Chương 24

    
ả mười hôm sau, tiểu đoàn chúng tôi mới ra gần tới biển. Trong gần suốt mười ngày đêm ròng rã đó, tiểu đoàn chúng tôi xé ra từng đại đội, vừa đi vừa đánh. Hầu như đêm nào đại đội tôi cũng đánh đồn ở ấp chiến lược để yểm trợ cho bà con ở đấy vùng lên phá ấp, phá thế kềm kẹp của địch. Đánh phá xong một ấp chiến lược nào, đại đội tôi lại thu tân binh tại chỗ rồi dắt đi luôn.
Các đồn ấp chiến lược đều do bọn dân vệ đóng. Thoạt đầu nghe nói đánh dân vệ, anh em đều coi thường, cho dân vệ là thứ lính làng, chỉ cần nổ một loạt súng rồi kêu chúng dơ tay lên. Không ngờ có mấy ấp, bọn dân vệ ở đó hết sức ngoan cố. Đêm hôm nay, chúng tôi đã gặp một đồn dân vệ kiểu ấy. Vì là đồn cuối cùng nằm giáp biển nên bốn lô-cốt xung quanh đều có trung liên và đặc biệt có rất nhiều lựu đạn.
Trận đánh diễn ra trong tiếng sóng biển thét gào ở gần kề. Trung liên địch bắn sát rạt. Lựu đạn của chúng nổ không ngớt. Đánh gần nửa tiếng đồng hồ mà chúng tôi không sao tràn vô nổi. Anh Ba Đấu giận quá la lớn:
- Thằng Quyết đâu lại đây!
Tôi xách đại liên chạy tới. Anh bảo tôi:
- Em ráng bắn diệt thằng bắn "ép" ở cái cốt nầy cho anh. Em phải bắn nó ngay khi nó bắn mình mới được. Vậy em chú ý lấy sẵn mục tiêu, khi nào lỗ châu mai nó nháng lửa thì em bắn ngay vô đó cho anh!
Tôi hiểu ý anh Đấu muốn tôi hạ thằng địch đó đúng vào lúc còn ngồi xổ đạn ra. Điều này rất nguy hiểm, nhưng nếu tôi kịp tranh thủ thời cơ chính xác thì đó là lúc tốt nhất để bắn tên địch. Tôi nằm rạp sát đất, hướng mũi súng về phía lỗ châu mai, rình đợi. Bên phải tôi là Khởi, bên trái tôi là Cần. Đợt lựu đạn của địch sắp nổ dứt, anh Đấu nhắc chừng tôi:
- Đó nó sắp bắn đó!
Quả nhiên, tiếng lựu đạn vừa dứt, khẩu trung liên địch bắt đầu nháng lửa. Tôi nghiến răng, bắn ngay trên ánh lửa đó một chút. Tiếng trung liên địch ngừng bặt. Đợi một lúc, thấy chúng nín luôn, anh Đấu nói:
- Thằng đó chết rồi!
Anh em chúng tôi ùa lên. Lô-cốt thứ nhất bị diệt. Một mặt bị vỡ, ba mặt kia địch giữ không lại. Tôi xách đại liên đột nhập ngay vào cái lô-cốt bị hạ. Cần và Khởi bấm đèn. Chúng tôi thấy một thằng chết ngoẻo cổ bên khẩu trung liên Bar, còn bốn thằng khác cũng nằm chết đè lên nhau. Tôi nhảy qua xác mấy tên đó, đưa đại liên tới lỗ châu mai phía sau, hướng về đồn chính. Đây là lỗ châu mai ít khi địch dùng tới, trừ phi đồn chính ở giữa thình lình bị áp đảo. Tôi nã vào đồn có tới nửa thùng đạn. Ngay loạt đầu, tôi bắn sập chuồng cu. Địch trong đồn chạy túa ra như kiến vỡ tổ. Mấy lô-cốt còn lại lần lượt bị diệt nốt. Đồng bào ở ấp chiến lược nghe loa chúng tôi báo tin diệt đồn, bây giờ mới kéo ùa tới. Bà con chỉ cho chúng tôi bắt bọn ác ôn, đến dự cuộc tiếp nhận anh em thanh niên xung phong theo bộ đội. Tới gần sáng, khi bà con vẫn còn lo phá lô-cốt, cuốn hàng rào dây thép gai thì đại đội chúng tôi rời khỏi ấp.
