụ về định luật thuần lý là luật vật lý về đun nước sôi. Ðịnh luật thuần lý luôn luôn đúng và đúng ở mọi chỗ, nói rằng khi ta đun nước nóng đến 100 độ, nước sẽ sôi và sôi ùng ục. Ðịnh luật thống kê có thể được thí dụ bằng một cuộc tổng tuyển cử lựa chọn chính quyền tại một nước dân chủ. Ðịnh luật sẽ nói rằng khi chính phủ đang cầm quyền làm mất lòng dân bằng những thất bại trong các chính sách kinh tế, y tế, và giáo dục, v.v. chính phủ đó sẽ bị thất cử dễ dàng. Ðó là luật thống kê, thường thường đúng nhưng không chính xác đến 100 phần trăm. Thuyết Âm Dương - Ngũ hành ra đời vào khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc, cùng một lúc với Kinh Dịch, do ở một nhà "thông thái" tên Trâu Diễn (1) đã hệ thống hoá nó cho được mạch lạc. Ngũ hành cũng được áp dụng trong nghệ thuật Phong Thủy (Feng Shui) xem nhà xem hướng, rất phổ thông hiện nay trên toàn cầu. Tóm tắt Ngũ hành gồm có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, năm nguyên tố căn bản của vũ trụ. (Ở điểm này một vài học giả Tây Phương cho rằng Ngũ hành chịu nhiều ảnh hưởng của phái Zoroastre (2) của Ba Tư). + Kim tức kim loại, biểu tượng bằng màu Trắng, và theo Phong Thuỷ chỉ hướng TÂY (muốn dễ nhớ, nhớ người Âu Tây da trắng). Kim khắc Mộc, Kim có thể diệt được Mộc (nhớ cưa sắt cưa được gỗ), nhưng giúp được Thủy; + Mộc là gỗ, mang màu Xanh, đứng về hướng ÐÔNG. Mộc trị hay khắc Thổ (đóng cây vào đất - cây mọc từ đất mọc lên), nhưng giúp được Hoả (nhớ lửa cháy thường nhờ cây nhờ gỗ, giấy làm cháy lửa cũng do gỗ làm ra); + Thủy là Nước - biểu tượng màu Ðen, đi về hướng BẮC. Thủy trị Hoả (tất nhiên, nước dùng để chữa lửa) và hổ tương cho Mộc (cây cần nước để sống); + Hoả là Lửa - mang màu Ðỏ, biểu hiệu bằng hướng NAM. Hoả khắc Kim (nhớ lò luyện kim cần có lửa) và giúp được Thổ; + Thổ là Ðất - mang màu Vàng, đại diện bằng Miền Chính Giữa - TRUNG TÂM. Thổ khắc Thủy (nước thẩm thấu vào lòng đất hay đập đất ngăn được nước chảy) và tương thân với Kim. Tóm tắt có hai chu kỳ ngũ hành: + Chu kỳ SINH: Kim sinh Thủy, Thủy sinh ra Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả tự thiêu sinh ra Thổ, Thổ sinh Kim. + Chu kỳ KHẮC: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, và Hoả lại khắc Kim. (Hiểu kĩ như vậy ta hãy trở lại quyển Cờ Bạc của HVL trước khi đọc lại Kim Dung. Sau khi đọc được quyển sách bí truyền của Tả quân Lê Văn Duyệt, tác giả HVL đã cố gắng áp dụng thuyết ngũ hành theo sách Tả quân đi đá gà ăn tiền. Sau đó không lâu ông lại được cơ hội quen biết với một "ông già gân" chuyên nghề dạy võ gốc người Quảng Ngãi vào Nam sinh sống lâu năm, mang tên Tám Long. Chính ông tám Long khuyên tác giả nếu muốn thấu triệt thuyết ngũ hành hãy đọc lại các pho truyện tàu xưa như Ngũ Hổ, Tiết Nhơn Quí, Tiết Ðinh San, Võ Tắc Thiên, v.v.... sẽ thấy