Đọc chuyện Tam Quốc, ai ai cũng hiểu mầm loạn đời Hậu Hán nẩy ra từ lúc vua Linh Đế sủng bọn Thập thường Thị. Thập thường Thị là nguyên nhân dẫn đến giặc Hoàng Cân (khăn vàng), nhân giặc Khăn Vàng mà có sự khởi binh của Lưu Bị và Tôn Kiên. Lại vì vua Linh Đế băng hà, Thiếu Đế tức vị, Hà Tiến lập mưu tiêu trừ bọn hoạn quan, mở đường cho Đổng Trác đem binh vào kinh. Đổng Trác đem binh vào kinh là đầu mối của một sự phế lập. Việc Đổng Trác bỏ một vua, tôn một vua tạo ra chuyện Viên Thiệu và Tào Tháo dấy binh. Thiên hạ điêu linh, phân sẻ từ đây. Nói về hiện tượng hoạn quan và ngoại thích, ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Linh Đế cũng như cho riêng một ông vua nào khác. Hiện tượng ấy nào phải đến Linh Đế mới có. Đời vua Tuyên Đức trước đã xuất hiện Hoắc Quang, Thạch Hiển. Vua Quang Vũ cũng rất trọng dụng ngoại thích; vậy có thể nói được rằng: hoạn quan và ngoại thích là hậu họa tất nhiên của chính trị chuyên chính lối vua quan phong kiến. Hoạn quan và ngoại thích là cái ung độc ẩn ngay chỗ xương cụt của chính trị phong kiến, lúc nào nó cũng rình rập cơ hội để thối ra, độc khí một khi đã bung vỡ thì chỉ có mỗi ngày mỗi thêm phát tác hủy hoại, chứ khó lòng lành lặn được nữa. Ngược lên ngày Lưu Bang nhất thống thiên hạ, ta đã thấy cái ung độc hoạn quan ngoại thích mọc ra rồi. Lưu Bang sở dĩ đánh bại được Sở Vương mà đoạt chính quyền là vì biết dựa vào lực lượng phần tử trí thức (giai cấp sĩ). Nhưng tập đoàn của Lưu Bang lại không tôn trọng phần tử trí thức cho lắm. Cái đó cũng chẳng lấy gì làm lạ, bởi tại họ hết thảy đều là những con người phong bái giang hồ. Theo phò nghĩa lớn, họ hoàn toàn trông vào sự giải quyết trước mắt, đồng thời hòng kiến lập sự nghiệp riêng, cho bõ những ngày gian khổ. Họ không cần nhìn rộng trông xa, chẳng muốn vươn duỗi vào tương lai. Nói chung, tâm lý toàn thể tập đoàn Lưu Bang cần hưởng ngay, ăn ngay. Tâm lý đó không kết hợp với kỳ vọng của phần tử trí thức. Để kéo vây cánh, Lưu Bang một mặt xây dựng cốt cán bằng những người giang hồ phong bái, mặt khác tìm mọi cách đẩy phần tử trí thức ra ngoại vi, kìm hãm không cho phần tử trí thức lớn lên trong guồng máy thống trị, không cho phần tử trí thức có quyền bính. Lưu Bang thường cáu kỉnh mệnh danh phần tử trí thức là bọn hề nho. Ngụy Báo ghi chép: “Hán Vương nhục mạ quần thần như đầy tớ, chẳng có lễ trên dưới chi cả. Cho nên tôi không muốn gặp nữa”. Tiêu chuẩn kéo vây cánh không đặt nặng vào sự củng cố và phát triển chính quyền qua ý nghĩa “Thiên hạ vi công” mà chuyên đặt nặng vấn đề củng cố cho sự an hưởng phú quý tộc họ cá nhân. Với tiêu chuẩn ấy thì phỉnh nịnh là tư cách căn bản để được chọn lựa. Con đường nguy khốn hoạn quan, ngoại thích đã vạch sẵn, không thể bước ra ngoài được nữa. Hoạn quan Độc giả Tam Quốc, phần lớn đặt rất hẹp hai chữ hoạn quan. Tất cả cho rằng bọn hoạn quan chỉ là những người bị “yêm” nghĩa là đã chịu giải phẫu để tự tước bỏ bộ phận sinh dục. Tôi e không đúng hẳn, bởi vì trong Lễ ký, thiên Khúc Lễ có câu: “Hoạn học sự sư, phi lễ bất thân” (Học làm quan phải thờ thầy, phàm cái gì phi lễ thì không gần) ý tứ của chữ hoạn đây không chỉ vào người bị “cắt bỏ bộ phận sinh dục”. Vẫn hay rằng triều Hán, vua Quang Vũ trung hưng, theo sách “Hoạn giả liệt truyện” thì nói “Trung hưng chi sơ hoạn giả tất dụng yêm nhân” (đầu trung hưng, chức hoạn đều phải dùng người bị yêm). Nhưng sách liệt truyện không đưa được chứng cứ nào rõ rệt cả. Như vậy ta có thể đặt định phạm vi hoạn quan như sau: Hoạn quan là sản phẩm của chính trị chuyên chính xây dựng trên cơ sở tộc họ, cá nhân. Là một tập đoàn chính trị có một thế lực rất lớn và một đường lối bại hoại. Phương thức đấu tranh duy nhất của tập đoàn hoạn quan là sự phỉnh nịnh, hiếu mị, xu phụng và tiếm quyền. Thành phần của tập đoàn, không phải chỉ có bọn yêm hoạn Trương Nhượng, Kiển Thạc mà còn có thể kể cả bọn trí thức gia nhập hệ thống lại trị, đã thoát tiết với quần chúng mà toa rập với Hoàng Triều để chạy theo lợi lộc. Tại sao Hoàng Đế với Hoạn quan luôn luôn là đôi bạn tương đắc? Có ba lẽ. Một là, khi quyền lực chính trị tập trung vào tay cá nhân, thì chẳng chóng thì chầy quyền lực chính trị sẽ biến thành dụng cụ xây dựng cơ nghiệp riêng, củng cố sự tọa hưởng an lạc của ông vua. Trong hoan lạc, Hoàng đế rất nhu yếu người đồng tính, du nịnh. Bọn hoạn quan có nhiều khả năng về mặt này nhất. Hai là, Hoàng Đế