Phần III
Tiếu ngạo giang hồ

S au khi viết xong "Thử Đọc lại Kim Dung II: Nguồn Việt và Kim Dung", người viết cảm thấy nhàm nên định gác bút, hay ít ra cũng tạm giả từ đề tài về truyện chưởng với Kim Dung. Nhiều bạn hữu - đa số trên 30 năm không gặp lại nhau - vội biên điện thư email đến tại hạ khuyến khích viết thêm về Kim Dung. Một ông bạn ở Montréal (Canada) đã gởi tặng lược đồ về Ngũ hành, kèm trong bài này, và nhắn nhủ trong thư nếu viết về Kim Dung có viết đến hằng chục bài cũng không hết, nhất là những đề tài liên quan đến tình yêu, đến nhân sinh quan, đến những tình tiết éo le, v.v. dại gì mà ngưng viết. Cứ viết tiếp đi, ít ra ngoài người kiểm duyệt trong nhà còn có 1 độc giả trung thành là ông bạn đó. Sự thật, thuở tuổi học trò tại hạ chỉ được đọc vài truyện chính yếu và nòng cốt của Kim Dung thôi. Tuyệt đối ngày trước chưa có cơ hội đọc Tuyết Sơn Phi Hồ, Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký. Tiếu Ngạo Giang Hồ ấn bản do Hàn Giang Nhạn dịch thuật, được dịp đọc lần đầu tiên cách đây chừng 5 năm, rồi sau đó xem luôn phim tập HongKong. Riêng Lộc Đỉnh Ký, mặc dù nghe giới giang hồ đồn rằng rất hay và được biết truyện hiện được đăng trên một vài mạng ở internet như come.to/kimdung hoặc come.to/lunxit nhưng tại hạ không đủ sức bỏ giờ này qua giờ kia để ngồi đọc truyện này trên khung hình computer, nên đành phải hẹn lần hẹn hồi. Âu đó cũng là một cái hẹn cho một dịp nào đó của tương lai.
Bẵng đi cũng gần 12 tháng. Gần đây một người bà con ở Việt Nam gởi người thân đem sang một bộ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ ấn bản mới nhất do Vũ Đức Sao Biển, Trần Hải Linh và Lê Thị Anh Đào chuyển ngữ, nhà xuất bản Văn Học, trọn bộ 8 quyển, phát hành vào năm 2001. Ấn bản mới này có sự đồng tình cho phép đàng hoàng của Kim Dung (tức Louis Cha hay Tra Lương Dung), và dựa vào bản nhuận sắc sau này của Kim Dung với nhiều sửa chữa và thay đổi. Theo lời người bà con đó qua điện thư, Sàigòn lại đang trải qua cơn ghiền Kim Dung như 35 năm về trước và nhắn với tại hạ nên nhín chút ít thì giờ đọc qua cho biết.
Điểm đáng để ý trước tiên, trong vòng mười, hai mươi năm trở lại đây, một loạt các dịch giả mới bắt đầu xuất hiện trên chốn giang hồ. Đa số các cao thủ dịch thuật này, thường xuất thân từ các trường đại học Văn Khoa ban Hán Văn, mang chủ yếu rõ rệt xử dụng lối hành văn mới mẻ với nhiều tính chất Việt ngữ hơn. Một số kế nghiệp các bậc tiền bối như Nguyễn Chánh Sắt, Tô Chẩn, v.v. thay phiên nhau dịch lại các pho truyện cổ điển như Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, v.v. và một số khác theo chân những cao thủ năm xưa như Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn, chuyển ngữ lại các truyện chưởng của Kim Dung. Trên các mạng internet và các báo ở hải ngoại có Nguyễn Duy Chính hiện đã chuyển ngữ Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long Bát Bộ, v.v. và tại Việt Nam đứng đầu phải kể đến Vũ Đức Sao Biển người đã hết sức ca tụng Kim Dung qua 3 quyển mang tựa " Kim Dung giữa đời tôi ", xuất bản vào những năm cuối thập kỷ 90 vừa qua. Thế rồi vô hình chung tại hạ bắt đầu đọc lại Tiếu Ngạo Giang Hồ ấn bản mới nhất do ê-kíp Vũ Đức Sao Biển chuyển ngữ. Và trong lúc đọc lại Kim Dung kỳ này, tình cờ lại khám phá thêm một vài bí-kíp ngồ ngộ hay hay của Kim Dung nên đành phải phá lệ cố gắng viết thêm bài này.
Theo Vũ Đức Sao Biển, Tiếu Ngạo Giang Hồ là tác phẩm độc đáo nhất của Kim Dung bởi nó "lặng lẽ dắt người đọc đi vào cuộc hành trình tìm về những suối nguồn tư tưởng của phương Đông khi lên cao chín ngàn dặm, nương mây cỡi gió mà bay như Trang Tử đã viết trong Nam Hoa Kinh. Tiếu Ngạo Giang Hồ có cái u uẩn, trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những đạo quan, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa Đông trên Ngọc Nữ phong. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng đàn, tiếng sáo của khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ, tiếng ca buồn của Mạc Đại tiên sinh trong khúc Tiêu Tương dạ vũ....
... Hai trong ba nguồn tư tưởng triết học lớn của phương Đông - Phật giáo và Lão giáo - đã được Kim Dung hình tượng hoá và cụ thể hoá qua những hình tượng văn học. Phương Chứng đại sư của chùa Thiếu Lâm là con người tiêu biểu của tư duy Thiền Tông Phật giáo. Với một căn bản võ công trác tuyệt, một cái tâm từ bi, nhà sư gần như đã góp phần hoá giải những hận thù, chia rẽ, sân si. Định Nhàn, Định Dật của phái Hằng Sơn là một dạng Phật giáo khác, một Phật giáo nhập thể và nhập thế....
... Nhưng điểm đặc sắc nhất vẫn là tư duy Lão-Trang qua đường Độc Cô cửu kiếm. Phong Thanh Dương đã dạy cho Lệnh Hồ Xung dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu...."
Tiếu Ngạo Giang Hồ (TNGH) là tên của một nhạc khúc viết cho đàn thất huyền cầm và sáo. Hai tác giả của bản nhạc khúc bất hủ này lại là hai cao thủ của hai kiếm phái đối nghịch với nhau: Lưu Chính Phong thuộc Ngũ Nhạc kiếm phái (một nghiệp đoàn liên minh năm kiếm phái: Hằng Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn, Thái Sơn và Hành Sơn) và Khúc Dương thuộc phe Ma Giáo. Việc kết giao bằng hữu giữa hai người bị cả hai phe lên án và cuối cùng Lưu và Khúc bị bức tử. Trước khi chết hai vị cao thủ này trân trọng gửi gấm quyển nhạc khúc này lại cho anh chàng lãng tử mê nhậu nhẹt Lệnh Hồ Xung, đệ tử thứ nhất của Nhạc Bất Quần chưởng môn phái Hoa Sơn. Truyện TNGH bắt đầu với việc Nhạc Bất Quần sai con gái mình Nhạc Linh San và đệ tử thứ hai Lao Đức Nặc đến miền Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến để dò la tin tức của phái Thanh Thành do Dư Thương Hải lãnh đạo xuống đánh phá Phuớc Oai Tiêu Cục để chiếm quyển kiếm pháp độc nhất vô nhị mang tên Tịch Tà Kiếm Phổ. Phe Hoa Sơn đến trễ nên bọn Thanh Thành đã làm tiêu tan Phước Oai Tiêu Cục. Điểm kinh ngạc đầu tiên, Lâm Chấn Nam hậu bối của chủ nhân Tịch Tà kiếm phổ lại không thông thạo mấy về Tịch Tà kiếm nên ông và phu nhân bị thảm sát bởi phe Thanh Thành. Nhưng chưa phe nào lấy được Tịch Tà kiếm phổ bởi nó được dấu kín ở một ngôi nhà tự của họ Lâm ở Phúc Kiến. Trước khi chết Lâm Chấn Nam trối trăn với chàng lãng tử nghĩa hiệp Lệnh Hồ Xung về chỗ cất dấu quyển kiếm phổ đó và nhờ Lệnh Hồ Xung nói lại với con trai Lâm Bình Chi rằng nên lấy giữ quyển kiếm phổ đó nhưng đừng bao giờ luyện tập bởi nó rất nguy hiểm. Trước đó Lệnh Hồ Xung đã bị thương nặng sau khi liều thân đánh với một tên dâm tặc Điền Bá Quang để cứu ni cô Nghi Lâm thuộc kiếm phái Hằng Sơn. Nhạc Bất Quần (biệt hiệu Quân Tử Kiếm) gặp lại đệ tử Lệnh Hồ Xung rồi thu nhận Lâm Bình Chi làm đệ tử.
Trở về núi Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần bắt lỗi Lệnh Hồ Xung đã vi phạm một vài giới cấm của phái võ của mình - trong đó có việc dẫn ni cô Nghi Lâm vào động làng chơi ôm ấp nàng Nghi Lâm để trốn tránh Điền Bá Quang và các phe phái khác đang truy tầm - nên phạt chàng lên núi gần đó quay mặt vào vách thạch động để sám hối trong vòng 1 năm. Lệnh Hồ Xung tuân lệnh lên núi, và ngày ngày có Nhạc Linh San hoặc một đệ tử khác mang giỏ chứa đồ ăn đến cho. Lệnh Hồ Xung có cảm tình nồng thắm với Nhạc Linh San và ngược lại Linh San cũng thương Hồ Xung. Tuy nhiên Linh San có một đàn em mới thường tập kiếm với nhau là Lâm Bình Chi nên càng ngày càng ít mang đồ ăn lên cho Lệnh Hồ Xung. Ở trên núi Lệnh Hồ Xung tình cờ khám phá ra một thạch động hoang phế lâu năm trên vách có ghi khắc tất cả những loại kiếm pháp của năm kiếm phái thuộc hội đoàn Ngũ Nhạc, và những chiêu hoá giải. Bởi nơi đây đã từng chứng kiến một trận đấu sát phạt kinh hồn giữa các cao thủ của năm kiếm phái đó với những kiếm khách thuộc Ma Giáo. Cũng trong thời gian ở trên núi Lệnh Hồ Xung may mắn gặp được lão tiền bối Phong Thanh Dương tuyệt tích giang hồ đã nhiều năm. Phong Thanh Dương chính là sư thúc (vai chú) của Nhạc Bất Quần, thầy của Lệnh Hồ Xung. Năm xưa phái Hoa Sơn đã bị phân hoá do sự tranh chấp giữa hai phe Kiếm Tông và Khí Tông. Nhạc Bất Quần thuộc Khí tông và sư thúc Phong Thanh Dương thuộc Kiếm tông. Cảm mến Lệnh Hồ Xung, Phong Thanh Dương đem hết Độc Cô cửu kiếm ra truyền lại cho chàng. Độc Cô cửu kiếm là tác phẩm của người kiếm khách vô địch thời xa xưa không bao giờ bị bại, mang biệt danh Độc Cô Cầu Bại.
Ở trên núi được vài tháng Lệnh Hồ Xung phải trở về giảng đường để hỗ trợ sư phụ Bất Quần do ở lệnh từ trung ương đòi cách chức chưởng môn Nhạc Bất Quần. Trung ương ở đây là chưởng môn phái Tung Sơn Tả Lãnh Thiền - "chủ tịch" của hội đoàn Ngũ Nhạc Kiếm Phái - một người có nhiều tham vọng triệt tiêu hết bốn phe kiếm phái kia và thống nhất tất cả lại thành một phái duy nhất để ông làm Chưởng Môn. Nhạc Bất Quần thấy tình hình không ổn nên dẫn hết đồ đệ đi lưu vong, dọ thám tình hình, và nhất là lên Tung Sơn để hỏi Tả Lãnh Thiền cho ra lẽ. Dọc đường Lệnh Hồ Xung bị nội thương rất nặng không còn sống sót bao lâu. Tình cờ chàng gặp một thiếu nữ diễm kiều Nhậm Doanh Doanh con gái giáo chủ bị đảo chánh của Ma giáo Nhậm Ngã Hành. Lúc gặp Hồ Xung, Doanh Doanh đang lén bỏ Ma Giáo đi tham quan giang hồ cho vui nên hoá trang thành một lão bà. Doanh Doanh lại đàn rất hay. Tình sư đệ giữa Hồ Xung và Bất Quần trong khi đó căng thẳng trầm trọng bởi Bất Quần nghi Hồ Xung học thêm kiếm pháp ở đâu đó và cũng đã ăn cắp quyển sách luyện nội công bí kíp của ông. Thành ra rốt cuộc Hồ Xung bị lạc ra khỏi phái đoàn của Nhạc Bất Quần. Sau đó Hồ Xung gặp lại Doanh Doanh. Hai người lưu lạc với nhau rồi Hồ Xung bệnh nặng ngã ra bất tỉnh. Doanh Doanh cõng Hồ Xung lên núi Thiếu Lâm giao mạng mình cho Phương Chứng đại sư giam giữ. Để đổi lại, Phương Chứng sẽ dùng Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm trị bệnh cho Hồ Xung. Khi tỉnh dậy Hồ Xung không biết việc Doanh Doanh trao đổi mạng cứu mình nên từ chối sự giúp đỡ của Phương Chứng viện lẽ mình là cao đồ của phái Hoa Sơn nên thà chết chứ không thể trở thành đệ tử Thiếu Lâm nhận truyền thụ Dịch Cân Kinh. Lệnh Hồ Xung lại khảng khái ra đi và dọc đường dùng Độc Cô cửu kiếm cứu được một trong những nhà lãnh đạo thuộc phe bị đảo chánh của Ma Giáo Hướng Vân Thiên. Hướng Vân Thiên biết Hồ Xung là tay kiếm khách vô địch mới gài cho Hồ Xung đến Hàng Châu giải cứu cho giáo chủ bị đảo chánh Nhậm Ngã Hành bị giam trong lòng đất dưới Tây Hồ. Trong lúc cứu Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung vô tình học được một phần Hấp Tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành nên tạm thời khỏi bệnh và thu hồi được nội lực. Nhậm Ngã Hành sau khi thoát nạn ngỏ ý mời Lệnh Hồ Xung gia nhập Ma giáo và nếu chàng ưng thuận lão sẽ chỉ hết Hấp Tinh đại pháp, chứ nếu không phần chàng học được sẽ gây biến chứng tai hại về sau. Lệnh Hồ Xung từ chối bỏ đi rồi sau lại thống lãnh quần hùng lên Thiếu Lâm tự cứu giải Nhậm Doanh Doanh. Trong thời gian đó phái Hằng Sơn của những nữ sư Định Dật, Định Nhàn bị phái Tung Sơn triệt hạ mãnh liệt - và cuối cùng Hồ Xung khám phá ra hai vị sư phụ này bị một cao thủ nào đó đánh cho tử vong trong cách rất kỳ bí. Trước khi chết hai vị ni cô này yêu cầu Lệnh Hồ Xung làm chưởng môn phái Hằng Sơn và tìm cách trả thù cho họ.