trong hầu hết các truyện tàu thuyết ngũ hành luôn luôn được ứng dụng triệt để. Các nhân vật chính trong các truyện tàu đều được mô tả qua màu sắc, điển hình trong truyện Thuyết Ðường thuật chuyện các người anh hùng lo chuyện lật đổ nhà Tùy để lập nên nhà Ðường với vị vua đầu tiên là Lí Thế Dân. Qua truyện đó, người đọc có thể để ý các hổ tướng được mô tả rõ rệt qua màu sắc và mạng lý theo Ngũ hành. Thí dụ, như Trình Giảo Kim mặt đỏ râu vàng, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi - đặc biệt có hai mạng: khi trên ngựa mạng Hoả (mặt đỏ) và khi xuống ngựa, mạng Thổ (râu vàng); như La Thành, mặt trắng, mình ưa mặc bạch bào đoản giáp trắng, hay dùng cây Bát cổn Ngân thương bạc, cỡi ngựa Kim Thiên Lý Câu: đúng thật mạng Kim; như Ðơn Hùng Tín, mặt xanh, chuyên mặc giáp xanh, hay dùng chiếc Kim đính Ðông dương sóc, cưỡi con ngựa Thanh tông mã, rõ ràng mang mạng Mộc; Tần Thúc Bảo lại khác, mặt vàng, áo giáp bằng đồng vàng, hay dùng đôi giản đồng và cưỡi ngựa có lông vàng như tơ, đích thị mạng Thổ; và Uất Trì Cung gốc thợ rèn, mặt đen, mặc thiết giáp bằng đồng đen, ra trận dùng ngựa ô tuyền, đúng là mạng Thủy. Quyển Cờ Bạc đưa một vài thí dụ chứng minh rằng các tác giả người Trung Quốc xưa và nay lúc nào cũng áp dụng thuyết ngũ hành (mạng này khắc mạng kia) trong các trận đánh với nhau. Khuôn khổ bài này có hạn nên chỉ xin trích lại một đoạn tả trận chiến giữa tướng Dương Lâm của nhà Tùy đấu với bên nhà Ðường. Bên nhà Tùy ngoài tướng Dương Lâm còn có Thập Nhị Thái bảo lập ra trận Nhất tự trường xà - toàn treo cờ xanh (mạng Mộc). Bên Ðường có Trình Giảo Kim và Tần Thúc Bảo - cả hai mang mạng Hoả và Thổ - đánh hoài nhưng không sao phá nổi trận. Sau nhờ có La Thành - mang mạng Kim - chỉ đấu với tướng Dương Lâm có 10 hiệp, đâm Dương Lâm một thương ngay tại mông, phá tan trận và thu được hơn hai vạn hàng binh của nhà Tùy. Kim khắc Mộc là như vậy. Tóm lại khi đọc truyện Tàu ta nên để ý trước bổn mạng của các nhân vật rồi sẽ xem họ đấm đá đấu chưởng với nhau ra làm sao. Hằng trăm trận ăn thua hay sống chết với nhau thường dựa sát vào những tương sinh tương khắc của luật Ngũ hành mà thôi. Thí dụ một cao thủ võ lâm mặt đỏ, cỡi ngựa màu đỏ (xích thố), mang kiếm giáp màu đỏ (mạng Hoả) chạy ngựa hay phi thân xuống núi đánh với một nhân vật võ lâm khác, cho dù đó là một bà lão mặt đen mặc quần áo màu đen (mạng Thủy), người đọc sành điệu luật Ngũ hành có thể đoán được rằng tác giả sẽ cho cao thủ từ trên núi xuống kia thế nào cũng sẽ bị thua chạy dài, nếu không bị chém đứt đầu thì cũng bị thương nặng tàn phế võ công!!! (3) (1) Trâu Diễn là người nước Tề, sống vào cuối thời Chiến quốc. Sử ký viết về Trâu Diễn như sau: "Trâu Diễn bèn xem xét kỹ sự tiêu diệt, sinh trưởng của âm dương mà viết ra việc biến chuyển lạ lùng, viễn vông. Đầu đuôi thiên Đại thánh hơn mười vạn chữ, lời lẽ mênh mông rộng lớn không giống lời thường thấy". Sinh thời ông cũng như Khổng tử, đi khắp các nước để du thuyết, nhưng rất được vua các nước chư hầu tôn kính, không hề bị đối xử tệ như Khổng tử. Xem thêm Mạnh tử, Tuân khanh liệt truyện trong Sử ký.