ề lại thị xã, khoảng một tháng sau, ngày 28.3.1973, tôi được chuyển lên K100 ở thị xã Phú Thọ. Một buổi chiều, ăn cơm xong, ông Hà, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân, chận tôi ở cổng nói: “Anh chuẩn bị đồ đạc sáng mai chuyển lên K100”. Sáng hôm sau, tôi và khoảng 20 người nữa được chuyển lên K100. K100 là nơi dành cho những người bệnh và sức khỏe đã ổn định ở chờ đi học chính trị hay văn hóa, nghiệp vụ để vào lại chiến trường hay ra công tác A. Đối với tôi, việc di chuyển chỗ ở bao giờ cũng thú vị, nhất là ngồi trên xe nhìn những cảnh vật lạ lùng hai bên đường. Suốt dọc đường nhiều khi tôi muốn nói một vài câu với những người bên cạnh cho vui, nhưng tôi ngại là họ sẽ giả lơ, nên thôi. Thỉnh thoảng một vài người trong khi nói chuyện với người khác quay sang tôi nói một câu, tôi chỉ nghe, hoặc chỉ nói lại một vài tiếng. Xe chạy thẳng từ thị xã Sơn Tây dọc theo sông Hồng ngược lên Phú Thọ. Ra khỏi thị xã 5 cây số là bắt đầu những khoảng không gian rất rộng đầy cây và đồi, cây xanh từng vùng, từng vạt nhấp nhô, cao thấp theo xe lên xuống trên đường đi. Buổi sáng trời rất mát, gió thơm mùi lá cây rất lạ, mùi tràm mùi chè, mùi bạch đàn và mùi lúa. Trên xe chỉ có một người biết rõ những nơi xe đi qua là cô Trai, y sĩ đi theo để săn sóc bệnh nhân và luôn dịp đi phép thăm quê chồng. Và cô là người duy nhất trong chuyến đi này tôi hỏi chuyện. Cô Trai rất vui, mỗi lần nói là cười thành tiếng. Cô có nước da trắng mịn, hai má cứ hồng hồng, mũi hơi thấp một chút. Cô có một đứa con trai còn nhỏ, chồng đi bộ đội. Đúng ra là cô phải đến K100 để bàn giao bệnh nhân, nhưng vì trái đường, nên giữa chừng cô xin xuống xe. Tôi hỏi cô: “Gần đến nhà chưa, cô Trai?” “Dạ, còn 5 cây số nữa cơ ạ. Em phải đi bộ đây”. Đời sống của những người làm việc ở các bệnh viện và các K điều dưỡng của cán bộ miền Nam làm tôi xúc động và chua xót. Tôi có cảm tưởng không có một người nào trong họ là giàu hết. Họ chỉ hơn nhau theo bậc lương vài ba đồng. Sự cách biệt lớn nhất giữa họ quyền lực chính trị, người này là Đảng viên, người kia là đoàn viên, quần chúng. Lương của họ đa số từ 36 đồng đến 50 đồng một tháng; 56 đồng, 64 đồng một tháng là hiếm, chỉ có những người đã lớn tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp mới có số lương này. Tôi không thấy ai trong họ ăn mặt sang hết, hầu hết là kaki màu bộ đội, vải chéo đen, vải quyến trắng... Những bữa ăn của họ không phải là đạm bạc mà là tồi tệ, như nhau hết, vài miếng đậu phụ ram, mấy đũa rau muống chấm với một thứ nước đen sẫm gọi là magi; thỉnh thoảng loáng thoáng một vài miếng mỡ bằng nửa lóng tay. Họ sống, vẫn sống, vẫn vui vẫn cười, vẫn cố gắng phấn đấu từng ngày từng giờ từng phút, trong từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói, từng bước đi, từng cái mỉm cười, liếc mắt... để được là cảm tình, đối tượng của đoàn, của Đảng, để vào đoàn, vào Đảng để trở thành như những người trước kia đã khuyên răn dạy bảo họ, để rồi họ lại sẽ khuyên răn dạy bảo những người chưa được như họ. K100 trước kia là trụ sở của Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ nằm riêng trên một ngọn đồi cao nhất và đẹp nhất thị xã. Từ đây có thể nhìn bao quát cả thị xã. Tôi và khoảng mười mấy người ở K65 mới đến, trừ số nữ, được xếp ở trong cái hội trường rộng thênh thang ngay chính giữa trên gác của tòa nhà một tầng. Khi chúng tôi đến, các phòng trống không có người ở, chỉ có 32 chiếc giường cá nhân kê sát nhau xếp thành 3 lối. Tôi chọn cái giường sát tường có lối đi thông cả cửa trước cửa sau. Cạnh giường tôi sát cửa sau là giường anh Hoàng Huy Bính, người Thọ Xuân, Thanh Hóa. Một ngày sau, tôi đến gặp ông Bí thư chi bộ gác tôi ở, nói: tối nay có chiếu phim ngoài thị xã, anh cho tôi đi xem cho vui. Ông ta nói: anh cứ đi, lên đây không phải như ở K65, anh muốn đi đâu thì đi, như anh em khác. Phú Thọ là một thị xã buồn và yên tĩnh, một thị xã có nhiều khoảng rộng trống không, và đồi và cây, màu xanh phủ lên màu đất đỏ của những con đường dốc. Lúc mới đến, xe đi đường sau dọc sông Hồng vào thị xã, tôi hơi sững như cảm giác lúc mới vào thị xã Sơn Tây. Không thấy phố xá, chỉ loáng thoáng một vài mái tranh rải rác hai bên đường. Đường thì đất đỏ, dốc, nước chảy xói thành rảnh như những khe diếc. Ở đây nhà dân, nhà của hợp tác xã hầu hết là tranh tre lá nứa. Nhà ngói là trụ sở của Đảng, chính quyền, là cửa hàng mậu dịch, đồn công an. Ở lâu ngày tôi không thấy có chi giàu sang với cái thị xã này hết. Những ngày ở đây tôi thường lang thang khắp thị xã, buổi sáng ở ngoài chợ, cửa hàng mậu dịch, trên các con đường yên tĩnh; buổi chiều ngoài sân bay dã chiến bỏ hoang, trên