Hồ Xung không biết rằng chính sư phụ Nhạc Bất Quần đã dùng những loại võ công lão học được từ Tịch Tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Kiến để giết đi hai ni cô của phái Hằng Sơn, tỉa bớt một kiếm phái lợi hại. Chính Bất Quần đã ăn cắp được Tịch Tà kiếm phổ nhưng mọi người, nhất là Lâm Bình Chi, đều nghi ngờ Lệnh Hồ Xung đã giữ quyển Tịch Tà kiếm phổ. Tịch Tà kiếm có thể nói là một loại kiếm pháp thần sầu quỷ khốc nhất nhì thiên hạ nhưng người xử dụng nó phải tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình để dần dà, theo Kim Dung, trở thành ái nam ái nữ (gay hoặc transvestite). Một bản khác của Tịch Tà kiếm phổ đã lọt vào tay Đông Phương Bất Bại thường được xem đệ nhất cao thủ, người đã đảo chánh lật đổ Nhậm Ngã Hành trước đây 10 năm để lên ngôi giáo chủ Ma Giáo. Lâm Bình Chi về sau cũng ăn cắp được bản chính của Tịch Tà từ Nhạc Bất Quần và cũng phải tự thiến mình để luyện tập hầu trả được mối thù cho song thân. Khác với Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi sớm thấy được bộ mặt ngụy quân tử của Nhạc Bất Quần nên sợ lão biết mình cũng thiến như lão, phải giả vờ mình còn gin và cưới Nhạc Linh San để che mắt thiên hạ. Bất Quần trong khi đó chép ra một bản giả bày mưu tìm cách cho lọt vào tay lãnh tụ Tung Sơn Tả Lãnh Thiền để lão này học sai đường bước của kiếm pháp, nhằm lọt vào tròng của Bất Quần.
Lệnh Hồ Xung gặp lại Doanh Doanh rồi cùng Nhậm Ngã Hành, Hướng Vân Thiên lên bản doanh của Ma Giáo hợp sức lại giết được giáo chủ Pê Đê Đông Phương Bất Bại, người có võ nghệ thần sầu quỷ khốc, và phục hồi địa vị giáo chủ Ma giáo cho Nhậm Ngã Hành. Nhậm Ngã Hành lại mời Lệnh Hồ Xung gia nhập và làm phó thủ lãnh nhưng Lệnh lại khước từ, trở về Hằng Sơn. Sau đó không lâu Tả Lãnh Thiền tụ tập quần hùng tại Tung Sơn với đề nghị sát nhập hết năm kiếm phái của Ngũ Nhạc lại làm một và tôn lão làm chưởng môn. Nhạc Bất Quần gài được cái màn đấu kiếm với Tả Lãnh Thiền để tranh chức minh chủ của phái Ngũ Nhạc thống nhất. Tả Lãnh Thiền mặc dù kiếm pháp siêu phàm nhưng bị mắc hởm Nhạc Bất Quần đem Tịch Tà giả ra xử dụng nên cuối cùng bị Nhạc Bất Quần dùng Tịch Tà thứ thiệt và kim châm đâm mù hai con mắt. Nhạc Bất Quần lên ngôi Chưởng Môn Ngũ Nhạc thống nhất.
Tiếp đó Lâm Bình Chi tung ra Tịch Tà kiếm pháp gia truyền của dòng họ mình giết chết kẻ thù Dư Thanh Hải nhưng bị tai nạn mù hai con mắt. Sợ Nhạc Bất Quần phát hiện rằng mình cũng bị thiến như ai cho mục đích cao cả của Tịch Tà kiếm pháp, Bình Chi giết vợ Linh San trong vòng tay đầy nước mắt của Lệnh Hồ Xung rồi chạy sang hợp tác với Tả Lãnh Thiền. Sau đó Nhạc Bất Quần đụng độ với Lệnh Hồ Xung nhưng Kim Dung cho Tịch Tà Kiếm pháp vẫn phải thua Độc Cô cửu kiếm, và Bất Quần bị đại bại với đệ tử cũ của mình. Bình Chi cấu kết với Lãnh Thiền, hai hiệp sĩ mù bất đắc dĩ, gài Bất Quần và Hồ Xung vào một động tối đen để hạ độc thủ nhưng Lãnh Thiền bị Hồ Xung giết và Bình Chi bị chặt tay chặt chân. Còn Bất Quần trong lúc sơ ý bị ni cô Nghi Lâm vô tình đâm vào lưng chết, vô hình chung trả thù được cho hai vị sư phụ Định Dật, Định Nhàn của phái Hằng Sơn.
Thu phục được ngôi vị giáo chủ Ma giáo, Nhậm Ngã Hành đe doạ sẽ thôn tính luôn Ngũ Nhạc thống nhất rồi tới Thiếu Lâm và Võ Đang. Trong lúc quần hùng chuẩn bị đối phó, Phương Chứng lên Hằng Sơn truyền Dịch Cân Kinh chữa bệnh hoàn toàn cho Lệnh Hồ Xung nói dối rằng cách này do Phong Thanh Dương chỉ cho đại sư nhờ đại sư truyền lại cho Hồ Xung. Cũng trong lúc căng thẳng đó, Nhậm Ngã Hành bị xuất huyết não cười ha hả rồi chết. Doanh Doanh để tang cha 3 năm rồi tái hợp với Hồ Xung dạy tiếp cho Hồ Xung cách thổi sáo để rồi cả hai cùng cỡi ngựa về phiá mặt trời lặn, kẻ khảy đàn người thổi sáo, hợp tấu nhạc khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Phải nhìn nhận Tiếu Ngạo Giang Hồ có nhiều tính tiết rất éo le, ly kỳ và sôi động. Cũng hơi khác thường so với nhiều truyện khác của Kim Dung, TNGH gần như hoàn toàn không có cấu trúc dùng bối cảnh lịch sử theo kiểu chống Mông Cổ như Anh hùng xạ điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ thiên Đồ long ký, v.v. Trái lại, TNGH đã trở về với đường hướng của các tiểu thuyết kiếm hiệp thời tiền-Kim Dung (như Lã Mai Nương, Ngoạ Hổ Tàng Long) bằng cách đặt trọng tâm câu chuyện chung quanh hoạt động của các tiêu cục (8) tức security guards nếu gọi nôm na theo kiểu bây giờ. Đó là câu chuyện của Tịch Tà Kiếm phổ, ngón kiếm pháp gia truyền dòng họ Lâm chủ nhân mấy đời của Phước Oai Tiêu Cục ở Phúc Kiến. Đề tài dựa vào sinh hoạt của các tiêu cục là bối cảnh chính yếu của trên khoảng 60% các truyện kiếm hiệp Tàu hoặc các phim kung-fu của Hongkong. Bối cảnh chính thứ hai để dựng nên truyện Tàu thường dựa vào tính cách dã sử, bài Mông chống Thanh, và liên quan ít nhiều đến Thiếu Lâm Tự, theo kiểu Càn Long hạ Giang Nam, hoặc Thiếu Lâm Trường Hận,.... Ta để ý thoạt đầu Kim Dung cũng tính tạo cho mình một