Chương 3 (B)
Cưỡng hiếp một đôi chân

    
“ộc!”
Những người đang đứng vây quanh giật thót. Rụng rời chân tay.
Thây người thắt cổ bỗng đột ngột xoay lại, sau tiếng hộc của con lợn nái đang dồn đàn con mới đẻ vào góc chuồng, đứng chặn phía ngoài mớ rơm rạ rải dầy trong chuồng, mắt long sòng sọc.
Đám người hét lên một tiếng kinh hoàng.
Ông Dậm cũng bủn rủn chân tay. Người như sắp đổ vào bức tường gạch.
Bỗng một tiếng trẻ khóc. Vút lên.
Như đâm vào tim.
Mảnh như lưỡi dao lá lúa.
Dội ngược lên từ đám rạ trải nền chuồng lợn.
Nơi con lợn nái đang sục sạo ngửi hít.
Có cái gì động cựa trong đám rạ.
Từ vồng ngực người chết, đôi bầu vú bỗng trễ xuống, căng vồng lên.
Những tia sữa trắng đục phun ra từ đầu vú, dào dạt làm ướt đầm ngực áo, rỏ thành đôi dòng xuống đám rơm rạ đang cựa quậy dưới chân người chết.
Lập tức, trong không gian mênh mang hương hoa lúa, hương của loài nếp cái đang trổ đòng ngậm sữa, át cả mùi phân chuồng hoai hoai và mùi mồ hôi nồng nặc phả ra từ những chiếc áo nâu cũ vá chằng vá đụp của đám đông người.
Lình chăm chú nhìn đám rạ đang vồng lên dưới chân người chết.
Rẽ đám người, Lình bước hẳn vào chuồng lợn cúi xuống bới tìm.
Ngón chân cái để trần, xinh xắn của mẹ trẻ Phượng đung đưa trước mặt Lình như một cánh hoa tàn.
Lình ngộp trong hương hoa lúa phả ra từ đôi dòng sữa.
Một cảm giác ngây ngất tràn ngập.
Lình ngước nhìn mẹ trẻ Phượng.
Không còn đâu nỗi ghê sợ trước một người chết.
Hình như mẹ trẻ thoáng mỉm cười.
Lình khấn một lần nữa về phía mặt trời, rồi cúi xuống, dõi theo dòng tia sữa đang tuôn chảy từ ngực mẹ trẻ Phượng.
Lình cau mày, đưa tay gạt lớp rạ.
Hoá ra, dưới lớp rạ là một cái nôi mây chắc chắn. Lòng nôi bọc gấm hồng và những dải đăng ten màu trắng.
Trong nôi, một bé gái đang khóc ngằn ngặt. Một dải lụa hồng đã thắt nút thòng lọng quấn quanh cổ.
Bé Miên – đứa em cùng cha khác mẹ với Lình.
Đứa con gái mới sinh tròn tháng tuổi của ông Dậm và mẹ trẻ Phượng, mặt phơn phớt một lớp lông tơ vàng óng. Cái miệng rộng với môi trên hơi cong cong, khóc mà như hé cười. Tròng mắt màu xanh lơ tương phản với một cái bớt màu tím hình bông hoa sao nhỏ xíu ngay dưới mí mắt trái.
Ngày sinh bé Miên, ông Dậm vừa nhồm nhoàm nhai thịt thủ lợn, vừa khinh miệt nói: Dào, đằng nào thì cũng chỉ là cái hĩm, Miên với chả Du chi cho mệt xác, uốn quẹo cả lưỡi. Chi bằng cứ gọi là con Tép cho dễ nghe. Gọi thế để trong nhà lúc nào cũng có tôm tép mà ăn, chẳng lại đến cái đận đói rã họng.
Tiếng khóc xé ruột lại dội lên từ dưới nôi mây, thọc thẳng vào tim Lình.
Nhưng bé vẫn tên là Miên.
Lình mở lớp vải bọc gấm hồng.
