hành cổ. Ánh xanh buốt lạnh hờ hững phun từng tia. Xuyên qua lớp sương mờ, ánh trăng xanh chuyển thành màu vàng úa, ngập ngừng chập chờn trên những bóng đen la liệt dưới mặt đất. Ngổn ngang những bóng bất động không rõ hình thù. Là là sát đất, dường như các bóng đen đã chờ chực sẵn, khô khát nuốt chửng, hút lấy ánh trăng chưa kịp chạm đất, làm tiêu tan cả những luồng sáng mong manh. Thi thoảng, lại có một đám mây lầm lũi che ngang vầng trăng. Mặt trăng tối lại như rụng xuống. Thê thảm tiếng gào của mèo hoang. Màn đêm tối như một chiếc mùng tái nhợt được giăng mắc trong đêm che ngang một chiếc giường tang tóc khổng lồ chợt nhăn nhúm, co rúm lại mỗi lần có một cơn gió lạnh thổi qua. Làn gió lạnh thất thường từ phía mặt sông Hãn không hẹn giờ bỗng đâu cứ thổi tới như lên đồng, cứ vuốt hờ trên mặt những thây người. Miên man những thây người. Cuộc chiến đã tàn. Súng ống đã câm họng. Những tiếng hô xung phong đã tắc nghẹn trong cổ. Những chiếc cổ có thể còn nguyên lành, cũng có thể đã bị phạt ngang bởi mảnh đạn bom. Khi chiếc cổ bị phạt ngang, những tiếng hô xung phong cũng nằm lại trong phần cổ họng bị đứt. Những tiếng van vỉ, rên xiết, tiếng gọi mẹ, tiếng chửi rủa, tiếng kêu cứu cũng đã chững lại, tuột hẫng ra khỏi những cổ họng đã hết thở. Hơn bẩy ngàn chín mươi ba xác người nằm lại trên mặt đất. Hai phía vào trận chỉ còn là những cái xác bất động. Lặng câm nghĩa địa. Chỉ còn những lời kêu gọi và báo tin chiến thắng, tin thương vong ở cả hai phía cùng những bài hát đang ra rả phát đi từ những chiếc radio vẳng tới từ các nhà dân và đập vào mặt nước sông Hãn. Những bộ máy cổ vũ chiến tranh đã không còn phải làm gì với những thây người trên thành cổ này. Chỉ còn việc phải làm là tính trăm phương ngàn kế để che giấu con số thương vong. Lại khởi động hết cỡ những băng từ, những bài rao giảng và lên dây cót cho những người lính. Hy sinh cùng căm thù. Căm thù và hy sinh. Giữ được độ say máu. Trông chừng và kiểm soát tất cả những phần tử có dấu hiệu uể oải của cuộc chiến. Dựng lên những hình tượng anh hùng và dũng cảm, đại loại như mẹ bóp mũi cho con thơ chết trong vòng tay để cứu lấy một người lính, hoặc một người lính hầu cùng chủ mình bị vây hãm trong rừng và đã cắt thịt đùi mình dâng cho chủ ăn để làm chủ no lòng. Bộ máy khởi động chiến tranh còn quá nhiều việc để làm vào ngày mai và ngày hôm sau. Cần nhẩm tính số lượng trai tráng phơi thây trong cuộc đọ sức ngày mai và chuẩn bị cho đợt kế tiếp để kịp thời điều quân. Cần lùa ra trận một loạt những người lính mà mười phần chắc chín sẽ gục ngã trước họng súng, trước lưỡi lê, chết mở trừng mắt. Cũng cần phải tính toán thời điểm đắt giá nhất để rỏ vài giọt thương khóc những mạng lính trước công chúng. Những giọt nước mắt khóc vào thời điểm đẹp, rỏ xuống nơi đắc địa không làm ai tiếc thương người chết mà chỉ càng khiến bao kẻ sục sôi mong ước ra trận để làm một người hùng. Chết nhanh và thắng nhanh. Khi có kẻ nhận ra sự phi lý thì đã muộn. Ý nghĩ đúng đắn duy nhất đã xám ngoét cùng da thịt đang bị huỷ hoại. Chết mà chưa nhận ra gương mặt thật của những kẻ lái súng, những kẻ đứng đằng sau, ẩn mình sau những hầm ngầm chống pháo chống bom tấn bom nguyên tử để khởi động bộ máy chiến tranh nhân danh những lý tưởng cứu vớt cùng những điều tốt đẹp. Để khi chiến tranh kết thúc, trên những chiến địa đầy xác chết, trên những xương thịt tim óc thường dân bị vương vãi giăng mắc trên những xương cây, máu còn đặc sệt tanh nồng trong sông suối, những kẻ khởi động bộ máy chiến tranh sẽ xúm xít lại bên những mâm cỗ và chia chiến lợi phẩm, chia nhau giang sơn. Và chia quả thực, đương nhiên sẽ là những cuộc kể công và tự ngợi ca, trước đó không quên hối lộ các linh hồn bằng vài bài hát cầu hồn repeat lại trên băng từ. Chẳng còn ai để đặt tay lên những đôi mắt trẻ còn mở trừng trừng. Những đôi mắt tròng xanh lơ, đồng tử hình thoi trong veo còn lưu lại những giọt nước mắt của ngừơi mẹ tội nghiệp rũ người xuống mà nuốt tiếng khóc vào ngực để không làm uỷ mị đứa con còn lại sắp sửa ra đi. Những người mẹ không khóc khi con đi. Mẹ khóc sẽ bị cộng đồng cho là không yêu nước. Mặt trăng luồn ra khỏi đám mây. Một lần nữa cơn gió ma quái lại mang hơi nước trên mặt sông Hãn vuốt hờ lên những bàn tay cứng đờ chĩa lên trời trong những tư thế kỳ quặc. Những đôi mắt xanh lẹt bắt ánh trăng như da rắn lục. Đồng loạt rên xiết tiếng gào của lũ mèo hoang làm tình trên những cái thây. Những cái xác đồng loạt bật dậy. Dậy trước hết là những cái xác còn tươi. Đấy là những kẻ tử trận may mắn với một viên đạn trúng vào tim, trên mình còn mang bộ quần áo tân binh. Những hồn ma này còn có thể tham dự cuộc thi thời trang chiến tranh của Diêm vương. Máu ướt đẫm trên ngực trái biến màu áo xanh cỏ úa thành nâu đất. Qua một ngày, chỗ áo thấm máu đã khô cong, những trứng của lũ ruồi nhặng gieo lên đó ngày hôm trước chưa đủ để nở thành dòi bọ. Đôi khi trên ngực áo còn có lá thư tình bị đạn xuyên thủng những lời hẹn ngày về đã bị máu nhồi các con chữ lại thành một đám vón cục nằm bết trên cái núm vú nhỏ xíu giờ đã đen thẫm lại của người chết. Những núm vú này, lồng ngực này chưa một lần được hôn, chưa từng một lần được làn môi mềm mại ướt như sương của đàn bà mơn man trên da. Dậy thứ nhì là những kẻ cụt chân cụt tay, mất môi mất má. Hoặc trườn hoặc bò hoặc nhẩy lò cò từng bước trên bãi tử thi, họ giương đôi mắt không chớp dáo dác tìm kiếm. Họ lần đi, rà soát tất cả những cái thây, những mảng thịt da đang nằm, đang dính bệt với đủ mọi tư thế, phơi rải rác trên tất cả mọi ngóc ngách trên chiến địa. Kìa là những người đang cố nhướn đôi mắt nhoèn máu tìm những mẩu thịt mẩu xương vung vãi khắp nơi như những củ sắn bị một kẻ điên vằm bằng dao phay rồi vãi trên mặt đất. Họ tìm đến các mảnh thịt xương, tẩn mẩn sờ soạng mân mó chúng, háo hức chắp nối lại, rồi cố ướm vào những chỗ xương thịt đã bị tiện đứt trên người họ bởi mảnh bom mảnh đạn, ngột ngạt mong mỏi đến đuối hơi xem có phải là xương thịt của họ không. Hầu hết là ê chề thất vọng. Mớ xương thịt đã bị trộn lẫn, cả bên quốc gia và bên cộng sản, cả người thành phố và người miệt vườn, người Hà Nội và người Sài Gòn, người nạo nghêu ven bờ biển và người vùng chiêm trũng. Một cái cối xay thịt khổng lồ đã khiến cho bao cố gắng tẩy não của những bộ máy chiến tranh cùng đám văn nghệ sĩ xúi giục xua người ta ra trận làm bia đỡ đạn được mùa gặt hái. Với mớ xương thịt và những xác người nằm lại trên chiến địa, chỉ còn tiếng reo của đám dòi bọ trên mớ thịt người. Người nằm mặc kệ tiếng những cành lá đang xào xạc bởi ngọn gió đang thổi trên mặt sông cùng ánh trăng mờ đang phủ sự dịu ngọt của mình xuống nhân gian. Những người đi tìm xương thịt của chính nhảy lò cò hoặc bò thật nhanh ra khỏi những lập trường mỗi bên tham chiến. Họ chạy đua với tốc độ huỷ hoại của đám dòi bọ vô kể không biết từ đâu ngoi lên. Lũ ròi bọ thản nhiên hưởng thụ những thịt da và máu đọng thành vũng cùng những mảnh xương tim óc rơi vãi. Rồi đây, trong những cái dạ dày bé tí và tham lam vô độ ấy của lũ dòi bọ, dịch vị của lũ li ti râm ran ấy lại thêm một lần nữa làm nốt cái công việc còn dang dở của cối xay thịt chiến tranh. Trong những dạ dày, là sự hoà trộn tuyệt đối đến từng tế bào giữa những đồ đệ của cả hai phe, của những bài ca cài hoa lên nòng súng, của những anh lính nguyện “thân này dẫu bọc trong da ngựa”. Hoà quyện trong dạ dày của những lũ li ti và râm ran, là những tế bào trẻ trung, săn chắc, bị đẩy bắn ra khỏi linh hồn uất hận của những người đã chết. Đám người nhẩy lò cò hoặc trườn bò và hối hả tìm kiếm này nhanh chóng làm cho vùng đất chết trở nên náo loạn. Thức tỉnh lớp tử thi thứ ba. Dậy thứ ba là những người chết cháy. Lửa na-pan đã nhảy múa và thè chiếc lưỡi nóng bỏng liếm lên cơ thể họ. Sau sóng nhạc dạo đầu của những chiếc lưỡi, da thịt của lính chiến bị nung chảy, tạo thành hang hốc hun hút sâu vào tận xương tuỷ. Chúng biến xương người thành những đám tro xốp khét lẹt. Khi chưa thể chết lịm, những người này đã quằn quại trong lửa, co rúm lại, giãn nở ra hết mức, quằn quại thét vỡ ruột. Bầu trời nghẹt kịt những tiếng kêu thét điên loạn. Để kết cục là co rúm lại thành một khối dị dạng, hai tay ôm đầu đen như những cục than, làn da còn dính phốt pho lập lòe như đom đóm trong đêm. Những tử thi gập bụng, gẫy cả nửa người vì đau, rên rỉ di chuyển nhọc nhằn trên mặt đất. Họ thèm khát nhìn làn da trắng bệch vì mất máu của những thi thể nằm la liệt chung quanh. Một vài người táo tợn trong bọn bước tới, đặt bàn tay nham nhở những ngón cụt lên da trán của một người đeo một bông mai. Người này nằm ngửa mặt lên trời, làn môi đã bị phạt mất, răng nhe ra như đang cười rỡn trăng. Bàn tay của người chết cháy toan bóc thử lớp da đó để dán lên mặt mình. Nhưng gương mặt đã biến dạng bỗng càng nhăn nhúm lại đau đớn. Móng tay không còn. Bàn tay người chết cháy thõng thượt xuống. Lớp da trán của người đeo bông mai vàng thoắt xô lại nhăn nhúm như một lớp váng sữa rồi vỡ bục ra dưới những ngón cụt đen đúa. Thức dậy thứ tư là những tử thi trông y hệt những chiếc túi nặng trĩu đựng da và máu với lổn nhổn những viên bi luồn sâu trong da thịt. Chân bước nặng trịch như những cỗ máy. Khi các tử thi bước đi, các viên bi chạm vào nhau kêu lạo sạo lột sột. Khi ánh trăng xuyên qua, những viên bi xô nhau chạy trong thi thể, để lại vệt sáng thép lạnh. Những tử thi này đưa tay chộp lên da thịt như bắt rận, bàn tay nhẩy cóc từ chỗ nọ sang chỗ kia theo đường chạy của những viên bi trông như người phát phiền. “Đói! Không có bát cơm quả trứng. Thiếu! Thiếu cả đôi đũa tre. Đói!”