Trời đã đâm mây ngang. Nghe gió và sóng biền réo dậy hù hù. Những cơn gió biển không ngớt lùa qua đội hình chúng tôi, thổi tới đám cháy thiêu đồn ở phía sau khiến lửa càng bừng cao ngọn. Trời sáng dần. Đã có thể nhận ra những dấu chân của chúng tôi in trên cát. Chợt phía trước có tiếng la:
- Tới biển rồi anh em ơi!
Tôi ngước nhìn tới trước. Trong buổi sáng rạng dần, tôi bàng hoàng và sửng sốt ngó thấy trước mặt mình ló dạng muôn ngàn con sóng nhấp nhô, nhào lượn. Ban đầu tôi còn thấy ít nhưng chẳng mấy chốc sóng lan rộng, mênh mông. Sóng biển nhảy nhót trên một vầng đỏ lòm trồi lên. Cái vầng đỏ đó tròn hệt một trái dưa hấu chín xẻ đôi. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ rằng đó là mặt trời. Tôi chưa từng ngó thấy một mặt trời nào cứ như đội sóng mà ngoi lên như vậy. Và toàn cảnh biển hiển hiện, xanh biếc, bao la không bến bờ làm cho tôi ngợp cả mắt. Ở gần biển là một rặng dương rì rào, ẩn hiện nhiều nóc ngói. Rất lâu sau, tôi vẫn còn ngơ ngác, nhưng nỗi nhọc mệt căng thẳng sau trận đánh cứ như được trút đi trước gió và sóng. Cảnh tượng biển hùng vĩ hiện ra trong buổi sáng đến như là một cảnh mơ đó gây cho anh em chúng tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Sau khi đứng lại một lúc, chúng tôi đi tới mau hơn. Chúng tôi đi như chạy trên cát. Lưng áo anh nào cũng thấm ướt mồ hôi. Biển như vẫy gọi chúng tôi tới bằng những lượng sóng hồng lao xao, rối rít đằng trước. Với những đôi chân đi dép cao-su, với những bộ quân phục thô xám bê bết bùn đất chúng tôi theo anh Đấu, anh Dũng đi thẳng tới rặng dương.
Còn cách một quãng vài trăm thước, tôi thấy anh em các C bạn tới trước túa ra. Thế rồi tôi bỗng nghe có tiếng kèn thổi vang lên, đoạn mở đầu của bài "Giải phóng miền Nam".
- Trời đất, thằng Lắm thổi kèn đón mình đó anh.
Đúng là Lắm đang thổi kèn thiệt. Đàng xa kia trên bãi cát, Lắm đang dạng chân thổi cây kèn mà tôi đã lấy được hôm trước. Cây kèn sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Và cũng dưới ánh mặt trời của một ngày mới chói lọi trên bờ biển, bài "Giải phóng miền Nam" được trỗi lên hùng tráng. Kèn thổi nghe rất đúng điệu mới lạ. Mới đầu tôi chưa hẳn tin là Lắm thổi. Nhưng tôi đã ngó kỹ. Chính là Lắm đang thổi. Dứt bài, Lắm hoa cây kèn lên nữa mới hách chớ. Anh em chúng tôi chạy ùa tới khiêng Lắm, tung lên trời, hoan hô ầm ĩ. Lắm đứng giữa anh em, đỏ mặt, nói:
- Mấy anh nghe tôi thổi vậy có được không, nếu dở quá mấy anh nói thiệt, đừng để bụng tội nghiệp tôi...
- Dở gì, thổi cỡ đó là hơn lính kèn Mỹ rồi.
- Tôi tập thổi suốt dọc đường mà!
- Vậy hả, vậy từ rày cho mày làm xếp kèn luôn. Tụi tao sẽ ráng kiếm thêm vài cây kèn nữa cho mầy lập đội lính kèn, chịu không?
Được anh em khen, Lắm vui vẻ hả�
- Để rồi tôi học thổi thêm một số bản nữa.
- Nhứt hạng là bản kèn xung phong.
- Phải rồi, yêu cầu gắt là bản đó nghe Lắm!
- Được mấy anh cứ tin tôi!
Lắm khoác kèn lên vai, chạy đến báo cáo với anh Đấu và anh Dũng:
- Tôi được lịnh mấy anh ra dắt C của anh Ba về chỗ ở D đã bố trí.
- Ở đâu có gần đây không?
- Ở ngay đây, ở vi-la đàng hoàng!
