- 1 -
NHỮNG VIỆC ĐI TRƯỚC TAM QUỐC

Truyện Tam quốc được khai đoan bằng một câu: “Phù thiên hạ đại thế, phân cửu tất hợp, hợp cửu tất phân”. (Thế lớn thiên hạ, chia lâu rồi lại hợp, hợp lâu lại rồi chia).
Đó là một qui luật lịch sử, một đoạn nhân quả tiếp nối để thúc đẩy lịch sử chuyển mình, diễn tiến. Nếu nghĩ rằng chia hay hợp chẳng qua là tự nhiên do mệnh trời xếp đặt, thì hiện tượng phân hợp của lịch sử trở nên trống rỗng (và Tam quốc cũng mất hết ý nghĩa)
Nhận định lịch sử bằng quan niệm “mệnh trời” không khác gì ý muốn “trói voi bỏ rọ”. Nhận định ấy tất sinh sản ra những lý luận không chính tắc, đôi khi tức cười nữa. Tỉ dụ cuốn Tân biên Ngũ đại Lương sử Bình Thoại ghi chép một chuyện cũ về Tam quốc như sau:
“Khi Lưu Bang thắng được Hạng Vũ rồi, nhân có bụng nghi các công thần nên giết Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bá. Cả ba liền kiện Lưu Bang trên Thiên đình. Trời bèn cho Hàn Tín thác sinh làm Tào Tháo, Bành Việt thác sinh làm Tôn Quyền, Anh Bá thác sinh làm Lưu Bị để trả thù xâu xé cướp lại cơ nghiệp của Hán cao Tổ. Bởi vậy mới thành Tam quốc”
Mục đính cố sự trên được bịa đặt ra nhằm tác dụng đề cao thuyết ân oán báo ứng. Điểm đáng chú ý là: nó gây một ảnh hưởng không nhỏ và đã được lưu truyền rất rộng rãi trong đại chúng.
Lịch sử là tổng hợp sinh hoạt nhân loại. Luận đoán lịch sử đương nhiên không thể đặt dưới chiều ánh sáng chân lý siêu việt ngoại tại. Lịch sử phải được phê phán dưới chiều ánh sáng chân lý nhân sinh nội tại.
Theo chân lý nội tại nhân sinh, thì những bước đi của lịch sử không bao giờ độc lập tự tồn, mà chúng phải chịu qui luật tiếp diễn, nhân quả. Ở đây có những tính phổ biến, tính cộng đồng. Phân hay hợp mỗi giai đoạn đều mang tác dụng và nhiệm vụ riêng. Bây giờ nói về hiện tượng “chia ba chân vạc” của thời đại Tam quốc, chúng ta có thể khẳng định như sau:
- Nguyên nhân trực tiếp là: triều chính Hán mạt thối nát.
- Nguyên nhân gián tiếp là: Những vấn đề còn chưa xong của thời đại Xuân thu Chiến quốc.
- Nhiệm vụ của sự chia cắt là tiếp tục công cuộc thống nhất Hán triều bỏ dở.
- Tác dụng của “tam phân” là thống nhất từng mảnh rồi mới thống nhất toàn bộ.
Có tìm hiểu minh bạch “bối cảnh lịch sử thời đại” thì mới phát hiện được thực chất Tam quốc, mới đặt được trung tâm hướng dẫn bàn luận về những quan niệm chính trị, chiến sự và nhân vật. Dưới đây chúng tôi xin nêu ít luận cứ:
Từ tám trăm đến mười.
Xu hướng thống nhất bắt đầu dâng cao lên kể từ đời vua Trụ. Nhưng triều chính của vua Trụ quá thối nát không thể lãnh đạo được xu hướng đó. Thừa cơ, nhà Chu liền khởi nghiệp tự lập làm vua. Văn Vương mất, Vũ Vương kế vị được hai năm thì quyết định thanh toán triều đại nhà Ân mà Trụ vương làm đại biểu. Vũ Vương hội tám trăm chư hầu ở Mạnh Tân, sau trận giáp chiến tại Mục Dã, nhà Ân mất hẳn.
