ống trong vũ trụ hằng hóa, thế giới vô thường, suy nghĩ của mỗi người chúng ta đều có chung một hướng là muốn thấu hiểu được sự tương quan giữa Ta với Trời Đất và Nhân Thế. Từ đó rút lấy nguyên lý sống hợp với thiên nhiên và thuận với sự phát triển của xã hội.Trong võ học cũng thế, rèn luyện thân thể, nuôi dưỡng tâm linh để thành một con người toàn diện, sống tự tin với mình, sống vui hòa với đời, sống tương hợp với trời đất . Đấy là nguyên lý của võ đạo. Riêng tại Viễn Đông, nơi có một nền văn minh nông nghiệp lâu đời và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử, con người nơi đây đã xây dựng một vũ trụ quan đặt cơ sở trên biến dịch và thường hằng, bằng cách kết hợp những yếu tố đối nghịch vào trong một thực tại tối hậu, lớn lao, bao trùm và phi nhân cách, mà người ta gọi là Đạo.Vốn mang một tinh thần thực tiễn, con người Viễn Đông không buông mình theo trí tưởng tượng vô hạn và huyễn hoặc, cũng tránh dấn thân vào con đường suy tư tự biện đầy lý tính, họ đã chọn thái độ minh triết thay vì tôn giáo thần bí hoặc khoa học thuần lý như con người ở các nơi khác đã làm. Và chính nền minh triết đó đã thấm nhuần ảnh hưởng lên khắp mọi địa hạt của nền văn hóa Viễn Đông, len lỏi vào cả những ngóc ngách vi tế, thâm sâu và tư riêng nhất của cuộc sống con người, từ y học, lý số, kiến trúc, thiên văn , nghệ thuật... và đặc biệt nhất, võ thuật. Vì thế, nền võ thuật ở Viễn Đông, khác với ở các nơi khác, không phải chỉ là việc luyện tập thân thể để nhằm phục vụ cho nghệ thuật chiến đấu ( Martial Art ) mà mục đích duy nhất là giúp người ta chiến thắng ; ngược lại, đây hầu như là một phương pháp tu luyện cả xác lẫn hồn, một lối sống mà cứu cánh là đạt đến sự hòa hợp giữa ta và người, giữa người và vũ trụ. Cho nên võ thuật ở phương Đông, dầu thuộc môn phái nào ( Thái cực quyền, Thái cực đạo, Không thủ đạo, Hiệp khí đạo, Kiếm đạo, Nhu đạo...) tất cả đều có cùng một nguồn gốc chung và đều là võ đạo, là sự thể hiện điển hình tinh túy nhất của nền minh triết Đạo học và võ thuật phương Đông. Nền minh triết đó cũng thường được gọi là Tam giáo đồng nguyên, là sự dung hợp của ba nguồn tư tưởng Nho, Lão, Phật tại Viễn Đông ( sở dĩ gọi là " một nguồn ", vì theo truyền thuyết, Khổng tử học lễ với Lão tử rồi sau đó, cũng theo truyền thuyết, khi Lão Tử bỏ quan đi về phương Tây, đã truyền thụ đạo lý của mình tại Ấn Độ ). Tuy nhiên, thoạt kỳ thủy, nền minh triết này được xây dựng trên hai yếu tố là Dịch và Đạo, hai nội dung mang tính bản thể luận của đạo Nho và đạo Lão, hai nguồn tư tưởng cổ xưa tạo nên nền văn hóa cổ truyền của Trung Quốc. Hai nguồn tư tưởng này được thể hiện trong Kinh Dịch và Đạo Đức Kinh. Chính vì vậy, ở đây dịch lý được đưa ra bàn. Quan điểm vũ trụ của luận thuyết này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, dù chính chúng ta không hiểu gì về chúng. Nhưng cả một nền văn hóa phương Đông, mà chúng ta đã mặc nhiên chịu ảnh hưởng đều chứa đựng quan điểm đó.Dịch là biến