(2) Tức Bái hoả giáo.(3) Quả thực điều này rất thường thấy trong các tiểu thuyết Trung Hoa. Đoạn Tống Giang phá trận Thái Ất côn thiên tượng của Ngột Nhan Quang trong Hậu Thuỷ Hử là một ví dụ rất điển hình cho việc vận dụng quy luật sinh khắc của Ngũ hành trong xây dựng truyện.Bây giờ xin trở lại những điểm "lổng chổng" trong một vài truyện kiếm hiệp Kim Dung mà người viết còn nhớ. Tuy nhiên, trước hết xin minh định người viết không thể xác nhận người viết có tin vào luật Ngũ hành hay không, nhưng chỉ có thể tiết lộ rằng qua mấy mươi năm đọc truyện Tàu và kiếm hiệp Kim Dung, cho mãi đến lúc đọc được quyển Cờ Bạc của Huỳnh Văn Lang người viết vẫn thường cho rằng mấy ông viết truyện Tàu có vẻ quên đầu quên đuôi không áp dụng lô-gích tây phương cặn kẽ, nhất là lô gích kiểu tam đoạn luận: A thắng B, B thắng C, vậy A chắc chắn phải thắng C. Chỉ đến lúc đọc xong đoạn đá gà trong quyển Cờ Bạc, mới thấy truyện Tàu nói chung và võ hiệp Kim Dung nói riêng hiếm khi dựa trên lô-gích tam đoạn luận của Tây Phương, nhưng lại chính yếu dựa trên lô-gích của thuyết Ngũ hành. Ðem lô gích của luật Ngũ hành vào truyện Tàu, Tam Ðoạn Luận phải cuốn gói đi chỗ khác chơi. Xin trở lại với Kim Dung: Trước hết xin xét kĩ lại "Cô Gái Ðồ Long" tức Ỷ Thiên Ðồ Long ký. Trương Vô Kỵ mạng gì? Ðầu tiên ta để ý Vô Kỵ bị Huyền Minh Thần Chưởng đánh cho bị bệnh gần chết. Huyền Minh thần chưởng lại là một băng hàn chưởng thuộc thế âm chỉ có Cửu Dương chân kinh - thế dương, chất nóng - mới trị được thôi. Sau đó Vô Kỵ làm Giáo chủ Minh giáo biểu hiệu bằng ngọn lửa, rồi lại mang vào nhiệm vụ đi tìm lại Thánh Hoả lệnh. Hỏa hỏa hỏa. Ðích thị Vô Kỵ mang mạng Hoả. Còn tại sao tác giả gọi Huyền Minh thần chưởng thứ chưởng đã khiến cho Vô Kỵ bị trọng thương gần 8, 9 năm trời mà không gọi Huyết Minh hay Hồng Minh thần chưởng cho có vẻ rùng rợn? Huyền tức Ðen chỉ mạng Thuỷ, Thuỷ (nước) dập hay khắc được Hoả (lửa). Thế Chu Chỉ Nhược mang mạng gì mà Vô Kỵ phải chịu xếp de? Ta xem binh khí hay võ công chính của Chu Chỉ Nhược là gì? Ỷ Thiên kiếm? Không phải, Ỷ Thiên Kiếm thật sự của Diêt Tuyệt Sư Thái, nó màu xanh và Diệt Tuyệt Sư Thái mạng Mộc - dễ bị Vô Kỵ làm cho quê mặt vì Vô Kỵ mạng Hoả - Mộc chỉ sinh Hoả (gỗ chỉ bị cháy vì lửa) thôi chứ không khắc được Hoả. Ta nhớ lại Chu Chỉ Nhược nghe lời dặn dò của sư phụ Diệt Tuyệt Sư Thái lo đi ăn cắp bảo đao Ðồ Long để rồi dùng Ỷ Thiên Kiếm chặt vỡ đao Ðồ Long để lấy quyển bí kiếp Cửu Âm Chân Kinh được dấu trong đao Ðồ Long. Mạng Chu Chỉ Nhược dính liền với đao Ðồ Long (thầm phục dịch giả Từ Khánh Phụng không biết vì sao ông dịch tựa Ỷ Thiên Ðồ Long Ký thành ra Cô Gái Ðồ Long - và tất nhiên Chu Chỉ Nhược chính là Cô Gái Ðồ Long - sự nghiệp của họ Chu đã dính liền với đao Ðồ Long). Ðao Ðồ Long màu gì? Kim Dung đã tả Dư Ðại Nham lần đầu thấy đao Ðồ Long, chàng cầm lấy, lau sạch và đem đến gần ánh lửa xem cho kĩ, thấy nó màu ÐEN sì, chẳng phải sắt và cũng chẳng phải vàng... (Chương Thứ 3). Màu đen đích thị là màu của mạng Thủy. Mạng của Chu Chỉ Nhược là mạng Thủy (4)[black]. Thủy khắc Hoả (mạng của Trương Vô Kỵ). Nước dùng để làm tắt lửa!! Và đó cũng xảy ra cùng lúc với chu kỳ Âm thịnh Dương suy. Vô Kỵ phải dưới cơ Chu Chỉ Nhược dù giỏi võ và nội công thâm hậu hơn Chu Chỉ Nhược!!! Vô Kỵ mang tên với nghĩa đơn sơ "Không kị thứ gì hết" thật ra lại kị Thủy và những chất âm đó chứ! Chưa hết, nếu ta nhớ ở đoạn cuối khi Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược đấu nhau với 3 vị sư ở chùa Thiếu Lâm trước mặt bao nhiêu quần hùng. Chu Chỉ Nhược định dùng đòn lén để hạ thủ Tạ Tốn, đột nhiên xuất hiện một thiếu nữ mặc áo vàng phi thân từ đâu đến chỉ múa vài đường quyền qua cây gậy trúc đã đủ áp chế Chu Chỉ Nhược. Trước khi cáo biệt giới võ lâm thiếu nữ áo vàng đó tiết lộ nàng từ núi Chung Nam đến, tức con cháu của Thần Ðiêu đại hiệp Dương Quá! Thế nhưng tại sao Kim Dung cho họ mặc áo vàng? Lại không mặc áo xanh lam hay áo tím cho có màu sắc đỡ chói và thơ mộng? Áo vàng dùng để ám chỉ mạng Thổ. Thổ trị Thủy. Chỉ có nàng thiếu nữ áo vàng (Thổ) mới có cơ trị được Chu Chỉ Nhược (Thủy) theo đúng rơ và cơ sở của Ngũ hành!!! Vẫn chưa hết, trong Ỷ Thiên Ðồ Long ký còn có Y tiên Sĩ Hồ Thanh Ngưu. Hồ dược sĩ tối ngày mài miệt với cây cỏ và các vị thuốc, liên quan đến Mộc. Trong tên Hồ Thanh Ngưu có từ THANH dùng để chỉ màu xanh. Màu xanh chính là màu của mạng Mộc. Hồ Thanh Ngưu rõ ràng mang mạng Mộc. Thế Hồ Thanh Ngưu tán mạng vì ai? Vì Kim Hoa Bà Bà, đâu từ phương Tây đến. Kim Dung đã cho thấy rõ chân tướng mạng của Kim Hoa Bà Bà: Tóc bạc trắng, có tên mang chữ KIM, gốc ở phương Tây - mạng Bà Bà mạng KIM. Kim khắc Mộc, nên vợ chồng Hồ Thanh Ngưu phải mất mạng về tay Kim Hoa Bà Bà. Thật quá rõ! Còn một chi tiết nhỏ: Hồ Thanh Ngưu mạng Mộc - Mộc sinh Hỏa, Mộc giúp Hỏa, và Hồ Thanh Ngưu đã giúp Vô Kỵ mạng Hoả một thời gian vài ba năm truyền dạy Vô Kỵ gần hết những y thuật bí truyền của ông ta. Thế còn Triệu Minh mạng gì? Triệu Minh có hai đặc tính: người Mông Cổ và yêu rồi cuối cùng nên duyên vợ chồng với đối thủ phản động Trương Vô Kỵ. Nhìn ở bản đồ, nước Mông Cổ nằm ở hướng Tây Bắc của Trung Hoa. Hướng Tây chỉ mạng KIM, hướng Bắc chỉ mạng Thủy. Có thể Triệu Minh mang mạng Tây và chút ít mạng Thủy hay chăng? Xem kĩ thêm một chút ta thấy Triệu Minh lúc ban đầu