các đồi bạch đàn phía sau thị xã, ngoài sân ga. Tôi ít khi đi một mình, thường khi nào cũng có thêm một hai người thân quen. Lúc này tôi được tự do đi ra ngoài mà không xin phép, nói chuyện được với những người quen mà không sợ họ tránh né. Nhiều khi tôi ngồi hàng giờ một mình trên sân bay, trên những khối bạch đàn, trên khoảng trống gần sân ga, hay dưới gốc cây cạnh thư viện thị xã bên bờ sông Hồng cho đến tối mới về. Nơi tôi ở là một rừng long não. Long não ở đây to cao như cổ thụ. Mỗi lần đứng trên gác nhìn ra, thoảng một cơn gió, lá long não rụng như mưa, lách tách rồi lào rào, lào rào, vang lên vang lên rồi tỏa lan ra; lá rụng đặc một vùng từ trên cây xuống, cả một khoảng không trước mặt tôi trùm hết lá. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như lá không phải rụng xuống mà từ dưới đất, trên các ngọn cây bay tung lên, bay lên từng lớp tung cao khỏi ngọn cây, ngọn lên, ngọn xuống, ngọn qua ngọn lại, chao đảo rồi xoáy tròn lăn tăn lan rộng ra. Ở phía xa dưới những trũng thấp, nơi những khoảng trống, lá long não bay loãng ra từng chiếc một, rung lên, liệng qua liệng lại. Dưới mặt đất lá chạy cuốn như sóng xao, rồi tấp vào gốc cây, dồn đống giữa đường, rải đầy sân những màu vàng úa, màu nâu sẫm, màu vàng đậm lẫn với màu xanh ngọc, dòn tan. Một vùng không gian mùa lá bay. Tôi cảm thấy mình nhẹ tênh trong mùi long não. Những lúc đó mà đang đi giữa đường, cả người mình, chung quanh trước mặt sau lưng, lá trùm kín hết. Ngày 21.05.1975, ở Huế, tôi có ghi: Gần 10 giờ đêm. Khi không tôi nhớ lá cây trong mùa hè ở Phú Thọ. Lá không rũ xuống, lá không động đậy, lá bạc chợt ra. Nắng sáng trắng khô chốc, không có gió. Lá có màu héo. Buổi trưa tôi cố ngủ một tí. Căn phòng to và rộng, cả giường và chân người, va ly. Lá, lá long não. Tôi muốn mệt. Tôi cứ nhìn lá hoài. Mơ hồ tôi tưởng như lá cây động đậy. Lá chết hết rồi. Gió cho thật nhiều cho lá động đậy. Tới chiều thì trời có gió. Lúc đó nắng đã vàng và lá trở lại như thường. Những buổi trưa ở Phú Thọ yên tĩnh thật. Tàu lên dốc ngược Yên Bái, máy móc nặng nề và hồng hộc. Người trong tàu quần áo lộn xộn, mặt mày thừ ra. Tàu chạy không mau được nên không có gió ùa vào. Cho đến lúc này tôi cũng không viết được gì, ngoài việc ghi chép khi đọc sách. Đó là điều khổ tâm nhất của tôi. Tôi bị giày vò trong trạng thái đó. Cho đến năm 1974, trong quyển lịch ghi chép tôi chỉ viết được mấy dòng: Ngày 12.4.1974 Ở Phú Thọ Buổi trưa trời nắng như rất xa rất xa nắng tới. Ngày 28.7.1974 Mùa hè ở Phú Thọ thật là tuyệt vời. Những buổi trưa đứng bóng, nắng rất to, lá cây như trong suốt trong ánh sáng trắng của mặt trời. Buổi chiều hãy đến một nơi rất rộng cho có thật nhiều gió để nhìn núi ở xa, nơi đó yên tĩnh là vô cùng, yên tĩnh là một cõi. Cuộc sống của tôi ở K100 dễ thở hơn, tuy thế hàng ngày tôi vẫn bị nhòm ngó rất kỹ. Ở K100, người ta cho tôi dự các cuộc họp, các buổi mít tinh. Tôi được đi nội trong thị xã mà không cần xin phép. Nhưng tôi vẫn không được yên. Ngoài ông Thụ, Bí thư chi bộ ra, một số Đảng viên ở trong phòng có nhiệm vụ theo dõi tôi. Không bao giờ tôi khóa va li. Sách vở tôi để cả lên giường. Một hôm, vào buổi chiều lúc đó mọi người đã đi chơi hết, trong phòng chỉ còn có tôi và anh Sâm. Anh Sâm, Đảng viên, người Phong Điền, da đen sậm có lẽ vì bệnh gan. Anh nói: “Anh Đính, tôi nói cho anh biết, mỗi lần anh đi dự mít tinh hay họp hành, đều có người đến lục va li của anh đó. Chỗ anh em tôi nói cho anh biết để coi chừng”. Anh Sâm chỉ nói chừng đó rồi lảng sang chuyện khác. Tôi cũng vẫn phải sống trong dè chừng như thế. Riêng ở phòng tôi ở hầu hết là những người ở K65 lên, nhưng dần dần họ cũng đi bớt, số người mới khác lại đến. Phần đông đều xa lạ với tôi. Tất nhiên trong nội bộ Đảng họ cũng đã báo cho nhau biết về trường hợp của tôi, nhưng ít ai để ý, xem chừng gì tôi cho mệt. Nhưng tôi phải biết phận mình. Ai đến chơi, nói chuyện với tôi thì tôi nói. Tôi không tự tìm đến những người khác để làm quen. Ở sát giường tôi là anh Hoàng Huy Bính, trước ở Sơn Tây tôi đã quen và nói chuyện với anh nhiều lần. Anh Bính quê ở thôn Thành Công, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh là một trong số rất ít những người thân với tôi ở K100. Anh học trung cấp thủy lợi, rồi tình nguyện vào chiến trường, sau đó bị bệnh, cơ thể suy nhược và được cho ra Bắc chữa bệnh. Anh Bình người đã gầy mà còn thấp nữa, mắt cận thị nặng. Anh có một cuộc đời rất chua xót và cay đắng. Anh là nạn nhân của nạn tảo hôn. Sau 1954 vợ chồng anh có quyền ly dị, nhưng anh nói: “Tôi bảo nhà tôi, đó là số phận của tôi và nhà tôi, bây giờ con cái đã lớn rồi, mình phải hy sinh