đường hướng riêng trong Võ lâm ngũ bá và Xạ Điêu Anh Hùng truyện, bằng cách không đá động gì đến Thiếu Lâm Tự. Kim Dung đã tiện tay tạo ra năm người có võ công tuyệt trác: Vương Trùng Dương, Hồng Thất công, Âu Dương Phong, Đoàn Nam Đế và Hoàng Dược Sư. Năm người này hoàn toàn có những ngón võ độc lập, và tiêu biểu cho thế xung khắc của thuyết ngũ hành. Người này hạ được người kia, luân chuyển nhau trong một vòng tròn ngũ hành, để rồi rốt cuộc không ai có thể trở nên vô địch hết. Sang đến Ỷ Thiên Đồ Long ký, vì phải có chuyện quận chúa Mông Cổ Triệu Minh phải lòng giáo chủ Trương Vô Kỵ, Kim Dung bắt buộc phải gài Thiếu Lâm Tự, Võ Đang Tự trở vào câu chuyện mới ra vẻ lịch sử. Nào là hai phái Nga Mi và Võ Đang cũng có cội nguồn với Thiếu Lâm qua việc hai người sáng lập Quách Tường và Trương Tam Phong trong lúc chạy trốn sự tập nã của phe Thiếu Lâm đã lắng tai nghe trộm Cửu Dương Chân Kinh do nhà sư Giác Viễn trước khi lâm tịch đọc lại. Kết cuộc câu chuyện cũng xảy ra tại chùa Thiếu Lâm trong trận đấu kinh hồn giữa Trương Vô Kỵ cùng người tình năm xưa Chu Chỉ Nhược với ba vị Hoà Thượng của Chùa. Trở lại với chùa Thiếu Lâm, rồi trở lại với bối cảnh Tiêu Cục trong các truyện về sau, như trong TNGH, Kim Dung đã mặc nhiên thừa nhận rằng chính ông cũng không thể vượt ra khỏi khuôn khổ một truyền thống lâu đời của loại tiểu thuyết Tàu đã mọc rễ lâu năm trong tâm thức người đọc. Theo truyền thống đó, các hoạt động tranh hùng xưng bá trong giới kiếm hiệp thường xảy ra chung quanh hành trình của các Tiêu Cục với dịch vụ chính yếu bảo đảm an ninh của việc chuyên chở hàng hoá từ miền này đến miền kia. Nói rộng hơn một chút, một nhà văn dù có tài năng siêu việt cách mấy đi nữa, rất khó tạo dựng nên một truyền thống mới hay biến đổi một cái gì đã trở thành truyền thống lâu đời.
So sánh với các truyện chưởng khác của Kim Dung, TNGH cũng có vẻ mang nhiều chất bạo động chém giết, và "violent" hơn. Điển hình trong Anh hùng xạ điêu ta thấy chỉ có 1 cái chết trong lúc đầu câu chuyện: cái chết của thân phụ của Quách Tỉnh bị bọn Hoàn Nhan Hồng Liệt thảm hại. Đến giữa chuyện cái chết của Trần Huyền Phong chồng của Mai Siêu Phong, rồi gần cuối truyện cái chết của 6 vị sư phụ của Quach Tỉnh thuộc nhóm Giang Nam thất quái do Âu Dương Phong gây ra nhưng cài cho mọi người tưởng lầm là do Hoàng Dược Sư, nhạc phụ tương lai của Quách Tỉnh. Nhưng cái chết của 6 vị sư phụ này không có mô tả mà chỉ được Quách Tỉnh phát hiện sau khi trở lại Đào Hoa đảo. Tuyệt nhiên nhân vật chính Quách Tỉnh, cũng như Trương Vô Kỵ trong Cô Gái Đồ Long, không thấy chém giết ai hết. TNGH lại khác, từ đầu đến cuối truyện độc giả thấy chém giết tưng bừng. Bắt đầu câu chuyện ta thấy Lâm Bình Chi đâm chết con trai cưng của Dư Thanh Hải chỉ vì người này chọc ghẹo Nhạc Linh San đang giả làm gái bán rượu. Kế đó bọn Dư Thanh Hải kéo xuống tàn sát cả Phước Oai Tiêu Cục của gia đình Lâm Chấn Nam (cha của Lâm Bình Chi). Xong rồi tại lễ từ giả giang hồ của Lưu Chính Phong, toàn thể gia đình này bị bọn Phí Bân thuộc phe Tung Sơn đến giết sạch trước sự chứng kiến của quần hùng. Chỉ vì Lưu Chính Phong kết bạn tâm giao tri kỷ với Khúc Dương thuộc phe Ma giáo bởi hai người say mê hoà tấu bản Tiếu Ngạo Giang Hồ với nhau. Màn bạo động nhất của TNGH có lẽ chuyện 6 anh em Đào Cốc Lục Tiên võ nghệ cao siêu chuyên môn nắm hai tay hai chân bất kỳ đối thủ nào và xé xác ra làm 4 mảnh. Ngay cả bà vợ của Nhạc Bất Quần cũng kinh hoàng vì suýt nữa cũng bị xé xác. Lệnh Hồ Xung mặc dù là người hào hiệp đầy thiện tính cũng dùng mưu đâm chết một đệ tử của phái Thanh Thành ở đầu câu chuyện. Xong rồi anh ta đâm mù mắt chừng mười mấy người thuộc phái Tung Sơn. Chặt tay chặt chân Lâm Bình Chi chỉ do ở Linh San đã trối trăn xin đừng giết Bình Chi. Đâm luôn Tả Lãnh Thiền, mặc dù Lãnh Thiền đã bị mù, v.v.. Người yêu sau cùng của Hồ Xung là Doanh Doanh cũng vậy. Cô này lúc chưa hoàn thiện ai chọc giận cô ấy thì bị uống thuốc độc mỗi năm đúng ngày đúng tháng phải đến lạy lục cô ấy mới được thuốc giải. Nếu cô ta tức giận hơn nữa, cô ra lệnh bảo người chọc cô phải tự xẻo tai xẻo mũi, người đó cũng phải làm. Khác hẳn với Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu hay ngay cả Triệu Minh quận chúa hoặc Chu Chỉ Nhược trong Cô Gái Đồ Long. Ta để ý một điểm khác biệt giữa Lệnh Hồ Xung với các nhân vật trước của Kim Dung như Quách Tỉnh, Trương Vô Kỵ, hoặc Dương Qua. Lệnh Hồ Xung có vẻ khôn ngoan lém lỉnh hơn mấy nhân vật kia nhiều. Tiếng Mỹ gọi Hồ Xung street-wise, tức khôn ở ngoài đường ngoài chợ, hay nôm na theo tiếng Việt, tiến sĩ chợ trời. Có phải vì nhân vật Hồ Xung có nhiều bản lĩnh chợ trời nên Kim Dung cho anh ta xem thường việc chém giết người khác hay chăng? Hoặc giả Kim Dung bắt đầu chạy theo mốt thời đại của phim ảnh Âu Mỹ lúc đó bắt đầu chuyển sang loại bạo động? Tuy nhiên những cảnh bạo động đó Kim Dung tả qua thật nhanh dễ làm người đọc không để ý đến.
