Chương một (tt)
Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội với tùy bút “Dưới Mái Trăng Non”

     hú vị nhất là những bài được bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội viết về những văn gia thi sĩ mà bà đã từng quen biết. Đó là những bài dành riêng cho quyển tùy bút “Dưới Mái Trăng Non”. Đó là nhà chí sĩ Sở Cuồng Lê Dư, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (bút hiệu Đồ Nam Tử, tác giả quyển sách lừng danh “Quả Dưa Đỏ”), cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Nguyễn Tuân, Lê Thanh v.v.. trong bài du ký “Hà Nội Tây Thi”. Đó là cụ Đồ Nam Tử thêm một lần nữa xuất hiện trong bài “Gặp Tác Giả ‘Quả Dưa Đỏ’, Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật”. Đó là nhà văn Lê Thanh đã từng cộng tác với báo Tri Tân lần thứ hai hiển linh trong bài văn tế khoác áo tùy bút “Tơ Duyên Dương Liễu”. Đó là nhà thơ Nguyễn Bính trong bài “Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên”. Đó là Nguyễn Tuân tái xuất hiện trong bài “Mưa Dầm Tháng Bảy”. Đó là Xuân Diệu cùng Huy Cận, kẻ chết người sống cùng họp mặt trong bài tưởng niệm bằng thơ “Để Nhớ Anh Xuân Diệu”...
Cộng tác với tạp chí Nam Phong do cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh chủ trương, ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết bắt đầu quen hầu hết với các tao nhân mặc khách, các danh sĩ đương thời hai miền Trung Bắc. Lại nữa, giải thưởng Văn Chương do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đã đẩy tên tuổi bà xuyên suốt đất nước Việt Nam. Dù thuở đó có con thiết lộ Xuyên Việt, nhưng trước khi viếng Hà Nội, hai danh sĩ đất hồ thơ núi mộng của miền Tây Nam nước Việt ấy chỉ biết các bạn văn của mình qua cuộc trao đổi thư đi tin lại. Chính chuyến thăm thành quách Thăng Long vào năm 1939 đã giúp cả hai gặp gỡ các người cầm bút ngoài đất Bắc. Đôi bên không còn “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” nữa. Đôi bên được tiếp xúc lẫn nhau, đã có kỷ niệm đẹp cho nhau. Đó cũng là thời kỳ Nhật dội bom xuống Đông Dương và lăm le nuốt chững Đông Dương.
Độc giả chúng ta ở hải ngoại đa số là hậu bối của các văn gia thi sĩ thời tiền chiến. Ai cũng khao khát muốn tìm hiểu đời sống cá nhân và phong thái từng tác giả một. Dĩ nhiên, các bài vở trong quyển tùy bút “Dưới Mái Trong Non” không đủ đáp ứng hoài vọng nồng nàn của chúng ta đâu. Nữ sĩ chỉ vẽ lờ mờ đôi nét phác thảo về chân dung và cuộc đời của các người cầm bút lừng danh ấy, cùng những kỷ niệm vặt vãnh giữa họ và bà. Có thể chúng ta cho rằng bà thiếu sót trong công việc viết về họ. Nhưng ngẫm cho cùng, bà có muốn lôi đời tư của họ để trình bày cho chúng ta thỏa mãn tính hiếu kỳ đâu? Bà cũng có muốn khoác áo phê bình một cách trịnh trọng về thi văn của họ đâu? Bà chỉ muốn dắt chúng ta song hành cùng bà vào vùng trời kỷ niệm trong văn giới thế thôi. Chúng ta chỉ nhặt nhạnh dăm ba mảnh vụn sáng lấp lánh trong cách sống của họ, ngay cả của bà. Vậy mà bài viết vẫn đượm nhuần thi vị, vẫn sáng lên vóc dáng văn chương nghệ thuật, vẫn khơi dậy khói hương của một thời đại văn chương huy hoàng đã xảy ra trên quê hương tổ quốc chúng ta.
Các bạn muốn biết chân dung các văn gia thi sĩ thời tiền chiến đã từng quen biết với bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ư? “Dưới Mái Trăng Non” sẽ tặng các bạn một vài nhu cầu tìm hiểu của các bạn. Trước hết, xin đọc bức phác thảo chân dung cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật:
Cụ Đồ Nam người cao cao và chắc chắn. Da mặt ngăm ngăm, tóc râu nhiều và to sợi. Miệng rộng và luôn luôn cười.
Câu chuyện của ông già đó cũng ngay thẳng và chất phác như dáng điệu của ông, như bộ quốc phục, cái áo the thâm, cái quần vải trắng không ủi của ông. Lời nói của ông không trang sức, không cầu kỳ, không văn hoa như phần nhiều các ông Nho học mà bọn trẻ khi tiếp chuyện phải lo sợ.
