gười mua ve chai ấy ăn mặc rất tàng, chiếc mũ vải rách đội hờ hững trên đầu, tóc cứng và bẩn, chân đi dép da cũ mèm. Hắn đi qua đi lại trước căn nhà ấy đã ba bốn hôm nay, đôi mắt đục, mặt lờ đờ như người say rượu. Nhưng hắn không say. Ðã mấy lần hắn thò đầu vô cửa nhà nhạc sĩ Phạm Hưng và hỏi: -Ông có giấy vụn, sách báo cũ bán không? Hưng lắc đầu. Nhưng hôm nay khi nghe hắn hỏi thì Hưng lại nghĩ ngay đến mớ sách cũ của mình, anh ngoắc hắn lại: -Báo thì tôi không có, nhưng sách cũ thì nhiều. Cậu có mua sách tiếng Tây không? Hắn không trả lời. Hắn đứng ngay cửa ra vào, mặt lạnh, cái nhìn dửng dưng như không. Hắn nhìn chăm chăm vào mặt gia chủ. Ðến khi hắn định bước vào nhà thì Hưng ngăn lại: -Cậu làm ơn bỏ dép bên ngoài. Hắn bỏ dép. Hưng lại chỉ cái miếng chùi chân làm bằng xơ dừa và nói: -Cậu chùi chân lên đây. Hắn chùi chân. Chẳng có vẻ gì là khó chịu. Mặt thì cứ lạnh. Khi hắn đã bước vào trong nhà rồi thì không nhìn đống sách cũ mà nhìn quanh căn phòng, nhìn những tờ lịch, nhìn bức ảnh bán thân để trên nắp đàn piano của Hưng rồi nhìn ra cửa sau. Hưng nhắc: -Sách đấy. -Ông có truyện chưởng không? -Có một bộ Cô Gái Ðồ Long. -Có Lệnh Xé Xác không? -Tôi không rành truyện chưởng lắm, Hưng nói, lại có một cuốn sách tên như vậy à? Hắn ngước nhìn Hưng, cái nhìn đục ngầu, rồi nhắc lại từng tiếng: -Lệnh Xé Xác. Hưng mời hắn một điếu thuốc lá: -Thôi, cậu cứ lựa đi. Mua hết càng tốt. Nhưng mà cậu có rành về sách cũ không đấy? Hắn làm thinh, lật những trang sách bằng một ngón tay, ngón trỏ ốm nhom nám khói thuốc lá vàng khè. Hắn lật một cách lơ đãng, lạnh lùng. Rồi chợt hỏi: -Sách Tây ông có gì? -Passager de la pluie, Le repos du guerrier… toàn chuyện tình và truyện trinh thám giựt gân cả đấy. Hắn cầm mấy cuốn sách lên, để qua một bên. -Ông chỉ cho tôi cái toa-lét. Hưng hơi ngạc nhiên vì cái vẻ lấc cấc của hắn, anh nhìn sững vào mặt hắn. Hắn đón nhận cái nhìn của anh không chút lúng túng. Rồi hắn cười. Nhếch một bên môi. Khi hắn cười tóc gáy của hắn giựt đến độ làm rung rinh vành mũ vải. Hưng cảm thấy khó chịu, anh nói: -Không được. Toa-lét tôi đang cọ rửa. -Không sao. Hắn lại nhếch cười, lại lật lật mấy trang sách bằng cái ngón tay vàng khè của mình. -Ông ở đây một mình à? -Cậu hỏi để làm gì? -Không có gì. Nhưng ông chỉ cho tôi cái toa-lét đi. -Không được. Tôi đã bảo là đang cọ rửa. Cậu mắc tiểu hả? Thế thì ra tạm sau nhà. Hắn đứng dậy đi liền. Khi hắn trở vô thì Hưng đã đứng sẵn ở cửa sau. -Ðợi chút. Khoan bước vào nhà đã. Và anh chạy lấy cái chùi chân bằng xơ dừa đem đến đưa cho hắn. -Chùi thật sạch mới được. -Nhà ông có ruồi không? Hắn vừa hỏi vừa bước vào. -Cậu hỏi để làm gì? -Không có gì. Hắn nói và đi đi lại lại trong phòng một cách tỉnh bơ như nhà của hắn. Hắn đến soi gương rồi cười một cách man dại, sau đó hắn lại gần cây đàn piano, gõ mấy nốt, rồi lấy ngón tay quệt lên mặt bàn, quệt lên thành ghế dựa. Hắn nói: -Không có một hạt bụi. Ông ăn ở sạch sẽ quá đáng. -Tính tôi như vậy. -Như thế chưa chắc đã sống lâu đâu. -Nhưng những người ở sạch có nhiều khả năng sống lâu hơn những người ở bẩn chứ. -Chưa chắc, chưa chắc. Thế ông không có Lệnh Xé Xác à? -Tôi đã nói là tôi không