rước mắt chúng tôi là con đường Lý trí sáng suốt vô tận, chói lòa ánh sáng. Hai bên đường là một dãy dài tít tắp những chân dung các nhà toán học vĩ đại, ở đây chẳng thiếu mặt một ai! Chúng tôi được thấy những cặp mắt thông minh, sắc sảo của những người đã đặt từng viên gạch xây nên Quốc gia Số học vĩ đại. Chúng tôi bước đi giữa các vị ấy, tưởng như các chân dung đang mỉm cười và sắp cất tiếng nói với chúng tôi vậy. Nhưng cái gì thế này nhỉ? Quả thực các vị đang mỉm cười. Quả thực các vị đang trò chuyện và giơ tay đón chúng tôi. Thì ra các chân dung vẫn sống! Kìa, một vị đã rời khỏi cái khung ảnh chật chội, tiến lại về phía chúng tôi. Ông cụ có chòm râu bạc, mớ tóc quăn buộc chặt bằng một dải băng. - Ác-si-mét đấy! - Ô-lếch đã nhận ra nhà toán học. - Lạ thật! - Ta-nhi-a nói. - Ác-si-mét qua đời từ lâu rồi cơ mà? - Đúng, ông qua đời đã hơn hai nghìn năm rồi! - Ô-lếch xác nhận. - Các cháu lầm rồi, - Ác-si-mét mỉm cười đáp, - ta không chết. Hẳn các cháu muốn nói câu chuyện thảm thương: một tên lính La Mã hèn hạ đã đâm ta bằng một ngọn giáo chứ gì. Nó cũng tưởng là ta đã chết. Nhưng nó lầm to. Chỉ tiếc một điều là nó đã ngăn cản không cho ta giải xong bài toán đang vẽ trên cát thôi. Ta đã ngăn nó: “Đừng động đến hình vẽ của ta! Nhưng nó đã làm ngơ trước khoa học. Các cháu có biết tên cái thằng lính đốn mạt ấy là gì không?”. - Chúng cháu không biết ạ! - Xê-va đáp. - Ừ, cả ta cũng không biết tên nó nốt. - Tóm lại, mọi người đều biết rất rõ các định luật Ác-si-mét. - Tôi nói. - Ta rất mừng được nghe điều đó. - Ác-si-mét nghiêng mình nói. - Tuy vậy những điều ta khám phá được thực ra không phải là những định luật của ta, mà đó là những định luật vĩ đại của tự nhiên. Các định luật đó vốn tồn tại từ lâu, trước khi có ta. Từ xưa đến nay vẫn thế. Ta chỉ là người biết nhận ra các định luật đó thôi. Giữa lúc ấy, Ta-nhi-a cứ chớp chớp mắt luôn, rồi cô bé rút khăn tay dụi mắt. - Sao cháu khóc, cháu gái ngoan? - Ác-si-mét ân cần hỏi. - Hay là ta có điều gì làm cháu phải buồn phiền? - Thưa, không! - Ta-nhi-a đáp. - Cháu bị một hạt cát bay vào mắt đấy ạ. - Hạt cát thì việc quái gì! Chuyện vặt! - Xê-va nói, vẻ coi thường. - Chuyện vặt à? - Ác-si-mét giận dữ. - Đừng hồ đồ. Phải suy nghĩ kỹ rồi hãy nói. Chính ta, suốt nhiều năm trong đời, ta đã để công nghiên cứu các hạt cát đấy. - Những hạt cát bình thường ấy ạ? - Xê-va sửng sốt hỏi. - Đúng là những hạt cát bình thường nhất. Ta đã dự định tính thử xem nếu chứa đầy vũ trụ bằng hạt cát, thứ cát bình thường vẫn thấy trên bãi biển, thì cần bao nhiêu hạt cát. - Đếm làm sao được cơ chứ! - Xê-va xua tay. - Chắc chắn là vũ trụ có thể chứa