thường hay nghi kỵ, không ngớt lo lắng những vụ phản bội. Sợ các triều thần chân chính cản ngăn vui thú của mình, hoặc âm mưu kết đảng, còn bọn hoạn quan chỉ cần ăn sung mặc sướng no đủ, lại ít tham vọng chính trị, đáng tin cậy hơn cả. Nhưng lịch sử đã có những dẫn chứng rõ rệt ngược lại với quan niệm của Hoàng Đế về hoạn quan như bọn Dịch Nha, Thụ Điêu đời vua Tề Hoàn Công và bọn Thập thường Thị đời vua Linh Đế. Mong dùng hoạn quan để khỏi bị phản bội thì cũng chẳng khác chi chú khờ sợ chuột ăn mất mỡ bèn đem nhốt mèo vào canh. Ba là: do cái tâm chất kiêu sa của con người nắm quyền quá lớn nên thích giao tiếp với bọn nô bộc hơn là với những cộng sự thẳng thắn. Ngoại thích Mầm loạn ngoại thích so với hoạn quan cũng chẳng kém phần nguy hiểm. Hơn nữa ngoại thích với hoạn quan là hai vật tương sinh, tương thành. Ngoại thích là gì? Là thân thích của Hoàng Đế. Bọn học phiệt nịnh hót thường dùng danh từ Quốc thích để chỉ các người thân thích của vua, lâu dần danh từ Quốc thích trở nên tục thoại. Thực ra Hoàng Đế là Hoàng Đế, Quốc Gia là Quốc Gia sao lại đem gộp làm một được. Thân thích phân ra làm hai loại: nếu ăn theo dòng phụ hệ thì gọi là Tôn Thất. Nếu ăn theo dòng mẫu hệ thì gọi là ngoại thích. Tuy cùng thân thích, nhưng giữa Tôn thất và Ngoại thích bao giờ cũng âm ỷ một ngọn lửa xung đột. Ngoại thích không ngừng mưu toan lật đổ thế lực Tôn thất mà cướp thiên hạ cho tộc họ mình. Tam Quốc phân tranh nhóm lên bằng nạn Ngoại thích trầm trọng. Vua Linh Đế có hai con là Biện tức Thiếu Đế và Hiệp. Biện do chính cung Hoàng hậu Hà thị sinh ra còn Hiệp là con của một mỹ nhân hậu cung. Linh Đế yêu Hiệp hơn Biện, muốn cho Hiệp kế vị, nhưng lại sợ làm trái tập quán, nên mới đem ý định nhắn nhủ bọn Kiển Thạc. Linh Đế chết, một bên Kiển Thạc ủng hộ Hiệp, một bên anh Hà Thái Hậu là Hà Tiến ủng hộ Biện. Tranh chấp giữa bọn Trương Nhượng, Kiển Thạc với Hà Tiến lôi kéo luôn cả Đổng Thái Hậu vào vòng chiến. Đổng thái Hậu nghe lời Nhượng, Thạc giáng chỉ phong Hiệp làm Trần Lưu Vương và định thiết lập thêm một quyền thế cài bên cạnh Thiếu Đế. Trong hồi thứ hai, tình hình tranh chấp giữa Đổng thái Hậu và Hà thái Hậu được La quán Trung tả lại như sau: ‘Yến ẩm nửa chừng, Hà thái Hậu đứng dậy rót một chén rượu dâng Đổng Thái Hậu, vái hai vái rồi nói rằng: Chúng ta là đàn bà, theo lẽ không nên dự vào triều chính. Xưa bà Lã Hậu chỉ vì tạm giữ trọng quyền mà đến nỗi họ hàng ngàn người đều bị tru lục, tấm gương còn đó, vậy từ nay chúng ta hãy cùng rút lui vào thâm cung để dành việc lớn triều đình cho các vị nguyên lão đại thần lo toan bàn bạc. Được thế thì Quốc gia đại hạnh. Xin nghe lời thành thực này cho. Đổng thái Hậu nổi giận mà rằng: Ngươi đang tâm giết hại Vương Mỹ Nhân, tâm địa ganh ghét rành rành ra đó. Nay ngươi cậy có con vua, anh ngươi có thế lực mà đâm loạn ngôn, hỗn láo với ta à? Liệu hồn ta bảo cho mà biết, ta muốn quan Phiêu Kỵ Tướng quân lấy đầu anh ngươi lúc nào cũng dễ như trở bàn tay. Hà Thái Hậu nổi giận mà rằng: Ta lấy lời phải chăng khuyên nhủ, đã không nghe lại trở mặt giận là lý thế nào? Đổng Hậu mắng: Mày là đồ con nhà hàng thịt, thì còn kiến thức gì. Hà Thái Hậu đem chuyện nói với Hà Tiến, Tiến liền đem binh lực đuổi Đổng Thái Hậu ra khỏi cung cấm, và bao vây nhà Phiêu Kỵ Tướng Quân là Đổng Trọng. Đổng Trọng ra sau nhà tự tử. Người nhà khóc ầm lên. Trương Nhượng thấy Đổng Thái Hậu bị phế, tức tốc đem châu báu, vàng bạc liên kết với em trai Hà Tiến là Hà Miêu và mẹ Tiến, xin che chở. Bởi vậy bọn Thập thường Thị chẳng những vô sự mà còn được trọng dụng hơn. Đại khái sự diễn biến của loạn ngoại thích đều tầm thường hài hước như thế cả. Nhưng không phải là nó không có tác dụng chính trị tiềm ẩn bên trong đâu. Tranh chấp ngoại thích chính là chiếc ngòi để làm nổ cả kho thuốc súng. Tác dụng của nó là tạo nên một sự biến chuyển cơ. Nút chuyển cơ rất cần thiết cho phát triển xã hội, phát triển chính trị. Nút chuyển cơ ấy ví như tiếng sấm báo hiệu cơn mưa trong câu ca dao Việt: - Lúa chiêm phơ phất đầu bờ - Hễ nghe sấm động, phất cờ lúa lên. Xung đột giữa phần tử trí thức và hoạn quan Phần tử trí thức phẫn nộ Thời đại Chiến Quốc, phần tử trí thức tập trung ở Tần khiến Tần kiêm tính thiên hạ. Tần Thủy Hoàng xưng đế được tám năm, nhân áp dụng chính sách của Lý Tư, pháp lệnh quá khắt khe, đối đãi tàn ngược với dân chúng. Thậm chí nhà Tần phản bội trí thức, đốt sách chôn