cho con cái”. Có người nói anh dại. Mỗi lần đi phép, bao giờ anh cũng mua quần áo cho các con, cho mẹ, cho vợ. Có lần anh mua một cái áo vệ sinh và bảo: “Cái này để cho vợ tôi đi làm đồng vào mùa đông đây”. “Anh biết không,” anh Bính nói, “con gái đầu của tôi đã lớn, nhưng cho đến nay nó chẳng biết phở là gì, quá tội đi. Mà nó có bao giờ lên đến huyện đâu. Chuyến này về phép, tôi phải đưa chúng nó lên huyện, cho chúng biết phở”. Tôi và anh Bính xuống khu học bổ túc văn hóa của cán bộ B kiếm một cái bàn học trò hư đem về sửa lại, đặt song song với giường của anh và của tôi làm bàn chung. Tôi nói chuyện với anh Bính không dè dặt. Cuối năm 1976, anh Bính đến Huế, tìm ra nhà tôi. Gặp anh, tôi mừng hết sức. Anh nói, anh ở Sài Gòn mới ra. Anh bây giờ thích đi đây đi đó. Sau chuyến đi phép về thăm nhà này, anh sẽ đi Campuchia. Từ đó, tôi không biết tin tức gì về anh hết. Anh Bính cũng như những người có quê hoặc có cha mẹ, anh em, bà con ở miền Bắc thường hay đi phép. Thời gian đi phép của họ có khi 1 tháng, 2 tháng. Thành ra phòng có 32 giường, số người ở cao nhất là 10, 15 người, nhưng trong phòng bao giờ cũng trống, nhiều khi chỉ có năm bảy người. Một hôm, có một ông ở đâu dưới Hà Nội lên làm việc với ban lãnh đạo K100 đến gặp tôi. Lúc đó tôi đang đọc báo vào buổi trưa. Ông ta người miền Nam tôi không nhớ ở đâu, khoảng trên 55 tuổi. Ông ta không tự giới thiệu, ông ta làm như tôi có bổn phận phải biết ông ta là ai. Ông ta nói bâng quơ gì đó, rồi nói: “Bây giờ đã có hiệp định Paris rồi, chúng tôi xem anh như thuộc lực lượng thứ ba, như anh em sinh ở miền Nam có tham gia phong trào đấu tranh. Anh đừng lo gì hết”. Sau đó ông hỏi: “Lâu nay có ai ở Cục hoặc ở Ban (Thống nhất) đến gặp anh không?” “Không, không có ai hết”. “Sao thế nhỉ?” Ông ta chỉ nói như thế, rồi đứng dậy đi ra ngoài phòng. Một lần khác, ông Bí thư Đảng ủy đến bảo tôi: “Tối nay 7 giờ anh đến phòng tôi có người ở dưới Ban Thống nhất cần gặp anh. Anh đừng lo gì cả. Ông ấy muốn gặp anh nói chuyện bình thường thôi”. Đúng giờ tôi sang phòng ông Bí thư Đảng ủy. Ông ta rót nước, rồi ra ngoài để cái ông cần gặp tôi đó với tôi nói chuyện. Ông ta tự giới thiệu ông là người của Bộ Nội vụ. Ông ta nói giọng Thừa Thiên: “Hôm nay tôi gặp anh để báo cho anh biết là chúng tôi không xem anh là CIA”. Tôi cứ ngồi nghe ông ta nói và hoàn toàn không có thái độ gì cả. Ông ta nói: “Hình như lâu nay anh không đi đâu cả. Thỉnh thoảng anh nên về Hà Nội chơi cho thoải mái đầu óc”. “Tôi đi đâu các anh cũng cho người theo dõi, như thế đi có thú vị gì đâu?” “Không, về Hà Nội anh đến nhà tôi ở cho tiện. Nhà tôi ở số... phố Nam Đồng”. “Về Hà Nội mà đến ở nhà anh thì bạn bè tôi chẳng có ai dám gặp tôi nữa”. Ông ta cười: “Nhưng anh nên đi chơi. Tôi có nói mấy anh ở Cục là nên để cho anh đi phép về Hà Nội”. Rồi ông ta hỏi tôi về sinh hoạt phí. Tôi nói: “Tôi được xếp 50 đồng”. “50 đồng à? Người ta xếp cho anh 50 đồng là xem như xóa bỏ quá trình tham gia cách mạng của anh đó. Được, được,” ông ta gật gật đầu, “tôi sẽ đề nghị xếp lại mức sinh hoạt phí cho anh. Xếp như thế không được đâu”. Tối hôm sau, ông ta đến phòng tôi nói chuyện với một vài người quen, rồi lại chỗ giường tôi. “Lần nào đến đây, tôi cũng thấy anh ngồi một mình hút thuốc, đọc sách”. Ông ta nói một vài câu cho có lệ, rồi nói: “Anh cứ sống và sinh hoạt bình thường như anh em khác”. “Nhưng các anh lại không coi tôi như một người bình thường”. Ông ta làm thinh. Đằng nào đối với họ tôi cũng là địch. Không cách này thì cách khác họ cũng tìm cách triệt hạ tôi, không để cho tôi tồn tại ở đời này như một người bình thường ngang bằng họ. Khoảng tháng 6 tháng 7.1973, Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình lên K100 thăm tôi. Sau này mỗi lần nhắc lại chuyện này, thằng Ngô cứ cười to ha ha: “Cái thằng Đính! Lúc đó, hắn đang đứng nơi lan can thấy tao, thằng Tình và thằng Một lù lù dưới thang gác đi lên, mặt hắn sững ra, hắn khựng đi một lúc, như một thằng mất hồn. Chắc lúc đó mi không ngờ bọn tao có thể lên Phú Thọ gặp mi. Hắn hỏi: “Đi mô rứa bây?”