mang sứ mệnh đi triệt hạ Minh giáo nhưng sau dần dần đâm ra phục Vô Kỵ rồi yêu con người hùng đi làm cách mạng này. Tức Triệu Minh (hay Triệu Mẫn trong bản hiệu đính mới của Kim Dung) đã khâm phục rồi yêu Trương giáo chủ hay nói cách khác bị Trương Vô Kỵ khắc phục bằng tài và... tình. Có vẻ Triệu Minh mang mạng Kim chính, mạng Thủy phụ. Muốn chắc ăn hơn ta thử liệt kê các đặc tính của một người mang mạng Kim, một người mang mạng Thủy, mạng Hoả, mạng Thổ và mạng Mộc: + Tính người mạng Kim: có đầu óc tổ chức, thích ở trong thế chủ động và lãnh đạo, cần cho rằng mình đúng, thích trật tự và sạch sẽ. + Tính người mạng Thủy: giàu tưởng tượng, trung hậu, thông minh, rất "cứng cựa", độc lập, kín đáo,... + Tính người mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi,... + Mạng Thổ: rất chừng mực, hài hoà, trung thành và đòi hỏi trung thành, thích chi tiết, thích bầu bạn nhưng có thể rất cứng đầu. + Mạng Mộc: vui tính, có mục đích, năng động, thích bận rộn, có thể rất hách xì xằng, thực tế, hiếu thắng,... Theo đó Triệu Minh mang nhiều cá tính mạng Kim hơn mạng Thủy và Chu Chỉ Nhược chắc chắn mang mạng Thủy, Vô Kỵ mạng Hoả. Mối tình giữa Triệu Minh và Vô Kỵ thật sự là mối tình chớm nở bằng việc khâm phục mến tài. Hoả khắc phục được Kim. Mối tình này khác với mối tình giữa Quách Tỉnh và Hoàng Dung, như sẽ phân tích phiá dưới, đã chứng tỏ ngòi bút hết sức điêu luyện của Kim Dung - mặc nhiên nói lên tình yêu giữa người nam và người nữ - dù cho trong giới giang hồ kiếm hiệp đi nữa (trừ trường hợp anh chàng pê đê Ðông Phương Bất Bại trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ) - không một mối tình nào giống mối tình nào.(4) Theo ý kiến cá nhân của Nhất Tiếu, Chu Chỉ Nhược mạng thuỷ là hợp lý, nhưng phân tích như vậy e rằng hơi quá khiên cưỡng. Nhất Tiếu xin tạm lý giải theo một cách khác: Chỉ Nhược là con nhà thuyền chài, được Trương Tam Phong gửi lên Nga Mi. Nàng sinh trưởng ở nơi sông nước, tức là thuộc về mệnh thủy.Bây giờ xin xem qua bộ Xạ đìêu Anh hùng truyện và Võ lâm ngũ bá. Tổng cộng chừng một phần 5 của Xạ điêu Anh hùng truyện đề cập đến truyền tích và hành vi của năm ông võ sư thượng thặng của Trung Quốc trước thời nước Tàu bị Mông Cổ chiếm đóng. Ðó là Bắc cái Hồng Thất công (Vua Ăn Xin), Tây độc Âu Dương Phong, Ðông tà Hoàng Dược Sư, Nam đế Nhất Ðăng đại sư, và Trung thần thông Vương Trùng Dương. Rõ ràng Võ lâm ngũ bá đại diện cho năm thức Ngũ hành. Bắc cái Hồng Thất công, ông vua ăn xin mặt mày đen đúa ở phiá Bắc (Bắc Cái) mạng THỦY, Tây độc Âu Dương Phong và cháu là Âu Dương Khắc đi từ BẠCH Ðà sơn đến - chuyên môn ăn mặc đồ trắng, kể cả đoàn phụ nữ tùy tùng mặc áo quần màu trắng, mạng KIM. Ðông tà Hoàng Dược Sư ở phía Ðông ưa ở trong vườn đào thích mặc áo màu xanh, đích thị mạng Mộc. Nam Ðế Nhất Ðăng đại sư