nho. Tần Đế chạy theo tư tưởng dị đoan cầu tiên, xin thuốc tràng sinh bất lão. Phần tử trí thức liền tan biến vào dân chúng, lãnh đạo vận động phản Tần. Đáng kể như Tiêu Hà, Trương Lương, Thúc Tôn Thông, Trương Xương, Trần Bình…. Lúc đầu họ theo phò cả Hạng Võ lẫn Lưu Bang, sau dần dần quy tụ hết lực lượng về phía Lưu Bang. Phần tử trí thức trong tay tuy không có lấy nổi một tấc sắt, sức lực cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng sức mạnh phi thường của tri thức là mưu trí, là sự cổ súy thiên thiên vạn vạn nhân tâm. Cho nên phàm khi phần tử trí thức đã hết tin để phản đối một chính phủ nào đó thì chính phủ đó ít có khả năng tồn tại. James BURNHAM viết: “Khoa học chính trị và khoa học lịch sử trước hết phải nghiên cứu kết cấu, cơ sở cùng liên hệ với quần chúng của phần tử trí thức”[1] Câu đó là một quy luật bất di bất dịch đối với chính trị sử vậy. Lưu Bang dựa vào phần tử trí thức mà đắc thế. Chỉ ít lâu sau, Lưu Bang thi hành chính sách lại trị, quay lại thờ ơ, từ bỏ lực lượng trí thức. Chính sách lại trị của Lưu Bang ngày càng đi vào biện pháp phong kiến cũ, nghĩa là mầm phân liệt lại đe dọa nền thống nhất vừa mới gây dựng. Phần tử trí thức một lần nữa tản mạn vào trong dân chúng, dùng phương tiện văn hóa tư tưởng để gìn giữ thống nhất, đồng thời tạo thành mâu thuẫn giữa phần tử trí thức với hệ thống lại trị. Đến đời vua Hoàn Đế, Linh Đế thì chính trị Hán triều ác hóa đến cực điểm bằng hiện tượng hoạn quan. Thiên hạ bấy giờ có thể nói rằng: Thiên hạ của bọn hoạn quan. Xã hội lúc ấy một mặt thì chính trị chuyên chế trụy lạc, một mặt thì văn hóa phát triển. Một mặt thì hoạn quan tập quyền, một mặt thì khí thế của phần tử trí thức mỗi ngày một lớn. Đương nhiên cuộc xung đột không thể tránh được. Ẩn dật và ra mặt chống đối Thái độ của phần tử trí thức sau khi Hán Vương thi hành chính sách lại trị và biện pháp phong kiến khả dĩ chia làm hai giai đoạn: a) rút lui về thôn dã ẩn dật, b) ra mặt lãnh đạo vận động lật Hán Triều. Ông Khổng Tử nói: “ Dụng chi tắc hành, xã chi tắc tàng” (dùng thì hành động, bỏ thì ẩn dật). Hai chữ hành và tàng là hai thái độ nói trên. Nhưng sự ẩn dật của Nho sĩ thật nguy hiểm vì trong đó chứa chất chẳng những tâm lý bất hợp tác mà còn tiềm tàng âm mưu vận động xoay chuyển quật khởi để đánh đổ chính quyền thối nát nữa. Cuộc xung đột giữa phần tử trí thức và hoạn quan bùng nổ khởi từ cung đình rồi lan rộng mãi ra như vòng sóng nước. Hồi thứ nhất, Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể rằng: “Khi vua Hoàn Đế băng hà, Linh Đế lên ngôi, có quan Đại tướng quân Đậu Vũ và quan Thái Phó Trần Phồn cùng giúp trị việc nước. Thời bấy giờ có bè lũ hoạn quan Tào Tiết lộng quyền làm bậy. Đậu Vũ, Trần Phồn mới lập mưu tru diệt chúng để trừ vạ cho nước, nhưng vì mưu không kín đáo, hai vị này cũng bị giết hại. Có quan Nghị Lang là Thái Ung dâng sớ tâu rằng: “Rắn sa, gà mái hóa trống là điềm đàn bà và hoạn quan làm loạn nước”. Lời dâng thống thiết, Vua xem qua thở dài, bùi ngùi một lúc rồi quay vào thay áo. Bấy giờ Tào Tiết đứng sau lưng nghe trộm bản tâu, giận lắm, liền vào bầy mưu với phe cánh của hắn. Chúng bèn bầy mưu kiếm việc gieo tội cho Thái Ung và cách chức đuổi ông về. Rồi đến vụ Thập Thường Thị lộng hành. Hoạn quan Trương Nhượng được Linh Đế gọi bằng Á Phụ, Thập Thường Thị uy hiếp phần tử trí thức trong triều như Lư Thực, Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn…. Loạn Khăn Vàng, tranh chấp ngoại thích và hoạn quan, quân phiệt Đổng Trác vào Kinh đô gây chuyện phế lập đều là những đòn chí mạng đánh quỵ Hán Triều. Toàn dân mong mỏi biến đổi, phần tử trí thức khắp bốn phương trời hết thẩy cảm thấy có trách nhiệm phải lập lại một nền trật tự mới. Họ liền tự động đi tìm hoặc gây lực lượng ngay ở địa phương mỗi người cư ngụ. Do đó, lần lượt người ta thấy những: Giả Hủ, Thẩm Phối, Tuân Úc, Trình Dục, Tuân Dy (Du?), My Trúc, Trịnh Huyền, Trần Cung, Trần Đăng, Trần Khuê, Ngu Phiên, Quách Gia, Cố Ung, Trương Chiêu, Chu Du, Dương Tu, Trần Lâm, Vương Xán, Tư mã Huy, Từ Thứ, Thôi Châu Bình, Bàng Thống, Gia Cát Lượng….. xuất hiện ở nhiều nơi và phò giúp những lực lượng khác nhau. Tuy phần tử trí thức phân tán vào các quyền bính chống đối, nhưng chống đối bất quá chỉ để mong chính quyền cả thiên hạ thu vào tay mình mà thôi. Tất cả đều có một khuynh hướng chung là quy tâm vào thống nhất. Loạn Khăn Vàng Nói đến loạn Hoàng Cân (khăn vàng), chúng ta cần phải nêu ra mấy đặc điểm của vận động này: A) Loạn Khăn Vàng là một cuộc vận động chống bọn thống trị nhà Hán của nông dân tự phát khởi vì nông dân quá đói khổ. Bằng chứng là loạn Khăn Vàng đều nhóm lên từ những khu vực đất đai nghèo, hoang, mất mùa. B) Do tranh chấp tư tưởng Hoàng Lão với tư tưởng chủ lưu Khổng Tử, Quản Trọng. