ột sớm tinh mơ ở Huế trời rét đậm vào cuối tháng chạp, tôi mở cửa ban công của căn phòng 212 trong khách sạn Morin ở tầng hai,nhìn xuống mặt đường Lê Lợi, xa hơn là cầu Tràng Tiền vừa thức giấc trên dòng Hương êm đềm và sương mù lơ lửng. Khách quan nhìn nhận Huế là một thành phố đẹp, đẹp mặn mà, dù ở trong bất cứ thời khắc nào, nơi chốn nào, thời tiết nào. Ngày-đêm, sáng-chiều, bão bùng, gió táp, nắng dội, mưa dầm... đều có cái đẹp riêng của cảnh quang và khí hậu. Buổi bình minh của Huế thường đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát như còn thoảng hương đêm. Khi những dãy đèn cao áp bắt đầu nhạt màu trên đường phố,hừng đông chỉ mới ửng hồng chưa loang trên màu nước đậm xanh sông, từ các ngả đường đã bắt đầu xuất hiện những gánh quà rong như bún, cháo, bánh canh, cơm hến, rau quả... nặng trĩu trên những tấm vai gầy của người phụ nữ Huế, tảo tần năm tháng, sáng chợ chiều quê. Cái đẹp trong thời gian đầu tiên trong ngày ở Huế luôn gắn bó với hình ảnh con người, vì vậy mà không đơn điệu, luôn thấp thoáng màu hư ảo của quá khứ, nồng nàn hương vị tương lai. Là một người xa quê hơn mấy mươi năm trở về, tôi không khỏi ngơ ngẩn và bồi hồi khi bắt gặp một sớm tháng chạp rét mướt, đẹp lạnh lùng của Huế. Tôi ra khỏi khách sạn, tản bộ vòng qua đường Nguyễn Đình Chiểu - một con đường ngắn sạch sẽ dọc bờ sông Hương. Chính ở bờ sông này tôi cũng như những người xa quê khác, thường thích ngắm nhìn con sông đẹp đẽ này vào mỗi " rợn" sáng cũng như mỗi hoàng hôn, mà xa kia sau núi Kim Phụng hình như có khói chiều đang gợn nhẹ trong mây. Nhìn sông Hương trong những lúc này mới thấy hết cái hay cái đẹp đầy ấn tượng trong ngữ cảnh của câu thơ qua bài "Màu tím hoa sim" của nhà thơ tiền chiến Hữu Loan..."Khi gió sớm thu về rờn rợn nước sông ". Tôi trở lại con đường ngắn này thêm một lần nữa, quen thuộc như con đường mà cậu học trò bé nhỏ của Thanh Tịnh ngày xưa đã đi lại lắm lần. Tôi vừa định dừng lại quán cà phê "Thiên Đường " để uống ly cà phê đầu ngày nhân thể đợi một người bạn cũ, nhưng trước mặt tôi giữa dòng nước xanh biếc, có mấy người đàn ông trên một chiếc thuyền đang cố gắng lôi một xác chết lên từ dòng nước. Trên mấy nhịp cầu có vài nhóm người đang tò mò nhìn xuống sông bàn tán. Hỏi chuyện, mới biết có người lao xuống cầu tự tử đêm qua. Người chết là một nữ sinh viên xứ Quảng mới ngoài hai mươi tuổi, em trọ học ở Huế đã mấy năm rồi. Trong cái giá buốt của thời tiết những ngày cuối năm, giữa lúc mà mọi người đang rộn rã chuẩn bị sum họp đón xuân về, thì người con gái ấy lại đi tìm cái chết cô đơn lạnh lẽo. Nỗi buồn sâu chợt đến và lan truyền trong tôi. Thương thì thương, nhưng cũng giận, tôi trách em sao vội vàng từ bỏ cuộc đời khi tuổi hoa niên còn thắm màu xuân sắc. Em tìm cái chết cho riêng em thì đã đành, nhưng còn mẹ cha? Người mẹ có thể là một phụ nữ đang còng lưng dưới cây đòn gánh trĩu nặng trên hai đầu thúng, hay người cha đang khuya sớm lóc cóc một cuốc xe thồ kiếm sống lần lữa qua ngày. Em chỉ vì em mà sống hay chết thôi sao! Tháng trước khi đi qua một vùng quê xa ở miền Trung đất nước, tôi đã chứng kiến cái chết của một thanh niên. Thi thể em được đắp sơ sài bằng một tấm chiếu cũ, đôi bàn chân đen gầy ló ra ngoài mép chiếu. Hỏi thăm tôi mới biết người chết là một thanh niên chân chất yếu đuối. Em hằng