(“Gặp Tác Giả ‘Quả Dưa Đỏ’ Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật”, các trang 440, 441)
Chân dung Lưu Trọng Lưu và Nguyễn Tuân cũng tại ga Hàng Cỏ trong buổi đưa tiễn du khách về Nam cũng chỉ được bà Mộng Tuyết nói qua loa cách phục sức và cái phong thái của họ hơn là đường nét tạo hình:
Trên sân ga Hàng Cỏ đông nghẹt. Người ra đi đã đông, mà người đưa tiễn người đi càng đông hơn. Có hai mẫu người đứng gần nhau mà rất tương phản nhau. Một người dễ dãi giản dị đến chểnh mảng. Một người thì sạch sẽ diêm dúa đến nghiêm chỉnh.
Người trên là một thi sĩ thính tai nghe được những thanh âm khi chưa thành tiếng động, nghe những “tiếng thu” âm thầm “dưới trăng mờ thổn thức”, nghe được cả “hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ”. Thi sĩ Lưu Trọng Lư hôm nay cũng lễ mễ ra ga đưa vợ về Thanh tránh loạn như mọi người thiên hạ. Không biết thi sĩ có nghe tiếng gì đặc biệt hơn không? Người dưới là một văn sĩ khát cổ thèm đi. Nhà văn này đã từng vẽ lại những “vang bóng một thời”, đã cho tôi “sống” lại đời sống êm đềm của nghìn xưa thăm thẳm. Cũng nhà văn này đã gọi dậy lòng say mê phong vị sông hồ của tôi sẵn từ thuở bé.
Nguyễn Tuân trịnh trọng đến bắt tay anh Đông Hồ. Đứng trước nhà văn sĩ có một vẻ điềm đạm, ôn hòa khệ nệ, đến cầu kỳ, khác người ấy, tôi cần phải nói một cái gì, nhưng chung quanh đã ồn cả lên rồi.
(“Hà Nội Tây Thi”, trang 323)
Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Nguyễn Bính cùng Đông Hồ và Mộng Tuyết vào xế chiều mùa hạ năm 1944 tại Hà Tiên, giữa lúc bà Mộng Tuyết ngồi may tại Yiễm Yiễm Thương Điếm. Nguyễn Bính được bà vễ chân dung như sau:
Một người khách lạ bước vào, với chiếc va-li nhẹ xách tay. Người khách thâm thấp. Phong trần hiện trên mớ tóc đen rậm, rối bồng, dài tới mang tai. Bộ Âu phục cũ nhầu nát làm tăng thêm phần tiều tụy. (“Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên”, trang 402)
Riêng chân dung của Xuân Diệu và cuộc gặp gỡ giữa đôi bên lại được tả bằng hai đoạn thơ, mỗi đoạn gồm bốn câu thất ngôn trong bài thơ tưởng niệm “Để Nhớ Anh Xuân Diệu” (trang 432):
Mùa thu tháng tám năm băm chín (1939)
Một nhóm anh em từ phương Nam
Ra thăm Hà Nội trong chớp nhoáng
Quán cơm Hàng Da nơi hội đàm.
*
Một gã thư sinh mái tóc bồng
Mắt sáng, miệng cuời tươi nở bông
Ghé lại cùng ngồi góp thêm chuyện
Ký tặng bạn xa quyển “Phấn Thông..”.
Còn gì cảm động hơn, khi ra Hà Nội, đôi uyên ương thi ca Đông Hồ & Mộng Tuyết đến viếng cụ Đồ Nam Tử. Cụ tình nguyện hướng dẫn họ đi thăm thú đó đây cùng viếng các nhà văn nhà thơ đất Thăng Long.
Cụ đòi thân đưa bạn Hà Tiên đi thăm các nơi danh thắng đất Thăng Long. Anh Đông Hồ có lẽ vì sợ cụ Đồ Nam nhọc mệt, vội vàng từ tạ bằng một câu sáo, hết sức sáo:
- Xin cám ơn ngài. Nếu ngài có bận có mệt thì xin để chúng tôi đi với các anh em trẻ tuổi cũng được. Ngài cứ nghỉ nhà, chúng tôi đi đến đây thăm ngài và nếu có cần gì sẽ chạy đến xin nghe là được. Ngài khỏi bận đến, và chúng tôi ra đây cũng có nhiều nơi quen biết, không đến nỗi lạ lùng gì.
Cụ Đồ Nam đưa tay lên lắc và nói một cách mạnh bạo:
- Nói mà hay, thiên tải nhất thì kia mà, hữu bằng viễn phương lai, thì dẫu có mệt thì cũng không được mệt và dẫu có bận công việc bao nhiêu nữa cũng phải vứt bỏ cả, chứ sao nói đến nhọc và bận?