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc các nước phân tranh, tư tưởng tự do phồn thịnh trăm nhà lên tiếng. Sau Tần thì thiên hạ thống nhất, các học thuyết cũng chịu áp lực chính trị quy vào thống nhất. Tần triều quy vào pháp lệnh, đầu đời Hán quy vào thuyết Hoàng Lão, đến Hán Vũ Đế thì biểu chương Lục Kinh, tôn phụng Khổng Tử mà truất bãi các thuyết khác. Một ngành của học thuyết Hoàng Lão biến thành tư tưởng thần quyền vào phong tục tế tự ở nông thôn, dựa vào đầu óc chất phác của nông dân mà chống lại trí thức Nho của Khổng môn. C) Do tranh chấp quyền bính với trung ương vì những nhân vật trọng yếu của vận động Hoàng Cân đều là quan quân thủ hạ của Ích Châu mục Lưu Yên. (Ích Châu gồm các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và miền nam tỉnh Thiểm Tây bây giờ) D) Chịu ảnh hưởng chính sách ruộng đất của Vương Mãng và tổ chức Xích Mi Loạn Hoàng Cân mở đầu bằng việc: tại núi Long Hổ tỉnh Giang Tây và tại Cự Lộc có mấy người họ Trương như Trương Lỗ, Trương Giốc tự xưng là Đại Hiền Lương sư, theo đạo Hoàng Lão, có tài phù thủy đọc chú chữa bệnh vì đã được Nam Hoa Lão Tiên trao cho bộ Thiên thư Thái Bình Yếu thuật. Nông dân vì quá đói khổ nên mê tín Thần Quyền. Bọn Trương Lỗ, Trương Giốc tổ chức hội kín lập đạo thờ Thái Thượng Lão Quân. Nông dân nô nức hùa theo Trương Lỗ, Trương Giốc. Nhờ vậy phong trào Khăn Vàng càng lên vọt. Trương Lỗ, Trương Giốc dựa vào uy thế thần quyền mà tung ra câu sấm “Sương thiên dĩ tử, Hoàng thiên đương lập” (Trời xanh đã chết, trời vàng đang lên) làm khẩu hiệu đấu tranh. Muốn tìm sự thành công và thất bại của cuộc vận động Hoàng Cân, trước hết phải xét lại xuất xứ của nó. Căn cứ vào Tam Quốc Chí thì gốc loạn Hoàng Cân khởi tự đạo sĩ Trương Lăng. Trương Lăng người tỉnh Tứ Xuyên, tu đạo ở núi Thước Minh và cũng truyền đạo ngay tại vùng này. Những người muốn đến học đạo của Trương Lăng đều phải làm lễ bằng năm hộc gạo. Trương Lăng chết, truyền nghiệp cho con là Trương Hành, Trương Hành chết truyền cho con là Trương Lỗ. Căn cứ vào Hậu Hán Thư Linh Đế Ký thì vận động Hoàng Cân khởi tự tên Phù Thủy Trương Tu, dùng tà đạo phiến hoặc dân chúng nổi lên cướp Ba quận. Trương Tu thường xưng là: Ngũ Đấu Mễ Sư (ông thầy năm đấu gạo). Nhưng quan bộ hạ căn cứ theo các thuyết của nhiều sách khác đem so sánh tổng hợp lại thì đều có nói rằng: Trương Lỗ và Trương Tu là quân dưới trướng Ích Châu mục Lưu Yên. Lưu Yên sai Lỗ và Tu vào cướp Hán Trung. Vào Hán Trung rồi Trương Lỗ liền giết Trương Tu rồi cải biến sát nhập lực lượng Trương Tu thành lực lượng của mình. Khi có thanh thế khá vững mạnh, Trương Lỗ ly khai với Lưu Yên, đem quân đánh cả vào vùng Lưu Yên cai trị là U Châu. Do đó mới có chuyện Lưu Yên treo bảng chiêu mộ nghĩa binh tạo ra cơ hội cho gặp gỡ và kết nghĩa vườn đào. Trong ba người: Trương Giốc, Trương Lỗ và Trương Tu thì Trương Giốc là kẻ nhiều mưu đồ hơn hết. Trương Giốc hy vọng phiến động nhân dân nổi loạn để mà chiếm thiên hạ. Trương Lỗ và Trương Tu trên chính trị hoàn toàn chỉ là một lực lượng phụ trợ chứ không phải là lực lượng chỉ đạo. Căn cứ vào sách Hậu Hán, chuyện Hoàng Phủ Tung thì lực lượng Trương Giốc lan ra khắp các châu bao quát các tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc bây giờ. Đảng Trương Giốc lên tới mấy chục vạn, chia ra làm 36 phương, mỗi phương ước hơn vạn người. Về câu sấm “trời xanh đã chết, trời vàng đang lên” người đọc Tam Quốc chí diễn nghĩa thường không để ý vì nghĩ những lời ấy chẳng qua là thuyết của bọn thảo khấu, chẳng nghĩa lý gì cả. Thật ra không phải đơn giản như thế. Từ Hoàng Cân, hoạn quan đến quân phiệt Một khẩu hiệu tung ra, muốn làm giao động nhân tâm thì trước hết khẩu hiệu đó có thể giải thích cho mọi người hiểu được. Người xưa còn ưa những điều huyền bí cho nên khẩu hiệu cần lồng vào cái cốt huyền bí, nhưng không phải vì vậy mà người ta bảo rằng đấy là mê hoặc nhân tâm, đấy là một lời nói vu vơ. Mấy chữ “Sương thiên dĩ tử, hoàng thiên đương lập” chẳng những không mê hoặc mà còn có hàm súc ý