Để đáp ứng với nhu yếu thống nhất, nhà Tây Chu đã thôn tính rất nhiều bộ lạc lẻ tẻ rời rạc, đồng thời kiến lập nền móng một trật tự trung tâm, một cốt cách văn hóa trung tâm cho Trung quốc.
Tính đến lúc nhà Chu chuyển từ Tây sang Đông được gọi là Đông Chu, số chư hầu chỉ còn lại hai trăm. Nhưng mạnh nhất và ảnh hưởng đến cục diện vẻn vẹn có mười nước.
Giai cấp mới.
Đông Chu được lập 49 năm, tranh chấp thôn tính biến tính chất, trở nên gay go quyết liệt hơn, vì quy mô cùng lực lượng tranh chấp đã lớn lên rất nhiều. Sự cạnh tranh giữa các liệt quốc tạo thành sự hưng thịnh của học thuật. Thế hệ tư tưởng nhờ các thế lực khác nhau bảo trợ, nhờ hiện tượng mỗi ngày một phức tạp của xã hội vun tưới, đã trổ bông rườm rà, cỏ lạ hoa thơm. CÙng một lúc với sự hưng thịnh của học thuật là sự thành lập riêng biệt một giai cấp mới: giai cấp sĩ (phần tử trí thức).
Bình dân tham chính.
Bản thân thời đại Xuân thu bao quát sau 242 năm, cuối cùng chỉ còn lại bẩy nước tồn tại là: Yên, Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần. Cuộc tranh hùng giữa bẩy nước, lịch sử ghi lại dưới một tên khác: thời đại Chiến quốc.
Hai thời đại Xuân thu và Chiến quốc mang một hiện tượng đặc sắc là: Bình dân tham dự chính quyền. Về hiện tượng này ông Triệu Dực viết như sau:
Từ cổ, chư hầu tự cai quản nước mình, khanh đại phu truyền con, truyền cháu làm quan trị dân. Dưới chế độ “cường thần đại tộc”, dân chúng bị ngược đãi điêu linh, loạn ly không dứt. Tranh chấp đến Chiến quốc thì phạm vi bành trướng to rộng quá. Khanh đại phu bị chìm ngập, lãnh đạo chính trị không thể theo con đường thế khanh, thế hầu được nữa. Do đó mới xuất hiện các chính khách như: Phạm Thư, Sái Trạch, Tô Tần, Trương Nghi, các võ tướng như Tôn Tẫn, Bạch Khởi, Nhạc Nghị, Liêm Pha, Vương Tiễn. Và xa xưa nữa như: Nịnh Thích, Bá Lý Hề. Những người này hết thẩy đều áo vải chân trắng.
Kết cục tranh chấp Thất hùng: nhà Tần kiêm tính sáu nước Yên, Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy dựng nên Tần triều, chấm dứt thời đại Chiến quốc kiến lập cơ sở thống nhất đầu tiên.
Ai diệt lục quốc?
Nhà Tần sở dĩ dựng lên là vì đáp ứng với nhu yếu thống nhất, Tần kéo được về phía mình một lực lượng to tát: nhân tâm quy hướng. Ông Đỗ Mục có một lời phê rất đúng: “Không ai diệt lục quốc cả, chỉ lục quốc tự diệt mà thôi”. Bất quá vũ lực và thủ đoạn của Tần triều đã không nghĩ thế. Khi thống nhất rồi, họ liền cho vũ lực là vạn năng, thủ đoạn là vạn năng.
Tần triều không tìm đến một phương thức lãnh đạo thích hợp với tình trạng mới, mà chỉ đem phương thức “Bá” nhỏ hẹp để thống trị đại thiên hạ. Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách, nhằm qui hết tư tưởng vào một mối. Tần chỉ đem pháp chính ra mong làm chủ lưu tư tưởng, pháp chính là một mặt rất hẹp của tư tưởng thì làm sao có thể lấp bít hết những trống rỗng trên nhiều mặt khác?
Hạng Võ đi ngược chiều lịch sử.