Lắm trỏ rặng dương, thấp thoáng nhô lên mái ngói của một ngôi biệt thự, nói thêm:
- Tiểu đoàn để dành cái vi-la này cho C anh, đẹp lắm. Nghe mấy ảnh nói vi-la này trước là của con Lệ Xuân ra nghỉ mát. Bây giờ đâu như dành tho tụi tướng tá ngụy ra chơi bời. Tụi em đã lục soát cái vi-la, không có thằng nào ở đó hết. Tra hỏi người ở, họ nói tháng nầy tụi nó chưa về.
Anh Sáu Dũng nói:
- Tôi có được biết về cái vi-la này rồi. Nhưng hiện nay có người ở đó à?
- Dạ có, có một người đàn bà chừng ba mươi tuổi, móng tay tô son đỏ chót. Ngoài ra còn có một cặp vợ chồng sồn sồn. Thằng cha chồng khai là quản gia, vợ khai là đầu bếp.
- Tình hình địch ở đây ra sao?
- Mấy bữa trước có tụi bảo an đóng, nhưng bị C.2 đánh chạy hết rồi. Rẻo biển nãy giờ coi như mình chiếm hết.
- Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng ở đâu?
- Ở gần đây.
- Thôi được, bây giờ anh em vô đóng chớ gì?
- Cứ vô ở thôi, tụi em đã sục sạo cảnh giới hết trọi rồi!
Chúng tôi được lệnh kéo vào. Nghe được ở nhà tây ai cũng thích. Cho tới sáng hôm nay, anh em chúng tôi đều rất mệt. Tính ra đã chẵn mười đêm, đêm nào chúng tôi cũng chiến đấu. Hành quân và chiến đấu. Chiến đấu xong lại hành quân. Chúng tôi đi vào ngôi biệt thự trên bờ biển với bộ quân phục vải bồng bột nhuộm xám bê bết bùn đất. Có nhiều vạt áo cháy xém vết đạn. Có những ống quần bị rách toạc. Hầu như tất cả anh em chúng tôi đều bỡ ngỡ, lạ lẫm trước cái biệt thự nghỉ mát rất đỗi nguy nga ấy. Chúng tôi không phải đến đó như những khách chơi. Với ngôi biệt thự, chúng tôi đầy vẻ cách biệt, xa lạ. Náu mình dưới những cây dương liễu, ngôi biệt thự hai tầng màu hồng nhạt có giàn hoa leo rủ và những cửa sổ có vòm trông thì đẹp thiệt nhưng có vẻ đàng điếm và ẩn lậu, đúng là nơi dành cho bọn tướng tay sai tới ăn chơi.
Một người đàn bà từ trong nhà đi ra, đẹp đẽ, kiêu kỳ. Tôi đoán là người đàn bà mà Lắm nói ban nãy. Ả đến trước chúng tôi khẽ nhún mình gật đầu chào:
- Các ông đến ở đây?
Anh Dũng gật đầu:
- Phải, chúng tôi sẽ ở đây. Đây là nhà của thằng thiếu tướng Khang phải không? Chị là người gì của tướng Khang?
- Tôi... tôi không... là gì của tướng Khang hết!
Mắt người đàn bà vụt biến sắc. Nhưng ả cố lấy lại vẻ mặt bình thường, đưa tay đon đả mời mọc, lảng tránh câu hỏi trên của anh Dũng:
- Xin mời quý ông vào ở thôi, còn nhiều buồng rất rộng!
- Tôi đề nghị chị cho biết chị là người như thế nào của tướng Khang?
Anh Dũng lặp lại câu hỏi bằng một giọng hơi gay gắt.
- Tôi ấy à? Tôi... tôi chỉ ở nhờ ở đây thôi!
- Chị trả lời không rõ ràng gì cả. Chúng tôi là giải phóng quân tới đây chiếm đóng cái nhà này, bởi vì đây là chỗ ăn chơi của tụi phản dân hại nước mà chúng tôi kiếm bắn tụi nó bấy lâu. May mà tụi nó không có ở đây. Còn chị là gì với tụi nó, chị phải khai thiệt. Bây giờ chúng tôi không có thì giờ, kỳ hạn cho chị nửa tiếng đồng hồ phải đến gặp chúng tôi trình báo rõ ràng về điều tôi vừa hỏi!
Anh Dũng khoát tay:
- Anh em mình vô đi. Từng B cứ lựa chỗ nào rộng rãi mát mẻ mà ở!
Người đàn bà vội vàng chuồn lên thang lầu, nhưng anh Dũng gọi giật lại:
- Nè chị kia, ở đây có chỗ tắm rửa nấu nướng chớ?
- Thưa ông có đủ ạ!