động ư? Đúng. Khổng Tử nhìn dòng sông, hỏi về " dịch ": chảy, chảy hoài chảy mãi như thế chẳng lúc nào ngừng ư? Nhưng vũ trụ có tính cách hằng hóa vô cùng bất tận, vậy tính cách thường hằng lại đã hiện hữu ngay trong biến động, và biến động trở thành một gương mặt khác của bản tính thường hằng.Chính nhờ vậy mà trời đất mới phát triển toàn diện. Võ đạo mới có hồn, Võ đạo biến hóa không cùng mà vẫn có bản tính nhất thống trong đó. Kinh Dịch là cuốn sách không chữ bàn về sự thay đổi, biến dịch của trời đất, vũ trụ, tương truyền có từ thời Phục Hi của huyền sử Trung Hoa. Vị vua này xem xét mọi sự việc của trời đất, dùng các vạch đứt và liền ( tượng trưng cho hai yếu tố âm và dương ) làm các quẻ và xếp đặt thành Tiên Thiên Bát Quái. Đến thời vua Văn Vương nhà Chu ( 1100 trước CN ), ông lý giải và sắp xếp lại cho hợp lý rõ ràng, bằng cách sắp ngôi vị 8 quẻ Tiên Thiên Bát Quái của Phục Hi thành Hậu Thiên Bát Quái. Về sau nữa đến thời Khổng Tử ( thế kỷ thứ 6 trước CN ) vị tôn sư của đạo Nho này đã san định lại sách vở và soạn lại Kinh Dịch thành mười cuốn gọi là Thập Dực, thêm vào đó có những lời chú cô đọng ( gọi là hệ từ ), giảng giải tất cả lẽ cấu tạo của trời đất, vạn vật, quy luật của biến dịch và tuần hoàn trong vũ trụ. Đó là cuốn sách xưa nhất và quan trọng nhất được dùng làm nền tảng cho nhiều ngành học thuật Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung, từ chính trị, xã hội cho đến chiêm tinh, lý số v.v...mà yếu quyết là nhìn tính đa dạng, biến hóa của vạn vật trong tinh thần nhất thể. Cuốn sách kinh điển khác cũng là nền tảng cho minh triết phương Đông là Đạo Đức Kinh của Lão Tử, đề cập đến bản nguyên, thực thể tối hậu của vũ trụ mà ông tạm gọi là Đạo. Thực thể đó tuy không thể gọi tên, nhưng có mặt khắp nơi, luân chuyển, biến hóa, bao trùm tất cả bằng cách gắn kết các mặt đối lập và luôn luôn trở lại chứ không bao giờ chấm dứt. Con người chỉ có thể sống thanh bình an lạc nếu biết tuân theo sự vận hành của Đạo, mọi nỗ lực đi ngược lại với Đạo chỉ dẫn đến suy vong hủy hoại. Với phương Đông, tôn giáo đã đóng một vai trò khá quan trọng, tuy nhiên chúng ta đừng tin vào tôn giáo một cách mù quáng, mê tín, mà phải rút tỉa những ưu điểm tối thượng của nó, cũng như Phật dạy phải khảo sát những lời giảng dạy của Ngài, quán xét tận tường, đừng bao giờ vội chấp nhận chỉ vì sự tôn kính hay tin tưởng Ngài. Ngài dạy, phải khảo sát chúng như khảo sát một mẩu vàng. Muốn biết vàng có tốt không phải dùng lửa đốt, dùng búa đập để biết thật hay giả. Sử dụng trí tuệ của mình trước khi thiết lập niềm tin, đó là tính cách đi vào thực tập hướng sống của Phật Đạo, nên không trách ai đó cho rằng Phật giáo không phải là tôn giáo, mà là một minh triết, một triết lý, một căn bản Đạo lý sống đời. Vì đã là tôn giáo thì có khi có những đòi hỏi phải chấp nhận tín điều như một tín ngưỡng mù quáng, và không cần thiết để tự mình xử dụng trí tuệ khám phá chân lý.Tình hình cũng vậy đối với Lão giáo và