. Tao nói: “Đi gặp mi chớ đi mô”. Hồi đó, tao với thằng Tình đang tìm cách gặp hắn, bày mưu tính kế cho hắn về Hà Nội, không thôi cứ bị giam trên cái K100 ở Phú Thọ có ngày hắn điên mất, lại gặp lúc thằng Một ở chiến trường ra nhận xe. Sẵn có xe bọn tao rủ nhau lên Phú Thọ. Bọn tao đưa giấy giới thiệu của Đài Giải phóng cho bọn lãnh đạo K đề nghị gặp Đính. Bọn này bảo: “Ở đây cũng có một số anh em học sinh sinh viên ở trong Nam ra, các anh có thể gặp những người đó”. Bọn hắn nhất định không cho bọn tao gặp thằng Đính, lý do là gặp anh Đính lúc này không tiện, vả lại không có ý kiến của Ban Thống Nhất và Cục đón tiếp, bọn hắn không thể giải quyết được. Tao nói là chúng tôi cần gặp anh Đính để hỏi về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Huế để viết bài cho buổi phát thanh dành cho Huế. Rứa là tay Bí thư Đảng ủy nói với một tay nào đó ngồi bên cạnh: “Thôi, trưa nay... đừng nghỉ trưa nữa”. Và bọn tao ngồi nói chuyện với thằng Đính dưới sự giám sát của ba bốn ông cấp ủy ngồi uống nước chơi”. Thấy mặt thằng Ngô, thằng Tình tôi mừng hết sức và xúc động vô cùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau bình thường tại phòng tôi ở. Hai lão Bí thư Đảng ủy và Bí thư chi bộ ngồi bên cạnh, cứ uống nước, hút thuốc ngó ngiêng, ngó ngửa. Thằng Tình, thằng Ngô cho tôi biết về tin tức bạn bè anh em ở trong rừng và ở Huế. Thằng Một thì cười cười: “Anh em ở trong vui lắm, còn sống cũng nhiều mà chết cũng nhiều”. Thằng Ngô, thằng Tình làm ra vẻ đi liên hệ công tác hỏi tôi về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Huế hồi trước. Hai đứa soạn cassette, máy móc chi đó đặt giữa bàn cho có lệ. Ông Bí thư Đảng ủy ngồi cạnh tôi cảm thấy lấn cấn và chướng nên giả vờ có việc gì đó đi ra ngoài. Còn lại ông Thụ, Bí thư chi bộ ở cùng phòng với tôi, nhưng sau rồi cũng quay về giường của mình lấy cớ là có khách. Thằng Tình: “Mi phải về Hà Nội một chuyến. Tao thấy cái không khí ở đây quá mệt. Tao sợ mi điên mất. Ông Tường ra rồi, hiện đang ở Hà Nội, mi biết không?” “Tao có biết gì đâu?” Thằng Ngô: “Tụi tao cứ tưởng là thế nào ông Tường cũng báo cho mi biết là ông đã ra Bắc. Mi xin phép về Hà Nội gặp anh em nói chuyện cho vui. Mà rồi... cũng phải tìm cách thoát khỏi đây. Hình như ông Doãn Triều và bà Trai đang vận động cho mi về Hà Nội”. Thằng Tình: “Tao có nghe nói, nhưng Ban Thống nhất không đồng ý”. Tôi nói: “Bây giờ tao có xin đi phép họ cũng không cho. Để thủng thẳng đã. Bọn mi thấy đó”. Lúc đưa tụi hắn về, tôi nói: “Nếu tao không về được, lâu lâu bọn bây lên đây với tao một chút”. Độ gần một tháng sau tôi xin đi phép về Hà Nội và được họ đồng ý. Tôi xin đi ba ngày nên chỉ ở Hà Nội có hai đêm một ngày. Thằng Ngô nói: “Mi cứ ở đây chơi vài ngày nữa rồi lên. Không được, tao phải đi đúng phép. Đằng nào thì mi cũng bị rồi. Sợ cái gì?” Tôi mượn một ít sách báo rồi lên Phú Thọ. Thằng Tình chở tôi ra ga mua vé (hình như hồi đó các tuyến đường phía Bắc, vé bán ở bến Kim Liên thì phải). Thấy hàng người xếp hàng mua vé, thằng Tình ớn: “Khiếp quá! Làm sao mi mua cho được?” “Mi đừng lo. Hết vé Phú Thọ, tao mua Đông Anh, Việt Trì. Đông Anh, Việt Trì không có thì mua Yên Bái, Lào Cai. Thôi mi về đi”. Thằng Tình vét túi còn mấy đồng đưa thêm cho tôi: “Lỡ phải mua vé Yên Bái, Lào Cai”. Lúc đó vé tàu nhanh Hà Nội-Phú Thọ là 2 đồng 2. Chen lấn lách qua lách lại một hồi, toát mồ hôi hột, tôi mua được vé. “Còn vé Đông Anh. Không sao, lên tàu mua tiếp, phạt 2 hào”. “Mi cố gắng tìm cách thỉnh thoảng về Hà Nội cho giãn gân giãn cốt ra, nghe mi”. Tôi quên nói là lúc ở chiến trường ra Bắc, anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) có cho tôi một cái radio bán dẫn hai băng bằng bàn tay. Kể từ khi bị đấu, không cách gì tôi có thể nghe đài BBC hay đài VOA được. Trước kia nghe những đài này tôi cũng phải nghe lén. Vì đó là nội quy, cấm tất cả mọi người nghe đài địch. Thời gian này tôi mà mở đài, dù là đài tiếng nói Việt Nam hay đài Giải phóng, tôi cũng sẽ bị theo dõi, để ý. Những người chung quanh sẽ coi chừng tôi lợi dụng mở đài ta để nghe đài địch. Để được yên ổn, tôi cất luôn cái radio vào vali, cho nó nằm yên ở đó. Đến Phú Thọ một thời gian, thấy không khí chung quanh có bớt căng thẳng, hơn nữa căn phòng tôi ở quá rộng, giường nằm cách xa nhau, lại thường vắng người, tôi bắt đầu nghe đài. Đài BBC thì không thể nghe được rồi, vì lúc 18g30 trong phòng còn đông người. Nếu muốn nghe tôi phải đến một chỗ vắng ngoài khuôn viên của K100. Nhưng buổi chiều đi chơi mà đem theo đài người ta sẽ nghi tôi nghe đài địch. Vì chính bản thân họ muốn nghe BBC hay VOA cũng phải làm như thế. Tôi chỉ có thể nghe đài VOA. Tôi nhớ lúc đó đài VOA có buổi phát thanh đến 22 giờ mới hết. Tôi đi nằm và áp sát đài vào tai mà nghe, những cũng không được thường xuyên. Mỗi lần nghe phải tỉnh ngủ và ngón tay trỏ luôn luôn đặt trên cái volume. Từ tháng 1.1972 đến khoảng tháng 7 tháng 8.1973 tôi mới được đi xa một mình như thế. Gặp bạn bè tôi vui, sống và nói năng chẳng cần che giấu và giữ gìn gì cả. Trở về Phú Thọ tôi sống làm một người làm thinh như trước, sống hiền, không gây gỗ cãi cọ với ai. Lâu ngày ở Phú Thọ cũng chẳng ai cần để ý đến tôi cho mệt. Tất nhiên là có một số người trong cấp ủy được