Lình đồ chừng, mẹ trẻ Phượng toan tính mang bé Miên đi cùng về thế giới bên kia. Nhưng đến phút cuối, mẹ trẻ đã không nỡ siết nút dây thòng lọng quanh cổ đứa con còn đỏ hỏn.
Bé Miên trong nôi càng ngằn ngặt khóc.
Lình bế lên, ghé miệng bé vào bầu sữa của người chết đang nhểu giọt. Bé Miên hối hả mút chùn chụt.
Nước mắt Lình nối nhau rỏ xuống chiếc nôi hồng.
Bét Miên nín khóc dần.
Bé đã no bụng và thiu thiu ngủ. Con lợn nái mắt vẫn lom lom nhìn Lình, dè chừng. Đàn lợn con trong chuồng ngửi thấy hơi sữa, bắt đầu ủn ỉn sục sạo quanh nôi.
Bầu sữa của mẹ trẻ Phượng cũng đã cạn kiệt. Khi những giọt cuối cùng nhểu xuống, gương mặt của người mẹ đang lắc lư dưới sợi dây thừng bỗng vọp lại, đôi gò má nhọn hoắt như gò má của một bà lão.
Ông Dậm đứng ngoài chuồng lợn, nãy giờ nhìn lom lom, buông một câu thản nhiên:
- Đưa cái giống quái này đi. Không được để nó trong nhà này.
Lình sửng sốt nhìn ông Dậm, năn nỉ:
- Kìa bố, hột máu của bố mà. Nó chết mất.
Ông Dậm quay ngoắt lại, chỉ mặt Lình:
- Tiên sư mày! Hột máu của mày ấy! Cái giống quái, giọt máu của cái giống vô ơn, cường hào áp bức bóc lột thì có. Của mày đấy. Mày giỏi mày nuôi! Nếu mày còn dính líu đến nó, bước khỏi nhà này.
Lình nhìn sững ông bố, như nhìn một loài sâu bọ chưa có tên:
- Bố có thể nói thế thật?
Ông Dậm quát:
- Tao nói thế đấy. Nó là con tao thật, nhưng một nửa con này lại là máu của cái giống nhà bóc lột, phải đào tận gốc trốc tận rễ. Nó dám bỏ tao. Tao căm cái giống nhà nó tận xương tuỷ.
- Ông bà Cử đã cứu bố khỏi chết đói. Bố quên à?
- Chuyện qua rồi, xưa rồi mày ạ. Cái gì qua rồi là để nó qua. Bây giờ là lúc phải chứng tỏ lập trường. Lập trường không rõ ràng, là mất nhà, lại ra lều lá. Mày ngu lắm.
- Vậy để chứng tỏ lập trường thì bố phải để hột máu của bố chết?
- Sống chết là việc của nó. Ra ngã ba, cổng chợ, có ai xin thì cho đi cho khuất mắt tao.
- Con hỏi lại: bố có định làm thế thật không?
Ông Dậm giơ tay, lại chực tát tai Lình:
- Thằng khốn nạn! Sao mày cứ đi bao che cho bọn bóc lột? Cút đi theo con mẹ trẻ này cho khuất mắt.
Lình ôm chặt bé Tép đang ngủ vào lòng, dợm bước ra khỏi chuồng lợn:
- Tôi tởm ông.
Một chân Lình vừa bước ra, con lợn nái từ nãy vẫn trấn góc chuồng lại hộc lên, nhảy xổ tới kéo gấu quần Lình, đứng thẳng trên hai chân sau, vươn hai chân trước và cái mõm hồng hồng đến rà sát như hôn hít trên người bé Tép.
Con lợn rên ư ử như tiếng người khóc.
Lình cúi xuống, vuốt ve con lợn nái:
- Mày chỉ là giống lợn, mà còn biết thương người. Thôi mày ở lại. Tao mang con Tép đi.