- Dẫn chúng tôi đi coi!
- Dạ vâng ạ.
Trong khi ả nọ ngoe ngoảy đi ra lối cửa hậu, anh Dũng day lại bảo tôi:
- Em với anh đi kiếm chỗ tắm rửa, kiếm coi trong nhà nó có gì ăn không, anh nghi trong nhà này thế nào cũng có đồ ăn. Cái con mẹ này anh coi bộ vó nó rồi, hoặc là vợ bé hoặc là một con điếm lưu niên mà thằng Khang nuôi để chơi bời dâm ô thôi!
- Thì chắc mẻm là như vậy rồi!
- Cái con này nó thấy lính mình toàn là dân ruộng nên nó tính xí gạt, nhưng đâu có gạt nổi.
Anh Dũng và tôi đi theo ả nọ. Đầu tiên ả dắt chúng tôi ra bể tắm sau nhà. Thấy bể nước cũng lớn nhưng không thể tắm cả trăm người, anh Dũng hỏi:
- Nước này lấy ở đâu, không có máy nước à?
- Dạ có, nhưng nước đã bị cắt từ hôm có quý ông về đây, ở đây có giếng.
- Ở trên lầu có buồng tắm không?
- Dạ có ạ!
- Được rồi dắt tôi đi coi nhà bếp, đi coi kho. Chị nên nhớ là không được dấu diếm. Chúng tôi cần có gạo và thức ăn, nhưng sẽ không để cho chị đói đâu!
- Dạ vâng, thật ra em biết các anh bao giờ cũng nhân đạo, các anh đi đánh Mỹ cứu nước, phận sự của chúng em là phải ủng hộ giúp đỡ các anh đấy chứ ạ!
Tôi thầm nghĩ: "Con này gớm ghê thật. Chưa chi nó đã trổ nghề của nó ra rồi. Mới đó mà đã xưng anh anh em em với anh Dũng rồi!".
Khi ả đưa anh Dũng và tôi xuống nhà bếp thì cặp vợ chồng người quản lý từ trong cóm róm cúi chào chúng tôi như vái. Người chồng cao lêu đêu, người vợ béo mập núc ních. Hai vợ chồng là hai hình thù đối lập hẳn nhau. Anh Dũng và tôi cố nén để khỏi bật cười. Ả đàn bà diêm dúa truyền lệnh cho người quản lý:
- Chú Hai dắt ông đây đi coi kho nhé, đưa ông đến cái kho ở sau nhà ấy!
Người quản lý cúi nhẹ mình "dà" một tiếng có vẻ khép nép. Chúng tôi nhận thấy ngay cái quan hệ chủ và tớ của ả nọ và người quản lý mà ả gọi là chú Hai đó.
Anh Dũng bảo ả:
- Thôi được rồi, chị về nghỉ, để ông này dắt tôi đi coi cũng được!
- Cảm ơn ông! Ả nói nhỏ nhẻ.
Tôi lấy làm lạ, không biết ả cảm ơn anh Dũng cái gì. Con mẹ khó chịu thiệt. Hết gọi anh lại gọi ông. Có mặt kẻ ăn người ở thì gọi ông. Tôi đoán con mẹ phòng ngừa hậu họa, lúc tên tướng trở lại. Chúng tôi đi theo người quản lý bấy giờ đã rủng rẻng cầm trong tay một chùm chìa khóa. Trông bộ mặt người quản lý đứng tuổi, tôi thấy ông ta có vẻ hiền lành chớ không gian giảo. Hình như từ lúc gặp chúng tôi, ông ta vừa sợ hãi vừa vui mừng. Nỗi vui mừng của ông ta càng lộ ra rõ hơn khi ả đàn bà nọ đã đi khỏi. Hấp háy đôi con mắt thân thiện nhìn anh Dũng, ông ta giục:
- Đi anh!
- Ông thứ hai?
- Dà.
- Ông vô làm trong nhà này chắc đã lâ
Người quản lý vui vẻ đáp:
- Dạ cũng mới vài ba năm nay. Vợ tôi thì ở đây lâu hơn, vợ tôi nấu ăn ở đây, xin cho tôi vô làm chân thủ kho. Chúng tôi mới nên vợ chồng cũng từ ba năm nay. Chẳng dấu gì mấy anh, tụi tôi đôi bên đều lỡ làng, bây giờ chắp nối lại chớ không phải ăn ở với nhau từ thuở còn xuân...
- Cái đó đâu có hề chi, ăn thua là hợp tánh ý nhau. - Anh Dũng nói.