Phương thức bá nghiệp đã bất lực với việc thống trị đại thiên hạ. Bốn phương lại ly loạn. Lòng phục hận của con cháu Yên, Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy tạo nên nguy cơ phân xé. Tuy nhiên chẳng sức mạnh gì có thể ngăn chặn lịch sử tiến bộ được. Sí đồ phân chia chư hầu liệt quốc của dòng họ sáu nước thất bại. Diệt Tần, nhưng điều căn bản vẫn là tiếp tục hoàn thành thống nhất. Bất cứ âm mưu xé nát từng mảnh nào đều không có khả năng tồn tại. Bởi vậy, việc cướp lại thiên hạ của Tần bị thu hút vào lực lượng lớn nhất: Sở Hạng Vương, sau trận thắng lợi diệt Tần ở Cư (Cự?) lộc.
Nhưng Sở Hạng Vương đã phạm vào lỗi  lầm đưa Sở diệt vong là đi ngược chiều với xu hướng thống nhất: chia phong 18 chư hầu. Trong đó Hán Bái Công được phong làm Hán vương. Việc chia phong dẫn đến bất bình nội bộ. Hán vương liền thừa cơ lung lạc chư hầu nổi lên, đánh bại Hạng Vương ở Cai Hạ.
Thất bại chia cắt này suýt nữa chính Lưu Bang cũng mắc phải. Tây Hán thì (chí?) kể rằng:
“Một hôm Lịch Tự Cơ vào yết kiến Hán vương nói: Ngày xưa vua Thang vua Vũ đánh Kiệt, Trụ đều phong cho con cháu những nước bị đánh làm vua. Đến lúc nhà Tần thâu phục chư hầu mới hủy diệt xã tắc của họ. Nay nếu Đại vương noi gương Thang, Vũ lập con cháu sáu nước bị mất lên làm vua, thì Đức và Lượng của Đại vương sẽ rải khắp thiên hạ. Tôi chắc Hạng Vương cũng sẽ khép vạt áo về chầu Đại vương.
Hán vương thích lắm, sai thợ khắc ấn sáu nước và sai Lịch Sinh đem ấn đi tìm con cái, dòng dõi chư hầu mà phong.
Nhưng Lịch Sinh chưa đi, Trương Lương đã đến chầu.
Bấy giờ Hán vương đang ăn, thấy Trương Lương vội đem việc đó kể lại.
Trương Lương thất kinh nói:
- Ai bầy cho Đại Vương cái mưu kỳ lạ đó? Vua Thang, vua Vũ phong cho con cháu Kiệt Trụ là vì Thang Vũ đủ sức làm chủ sự sống chết của họ. Còn Đại vương có thể làm chủ được Hạng Vũ chăng? Vả lại các du sĩ trong thiên hạ theo Đại vương cốt là mong hưởng mỗi người vài mảnh đất. Nếu Đại vương lập các con cháu dòng họ cũ thì ai còn theo giúp Đại vương nữa. Hễ dùng mưu đó cơ nghiệp Đại vương tất tiêu tan.
Hán Vương nghe nói, nhả miếng cơm trong miệng ra, mắng Lịch Sinh: “Nếu tiên sinh không kịp đến, ta đã nghe lời rồ dại kia mà làm hỏng việc lớn rồi”.
Liền truyền bỏ hủy ấn sáu nước đi.
Lịch Sinh bị mắng xấu hổ lui ra.
Cách vài ngày sau, Trương Lương tìm đến nói với Lịch Sinh:
- Câu chuyện bữa trước, tôi thực tình vì nước chứ không có ý riêng. Tôi không ngờ đó là ý của tiên sinh, về sau biết được lòng tôi áy náy. Vả lại bàn việc phải xét kỹ mọi điều mới khỏi lầm lẫn. Nhà Hán tuy đã lấy được nửa đất của Sở, nhưng Hạng Vương thế lực còn mạnh lắm. Nếu ta phong cho sáu nước chư hầu, chẳng khác nào ta tự chia rẽ lực lượng của ta để mà đem trao cho địch. Tiên sinh chỉ thấy cái chỗ Hán vương với Thang, Vũ giống nhau mà không thấy cái chỗ Hán với Thang Vũ khác nhau.
