Chương 1

     eng … reng …
Tiếng chuông kêu cửa khiến Hương giật mình. Nàng bỏ dở cuốn sách đang đọc, chạy ra mở cửa. Một chàng trai lạ mặt trong bộ quân phục Sĩ Quan Hải Quân đang đứng chờ ngoài khung cửa. Chàng nghiêng mình, lễ phép:
- Xin lỗi cô, cô làm ơn cho tôi hỏi thăm đây có phải nhà cô … Nguyễn Thị Thu Hương không ạ?
Chàng trai ngập ngừng và nhìn xuống một  bọc giấy nhỏ nơi tay khi đọc tên Thu Hương.
- Dạ thưa phải ạ. Ông cần gặp cô Hương có chuyện gì thưa ông?
- Tôi có nhiệm vụ trao lại gói giấy này cho cô Hương. Cô có thể cho tôi gặp cô Hương không ạ?
Hương ngạc nhiên nhưng cũng đáp:
- Dạ chính tôi là Hương. Mời ông vào nhà chơi.
Vào phòng khách, sau khi an tọa, chàng trai tự giới thiệu:
- Thưa cô, tôi là Hải, Vũ Hồ Hải, em của Vũ Thanh Giang. Tôi vừa ở Hoàng Sa về, vội tìm đến đây ngay để làm tròn nhiệm vụ với anh tôi.
Ánh mắt chàng trai bỗng long lanh ngấn lệ. Chàng ta nói, giọng đứt quãng:
- Trước khi … qua đời, anh tôi có nhắn tôi tìm gặp cô … và trao tận tay cô cuốn nhật ký này. Anh tôi chỉ kịp …. trối trăn như vậy rồi … trút hơi thở cuối cùng đền nợ nước.
“Giang, Giang nào nhỉ?” Tâm trí Hương quay cuồng trong cẩu hỏi đó. Nhưng theo phép lịch sự Hương cố dấu vẻ ngạc nhiên và nhận lấy cuốn nhật ký.
- Cám ơn ông nhiều lắm. Tôi thành thực chia buồn cùng ông … À, để tôi pha nước ông dung nhé. Trời nóng, chắc ông đi xa cũng mệt.
Chàng trai vội đứng dậy, kiếu từ:
- Dạ thôi, xin phép cô. Tôi có vài chuyện cần phải đi ngay bây giờ. Kính chào cô.
Hương mỉm cười chào lại và tiễn chàng trai ra cổng.
Trở vào nhà, Hương chau mày suy nghĩ, Vũ Thanh Giang … Vũ Thanh Giang … cái tên quen quen. Và chàng quân nhân lúc nãy phảng phất giống một khuôn mặt nào trong dĩ vãng. Nghĩ mãi Hương vẫn không tìm ra manh mối, nàng thở dài, mở gói giấy mong cuốn nhật ký soi sáng về chàng trai vắn số mang tên lãng mạn Thanh Giang: « Dòng Sông Xanh »
Văn Khoa, ngày.., tháng …, năm 1967.
« Ngày đầu bước chân vào ngưỡng cửa Văn Khoa, tâm hồn mình lâng lâng thanh thoát. Con người mình đa sầu đa cảm, thật hợp với khung cảnh ngôi trường này. Những cành me xanh tươi đưa đẩy theo làn gió mát phía sân sau, gần căn nhà tôle của Ban Khoa Học Nhân Văn, như mời mọc, như chào đón mình. Căn nhà tôle lụp xụp, nhưng cũng nên thơ lạ, khiến mình cảm thấy lạc vào một thế giời riêng biệt - Thế giời của tư tưởng, của Lão Trang.
« Mảnh vườn phía sau trường dẫn sang sân Volley bên Nông Lâm Súc là nơi mình ưa thích nhất. Những ngày mưa thì đặc biệt và thú vị ghê. Con đường dẫn ra cổng lầy lội như một giòng sông nhỏ, khiến các cô các cậu sinh viên Văn Khoa lội bì ba bì bõm, trông hay hay.
*  *  *
Nhưng đến sáng hôm sau, khi nước « lụt » đã rút bớt, chỉ còn lại những hồ nước nho nhỏ mới là lúc mình «mê »  nhất. Những hồ nước tí hon, trong vắt, phẳng lặng ấy phản chiếu cả một khung trời xanh ngát, điểm vài đám mây lờ lững, thong thả chu du, cùng những tàng lá me xanh mát rượi. Tinh túy của thiên nhiên được thu gọn trong phạm vi một hồ nước nhỏ, chưa bằng cỡ một chiếc xe  Renault 4. Mình thường đứng trên lan can lầu ba, trầm ngâm ngắm cảnh vật in bóng dưới nước hằng giờ. Ôi, ở giữa thành đô hoa lệ này, có một cảnh thiên nhiên hoang dại thu nhỏ lại để ngắm thật là hiếm. Thỉnh thoảng vài chú vịt nhà ông gác cửa phía sân trước chạy sang lội bì bõm, ngoe nguẩy chiếc đuôi cong cong thật dễ thương. Vài chú gà con đi tìm mồi cũng lạc sang bờ suối nhỏ này uống nước. Hình ảnh những chú gà xinh xắn tròn trĩnh như những cuộn len màu vàng in bóng dưới nước cũng lôi cuốn mình không ít.
