Từ Xuân thu, Chiến quốc đến thời đại Tam quốc, phần tử trí thức là một vấn đề hết sức trọng đại. Bởi thế, đi sâu vào vấn đề này rất cần thiết đối với nhận định chính trị Tam quốc, và việc đọc chuyện Tam quốc. Thường thường mỗi khi nói đến lịch sử, chúng ta vẫn đặt những câu hỏi: Biến động lịch sử do hoàn cảnh quyết định hay bởi ý chí con người quyết định? Tồn tại quyết định ý thức hay ý thức quyết định tồn tại? Sinh hoạt quyết định tư tưởng hay tư tưởng quyết định sinh hoạt? Tư tưởng và sinh hoạt tự động biến hóa hay là do ngoại lực làm cho biến hóa? Trước kia, thảo luận để tìm một giải đáp cho những câu hỏi trên, các phe phái hay đi vào con đường cực đoan, rồi đưa ra nhiều luận cứ bênh vực cho chủ trương: hoàn cảnh quyết định lịch sử, sinh hoạt quyết định tư tưởng, tồn tại quyết định ý thức, nhất thiết biến động lịch sử đều do ngoại lực tạo nên; hoặc bênh vực cho chủ trương: ý chí con người quyết định lịch sử, ý thức quyết định tồn tại, tư tưởng quyết định sinh hoạt, nhất thiết biến động lịch sử đều do ý chí con người tạo ra. Nhưng gần đây, hầu như tất cả đã công nhận rằng: hoàn cảnh với ý chí, tồn tại với ý thức, tư tưởng với sinh hoạt, ngoại lực với nội tại đều có tác dụng qua lại mà làm ra biến động lịch sử. Chiếc cầu nối sự qua lại đó là Văn hóa. Do tác dụng qua lại giữa con người với hoàn cảnh nên Văn hóa được sản sinh. Phương hướng của Văn hóa, độ nhanh chậm của Văn hóa chịu ảnh hưởng từ kết quả của tác dụng qua lại của nhân duyên nội với ngoại. Theo Hồ Thu Nguyên: Tổ tiên chúng ta thời thượng cổ, đương nhiên chịu chi phối của hoàn cảnh, nhưng nhân loại không như các động vật khác, đối với hoàn cảnh ngoài cố gắng thích ứng, loài người còn tìm cách chống lại, chế ngự, cải tạo và lợi dụng. Bởi thế nên loài người mới chế tạo ra công cụ. Nhưng đi đôi với sự chế tạo công cụ phải có ý, có tư tưởng, có tiếng nói. Nếu không có ý, có tư tưởng, có tiếng nói thì không thể chế tạo ra công cụ được. Vậy giữa công cụ với tư tưởng ta đừng nên đặt vấn đề công cụ có trước, tư tưởng có sau hay ngược lại. Chẳng qua ta hãy quan niệm cả hai là cùng một lúc. Từ sử tự nhiên bước vào sử nhân loại, loài người trở nên động vật văn hóa, loài người lấy văn hóa để mở đầu lịch sử cho mình, văn hóa thành ra một năng lực mới cho sự giao thiệp của người với hoàn cảnh. Văn hóa là nhân tố hết sức trọng yếu đối với việc giải thích lịch sử. Lịch sử thông qua văn hóa mà biến động, trí thức là quyền lực. Do đấy mà phần tử trí thức nắm phần chủ yếu trong mọi biến động lịch sử. Lý luận Vilfredo Paréto Nhà Xã hội học Vilfredo Paréto cho rằng: - Trị, loạn, cách mạng, hòa bình, chiến tranh gồm nhiều nguyên nhân: địa dư, kinh tế, văn hóa, chính trị v.v.. Nhưng quyết định đều ở nơi kết quả vận chuyển của phần tử trí thức. Phần tử trí thức Paréto chia ra làm hai loại: a- Nắm chính quyền b- Không nắm chính quyền. Phần tử trí thức hay ưu tú trong xã hội không bao giờ nằm im, trái lại nó luôn luôn vận động. Vận chuyển của nó là đấu tranh thay thế nắm quyền bính để đưa vận mệnh xã hội, vận mệnh chính trị lên con đường mới. Khi phần tử trí thức tại quyền không còn đủ khả năng, đủ lực lượng để lãnh đạo chính trị, lãnh