phân công theo dõi tôi. Ở K100 này tôi không còn bị đối xử một cách khinh bỉ, ghê tởm ra mặt như ở K65 Sơn Tây. Còn những người đã từng đấu tố tôi ở K65 vẫn nhìn tôi một cách nặng nề, không ưa, nhưng do cái không khí chung quanh nên họ đối xử với tôi không căng thẳng, trắng trợn như trước. Nhiều người vẫn đến nói chuyện chơi với tôi, mời tôi uống nước mà hầu hết là những người mới đến. Ở nhà ăn bây giờ tôi được coi như bình thường. Mọi người đều ngồi ăn với tôi, và tôi ngồi với họ mà không dè dặt. Trong bữa ăn hay những lúc ngồi nói chuyện, những chuyện gì có dính dáng đến thời sự và chính trị tôi không đề cập đến. Mà thật ra ở những nơi này người ta không bao giờ nói chuyện chính trị, bởi vì tất cả mọi người đều cùng một chính kiến, một lý tưởng như nhau. Họ chỉ có học chính trị. Ngoài Lê Thị Thu, Nguyễn Thị Mộng, Hoàng Huy Bính và một vài người nữa là thân mật với tôi, còn những người khác họ vẫn giao tiếp bình thường với tôi, nhưng vẫn luôn luôn có thái độ dè dặt và thận trọng, không tỏ ra xem tôi là bạn. Tôi không cố gắng sống cho vừa lòng những người chung quanh. Tôi sống thành thật với mình. Tôi không dối trá họ, không tỏ ra mình là một người biết ăn năn hối cải trước sự khoan hồng và độ lượng của Đảng bằng hành động cử chỉ hay thái độ sợ sệt, cúi đầu. Tôi sinh hoạt bình thường như từ trước đến nay. Ăn, ngủ, đọc sách, đi chơi theo giờ giấc. Chỉ tiếc một điều là tôi không làm được thơ, không ghi lại được những suy nghĩ của mình về mình, về cuộc đời, về cuộc sống chung quanh. Ngày nào tôi cũng đọc sách. Đến K100 vài ngày, tôi rủ anh Bính ra thư viện thị xã Phú Thọ. Lúc đó thư viện đang kiểm kê và đóng gói sách để chuyển về thư viện tỉnh ở Việt Trì. Chỉ có phòng đọc báo và phòng đọc của thiếu nhi do cô Mai phụ trách mở cửa. Thấy anh Bính và tôi ngày nào cũng siêng năng chăm chỉ đến đọc sách báo và ghi chép, cô Mai bảo: “Thư viện không cho mượn sách về nhà, nếu các anh cần có thể mang về đọc, khi nào trả cũng được”. Lúc này tôi đang đọc cuốn 3, tập 3 bộ Tư bản của Karl Marx. Bà Hồng, phụ trách thư viện, rất tử tế với chúng tôi. Có nhiều cuốn chúng tôi cần đọc, nhưng đã đóng gói, bà cũng lấy ra cho chúng tôi mượn. Bà dẫn chúng tôi vào kho sách để chúng tôi chọn. Mùa đông ở Phú Thọ rất khó chịu, khô và rét. Trời cứ mù mù như có sương và đường đi vẫn có bụi. Buổi sáng buổi chiều đứng bên này sông Hồng không nhìn rõ bên kia sông được, cây cối và nhà cửa lờ mờ. Những đêm mưa nghe tiếng còi tàu thức dậy, cả phòng tôi ở bao giờ cũng trống vắng. Anh đèn lù mù ngoài hành lang. Tàu lên dốc đi Yên Bái, tiếng máy thở hộc, nặng nề mệt mỏi như tiếng thở của con lợn bị cắt tiết cố vùng vẫy. Tiếng còi đứt nửa chừng, con tàu khuất sau dãy núi. Rồi tiếng máy lại hộc hộc, con tàu ra khỏi dãy núi đang uốn cong mình cố trèo lên dốc, tiếng máy nhỏ dần, cứ khi to khi nhỏ, cho đến khi còn nghe như một mũi kim trong trí óc tôi. Mùa lạnh tôi hay thức giấc vì cơn dạ dày. Nhiều đêm ngủ không được tôi nằm đợi nghe tiếng máy thở hộc lên dốc, sắp lòn qua cầu dưới chân dốc, tàu kéo còi... Ngủ quên thì thôi, thức thì nhớ mà đợi. Tàu vào ga Phú Thọ rồi... tàu sắp chạy... tàu qua dưới cầu... tàu leo dốc... tiếng máy hộc xa, tiếng máy hộc gần... rồi xa... tiếng còi the thé... tàu khuất núi rồi. Tôi không đi đâu hết, không về Hà Nội, loanh quanh luẩn quẩn ở cái thị xã này, mệt mỏi chán nản, không buồn không vui, nhiều lúc quanh quẩn với một vài người hiểu mình, thương mình, nhiều lúc buổi sáng buổi trưa buổi chiều, nửa đêm một mình mình. Có lúc buổi chiều tôi ngồi một mình ngoài sân bay bỏ hoang cho đến bảy tám giờ tối. Có lúc tôi lang thang trong các đồi bạch đàn vào buổi sáng sớm, rồi ngồi dưới một gốc cây trên triền dốc ngó qua bên kia sông Hồng. Có lúc nửa đêm ngủ không được, tôi dậy nấu nước pha trà uống một mình ngoài hành lang. Tôi cảm thấy mình không muốn gì cả. Tôi như cứ chập chờn vừa thức vừa ngủ trong cuộc đời này. Tôi không khuây khỏa được. Tết này (Giáp Dần 1974) chắc cũng nên về Hà Nội lang thang với bọn thằng Ngô ít ngày cho vui. Nói thế thôi, rồi tôi cũng chẳng nghĩ tới chuyện đó nữa. Còn một tháng nữa mới Tết, những người quê ở Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Hà Bắc, Lạng Sơn, Cao Bằng... đều đã đi phép. Khoảng 15 tháng Chạp, căn phòng tôi ở đã trống vắng. Người nào đi cũng nói với tôi: “Gói đồ đạc cho anh đó, anh Đính nghe”. Trước khi về quê ăn tết, anh Bính bảo tôi: “Tôi biết Tết này anh ở đây một mình rồi. Tôi cố lên sớm với anh cho vui”. Những ngày giáp tết, thị xã Phú Thọ cũng như ngày thường, tôi không thấy có chi sửa soạn, dọn dẹp hết. Chỉ ở cửa hàng mậu dịch, người ta đông đảo chen lấn