một số lớn vô tận các hạt cát. - Không phải thế đâu! Cháu diễn đạt sai rồi. - Nhà bác học cố ngắt lời Xê-va. - Chắc cháu định nói: một số rất lớn chứ không phải lớn vô tận phải không? Hai chuyện khác hẳn nhau. - Nhưng vũ trụ là lớn vô tận cơ mà! - Ta-nhi-a cũng tham gia tranh luận. - Các cháu quên rằng người cổ đại chúng ta xưa kia hình dung vũ trụ khác bây giờ. - Ác-si-mét điềm đạm trả lời. - Thời đại ta, người ta quan niệm rằng trái đất đứng yên ở trung tâm Vũ trụ, còn mặt trời, các hành tinh và ngôi sao dính vào bầu trời như vào một cái vung khổng lồ thì quay xung quanh trái đất. Theo quan niệm ấy ta đã từng tính ra được con số khổng lồ các hạt cát kia và còn viết hẳn một tác phẩm bàn về vấn đề này nữa. Ta đặt tên cho tác phẩm ấy là “Bàn về cách tính số cát chứa trong vòm trời cao bất động”. Giá như được đem tác phẩm ấy cùng với bút tích của ta làm quà tặng các cháu thì ta sung sướng biết mấy, nhưng than ôi! Trong tay ta không còn bản nào nữa. Nếu sau này các cháu tìm đâu được thì ta sẽ rất vui lòng viết mấy chữ đề tặng ở đầu trang sách. - Thế thì tuyệt quá! - Ta-nhi-a phấn khởi reo lên. - Cháu thích sưu tầm bút tích lắm! Cháu đã xin được chữ ký của I-u-ri Ga-ga-rin, rồi cả chữ ký của hai diễn viên điện ảnh là Ba-ta-lốp và Xa-môi-lô-va nữa. Nhưng còn bút tích của Ác-si-mét thì...! - Ta-nhi-a khoái chí, chớp chớp mắt. - Ta vừa trông thấy hạt cát tự nó chảy ra khỏi mắt cháu rồi. - Ác-si-mét nói. - Thật là may...! Bây giờ thì ta xin lỗi các cháu, ta có việc bận. Có thể hôm nay ta sẽ tìm xong cái điểm mà bấy lâu nay ta vẫn cứ tìm hoài. - Điểm gì cơ ạ? - Xê-va hỏi. - Điểm tựa chứ điểm nữa. Chẳng là nếu ta tìm được một điểm tựa thì ta có thể bẩy tung được cả trái đất lên. - Bằng cách nào ạ? - Bằng đòn bẩy. Xưa kia, hồi ta sống ở thành phố quê hương Xi-ri-quy, ta đã nghĩ ra cái máy rất đơn giản ấy... Nói xong Ác-si-mét vẫy tay tạm biệt chúng tôi rồi rảo bước. Chúng tôi lại đi tiếp. Dọc đường chúng tôi gặp nhiều nhà toán học quen biết như E-ra-tô-xten với cái sàng nổi tiếng, rồi Ơ-clít, Pi-ta-go... Chợt thấy hai người mặc những chiếc áo không tay kiểu cổ đang đi tới. Các vị đó đang trao đổi với nhau điều gì sôi nổi lắm. Các vị đã đến sát chúng tôi rồi đây. Một người có mái tóc dài màu nhạt nói với chúng tôi: - Xin phép được tự giới thiệu, ta là I-xắc Niu-tơn ở Kem-brít-giơ. Còn đây, - ông đưa tay trỏ người đi bên cạnh, - là Gốt-phơ-rít Vin-hem Lép-nít ở Lai-xích. Tuy ta là người Anh, ông là người Đức, nhưng chúng ta đã từng là bạn thân trọn đời. - Ờ, chính thế! - Lép-nít xác nhận. - Vậy mà có những miệng lưỡi độc ác bảo rằng chúng ta là đối thủ của nhau. Hoàn toàn