NGỌC THỰC – KÝ ỨC MIỀN QUÊ

    
ược xem những bài luận văn của các em học sinh tả cảnh thu hoạch mùa màng, thường chỉ thấy không khí vui tươi, lao động phấn khởi, rộn rã tiếng cười; ít khi đọc được vài dòng nhắc nhỡ đến nỗi vất vả của người làm ra hột lúa.
 Người nông dân trước đó phải dọn ruộng, đắp bờ, ủ gieo giống, dầm nước nhổ mạ cấy trồng…Rồi còn bao lo toan, trông trời trông nắng trông mưa, một nắng hai sương, thấp thỏm không yên giấc đêm mưa giông bão táp cho tới ngày sân phơi đầy lúa óng vàng, quây bồ đón hạt ngọc của trời; thành quả từ những giọt mồ hôi đổ ra trong nắng cháy, những cơn mưa lạnh tím môi. Biết bao câu ca dao tục ngữ ngàn xưa đã nói về sự lao động cần mẫn của nghiệp nhà nông. Bởi vậy, có thể nói chắc một điều là người ở nông thôn từ trong máu thịt đã biết tiềm tàng, quí trọng, dè xẻn hột gạo hơn hẳn người sốg nơi thành thị…
Bà ngoại tôi cả đời sống ở quê, đạm bạc, hồn hậu, thương con thương cháu. Những lần nghỉ hè về chơi, anh em chúng tôi tha hồ leo trèo, tắm rạch, bày đủ thứ trò chơi dân dã. Vận động nhiều nên mau đói bụng, nhưng thuở đó đâu có nhiều quà bánh, hàng quán như bây giờ. Biết ý, bữa nào ngoại cũng hốt gạo nấu vun nồi, ăn cơm chiều rồi mà cơm trong nồi vẫn còn. Khuya sớm, ngoại lụm cụm thức dậy nấu nồi cháo trắng bằng cơm nguội cho chúng tôi lót dạ với tép rang, khô mặn. Trời nực giông, cơm hay bị “đổ mồ hôi” thì ngoại nấu nồi nước sôi cho cơm ấy vào chắt nước gút ráo. Một lần tôi chê cơm nhạt, lén bưng cả chén cơm trắng đổ mé hè nhà. Ngoại biết mà không rầy, nhưng lúc sau tôi thấy ngoại ngồi tẩn mẩn nhặt kỳ hết chén cơm tôi vừa đổ rồi trút vào mo cau cho vịt ăn.
Chuyện đó làm tôi ân hận tới giờ vẫn chưa quên. Cơm đáy nồi hơi già lửa, ngoại rưới nước bóp rời, rải ra nia phơi khô cất vào giỏ đệm treo cạnh giàn bếp để dành. Kể ra như vậy, tôi càng cảm nhận tính ngoại rất cần kiệm, không bao giờ lãng phí hột gạo cho dù lúa trong bồ đầy ắp. Những đêm thức chờ các cậu đi soi cá, cắm câu về, ngoại xúc tô cơm khô rang với đường cho anh em chúng tôi ăn. Nhai thong thả để nghe được tiếng giòn cốm hòa cùng vị thơm ngọt cơm đường như tẩm mật. Giống tính ngoại, mẹ tôi cũng rất tằn tiện. Cơm nguội thì hấp lại hoặc chiên mỡ cho các con ăn sáng chắc bụng trước khi đến lớp. Qua nhiều năm sau này lớn khôn, kỷ niệm đó vãn còn sống trọn vẹn trong ký ức, trong tâm hồn anh em chúng tôi. Hời nhỏ, có lần được mẹ hứa dẫn đi Sài Gòn thăm ba, tôi rất mừng nên đêm đó cứ trằn trọc mãi. Mẹ dậy sớm chuẩn bị xong xuôi mới đánh thức tôi cùng ra bến xe, thời ấy có đâu chừng bốn, năm chiếc thôi. Bóng đèn vàng quạch trong xe soi những khuôn mặt lộ vẻ sốt ruột bởi chú lơ è ạch quay ma-ni-ven cả chục lần…hết cơm trong bụng, máy mới chịu nổ. Tôi thiu thiu ngủ tới Cần Giuộc thì tỉnh giấc và kêu đói bụng. Mẹ tôi mở giỏ xách lấy ra gói lá chuối bọc cơm nắm với ít tôm rang mặn. Mẹ trìu mến nhìn tôi, đứa con háu đói ăn ngon lành cùng hơi ấm nắm cơm còn đó, miếng lá chuối thì mềm tái đi như sự chịu đựng, đùm bọc không vơi của người mẹ. Điều ấp ủ từ gói cơm nắm ấy về sau tôi mới hiểu, mà có khi cả đời vẫn không đền đáp được. Mẹ già đâu có sống đời với con!
Lớn lên lập gia đình ở riêng, ký ức nếp sống ngày xưa thỉnh thoảng lại quay về tâm tưởng. Những lúc bị cúp điện cả ngày, các con tôi hí hửng vì sẽ được ăn cơm nấu bằng…lửa củi. Chắc mẫm là ý chúng muốn dặn thêm “Ba nấu thay mẹ để tụi con có…cơm cháy ăn!”. Không ai nói ra, nhưng mấy đứa nhỏ thừa biết rằng tôi cũng có sở thích giống hệt. Cơm nấu hơi khô một chút, để than đượm, chừng nghe mùi thơm bốc lên thì nhấc nồi xuống. Ăn lưng lững bụng, tôi dùng đũa bếp lấy gọn khoanh cơm cháy vàng thơm tròn như vầng trăng mười sáu, lật úp vào dĩa rồi rưới mỡ, tóp mỡ lên trên. Mấy cha con dùng tay bẻ từng miếng cơm cháy âm ấm, rắc chút muối tiêu hoặc nước mắm ngon tùy khẩu vị, cùng nhai rau ráu tận hưởng niềm thú vị rất đổi bình dân thấm vào cả ngũ quan. Mẹ chúng đùa “Ăn cơm cháy thì khỏi…về Tàu!”. Thằng con út tay dính mỡ, miệng nhồm nhoàm trả lời “Cho con ăn hoài cũng được, vì con là người Việt chính tông mà mẹ!”. Cả nhà cùng cười, vui biết mấy!
Trời lạnh mau xót ruột, nhất là vào đêm mưa. Những lúc như vậy, vợ tôi thử “đặt vấn đề” nấu nồi cháo trắng thì ai cũng hoan nghênh. Thức ăn kèm theo không kén: vài khứa cá lóc, cá ngừ hoặc chén tép rang sả bữa chiều còn lại. Tất cả cho vào ơ đất cùng nước mắm xâm xấp, tiêu bột…kho lửa riu riu tới khi quéo rặt, nổi muối lách tách thơm lừng, thêm muỗng tóp mỡ là xong “sản phẩm”. Nhìn những người thân yêu trong gia đình quây quần bên nồi cháo nóng, goài trời thì mưa lâm râm, có lẽ ai cũng có cảm giác êm đềm, ấm cúng ngập lòng như tôi…
Trong bữa cơm gia đình họp mặt đầy đủ, thể hiện rất rõ nếp nhà hòa thuận, chăm sóc lẫn nhau. Và từ lúa gạo, hạt ngọc- thực thấm đẫm tình đất, tình người, cội nguồn của tình yêu quê hương; mấy ai không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại câu “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. hoặc bâng khuâng với giọng ngâm nga “…Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…” bên khu nhà trọ người-của-bốn-phương khi trời vừa nhạt nắng!
NGUYỄN KIM