mua tiêu chuẩn hàng tết, nhưng toàn là cán bộ công nhân viên. Sáng 30 tết tôi mua 1 lạng cà phê ở một quán nước dưới dốc bên kia cầu để uống mấy ngày tết. Tôi chặt một cành trúc đào thật lớn và kiếm một cái thùng thiếc hư đổ cát vào cắm lên để sát tường ngay giữa phòng. Cành đào này có đến 15 tháng Giêng âm lịch mới nở bông, và nở đều rất đẹp. Trưa 30, trong phòng chỉ còn một mình tôi. Tôi kiếm dây cột chặt các cửa sau, cửa giữa và cửa hông lại, chỉ chừa một cửa ra vào. Tôi dồn vali, chăn màn của những người đi phép vào một góc. Đến bữa ăn trưa nhà ăn chỉ có độ mươi người ăn. Những người không đi phép cũng đã đi chơi quanh quẩn ngoài thị xã. Buổi chiều tôi cũng không buồn đi đâu. Trời lạnh lắm. Căn phòng rộng thênh thang này bây giờ chỉ còn tôi với ông già Tuần, người Quảng Ngãi, mà ông ta cũng đã vào thăm bà con ở trại thương binh gần đó. Khi đi ông bảo tôi, có thể về, có thể không, khi nào về ông kêu cửa. Tối đến tôi tính ra thị xã chơi, nhưng rồi thôi. Tôi bỏ cà phê vào một miếng vải, cột túm lại, chế một cốc thật đậm, rồi pha vào một ít rượu chanh ngồi uống một mình. Cà phê trộn gạo rang hay một thứ bột gì đó, cũng đỡ, có còn hơn không. Tôi uống từng ngụm, đăng đắng, chát chát, cay nồng, hơi chua. Gió thổi qua những lỗ trống của dãy cửa kính vỡ phía sau nghe hù hù, có khi lặng đi một lúc rồi cành lá bên ngoài lao xao, một cơn hú vào phòng rung cánh cửa lách cách lục cục. Ngoài hành lang phía trước đèn sáng. Ở đó, giữa ban công của tòa nhà, người ta bày một bàn thờ, có cờ Đảng, cờ tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi ra ngoài đứng ở phía không có ánh sáng nhìn ra xa. Gió cứ lào rào trên những hàng long não. Thấp thoáng ở xa nữa dưới chân dốc một vài ánh đèn dầu. Trước mặt tôi, tối đen, chỉ có gió và lá cây rụng. Không nghe một tiếng pháo. Khác với những ngày thường, chung quanh đây, dưới kia, lúc này bao giờ cũng ồn ào, tiếng radio, tiếng cười đùa la hét của những người đánh bài, tiếng gọi nhau... Bây giờ thì im vắng, loáng thoáng có tiếng radio rất nhỏ. Tôi vào phòng đóng cửa lại, ngồi lên giường nhấp rượu nghe gió hút qua phòng. Tôi chẳng thấy ngon lành gì cả. Một chút cay cay nồng xé ở mũi, nóng ở cổ, ấm trong bụng. Tôi cứ uống từng chút, từng chút, rồi pha một ấm trà. Ngoài hành lang thỉnh thoảng có người đi qua đi lại. Tôi tắt bớt đèn, rồi đi nằm. Thôi ngủ cho rồi. Không biết bao lâu nữa, có tiếng gõ cửa và gọi tên tôi. Tôi dậy mở cửa. “Anh ngủ rồi à?” “Không, tôi nằm chơi”. “Gần giao thừa rồi. Anh ra uống trà, nghe chúc Tết”. Đó là ông Bí thư Đảng ủy. Ông ta không đi phép. Cực chẳng đã tôi ra ngoài. Hết chương trình chúc Tết của Đài tiếng nói Việt Nam tôi vào nằm ngủ. Tôi cứ chập chờn mơ mơ màng màng. Tiếng cửa lạch cạch, tôi mở mắt nhìn quanh phòng. Tựa hồ như có tiếng mở dây thép ở cửa ra vào không phải. Gió. Tôi nhắm mắt lại. Sáng mồng 1 Tết tôi ra thị xã, đi hết các ngả đường, ra ga, ra chợ. Không thấy Tết gì hết, không thấy cái gì mới hết. Cờ treo trước các cơ quan. Mọi người vẫn như thường. Không thấy trẻ con đi chơi Tết. Cửa hàng công nghệ phẩm mở cửa, ít người tới. Cửa hàng ăn uống ngoài ga vắng khách. Buổi trưa ở nhà ăn chỉ lèo tèo ba bốn người. Chiều mồng 1, sân vận động Phú Thọ tổ chức đá bóng. Hết chuyện chơi. 9 giờ tối, ông già Tuần về. Ông cho tôi 1 đùi thịt vịt nướng. “Đêm giao thừa tôi định ra, nhưng mấy đứa cháu không cho. Tết gì mà ở cái thị xã này chẳng thấy Tết gì cả. Ai đời mồng 1 Tết mà lại đá banh. Tức cười”. Ông Tuần lấy cái bi đông Mỹ rót cho tôi một chén rượu. Tôi uống một hơi: “Ngon thiệt. Tiếc là tôi không sành uống rượu”. “Quốc lủi đó. Dân họ cất lấy. Anh làm thêm một chén nữa. Mồng 3 tôi mới về Hà Nội. Anh không đi đâu cho vui?” “Tôi không có bà con ở ngoài này”. “Kệ, tới nhà một thằng bạn nào đó cũng được”. Sáng mồng 2 tết, ông già Tuần lại vào chỗ mấy đứa cháu. Tôi còn một mình. Đang loay hoay lục soạn mấy cuốn sách, thì anh Bính xách ba lô chạy ào vào. “A, anh Bính, sao lên sớm thế?” “Tôi biết anh ở đây một mình buồn. Tôi đã hứa là lên sớm với anh cho vui”. “Tôi nghĩ sớm lắm là mùng 5, mùng 6 anh mới ra”. Anh Bính ngó chung quanh: “Chưa ai về hết à?” “Còn lâu”. Tôi chỉ những chồng bánh chưng để trên bàn: “Có phần của anh, phần của những người khác đó. Ăn chi hết”. Anh Bính lục ba lô lấy mấy thứ của ngon vật lạ ở quê ra: “Tôi đem cả bánh chưng ra nữa đây”. Tôi chế trà. Anh Bính lau mặt rồi hỏi: “Tết ở đây thế nào, có vui không?” “Buồn và vắng hơn ngày thường”. “Ở trong tôi cũng thế. Trẻ con chẳng có gì mới cho ra Tết hết cả”. Có hơn nửa năm sau, ngày 18.4.1974 tôi mới về lại Hà Nội. Lần này tôi xin đi một tuần, nhưng ở Hà Nội đến 14 