(“Gặp Tác Giả ‘Quả Dưa Đỏ’ Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật”, các trang 440, 441)
Khi tiễn khách Hà Tiên trở về Nam, tại ga Hàng Cỏ, cụ Đồ Nam đã tặng một bài thơ dài, nhưng ở đây bút giả HTA xin trích mấy câu chót:
Gặp nhau đã thỏa ước ao,
Gần nhau ta tính thế nào cho hay.
Lầu văn chung sức dựng xây,
Lòng thành sẵn đá, sẵn cây, sẵn nền.
Mấy lời gắn bó bao quên,
Bạn về, ta đứng ngóng trên non Nùng.
Cách viết của bà bớt uốn éo, bớt bay bướm để mạch cảm xúc len lỏi vào từng chữ viết, từng dòng văn. Giao tình đôi bên từ phía bên khách khi vào quyển tùy bút lúc nào cũng đẹp, cũng đáng để bên chủ, luôn cả bên độc giả trân quý và cất giữ trong kho tàng kỷ niệm của mình. Nhà văn Lê Thanh, một kẻ ít nổi danh nhất, nhưng vẫn được tác giả quý mến lúc đưong sự sinh tiền, vẫn được bà khóc lóc, hoài niệm lúc nghe tin ông tạ thế ngoài đất Bắc. Và chàng Lê Thanh yểu mệnh kia dưới ngòi bút bà là “một văn nhân tầm thước, nhã nhặn, diêm dúa và đứng đắn. Đôi kính trắng học giả nổi trên khuôn mặt đẹp và hiền của một thư sinh thời cổ” (trang 392) đã cho bà những kỷ niệm như sau:
Huống chi ngoài duyên văn tự, hãy còn những dấu vết nhạn hồng, những bức thư trắng tinh sạch sẽ thường viết bằng nuớc son tươi với nét nhỏ, mau, mà rơi như tơ rối đó hãy còn mới như những cánh hoa đào rơi trên mặt suối.
Mỗi khi viết đến chữ Mộng Tuyết và tên người nhận lãnh trên phong bì, anh cố bắt chước theo chữ ký của Mộng Tuyết vẽ cảnh trăng non trên chữ Tuyết và dưới chữ Mộng vẽ một ngôi sao.
Anh đã báo tin cho Mộng Tuyết:
“Tôi đã đưa đi khắc cái chữ Mộng Tuyết có mặt ông trăng và một ngôi sao kỳ dị ấy, số tiền thuê là năm xu rưỡi, chị làm thế nào hoàn lại cho?”.
Và anh đòi nợ Mộng Tuyết:
“Có một diệu kế nhất là một ngày nào đó, đáng lẽ chị không định viết thư nhưng cũng đem viết, thế là trả xong món nợ đó”. (Thư ngày 3-9-1941).
(“Tơ Duyên Dương Liễu”, trang 399)
Vào thời buổi này, đọc những sách viết danh nhân trong các lãnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, ai cũng tìm những đoạn gay cấn, éo le, khúc mắc... Đó cũng là những đoạn được tô điểm bằng thù nghịch, đòn phép, lọc lừa, súng đạn, ác mộng, tinh khí, để hâm sôi máu găng-tơ chảy trong huyết quản, để khích dục khiêu dâm, để đánh thức con ác quỷ lặn sâu cuối đáy thẳm của nội giới con người. Nhưng đọc những cuộc giao du trong văn giới dưới ngòi bút của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, chúng ta chỉ thấy cuộc sống của họ như mặt hồ im sóng trải gương, chỉ thấy tâm tư họ nở hoa nhân ái, chỉ thấy giao tình giữa họ với nhau đẹp bảy sắc cầu vồng. Chúng ta có cảm tưởng mọi vận sự dẫu nhám nhúa và gai góc đến đâu trước khi được đưa vào văn chương, cũng được bà gọt cho trơn láng và đánh quang dầu cho bóng loáng như nền men và như mặt gương. Những bài viết như thế thiếu kích thích, nhưng bù lại chúng làm cho mỹ cảm người đọc thấm nhuần thêm cái chất tinh hoa thuần khiết của văn chương cổ điển.
Việc tặng quà cho nhau trở nên thi vị tuyệt vời. Đâu cần các món trang sức hay các món ngoạn hảo làm bằng kim ngân châu báu đắc tiền, mà chỉ là những món vừa với túi tiền của các hạng trung lưu. Những món đó, qua góc cạnh nhìn ngắm đặc thù cùng tâm tình tha thiết của bà Mộng Tuyết cũng trở nên những món hiếm quý, không phải ở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta mà ở trong cái thế giới văn chương gấm vóc của bà.