Lưu Bang biết được thế lớn.
Thành công của Hán vương được các sử gia quy vào bốn chữ: Năng tri đại thể (biết được thế lớn). Bên cạnh bốn chữ năng tri đại thể còn phải kể đến yếu tố chủ yếu là Hán vương đã gắn liền được sự nghiệp ông ta với lực lượng giai cấp sĩ. Giai cấp sĩ lúc này đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của Khổng phu Tử trên sinh hoạt và tư tưởng Quản Trọng trên phương pháp.
Sự ủng hộ của lực lượng giai cấp sĩ đem lại cho Hán vương khả năng lãnh đạo đại thiên hạ mà Tần và Sở đều không có. Hán vương nói một câu thật đầy đủ ý nghĩa: Đấu trí mà không đấu lực. Câu này xác định nhận thức đúng của Hán vương về cơ bản thành công trong tình thế mới là chính trị chứ không phải là vũ lực.
Nhu yếu của giai cấp sĩ gắn liền với công cuộc giành thiên hạ của Hán vương là nhằm mục đích đem tư tưởng của Khổng tử, Quản Trọng từ địa vị chủ lưu tiến quân vào Chính thống.
Lưu Bang bỏ thế lớn.
Vận hành lịch sử không bao giờ tiến theo một vạch thẳng tắp mà tiến theo đường xoáy ốc từ thấp đến cao.
Hán vương thống nhất thiên hạ rồi liền áp dụng chế độ hành chính thống nhất, đặt định Quận, Huyện, bổ nhiệm quan lại. Sự nghiệp ổn định sinh ra tâm lý tự kiêu trong lòng Hán vương. Giai cấp sĩ phản đối, Hán vương từ bỏ giai cấp sĩ. Bị đuổi, giai cấp sĩ liền hòa hẳn với dân chúng đem Nho học đi sâu vào nhân tâm, đặt chuẩn tắc cho xã hội.
Còn triều đình Hán về sau càng ngày càng sa chân xuống vũng bùn xu nịnh, nguyên nhân của nạn hoạn quan, ngoại thích sau này.
Chia lìa giữa giai cấp sĩ với triều đình nhà Hán là chia lìa giữa lực lượng thống nhất bằng văn hóa tư tưởng Và cũng là chia lìa giữa dân chúng với tập đoàn vua quan lại trị. Sự chia lìa này làm cho toàn bộ công cuộc thống nhất bạc nhược. Bạc nhược vì quyền bính chính trị thiếu sự hiệp trợ của văn hóa tư tưởng, hiệp trợ của dân chúng tất nhiên không gây dựng nổi hiệu quả chắc chắn. Còn văn hóa tư tưởng thiếu uy thế của quyền bính chính trị tất nhiên không tiến hành mau chóng được.
Văn hóa xung kích và Tam quốc.
Văn hóa phát triển tất có khu trung tâm (Center area) và khu biên duyên (Margin area). Khi khu trung tâm phát đạt, nó sẽ xung kích vào khu biên duyên, để khiến cho biên duyên khai hóa. Ngược lại khu biên duyên cũng chỉ chờ khu trung tâm hủ bại, nội loạn là xung kích vào trung tâm để đặt ảnh hưởng và thế lực của mình.
Cuối đời Hán, thế xung kích qua lại giữa khu văn hóa trung tâm với khu văn hóa biên duyên trở nên gay go. Thế lực văn hóa ở khu trung tâm, để tồn tại cần phải phát triển thành thế lực chính trị chứ không thể vẫn giữ tình trạng phân ly như cũ được nữa. Nhưng khốn nỗi, sự thối nát của triều chính Hán mạt đã làm cho quyền bính chính trị tản mạn chứ không tập trung nữa.
Nho sĩ cũng phải phân tán để kiến thiết thế lực chính trị ở các khu vực quyền bính chính trị khác nhau.
Sự trạng này tạo nên thế Tam quốc mà chúng ta sẽ bàn luận vào chi tiết ở những bài sau.