ở phía Nam mặc áo cà sa màu đỏ, với ngón nghề Nhất dương chỉ, đúng mang mạng HỎA. Trung Thần Thông Vương Trùng Dương có căn cứ ở miền Trung mang mạng THỔ. Kim Dung còn nhấn mạnh ở mạng Thổ của Trùng Dương bằng cách cho ông sư tổ phái Toàn Chân này chết giả chôn vào lòng đất mấy ngày - chờ Âu Dương Phong đến cạy hòm để ăn cắp Cửu Âm chân kinh - chợt tỉnh dậy thọc vào mặt họ Âu Dương một ngón Nhất Dương chỉ đau cho gần chết (!) cho Âu Dương tởn đến già. Võ lâm ngũ bá nói nôm na dùng để chỉ sự hài hoà của 5 nguyên tố của Ngũ hành. Bởi vậy để cân bằng sự hài hoà đó Kim Dung cho vào nhân vật Lão Ngoan Ðồng Châu Bá Thông sau khi Vương Trùng Dương chết đi một thời gian. Châu Bá Thông là sư đệ hay lý lắc như con nít của Vương Trùng Dương, đặt ra để thay thế họ Vương trong mạng Thổ để đối phó cân bằng với bốn tay cao thủ hạng nhất kia. Ta để ý sự hài hoà ngũ hành đó rất ngộ ngĩnh như sau: + Ðông tà mạng Mộc, có thể trị Thổ (Vương Trùng Dương) nếu đánh nhau gay gắt, nhưng Kim Dung cho Ðông Tà có vẻ mến và thích Vương Trùng Dương nên ít khi chạm trán trực tiếp với họ Vương. Nhưng rõ ràng Mộc vẫn trị Thổ như thường qua việc Ðông Tà khắc phục được và giam cầm Châu Bá Thông trên đảo đào hoa suốt 20 năm trời để bắt buộc họ Châu phải chép ra hay đọc ra Cửu Âm Chân Kinh cho Ðông Tà! + Nam Ðế mạng Hỏa trực tiếp có thể khống chế mạng Kim của Tây Ðộc Âu Dương Phong. Thì đó Âu Dương Phong chỉ sợ có ngón Nhất Dương chỉ của người võ lâm ở phương Nam mà thôi (5). + Mạng Kim của Âu Dương Phong chính ra có thể thắng được Hoàng Dược Sư, mạng Mộc. Nhưng hình như giữa họ Âu Dương và họ Hoàng có tình nể nang đồng nghiệp (professional courtesy) với nhau. Ðó là tình mến nhau nhường nhau giữa tên ăn cướp và bà già ăn trộm, nên họ lại ít đấu nhau cho chí tử. + Mạng Thủy của Hồng Thất công có thể trị được Nhất Dương chỉ của Ðoàn Nam Ðế (mạng Hoả). Nhưng không được họ lại cùng phe thiện và thương người như nhau! + Tương tự mạng Thổ của Vương Trùng Dương có thể chặn mạng Thủy cuả Hồng Thất công (Bắc Cái), nhưng không họ mến tài mến đức của nhau. + Âu Dương Phong mạng Kim và Hồng Thất công mạng Thủy không có khắc gì với nhau - nên không ai hạ được ai hết. Rốt cuộc trong một trận đấu cuối cùng trên núi tuyết trong truyện Thần Ðiêu Hiệp Lữ (nối tiếp Anh hùng xạ điêu) hai ông lão đấu nhau mấy ngày đêm rồi đều lăn đùng ra chết, trước chứng kiến của Dương Quá. + Hoàng Dược Sư mang mạng Mộc nên mang tính hiếu thắng. Ông ta mất vợ cũng chỉ vì kêu vợ cố nhớ lại rồi viết ra bản Cửu Âm Chân kinh học lóm được từ Chu Bá Thông. Có lẽ ông cũng mang chút ít mạng Thổ nên ông đã đòi hỏi trung thành của mọi người, nhất là đám đệ tử. Sau khi cặp học trò Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong ăn cắp quyển copy của Cửu Âm Chân Kinh trốn đi, Hoàng Ðông Tà nổi