- 2 -
NHỮNG GIAI ĐOẠN CHỦ YẾU CỦA TAM QUỐC

Ông Cao Nho danh sĩ đời nhà Minh phê phán Tam quốc chí diễn nghĩa có một đoạn như sau:
- Góp nhặt tài liệu chính sử, sắp xếp lại các chuyện, chứng thực bằng lời văn, hiểu rõ tâm lý quần chúng, không thô lậu quê mùa, không hoàn toàn bịa đặt, dễ xem dễ hiểu, không phải lời văn quá vắn tắt, khó khăn của các nhà viết sử cổ xưa, không có giọng khôi hài nhạt nhẽo của người mù kể truyện rong, chép chuyện trăm năm, bao quát muôn việc.
Sở dĩ có hai chữ diễn nghĩa, hình như dụng ý của nhà văn là để chống đối với chính sử, La Quán Trung muốn quảng đại quần chúng cũng có quyền hiểu lịch sử.
Toàn bộ lịch sử trải qua thời kỳ tiền Tam quốc, thời kỳ chính thức xây dựng ba nước Ngô, Ngụy, Thục cho tới ngày Tư mã Viêm thống nhất toàn quốc dựng nên nhà Tấn dài ước chừng non thế kỷ.
Loạn Khăn vàng khởi sự vào năm đầu niên hiệu Trung bình đời Đông Hán Linh Đế, tức là năm 184 công lịch. Đến năm 280 công lịch nhà Tấn diệt Ngô thống nhất. Lỗ Tấn khi bàn về cuốn Tam quốc chí diễn nghĩa cũng nói: “Gồm đầu đuôi việc 97 năm”.
Khoảng thời gian ngót một trăm năm lịch sử khả dĩ chia làm ba giai đoạn chủ yếu.
Giai đoạn tiền Tam quốc từ 184 đến 220.
Loạn Khăn vàng khởi lên vào giữa lúc thời kỳ thối nát nhất của nền chính trị cuối nhà Hán. Thanh thế Khăn vàng ban đầu mạnh như mây đùn gió nổi, nhưng vì điều kiện lịch sử hạn chế một phần, lãnh đạo lầm lỡ một phần, nên loạn Khăn vàng sau nhiều thất bại liên tiếp bị dẹp tan. Để mua sự tiêu diệt của phong trào Khăn vàng, chính quyền Đông Hán đã phải trả một giá rất đắt là: tạo nên sự lung lay và suy yếu tột độ của chính mình để cuối cùng bước tới sụp đổ. Chính quyền nhà Hán lung lay suy yếu, chế độ trung ương tập quyền tan vỡ, khiến thế lực địa phương mạnh lên, mỗi kẻ xưng hùng xưng bá một nơi.
Năm 189, Đổng Trác tiến quân vào Lạc Dương. Năm 190 liên quân miền Đông do Viên Thiệu cầm đầu, do Tào Tháo tổ chức tiến đánh Đổng Trác. Trong quá trình thành lập liên quân, Viên Thiệu, Viên Thuật lợi dụng tăng cường thế lực, Thiệu thôn tính thêm ba châu Thanh, Tinh, U. Thời kỳ loạn kiêu binh Lý Thôi - Quách Dĩ, Tào Tháo nhờ Chu Tuấn tiến cử, được cử phá giặc Sơn Đông thống nhất một địa phương rộng lớn, thành lập thế lực cho mình.
Từ 197 đến 207 là thời gian chiến tranh quyết liệt giữa hai lực lượng Viên Thiệu và Tào Tháo. Sau khi dẹp thế lực Viên Thiệu, Tào Tháo đề quân Nam tiến, định vượt qua sông Trường giang đánh đổ Tôn Quyền, thực hiện chí lớn thống nhất Nam Bắc. Nhưng mưu đồ này thất bại vì trận Xích Bích, vì sự kết hợp lực lượng Tôn Quyền với Lưu Bị.
Giai đoạn xây dựng chính thức thế chân vạc.
Nhờ chiến thắng Xích Bích, năm 209 Lưu Bị lĩnh chức Mục Kinh Châu dần dần chiếm Thành Đô, năm 219 tự xưng Vua Hán Trung.
Năm 220 Tào Tháo chết, con là Tào Phi phế bỏ vua Hán lập nước Ngụy. Năm 222 Tôn Quyền đổi niên hiệu là Hoàng Vũ, năm 229 xưng Đế ở Giang Đông đặt tên nước là Ngô.
Giai đoạn ba nước tiêu diệt lẫn nhau và nhà Tấn thống nhất.
Quan Công nhân cơ Bắc tiến đánh chiếm Phàn Thành, Kinh Tương của Ngụy. Ngụy sẽ khốn đốn to nếu không nhờ Tôn Quyền đánh thọc vào hậu phương Thục cướp Giang Lăng giết chết Quan Vũ. Hành động này gây thành mâu thuẫn một mất một còn giữa Ngô và Thục.
Năm 222 Lưu Bị cử đại binh đi đánh Ngô trả thù cho Quan Vũ. Vì sai lầm trên quân sự, Lưu Bị thảm bại trong trận Hào Đình khiến cho quá nửa lực lượng thiệt hại. Lưu Bị chạy về Vĩnh Ân ốm chết, Lưu Thiện nối ngôi, Gia Cát Lượng phụ chính, khôi phục chính sách liên hiệp Ngô, Thục đánh Ngụy. Năm 227 Gia cát Lượng mở chiến dịch Bắc phạt đầu tiên. Năm 234 là chiến dịch Bắc phạt cuối cùng của đời Gia Cát Lượng. Ông chết ngay nơi doanh trại Ngũ Trượng Nguyên.