đạo xã hội, bắt kịp nguyện vọng thời đại nữa sẽ bị đào thải, chính quyền sẽ chuyển sang tay lực lượng trí thức khác đủ khả năng hơn. Chính quyền nào không thu hút nổi các lực lượng mới, để các lực lượng ngoài tách rời mình tự trưởng, tự thành, phát triển lên được thì chính quyền đó chẳng chóng thì chầy phải bị lật đổ. Những hiện tượng tiêu diệt, trưởng thành của các lực lượng xã hội chính là những diễn biến lịch sử vậy. Phần tử trí thức đời Xuân thu, đời Chiến quốc Nhà Chu lúc thiên sang Đông là bắt đầu thời đại Xuân thu, Chiến quốc. Xuân thu, Chiến quốc dài 551 năm. Xuân thu, Chiến quốc là một thời đại ghi nhận sự biến hóa lớn lao của chính trị, kinh tế, văn hóa Trung quốc. Hai chữ Xuân thu xuất xứ từ sử liệu nước Lỗ. Hai chữ Chiến quốc do cuốn sử Chiến quốc mà ra. Ông Hồ Thu Nguyên viết: - Hình thành ra Xuân thu, Chiến quốc ngoài nguyên nhân nhân khẩu tăng gia còn là kết quả của sự xung đột giữa trào lưu văn hóa nhân văn chủ nghĩa với chế độ phong kiến nhà Chu. Lấy Quản Trọng và Khổng Tử làm đại biểu phần tử trí thức lãnh đạo cuộc chiến đấu trên. Kể từ lúc Tề hoàn Công dùng Quản Trọng, gây dựng nghiệp Bá chư hầu, những cương giới phong kiến bị tiệt trừ, kinh tế thương nghiệp phát triển. Chiến tranh và kinh tế thương nghiệp không những đã phá đổ lực lượng hữu hình phong kiến, còn quan trọng hơn nữa là sự sản sinh một văn hóa lực mới. Văn hóa lực mới khi biểu hiện trên những lực lượng hữu hình mới, liền thành một lực lượng quyết định chuyển động lịch sử. Văn hóa lực mới là gì? Học vấn được phổ cập, lực lượng của giai cấp sĩ xuất hiện. Tính chất quan trọng của giai cấp sĩ là nhờ học vấn phổ cập, do cạnh tranh của liệt quốc mà bình dân đã thông qua trí thức để nhẩy lên vũ đài chính trị. Trước kia thời Tây Chu và ngược lên nữa, chính trị đều ở tay quí tộc nắm giữ. Vận mệnh xã hội, quốc gia phải chịu bọn Vương Công đại nhân, các Công tử, Vương Tôn, Thế Khanh truyền tử truyền tôn điều khiển. Sang Xuân thu, Chiến quốc thì tình trạng lật ngược hẳn, xã hội liên tiếp có những vận động hạ khắc thượng (dưới chống trên). Chư hầu không thừa nhận Vương Thất, Đại Phu không thừa nhận Chư hầu, Gia thần không thừa nhận Đại phu, dân chúng không thừa nhận quyền uy của đại tộc, thế khanh. Mỗi bậc, mỗi mức trong quá trình đấu tranh đều giác ngộ quyền lợi của mình. Nhu cầu trí thức chính trị lên cao. Phần tử trí thức càng hệ trọng đối với những vận động lịch sử. Phần tử trí thức càng hệ trọng thì thế lực bình dân càng lớn mạnh. Khổng Tử nắm một phần chủ yếu trong việc đào tạo phần tử trí thức mới và lực lượng bình dân. Nếu dùng niên lịch để phân biệt Xuân thu với Chiến quốc, đại khái chúng ta có thể nhận thời Chiến quốc khai mào từ sau ngày Khổng Tử mất một năm đến lúc nhà Tần thống nhất. Chiến quốc lâu chừng 260 năm. Mặc dầu có những điểm không giống nhau trên trình độ cũng như trên bản chất, nhưng thực sự Chiến quốc chỉ là sự phát triển của Xuân thu. Hết thẩy các vận động đều đặt trên cơ sở: - Phá hoại thái ấp phong cương và giai tầng phong kiến. - Phát triển quốc gia vương quyền và phát triển để thống nhất. - Phân hóa văn hóa cổ điển để tung hợp thành xu hướng tân văn hóa. 260 năm thuộc thời