Đây là món quà tặng của Nguyễn Tuân vào thời tiền chiến:
Tết Trung Thu năm ấy, tôi nhận được một gói quà vuông vức bọc giấy dày cẩn thận. Mở ra thì là cái hộp gỗ đặt đóng riêng, trong có một hộp giấy đựng bốn cái bánh trung thu của hiệu cao lâu Đông Hưng Viên, có tiếng nhất Hà Nội lúc đó. Hộp bánh gởi bưu điện bằng xe lửa tốc hành vào Sài Gòn, rồi theo đường bộ về Hà Tiên mất mấy ngày đường nữa.
Tuy vậy bánh vẫn thơm ngon, kèm theo hộp bánh một số báo Trung thu của Hà Nội Tân Văn có bài của anh. Cái hộp gỗ đẹp như hộp may của các cô nữ sinh. Bánh thập cẩm lâu ngày, tôi đem nướng lại. Cái lối bánh “biscuit” này làm bánh tăng thêm hương vị.
Bánh ngon là một chuyện mà nhớ đến công phu người gởi. Cái bàn tay chuyên để đóng triện son, để mở khóa va-li giang hồ ấy, lại làm được cái việc phong gói tẩn mẩn kia thực cũng lạ lùng. Tôi tự nghĩ hoài không hiểu tại sao mà ngày đó chúng tôi được anh “cưng” đến thế?
(“Mưa Dầm Tháng Bảy”, các trang 415, 416)
Hồi tiền chiến, quà tặng đôi bên qua lại như con thoi dệt lụa. Sau này, khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay Miền Bắc thì cuộc tặng quà lại nối tiếp. Hãy cùng đọc:
... Có người vào anh gởi tấm thiếp “Xin gởi cho Bưởi Ổi”. Nhưng loại bưởi này thì phải rằm tháng chạp trở lên mới có. Người ta phải để cho vừa đỏ chín mới hái thì nó mới có đủ mùi thơm. Múi từng tép trong mọng, vỏ bưởi vàng tươi và có mùi thơm ngọt của rượu Cointreaux. Mới nhận được bưởi lần đầu anh thích cái dáng xinh xắn và để vài trái là nghe ngát hương khắp phòng. Thấy anh thích, năm nào tôi cũng mua sẵn để làm quà Tết. Có một năm Hoài Vũ bảo tôi mua, nếu có ai ra Hà Nội mà gởi được sẽ đem về gởi hộ. Năm đó không gởi cho ai được mà tôi lấy làm mừng, vì đã mua lầm thứ bưởi lai không thuần giống.
Một bận anh Huy Cận ghé vào dịp Tết, mừng quá, tôi xin gởi. Anh Cận nghe gởi buởi thì bảo một trái mà thôi, mà có thể tôi sẽ lột vỏ mà chỉ đem ruột về thôi. Tôi gởi anh Tuân một và anh Xuân Diệu một, và xin đừng bỏ vỏ vì vỏ là phần chánh. Khi ăn bưởi rồi, treo vỏ ở đâu đó, nó còn phảng phất mùi hương. Anh Huy Cận lại bảo: “Nếu thế thì tôi bỏ lại ruột mà chỉ mang vỏ ra cũng được chứ!”.
(“Mưa Dầm Tháng Bảy”, các trang 423, 424)
Qua các món quà xoàng xĩnh này, chúng ta còn biết thêm thú thanh thưởng tao nhã của các nghệ sĩ tiền phong lão thành qua những cái tầm thường, vặt vãnh, tủn mủn. Nhưng mà nhờ cặp mắt nghệ sĩ, nhờ niềm cảm nhận uu việt, họ đã tìm gặp chất thơ chất mộng của món quà, ngoài tình bằng hữu thắm đượm thiết tha.
Đối với Nguyễn Bính, tác giả đem tấm lòng âu yếm, thương yêu và đùm bọc cho ông Nguyễn, như người chị hiền đối với chú em nhỏ. Khi ông Nguyễn vào Hà Tiên ở chơi nhà ông Đông Hồ thì nhà thơ đất Hà Tiên kia bảo bà Mộng Tuyết may bộ áo bằng lụa Hà Đông cho ông Nguyễn mặc, nhường căn gác xép (Nam Phong Tiểu Các) cho ông Nguyễn cư ngụ dài hạn. Xin cùng đọc hai đoạn văn trong bài “Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên”:
Bính thường quấn quít bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Quãng này, tôi còn đang tang cha, luôn luôn mặc chiếc áo dài ai trắng, thứ vải thô xấu, may dối dối theo tang phục. Bính thường ngắm tôi và nói: “Người con gái Việt Nam, mặc áo tang sô gai có một vẻ đẹp não nùng, khả ái như một bài thơ buồn”. Có những lúc tôi bận suy nghĩ một điều gì, Bính nói chuyện, tôi lơ đảng, không trả lời, thì Bính gắt gỏng: “Trông chị nghiêm như một bà Hoàng, ghét quá!”.