. Họ gào lên và dùng hai ngón tay cái và trỏ rạch da móc lấy những viên bi bỏ vào miệng nhai xào xạo. Tiếng vỡ xào xạo của những viên bom bi trong miệng những con ma đói làm giật thột lớp tử thi thứ năm. Dậy thứ năm là những người đã nát tan thi thể. Những phần thân thể của họ đã tơi tả trên mặt đất và được đám máu đã chảy ra từ hơn bẩy ngàn chín mươi ba thi thể sống nâng đỡ, như nước trong vũng làm nổi nênh những đám bèo. Lớp máu dềnh lên như sóng. Những đợt sóng màu nâu thẫm làm những đám xương thịt cũng phập phồng trên đầu con sóng như bọt. Cả mặt đất ven thành cổ thở dài phập phồng tắc nghẹn dưới biển máu và phóng lên không trung những luồng khí tanh nồng vẫy gọi đàn quạ đen bay tới rợp trời. Chúng tắm qua biển máu, cất lên tiếng kêu như tiếng người và nằm gục rúc đầu vào nách những tử thi. “Chúng ta có quen nhau không nhỉ?” Cái thây cài bông mai vàng khẽ ngọ nguậy chạm tay vào thây mặc áo màu cỏ úa đang nằm gục trên bụng anh ta. Người chết gục gân guốc tay nắm chặt một lưỡi lê. Lưỡi lê ngập đến tận đầu nòng súng trong ngực tử thi cài bông mai vàng. Tử thi màu cỏ úa hơi cựa quậy. “Không quen!” “Ông bà cha mẹ ta có mắc nợ gì nhau không nhỉ?” “Chắc là không. Một kẻ đầu chữ S. một kẻ cuối chữ S. Xa cả ngàn cây số.....!” “Trước khi mặc cái bộ áo này, cầm cái lưỡi lê này anh làm gì?” “Học. Năm thứ hai Văn khoa. Còn anh?” “Sinh viên năm tư khoa Triết học. Chơi vĩ cầm.” “Cắt tiết gà hồi nào chưa?” “Chưa!” “Vậy chúng ta biết giết người từ bao giờ?” “Chúng ta được dạy để giết người từ ngày khoác lên vai bộ quần áo lính và ai đó đã đặt vào tay chúng ta lưỡi lê.” “Đương nhiên. Lưỡi lê thì không phải là cây bút hay vĩ cầm. Chúng ta cùng trở thành ma!” “Và chúng ta chết cho ai nhỉ?” Bốn ngón tay từ hai cái thây cùng chỉ lên trời và biến thành bốn dấu hỏi dập dờn ngơ ngáo in lên nền mây mờ trăng rồi thõng thượt đổ xuống. “Đi nào! Đi thôi!” “Đi! Cuộc đời này không phải của ta. Cả cái biển tanh ngòm này cũng sẽ tuột mất khỏi tay ta rồi. Đi thôi! Đi thôi nào!”. “Thiên đường hay ngục?” “Cả thiên đường và địa ngục ta cũng đã bị cướp đoạt. Nào, rút mũi lê ra khỏi ngực nhau hộ cái nào. Không lê bước được. Bây giờ ta thuộc về nhau...”