nghĩa về sự biến thiên của xã hội trong quan niệm của nông dân lúc bấy giờ nữa. Dưới đây là chứng cớ: Theo Hán thư thì lúc bắt đầu khởi nghiệp, Hán cao Tổ đang đêm đi đường hốt gặp một con rắn trắng rất lớn nằm chắn ngang đường, bèn rút gươm chém đứt làm hai đoạn. Khi Hán cao Tổ đi rồi, có người trông thấy một bà lão xõa tóc ngồi khóc ngay chỗ con rắn trắng chết. Người kia bèn lại hỏi nguyên do, bà lão đáp: con tôi là con vua Bạch Đế hiện đã bị con vua Xích Đế giết rồi. Nói xong bà lão biến mất. Những màu sắc trắng, đỏ, vàng, đen, xanh rất quan hệ đối với tâm lý nông dân Trung Quốc. Tại sao? Bởi vì nông dân làm ruộng chỉ trông cậy vào khí hậu bốn mùa biến hóa làm cho cây cỏ sinh ra, lớn lên và chín. Trước biến hóa của tự nhiên, người nông dân tin rằng mỗi mùa đều có một vị thần linh chủ trì. Và mỗi vị thần linh đều ứng theo mỗi màu sắc trong tự nhiên. Do đó người nông dân mới thờ bốn vị thiên đế: Ông Trời Xanh chủ về mùa xuân sinh ra vạn vật cây cỏ. Ông trời Đỏ chủ về mùa hạ làm cho vạn vật lớn lên. Ông trời Trắng chỉ về mùa thu làm cho hoa lợi chín. Ông trời Đen chỉ về mùa đông, nhắc mọi người gặt hái và dự trữ thóc gạo. Nhưng Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn hết thẩy đều phải nương tựa vào ruộng đất, bởi vậy mới có vua vàng (đất sắc vàng) để làm chủ ruộng đất tùy thời biến hóa. Từ đấy, lại diễn thành tư tưởng ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Lại từ ngũ hành sinh khắc chế hóa mà giải thích biến thiên xã hội, giải thích phát triển xã hội, giải thích các hiện tượng bình, loạn của xã hội. “Trời xanh đã chết, trời vàng đang lên” chính là trỏ vào chế độ cường thần đại tộc đã chết và thời đại đại chúng bình dân tham dự chính quyền bắt đầu vậy. Vì màu xanh là mầu dẫn đầu các mầu đỏ, trắng, đen thuộc các hiện tượng trên trời chỉ vào các cường thần đại tộc. Còn màu vàng thuần thuộc về ruộng đất chỉ vào nông dân. Trương Lỗ, Trương Giốc lấy trời vàng để làm tượng trưng cho sức mạnh của nông dân. Tuy vậy trời vàng bất quá cũng chỉ là tín ngưỡng do bọn Trương Lỗ, Trương Giốc đưa ra để quy tụ những vụ phản kháng lẻ tẻ của nông dân thành một vận động lớn lao mà thôi. Nguyên nhân chính khiến cho nông dân nổi loạn chính là do khuyết điểm của chế độ Hán Triều trên mặt kinh tế ruộng đất. Nhà Tần biến cải phép tỉnh điền thành canh điền và lực điền, vì không chịu nổi sưu cao thuế nặng nên nông dân ùa theo Hạng Võ, Lưu Bang. Lưu Bang thắng lợi liền áp dụng chánh sách giảm nhẹ tô thuế. Nhưng chánh sách này càng làm càng mất công hiệu vì bọn nhà giàu cứ xâm canh chiếm cứ thêm nhiều ruộng đất, trong khi người nghèo lại không có một tấc đất cắm dùi. Oán hận chồng chất lên. Vương Mãng lợi dụng tình thế để đánh đổ nhà Hán thi hành chánh sách ruộng đất mới, đem ruộng đất thâu quy quốc hữu. Chánh sách của Vương Mãng quá đột ngột và mới mẻ, lại không có giáo dục từ trước nên việc thi hành hỗn loạn, khiến đa số nổi lên phản đối. Hơn nữa Vương Mãng không nương cậy thực sự vào nông dân, mà chỉ nhờ thế lực ngoại thích mà tạo cuộc chính biến, bởi vậy mà sự nghiệp chẳng lâu dài được bao nhiêu. Tuy nhiên tư tưởng Vương Mãng không phải không có ảnh hưởng sâu xa vào đám nông dân nghèo khổ. Vận động Hoàng Cân cũng chịu ảnh hưởng của Vương Mãng. Tính chất huyền bí tu tiên, luyện phép phát triển trong vận động Khăn Vàng chính là sự phản công của đạo Hoàng Lão định dựa vào tế tự phổ thông, dựa vào thần quyền để đả kích tư tưởng Nho đạo. Cuộc tranh chấp ấy chẳng phải chỉ thấy ở loạn Khăn Vàng mà thôi. Trong Tam Quốc chí diễn nghĩa còn thấy hiện tượng tranh chấp đó qua những việc:Tôn Sách giết Vu Cát, Tào Công đuổi Tả Từ, nghi ngờ Quản Lộ Vận động Hoàng Cân mặc dầu rộng lớn, khí thế mạnh mẽ, nhưng bọn Trương Giốc, Trương Lỗ đã không biết lãnh đạo vận động chuyển vào đấu tranh chính trị; họ nhìn chỉ thấy một mặt thần quyền bùa chú, cho nên mới gặp ít trận nhỏ, Lưu Quan Trương, Hoàng phủ Tung, Chu Tuấn đã đánh cho tập đoàn Khăn Vàng tan tác. Những phép lạ của bọn họ Trương bị máu chó, máu dê, phân lợn làm cho mất thiêng. Rút cục, chỉ còn độc trụi Trương Lỗ giữ được Hán Trung, sau cùng bị Thục và Ngụy thôn tính. Vận động Hoàng Cân cũng như chính biến Vương Mãng đều mắc cùng một lỗi lầm tai hại là: manh tâm “gia thiên hạ” nghĩa là coi thiên hạ làm việc riêng nhà mình, của mấy người lãnh đạo phong trào. Qua thảm bại của vận động Khăn Vàng, người ta tìm thấy ở tư