Mặt trời đã chênh chếch về tây... Những cửa kính nhà máy tựa hồ cháy lên thành lửa đỏ. Da trời xanh trong không gợn vệt mây tạp sắc nào. Những chòm cây to nhuộm nắng trông như màu ngọc bích. Mặt đất, xám đen những sạn than, loang lổ những vệt bóng liền bên những vệt ánh nắng tha thướt. Trên gò cao, khu nhà máy cùng những ống khói cao vút in lên nền phong cảnh một nét sỗ sàng, bẩn thỉu. Bọn phu khoán làm xong công việc cứ lần lượt từng tốp chui ở dưới lò lên, tản ra các đường đi như một lũ quỷ sứ. Là bởi quần áo anh nào anh ấy ướt sũng, lấm bê bết, cả mặt và hai tay cũng nhọ thui. Họ đi nghênh ngang trên đường, cười ha hả, nhăn những bộ răng trắng như răng tây đen, và nói oang oang những câu tục tĩu: Công việc khổ sai đã xong, họ đã được vài giờ để nghỉ ngơi cái xác thịt. Lẫn trong đám người nom chẳng khác tụi ngoáo ộp ấy, Thuật lặng lẽ đi nhanh để về nhà, ở luôn mười mấy tiếng đồng hồ dưới lòng đất, anh ta lúc này có cái cảm giác của một người mù chợt lại thấy ánh sáng, hơn nữa, anh có cái cảm giác của một người đã bị đem chôn sống rồi lại được moi lên. Khoan khoái, Thuật chào cảnh thiên nhiên, chào ánh sáng mà anh thấy rực rỡ hơn mọi ngày bằng một nụ cười. Anh hít không khí vào đầy phổi và tưởng như linh hồn anh vừa được gột rửa sạch hết những cái nhơ nhớp nó đã thấm vào anh luôn trong mười mấy tiếng đồng hồ. Thuật nhìn chúng bạn thấy họ cũng một vẻ vui sướng như mình. Anh nghĩ thầm và nhận thấy cái vui sướng của những người nghèo khổ như anh thực rẻ quá! Đương vẩn vơ. Thuật bỗng nghe có tiếng người kêu oai oái, nhìn ra thì là mấy anh phu lò đương ghẹo mấy chị con gái làm ở máy sàng. Họ đứng chắn đường bọn con gái, giơ ra những bàn tay bẩn như tay gấu để chực bóp vú; mặt họ nhăn lại; mắt họ trợn lên; răng họ nhe ra như quỷ sứ nhà trời. - Nhà tôi đi đâu thế này? - A! Cô Tép!... Trời ơi! vú đâu mà nhọn hoắt như sừng trâu thế! Cho tớ bóp cái nào! - Phải gió cái nhà anh này! Có tránh ra cho người ta đi không? - Hẵng cho bóp vú cái đã! - Bóp cái con khỉ! - Thì chính bóp cái con khỉ chốc! Thế là cả bọn phá lên cười. Rồi, sau khi đám con gái đi khỏi, họ kháo nhau: - Con ấy mà anh em được một chầu thì phải biết! - Chắc nịch như bánh chưng tày! - Nhất là hai con mắt, lẳng quá! - Chưa lẳng bằng cái miệng! Cắn một cái thì phải biết. Thuật khó chịu quá về những câu thô bỉ nọ. Anh ta thấy lờ mờ rằng ở chỗ mỏ mẻ này tình yêu hình như cũng bị nhơ nhớp bởi mùi than đá và dầu máy. Rồi, do liên tưởng, anh chợt nhớ đến những chuyện gặp gỡ của anh với các cô con gái nhà quê. Thực khác nhau biết chừng nào! Ở đây, trai gái tỏ tình với nhau sỗ sàng, thô bỉ bao nhiêu thì ở chỗ đồng ruộng kín đáo, thanh nhã bấy nhiêu. Gặp nhau, họ không có cái thói chớt nhả. Chỉ một cái liếc mắt, chỉ một cái mỉm cười, chỉ một đôi gò má đỏ ửng như hai bông hoa phù dung là đủ cho hai bên rõ tình ý của nhau. Lại còn những cuộc hát quan họ với nhau trên cánh đồng trăng tỏ, trước làn gió sực nức mùi hương lúa... Bỗng, một anh con trai đi cạnh anh Thuật nói: - Mẹ đếch! Cái con Tép