. “Cây lê và báng súng làm gậy chống. Chân tôi đã bị bom bên anh tiện đứt rồi. Thay cho chân gẫy, ta cùng đi, được không?” “Lưỡi lê không bao giờ làm được gậy chống. Cái chân bị bom tiện cụt của anh sẽ được mọc ra ở thế giới của người ma.” “Không! Người chết trận không còn gì để được tái sinh. Đầu thai cũng không!” Trăng đã lên. Đứng hoang mang giữa đỉnh trời vàng rười rượi. Não nuột úa vàng như hơi thở dài thổi xuống những hồn ma. Hai thây người đã chết dìu nhau leo lên tường thành cổ, đứng lật lưỡng, căng mắt nhìn xuống những đống tử thi phơi trên chiến địa. - Nhìn kìa! Có cái gì đang động đậy. Mắt họ bỗng sáng lên. Trong đám tử thi thuộc về năm loại người chết trận đang cử động, đang di chuyển một cách kỳ lạ bỗng náo loạn cả lên. Xuất hiện một cái thây tóc dài. Mớ tóc đen mượt bỗng chuồi ra. Những con quạ đang rúc vào nách lớp thi thể bỗng hoảng hốt kêu quàng quạc và vụt bay sang phía bên kia thành cổ, khiến cho những lớp máu dềnh lên như sóng cất lên tiếng kêu oài oạp rởn gáy như tiếng quạ. Tử thi đó là một cô gái. Tóc đen mượt dính bết máu. Cô chết toàn thây. Đôi môi hình cánh hoa sen như môi đức Phật mím chặt, tái nhợt thành màu trắng. Đó là cái thây phụ nữ duy nhất trên bãi tử thi này. Những lớp tử thi đã lồm cồm trỗi dậy vì cồn cào kiếm tìm những phần đã mất của mình đang di chuyển một cách lào quào ngờ nghệch trong không khí bỗng đứng sững lại, nhìn cái tử thi phụ nữ duy nhất lạc lõng trong ánh trăng. Trắng nhợt, thân hình eo thon. Bộ ngực đã chết vẫn nhô cao khiêu khích trong thân thể cứng đờ. Đôi mắt mở to nhìn sững lên trời mây trong tròng con ngươi đông cứng. Nhìn lại tưởng rằng mơ mộng. Thân hình người con gái lãng đãng như trôi dạt trên nền chiến địa. Bảy ngàn chín mươi ba tử thi còn lại. Nhìn chằm chằm vào tử thi của người con gái không dưng lạc vào chỗ không phải của đàn bà. Cô ta có thể là một cô gái vác đạn, cứu thương hay là một bé gái thường dân bị dồn đuổi vào trận địa, tình cờ nhập cuộc mũi tên hòn đạn? Sự lộ diện của người con gái đã khiến bãi tử thi rộn ràng hẳn lên. - Kìa, cô ấy cũng đi cùng chúng ta. - Cô ta sẽ nấu cơm chứ? Đàn bà sinh ra để làm cấp dưỡng. - Thật ngu xuẩn! Người chết không bao giờ cần cấp dưỡng. - Sao người ta vẫn cúng người chết? - Họ cúng cho chính họ. Không cho người chết! - Thế cô ta làm gì? Những kẻ kia đã điên hết cả rồi sao? Tử thi mặc áo màu cỏ úa khoát tay ra ngoài xa. Ngoài kia, là cả một cuộc náo động. Năm lớp tử thi đã lần lượt trở dậy. Năm lớp tử thi đã dậy và dò dẫm đi tìm xương thịt rơi vãi của họ đã dạt tứ tung về muôn phía, bây giờ bỗng nhất loạt xoay chiều về phía mớ tóc đen dài bết máu. Những tử thi tiến tới. Lướt chầm chậm như những mạt sắt bị nam châm hút vào. Như hoàn toàn mù loà. Có một hơi hướng gì đó tương tự sự sống đang dâng lên, thoảng hoặc khó nhận ra, thoảng mùi tanh của hàng triệu triệu tinh trùng. Những dòng tinh dịch trắng đục phun vọt, hoà lẫn vào những suối máu đã đông đặc lại như bùn và làm chúng nhão ra thành nước. Thi thể của người lính mặc áo màu cỏ úa và người có bông mai vàng cũng giật lên trong những vũ điệu kỳ cục. Người lính rên lên trong hoang lặng: - Điên thật! Cái gì thế này! Tiếng rên của anh ta lập tức nhập vào một dòng sông những tiếng rên rỉ đau đớn như khoái lạc của bảy ngàn chín mươi ba tử thi còn lại. - Trời ơi! Tội tổ tông tôi! - Không sao! Chúng ta sẽ tái sinh trong bụng cô ta. - Không! Tôi không muốn tái sinh! Tôi ghê tởm cái kiếp sống này. Tôi khoái