tưởng Đạo gia những gì? Nếu nó bị rơi vào bọn lưu manh, bọn trí thức thầy bùa, thầy ngải, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ chủ nghĩa, bê trễ sinh sản, thiếu kỷ luật và thích nhàn chơi với những khẩu ngữ: Tuyệt thánh khí trí, tuyệt nhân khí nghĩa. Tự do. Phóng nhiệm. Trông bề ngoài chúng mang một hình thái đại cách mạng, nhưng bề trong chỉ là một tâm lý làm loạn vô tổ chức, phá hoại vô kiến thiết. Do đó mà không chống lại được với hệ thống tư tưởng quý tộc và chủ đất bấy giờ. Tư tưởng Đạo gia không có khả năng lập thành một thế hệ phương pháp đấu tranh. Cho nên nó không giúp nổi vận động nông dân tạo thành lực lượng vững chắc. Quân phiệt Đổng Trác Kể từ đời Đông Hán, các châu mục đều có quyền tăng cường binh lực địa phương. Khi loạn Hoàng cân dấy lên thì những binh quyền địa phương lại càng tha hồ khoáng triển chẳng ai kiểm soát Sau khi bọn Thập Thường Thị dụ được Hà Tiến vào cung, sai phục binh giết, Viên Thiệu, Tào Tháo theo yểm hộ Hà Tiến bèn thả quân vào hoàng cung đuổi bắt sát hại bọn hoạn quan, triều đình đại loạn. Chính trị hoạn quan tất tạo nên tình trạng nhân tâm giải thể. Nhân tâm giải thể tức là nhân tâm nghĩ đến sự loạn. Để tạm thời chấm dứt loạn lạc đương nhiên một chính quyền vũ lực mới xuất hiện. Chính quyền ấy là chính quyền quân phiệt. Trước tình hình chưa phân trắng đen, mỗi địa phương ở xa thì cắt đoạn với mệnh lệnh trung ương, ở gần thì lăm le kéo quân về Kinh Đô, mượn tiếng phò giá, nhưng chính là để thừa cơ nắm trọn quyền bính. Trong số đó Đổng Trác được nhiều may mắn hơn hết. Đổng Trác tên chữ là Trọng Đỉnh xuất thân từ giai cấp địa chủ. Tính tình hào hoa, phóng đạt. Truyện ký có chép rằng: "Lúc Trác ở nơi điền dã thường yến ẩm với bọn hào súy, người Khương, người Hồ. Nhờ bọn hào súy ủng hộ mà khởi giá". Khi có loạn Hoàng Cân, Đổng Trác được phái đi dẹp loạn, bị thua, sắp bị triều đình trị tội. Trác khôn khéo kết liên với bọn Thập Thường Thị, đút lót, luồn cúi bọn quyền quý. Cho nên chẳng những Trác tránh khỏi tội mà chức vị của Trác còn được thăng lên vùn vụt; từ chức Trung Lang Tướng, Trác nhảy vọt lên chức Tiền Tướng quân Ngao Hương Hầu Tây Lương Thứ Sử, trong tay thống lĩnh hai mươi vạn quân Thái Hoàng Thái hậu lập nên. Thời cơ khiến cho Trác có dịp tranh cướp chánh quyền khởi tự Hà Tiến muốn dùng quân các trấn tiếp tay giết trừ phe cánh hoạn quan. Nhưng chính quyền vào tay Đổng Trác lại là nhờ thủ đoạn của Trác. Đọc chuyện Tây Hán, chắc không ai quên bốn chữ mà Khoái Thông xúi Hàn Tín lật Lưu Bang: Tiệp túc tiên đăng (nhanh chân lên trước). Đổng Trác đã ứng dụng được ý nghĩa nhanh chân của Khoái Thông vào cơ hội mình. Đổng Trác còn xử dụng nguyên tắc nhanh chân một cách linh động nữa là không vội vã. Kéo quân về trước nhất nhưng Trác biết dừng lại đợi cho bọn hoạn quan giết Hà Tiến rồi mới ra tay, chứ Trác không giúp Hà Tiến ngay. Trước đây, Đổng Trác cũng đã tạo cho mình được một thời gian củng cố và khoáng trương binh lực bằng cách lấy cớ biến loạn Khương Hồ từ chối hai lần triệu hồi của chánh phủ trung ương. Trác cứ đồn trú binh ở ngoài mà ngồi rình cục diện biến đổi, chờ tới giờ phút trái quả chín tới, Trác vào hứng đỡ chẳng phải hao tốn công lao là mấy. Nhưng ngàn đời đáng tiếc cho Trác, Trác chỉ có thủ đoạn chộp mau và đúng thời cơ, mà Trác lại không có thủ đoạn để bảo vệ thời cơ đã nắm được. Trác chưa từng tham dự chính trị. Cho nên lúc bước vào lãnh vực chính trị, Trác đối đãi chính trị hoàn toàn và tuyệt đối bằng bạo lực. Nắm được chính quyền rồi, Trác đảo lộn toàn bộ cương kỷ một cách vô ích. Vô ích nhất là chính sách phế lập bỏ Thiếu Đế, tôn Hiến Đế. Phế lập không phải để đáp ứng một nhu cầu chính trị nào cả. Phế lập bất quá chỉ là kết quả mối cảm tình riêng của Trác đối với Trần Lưu Vương Những nguyên nhân thất bại Tam Quốc Chí diễn nghĩa có nói đoạn: "Xa giá chưa đi được vài dặm, bỗng thấy tinh kỳ rợp đất, bụi bay mù trời, một đoàn binh mã sực kéo tới phía trước, bá quan đều thất sắc, vua cũng sợ hãi. Viên Thiệu vội thúc ngựa ra trước thốt hỏi: "Binh mã của ai đây?" Từ dưới bóng một ngọn cờ thêu rực rỡ, một tướng bên kia thúc ngựa ra lớn tiếng hỏi: "Thiên Tử đâu?" Vua càng sợ không dám lên tiếng. Trần Lưu Vương quất ngựa sấn ra nạt rằng: "Nhà ngươi là ai?" Tướng ấy đáp: "Thứ Sử Tây Lương Đổng Trác đây". Trần Lưu Vương vặn ngay: "Anh tới đây bảo hộ xa giá hay cướp xa giá?" Trác vội đáp: "Tới để hộ giá". Vương hạch rằng: "đã tới hộ giá, vậy Thiên tử kia sao anh không xuống ngựa?" Trác lật đật xuống ngựa, khấu đầu bên cạnh đường, miệng tung hô vạn tuế. Trần Lưu Vương lấy lời ngọt ngào phủ úy Đổng Trác. Từ đầu chí cuối lời lẽ đàng hoàng. Trác thầm lấy làm lạ, sinh lòng khâm phục vô cùng. Và ý định phế Đế nọ lập Vương này nảy ra từ đó. Đoạn trên chứng thực Trác tính chuyện phế lập hoàn toàn vì một chút cảm tình riêng tư. Sự phế lập chính là nhát cuốc đánh bật cái rễ uy tín của Trác đang cần phải ăn sâu xuống nữa, nó biến Đổng Trác từ một kẻ mang sứ mạng dẹp loạn thành một tên đầu sỏ nhiễu loạn. Phế lập đã đem lại cho Đổng Trác một kết quả vô cùng tai hại là việc Trác buộc phải thiên đô từ Lạc Dương về Tràng An. Thiên "xét về cái thế" ông Tô Triệt viết: "Trị thiên hạ, định sở thượng" (Muốn trị thiên hạ, trước hết phải nhận biết thiên hạ ưa chuộng điều gì?). Thời đại của Đổng Trác tư tưởng tôn quân còn rất mạnh, rất phổ biến, Đổng Trác động binh với danh nghĩa phò giá, mà hốt nhiên vô cớ tính chuyện phế lập tất nhiên sẽ bị phản đối kịch liệt. Trước hết là những cá nhân lẻ tẻ như Thứ Sử Kinh châu Đinh Nguyên, Lư Thực, Đinh Quản đứng trên danh nghĩa triều thần phản đối bằng lời nói, rồi đến Ngu Phu và Tào Tháo phản đối bằng cách cho Trác ăn mũi dao sắc, rồi đến phản đối bằng sự khởi binh từ khắp các châu quận kéo về đánh Trác, do Tào Tháo khởi xướng. Nguyên nhân thất bại thứ hai của Đổng Trác là không ước thúc được binh sĩ, để chúng thả cửa cướp bóc, hãm hiếp, đe dọa đời sống nhân dân; đôi khi chính Trác là thủ phạm nữa. Thí dụ vụ Trác sai binh sĩ bổ vây giết hết đàn ông con trai, bắt hết phụ nữ và lấy hết của cải, đem hơn ngàn đầu người chở về thành, xảy ra tại đám hội tháng hai vùng Dương Thành. Thậm chí Đổng Trác còn thích một lối thị oai phát nguyên tự tâm lý khát máu là ngay giữa đám vui sai mang tù nhân ra xẻo tai, cắt mũi, bỏ vạc dầu. Luận về chính quyền và cái chết của Đổng Trác Nguyên nhân thất bại thứ ba của Đổng Trác là nền kinh tế phá sản, Đổng Trác không giải quyết được nguy cơ cấp dưỡng trên tài chính. Biện pháp kinh tế, tài chính của Trác cũng đặt trên nguyên tắc quân sự, mang vũ lực đi cướp tiền dân, cướp tiền của người sống chán rồi, Trác sai đào các mồ mả, lăng tẩm để cướp của người chết. Tiền của cướp được, Trác bỏ vào túi, lại sai đúc những tiền lớn thành tiền nhỏ để mang tăng gia số lượng tiền tệ. Tiền nhỏ của Trác đúc ra bị mất giá ngay, dân chúng đua nhau chợ đen, hóa vật tăng vọt lên. Cứ theo sử chép thì muốn mua một thúng thóc phải trả đến mấy vạn tiền của Trác. Dân chúng đói khổ ai oán vô cùng Thấy tình trạng nguy ngập, Đổng Trác ve vãn phần tử trí thức, mời các nhân sĩ ra giúp việc. Nhưng khốn nỗi đôi mắt Trác chỉ có khả năng nhận ra được bọn ngụy trí thức mà thôi, thành thử những người Trác dùng như: Thái Ung, Tuân Sảng, Hàn Phức v..v... hết thảy đều chỉ là bọn thư sinh, danh hão, đọc sách để tìm con gái đẹp, nhà vàng và ngàn hộc gạo chứ chẳng có người nào kinh quốc cả. Tờ hịch của Tào Tháo được các trấn hưởng ứng, chư hầu tụ hội chia ra làm 18 đạo kéo về Lạc Dương, Trận giao phong đầu tiên, tướng của Trác là Hoa Hùng bị Quan Vân Trường chém chết. Trận thứ hai Lã Bố bị thua ở Hổ lao quan. Thế của Trác đã trở nên hết sức nguy ngập. Để cứu vãn, Đổng Trác sai Lý Thôi sang liên kết với Tôn Kiên, ngỏ ý đem con gái mình gả cho con trai Tôn Kiên, hòng làm chia rẽ Liên quân miền đông. Nhưng kế cầu hôn của Trác bị thảm bại. Tôn Kiên nổi giận chửi mắng, Lý Thôi ôm đầu lủi thủi như con chuột trở về phục mệnh Đổng Trác Thiên đô về Tràng An Kế cầu hôn để phá liên quân miền đông không thành. Đổng Trác chỉ còn một đường thoát là rút về căn cứ của mình. Trác bèn theo kế của Lý Nho, rời đô từ Lạc Dương về Tràng An. Chuyện rời đô, bình thoại của Mao Tôn Cương trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa có phê: "Vô cố nhi thiên Thiên Tử tắc tỉ ư mông trần. Vô đoan nhi thiên bách tính đắc đẳng ư lưu thoán" (nghĩa là: vô cớ mà rời chuyển Thiên Tử thì thực là chuyện mờ ám, vô cớ mà rời chuyển trăm họ thì cũng chẳng khác gì trốn chạy). Mấy chữ "vô cớ", "mờ ám" và "chẳng khác gì" của ông Mao Tôn Cương không có tính chất minh bạch cần thiết cho việc phê phán một sự kiện chính trị. Thật ra chuyện thiên đô là một nhu yếu chính trị quan hệ sống chết đối với Đổng Trác lúc ấy. Lạc Dương bị liên quân miền đông uy hiếp. Mặc dù lực lượng Đổng Trác