rành về chuyện kiếm hiệp. Cuốn đó bây giờ cao giá lắm sao? -Không hẳn. Nhưng ông nên tìm đọc cuốn đó. -Cậu có vẻ cũng là người có học. Trước đây cậu làm gì? -Theo ông thì tôi làm nghề gì? -Không biết. Nhưng cậu có vẻ là một người bất phùng thời. Cậu bất mãn chế độ hả? Hắn cười: -Chuyện đời, tôi bỏ ngoài tai. -Vậy thì cậu quan tâm đến chuyện gì? -Lệnh Xé Xác. -Hình như cậu không được bình thường. Thôi, chúng ta nói chuyện như vậy cũng đã nhiều. Nói thực với cậu vì tôi thấy cậu cũng là người có học vấn nên tôi mới tiếp chứ cái kiểu lấc cấc như cậu làm người ta bực lắm đấy. Hắn ném tàn thuốc ra cửa sổ. Một chút tro rớt lại trên nền gạch bông. Hưng gom nó lại. Người mua ve chai lấy năm cuốn sách, bỏ trong cái túi vải cũ, khoác lên vai, tay phải cho vào túi quần, thản nhiên nhìn chủ nhà. -Tôi trả ông năm ngàn. Hưng nhận tiền. Hắn bước ra cửa. Cứ thế hắn đi bộ tà tà giữa dòng xe cộ rộn rịp. Hưng gom mấy cuốn sách còn lại, cột thành bó, nhét vào ngăn tủ rồi thay đồ đi phố. Thành phố rộng thênh thang nhưng anh không đi đâu xa. Chỗ của anh là quán cà phê Hồng. Quán không sang trọng nhưng cũng không quá tồi. Có một chút vườn, một chút hoa, một chút bóng mát, vài cái ghế mây xen kẽ với ghế gỗ. Người Tàu già bán chạp phô ở đầu chợ đã ngồi sẵn ở cái bàn quen thuộc gần lối đi. Ly xây chừng trước mặt ông đã cạn và ông đã rót nước trà vào đó mà không cần tráng ly nên nước có mầu đục của đất sét bẩn. Ông ta không hút thuốc nhưng hay hít dầu Nhị Thiên Ðường. Hôm nay ông có xách theo một cái giỏ lát to đựng lỉnh kỉnh những dép nhựa, đồ chơi trẻ con. Hưng chọn một góc kín đáo, càng xa lão Tàu già ấy càng tốt. Anh ngồi dưới bóng mát của cây chùm ruột. Những người khách còn lại đều lạ mặt. Bọn họ đang trao đổi chuyện làm ăn với nhau. Nhưng Hưng thì im lặng. Anh bước vào quán không ai hay và chỗ anh ngồi cũng khuất tịch. Cả cô chủ quán cũng chưa hay anh đến. Anh cũng thấy không cần phải gọi cô đến dù anh rất muốn gặp cô. Ở đám đông nào cũng vậy, anh bao giờ cũng giữ một khoảng cách. Khoảng cách ấy là sự im lặng. Vài phút sau một người bạn của anh xuất hiện, đó là một nhà văn chưa ai biết tên tuổi mặc dù cũng có in vài ba cuốn sách. Ông ta dắt chiếc xe PC rách nát của mình xăm xăm vô quán, không nhìn ai, không nhìn cô chủ quán. Lúc ông ta dựng chiếc PC xong, ngẩng lên thì vừa nhận ra Phạm Hưng, Hưng chỉ nhếch mép cười, ra dấu mời ông ta lại ngồi cùng bàn. Nhà văn đến, ngồi đối diện bạn. Cả hai người đều ba mươi bốn tuổi và đều độc thân. Hưng thì độc thân vì hay kén chọn và có cái vẻ ngoài khó gần còn nhà văn độc thân vì nghèo và xấu trai. Họ ít khi lui tới chơi bời với nhau nhưng ở quán cà phê này thì họ thường ngồi chung. Ðiếu Lucky trên tay Phạm Hưng sắp tàn nhưng anh không ném đi. Anh lấy một điếu thuốc mới, rút bớt một số sợi thuốc ra, chừa một khoảng trống, rồi nhét mẩu thuốc đang cháy vào điếu thuốc mới, thế là anh có một điếu dài ngoằn. Ðó là trò chơi điệu nghệ của anh. Và đóm lửa trên môi anh không bao giờ tắt. Nhà văn khoe: -Mình có ý định viết về một tôn giáo mới, tôn thờ nhan sắc phụ nữ. Tại sao lại không thể có một tôn giáo như thế chứ? Ông thử nghĩ mà xem, chúa Giê-su cô đơn