Cứ buổi sáng ăn xong ở nhà riêng của anh Đông Hồ ở cạnh Hồ Đông, thì Bính ra tiệm với tôi. Tôi ra chợ trước tiệm, mua thêm bánh ngọt cho Bính uống trà. Bính thích hơn hết là thứ bánh qui. Bính nói: “Bánh chi mà đẹp như chiếc ấn son”.
Bính ra cửa hàng. Để trông cửa hàng cho chị. Để xem chị may áo. Để đi gửi thư cho chị.
Mỗi khi tôi viết thư xong, thế nào Bính cũng dành đi bỏ thùng cho đươc. Bính học thuộc các địa chỉ trên phong bì. Có bận nhìn địa chỉ một người, Bính làm vẻ hờn dỗi: “Sao mà chị viết nhiều cho người này lắm thế, làm cho Bính phát ghen”.
Bính thường hay kể chuyện giang hồ, kể chuyện gia đình. Kể chuyện “Chị Trúc”, người chị tinh thần đã an ủi Bính trong những khi Bính chán nản. Bính hứa xem tôi như một người chị tinh thần thứ hai của Bính. (trang 405)
Mỗi đêm, dưới ánh hồng lạp, Bính viết bốn năm trang thơ lục bát. Thời kỳ bấy giờ không dầu lửa. Ở tỉnh nhỏ, ai cũng đốt bằng dầu dừa, dầu cá. Duy với Bính thì anh Đông Hồ phải dành trên Nam Phong Tiểu Các cho Bính những ngọn hồng lạp để đêm hôm Bính làm thơ. Mỗi sáng ra, Bính đem đọc cho chúng tôi nghe, bàn lại, cùng thưởng thức.
Giữa lúc đó, vào tiết Đoan Ngọ, theo tục lệ ở Hà Tiên, tôi nấu nước lá thạch xương bồ để tắm gội. Bính thích ba chữ “thạch xương bồ”, và lấy ba chữ đó đặt tên cho tác phẩm đang khởi thảo của mình.
Trong lúc sáng tác, Bính thường bảo viết truyện thơ, tả cảnh tả tình không khó. Tự sự mới thiệt khó khăn. Bính nói: “Mình có làm rồi mới biết văn tự bằng lục bát của Nguyễn Du quả là tài tình. Người sau đố mà theo cho kịp”.
Bính sáng tác truyện “Thạch Xương Bồ” được gần hai ba trăm trang. Tới lúc rời đi, thì chuyện mới chỉ xong được một phần. Nếu Bính còn nằm ở Hà Tiên ít lâu nữa thì chắc chắn đã hoàn tất được một quyển truyện diễn ca khá độc đáo. Bởi chúng tôi thấy khi đó Nguyễn Bính viết rất hào hứng, rất dồi dào. Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi.
Anh Đông Hồ và tôi tiếc vì tác phẩm chưa hoàn thành mà Bính bỏ đi, bỏ dở dang thi uổng. Chúng tôi cố lưu Bính ở lại thêm một thời gian nữa mà Bính nhất quyết ra đi. Bịnh giang hồ đã nổi dậy lên trong lòng người nghệ sĩ.
(các trang 407, 408)
Văn chương bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội uyển chuyển, bay bướm, tuy hơi lập dị đôi chút, nhưng thuần túy hiền lành, chứ không giả vờ ngoan ngùy, chứ không giả bộ đôn hậu. Tình bằng hữu của bà đối với các văn nhân thi sĩ đương thời cùng bà sao mà ngọt ngào, âu yếm và sâu sắc. Bà viết văn bằng một tấm lòng trước nhất, sau đó mới trang điểm thêm hoa hòe hoa sói. Do đó mà nhiều độc giả cho rằng đó là những màu mè che đậy cái dối trá, cái hư ngụy. Thật sự, ở ngoài cuộc đời bà hiền lành hay hỗn dữ ra sao, chân thật hay dối láo cách nào, chúng ta vẫn phải tin rằng ở một nhà nghệ sĩ nói chung, ở một nhà văn nói riêng, luôn có hai con người đối nghịch: một con người trí trá giả dối và một con người chân thật thành khẩn. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo môi trường sinh hoạt mà một trong hai loại người đó hiển lộ. Nhưng trong văn chương, nhà nghệ sĩ vào thời đại xa xưa có thể không cho con người xấu của mình xuất hiện, dù trong căn tính của họ, cái xấu đó bành trướng và lấn át con người tốt của họ đi. Họ hèn nhát che đậy cái nhược điểm của mình, có phải thế không? Không đâu. Khi trang trải con nguời tốt của mình lên văn chương, nhà nghệ sĩ trong giây phút sáng tác, sống hoàn toàn bằng con người đó. Họ thành tâm muốn phơi bày cho người đọc cái hoài bão, cái ngưỡng vọng của mình đối với cái Thiện để cho Chân Thiện Mỹ cùng soi gương gặp bóng lẫn nhau, nâng cao giá trị của văn chương nghệ thuật thêm lên. Họ muốn hướng thiện, cái Thiện mà họ ít khi có dịp để họ đem ra xử dụng với thế nhân trong cuộc sống thường nhật, nhưng không bao giờ họ hoàn toàn quên nó.