Khổng giáo. Dĩ nhiên có nhiều dị biệt giữa các tôn giáo này, nhưng điểm tương đồng lớn nhất của ba giáo phái trên là quan điểm về Đạo thể của vũ trụ. Lão chủ trương Vô Vi, Khổng chủ trương Hữu Vi. Phật dạy: Vô vi không Hữu vi không Vô vi hữu vi không, Nội không Ngoại không Nội ngoại không, Không Không Đại không Thắng nghĩa không... Nhìn qua, Lão và Khổng có vẻ tương phản, nhưng thực tế hai học thuyết đều cùng một căn bản về thế giới quan, chỉ khác nhau trên phương diện nhân sinh quan, tức phương diện nhập thế, xử sự ở đời. Lão chủ trương sống hồn nhiên, ung dung tự tại, cá nhân có nhiều tự do, hành động đúng nhịp với vũ trụ, hợp với Đạo làm người, đó là Vô Vi của Lão giáo.Khổng giáo, ngược lại, thực tế, muốn nhập thế hơn, dạy con người sống theo bậc chính nhân quân tử, thanh nhàn và phải tích cực hành động, đóng góp cho xã hội, xây dựng quốc gia, xã hội tốt dẹp dựa trên Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín. Như vậy giữa Lão và Khổng hành động tuy có mâu thuẫn nhưng cùng một mục đích xây dựng rèn luyện con người, tạo tiến bộ và công danh cho cái lý tưởng cứu cánh là đóng góp cho xã hội, đó là Đạo. Phật giáo và Khổng giáo có rất nhiều điểm tương đồng, như Đại thừa Phật giáo cũng đi vào con đường nhập thế, vì Phật Thích Ca tuy xuất gia nhưng quan niệm xã hội là hiện hữu, mà đã là hiện hữu thì không thể chối bỏ.Chủ trương tu hành của Phật giáo không chỉ tìm giải thoát cho chính mình mà giải thoát qua hành động tận tụy cứu khổ chúng sinh. Đau khổ đến từ đâu? Nguyên do là gì? Làm sao để chữa trị? Phật giáo đã kết luận đau khổ đến từ Tham, Sân, Si vì chúng nhiễu loạn tâm, lôi cuốn con người vào vòng bất an, đau khổ. Phật giáo đã cống hiến vô vàn phương thức để đạt đến bình an nội tâm bằng cách dứt bỏ cái Ngã, dứt bỏ tham ái, tháo gỡ mọi ràng buộc." Ở đầu không có gì đến, ở giữa không có gì trụ, và ở cuối không có gì đi." Nhưng cái Ngã như một thực thể hiện hữu, trong tâm thức? Trong thể xác? Trong tương lai chưa sinh ra? Mà tương lai thì chưa hiện hữu. Trong quá khứ? Đã là quá khứ thì không còn hiện hữu. Làm sao cái Ngã có thể thuộc về thứ gì chỉ còn là ký ức. Như vậy cái Ngã chỉ còn trong hiện tại, nhưng nó không hình tượng, không màu sắc, không trụ chỗ nào, cái khoảnh khắc hiện tại quá mong manh, quá ngắn ngủi, quá mơ hồ. Nhìn từ phía này đã là quá khứ, nhìn từ phía kia hãy còn là tương lai. Phật giáo khám phá bằng thực nghiệm, bằng Thiền quán, rằng cái Ngã không hiện hữu thực sự, đó là tiến trình giải thoát. Vì tự đáy sâu của sự đau khổ chính là gương mặt của Tâm do chính ta tự cảm nhận,còn thực tánh của Tâm vốn không bị ảnh hưởng của khổ đau hay hạnh phúc. Để tóm tắt, cuốn sách này chỉ muốn phối hợp Thân và Tâm vì võ thuật giúp rèn luyện cơ thể, mục đích để dưỡng sinh phòng chống các bệnh tật, mong được hạnh phúc đồng thời giúp đời sống tâm linh đi theo đúng hướng, giản dị hóa cuộc đời, không cần tranh đoạt các thứ mà thực ra ta chẳng cần tới và giản dị hóa tâm thức " Đừng quay về quá khứ, cũng chẳng tưởng đến tương lai ". Còn hiện tại khó mà nắm bắt từng hơi thở buông ra cũng như từng niệm khởi lên tương tục. Ngay chính cuộc đời cũng thế, dù cho bạn có thỏa mãn bao nhiêu dục vọng, dù cho bạn có bao nhiêu của cải, bao nhiêu người hầu kẻ hạ, sống trong lâu đài sang trọng và dĩ nhiên một số hạnh phúc nào đó, bạn cũng không hoàn toàn sống trong chân lạc, hạnh phúc và vẫn phải khổ đau. Vậy cái gì có thể mang đến chân lạc hạnh phúc thực sự - đó là Tâm, vì Tâm đóng vai trò quan trọng cốt yếu của thỏa mãn hay bất mãn, của khổ đau hay hạnh phúc. Tâm ở trong từng mỗi kinh nghiệm của cuộc sống, vì vậy chúng ta phải sống và thực hành Thiền định, ta có thể thực sự tự giải thoát mình ra khỏi vô minh. Vậy thì mục đích thực sự của người học võ vốn là gì?Câu trả lời xưa nay vẫn còn đó. Mỗi người một mục đích, ngay cả học võ để trả thù cũng không ngoại lệ.Nhanh hơn, mạnh hơn, hay hơn... nhưng vượt lên tất cả các câu giải đáp, sự quyến rũ của võ thuật còn có một thứ gì cao hơn. Đó là sự cởi mở tinh thần được bộc lộ bằng lòng vị tha trước mọi thử thách.Một sự hợp nhất kỳ diệu của Thân trong niềm an lạc thực sự của Tâm, nên người học võ không những chỉ tốt lành mà còn phải công bằng và có phong cách, cách duy nhất để sống đời có phẩm chất thực sự. Trí phải sáng suốt để phán xét mọi vấn đề, lòng phải nhân ái, thành thật, nhưng cương quyết và quả cảm để hành động tới đích, đó là mẫu người quân tử của Khổng tử. Khi nào cũng muốn đủ sức để mang lại công bằng cho xã hội, diệt gian, trừ bạo, chống tham tàn. Người võ đạo quan niệm hạnh phúc của chính mình luôn luôn liên kết mật thiết cùng hạnh phúc của tha nhân. Đối với người học võ, từng khoảnh khắc trong cuộc sống đều quý báu nên họ đã khổ luyện từng giây từng phút, không những trong võ đường mà còn ngoài đời, vì sao? Bởi vì trong từng phút giây sống, dù cho việc gì xảy đến, dù phải đối phó những tai họa đau đớn khủng khiếp cũng cho họ những kinh nghiệm và cảm hứng để hành hoạt giúp đời, giúp người.Vì chính ở tận đáy sâu của sự đau đớn, khổ luyện là ước vọng của vị tha là sở nguyện phòng hộ che chở con người, và đó cũng là bản chất trong sáng của người sống theo võ đạo. Một người có Tâm lực mạnh mẽ và một sự ổn cố trong thực hành tâm linh, đó là sự mãn nguyện trong cách sống của người võ đạo. Theo Lão Tử, vũ trụ vạn vật quy về hai chữ hữu và vô,tức vật thể hữu hình và khoảng không vô hình.Vô là khoảng không giữa mặt trăng và quả đất, giữa quả đất và mặt trời, giữa các vì tinh tú, giữa vô số những hành tinh, định tinh.Vô là khoảng trống giữa các hạt điện tử và nhân nguyên tử, giữa các nguyên tử phân tử.