Một nhà văn dù có tài năng siêu việt cách mấy đi nữa, rất khó tạo dựng nên một truyền thống mới hay biến đổi một cái gì đã trở thành truyền thống lâu đời.
Đối với những người ghiền xem xinê thời thập niên 50, TNGH đã cho thấy ít nhiều ảnh hưởng của Alfred Hitchcock, ông vua làm phim kinh dị còn giữ nhiều dấu ấn trong phim ảnh cho đến ngày hôm nay. Một trong những đặc điểm chính của phim Hitchcock là cấu tạo một người dân bình thường rồi lôi kéo vai chính đó vào một vụ án mạng hay xì-căn-đan rùng rợn, đổ vào nhân vật đó một sự tình nghi của nhà chức trách. Từ đầu cho đến cuối phim do đó nhân vật chính sẽ bị săn đuổi chạy trối chết bởi hai phe, chức trách cũng như tội phạm, để rồi cuối phim nỗi hàm oan sẽ được giải toả đem lại cho người xem một anti-climax, một kết cuộc có hậu, một happy ending. Trong phim The Wrong Man (Bắt lầm Thủ phạm), Henry Fonda thủ vai một nhạc sĩ bị bắt vì tình nghi đã ăn cướp hãng bảo hiểm chỉ vì dáng dấp ông ta giống chính thủ phạm thực thụ. Ông ta đi tìm các chứng nhân, nhưng đa số các chứng nhân hoặc đã chết đi hoặc không nhớ họ đã làm gì vào hôm xảy ra ăn cướp. Nổi tiếng nhất là hai phim The Man who knew too much (Người biết quá nhiều) với James Stewart và Doris Day, và phim North by NorthWest (Hướng Bắc và Tây-Bắc) với Cary Grant và Eva Mary Saint. (Doris Day có hát bản nhạc nổi tiếng Que Sera Sera trong phim The Man who knew too much). Trong hai phim này các nhân vật chính bị lôi kéo vào những vụ âm mưu lớn, và bị hàm oan là biết rõ các âm mưu đó, hoặc bị báo chí chụp hình (oan và sai) đã đâm một viên chức của Liên Hiệp Quốc (North by NorthWest). Những nhân vật chính này tuy ở thế yếu của một người dân bình thường - nhưng vì bị dồn vào một thế phải chọn lựa những gì phải và những gì trái, chính họ cũng không ngờ rằng họ đã huy động được sức mạnh tiềm tàng trong con người để vượt ra khỏi cảnh oan kiên và cả thắng bọn ma đầu tội phạm. Trong TNGH cũng vậy, từ đầu tới đuôi Kim Dung đã gán hoạ vào đầu Lệnh Hồ Xung với ba chữ oan, oan, oan. Đầu tiên Kim Dung cho Hồ Xung bị kết tội trước quần hùng là đã toa rập với dâm tặc Điền Bá Quang lo nhậu nhẹt và hãm hiếp ni cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn. Cái oan đầu tiên này Kim Dung dùng đến cả quyển 1 mới giải toả được. Sau khi Hồ Xung học được Độc Cô cửu kiếm vì không tiện nói ra với sư phụ Nhạc Bất Quần nên bị sư phụ và nhiều người khác nghi ngờ rằng đã chôm được Tịch Tà kiếm phổ hoặc học được đâu đó của quân tà ma ngoại đạo. Trong lúc nằm dưỡng bệnh, Nhạc Linh San đem quyển luyện nội công của cha đến cho Hồ Xung mượn để chữa bệnh. Hồ Xung chưa kịp đọc, quyển sách đã bị mất và một người sư đệ ngồi canh Hồ Xung bị giết chết. Ai cũng nghi (lầm) Hồ Xung chiếm quyển sách đó và thủ tiêu vị sư đệ để ém nhẹm. Nhạc Linh San do nỗi nghi ngờ và hiểu lầm này đã dần dần xa rời Hồ Xung và ngã về Lâm Bình Chi. Chính nỗi hàm oan này đã đào một cái hố chia rẽ tình thầy trò giữa Bất Quần và Hồ Xung cho đến mãi về sau. Kim Dung đã áp dụng kỹ thuật kinh dị thriller à la Hitchcock cho đến đoạn gần cuối truyện. Lúc đó trước khi Lâm Bình Chi giết Nhạc Linh San, Bình Chi mới bật mí về quyển Tịch Tà Kiếm phổ, và lột mặt nạ quân tử giả dối của Nhạc Bất Quần trước mặt Linh San. Doanh Doanh núp đâu gần đó lắng tai nghe hết.
(8) Theo ý kiến của Nhất Tiếu thì nhận định này hoàn toàn không hợp lý. Lâm Bình Chi không phải là nhân vật chính của Tiếu ngạo giang hồ, và câu chuyện không chỉ xoay quanh Tịch tà kiếm phổ. Việc khởi đầu truyện theo cách thức như vậy là một thủ pháp rất quen thuộc của Kim Dung, ta có thể thấy trong Bích huyết kiếm, Lộc Đỉnh ký chẳng hạn.
Một kỹ thuật dựng truyện khác của Kim Dung cũng có lẽ chịu ảnh hưởng phim đánh gươm của Hollywood vào khoảng năm 1952, phim Scaramouche do Stewart Granger, Janet Leigh và Mel Ferrer thủ vai chính, dựa theo một tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử của Rafael Sabatini, một nhà văn thường được xem ngang hàng với Alexandre Dumas, tác giả của Ba người lính ngự lâm (The Three Musketeers). Scaramouche dựng bối cảnh vào khoảng vài năm trước cách mạng Pháp 1789. Anh chàng lãng tử André Moreau vì phải trốn tránh kẻ thù Hầu tước De Maines người đã giết anh bạn thân mang giòng máu cách mạng Phillippe, nên phải gia nhập một gánh xiệc lưu động, đóng vai kép hài mang mặt nạ tên Scaramouche. Ôm giấc mộng trả thù cho bạn, André tình cờ theo học đánh gươm với thầy dạy kiếm thuật cho hầu tước De Maines. Một ngày nọ De Maines phát hiện được, và đánh cho André tơi bời te tua qua một trận đấu gươm tại võ sảnh của thầy. Thấy dạy gươm cho André không được nữa vị tôn sư của André và De Maines mới chỉ cho André địa chỉ của Thầy mình hiện còn dạy đánh gươm ở Paris. André mừng quá kêu đoàn xiệc lên Paris lưu diễn và theo học kiếm pháp với Thầy của Thầy mình, và về sau trong một trận đấu gươm tại hí viện kéo dài chừng 15 phút, một trận đấu gươm lâu nhất trên màn bạc, Scaramouche (tức André) đã đánh bại được De Maines.