ngày. Đến Hà Nội tôi tìm gặp thằng Ngô và thằng Tình ở 58 Quán Sứ. Thằng Ngô bao giờ cũng cái giọng: “Tao tưởng mi bị đi cải tạo ở K3 rồi. Răng lâu rứa mi?” Tôi hỏi thằng Thanh (tức Tình) đâu không thấy, hắn nói đi mô đó. Bữa ni hắn có bồ rồi nghe mi. Đứa mô rứa? Con... con nớ đó. Mi gặp rồi chớ. Có, loáng thoáng... hình như có đi thanh niên xung phong, bây giờ đang viết văn phải không? Tôi với thằng Ngô ra ngoài uống nước chè. “Mi có quen thằng Thái Ngọc San không?” Thằng Ngô hỏi tôi. “Không, hồi ở trong Nam tao có đọc thơ hắn đăng trên Văn, Văn học hay đâu đó. Tao chưa gặp hắn bao giờ”. “Hắn ra đây rồi. Thằng San vui lắm. Mai đi gặp hắn nói chuyện cho vui. Hắn ở K5B. Cả thằng Võ Quê cũng ra rồi”. Sáng hôm sau thằng Ngô chở tôi về K5B ở Quảng Bá. K5B là nơi dành cho cán bộ trung cấp ở miền Nam chữa bệnh và an dưỡng. Thằng San cao dềnh, khác với trí tưởng tượng của tôi hình dung qua thơ và cái tên Thái Ngọc San của hắn, một anh chàng nhỏ thó, vừa phải. Thằng San lúc đó mặc quần áo bệnh viện. Hắn, thằng Ngô và tôi ngồi trên ghế đá cạnh bụi trúc bên hồ Quảng Bá nói chuyện. Tôi có cảm tình và thân ngay với thằng San từ đó. Đến giờ khám bệnh bọn tôi về và hẹn dịp khác gặp lại. Tôi ở Hà Nội chơi với bọn thằng Ngô, Tình, đến chơi nhà chị Ngọc Trai, anh Doãn Triều, đến với mấy đứa nhỏ ở trường Chu văn An... Gần hết phép tôi sang K10 ở Gia Lâm, nghe nói có nhiều anh em ở Huế mới ra ở bên đó. Tôi gặp thằng Nguyễn Đắc Xuân ở đây. Hắn đau gan thì phải, trông hắn xanh và ốm. Hắn mới được kết nạp Đảng và đang còn thời kỳ dự bị. Tôi hỏi thăm bạn bè, hắn nói: “Thằng Điềm ký giấy sinh hoạt Đảng cho tao đó”. Trước đó ngày 30.7.1973, thằng Điềm có viết cho tôi: “Vừa rồi anh Tường ra Hà Nội, Đính có gặp không?... Tháng 4.1973, đổ về trước mình đi đồng bằng, có về Ưu Điềm. Ngày Hiệp định có hiệu lực là ngày mình ở đó, nhưng lại là ngày choảng nhau. Từ đó đến nay mình về rừng làm báo Cứu Lấy Quê Hương”. ... “Mình vẫn ở trong rừng. Chuyện phục hồi của mình vẫn chưa giải quyết được. Chỉ vì mình đi ở nhiều cơ quan, đi công tác luôn. Mình không buồn rầu lắm vì mọi người chung quanh cũng hiểu mình”. Hết phép, tôi định lên Phú Thọ, thì ông Hoàng Lanh, Phó bí thư Thành ủy Huế ra công tác ghé lại K10. Ông Lanh nói tôi ở lại để làm việc với ông. Tôi bảo tôi phải đi đúng phép, không được trễ hạn. Nếu ông muốn tôi ở lại làm việc với ông, ông phải báo cho Ban Thống Nhất và Cục đón tiếp cán bộ B biết. Ông Lanh nói: “Cậu đừng lo, tôi sẽ điện báo cho các anh biết là cậu phải ở lại Hà Nội để làm việc với Thường Vụ Thành ủy Huế”. Ý ông Lanh lúc đó là muốn tôi vào Quảng Trị làm công tác giáo dục. Ông nói: “Cậu cứ yên tâm về K100. Có gì tôi sẽ báo. Hiện nay Quảng Trị đang cần những người như cậu”. Về Phú Thọ, Lê Thị Thu một lần đi chơi với tôi có nói: Lần nào anh về Hà Nội cũng có đứa đi theo. Anh có biết đứa nào không? Cái thằng mê con Đào Quảng Ngãi đó. Anh đừng tin mà nói chuyện với hắn chi hết đó. A thằng Tân, phải thằng Tân. Hắn đâu có phải là Đảng viên. Thu: không Đảng viên mới phấn đấu. Phấn đấu thì vô trong rừng mà phấn đấu. Ưng vô Đảng mà lại sợ chết. Tôi sực nhớ ra thằng Tân ở cùng một phòng với ông Bí thư Đảng ủy. Vậy là hắn bị dụ. Hắn là một thằng khoảng gần 30 tuổi, ốm yếu cả về cơ thể lẫn tinh thần. Giọng nói hắn cụt và nghe những tiếng cuối cùng hay bị mắc trong cổ. Cười, thì hắn cười rộng miệng. Tôi nghi là hắn hoàn toàn bị động về việc theo dõi tôi. Khoảng năm 1978, 1979 tình cờ tôi gặp hắn ở Ty thương binh xã hội. Hắn đã có vợ người Hà Nội. Hắn vẫn ăn mặc tươm tất, đầu chải ướt và vẫn không vào Đảng được. Ngày 20.5.1974, tôi nhận được thư của Nguyễn Đình Nghĩa đề ngày 14.05.1974 ở Lệ Kỳ, Quảng Bình. Nghĩa báo tin cho tôi biết người anh bạn con dì của tôi là Lê Văn Sắc vẫn còn sống. Tôi mừng vô cùng. Lâu nay bạn bè chúng tôi vẫn nghĩ là Lê Văn Sắc đã chết ở Phú Vang lúc rút ra khỏi thành phố trong đợt tổng tấn công đầu xuân Mậu Thân 1968. Có người bảo là đã thấy Lê Văn Sắc ôm khẩu AK chết gục đầu trên giường ruộng. Thật ra lúc đó anh bị bắt và bị giam ở Phú Quốc. Sau hiệp định Paris, anh được trao trả và bây giờ đang an dưỡng ở T72, Sầm Sơn - Thanh Hóa. Lê Văn Sắc, Nguyễn Đình Nghĩa và tôi cùng thoát ly lên chiến khu 1 lần, 6-1965. Cuối năm 1966 trên đường đi công tác, Lê Văn Sắc lọt vào ổ phục kích của địch ở Châu Chữ - Nam Hòa, bị bắt và bị giam ở lao Thừa Phú. Đầu năm 1968, giải phóng nhà lao, ra tù chưa được một tháng, anh lại bị bắt. Nghĩa cùng bị bắt trong đợt này lúc trên đường rút lên xanh. Cả hai đều được trao trả cùng một lúc. Sau khi trình bày với ông trưởng phòng và Bí thư chi bộ, tôi đến gặp ông Bí thư Đảng ủy