đại Chiến quốc, đứng về mặt học thuật và chính trị mà nói, có thể chia ra làm ba thời kỳ lớn: 1- Thời kỳ nước Sở nước Việt thay nhau làm Bá chư hầu và nước Ngụy nước Tề tranh hùng. 2- Thời kỳ vận động liên hoành và hợp tung. 3- Thời kỳ nước Tần tiêu diệt lục quốc. Chiến quốc có năm tiến hóa trọng đại: a- Tiến bộ kỹ thuật. b- Kinh tế phát triển, chế độ công điền bị triệt bỏ, đô thị mở rộng, thương nghiệp hưng thịnh, hóa tệ phát đạt. c- Chiến tranh ác liệt hóa, quan hệ tình trạng quân quốc hóa của nước Trung hoa. d- Chiến tranh và kinh tế tạo ra quốc gia quân chủ tập quyền. e- Phần tử trí thức làm chủ tể chính trị. Thời Xuân thu, bình dân quật khởi mới chỉ là thiểu số, tới Chiến quốc thì quí tộc, thế khanh lần lượt nhượng vị cho các du sĩ văn học. Phong khí tư tưởng tự do đi đôi với tình thế chiến tranh đã tạo nên những hiện tượng sử sĩ hoành nghị, và bố y khanh tướng, (áo vải lên khanh tướng). Trước đấy, thế lực bọn thế khanh quí tộc đã bị lung lay vì những tư tưởng Khổng, Mặc. Bây giờ lại thêm tự do kinh tế khiến phần tử trí thức không còn phải sống bám quí tộc nữa, càng làm cho khí thế phần tử trí thức to lớn hơn. Thời Chiến quốc, các ông vua vì đều có chung một chính sách đối nội: tước trừ thế lực quí tộc, đối ngoại thì hùng cường với các nước khác, cho nên phải dựa vào các lực tân hưng, bằng cách chiêu hiền nạp sĩ, chỉnh đốn học thuật. Nhờ vậy mà các học thuyết dấy lên, trăm hoa đua nở. Sinh thời, Khổng Tử thất bại với 72 ông vua, thì ở Chiến quốc các người chịu tư tưởng của ông nhất nhất đều được trọng dụng. Tỉ dụ như: thầy Tử Hạ được Ngụy Văn Hầu bái kiến. Lỗ Mục Công dùng Tử Tư và Công Nghi Thể. Hàn quốc dùng Thân Bất Hại. Tề Uy Vương trọng đãi Tôn Tẫn, Sô (Trâu?) Kỵ v.v.. Thời Chiến quốc có thể gọi là thời kỳ của phần tử trí thức bình dân. Phần tử trí thức đời Tần Sáu nước suy tàn hấp hối chờ Tần thôn tính. Tình hình chính trị nhu yếu một quyền lực chặt chẽ thống nhất. Dĩ nhiên, không khí “đua nhau lên tiếng” của chư tử trên lãnh vực tư tưởng trở nên một vật chướng ngại to tát cho công cuộc kiến lập quyền lực kia. Chính các học gia cũng hô hào thống nhất tư tưởng. Nhóm Lã Bất Vi mở đầu vận động này. Môn khách trí thức nhà họ Lã thảo luận và trước tác cuốn Lã thị Xuân thu. Sách Lã thị Xuân thu tung hợp nhiều phái tư tưởng khác nhau, gồm 26 thiên pha trộn nào Pháp gia, Mặc gia, Nho gia, Đạo gia v.v. Tỉ dụ: Thiên “Quý sinh” và “Vô tư” gốc ở Nho gia, thiên “Thượng hiền”, “Kiệm táng” gốc ở Mặc học v.v.. Nhưng sách Lã thị Xuân thu không được Tần Thủy Hoàng ưa. Một phần vì Lã thị Xuân thu chưa đáp ứng đúng với nhu yếu chính trị mới. Một phần vì Tần Thủy Hoàng thù hận Lã bất Vi. Về sau Tần Thủy Hoàng hưởng ứng tư tưởng Hàn Phi, bèn giải tán học phái họ Lã, đầy Lã bất Vi sang Thục, tại đây Lã bất Vi uống thuốc độc tự tử. Hàn Phi là một nhà tư tưởng thuộc phái Pháp gia. Tư tưởng Hàn Phi chịu ảnh hưởng của pháp thuật của Thân Bất Hại, Thương Ưởng, lý luận và khí chất của Tuân Tử, hành động của Lão. Lão học kết hợp với pháp thuật liền biến chất mà thành một thứ hư vô chủ nghĩa. Hàn Phi chủ trương: a- Không nói chuyện nhân nghĩa, không nghe lời bọn học giả. b- Lấy pháp để răn