lạc biết hôm nay tôi đã chết, tôi không còn phải nghe tiếng ra rả của những kẻ giả lả đưa thiên hạ vào cối xay thịt. - Nhưng mẹ anh đang khóc ở kia. Và kìa, bụng cô ta đang phồng vọt lên kia. Anh không thấy gì sao? Tử thi mặc áo màu cỏ úa khoằm mặt, căng mắt nhìn kỹ. Miệng anh ta há hốc trong sự ngạc nhiên. Từ cái bụng còn phẳng lì và thon eo của tử thi con gái, bây giờ như có ai bơm cái gì đó vào, phồng căng dần lên trông như sắp vỡ, làm bục hết cả quần áo, để lộ đôi đầu vú còn nhọn hoắt, hơi ngả sang hai phía như dịu dàng và kiêu hãnh nhưng đã bắt đầu thâm đen. Và chiếc rốn đã lồi lên trên cái bụng căng tròn. - Sexy! Tôi chưa bao giờ ngắm thân hình trần truồng của một người đàn bà chửa. Hai tử thi, và hơn bảy ngàn chín mươi mốt tử thi cùng nín thở, rạo rực ngắm cái bụng con gái giờ đã phồng căng như sắp vỡ. Trông tỏ mồn một dưới ánh trăng những đợt sóng chuyển động dồi lên dập xuống. Từ lỗ rốn sâu hút của tử thi rãn nở rộng. Một tiếng thét bất ngờ bật lên giữa đôi hàm răng nghiến chặt của tử thi cô gái. Tất cả tử thi trên bãi chiến địa cũng đồng loạt rú lên. Một đứa trẻ đã trồi lên từ bụng cô gái. Đứa trẻ không khóc. Chui ra khỏi bụng với đám dây rốn và bộ nhau thai lòng thòng cũng trắng nhợt không nhuốm máu. Đứa trẻ nhìn quanh, rồi cúi gập người xuống, tự cắn vào cuống rốn của mình, nhổ nước bọt, tự liếm vào nơi cuống rốn vừa bị cắn đứt. Đứa trẻ gom đám nhau thai lòng thòng vừa bọc lấy thân hình nó vào thành một gói, cuốn lại, rồi ăn ngon lành như cách người ta ăn gỏi. Trong thoáng chốc, đứa trẻ đã xơi gọn đám nhau thai và cuống rốn vừa ra đời cùng nó. Đứa trẻ lại thư thả ngẩng đầu lên nhìn quanh. Trăng đã tỏ hơn trên bầu trời. Trăng soi rõ dung mạo của đứa trẻ. Làn da xanh lét, đôi môi màu đen mắt sáng như hai ánh đèn pha, nơi dành cho tay chân mọc thì rất chật chội, nơi cư ngụ của những chiếc cổ cũng quá chật chội. Rõ ràng là đứa trẻ có ba đầu và sáu tay. “Cái gì đó?” - Tử thi có gắn bông mai khẽ hỏi. “Con!” - Tử thi màu cỏ úa thì thào. - Anh đã làm tình bao giờ chưa? - Chưa! Còn anh? - Chưa! - Vậy thì đứa trẻ gớm ghiếc này thuộc về tôi và anh! - Chưa hẳn - Vừa nãy, tinh trùng của tôi đã bắn vọt về phía cô ta. - Tôi cũng thế. Nhưng bảy ngàn chín mươi mốt cái xác ở đây cũng đều đã có phần trong bụng con chúng ta. - Thật ghê tởm! - Không có gì là ghê tởm. Đó là cuộc tái sinh cuối cùng dành cho những người chết vì chiến tranh. Đó là vận số của một giống loài. - Chỉ là tinh trùng và trứng của phần thi thể đàn ông và đàn bà nát vụn hoà vào biển máu này rồi chúng tự tìm kiếm tử cung của một người đàn bà và thành một đứa bé. - Thế cũng đã là quá nhiều. Người lính ngắm đứa trẻ xanh lẹt ba đầu sáu tay, ngán ngẩm hỏi: - Ta chết rồi, nuôi nó bằng gì? - Nó tự mút cuống rốn mà sống. Đâu cần ai nuôi. Lúc khát, nó uống nước mắt của mẹ anh và mẹ tôi. “Vận số nào dành cho con chúng ta?” “Con của những tử thi chết trận sẽ bay là là, không đi lại được trên mặt đất. Chúng bay dưới những đám mây đen mang hình trâu bò. Chúng đến không ai biết, đi không ai hay…”