ngày lên rừng đào củ, kiếm củi đốt than, chắt chiu nuôi nấng hai đứa em còn bé dại mà bố mẹ đã qua đời. Em chết vì sốt mà khi lên cơn lại không biết nương tựa và cầu cứu vào ai.Vùng quê heo hút mà em gởi thân, cách xa thị xã cả vài chục cây số, dân ở đó lại nghèo không sẵn phương tiện. Người ta giúp em chỗ nằm, bát nước và vài viên thuốc cảm sơ sài. Em đã không thoát khỏi bàn tay của thần chết. Mỗi ngày qua tại các thành phố lớn trong nước có hàng chục, hàng trăm cái chết lãng xẹt như: đua xe, dùng ma túy quá liều hay đâm chém nhau đến thí mạng. Những cái chết dữ dội và lầm lạc này không mảy may gây xúc động lòng người. Trước những nỗi buồn, những nghịch cảnh lớn nhỏ, người con gái trên đã vội tìm đến cái chết, còn người thanh niên kia lại chết giữa lúc lòng mong được sống cho tình nghĩa đương nặng của mình. Thương thay cho em lại không có được một liều thuốc hoàn sinh mà giá trị chỉ bằng một buổi nhậu khề khà. Cả hai đều từ bỏ cuộc đời khi tuổi còn rất trẻ, hai cái chết đó đều có nguyên nhân từ sự yếu đuối. Một là yếu đuối tâm hồn, hai là yếu đuối thể xác để không chống chỏi được bệnh tật vì phải thường xuyên sống trong lam lũ đói nghèo. Tôi muốn nhắc cho Michael con tôi và các bạn trẻ đồng lứa: trên cuộc đời này có rất nhiều người trẻ tuổi đang sống và hăm hở xây dựng nhân phẩm của mình qua thái độ và phong cách sống của họ. Những người này nhiều lắm, họ bươn chải để vượt qua những thử thách cam go của cuộc đời và đứng dậy trong tư thế tiến về phía trước. Họ tin tưởng quy luật " qua cơn khổ tận đến ngày cam lai ". Vâng, tài sản quý nhất của đời ta từ khi sơ sinh cho đến lúc trở về cát bụi là: Tuổi trẻ. Tuổi trẻ là những ngày tháng phiêu bồng trác tuyệt, là bức tranh đời hoành tráng, trong đó chứa đựng những gam màu diễm lệ, với không gian đầy ắp nhạc điệu cung đàn thanh khiết của mùa xuân. Một sự thật đang diễn ra hàng ngày trên đất nước ta - trong sĩ số lớp trẻ ngày càng có không ít người bỏ cuộc, tha hóa rất nhanh để sa sẩy vào cuộc sống thực dụng rồi đọa lạc. Nguyên nhân của bi kịch ấy cũng dễ hiểu: Một số người lớn không còn là khuôn mẫu để con trẻ noi theo, một số khác cũng đang lún dần vào hố sâu của những lỗi lầm tệ hại. Thanh niên, thiếu nữ không còn sân chơi cho tâm hồn, các em không biết nương vào đâu trước những cám dỗ vật chất mãnh liệt của đời sống, trước những réo gọi thất thanh của một nền văn hóa mới dựa lưng trên những kêu đòi vật dục. Chuyện những nhóm trai gái chỉ trên dưới mười sáu đôi mươi, ngày nào cũng tụ tập hít heroin, đêm đắm say trong vũ trường dùng hồng phiến thuốc lắc... Cuộc chơi tốn tiền triệu đó cứ tiếp tục ngày này qua ngày khác, cho đến khi rũ rượi thân tàn trong phòng cấp cứu bệnh viện, hoặc lao vào tội ác để chịu cảnh lao tù. Đồng tiền mà các em chi trả cho những cuộc chơi đó thường là do cha mẹ mình kiếm được bằng mồ hôi của lao động, có khi là thuần khiết thanh cao, nhưng đa số là đang bị xã hội lên án nặng nề vì bất chính. Đây chỉ là số ít, nhưng tác hại thay đang có nguy cơ chập chùng cấp số nhân, được xem là lối sống, là cách trả lời, khi mọi chuẩn mực đạo đức đều bị nhìn qua vẻ lấp lánh giả tạo của đồng tiền. Trong sóng đời xô đẩy đầy cạm bẫy và thử thách ấy, có nhiều bạn trẻ đã và đang vượt qua hoàn cảnh một cách đáng khâm phục nhất là những người có số phận không may mắn như những người đồng lứa khác. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ ngày tất tả đi làm các việc thời vụ linh tinh, để kiếm tiền đủ trang trải cho hai bữa cơm bụi bình dân rồi đến giảng đường miệt mài học tập. Nhiều người tuổi chưa quá hai mươi mà phải lo toan gánh nặng gia đình trên đôi vai nhỏ bé. Họ đã sống trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình trong ngọt bùi chua chát, không hề hay biết đến những cuộc gọi điện thoại di động trong hộp đêm, những tiệc lớn tiệc nhỏ mà rượu, bia, chất kích thích tràn trề như nước lã. Nhiều cuộc đời riêng đã cam chịu thiệt thòi vật chất để giữ trọn phẩm hạnh và tiết tháo của mình. Một sĩ quan chấp nhận về hưu non để sống đời giản dị, mà theo ông:" Thà hái rau má trên mồ liệt sĩ để ăn chống đói qua ngày chứ không ham đồng tiền bẩn thỉu mà nỡ quên công lao của những đồng đội đã hy sinh. Trong hồi ức của một người học võ nầy là những lời giãi bày của tác giả. Tôi đã cố gắng trình bày võ học như một hướng sống lành mạnh, giữ tâm trong sáng, yêu người, yêu đời, bình thản trước mọi cám dỗ... mà rất ít khi đem võ học để liên hệ đến những nền học thuật uyên áo của phương Đông. Điều tác giả muốn gửi gắm chỉ đơn giản là: Từ võ học đến võ đạo và đằng sau một hình thức tập luyện thân thể thuần túy thể thao thì có cái gì khác, hiện hữu ngay trong đời sống, làm thành nếp tư duy tốt đẹp của ta với đồng loại. Một môn thể thao được nâng lên thành Đạo như là cách tập trung tinh thần tốt nhất để nhập thế và nhận ra mình một cách toàn diện, làm chủ mình hoàn toàn trong đối đãi. Chiến đấu với bệnh tật hoặc chiến đấu sinh tử với cái ác, võ học là nhân học, là liệu pháp hoàn hảo nhất để sử dụng như chất kháng sinh tiềm ẩn, sẵn sàng bảo vệ thân tâm trước mọi thách đố của sự hủy hoại đang xảy ra chung quanh cuộc sống thường ngày. Đạo của võ không phải là suy luận của giáo nghĩa hoặc phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn thờ. Thiết thân nhất, các bạn trẻ hãy dùng võ để thấy và biết những điều mà lục căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ) thuộc bản năng dấy động không thể cảm nhận được. Bạn từng xem một trận bóng đá đỉnh cao và tận hưởng niềm vui của những người ham mê môn thể thao này. Tất cả giác quan của họ đều cuốn theo những đường banh phối hợp đẹp mắt, những kỹ thuật điêu luyện như chơi với trái bóng. Đó là Đạo. Túc cầu giáo có hơn cả tỷ người trên hành tinh này, họ không bao giờ muốn niềm tin của mình bị tước đoạt và phản bội khi có một trận thi đấu sắp xếp giả dối. Những cầu thủ trên sân đã trở thành người thân không thể thiếu được cho niềm vui cuộc sống, những cử chỉ đẹp được tán thưởng, ngược lại các hành động thô bạo, ác ý đều bị lên án trong và ngoài sân cỏ. Kỹ thuật và sự tinh tế của tim óc trong bóng đá đã biến môn thi đấu này trở thành nghệ thuật chơi tập thể, nâng cao để hoàn thiện những động tác kỹ thuật trong bóng đá cũng như một võ sinh phải tập thuần thục bài quyền. Thân thể của người học võ và người chơi những môn thể thao khá mạnh mẽ, nhịp nhàng theo hoạt động của tứ chi và các giác quan đều được hướng dẫn cho phải đạo, họ không thể làm sai những điều mình đã tập luyện. Người học võ khi đạt một trình độ nhất định nào đó,không bao giờ sử dụng vũ lực một cách tùy tiện, họ dùng võ để bảo vệ chính nghĩa và những người cô thế