dạy, lấy lại làm thầy, lấy chém đầu làm dũng. c- Lấy công dụng và kinh nghiệm làm tiêu chuẩn chân lý. d- Chống lại thuyết chuộng hiền của Nho, Mặc, coi Nho, hiệp, thương, công như bọn du thực. e- Đốt thi thư để làm sáng pháp lệnh, đề cao nông chiến. Chủ trương của Hàn Phi được Tần Thủy Hoàng áp dụng đã khiến cho phần tử trí thức gặp một phen khốn đốn. Mặc dầu Tần Thủy Hoàng nghe Lý Tư giết Hàn Phi, nhưng chính sách Hàn Phi vẫn tiếp tục. Sự kiện đốt sách chôn nho chính là kết quả tất nhiên của xung đột giữa phần tử trí thức với chính sách Hàn Phi đem thi hành bằng vũ lực. Các nhà nho bị buộc phải từ bỏ lý luận và đọc sách. Muốn học thì đến thụ huấn ở bọn lại, muốn đọc sách chỉ độc có hai loại sách bói toán. Nho phái liền ẩn lý luận Dịch vào sách bói toán để phát huy tư tưởng. Phần tử trí thức lật đổ nhà Tần Đối đãi với phần tử trí thức, Tần Thủy Hoàng dùng hai chính sách: 1- Tiêu diệt bằng vũ lực và 2- Tiêu diệt bằng dụ dỗ. Tiêu diệt tư tưởng bằng vũ lực dĩ nhiên là một điều không thể làm được. Tiêu diệt phần tử trí thức bằng dụ dỗ thì chỉ đem lại hiệu quả phần nào thôi. Đa số phần tử trí thức không bị lay chuyển bởi Danh, Lợi, Uy như vua Tần vẫn lầm tưởng. Dưới triều Tần, trí thức tản mạn vào đồng ruộng, núi rừng để truyền bá tư tưởng phản Tần. Từng nhóm, từng nhóm nổi lên như: Phạm Tăng, Hoàn Sở, Sương Hải Quân, Hoàng Thạch Công, Trương Nhĩ, Trần Dư, Điền Hoành, Khoái Thông v.v.. Những vận động tư tưởng chuyển thành đấu tranh vật chất nhóm lên bằng mũi chùy của Trương Lương, rồi đến Trần Thiệp khởi sự. Phần tử trí thức giao thời Tần-Hán Cuối Chiến quốc phần tử trí thức tụ tập ở nước Tần, giúp cho Tần kiêm tính thiên hạ, Tần thi hành bạo chính, trí thức thoái về dân gian vận động chống Tần. Như vậy trí thức đời Tần chia làm hai phái: - Phái nắm chính quyền. - Phái dựng thế lực bên ngoài chống chính quyền. Vận động phản Tần mạnh lên thì phần tử trí thức tại triều cũng bắt đầu tan rã. Sự tan rã này phân định làm ba loại: - Giao động nên nghĩ cách tự tư, tự lợi như bọn phương sĩ Lư Sinh, Từ Phúc lừa tiền bỏ trốn. - Do tranh chấp quyền thế bị đào thải như bọn Lý Tư. - Hưởng ứng Cách mạng như nhóm Tôn thúc Thông, Trương Lương, Tiêu Hà. Các thế lực trí thức chống chính quyền tuy rằng có sự chia rẽ giữa Nho đạo và đạo Hoàng Lão, nhưng chỉ là sự chia rẽ trên học thuật thôi, không đưa dẫn đến chia rẽ chính trị phản Tần. Vận động phản Tần đã ghi một thành tích tuyệt đích cho lịch sử đấu tranh của phần tử trí thức bình dân là: từ khanh tướng áo vải chuyển lên Hoàng đế áo vải. Phần tử trí thức đời Tây Hán Lưu Bang vốn không phải là người đọc sách. Lưu Bang đoạt thủ chính quyền nhờ biết dựa vào phần tử trí thức. Phần tử trí thức nỗ lực chẳng phải vì Lưu Bang mà vì nghĩa vụ diệt bạo Tần. Bởi vậy giữa Lưu Bang và phần tử trí thức vẫn có bức tường ngăn cách khó phá thông. Ngay sau khi nhà Tần bị tiêu diệt, Hán cao Tổ đã tỏ thái độ bất dung trí thức. Thấy thế Ngụy Báo từ khước bái yết Cao tổ, Trương Lương đi ẩn, nguyện bỏ dân gian sự để rong chơi (nguyện khứ dân gian sự, tòng xích tùng tử du). Sở dĩ phần tử trí thức tiêu cực phản đối, là tại chính quyền Hán nhất nhất rập theo chính sách của chế độ Tần triều. Phần tử trí thức ghét chính trị Tần chứ không ghét tập đoàn giang hồ Lưu Bang….. Thêm một nguyên nhân nữa là phần tử trí thức vẫn hoài niệm phong độ Chiến quốc, phóng khoáng, lãng mạn. Thời Tây Hán, trí thức tham gia chính trị phải tuân theo một pháp chế chặt chẽ, khuôn mức không giống thời Chiến quốc, trí thức áo lá, nón rách đến diện kiến quốc vương dùng biện thuyết mà đoạt tướng ấn Công Khanh. Dĩ nhiên đem nhu yếu phóng túng tự do riêng tư để chống lại nhu yếu chính trị đại thể, đương nhiên phần tử trí thức không thể thắng Hán triều. Khi Hán Vũ Đế đại định thiên hạ, thì phần tử trí thức từ bỏ vận động vãn hồi tình trạng tư tưởng tự do thời Chiến quốc. Người trí thức muốn xuất chính phải bước từ huyện học lên tới Quốc lập đại học. Tốt nghiệp học viên phải trở về quê hương bản quán đảm nhiệm một tiểu chức nơi nha môn, dần dần tạo nhiều thành tích mới được đề bạt lên trung ương. Phần tử trí thức thời Tây Hán, đại bộ phận xuất hiện từ nông dân thuần phác, nên phong thái thường đơn hậu. Ở Chiến quốc học giả vẫn tự coi mình ngang với thánh nhân. Ở Tây Hán thì đại (địa?) vị học giả xuống thấp. Theo với quyền lực thống nhất pháp, thống nhất chế, học thuật cũng cần thiết một vị sư biểu. Do đó, Khổng Tử được thần thánh hóa và đưa lên độc tôn. Phần tử trí thức thời Đông Hán Vương Mãng tranh thiên hạ rồi Lưu Tú dựng lại Hán thất gọi là Đông Hán hay Hậu Hán. Khoảng thời gian giữa Tây Hán, phần tử trí thức chớm khuynh hướng quần tụ. Một đại sư có tới mấy trăm môn đệ. Thái học sinh ban đầu chỉ ước chừng 50 người, dần dần tăng lên 200 rồi 3000, cuối Đông Hán con số lên gần 30.000. Bản thân Thái học thành hẳn một xã hội riêng biệt (Vương Mãng, Lưu Tú đều thuộc nhóm Thái học sinh). Vì ở tiếp cận với trung ương chính phủ nên Thái học là tập đoàn có thế lực, tiếng nói của nhóm Thái học hướng dẫn dư luận toàn quốc, ảnh hưởng nhiều đến chính trị. Địa vị người học lại dần dần nâng cao. Nhưng thế lực tập đoàn Thái học cũng làm cho bộ mặt và tình hình của của phần tử trí thức Đông Hán khác hẳn với Tây Hán. Thời đại Tây Hán, học vấn vốn vẫn là vũ khí nhiều khả năng nhất của bình dân muốn xuất chính. Tập đoàn Thái học thành hình thì những người bình dân thông qua học vấn để xuất chính trước đây nay đã trở nên quý tộc. Thái học biến ra xã hội con ông cháu cha, tạo thành tình trạng đảng cố môn đệ. Tập đoàn Thái học trên chính trị, xa rời quyền lợi bình dân, chuyên chú vào những âm mưu tranh chấp đảng nhóm, không biết dựa vào thế lực chính trị mà tranh thủ xã hội. Trên học thuật tư tưởng, Thái học nhân vì tập nhiễm xã hội đô thị nên mất hết phong thái đôn hậu chất phác, bỏ hẳn chủ trương lấy chí dụng làm cơ sở cho học vấn, để vùi đầu trong tư tưởng hoa mỹ, tận hưởng thú vị nghệ thuật. Tóm lại, bản chất tập đoàn Thái học sinh giống như tinh thần câu ca dao Việt: Học trò đèn sách hôm mai, Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào, Làm nên quan thấp, quan cao, Làm nên võng tía, võng đào nghênh ngang của hình thức thư sinh quý tộc, không còn phong độ “kiếm bạt nỗ trương” (rút kiếm, giương cung) thời Chiến Quốc nữa. Do tính chất môn phiệt của tập đoàn trí thức Thái học mà