trình dơn xin đi phép vào Sầm Sơn thăm người anh. Ông Bí thư Đảng ủy phê trong đơn: “Đồng ý. Đề nghị K100 cấp giấy phép cho anh Đính”. Ông Hý, trưởng K100, người Bình Định, nhìn tôi: “Anh đi gì mà đến nửa tháng?” “Tôi phải về Hà Nội hỏi thăm tin tức về anh tôi và đường đi đến T72”. “Thôi được. Anh đi 10 ngày là đủ rồi”. Sáng 22.5.1974, tôi về đến Hà Nội. Đây là lần thứ hai trong năm 1974 tôi về Hà Nội. Tôi loanh quanh ở Hà Nội hỏi thêm tin tức về Lê Văn Sắc và Nguyễn Đình Nghĩa cho đích xác. Ngày 27.5.1974 tôi về Sầm Sơn. T72 là nơi đón tiếp những người được trao trả từ Phú Quốc. Sau thời gian bồi dưỡng sức khỏe, học tập chính trị, những người này sẽ được phân loại để sắp xếp công tác. Nhà cửa ở đây làm theo kiểu lán trại dã chiến, tranh tre lá nứa. Chung quanh không có cây cối, nhưng vì sát bờ biển nên rất thoáng mát. Cuộc gặp gỡ không ngờ giữa anh em bạn bè chúng tôi quá xúc động. Có thằng mình không ngờ lại gặp được ở đây. Thằng Nghĩa, anh em trong xóm gọi là Chó Chữ (lúc nhỏ tên Chó, con bác Chữ) bị Mỹ bắn què chân, bây giờ phải đi cà niễng, ôm vật tôi trên sạp tre, chảy nước mắt. Ông anh bạn con dì tôi, mới trên dưới 35 tuổi mà tóc bạc trắng, má tóp, răng hư, người gầy như que củi. Những cuộc tra tấn và những ngày biệt giam ở Phú Quốc đã làm cho con người anh ta như thế. Thằng Nguyễn Đình Nghĩa có khá hơn, còn sức, nhưng cũng đã đừ ra rồi. Rồi cùng với những anh chị em mới quen biết khác, chúng tôi quây quần nói chuyện, chuyện cũ, chuyện mới, lúc buồn có người khóc, lúc vui chùi nước mắt cười to tiếng. Ba bốn cô gái ngồi đó, cô nào cũng ốm tóp, xanh xao, đôi mắt cũng chưa hết vẻ thất thần. Mấy cô nói: “Có ở tù như bọn em đây mới hiểu được nhau. Nói thật, bọn con gái chúng em chẳng có đứa nào còn tốt lành hết. Như em thì cũng bị mấy chục thằng. Thân tàn ma dại hết rồi. Đứa nào bây giờ cũng bịnh. Bọn con gái phục vụ ở đây không dám đi chung nhà tiêu với tụi em. Bọn hắn sợ lây. Nói vô duyên chớ, sau này ai mà thèm lấy bọn em”. “Thôi tù lấy tù cho rồi”. “Chưa chắc”. Anh Sắc cho tôi biết là người em ruột của anh tên là Lê Văn Tư cũng đã chết. “Ra khỏi nhà lao, tao về nhà kéo thằng Tư đi theo. Trên đường rút lên núi, lúc lội qua sông ở Hà Trữ - Vinh Thái, thằng Tư bị trực thăng bắn chết, tìm không ra xác”. Tôi ở Sầm Sơn được năm, sáu ngày. Đáng lẽ tôi ở thêm vài ngày nữa, nhưng một đợt học tập, kiểm điểm ở đây sắp bắt đầu. Trong thời gian học tập, mọi người phải hạn chế việc tiếp khách và không được ra khỏi trại. Anh Sắc bảo tôi: Khoảng 1 tháng nữa, học tập xong, anh sẽ ra Hà Nội. Từ đó, 1 vài tháng tôi lại về Hà Nội. Chị Trai và anh Doãn Triều cho tôi biết là Ban Thống Nhất không đồng ý cho tôi về Trại sáng tác B ở Hà Nội. Anh Triều nói: “Chỉ có cách về Trại sáng tác B mới cứu được mầy. Mầy còn ở các K điều dưỡng thì có ngày khô xương”. Chị Trai nói: “Mình sợ cậu sẽ điên mất”. Khoảng tháng 6, 7, Thái Ngọc San lên Phú Thọ gặp tôi. Một buổi sáng, khoảng 5 giờ, lúc đó trong phòng mới có 1 vài người dậy, tôi đang ngồi uống nước với anh Bính, thằng San lù lù bước vào. Mi mò cách răng mà lên đến đây? Tao lên Hương Canh, nhưng đến Hương Canh nghĩ lui nghĩ tới tao ngồi luôn trên tàu, đi thẳng lên đây. Thằng San ở chơi với tôi gần một tuần. Tôi ở Phú Thọ thêm một mùa xuân, một mùa hè, một mùa thu và một mùa đông nữa. Trong trí nhớ của tôi, chỉ còn những hình ảnh về mùa hè và mùa đông ở đây là rõ ràng. Tôi nhớ lẫn lộn bầu trời, cây cối giữa mùa thu và mùa đông. Còn mùa xuân thì hầu như tôi không nhớ gì hết. Tôi ghi trong cuốn sổ lịch. Ngày 14.10.1974 Buổi sáng mùa đông đầu tiên ở Phú Thọ, gió dư của cơn bảo số 8 đang rớt ngoài vịnh Bắc Bộ. Lạnh trong con mắt, nơi vết loét cũ của dạ dày tôi rồi. Những buổi sáng mùa đông ở Vỹ Dạ, trời lạnh và cây cối khô ráo; những hàng sầu đông rất buồn. Ngoài a-trô-pin ra tôi không còn một thứ thuốc dạ dày nào khác. Trong tình cảnh của tôi lúc này tôi chẳng viết gì được. Kinh khủng nhất là tôi không nghĩ tới chuyện làm thơ. Tại sao lúc đó tôi không nghĩ cách viết lén lút, rồi nhờ bạn bè cất giấu. Tôi mệt mỏi. Tôi không làm thơ, tôi không viết nhật ký, tôi chỉ ghi chép lúc đọc sách. Tôi cứ sợ nếu sau này tôi có cơ hội viết thì biết đâu tôi đã rã rời rồi. Óc não tôi đã lỏng ra. Những tư tưởng, suy nghĩ của tôi không biến được thành chữ nghĩa. Tôi bị dồn nén, tôi quẫn trí, tôi quanh quẩn với mình. Dạ dày tôi cứ rỉ máu, những cơn đau lên ngực, thốn thấu não. Lửa bốc trong đầu tôi. Tôi rã rời. Tôi điên rồi. Nhiều khi tôi muốn hét lên một tiếng thật to rồi hộc ra một đống máu. Quá tức, tôi là một thằng tù không bị giam trong ngục và những người chung quanh không bao giờ thả tôi ra.