Lình bước vào nhà, khẽ khàng sợ làm bé Miên tỉnh dậy. Bỏ chiếc khăn đầu rìu xuống, vơ vội hai bộ quần áo nâu bạc màu đang phơi lõng thõng trên dây ngoài hiên nhà gói vào khăn buộc ngang lưng. Lật viên gạch kê chân cột lên, lấy mấy đồng bạc dành dụm từ những ngày đi mót lúa và cày thuê nhịn không dám ăn trưa. Đội chiếc nón rách lên đầu, Lình nhổ một bãi nước bọt vu vơ xuống nền đất, ôm con bé, quày quả bước ra đầu ngõ.
- Lình, mày bỏ mẹ mày?
Mẹ Cả lình tóc tai xoã xượi, đuổi theo khóc gọi.
Không ngoái lại, Lình đáp:
- Không ở được cái nhà này, mẹ ạ.
Bà Cả khóc lớn hơn:
- Mày đi, từ nay bố mày đánh, ai đỡ đòn cho mẹ?
Lình hơi xoay người, không nhìn vào mắt mẹ Cả:
- Mẹ khổ cả đời vì ông ấy chưa đủ, sao không biết thương xót kẻ khác, lại còn xúm tay giúp ông ta hại người?
Mặt mẹ Cả lập tức sắt lại:
- Tao quá khổ vì cái thằng bố mày. Thì tao không để đứa nào sướng. Nó trẻ đẹp hơn tao. Nó là con nhà giàu có. Thế thì bây giờ nó phải khổ hơn tao. Mày quyền gì mà nói với tao bằng giọng ấy?
Lình cười nhạt, càng ôm chặt bé Tép vào lòng, cắm cổ bước ra khỏi cổng, bắt đầu đặt chân vào con đường gập gềnh ổ trâu dẫn tới phố huyện.
Lại chao chát tiếng quát tháo chửi bới phía sau lưng:
- Thằng vô ơn bạc nghĩa kia! Tao nói thế, mà mày dám bước chân ra khỏi cái nhà này à? Mày rời cái nhà này là chết đói rục xương, tao nói cấm có sai.
Lình không quay lại, lầm lũi bước đi.
Vẫn nghe tiếng ông Dậm giục bà Cả rối rít:
- Mụ chạy ngay theo nó. Cái mẽ nó thì dám bỏ đi đâu. Hai mẹ con mụ mang con bé ra phố. Rẻ cũng được vài mươi đồng bạc. Không được ăn quà ngả ngớn ngoài chợ. Mang ngay về đây. Tiêu riêng, tao đánh tuốt xác.
Lình cắm cổ chạy, ôm con bé ướt mèm vào ngực.
Lại vẳng tiếng gọi nghèn nghẹt như bị ngạt mũi của bà Cả:
- Lình! Mày đâu rồi? Nghe bố mày nói gì chưa?
Lình nghe nói, ruột quặn thắt trong một cơn buồn nôn cố nén:
- Con nghe rồi. Mẹ Cả cứ về đi. Con cũng tính mang nó đi bán rồi mang tiền về tậu trâu. Con đi lên chợ huyện, bán xong rồi mang tiền về ngay.
Bà Cả nghi ngờ:
- Mày nói thật đấy chứ, hả thằng Lình? Mày không bỏ mẹ mày chứ?
- Vâng!
Lình vâng một tiếng thật to, rồi cắm cổ chạy gằn trên con đường gập gềnh sống trâu.
Con Tép lại tỉnh giấc, khóc ngằn ngặt trên ngực Lình.
Mắt Lình như hai hòn than bốc cháy.
Sẽ đi. Đi xa, thật xa. Mỗi bước đi là để lại đằng sau một rác rưởi.
Đi đi. Nơi không có bố mẹ. Không có người phải thắt cổ chết.
Nơi cậu không phải đổ máu đầu vì những cú đập bất thường của người cha.
Nơi sáng sáng cậu không phải nhìn mặt trời và khấn rằng ngày hôm nay, xin trời hãy cho sét đánh chết cậu và ông Dậm để cậu khỏi mang tội giết cha vào một ngày nào đó.
Lình nhớ lại. Trước mắt cậu chập chờn cái đêm mà cậu chợt tỉnh giấc, nhận ra mình đang đứng trước chiếc giường của ông Dậm. Cậu cầm con dao, nhìn trừng trừng vào cái cổ thô bỉ như cổ trâu.