giận cắt hết gân của những người học trò còn lại rồi đuổi đi hết. Kim Dung đã cấu tạo cá tính nhân vật thật hay và Ngũ hành được đại diện rất đầy đủ, vững chắc trong Anh hùng xạ điêu. Sự cân bằng ngũ hành trong Võ lâm ngũ bá và Anh Hùng Xạ Ðiêu chính là cân bằng hài hoà trong một thế động, luôn luôn động. Người này khắc chế người kia xoay vòng cho giáp, để rồi rốt cuộc không hề có một người nào thật xuất chúng trồi lên trên cao. Thế Hoàng Dung và Quách Tỉnh mang mạng gì? Hoàng Dung nhỏ lớn sống ở Ðào Hoa Ðảo bên phía Ðông. Hoàng Dung mang mạng Mộc như thân phụ Hoàng Dược Sư. Muốn cho độc giả thấy rõ Hoàng Dung mạng Mộc tiêu biểu bằng màu xanh, Kim Dung bày ra màn Hoàng Dung được Hồng Thất công truyền chức Bang Chủ Cái Bang và giao cho nàng cây gậy trúc màu XANH với bài quyền độc đáo Ðả Cẩu Bổng Pháp (bài quyền dùng gậy đánh chó của giới ăn xin). Cây gậy trúc màu xanh và bài quyền Ðả cẩu bổng được xem như ấn tín của Cái Bang. Ai có được hai thứ đó trong tay đều được bang chúng nhìn nhận là Bang Chủ. Chọn gậy trúc màu xanh thay vì màu thông thường là màu vàng Kim Dung khẳng định Hoàng Dung mang mạng Mộc. Thế nhưng tại sao Hồng Thất công mang gậy trúc màu xanh lại có mạng Thủy? Kim Dung trốn khỏi mâu thuẩn này dễ dàng bằng cách cho ngón võ nghề chính yếu của Hồng Thất công là Hàng Long Thập Bát Chưởng, Long tức rồng liên hệ với nước, mạng Thủy. Trong khi đó Quách Tỉnh mang mạng Hoả - người gốc Hàng Châu, cũng có thể được tạm gọi phía Nam Trung Hoa (Hoa Nam) vì nằm phía Nam sông Dương Tử. Kim Dung lại muốn cho chắc chắn nên cài Quách Tỉnh làm đồ đệ của Giang NAM Thất Quái. Liên hệ mật thiết với Giang Nam Thất Quái, Quách tỉnh có gốc gác phương Nam và mạng Hoả. Mộc sinh Hoả. Cây dễ bị bén lửa. Mộc Hoàng Dung dễ cảm mến và yêu Hoả Quách Tỉnh. Mộc sinh Hoả và giúp Hoả. Nhớ trong truyện có rất nhiều đoạn Hoàng Dung cầu cạnh các cao thủ khác, nhất là Hồng Thất công, truyền dạy võ nghệ thêm cho chàng khờ Quách Tỉnh. Nàng lo nấu những bữa ăn ngon cho Bắc Cái Hồng Thất công để ông vua ăn xin này truyền ngón Hàng Long Thập Bát chưởng cho Quách Tỉnh. Tình yêu giữa Hoàng Dung và Quách Tỉnh là thứ tình yêu lo và giúp chồng thành công. Nó khác với thứ tình yêu mến và khắc phục giữa Triệu Minh và Trương Vô Kỵ trong Cô Gái Ðồ Long như đã nói ở trên. Và cũng khác hẳn mối tình giữa Tiểu Long Nữ và Dương Qua trong Thần Ðiêu Hiệp Lữ - cả hai đều cùng mạng Thổ, bởi sống và tập luyện võ với nhau dưới lòng đất nơi Cổ Mộ rất lâu năm. Ai nói Kim Dung không tuyệt chiêu trong việc tả tình yêu đôi lứa chắc phải suy nghĩ lại. Tiện ở đây cũng ghi thêm Dương Khang có lẽ cũng mạng Hoả như Quách Tỉnh (cùng gốc Hàng Châu) nên trên đường giang hồ, trong một phút ghen tưông sao đó vì nàng Mục Niệm Từ, Dương Khang đã lụi vào một cao thủ võ công giỏi hơn mình