Về thơ, ngay từ thời tiền chiến, bà Mộng Tuyết đã biết xử dụng ngôn ngữ dù đơn giản nhưng rất thơ, rất đượm đà tính chất sáng tạo. Tuy nhiên, bà dùng một vài hình ảnh, một vài điển tích và cái khí hậu thơ Đường Tống trong văn chương Trung Hoa. Cho nên đôi khi nó đứng ngỡ ngàng bên lề cảm nhận của độc giả và xa cách niềm xúc động của họ một khoảng khá xa. Chẳng hạn bài “Đợi Gió” bà dùng để trang tặng nữ sĩ Anh Thơ:
Gởi Anh Thơ
Mấy vần thơ đợi gió,
Lòng xuân thắm đỏ,
Lòng thuyền nho nhỏ,
Đợi nước triều lên...
Triều đã lên rồi trăng cũng lên;
Trăng lên rồi đó. Gió chưa lên.
Mặt nước hồ nằm say giấc mơ,
Lòng gương không vướng gợn mây mờ,
Khói chiều đứng thẳng trên quan tái,
Hương tỏa hồn hoa ướp cỏ bờ.
Cánh gấm buồm ai buông trắng tinh,
Phơi nền trinh bạch giữa trời xanh,
Cắm sào bến cũ buồn lơ lửng,
Chở mộng muôn phương, mộng viễn trình.
Trời Bắc bên kia đương ngóng trông,
Sông Thương, sông Nhuệ mở đôi lòng.
Xuôi chèo Nhâm Tuất theo trăng lạnh,
Mở yến Đào Viên chuốc chén nồng.
Gió gác Đằng Vương chẳng thổi đưa,
Cho thuyền đợi gió đến bao giờ,
Cho buồm Vương Bột trong giây phút,
Nghìn dậm bay sang bến đợi chờ.
Khi xuân thắm đượm khắp nơi nơi,
Vạn vật đem xuân trả lại đời,
Mà chẳng trả cho thuyền tí gió,
Để thuyền thương nhớ những phương trời.
Đây là loại thơ tân cổ điển (néo-classique) mà đồng thời hoặc sau bà Mộng Tuyết vài năm, có các nhà thơ như Đông Hồ, Jean Leiba và Ngân Giang hà hơi tiếp sức để khơi lên một cơn gió giao mùa xôn xao làm cho khu vuờn thi ca nước nhà nở những bông hoa đài các trong hoa phổ nước nhà. Sau khi đất nước bị phân đôi bởi con sông Bến Hải, ở Miền Nam Việt Nam có Hư Chu, Bùi Khánh Đản cùng các nữ sĩ của Thi Đoàn Quỳnh Dao nối hơi chạy tiếp sức với vợ chồng bà để trận gió kia đưa lại những hình xa bóng lạ từ trong tranh, trong những quyển cảo thơm của thi ca nước Tàu. Xin đọc bài “Nguyên Tiêu Tương Tư”. Bài này không có mặt trong quyển tùy bút “Dưới Mái Trăng Non”.
Gương ngọc thiên kim giá đổi vừa,
Khuôn duyên tròn một quả đèn dưa
Ngồi đây mà nhớ trang phương đó,
Đọc trắng đêm rằm chuyện Ái Cơ.
Nhưng ngẫm lại, khung cảnh và khí hậu trong truyện dài bằng thơ “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du hay truờng ca “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn qua nghệ thuật phiên dịch của Đoàn thị Điểm, trường ca “Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, trường ca “Ai Tự Vãn” của Ngọc Hân công chúa, tất cả có tính chất Việt Nam chút nào đâu? Đọc những áng thi ca kia, chúng ta như lạc vào khung cảnh xa xưa của thời quân chủ nước Tàu.