- Vợ chồng tôi thương nhau lắm, ngặt một nỗi hợp nhau về tánh ý mà không hợp nhau về hình dong. Anh coi tôi thì ốm nhách còn vợ tôi thì mập lù!
Anh Dũng bật cười, nhưng anh vẫn nói:
- Cái đó cũng không có sao.
- Dà phải, tôi thì cũng thấy không sao chớ thiên hạ thấy nó hơi cắc cớ.
Anh Dũng lại cười. Thấy người đàn ông giữ kho có vẻ cởi mở, anh hỏi:
- Hôm nay chúng tôi tới đây, ông có ngán ngại gì chúng tôi không?
Người giữ kho chợt im. Đi thêm mấy bước ông ta đưa mắt liếc quanh, hạ thấp giọng:
- Mấy anh đã hỏi thì tôi xin thưa thiệt, dạ thiệt tình là tôi có ngán...
- Ngán chúng tôi?
- Dà, vợ chồng tôi cầm chắc là mình làm ở trong cái nhà này thì thế nào cũng mắc tội lây. Thiệt ra tụi tôi chỉ coi kho, nấu bếp hầu hạ cho ông Khang, chớ....
- Cứ kêu nó bằng thằng, nó là thằng ác ôn chớ ông iếc gì!
- Dà dà... tại tôi quen miệng... Dà, dĩ nhiên làm cho nó không ít thì nhiều, vợ chồng tôi cũng có tội với mấy anh...
Anh Dũng mỉm cười, ngó thẳng người giữ kho:
- Vậy ông tự nhận tội vợ chồng ông coi đáng xử cỡ nào thì vừa?
Giữa lúc người giữ kho lúng túng chưa trả lời, anh Dũng cười hà hà:
- Nè, tôi hỏi thiệt ông nói tôi nghe, bộ xưa rày ở đây tụi nó nói bộ đội giải phóng tụi tôi ác ôn lắm phải không?
Người giữ kho nín thinh. Lát sau, lúc đã đi đến bậc cửa nhà kho, ông ta tra chìa khóa vào ổ khóa, nhưng chưa mở cửa, đứng ngần ngừ một chốc và nói:
- Dạ họ có nói vậy, nói Việt cộng thế này thế nọ. Nhưng tôi không mấy tin, bởi tôi có bà con trong đồng, họ lại nói khác... Họ nói không hề có cái vụ Việt cộng chặt đầu mổ bụng...
- Ở đây tụi nó bảo Việt cộng tới đâu là chặt đầu mổ bụng đồng bào tới đó à?
- Dà.
- Vậy từ hôm anh em chúng tôi tới đây, ông đã ngó thấy chúng tôi mổ bụng ai chưa?
- Dạ chưa, mấy anh có bắt được gần một chục người lính bảo an mà không thấy làm gì họ.
Anh Dũng nghiêm trang bảo:
- Nè ông Hai, như vậy ông đủ thấy rồi đó. Chúng tôi còn ở đây, rồi ông cứ để ý thấy thêm. Ngay cả tụi ác ôn, chúng tôi cũng không thèm mổ bụng. Cần diệt thằng nào, chúng tôi bắn ngay vô đâu thằng đó. Mổ bụng người mới là nghề của tụi nó. Ông Hai bảo là có bà con miệt đồng, vậy họ không có nói cho ông nghe tụi nó mổ bụng moi gan người đem xào ăn sao?
- Dạ tôi cũng có nghe!
- Ông nghe mà ông có tin không?
- Dạ ban đầu tôi chưa tin, về sau thì tôi phải tin, bởi tôi ngó thấy tận mắt...
- Thấy tụi nó mổ bụng người?
- Dạ không, nhưng tôi thấy tụi lính mỗi lần đi ruồng miệt trỏng, có đem mật người về bán. Một cái mật giá một ngàn tám, có khi lên tới hai ngàn, hai ngàn rưỡi. Để đua tin đó là mật người thiệt, tụi lính có đưa kèm theo một cái lỗ tai người phơi khô. Tôi ngó thấy ở ngoài quán Nước Ngọt bữa nọ có một thằng lính vô kêu ly rượu, sau đó móc trong túi áo ra một cái mật khô, dùng lưỡi lê khứa cái mật bỏ vô ly rượu lắc lắc mà uống...
- Ông ngó thấy vậy thì thôi tôi khỏi nói nữa!