Cậu nhớ, cậu đã cố ghìm hết sức, để giữ cho cánh tay phải không vung lên.
Nhưng một sức mạnh man dại, như từ đâu đó, sai khiến. Một cơn điên khùng không thể nào kiềm chế. Như một lằn chớp rạch sắp nổ ra.
Cậu nhìn cái cổ và đôi bàn tay của người cha. Cái cổ họng đó bây giờ thì ngoan, nhưng ban ngày thì từng hô hét để trói người vào cọc bắn, từng hô đập người chết phọt óc, từng chửi bới mạt sát cậu, mẹ Cả và mẹ trẻ Phượng, tục tằn không thiếu một lời nào bẩn thỉu.
Và cái đôi bàn tay này, đặc biệt, cái bàn tay phải này, mười đầu ngón tay toè ra như vồ đập đất, khốn khổ vì gần hết một đời nghèo hèn lam lũ.
Cậu đã có lúc ngồi khóc vì ngồi thương cái bàn tay dị dạng lam lũ khốn khổ đó.
Vậy mà bàn tay đó lại thường xuyên tạt tai, đánh đập cậu. Bất thình lình như một con rắn hổ mang bành. Bất cứ lúc nào. Phản trắc như một con rắn. Và cũng bàn tay ấy, đã nhiều lần trói mẹ Cả vào gốc cau. Cũng đã nhiều lần đánh đập mẹ trẻ Phượng.
Toàn thân Lình run lên.
Cậu nhìn chằm chằm vào cái cổ.
Bỗng cậu thấy sợ hãi, tháo mồ hôi lạnh.
Cậu luyến tiếc rời mắt khỏi cái cổ.
Nhưng cậu lại luyến tiếc đưa mắt vào cánh tay phải và đóng đinh cắp mắt vào đó, không thể rời ra được.
Con dao cậu vung lên.
Ta sẽ chặt cái bàn tay này. Chặt đi, để bàn tay này không thể tác quái được nữa.
Con dao ngập ngừng.
Ngập ngừng. Rồi vung lên.
Bỗng có một bóng đen bước nhanh tới sau lưng.
Bóng đen đó lẹ làng giữ chặt lấy cánh tay Lình.
Sự bất ngờ làm Lình rụng rời cả chân tay.
Cậu há miệng định kêu lên.
Nhưng bóng đen đã thọc cả nắm tay vào miệng Lình, chặn nghẹt, không cho tiếng kêu thoát ra khỏi miệng.
Lình mắc cứng họng. Giẫy giụa. Hung hăng vừa cắn vừa nhìn xem kẻ nào cả gan.
Thì thấy một đôi mắt thật buồn.
Rọi nhìn thăm thẳm vào mắt Lình.
Mẹ trẻ Phượng.
“Đừng!”.
Mẹ trẻ thì thầm.
“Đừng có điên rồ thế!”
Rồi rút nắm tay bé nhỏ rớm máu vì vết răng cắn ra khỏi họng Lình.
Lình rũ người xuống, con dao rựa rơi trên mặt đất.
“Tôi sẽ giết ông ta, nếu ông ta còn đụng đến tôi hoặc mẹ trẻ!”
Lình bỏ đi, miệng bất chợt nhai nhóp nhép.
Cái đêm ấy qua đã lâu rồi. Cách đây bảy tháng.
Lình cúi xuống, ngắm nhìn bé Tép.
Cậu chợt mỉm cười, nhìn cái miệng bé xíu mà đã phảng phất giống đôi môi hồng của mẹ trẻ Phượng. Lòng cậu lại đau nhói. Giá như đứa bé này là con của cậu và mẹ trẻ Phượng!
Mười sáu tuổi, nếu người ta được ngủ với đàn bà, liệu người ta có con không nhỉ?
Chợt nơi chót lưỡi cậu, rồi trong họng, cồn cào cái vị của nắm tay bé nhỏ đã chặn họng cậu đêm nào.