Còn thơ của nhóm thân hữu vợ chồng ông Đông Hồ như Bùi Khánh Đản, Hư Chu, Cao Tiêu, Đan Quế, Thanh Vân, Phương Hồ và các nữ sĩ trong Thi Đoàn Quỳnh Dao thì sao? Có điều rõ rệt nhất là quý bà Quỳ Hương, Uyển Hương, Thu Nga, Vân Nương, Như Hiên, Đinh Việt Liên, Phượng Tần... đôi khi có thêm Mộng Tuyết và Tuệ Nga trong thi đoàn này khi làm thơ thất ngôn bát cú thì như chỉ có một người làm ra: ngôn từ, ngữ pháp, khí hậu, ý tưởng trong thơ của họ y chang như nhau. Thơ của các bà lẫn thơ các ông này là loại thơ được chăm sóc từng câu, lau chùi và giồi mài từng chữ, thêu thùa những bông hoa ngữ pháp diêm dúa để trở thành toàn bích về hình thức. Nhưng có nhiều trường hợp, họ gặp hiệu quả trái ngược: cái gì khéo qua chẳng những không có cái duyên đậm đà mà lại còn thiếu truyền cảm, thiếu tâm huyết và linh hồn. Hàm răng giả đều đặn và bóng lộn hơn hàm răng thật, nhưng khi gắn vào miệng thiếu răng của một trung niên mỹ phụ nào đó, nó làm cho nụ cười của đương sự nhăn nhở và không được thuận nhãn. Thơ tân cổ điển của những nhà thơ mà tôi vừa kể chẳng những lạc loài giữa thi ca lãng mạn, thơ hiện thực, thơ trừu tượng, thơ siêu thực bên kia chân trời Âu Châu tuần tự nhập cảng qua Việt Nam mà còn bị thơ thấm nhuần tinh túy Việt Nam lấn át nữa.
Trước khi làm thơ tân cổ điển trên đất nước tự do của Miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Genève, bà Mộng Tuyết làm thơ lãng mạn vì vào thập niên 30 của thế kỷ 20, đó là cao trào loại thơ này:
Một nàng tiên nữ đẹp như em,
Là một bài thơ, một quả tim,
Là áng hồng non, làn gió lướt,
Là hoa xuân thắm, bóng trăng đêm.
Thi sĩ, em ơi, đó lại là
Người đi theo dõi bóng tiên nga,
Ước mơ, yêu thích và ca ngợi,
Những cái mà em đã có thừa.
(“Em Trả Thù”, trang 179)
Trước khi cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ, cảm thấy giữa cơn biến chuyển của lịch sử mà mình không đáp lời sông núi thì... chậm tiến quá. Cho nên bà Mộng Tuyết làm thơ hiện thực qua “Muời Khúc Đoạn Trường” dễ làm rung động cho những ai có lòng xót xa với trận đói ngoài Bắc Việt vào năm Ất Dậu (1945). Xin đọc hai đoạn đầu của bài thứ 6 “Hấp Hối Đợi Chờ”.
Tai mới nghe kia lòng thổn thức,
Xác người xe nhặt buổi ban mai,
Còn bao nhiêu nữa đang quằn quại,
Hấp hối chờ cơm hơi mỏn hơi?
Gốc rạ, cọng rơm vơ mót sạch,
Giây khoai, củ chuối: món cao lương,
Vỏ cây, giây lá không còn nữa,
Đất trụi, đồng trơ nuốt thảm thương.
(trang 340)
Thơ hiện thực ở trên đây thấm nhuần chất sống thực. Cái màu mè riêu cua vắng bóng. Tuy nhiên cái sống thực ở đây không có chất sáng tạo nên nó thổi bay tan tác chất thơ trong ngôn ngữ dành riêng cho thi ca. Tuy nhiên bài thơ có dáng dấp mới hơn thơ tân cổ điển, nhưng đứng bên thơ tân cổ điển, nó chỉ là cô thôn nữ quần bô áo vải đứng bên cô đào hát ăn mặc cổ trang để đóng tuồng Tàu. Cho nên bà xoay qua thơ chiến đấu. Đó là một loại thơ hiện thực có nhiều ngữ pháp và ngôn từ bừng bừng tráng khí làm hơi thơ lẫn vóc dáng thơ mới mẻ hơn:
Kết chặt hàng đi dưới bóng cờ,
Trời Nam giành lại nước non xưa,
Tưng bừng vận mới hồn trai trẻ,
Một khối nghìn thu vững cõi bờ.
Lửa đỏ ấm vui lòng cố quốc,
Nắng vàng hanh rạng cảnh biên thùy,
Gió lộng xôn xao lá quốc kỳ.
(“Dưới Cờ”, trang 304)
Loại thơ này trong thời kỳ Nam Bộ Kháng Chiến có Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Trúc Khanh, Ái Lan... tiếp hơi. Sau đó, vào hai chính thể Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, có Hoàng Phong Linh hoặc Phạm Lê Phan (qua thi tập “Chiến Ca”) nối gót. Ra hải ngoại đã có Bắc Phong, Vũ Kiện, Lê Khắc Anh Hào và nữ sĩ Ngô Minh Hằng cố gìn giữ tàn hơi loại thơ này, không để cho vang bóng bạc nhược của nó tắt lịm.