Nhưng người giữ kho chợt ngước nhìn anh Dũng và tôi:
- Tôi nói sợ mấy anh không tin, vợ chồng tôi không làm gì khác ngoài sự coi giữ, nấu ăn cho nhà nầy, vợ chồng tôi kiếm miếng sống...
- Tôi biết!
Anh Dũng vỗ vai ông ta ôn tồn:
- Trước khi tới ở đây chúng tôi đều biết. Lẽ ra vợ chồng chú Hai cũng đừng nên làm trong cái nhà này. Nhưng nếu ngoài công việc giữ đồ và nấu ăn, vợ chồng chú không còn làm thêm việc gì hại tới bà con thì chú cứ yên tâm. Có điều chúng tôi cần hỏi cho rõ cái chị hồi nãy là gì của thằng thiếu tướng Khang, có phải là vợ của nó không?
- Dạ, bả là... là vợ không... không chánh thức. Ổng có vợ lớn ở Sài-gòn, còn ở đây thì lâu lâu ổng đưa một người đàn bà về ở vậy đó. Ổng chơi bời kiểu tướng mà!
- Thôi được, bây giờ chú mở kho cho tôi coi. Chú cứ mở hết thảy các kho đồ ăn thức uống ra. Anh em chúng tôi hổm rày chiến đấu cực khổ, giờ về đóng đây cần nghỉ ngơi ăn uống lấy sức. Vợ chồng chú cần hết sức giúp đỡ chúng tôi. Chú với thím lo nấu miếng ngon miếng bổ cho thằng Khang là chỉ để cho nó chơi bời trác táng rồi bắn giết dân, còn chú thím lo cho anh em chúng tôi tức là lo cho cách mạng. Trước chú thím nấu nướng ngon một, giờ cần nấu sao ngon gấp mười!
- Dạ, vợ chồng tôi xin hết lòng. Tôi chỉ sợ mấy anh rút đi rồi, con mẹ đó nó mét lại thì tụi tôi chết...
- Chú khỏi sợ. Tôi đã nói cho chị ta biết là chúng tôi đã tịch thu toàn bộ gia sản nhà này rồi!
Chú Hai mở toang cửa kho. Tôi ngó thấy hai gian nhà gạch ăn liền nhau, chất đầy những thùng sắt, thùng thông. Chú Hai dắt chỉ cho chúng tôi biết từng thứ. Cái kho thiệt giàu, có nhiều thứ tôi không hề biết. Mì sợi, mì ống chất đầy trong các thùng. Có ủ loại đồ hộp, với những cái tên rất lạ, anh Dũng may ra thì biết, chớ đối với tôi thì lạ hoắc. Ví dụ như gan gà, gan ngỗng vô hộp. Cá thu, cua, tôm cũng vô hộp. Rồi tới nấm, măng. Thịt đùi heo sấy khói treo lủng lẳng, bọc giấy kiếng. Vô số la-ve hộp, thuốc lá thơm các loại chứa trong các tủ đứng cao nghệu. Mà thứ nào, loại nào cũng nhiều. Tôi nghĩ bụng: "Mẹ nó, quân ác ôn tay sai cho Huê-kỳ nầy thằng nào cũng lo hết mình cho cái bao tử!". Tôi nhắc anh Dũng rằng phải lấy xài cho hết. Anh Dũng cười bảo tôi đừng lo, anh còn nghĩ tớị việc sẽ lấy đồ hộp làm lương khô cho anh em đem theo nữa. Nói tóm là tôi và anh Dũng đều nhứt trí thứ nào ăn không hết thì đem đi.
Sau khi đã dắt chúng tôi coi hết kho, chú Hai nói:
- Đồ ăn thiếu gì, mặn ngọt có đủ, ngặt là toàn đồ nguội. Mấy anh cứ việc lấy dùng hết đi, có phải của ông của cha gì tôi đâu mà tôi giữ. - Được rồi, ngoài cái kho này còn có kho nào nữa không, có gạo không?
- Có gạo và có một cái hầm rượu, mấy anh muốn đi coi không?
- Rượu gì?
- Nhiều thứ: wít-ky, cô nhát, sâm banh, rượu chát...
- Thôi, cứ để đó. Bây giờ chú Hai về, nhờ vợ chồng chú phụ lo cơm nước cho anh em. Chắc chú cũng biết, anh em đánh đồn còn cháy đó, rồi tới đây liền có cơm nước gì đâu!
Cầm xâu chìa khóa trao cho anh Dũng, chú Hai nói:
- Dạ phần nầy xin mấy anh cứ để vợ chồng tôi lo, mấy anh cứ tin tôi. Chỉ ngại con mẹ đó...