Kim Dung trong lúc viết TNGH có lẽ đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Hitchcock và thêm vào đó, của Sabatini trong Scaramouche. Ở chỗ nào? Ở chỗ lần đầu tiên trong truyện kiếm hiệp Tàu người ta thấy một điểm ngộ nghĩnh nhưng có vẻ mới lạ và chắc ăn trong việc Lệnh Hồ Xung được bậc Thầy của Thầy mình truyền dạy kiếm pháp cho. Độc giả dù ít đọc truyện Tàu cách mấy đi nữa khi thấy một anh chàng lãng tử được sư thúc của Thầy mình truyền dạy đều có thể đoán ngay thế nào anh chàng này về sau có đấu với Thầy có thể cho Thầy mình đo ván là cái chắc. Cũng như khi xem phim Scaramouche tới đoạn ông thầy của Scaramouche chỉ dẫn cho Scaramouche lên Paris để học tiếp đường gươm nét kiếm tuyệt chiêu của Thầy mình, người xem có thể đóan, trong thích thú, vào cuối phim Scaramouche sẽ đánh bại De Maines, học trò của học trò của Thầy mình. Phong Thanh Dương một bậc tôn sư hàng đầu về kiếm pháp, vai em của Thầy của Nhạc Bất Quần, Thầy của Lệnh Hồ Xung, đã đem Độc Cô Cửu Kiếm truyền lại cho Lệnh Hồ Xung. Tuy nhiên, điểm này có hơi phá đổ tôn ti trật tự của hệ thống quân sư phụ ngày trước. Để hoá giải điểm đảo lộn trật tự lổng chổng này, Kim Dung đã lồng vào đó một cái thế chẳng đặng đừng cho Lệnh Hồ Xung: Kim Dung cho dâm tặc Điền Bá Quang lên núi thách thức đấu kiếm với Lệnh Hồ Xung. Nếu thua Lệnh Hồ Xung phải bỏ việc chịu hình phạt của Thầy, đi theo hắn xuống núi. Trận đấu kiếm xảy ra nhiều ngày. Mỗi đêm Hồ Xung trở vào thạch động học tiếp với Thái Sư Thúc (vai chú của thầy mình) Phong Thanh Dương. Đến lúc học xong Độc Cô Cửu kiếm rồi, Lệnh Hồ Xung đánh cho Điền Bá Quang thua xiểng liểng và chạy dài xuống núi.
Tiếu Ngạo Giang Hồ còn cho thấy tầm nhìn rất xa của Kim Dung, ngay từ 1963 năm xuất hiện TNGH. Đó là những nhận xét về giới Gay (homosexual, đồng tính luyến ái) hoặc gọi nôm na Pê Đê, bắt nguồn từ tiếng Tây pédéraste, hay những nhận xét về ảo tưởng quyền bính hoặc thần thánh hoá lãnh tụ. Một trong những cái đinh của TNGH là Tịch Tà Kiếm Phổ của dòng họ Lâm - chủ nhân Phước Oai Tiêu Cục ở Phúc Kiến. Tịch Tà Kiếm Phổ đầu tiên do một hoạn quan (thái giám) sáng chế ra. Sau đó một ông sư hoàn tục tên Lâm Viễn Đồ - tức tổ tiên của Lâm Bình Chi - có duyên được làm sở hữu chủ quyển bí kíp này. Bởi kiếm phổ do một thái giám phát minh ra, điều kiện cần và đủ để luyện tập nó là người luyện tập phải tự cắt mất thằng nhỏ của mình đi. Càng trở thành bán nam bán nữ hay thiên nhiều về nữ tính càng tốt. Lâm Viễn Đồ muốn cho chắc ăn nên đã chờ đến khi có vợ con đàng hoàng rồi, mới tiến hành luyện tập nó! Sau này giáo chủ Ma giáo Đông Phương Bất Bại trở nên đệ nhất cao thủ cũng nhờ ở nó, nhưng chỉ sau khi lão ta gần như trở thành một phụ nữ thực thụ, e ấp một đào nhí phái nam. Rồi Nhạc Bất Quần đến Lâm Bình Chi đều bắt đầu rụng râu, xức dầu thơm, trang sức thật đẹp sau khi tập luyện Tịch Tà kiếm đến độ thành thục. Phải nhìn nhận Kim Dung vào ở đầu thập kỷ 60 đã có những nhận xét cực kỳ sắc bén về việc phối hợp Tịch Tà kiếm pháp với giới Pê Đê. Vào thời đó tại hầu hết các quốc gia trên thế giới tình huống PêĐê hãy còn nằm ngoài pháp luật. Tìm hiểu những cá tính của người gay phải nói là một việc hết sức khó khăn. Thế mà Kim Dung đã làm được và lồng vào một thế kiếm Tịch Tà vô địch thiên hạ. Tịch Tà kiếm là gì nếu không là một lối xử dụng chiêu kiếm hoặc kiếm khí cực kỳ nhanh lẹ cần vào đôi tay khéo léo nhanh nhẹn của người phụ nữ cộng với một nội lực thâm hậu của người đàn ông. Ta hãy trích một đoạn nhỏ nói về thế đánh của Đông Phương Bất Bại với Lệnh Hồ Xung:
Lệnh Hồ Xung phóng chiêu kiếm này rất hiểm, nếu Đông Phương Bất Bại không thu người lại thì lập tức bị mũi kiếm đâm xuyên qua yết hầu ngay. Nhưng ngay lúc này, Lệnh Hồ Xung cảm thấy má bên trái hơi đau, hắn hướng trường kiếm sang bên trái.
Thì ra Đông Phương Bất Bại ra tay quá nhanh, thật không thể lường được. Trong lúc nhoáng như tia chớp, lão đã dùng kim đâm lên má Lệnh Hồ Xung. May mà chiêu kiếm này của Lệnh Hồ Xung phóng rất nhanh, tấn công khiến địch nhân không thể tự cứu.
Lão liền vung kim trái phải trên dưới gạt hết bốn chiêu kiếm của Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung chăm chú nhìn lão ra tay. Lão dùng kim thêu gạt bốn chiêu, toàn thân không có chỗ hở.
Ngày nay cộng đồng người gay sống yên ổn hoà mình với cộng đồng người straight. Những ai có quen biết hoặc bạn bè với những cặp gay đều để ý rằng trong bất cứ cặp nào cũng có một người thủ vai người nam (mang nhiều nam tính hơn người kia), và một người thủ vai nữ, chuyên lo việc thêu thùa bếp núc trong nhà. Người thủ vai nữ rất khéo léo, tay chân nhanh nhẹn không thua gì người đàn bà nhưng thông thường hãy còn giữ sức mạnh (nội lực theo Kim Dung) của đàn ông. Kim Dung vào năm 1963 đã tạo dựng Tịch Tà kiếm pháp và chỉ dành riêng kiếm pháp đó, thật chính xác, cho loại người này. Thật tuyệt chiêu.
Cũng ở cái thời 60 đó Kim Dung đã dựng nên chuyện Lâm Bình Chi phải làm đám cưới giả với Nhạc Linh San để che mắt thiên hạ, nhất là ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, việc mình đã trở thành gay bất đắc dĩ. Mãi cho đến khoảng cuối thập niên 1980 nhân cái chết của tài tử Rock Hudson báo chí mới bắt đầu xì ra ở Hollywood đã có không ít đám cưới giả "à la Lâm Bình Chi" để che mắt giới hâm mộ điện ảnh rằng tài tử nào đó không phải gay. Nhiều đám cưới của một vài tài tử nổi tiếng hiện nay vẫn còn bị xầm xì là đám cưới che mắt, mặc dù xã hội đã biến đổi rất nhiều và vẫn có nhiều tài tử hay nhà thể thao nổi tiếng công khai có một đời sống lứa đôi gay.