Gia cát Lượng chết, quyền bính vào tay Khương Duy, tiếp tục đánh Ngụy từ năm 249 đến 262, ra quân đến tám lần đều bị thua. Mùa xuân 263, Tư Mã Chiêu phái Đặng Ngải, Chung Hội, Gia Cát Tự chia ba đường tấn công Thục. Lưu Thiện đầu hàng. Thục Hán diệt vong từ đó.
Năm 265, Tư Mã Chiêu chết, con là Tư mã Viêm lật Tào Hoán chiếm ngôi, xưng là nhà Tấn, Ngụy diệt vong từ đó.
Năm 279, Tư mã Viêm đem 20 vạn quân chia làm 6 đường tiến đánh Ngô, vua Ngô là Tào (Tôn?) Hạo đầu hàng. Ngô diệt vong. Thiên hạ chia ba nay quy vào một mối.
Địa lý đời Hậu Hán
Nhiều người đọc chuyện Tam Quốc thường bỏ sót, không chịu tìm hiểu vấn đề địa lý. Sót nó khiến cho ta thưởng thức kém đầy đủ và sâu sắc. Như thế, tìm hiểu địa lý đời Hậu Hán trở nên một nhu yếu của toàn thể độc giả của tác phẩm quý báu ấy. Nó mang đến cho chúng ta nhiều vũ khí tốt cho việc nhận xét, phân tích, tóm tắt chia đoạn
Hành chính Đông Hán khu hoạch ra làm 13 châu, 12 châu mỗi châu một Thích sử coi sóc, còn một châu đặt dưới chế độ Tư lệ hiệu úy. Đối chiếu với bản đồ ngày nay như sau:
° U Châu: bao quát bắc bộ Nhiệt hà và tỉnh Hà Bắc. Hai tỉnh Liêu, Ninh, bắc bộ bán đảo Triều Tiên (Triều Tiên vào đời Hán cũng là một Quận, Huyện của Trung Quốc)
° Ký Châu: thuộc nam bộ tỉnh Hà Bắc
° Tinh châu: gồm phần lớn tỉnh Sơn Tây, bắc bộ tỉnh Thiểm Tây và một bộ phận hai tỉnh Sát cáp Nhĩ, Tuy Viễn.
° Lương châu: bao quát hai tỉnh Ninh Hạ và Thiểm Tây
° Thanh Châu: ở bộ phận đông bắc tỉnh Sơn Đông
° Duyện Châu: gồm tây bộ tỉnh Sơn Đông và đông bắc bộ tỉnh Hà Nam
° Dự Châu: gồm đông nam bộ tỉnh Hà Nam và phía bắc An Huy
° Từ Châu: gồm đông nam bộ tỉnh Sơn Đông và phía Bắc Giang Tô
° Dương Châu: gồm Giang Nam ở An Huy, Giang Tô và ba tỉnh Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến
° Kinh Châu: gồm tây nam bộ tỉnh Hà Nam và hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc
° Ích Châu: gồm nam bộ tỉnh Thiểm Tây và hai tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam
° Giao châu: gồm hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc nước Việt Nam bây giờ
° Tư lệ hiệu úy: gồm tây bắc bộ tỉnh Hà Nam. Tây nam bộ tỉnh Sơn Tây, trung bộ tỉnh Thiểm Tây
Cấp bậc hành chính thấp nhất dưới Hán triều là Huyện. Thấp hơn Huyện thì không còn quan trị nữa mà công việc đều đặt vào quyền điều khiển của những cơ quan tự trị. Trên Huyện đến Quận, trường hợp Quận quá lớn thì gọi là Châu. Mỗi Châu đặt một vị Thứ Sử để làm giám quan xem xét các việc của Thái Thú đứng đầu Quận
(Nên biết rằng, trước nhà Hán, đơn vị quận là một nước)
Ban đầu Thứ Sử là chức giám quan và Thái Thú là chức hành chánh quan còn phân biệt rõ ràng. Dần dần nhà Hán mỗi ngày một suy sụp, Thứ Sử và Thái thú biến thành một vị. Đến thời kỳ Đông Hán, nhân vì loạn lạc, địa vị Thứ Sử và Thái Thú được quyền tuyệt đối ở địa phương và đổi thành Châu Mục. Do đó mới phát sinh ra hiện tượng tranh quyền giữa chính phủ trung ương và địa phương. Địa phương phản kháng trung ương rồi tự ý hùng cứ một cõi. Sở dĩ chính quyền trung ương yếu thế là vì ngay Đông Hán, đời vua Hoàn Đế, Linh Đế, tình trạng thối nát đã đến cực điểm. Nhà vua công khai đem quan tước ra mua bán. Tước Tam Công giá 10 triệu tiền. Theo sử chép, hồi ấy có một tên hoạn quan là Hầu Lãm cướp hàng vạn khoảng ruộng, tên ngoại tộc Lương Ký gia sản ước đến 3 tỷ tiền. Họ hàng thân thích của toàn bộ hệ thống lại trị rải rác khắp các Châu, Quận, vòi vĩnh và vơ vét, hút máu dân chúng.
(Bấm vào hình bản đồ để xem hình lớn, rõ)