phần tử trí thức bị phân hóa, nhiều lực lượng trí thức bình dân rộ lên và trưởng thành đòi quật đổ bọn trí thức thống trị. Đồng thời trong triều đình, thế lực hoạn quan mỗi ngày mỗi lớn chèn ép tiếng nói Thái học Xung đột giữa tập đoàn quý tộc trí thức Thái học với hoạn quan, xung đột giữa lực lượng trí thức mới dậy với bọn trí thức tại quyền, sự tan rã của quyền lực trung ương và sự bành trướng của quyền lực địa phương - đó là tất cả cục thế loạn ly thời kỳ mở vào Tam Quốc phân tranh. Trí thức tại triều bị hoạn quan quật ngã Đời vua Hoàn Đế, bọn hoạn quan giết chết Lương Ký. Nhân cơ hội hoạn quan ngoại thích đánh nhau, nhóm trí thức tại triều liền được triệu tập để tiêu trừ hoạn quan. Cầm đầu vận động là các vị Đại thần Hoàng Huỳnh, Trần Phồn. Lực lượng cơ sở gồm thanh niên đô thị và tập đoàn Thái học sinh. Đường lối, chính sách là đòi hỏi thanh lọc. Những danh sĩ thời đó phụ giúp có: Chu Mục, Lưu Hựu, Tuân Dục, Sài Diễm, Vương Hoàng, Phạm Khang. Bọn hoạn quan trước sức tấn công của nhóm trí thức triều thần, bị bắt và bị giết khá nhiều. Nhưng chưa được bao lâu, thế lực hoạn quan phản công ngay. Nhờ vụ Lý Ưng, hoạn quan xoay chuyển hẳn tình thế, vua Hoàn Đế hạ lệnh tầm nã tập đoàn Thái Học để cho hoạn quan tha hô mà giết. Sang triều vua Linh Đế thì phe triều thần trí thức quỵ hẳn. Vương Doãn một điển hình Vương Doãn điển hình cho cái gì? Cho tính chất đã thiếu khả năng lãnh đạo của nhóm trí thức tại quyền. Chúng ta đều đã biết rõ nguyên nhân loạn có hai mặt: -Thứ nhất: Chính trị chuyên chế bị hoạn quan ngoại thích lũng đoạn. -Thứ hai: Tệ hại ngay trên bản thân văn hóa và phần tử trí thức. Thế lực hoạn quan và ngoại thích khi đã tràn ngập Hoàng Triều, nó liền một tay nắm trọn guồng máy chính quyền bằng cách đan kết một cái lưới bè nhóm, ân huệ, tư tình, hôn phối. Thành phần cai trị mỗi ngày thêm ác hóa. Công Khanh, Đại Thần dần dần chỉ còn là lực lượng hậu bị của hoạn quan ngoại thích. Phần tử trí thức trong triều nếu không chạy theo xu phụng hoạn quan ngoại thích tất bị loại trừ. Triều thần trí thức chống lại nhưng không nổi. Sở dĩ phần tử trí thức tại quyền thất bại, để hoạn quan ngoại thích lăng áp là tại trí thức đã tự mình phiệt duyệt hoá, chuyên chế hóa, đem cả sinh hoạt, học vấn, quan niệm tâm lý lẫn khí chất sô vào con đường thật nguy hiểm: Thoát ly dân chúng, thoát ly xã hội. Hưởng thụ bằng đại vị ăn trên ngồi chốc. Không làm chính trị đại thể mà chỉ làm chính trị âm mưu. Thân xác trí thức tại quyền cuối Đông Hán đầy những tệ bệnh nào là: Bệnh chỉ khỏe nói quân tử tiểu nhân, mà căn bản không biết phải giải quyết vấn đề. Bệnh học phiệt, tự cho mình là những người khác thường. Bệnh hư văn, lễ nghi phiền toái. Bệnh danh tiết, làm việc chỉ vì trung nghĩa, lối trung nghĩa của luân lý “gia thiên hạ”. Bệnh gàn dở kiêu căng. Bệnh danh sĩ hỗn hợp gàn dở kiêu căng với danh tiết. Vương Doãn là một nhân vật điển hình, điển hình cho phần tử trí thức tại quyền đang hấp hối vì Ông ta mang gần đủ những thứ bệnh nói trên. Chúng ta hãy cùng đọc lại hồi thứ chín (9) trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa để nhận xét hành động của Vương Doãn qua những sự việc: -Kế liên