là Âu Dương Khắc thuộc mạng Kim một nhát dao đến mút cán. Ngoài ra Hoàng Dung mạng Mộc rất kị những người mạng Kim như Âu Dương Phong, Âu Dương Khắc và Thiết chưởng Thuỷ thượng phiêu Cừu Thiên Nhận. Có lần Hoàng Dung tính giỡn mặt với ông Thiết chưởng Cừu Thiên Nhận thứ thiệt vì lầm tưởng ông này là ông giả, bị ông này đập cho một chưởng như buá sắt đập (Thiết tức sắt, mạng Kim) đâm ra bệnh gần chết. Sau phải nhờ Ðoàn Nam Ðế (mạng Hoả, Hoả trị Kim) với ngón Nhất Dương Chỉ trị mới khỏi. Kim Dung đã viết thật hay và phô bày rất cặn kẽ về luật Ngũ hành trên ngót một ngàn trang sách cho Anh Hùng Xạ Ðiêu. Bố cục và sự giao động cũng như đấu chưởng tranh hùng giữa các cao thủ với nhau đều hoàn toàn nằm trong cơ sở lô-gích của thuyết Ngũ hành. Thế còn những Ðoàn Dự, Tiêu Phong, Mộ Dung Phục, Hư Trúc, và Du Thản Chi cùng một lô các cao thủ khác trong Thiên Long Bát Bộ thì sao? Những Lệnh Hồ Xung, Nhâm Doanh Doanh, Nhâm Ngã Hành, Ðông Phương Bất Bại, Nhạc Linh San, Thanh Phong đạo nhân, Ðiền Kế Quang, Nhạc Bất Quần, v.v... trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, họ được chiếu theo các mạng nào trong Ngũ hành? Người viết thú thật chỉ đọc được Thiên Long Bát Bộ và Tiếu Ngạo Giang Hồ có một lần - và xem phim tập Hongkong cũng chỉ một lần thôi. Chỉ nhớ được mơ hồ rằng Mộ Dung Phục tuy có gốc tổ tiên nước Yên (ở phía cực Bắc) nhưng giấc mơ phục quốc của Mộ Dung vẫn mãi mãi một giấc mơ hảo huyền, nên Mộ Dung Phục dính liền với đất Giang Nam, mạng Hoả. Kim Dung nhấn mạnh thêm Bắc Kiều Phong Nam Mộ Dung, và cho Tiêu Phong thuộc người Khất Ðan ở phía Bắc nước Trung Hoa. Mạng Thủy của Tiêu Phong khắc mạng Hoả của Mộ Dung Phục mặc dù rất nhiều đoạn Kim Dung mô tả võ nghệ của Mộ Dung Phục rất thần sầu quỉ khốc. Mỗi lần gặp Tiêu Phong ta để ý thấy Mộ Dung Phục có vẻ hơi ngán mặc dù lúc nào anh ta cũng đầy tự tin mình giỏi võ hơn người. Có lẽ dưới cơ Tiêu Phong chỉ vì cái "rơ" mà thôi. Cái rơ Ngũ hành! (6) Phần quan sát thế ngũ hành của các nhân vật còn lại trong Thiên Long Bát Bộ và các cao thủ của Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhân vì bài đã khá dài, người viết xin trân trọng nhường lại cho người đọc.(5) Trong Xạ điêu Anh hùng truyện, Kim Dung có viết "Hoả phương nam khắc kim phương tây", nên Nhất dương chỉ của Nhất Đăng đại sư là khắc tinh với Cáp mô công của Tây độc). Nhất Tiếu thấy pháp danh của Nam đế là Nhất Đăng (một ngọn đèn???) quả là mệnh hoả thật. (6) Theo ý của Nhất Tiếu thì Mộ Dung Phục dòng dõi người Hồ nước Yên, tức là ở phương Tây, mang mệnh Kim. Và trên thực tế người khắc chế Mộ Dung Phục không phải là Kiều Phong mà chính là Đoàn Dự, mang mệnh hoả phương Nam. Tại chùa Thiếu Lâm Đoàn Dự đã đả bại Mộ Dung Phục, và sau này cũng đã chinh phục được vị hôn thê của Mộ Dung Phục là Vương Ngữ Yên.