sai. Sự thực ta với tôn ông Niu-tơn đáng kính đây đã cùng nghiên cứu một vấn đề, tuy rằng lúc ấy không ai quen biết ai cả. - Và hai người đã giải được bài toán cực kỳ quan trọng đó cùng một lúc!... - Niu-tơn vội nói. - Xin tôn ông chớ khiêm nhường! - Lép-nít ngắt lời ông. - Tôn ông đã giải được bài toán đó sớm hơn tôi bảy năm kia mà. - Có thể, thưa Gốt-phơ-rít tiên sinh kính mến, nhưng tiên sinh đã khám phá ra điều đó một cách hoàn toàn độc lập. - Đến lượt Niu-tơn ngắt lời Lép-nít. - Thôi, cũng chẳng cần đi sâu vào chi tiết làm gì. Cứ cho rằng phát minh này là của hai chúng ta là xong. - Lép-nít kết luận. - Thưa tôn ông Niu-tơn đáng kính và tiên sinh Lép-nít đáng kính! - Xê-va nói với hai vị. - Chẳng hay các ngài có thể vui lòng cho chúng cháu biết cái phát minh chung đó của các ngài chăng? - Cho phép ta được trả lời các cháu bằng một câu hỏi. - Niu-tơn nói. - Các cháu đã đến phố Gương trong thành phố A-ra-ben-la chưa? - Chúng cháu đã đến rồi ạ! - Xê-va láu táu trả lời. - Chúng cháu đáp ô-tô nữa là khác, ở đấy chúng cháu thấy cả người Tí Hon lẫn người Khổng Lồ. - Đấy, - nhà bác học người Anh nói tiếp, - những người Tí Hon và người Khổng Lồ ấy là do ta cùng với Lép-nit tiên sinh đây phát minh ra đấy. - Ngài lại nói đùa rồi, tôn ông Niu-tơn! - Lép-nit cười phá lên. - Chúng ta chẳng phát minh ra người Tí Hon cũng như người Khổng Lồ nào cả. Chúng ta chỉ đưa ra khái niệm về các đại lượng vô cùng lớn và đại lượng vô cùng nhỏ thôi. - Và chúng ta dạy người đời sử dụng các đại lượng ấy. - Niu-tơn kết luận. Câu chuyện bị cắt đứt bất ngờ vì có một ông đẫy đà, hồng hào đang đi lại. Ông ta mặc một chiếc áo lụa ngắn tay kiểu cổ, viền đăng ten rất tinh xảo. Xê-va thốt lên: - Nhất định là Pô-tôt trong “Ba người lính ngự lâm” rồi, không phải thế thì cứ đem đầu tớ đi mà chặt! - Cậu điên đấy à? - Ta-nhi-a bực tức nói. - Lấy đâu ra lính ngự lâm ở nước Tí Hon này? - Không phải, ta không phải lính ngự lâm đâu, - người lạ mặt mỉm cười, - tuy rằng xưa kia ta cũng có quen biết Đác-ta-nhan! Ta cũng là người Pháp mà. Ta là Pi-e Phéc-ma. - Ta có thể cam đoan với các cháu, - Niu-tơn nói, - rằng ông bạn Phéc-ma thân mến của chúng ta ấy là một trong những nhà bác học được yêu quý nhất và được kính trọng nhất ở nước Tí Hon. - Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi, - Lép-nít bổ sung thêm, - bởi vì ông Phéc-ma đây là một trong những người sáng lập ra lý thuyết số. Nếu chú ý rằng quốc gia Số Học là đất phải đến quảng trường Chúc Phúc. Nếu các bạn muốn ngắm cảnh đẹp của thành phố thì tôi sẽ dẫn các bạn đi, không có gì phiền hết. Chúng tôi đồng ý ngay và theo chân người bạn mới.