hoàn, Doãn dùng cái danh lão phu để lạy hết Đổng Trác và Lã Bố. Mục đích chỉ để hoàn thành một mưu mô chẳng lấy gì làm đẹp cho lắm. -Giết xong Đổng Trác, vào chính quyền rồi, Vương Doãn như người say rượu lóng ngóng. Vương Doãn đã phạm hai lỗi cực lớn: 1) Chém Sái Ung chỉ vì Sái Ung khóc Đổng Trác. 2) Đẩy bọn Lý Thôi, Quách Dĩ đến bước cùng, khiến cho người Khương Hồ dầy đạp, đầy đọa dân chúng. Kết quả việc làm của Vương Doãn là thay tình trạng quân phiệt bằng tình trạng kiêu binh. Trung nghĩa hão, nên lúc thất bại Doãn lưu lại một lời kỳ thú “Hà tất đa ngôn, ngã Vương Doãn kim nhật hữu tử nhi dĩ”. Lời này cụ Phan Kế Bính dịch sang Việt ngữ còn lý thú hơn: “Tao chỉ còn cái xác tao đây, chúng bay muốn làm gì thì làm". Ngụy trí thức cùng loại Vương Doãn Từ Xuân Thu, Chiến Quốc nhiệm vụ của người trí thức đã được đặt định hết sức minh bạch: Đem tâm huyết cống hiến, giáo hóa dân chúng. Phấn đấu cho lợi ích của bình dân. Đoàn kết dân chúng. Phấn đấu cho đạo đức, tư chất bản thân chống với những áp đảo tiền bạc, vũ lực của bọn quý tộc, của chính quyền. Dùng học vấn làm công cụ nâng cao hạnh phúc dân chúng. Những nhiệm vụ ấy được nhân cách hóa và trờ thành phong độ của tất cả những người trí thức. Nó gói tròn bằng ba chữ cơ bản: Nho, Hiệp -chung đúc bởi tư tưởng Khổng, Mặc - và Ẩn của Đạo học. Nho lấy tu dưỡng bản thân yên trăm họ (quân tử tu kỷ dĩ an bách tính) làm trách nhiệm tâm; lấy không lo, không mê hoặc, không sợ (bất ưu, bất hoặc, bất cụ) làm tự tôn tâm, lấy trang nhã, cung kính, khiêm nhường (trang cung khiêm nhượng) làm thái độ xử thế. Hiệp là thái độ mềm nhưng không nhũn nát, cứng nhưng không giòn gẫy, không khinh mạn người thế cô, không sợ sệt kẻ cường bạo. Ngụy trí thức là thế nào? Ngụy trí thức có nhiều hạng. Hoặc là bọn người chỉ hấp thụ ít nhiều học vấn nhưng lại thiếu tu dưỡng nhân cách. Hoặc là bọn người chỉ chăm chú câu nệ tu dưỡng chữ nhân chữ đức mà bỏ mất học vấn hữu ích. Hoặc là bọn người chỉ biết đem học vấn bán ra nuôi miệng, nuôi dục vọng vị kỷ. Hoặc là bọn người chỉ biết văn chương phú lục mà không có tư tưởng chính trị. Hồi tiền Tam Quốc, mặt ngụy trí thức xuất hiện rất nhiều, phần lớn đều là những kẻ tách xa đại chúng để a dua với tập đoàn thống trị, từ bỏ phong độ tu kỷ an bách tính, bám vào hàng ngũ thống trị, lại thêm tật tự coi mình là quý tộc. Trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa ghi nhận ngụy trí thức như bọn: Dương Bưu, Dương Mặc, Phàn Trù, Chu Tuấn, Cảnh Vũ, Quan Thuần, Vương Kỳ, Chu Hoán v.v… Nhưng có mấy mặt điển hình nhất là Vương Doãn, Sái Ung và Lý Túc. Vương Doãn thuộc vào hạng Nho cũng dở mà Hiệp cũng dở. Sái Ung thuộc vào hạng Hiệp mù quáng nhiều cảm tình tri kỷ nhưng thiếu quan điểm quần chúng. Lý Túc thuộc vào hạng chẳng Hiệp cũng chẳng Nho, chỉ biết biện bác vặt, xui dại, xui khôn, thầy cò. Lý Túc hết khuyên Lã Bố giết Đinh Nguyên lại dụ Đổng Trác vào Tràng An cho Vương Doãn sát hại. Nhưng lúc ra chỉ huy ba quân thì tài biện bác vẫn không đủ sức cáng đáng trách nhiệm nữa, dĩ chí để Ngưu Phụ cướp mất trại, di lụy đến thân. Nói chung, mặc dầu mỗi giai đoạn lịch sử đều có những sắc thái riêng biệt, nhưng trên căn