còn mạnh, nhưng đã trót đi vào con đường danh bất chính, ngôn bất thuận rồi. Hơn nữa quân đội các châu quận phía đông thanh thế cũng chẳng thua kém, địch lại khó lòng. Thiên đô về Tràng An sẽ đem lại cho Đổng Trác nhiều lợi điểm khả dĩ lọt khỏi ngõ bí mà Trác đang bị đẩy vào. Thứ nhất: Trác là người Tây Lương, những người theo Trác thì toàn thị là dân Tây Lương, Tràng An với Tây Lương gần nhau. Thứ hai: có Hàm cốc quan là nơi hiểm yếu che chở cho Tràng An, quân phía Đông không dễ gì khắc phục được. Thứ ba: tránh đụng độ để chờ chư hầu nghi kỵ bất hòa với nhau. Quả nhiên kế hoạch thiên đô của Đổng Trác thành công. Liên quân phía Đông thấy kẻ địch đã chạy trốn, lập tức trong hàng ngũ phát sinh mâu thuẫn vì tranh chấp quyền lợi. Sức mạnh như thác đổ của Liên quân nhạt dần, đến độ phật phờ lối "hàng tổng đánh kẻ cướp". Trong hồi thứ sáu, Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể rằng: tới Lạc Dương, Viên Thiệu hạ lệnh cho quân chư hầu đóng trại không tiến nữa. Tào Tháo thấy vậy đến hỏi ngay Viên Thiệu: "Đổng Trác đã bỏ chạy về miền Tây, nay chính là lúc nên thừa thế đánh đuổi mà bắt nó, sao Bản Sơ lại đóng quân không động là ý thế nào?" Viên Thiệu nói: "Quân mã chư hầu đã mỏi mệt, tiến nữa không ích gì". Tháo nói: "Giặc Đổng đốt rụi cung điện, hiếp bức Thiên Tử mang đi, thiên hạ náo loạn ngơ ngác không biết theo ai, bây giờ đúng là lúc chỉ cần đánh một trận nữa là bình được thiên hạ. Cớ sao chư hầu lại hồ nghi không tiến?" Chư hầu nghe Tháo nói ai cũng bàn ngang rằng: "Chưa nên kinh động". Tào Tháo giận tím người, nói một mình: "Không thể mưu việc với bọn trẻ con này được". Nói rồi Tháo tự dẫn một vạn quân cùng các bộ tướng suốt ngày đêm đuổi theo đánh Đổng Trác. Giả sử, nếu Liên quân phía Đông đừng có một chủ súy vô mưu như Viên Thiệu, tự ổn định được mâu thuẫn nội bộ, mang quân đánh dấn đi thì chắc chắn lực lượng vô kỷ luật của Đổng Trác không có đất mà chôn, dù Tây Lương hay cửa Hàm Cốc cũng không che chở cho Đổng Trác nổi. Trong đám người lãnh đạo Liên quân phía Đông, có độc một mình Tào Tháo là người đại lược, biết nhìn xa thấy rộng mà thôi. Rút lại cuộc tụ hội thảo phạt gian tặc thành ra chuyện đầu voi đuôi chuột. Kết thúc bằng việc Tôn Kiên đi nhặt nhạnh xương cốt và đắp mồ mả đã bị Đổng Trác đào bới. Cái chết của Đổng Trác Sau khi rút về Tràng An, Đổng Trác tự biết đã hết thế tung hoành nên tính kế hưởng thụ. Trác cho xây ở My huyện một cung điện riêng cho mình, tuyển lựa 800 thiếu nữ thanh tân nhốt vào cung, tích trữ vàng bạc gấm vóc, lại cho làm những kho chứa lương thực đủ ăn trong 20 năm. Trác vẫn thường nói: "sự thành hùng cứ thiên hạ, sự bất thành thủ thử dã túc dĩ chung thân liễu". (thành ra thì hùng cứ cả thiên hạ, không xong thì giữ chặt nơi đây cũng được hết đời). Trác tin tưởng vào thế hiểm yếu, vào lương thực tích trữ. Nhưng Trác quên rằng kẻ giết Trác chính là Trác vậy, là cái cá tính độc ác, hẹp hòi, ích kỷ của Trác. Do cá tính đó, Trác đã tự mình tạo nhận cho âm mưu Vương Doãn, Lã Bố. Trong chính sử tuy không thấy nói đến liên hoàn kế và Điêu Thuyền, nhưng Vương Doãn và Lã Bố cũng vẫn là hai vai chủ gốc trong vụ giết Đổng Trác. Sử chỉ chép: "Lã Bố tư thông với tỳ thị của Trác, sợ việc bại lộ trong lòng không yên. Tư Đồ Vương Doãn thấy Bố vũ dũng nên hết sức hậu đãi". Phải chăng nhà văn La quán Trung đã tiểu thuyết hóa tên thị tỳ thành ra Điêu Thuyền, tưởng tượng ra liên hoàn kế cho câu chuyện Trác thêm phần kỳ thú? Tác giả Tam Quốc Chí diễn nghĩa đã khéo tưởng tượng ra nàng Điêu Thuyền diễm lệ. Một cành gió lả hoa mềm, Mùi hương ngào ngạt đầy thềm vẻ Xuân. Rồi mượn hương sắc mỹ nhân mà lột hết cái chí khí hẹp hòi cùng tâm trạng độc đoán của Đổng Trác ra lời nói, như đoạn: Sau khi Đổng Trác nghe Điêu Thuyền khóc lóc phản đối việc đem mình gả cho Lã Bố theo kế hoạch của Lý Nho, Trác mủi lòng bèn thay đổi ý kiến. Lý Nho thấy vậy chạy vào thưa: - Xin Thái Sư đừng để cho một người đàn bà mê hoặc như thế. Trác biến sắc mặt mắng Nho rằng: - Thế vợ mày, mày có chịu đem cho thằng Lã Bố không? Thôi việc Điêu Thuyền cấm không được bàn đến nữa. Nói thêm ta chém đầu. Những lời đối đáp của bọn cao cấp ngoan cố vẫn thường hữu lý theo cái lối "đức ông cưỡi voi" như vậy. Nếu họ đi hành quân mà có người nhắc họ lưu ý sợ bị đánh tập hậu, họ sẽ chẳng suy nghĩ gì để trả lời ngay rằng: "bị tập hậu thì ta quay lại, địch còn đánh tập hậu vào đâu?"