Truớc năm1975, Uyên Thao đã gạt phắt Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ra khỏi “Những Nhà Văn Nữ Việt Nam”; có lẽ vì ông Thao không chịu được cái cổ kính, cái trang đài trong các bài tùy bút của bà. Ra hải ngoại, nhà văn Võ Phiến bỏ rơi bà khi hoàn thành bộ “Văn Học Miền Nam”. Có lẽ, ông Võ không thích cái vẻ mệnh phụ kiểu cách trong văn chương của bà chăng? Cách đãi lọc của hai ông danh sĩ này kỹ quá nên đẩy văn chương bà lùi sâu vào bóng tối đặc sệt dưới đáy vực thời gian mà quên cái công trình trước tác rất tận tụy của bà gần ba phần tư thế kỷ.
Chúng ta cũng đừng quên bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội là phụ nữ đầu tiên viết văn xuôi có nghệ thuật đã xuất hiện trên văn đàn nữ giới rất quạnh quẽ đìu hiu vào thập niên 30 của thế kỷ 20 vừa qua. Song song bà, có hai bà Tú Hoa và Đoàn Tâm Đan, nhưng bà Đoàn Tâm Đan không đủ tài năng và nghị lực để xuất hiện lâu trên văn đàn, còn bà Tú Hoa dù có quyển tiểu thuyết “Bóng Mơ” đoạt giải Tự Lực Văn Đoàn đi nữa, nhưng về sau lại bà Tú Hoa xoay qua viết tiểu thuyết diễm tình, mở đường cho hai bà Lan Phương và Tùng Long làm mưa làm gió trong giới độc giả bình dân ở Miền Nam Việt Nam. Sau bà Mộng Tuyết ít lâu, có Thụy An và Mộng Sơn, rồi kế đó là Nguyễn thị Vinh và Linh Bảo. Công khai phá của bà đâu phải nhỏ!
Bài giới thiệu này không nhằm mục đích đòi các nhà biên khảo và các nhà phê bình trả lại công bình cho bà nữ sĩ của đất Hà Tiên với hồ thơ núi mộng kia. Nhưng bút giả hy vọng nó sẽ rọi sáng đâu đó cái tài viết dã sử tiểu thuyết của bà (qua quyển “Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp”) không thua tài sáng tác Nguyễn Triệu Luật (qua quyển “Bà Chúa Chè”). Còn về nghệ thuật viết tùy bút, bà đứng bên cạnh Nguyễn Tuân và Xuân Diệu tuy có thua kém vài phân, nhưng như trường hợp hoa mai đứng trên tuyết, trên băng. Sắc hoa không thể đọ sắc trắng trong của băng, của tuyết, nhưng hoa vẫn còn một chút hương đượm phảng phất mơ hồ.
Văn chương trải qua nhiều trào lưu, nhiều trường phái. Bà Mộng Tuyết xuất thân từ lò Nam Phong Tạp Chí nên bút pháp bà vẫn vướng vít vài nét cổ kính, câu văn bà đôi lúc không tránh khỏi thói biền ngẫu réo rắt nhàm tai. Cho nên văn thơ của bà có thể đã không còn ai hưởng ứng, chiêm ngưỡng nữa. Không một nhà văn nữ nào chịu nối gót theo bà. Nhưng đọc văn chương của bà, chúng ta hãy tự đặt mình vào thuở tiền chiến, vào thời kỳ mà Hoàng Ngọc Phách viết cuốn “Tố Tâm”, vào thời kỳ Nhất Linh viết quyển “Nho Phong”, và vào thời kỳ mà độc giả mê say hai quyển “Tuyết Hồng Lệ Sử” và “Ngọc Lê Hồn” của Từ Trẩm Á (Trung Hoa) được dịch ra Việt ngữ. Đó là thời kỳ văn chương nước nhà chưa có văn phạm (grammaire) dựa trên văn phạm Tây phương để chỉnh đốn câu văn sao cho trong trẻo, sáng sủa, đơn giản, đôn hậu. Cho nên bút pháp của văn nghệ sĩ tiền phong trong đó có bà Mộng Tuyết không đạt đuợc gọn gàng truyền cảm nên không đi sâu vào khiếu thưởng ngoạn và tâm hồn người đọc. Bù lại, văn chương của bà phong phú hình ảnh và nườm nượp cái thú tiêu khiển phong lưu tao nhã của cổ nhân.
Và hãy dùng niềm cảm thông chia sẻ để mở những cánh cửa đã từng đóng chặt tâm hồn và thú thưởng ngoạn của chúng ta. Có được như thế, phong vị dịu dàng của văn chương bà Mộng Tuyết tràn vào nội giới chúng ta như ánh nắng tươi non hoặc ánh trăng sáng mát tràn vào căn buồng u tối.