bản ta có thể bảo Ngụy trí thức là bọn người cắn chặt vào quyền thống trị cũ, chế độ cũ, sinh hoạt cũ, gặp tình hình biến chuyển mới hoàn toàn bị cạn ý thức, không ngoi lên được ngoài những vùng vẫy vô ích trước khi chìm nghỉm. Văn hóa biên duyên xung kích - Loạn Khương Hồ và kiêu binh Đổng Trác tuy bị giết hại nhưng thủ hạ vây cánh quân đội của Trác còn đông đặc tại triều đình. Bọn chúng vừa mất chủ vừa lo thân nên chúng tác loạn cướp bóc tứ tung trong khi chính quyền mới lại không có một chính lệnh nào để làm an lòng chúng, thành ra Kinh đô thiếu an ninh, dân chúng cực khổ. Chính quyền mới chỉ chú ý đến lực lượng của Ngưu Phụ đóng ở Thiểm huyện, nên sai Lã Bố tiến đánh. Sở dĩ Vương Doãn chú ý Ngưu Phụ có lẽ không vì nhu cầu chính trị hay quân sự mà chỉ vì Ngưu Phụ là con rể Đổng Trác, cái tâm lý môn phiệt tôn tộc xưa nay vẫn vậy. Thực ra lực lượng Ngưu Phụ đâu có đáng sợ bằng mối loạn ngay trong lòng ruột, xem việc Ngưu Phụ cùng Hồ xích Nhi chôn dấu vàng bạc rồi bỏ đi thì đủ biết. Đến khi Lã Bố chống không nổi bọn Lý Thôi, Quách Dĩ, chạy về Tràng An thì quân giặc trong ngoài đông nghịt, chẳng khác mây che mưa phủ, vây kín thành trì. Số phận Vương Doãn, Lã Bố đã được quyết định. Tràng An lọt vào tay Lý Thôi, Quách Dĩ, với những thủ đoạn kiêu binh bắt giết, hãm hiếp và bức vua phong tước cho chúng thực cao, toàn Hầu, Tướng. Cảm nỗi cơ cực, nàng Sái văn Cơ, con Sái Ung, làm một bài thơ tả cảnh loạn ly, với nhiều câu rất xác thực như: Trảm lục vô tiết di Thi hài tương trưởng cự Mã biên huyền nam đầu Mã hậu tải phụ nữ Can tỳ vi lạn nhục …………………. Dục tử bất khả đắc Dục sinh vô nhất khả. Tạm dịch: Chém giết chẳng chừa ai Thây chất chồng chất đống Cổ ngựa treo đầu trai Lưng ngựa thân gái trói Ruột gan thối nhầy nhụa ……………………… Muốn chết, chết chẳng được Muốn sống, sống không xong. Trong bài thơ của Sái văn Cơ còn một câu: Lai binh giai Hồ, Khương (quân lính toàn rợ Hồ, Khương) Câu thơ đó chứng minh rằng: Quân đội Tây Lương của Đổng Trác, sau này của Thôi, Dĩ, phần lớn lẫn lộn các dị tộc nhân Trung Quốc loạn, mượn thế tràn vào. Người Khương bây giờ hãy còn ở mức kinh tế du mục, căn cứ tại miền Đông tỉnh Cam Túc bây giờ. Thời Chiến quốc từng hỗn nhập với người nước Tần mà tràn vào bờ phía Tây sông Hoàng Hà. Thời Tây Hán người Khương bị đánh đuổi chạy ngược lên phía Tây. Cuối triều Vương Mãng, thừa cơ Trung Quốc loạn lạc, người Khương lại xâm lấn, lần này họ vượt qua sông, nhưng bị văn hóa Trung Quốc quá khỏe đồng hóa mất. Tuy thế, người Khương đã luôn luôn tham dự các vận động gây rối loạn do tâm lý ưa cướp bóc của những dân du mục chưa thuần tính với nông nghiệp. Người Hồ nguyên là giống Hung nô, phân chia làm Đông vực Hồ và Tây vực Hồ. Cả hai đều ở phía Bắc Trung Quốc. Những cuộc tràn lấn của các người Hồ, Khương đợt này qua đợt khác tạo thành một thời kỳ đen tối cho lịch sử Trung quốc sau này: thời kỳ “Ngũ hồ loạn hoa”. Như vậy chứng tỏ rằng việc quân Tây Lương của Đổng Trác phạm Tràng An không phải chỉ giản dị là vấn đề chính trị nội bộ. Nó còn bao hàm các vấn đề sâu rộng hơn như vấn đề Dân tộc và Văn Hóa. Văn Hóa biên duyên nhân cơ hội trung tâm rối loạn nên quật khởi xung kích.