Tầm nhìn xa của Kim Dung còn thể hiện qua việc Kim Dung cho Đông Phương Bất Bại rồi sau này Nhậm Ngã Hành đâm ra mù quáng mang nhiều ảo tưởng thần thánh về quyền lực. Giáo chủ Đông Phương Bất Bại bắt thuộc hạ phải luôn quỳ xuống và xưng hô: "Giáo chủ thiên thu trường trị, thống nhất giang hồ". Bịnh hơn nữa thuộc hạ phải hô to: "Tri ân giáo chủ, nhờ nói lên tên giáo chủ thuộc hạ cảm thấy sáng suốt hơn lên", hoặc: "Ngày nào không đọc bảo huấn của giáo chủ, thì ăn không ngon ngủ không yên".
Dành một chương mô tả và châm biếm sinh hoạt tôn sùng lãnh tụ ngay ở tổng bản doanh của Ma giáo, Kim Dung chắc hẵn đã phản ảnh đến câu nói bất hủ của Lord Acton mà chính Kim Dung chắc đã từng đọc qua trong lúc theo học Luật ở Thượng Hải thuở thanh niên: "Power corrupts, absolute power corrupts absolutely" (Quyền lực làm hư thối con người, quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ tuyệt đối làm hư thối con người).
Viết đoạn suy tôn thần thánh những người lãnh tụ như kiểu Nhậm Ngã Hành hay Đông Phương Bất Bại vào năm 1963, Kim Dung cũng gần như đã tiên đoán những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông vào khoảng cuối thập niên 60, hoặc việc thần thánh hoá lãnh tụ Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên. Vào thời đó nhiều người thường dân ưa cúi đầu trước những bức hình to lớn của nhà lãnh tụ treo ở các dinh thự, các quảng trường, để cầu nguyện hay tri ân nhờ hồng phúc của lãnh tụ nhà mình được tai qua nạn khỏi, hoặc đã lao động tốt. Họ dường như quên rằng chính lãnh tụ đã gây ra bao nhiêu chết chóc và kinh hoàng trong nhân dân. Ngày nay, nhất là ở các nước tiên tiến có dân trí cao, đừng nói chi đến thần thánh hoá lãnh tụ, ngay cả chuyện thần tượng hoá nhà lãnh đạo cũng đã bắt đầu bị sụp đổ hay dẹp qua một bên. Có lẽ đó cũng nhờ hồng phúc của Monica hấp tinh đại pháp đụng độ với xi-gà kiếm pháp vào cuối thế kỷ vừa qua ở Mỹ. Phần lớn nhân loại hiện nay bắt đầu ý thức rằng lãnh tụ có giỏi đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là con người thôi.
Thế còn luật Ngũ hành vận chuyển ra sao trong TNGH? Xin tóm tắt lại những điểm chính về Ngũ hành đã trình bày trong Thử Đọc Lại Kim Dung I. Khác với lô-gích tam đoạn luận của Tây Phương: A thắng B, B thắng C, suy ra A sẽ thắng C, lô-gích Ngũ hành sẽ cho: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, và Hoả sẽ khắc Kim trở lại. Nếu Lô-gích Tam đoạn luận được biểu diễn bằng một đường thẳng đứng, lô gích Ngũ hành sẽ được tượng trưng bằng một vòng tròn kín.
Mạng Thủy còn được biểu tượng bằng hướng Bắc (màu Đen), Mộc hướng Đông (màu Xanh), Hoả hướng Nam (màu Đỏ), Thổ miền Trung (màu Vàng), và Kim thuộc hướng Tây (màu Trắng). Ngoài chu kỳ khắc theo lôgích kiểu Tam Đoạn Luận, Ngũ hành còn có một chu kỳ SINH tức chu kỳ hỗ trợ: Thổ hỗ trợ Kim, Kim giúp Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc giúp Hoả, và Hoả sinh Thổ.
Đầu tiên ta để ý đến Ngũ Nhạc Kiếm Phái tức năm phe phái phối hợp với nhau thành một khối liên minh, bao gồm: Phái Hằng Sơn ở phía Bắc, Thái Sơn phía Đông, Hành Sơn phía Nam, Hoa Sơn hướng Tây và Tung Sơn thuộc miền Trung. Nhạc Bất Quần thuộc miền Tây chưởng môn Hoa Sơn thuộc mạng Kim. Kim khắc Mộc. Hoa Sơn hướng Tây khắc phục được Lâm Bình Chi người Phúc Kiến hướng Đông (Mộc) của nước Tàu, thu Lâm Bình Chi làm đồ đệ rồi chôm được Tịch Tà Kiếm Phổ của họ Lâm.
Họ Lâm là một họ rất phổ thông của người Phúc Kiến và người Triều Châu. Tại Việt Nam, đa số những người Việt có họ Lâm thường có gốc gác người Hoa xuất từ Phúc Kiến hoặc Triều Châu. Họ Lâm cũng có nghĩa là rừng, liên hệ đến cây cối, tức mạng Mộc. Họ Lâm người gốc Phúc Kiến ở phía Đông nên Lâm Bình Chi chắc chắn mang mạng Mộc. Đông Phương Bất Bại cũng mạng Mộc bởi tên lão có từ ĐÔNG. Nhạc Bất Quần thuộc mạng Kim, có thể được hỗ trợ bởi mạng Thổ. Bởi vậy chưởng môn Tung Sơn Tả Lãnh Thiền, miền Trung mạng Thổ, âm mưu nhiều năm thống nhất năm phái Ngũ hành để lên làm minh chủ, nhưng rốt cuộc lão gần như bày mâm dọn cỗ cho đối thủ lão là Nhạc Bất Quần. Thổ đã hỗ trợ Kim. Trong trận đãu giữa Nhạc Bất Quần với Tả Lãnh Thiền - Thổ với Kim không ai khắc ai - nhưng Kim Dung đã cho Bất Quần thắng và đâm mù mắt Lãnh Thiền. Chỉ nhờ ở Bất Quần xử dụng Tịch Tà kiếm pháp (thuộc mạng Mộc ở miền Đông) mới khắc chế được Lãnh Thiền, Mộc khắc Thổ.
Phái Hằng Sơn của các vị ni cô ở phiá Bắc thuộc mạng Thủy. Phái này bị phe Tung Sơn miền Trung mạng Thổ phá rối đánh cho gần như tan hàng (Thổ khắc Thủy). Thế Lệnh Hồ Xung mạng gì? Điểm đầu tiên ta để ý Kim Dung rất thích cho nhân vật chính mang mạng Hoả: Trương Vô Kỵ, Quách Tỉnh đều mang mạng Hoả. Vậy thử cho Hồ Xung mang mạng Hoả, người phía Nam xem ra sao. Tính người mang mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi, hoàn toàn thích hợp với cá tính của Lệnh Hồ Xung. Hoả thường được giúp bởi Mộc (màu xanh và hướng Đông). Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương dạy cho Độc Cô cửu kiếm. Trong tên Phong Thanh Dương có hai từ Thanh và Dương đều chỉ màu xanh thuộc mạng Mộc. Ni cô cõng Hồ Xung chạy trốn lúc Hồ Xung bị thương nặng, và thầm yêu Hồ Xung suốt đời, mang tên Nghi Lâm. Lâm tức là rừng, nhiều cây cối, mạng Mộc. Người yêu thương Lệnh Hồ Xung, giúp đỡ Lệnh Hồ Xung rất nhiều, cõng Hồ Xung lên Thiếu Lâm đổi mạng mình nhờ Phương Chứng đại sư chữa bệnh cho Hồ Xung là Nhậm Doanh Doanh. Trong TNGH Kim Dung ít mô tả về màu sắc quần áo các nhân vật, nhưng lại giới thiệu Doanh Doanh bỏ trốn khỏi tổng hành dinh Ma giáo đi tham quan giang hồ với một lão tướng bodyguard mang tên Lục Trúc Ông, trong tên có TRÚC ám chỉ mạng Mộc. Doanh Doanh mạng Mộc giúp đỡ mạng Hoả của Hồ Xung. Mạng Hoả của Hồ Xung khắc chế được mạng Kim của thầy cũ Nhạc Bất Quần, nhưng có thể chế ngự mạng Thủy của các ni cô phái Hằng Sơn ở phía Bắc. Bởi vậy Kim Dung cho các vị Định Dật, Định Tĩnh và Định Nhàn trối trăn cho Hồ Xung làm chưởng môn Hằng Sơn lãnh đạo toàn các ni cô, Hồ Xung cũng phải nhận bởi Hoả bị khắc phục, bị cảm hoá bởi Thủy.