người thế mà đểu chúng mày ạ! Cả bọn nhao nhao ngay lên: - Thế nào? Con Tép đểu thế nào hở Đức? - Nó ngủ với Tây chủ! - Thế à? Thảo nào độ nó mới đến đây rách rưới như con ăn mày thế mà bây giờ đã ra phết lắm! Một anh khác hoài nghi hơn: - Chúng mày chỉ nói nhảm! - Nhảm à? Có mày mù mới không trông thấy sự thực. - Thằng Đức nó nói phải đấy. Tôi cũng biết chuyện. Đức hỏi lại kẻ đã chia cái danh dự biết chuyện của mình: - Mày biết thế nào hay lại nghe bóng nói mò đấy? - Không, chính tao biết rõ mà lại. Hôm ấy mẹ con Tép ốm. Nó lên nhà cai Tứ hỏi vay công để cân thuốc cho mẹ nó uống. Nó gặp Tây chủ ở nhà cai Tứ thế rồi... Một anh chêm ngay: - Thế rồi a la văng mát chứ gì? - Chính thế! - Đểu thật!... - Thảo nào mà nó được vào làm ngay ở trong nhà máy sàng! Thảo nào hai mẹ con nó bây giờ có tiền cho vay lãi!... - An Nam mình rồi mai kia có lẽ lai Tây hết!... - Có mà lai cái... Những đồ nhà thổ ấy thì nói làm đếch gì! Thuật cúi đầu thở dài. Những lời của bọn con trai nói tự nhiên khiến anh ta đau đớn và buồn vô hạn. Trước kia, khi còn ở nhà quê, nhiều lúc anh cũng ao ước được sống cái đời mỏ mẻ hái ra tiền như nhiều người vẫn khoe. Nay anh thấy cái đời ở đây chỉ hoàn toàn là sự cực khổ. Cực khổ đến nỗi một người con gái xinh đẹp như Tép mà phải đem thân làm đĩ mới kiếm nổi được thang thuốc cho mẹ uống và miếng cơm cho hai mẹ con ăn đỡ đói lòng! Không như bọn kia, Thuật không khinh bỉ Tép, không chửi Tép là đồ nhà thổ. Trái lại, Thuật cảm thấy một thương xót vẩn vơ đối với cô gái mà người ta đương dè bỉu như một vật cực kỳ ghê tởm. Và cái tấm tức anh vẫn mang trong lòng lại bắt đầu sạo sục hơn mọi khi làm cho Thuật rất khó chịu. Lão min-nơ bỗng vỗ vai Thuật: - Này, về nhà tớ chén cơm. - Thôi, bác để cho khi khác.
Tép rùng mình, chợt nhớ tới sự nhơ nhớp của cô, sự nhơ nhớp nó làm cho cô như tấm lụa vấy bùn. Thân em như tấm lụa đào Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai...? Tấm lụa đào kia đã bị xé lẻ. Tuy đó không phải lỗi tại cô; Tuy kẻ quyền thế đã lạm quyền xé lẻ của cô, tấm lụa cũng đã bị xé rồi, chẳng còn nguyên nữa! Tép cúi đầu trước hình ảnh Thuật như mỗi khi nhìn lên mặt trời mà chói mắt. Nhưng, cái hình ảnh kia vẫn thản nhiên không hề có vẻ trách móc và khinh bỉ. Trái lại tia mắt nhân từ và nụ cười hồn hậu của Thuật hình như còn hứa cho cô một sự tha thứ êm đềm nó cũng cần cho linh hồn cô như giọt sương đêm cần cho bông hoa úa nắng. - Câu chuyện xấu xa của ta, Thuật làm gì không biết. Thế thì câu anh Dương nói là nghĩa làm sao? Chắc chỉ có một nghĩa là Thuật tuy biết rõ hết mà anh không lấy thế làm khinh ta chứ gì? Anh Thuật không khinh ta thế nghĩa là anh hiểu thấu cái cảnh của ta, hiểu thấu cho ta không phải là một kẻ xằng bậy và đem lòng thương xót. Phải, chắc chỉ là thế! Tép định sẽ hỏi dò Dương về việc này. Đã là anh em, Dương chắc sẽ không giấu. Vả, nếu Dương định giấu thì anh còn hở câu chuyện cho Tép biết làm gì? Tép cảm động say sưa với một hy vọng êm vui. - Có lẽ ta sẽ gặp Thuật ở nhà anh Dương không biết chừng!...