như thế, bất hạnh như thế mà vẫn là một giáo chủ. -Vì hàng trăm triệu con người trên hành tinh này tin và thờ lạy ngài. -Thoạt tiên không phải như thế, nhà văn nói, ngài có mười hai môn đồ nhưng gần như không có ai trung thành với ngài, hết lòng với ngài. Khi bọn quân lính của Hêrôđê đến vây bắt ngài xong, liền hỏi Phêrô, môn đồ thứ nhất của ngài: “Ngươi có biết người này là ai không?” Phêrô đã chối là không biết. Và ông ta đã chối đến ba lần như vậy. Còn Giuđa thì đã bán Chúa để lấy ba mươi quan tiền. Ông thấy không, chúa Giêsu đã bị đối xử tệ bạc như thế trong khi cô chủ quán này có biết bao nhiêu người say mê, tôn thờ, sao không thể lập ra một cái Đạo chứ? Hưng nhún vai và mỉm cười. Hồng đến với một cái khay nhỏ, đặt hai phin cà phê đen lên bàn. -Chào hai anh. Hồng nói và vén mái tóc óng ả của mình sang bên. -Chào cô thiếu nữ trong tranh. Nhà văn nói. Vẫn pha như thường lệ? -Dạ, cô gái nói, tách của anh có một tí bơ còn của anh Hưng thì ít đường. Nhà văn lại nói: -Em ngồi với chúng tôi một lát nhé. Cô gái ngồi xuống, lấy cái muỗng múc một chút cà phê trong tách của nhà văn, nếm thử. Nàng khuấy cà phê cho nhà văn bằng những ngón tay thon thả của mình, chậm chạp, lặng lẽ và trìu mến. Nhà văn ngồi say sưa nhìn cô gái nhưng tuyệt nhiên cái nhìn của anh không lộ liễu, sống sượng. Anh chiêm ngưỡng những ngón tay, những cử chỉ dịu dàng của cô. Còn Hưng thì lại tiếp tục trò chơi nối dài điếu thuốc của anh. Hồng đã khuấy xong tách cà phê cho nhà văn, quay sang Hưng, cô nói: -Anh uống đi. Em bỏ rất ít đường. Hưng lấy cái muỗng nhỏ, múc đường dưới đáy lên xem: -Vẫn nhiều. Anh khuấy nhè nhẹ và uống một ngụm nhỏ. Cô gái chào hai người khách rồi trở lại quầy. Nhà văn bóp trán, cúi mặt nhìn tách cà phê: -Vẻ đẹp thanh thoát lạ lùng. Nó tự nhiên như mây bay, như ráng chiều, như giọt sương sớm. Sao trên đời lại có được một vẻ đẹp hoàn hảo đến như thế! -Ông si quá rồi. Ông có muốn lấy Hồng làm vợ không? -Tôi biết anh muốn như thế Hưng ạ, còn tôi thì không. Tôi yêu cô ấy như yêu một vì sao. Nó lung linh sáng, nó như hạt ngọc đính trên trời đêm. Nó đẹp biết chừng nào nhưng mãi mãi không bao giờ mình nên chạm tới. -Anh nói giống như ca cải lương. -Đừng chế diễu. Tôi là nhà văn mà, tôi biết anh cũng đang chết mệt vì cô ấy. Và anh chỉ muốn cưới cô ấy làm vợ, phải không nào? -Cưới vợ à? Chỉ nghe hai tiếng ấy không đã thấy mệt rồi. Cứ tưởng tượng trong nhà mình bỗng nhiên có một phụ nữ đi đi lại lại, rồi lục đục trong bếp, rồi hỏi tiền chợ, rồi kêu đói bụng, kêu đi ăn phở, đi xem ca nhạc. Mình đang ngồi làm việc, đang suy nghĩ thì réo lên, anh ơi, anh sửa dùm em cái bếp điện… thì chán chết đi được. -Đừng làm bộ. Anh mà không muốn cưới cô Hồng này làm vợ thì tôi sẽ đi bằng đầu. Phạm Hưng vỗ vai nhà văn, anh nói: -O.K. Nếu tôi cưới được cô ấy thì sao? -Anh sẽ không bao giờ cưới được cô ấy. -Tại sao? -Vì nhan sắc ấy chỉ để chiêm ngưỡng, thờ lạy và cầu nguyện chứ không để chiếm hữu. Phạm Hưng uống cạn tách cà phê, vò nát bao thuốc rỗng không, ném đi. -Hãy đợi đấy, anh nhà văn ạ. Bây giờ tôi về. Anh cho phép tôi trả tiền nhé. -Anh cứ trả phần anh đi. Còn tôi, tôi cần ngồi lại đây một lát nữa.