Nhìn anh Dũng cầm xâu chìa khóa, tôi có ý nghĩ muốn đề nghị anh Dũng bắt con nhân tình thằng tướng Khang kia đem nhốt lại. Để con mẻ khỏi dòm ngó vợ chồng chú Hai, đồng thời để chúng tôi khỏi thấy ả đủng đỉnh tới lui thêm nhức mắt.
Ngày nghỉ quân trong ngôi biệt thự là một ngày rất vui vẻ. Chúng tôi ăn mấy bữa cơm ngon lành với những thức ăn rất đặc biệt. Vợ chồng người quản lý đã tỏ ra cố gắng. Với sự tiếp sức của các anh nuôi, cặp vợ chồng ấy đã dọn cho chúng tôi những bữa ăn gồm có cá tôm của bà con xóm lưới gánh lại cho, cộng vào đấv là các thức ăn lấy trong kho ra, có cả la-ve và rượu chát. Gần hai mươi chiếc khăn trải bàn trắng có viền thêu được đem ra trải lên bàn ăn. Anh Đấu tuyên bố
- Đại đội mình trong thời gian mười ngày qua đã đánh dẹp được nhiều đồn, giải phóng nhiều ấp chiến lược đưa đồng bào vùng lên phá thế kềm kẹp của địch. Hôm nay chúng ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nếu như cái nhà này của người lương thiện thì tức nhiên mình sẽ không rớ tới một hột gạo. Nhưng đây là nhà của tụi ác ôn, nên mình tịch thu và hoàn toàn xử dụng!
Anh Dũng nói:
- Anh em mình cần chú ý, trong cái nhà nầy hiện nay ngoài chúng ta ra còn có ba người: vợ chồng người quản lý và con nhân tình của thằng Khang. Vợ chồng người quản lý tuy làm trong nhà này nhưng không phải là người xấu. Chỉ có con mụ nhân tình của thằng Khang, con nầy rõ ràng là không ổn.
Tôi dơ tay có ý kiến đề nghi Ban chỉ huy cho nhốt tạm mụ ấy lại. Anh Đấu bảo:
- Cũng có thể tạm giam mụ ta lại, nhưng bây giờ cứ để theo dõi coi.
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được ăn uống trên bàn trải khăn trắng tinh. Rồi sau đó chúng tôi gặp nhiều sự lạ khác. Buồn cười nhứt là lúc anh em đi tắm. Bước vô buồng tắm, chúng tôi không biết vặn chỗ nào cho ra nước.
Thế là phải gọi anh Dũng tới. Anh Dũng vặn mấy cái nút nơi tường, tức thì nước từ trong các cái giống như gương sen phun tưới như trận mưa rào. Tôi nháy Khởi nhẩy tới đè Cần xuống. Khởi vừa xông tới vừa la:
- Mấy anh ơi, thằng Cần dám là đàn bà con gái lắm, phải xét nó coi!
- Ừ, lóng này nghe đồn con gái giả trai đi bộ đội bộn, cứ kiểm tra thử?
Cần không chịu cho cởi, túm quần chòi đạp, kêu oai oái. Chúng tôi vẫn không tha. Chúng tôi cười la ầm ĩ trong buồng tắm. Cần đỏ mặt kêu:
- Thấy tui hiền, mấy anh phá tui hoài!
Thiệt là một ngày vui. Ngôi biệt thự của tên tướng ngụy đã đem lại cho chúng tôi những giờ phút giải trí, bù lại chút ít những ngày ở rừng, ở ruộng. Cho tới hôm nay, khi tôi soi mình trước một tấm gương lớn, tôi mới thấy rõ người tôi. Tôi thấy người tôi đen đúa xạm nắng dữ quá, chân thì cều, tóc tai xửng lên trông rất buồn cười. Mà chẳng riêng gì tôi, anh em chúng tôi đứa nào cũng vậy cả, ngó còn đặc mùi bùn ruộng. Bây giờ tôi mới hiểu hết cái vẻ khinh khỉnh, cái ngó liếc nửa mắt của con mụ móng tay chuốt son đỏ choét kia. Ở trong buồng tắm ra, tôi lại bắt gặp mụ với bước đi cong cớn và vẫn liếc nhìn chúng tôi một cách khó chịu. Tôi ghét quá lập tức đi kiếm anh Đấu lúc ấy đang ngồi cho chú Chín Thắng cắt tóc.