Đâu đâu cũng có âm dương vô hữu... Nhưng " vô " không phải là chân không trống rỗng, không phải là không có gì cả mà hàm chứa những sức mạnh phi thường. Sức mạnh làm chuyển động mặt trăng quanh trái đất, sức mạnh làm chuyển động trái đất quanh mặt trời,sức mạnh của cả thế giới vi mô lẫn vĩ mô, nó bao la mạnh mẽ vô song lại là sức mạnh lớn lao thúc đẩy lôi kéo điện tử quay quanh hạt nhân nguyên tử vì có khi bùng nổ. Ôi! trong cái vô tưởng chừng như trống rỗng, mong manh ấy là cả bão táp, là sóng gió của cả vũ trụ... Và cũng như âm dương, hữu -vô không phải là hai thực tập đối lập, tách rời nhau mà chỉ là hai mặt của một nhất thể: Vô cô đọng lại thành hữu, hữu bùng nổ để trở lại vô. vô hữu hữu vô,không sắc sắc không là nhịp điệu biến hóa trùng điệp của vũ trụ. Võ đạo cũng biến hóa theo nhịp điệu biến hóa vô hữu hữu vô trên. Từ những động tác rời rạc kết tinh lại thành một thế võ, một đường quyền, đường kiếm. Rồi từ một đường quyền đường kiếm đã bị lộ hình ra rồi lại phai tàn đi vào thinh không, để xuất hiện những đường quyền đường kiếm khác. Như thế, ta có thể dễ dàng nhận thấy không có gì khác biệt lớn giữa Nho và Lão, hai cội nguồn tạo nên minh triết phương Đông. Dẫu có khác nhau về cách hành xử ( xuất thế-nhập thế ; vô vi -hữu vi...) cả hai đều chủ trương hướng về một thực tại tối hậu biến hóa bao trùm mọi vật.Thực ra tối hậu đó được biểu hiện bằng những cặp tương phản, đối nghịch và bằng sự biến dịch miên viễn, sinh sinh hóa hóa nhưng thủy chung vẫn giữ tính nhất thể thường hằng. Cho nên người học đạo là kẻ biết thuận theo biến động, đồng thời giữ bền với nhất thể (" thiên hạ chi động,trinh phù nhất giả dã " Kinh Dịch ) và hiểu rằng Đạo luôn luôn trở về ("Phản giả, đạo chi động "- Đạo Đức Kinh). Vì thế mục đích tối hậu của người học đạo là trở về, sống hòa hợp với tự nhiên. Thế giới quan đó được thể hiện một cách rõ ràng trong nền võ thuật phương Đông: võ thuật cũng biến hóa theo nhịp luân chuyển tự nhiên của vũ trụ. Không lạ gì nhiều thế võ của phương Đông được gợi hứng, hình thành, mô phỏng từ một hiện tượng tự nhiên, hoặc từ một tư thế của động vật, thậm chí từ một cánh chim bay hay từ một chiếc lá rơi... Tất cả diễn ra trong một vòng tròn bất tuyệt, biến hóa khôn cùng mà vẫn giữ được tính nhất thể. Đạo học của Nho và Lão đã trở thành nền tảng của minh triết cũng như của võ thuật phương Đông, tuy nhiên nền minh triết đó chưa thật đầy đủ: Nho và Lão đề cập đến tính biến hóa ( dịch ) và tính nhất thể ( đạo ) của vũ trụ, nghĩa là phần bản thể luận. Để trở thành một nền minh triết toàn vẹn, cần phải có một trụ đỡ khác, đó là phần tri thức luận. Phải hơn năm trăm năm sau, vào đầu Công nguyên, Phật giáo từ Tây Trúc đã đem đến cho Trung Hoa một luồng triết học phong phú với những khái niệm mới mẻ, đặc biệt là những kiến giải về Tâm, hiểu như là chủ thể của nhận thức, còn trước đó, Mạnh Tử cũng đã đề cập tới Tâm, nhưng Tâm này theo nghĩa đạo đức, tức là lòng thiện., thể hiện tiêu biểu nhất sức mạnh tinh thần phương Đông - Cũng chính con người đó đã xây dựng một nền võ thuật đặt căn bản trên nền minh triết này, bởi trước đó, Trung Quốc chỉ có một nền võ thuật dân gian chưa được hệ thống hóa. Chỉ với Thiền Tông, võ thuật Trung Hoa mới thực sự trở thành Võ đạo. Con người kỳ bí đó là Bồ Đề Đạt Ma.