bị ức hiếp mà thôi. Trong hồi ức này, tôi mong rằng các bạn trẻ xem đó là cuộc nghiệm sinh của tôi với cuộc đời. Tôi mong rằng các bạn hãy gõ cánh cửa luôn sẵn sàng mở rộng ấy! " Vừng ơi hãy mở " như câu chuyện thần thoại ngày xưa, ở đằng sau cánh cửa ấy là cả một kho tàng dành riêng cho bạn. Michael ơi! Như phần đông những người thuộc thế hệ của Ba thời ấy, biết bao người mà tuổi trẻ đã có quá nhiều mất mát trong cuộc chiến tranh dài. May mắn thay khi đến trường, thế hệ của Ba đều đã đọc và học Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, Quốc văn giáo khoa thư và các tác phẩm nổi tiếng viết về tuổi thanh xuân của nước ngoài như Tâm hồn cao thượng, Nhật ký Anne Frank với những trang chứa đầy ước mơ và khát vọng đẹp đẽ nhất của con người trước cuộc đời. Con có nhớ không? Trên sân vận động của Trường Aliso hôm nào Ba đã chứng kiến đội bóng "Chó Sói " của trường con thi đấu. Con là một cầu thủ trong đội bóng đã chiến đấu tận tình và hiên ngang ngẩng cao đầu dù kết quả là thua trận, khi chỉ còn 16 giây cuối cùng trước đội bóng "trên cơ " của trường bạn. Tình đồng đội và những hành vi cử chỉ thể thao cao đẹp được thể hiện trên từng tấc đất của sân cỏ cho đến cầu môn của hai đội. Tiếc rằng lúc đó con không có thể nhìn thấy tận mắt niềm vui của khán giả mà phần lớn là phụ huynh, anh em, bạn bè của hai đội bóng. Con sẽ hãnh diện bởi mình là một trong những người trên sân cỏ, đang tạo ra niềm hưng phấn, say mê và cảm khích đó cho họ. Những lo toan trong cuộc đời thì nhiều mà niềm vui quá hiếm hoi, bởi vậy bất cứ niềm vui chánh đáng nào mà Thượng đế đã hiến tặng thì ta phải chắt chiu trân trọng và biến nó thành dưỡng chất cho đời. Ba mẹ cũng như bao người làm cha, làm mẹ khác, thường tự hào về con cái mình dù cái tự hào ấy có khi thiển cận và nông nổi. Niềm tự hào dễ thương của một người mẹ khi nhìn con ngo ngoe trong nôi rồi bi bô tập nói, lẫm chẫm tập đi cho đến lúc đi học và vào đời. Ba rất vui và nhẹ lòng biết bao - nếu không nói là hạnh phúc khi nhìn con, một đứa bé được sinh trưởng và lớn lên trên đất Mỹ, mười ba tuổi đã một mình đưa bà ngoại bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ từ Mỹ về Việt Nam, theo nguyện vọng "Quy cố hương " của bà, để rồi bà thảnh thơi từ giã cuộc đời chỉ mấy ngày sau đó trên quê cha đất tổ... Mới đó mà hôm nay là ngày giỗ thứ năm của bà ngoại. Nhớ những ngày ở Hà Nội, trong sân nhà máy, con đã tập nói tiếng Việt cho sõi với các bác bảo vệ, mấy anh chị công nhân. Con đã hòa đồng và học tập cái tốt, cái dễ thương của những người lao động ở quê nhà như một đứa em đi xa trở về chứ không phải là một thằng bé Việt kiều kiểu cách xa lạ. Những buổi sáng nhìn con bưng đĩa xôi lạc ăn với muối mè, bát bún riêu bình dân, hai món quà sáng mà con thích nhất trong những ngày đông giá ở Hà Nội, rồi bún giò, bánh canh cay xé lưỡi ở Huế, Ba đã cảm nhận được phong vị quê hương trong đôi mắt con, đôi mắt đó có khác chi là một "khung trời hội cũ ". Dù chưa qua tuổi trưởng thành, nhưng con đã tập sống như một môn sinh trên con đường đến với võ học - một môn học làm nền cho khí chất và hun đúc cái đẹp cho nội tâm.. Ba vẫn tin mãi rằng: Michael tên Mỹ hồn Việt đang đi đúng con đường của mình đã chọn để vào đời, mà hành trang là sự dũng cảm của một tâm hồn cao thượng. Huế, ngày 27 tháng 4 năm 2002