Nhậm Ngã Hành mạng gì? Lúc Nhậm Ngã Hành bị Đông Phương Bất Bại (mạng Mộc) đảo chánh, Nhậm mang mạng Thổ. Mộc khắc Thổ. Kim Dung nói rõ Nhậm bị giam dưới lòng đất - mạng Thổ. Thế nhưng Nhậm lại bị giam dưới lòng Tây Hồ ở thành phố đẹp nhất Trung Quốc Hàng Châu (Tây Hồ => TÂY => mạng Kim) trong vòng 10 năm và luyện thành được Hấp Tinh đại pháp, Tinh thường màu trắng, lại mạng Kim. Nhậm Ngã Hành sau 10 năm bị giam cầm đã chuyển dần sang mạng Kim, để rồi Kim khắc Mộc, trở ra lật đổ và giết Đông Phương giáo chủ trả được hận xưa.
Trở lại Ngũ hành của Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Ngũ hành ở đây cũng tương đương với Ngũ hành của Võ lâm ngũ bá: Đông Tà Hoàng Dược Sư (Mộc), Tây độc Âu Dương Phong (Kim), Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (Thổ), Bắc Cái Hồng Thất công (Thủy), Đoàn Nam Đế (Hoả). Nhưng có điểm đáng kể, mạng Thổ của miền Trung trong Võ lâm ngũ bá là một vai chính nhân quân tử đạo mạo oai phong (Vương Trùng Dương) thì ở TNGH một vai cực kỳ gian ác hiểm độc thể hiện qua Tả Lãnh Thiền. Nhiều tác giả từng đưa giả thiết về Những ẩn số chánh trị trong truyện Kim Dung (NNH) hoặc Dụ Ngôn về Chính Trị (VĐSB) theo đó Vương Trùng Dương biểu hiệu cho Trung Hoa, Âu Dương Phong biểu hiệu cho Âu Mỹ, Bắc Cái cho nước Nga, Đông Tà cho nước Nhật, Nam Đế cho Việt Nam (?), v.v. chắc không khỏi ngỡ ngàng khi thấy miền Trung của Tả Lãnh Thiền phái Tung Sơn, một người nham hiểm và mang nhiều tham vọng dơ bẩn, không còn là một biểu tượng đáng yêu nữa cho nước Tàu. Biểu tượng nước Nga ở phiá Bắc (phái Hằng Sơn đầy từ bi độ lượng) hoặc nước Nhật qua những người hùng phải tự cắt thằng nhỏ của mình à la Lorena Bobbitt như Lâm Bình Chi, Đông Phương Bất Bại chắc cũng không còn cơ sở lý luận vững chắc nữa. Theo thiển ý con số 5 của Võ lâm ngũ bá, hoặc Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Kim Dung chỉ đưa ra để phô trương thuyết Ngũ hành siêu đẳng của Trung Quốc. Và lô-gích ngũ hành đó, xuyên qua cá tính sinh-khắc giữa các nhân vật với nhau, Kim Dung đã trình bày rất mạch lạc chặt chẽ.
Bản dịch TNGH mới mẻ của Vũ Đức Sao Biển và ê-kíp quả nhiên là một việc làm đáng được khích lệ và hoan nghênh. Nếu trong ngành điện ảnh Âu Mỹ người ta đã từng quay đi quay lại nhiều phim hay xưa cũ, như Psycho, Rear Window, Dial M for Murder, the Three Musketeers, v.v. rồi ở giới phim tập Hongkong cứ vài năm họ lại quay lại Tiếu Ngạo Giang Hồ, Ỷ thiên Đồ long ký, Anh hùng xạ điêu, v.v. thì tại sao ở Việt Nam ta không tán thưởng công việc đưa chiếc bình mới để chứa rượu cũ này.
Trong bản dịch mới chính các tác giả cũng thừa nhận không thể hoàn toàn chuyển hết các cụm từ hoặc thành ngữ Hán sang chữ quốc ngữ. Thí dụ: Giáo chủ thiên thu vạn tải, thống nhất giang hồ. Bởi nếu chuyển hết sẽ không còn mang tính chất kiếm hiệp nữa và vô hình chung sẽ mất hết cái hay ho tinh túy của truyện Tàu nói chung và truyện chưởng Kim Dung nói riêng. Dù vậy lần chuyển ngữ này đã đem lại cho người đọc không ít thích thú, qua những từ thuộc tiếng lóng, tiếng bình dân thường được xử dụng hằng ngày. Thí dụ, rất nhiều đoạn dịch giả viết Kiếm Khách A đánh cho kiếm khách B thua te tua chạy dài. Hoặc tại hạ sẽ có ngày lên núi của các hạ để tính sổ lại, tức để thanh toán ân oán giang hồ. Nhưng vui nhất phải là đoạn Điền Bá Quang tâm sự với Lệnh Hồ Xung rằng anh ta bị Bất Giới đại sư, thân phụ của ni cô Nghi Lâm, cắt bớt phân nửa thằng nhỏ rồi! Chỗ này chính Kim Dung đã để lộ một lôgích rất chặt chẽ: Tại sao Bất Giới chỉ cắt phân nữa thằng nhỏ của Điền Bá Quang mà thôi? Kim Dung chắc chắn không cho Bất Giới cắt hết trọn thằng nhỏ của Bá Quang bởi nếu cắt hết vô hình chung Kim Dung sẽ đẩy Bá Quang vào cái nhóm tự cắt để luyện tập Tích Tà kiếm phổ, như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại! Cho Bá Quang bị mất chỉ một demi-thằng nhỏ thôi mới giữ được Bá Quang bên phe straight của Lệnh Hồ Xung.
Một điểm nữa trong bản dịch đã khiến người đọc ở ngoài nước Việt Nam không khỏi chú ý. Đó là biến đổi của ngôn ngữ, của tiếng Việt tại Việt Nam trong vòng 25 năm qua. Bây giờ người ta gọi đánh cược thay vì đánh cuộc (đánh cá) như hồi xưa. Cược đã thay cho Cuộc và đã vào các tự điển đàng hoàng.
Hy vọng bản dịch mới Tiếu Ngạo Giang Hồ sẽ đến với giới hâm mộ Kim Dung ở bên ngoài Việt Nam trong nay mai.

Xem Tiếp: ----