- Anh Ba à, nhốt con mụ đó lại thôi, để nó đi rễu rễu dòm ngó anh em mình hoài coi chướng con mắt quá anh!
- Nó đi đâu? - Anh Đấu hỏi.
- Thì đi vòng vo trong nhà thôi, nhưng để ý anh em mình lắm!
- Ừ, nhốt thì nhốt, đợi tao hớt tóc xong đã!
Mãi đến khi anh Đấu cho giam tạm con mụ đó lại trong một buồng trên lầu, tôi mới đỡ bực. Nhưng nỗi bực bội về mụ ta vừa mới lắng xuống thì cơn giận khác lại đến. Đó là vào lúc tôi cùng Khởi và Cần lên lầu kiếm chỗ trí khẩu đại liên. Mới bước vô một cái phòng tôi chợt ngó thấy trên tường phòng trưng bầy nhiều bức tranh coi rất kỳ cục. Toàn là tranh vẽ đàn bà con gái ở truồng, đứa đứng ưỡn ẹo, đứa nằm thuồn thuỗn. Mới ngó qua tôi đã thấy nóng mắt, liền đi kiếm một thanh cây nhảy tới đập tưới, rồi lôi hình xuống xé. Khởi và Càn cũng ráp lại xé hết mấy tấm còn lại. Tôi nói:
- Cái thằng nầy đi bắn giết đồng bào đã rồi về đây bày trò dâm ô bậy bạ. May phước cho nó là nó không có ở đây, chớ nó có ở đây thì tao thộp cổ đem trấn xuống biển liền!
Tôi trí khẩu đại liên ngay trên bệ cửa sổ của gian phòng ấy. Từ khung cửa sổ này, tầm hỏa lực đại liên có thể trấn áp bọn địch nếu chúng từ mạn Nưóc Ngọt kéo lên. Trong lúc dùng một thói quen sẵn có là cầm cổ họng cây đại liên rà rà ước lượng cự ly cao thấp, tôi ngó thấy dưới họng súng của tôi là bãi cát trắng phau mà sóng biển cứ la liếm mãi dường như còn chưa đã thèm. Biển bây giờ trở nên dịu dàng hơn, như giỡn cợt âu yếm cùng bờ bãi. Tôi cố đưa mắt kiếm tìm coi có bầy cá nược nào nhào hụp trên sóng không (những bầy cá nược mà hồi còn sống ba tôi đã kể cho tôi nghe). Nhưng tôi chẳng ngó thấy con cá nược nào cả. Trước cảnh biển đó tôi lại thấy hiện ra cảnh ba tôi mặc bộ quần áo lên phèn mốc cời, đầu buộc khăn xước, đang cùng bạn chài vần ghe bầu để ra khơi. Ấy là hình ảnh ngày xưa của người cha cố nông không còn có tấc đất cặm dùi nên phải mò ra biển cả, để rồi không đầy một tháng sau lại phải quay về nơi miệt đồng bưng, và bảo với chúng tôi rằng biển cả thiệt là dữ dằn hung hổ. Hôm nay, trước mắt tôi, là đứa con đã lớn lên, biển cả tuy lớn lao mênh mông, nhưng tôi không thấy sợ mà chỉ thấy náo nức. Quả là từ khi đặt chân tới đây, tôi ngó biển mà nức lòng trước vẻ hùng vĩ của biển, sự bao la như vô cùng vô tận của biển, bởi tôi được anh Đấu anh Dũng cho biết là biển có tuổi thọ không thua gì đất. Từ đó, tôi bỗng dưng thấy biển nó cũng cao niên và mạnh mẽ giống tợ ông Xà một trăm lẻ ba tuổi ở Chùm-đuông mà tôi hằng thán phục.
Giữa lúc sóng biển xanh gọi tôi nhớ lại ba tôi, gợi tới ông Xà thì tôi bỗng chợt thấy xa xa dưới bãi cát trắng phau có một tốp người đi về phía ngôi biệt thự chúng tôi. Ban đầu tôi ngỡ là những bà con xóm dưới. Nhưng lát sau, tôi nhận ra đó là tiểu đội nữ thanh niên xung phong. Cũng còn hơi xa, nhưng tôi trông người đi đầu giống như Biếc. Đúng là Biếc thiệt rồi. Đi trong cơn gió chiều, Biếc đi trên cát mà như thể đi trên biển xanh. Chiếc khăn rằn quàng nơi cổ Biếc bay phần phật trên nền trời lúc này cũng xanh không vướng một sợi mây nào.