Dọc tuốt cuối hành lang, một cây mít sai quả đứng che bóng mát cho các sinh viên ngồi học bài hay đọc sách những buổi trưa nắng. Lá mính xanh đậm, mát mắt. Nhưng mình không thích màu xanh đậm của lá mít bằng màu xanh của những lá me non. Lá mít có vẻ già dặn chín chắn. Còn lá me  non màu thật ngây thơ hồn nhiên.
« Mấy hôm nay, khi đứng trên lan can ngắm những hồ nước nhỏ « của mình » - Mình tự nhiên coi những hồ nước ấy là của mình, vì có lẽ chỉ có mình mới ưa thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên soi bóng trong đó – mình bất chợt thấy một cô bé cắt tóc ngắn, vẻ mặt còn ngây thơ, trẻ con, cũng say mê ngắm  những hồ nước ấy. Bỗng dưng tim mình thắt lại. Mình cảm thấy buồn buồn vô cớ. Tại sao cô bé lại ngắm những hồ nước « của mình » nhỉ?
Thế là hết! Những hồ nước kia không còn trọn vẹn thuộc về mình mà còn thuộc về cả cô bé nữa, không chỉ để một mình mình ngắm, mà còn cho cô bé ngắm nữa.
« Hôm qua, khi cô bé đi ngang chỗ mình đứng, mình thấy ngờ ngợ. À, cô bé này chẳng ai xa lạ, vẫn sang giờ học Toán bên Jean Jacques Rouseau năm Terminale đây mà (tú tài toàn phần). Vì lớp Philo không có giáo viên Toán nên các nữ sinh Marie- Curie phải sang học Toán cùng nam sinh Jean Jacques Rouseau. Suốt năm, mình gặp cô bé này mỗi chiều thứ Sáu.
« Cô bé có vẻ là lạ, xa cách làm sao ấy, khiến mình chú ý. Giữa đám bạn bè ăn mặcthật thời trang, cô bé nổi bật lên trong trang phục thật cổ điển – Jupe xòe và áo blouse trắng. Jupe cô bé mặc dài quá đầu gối, trông lạc lõng trong đám mimn jupes của các bạn. Và cô bé có vẻ ưa màu thiên thanh và màu xanh nước biển. Sở thích này giống mình ghê, vì mình cũng ưa hai màu đó. « Tư tưởng lớn gặp nhau » mà!
Nhưng vào Văn Khoa, cô bé đã trút bỏ bộ áo đầm để khoác vào mình chiếc áo dài trang nhã, khiêm nhường. vẫn màu thiên thanh, thêm tà áo trắng ngây thơ như nữ sinh. Nhìn cô bé trong tà áo tetoron giản dị, không ai đoán được cô bé xuất thân từ một lycée Pháp. Cô bé xinh tươi, nhỏ nhắn như cánh hoa dại ngoài đồng, khiến mình có cảm tình ghê …
Hương ngừng đọc, má nàng ửng hồng vì lời phê bình thẳng thắn của Giang. Phải rồi, bây giờ Hương đã nhớ ra rằng Giang là anh chàng gầy gầy, có dáng thi sĩ, ưa đứng ngắm những hồ nước nhỏ bé dưới sân trường. Văn Khoa. Cả một cuốn phim dĩ vãng với những ngày hoa mộng, vô tư của thời sinh viên hiện về trong trí Hương …
- Hương ơi, lại phòng 201 đi, bữa nay cours đầu giáo sư Thọ đấy.
Lan vừa kéo tay Hương, vừa gọi ríu rít. Mới bước vào đời sống sinh viên, cả hai còn bỡ ngỡ vì thời khóa biểu năm Dự Bị. Các môn cho tất cả các Ban Dự Bị - nào là Anh, Pháp, Sử Địa, Việt, Hán, Triết, v…v… in chi chít sát nhau, xem rối cả mắt!
- Mau lên, Hương ơi, kẻo hết chỗ, phải ngồi cuối lớp thì nghe không được đâu.
Các sinh viên Dự Bị Anh Văn đông nhất trong các ban nên Lan và Hương sợ nhất cảnh phải ngồi cuối lớp, nhìn mặt giáo sư còn không thấy nữa, huống hồ là nghe được bài giảng. Có hôm thiếu ghế, cả hai phải chạy sang giảng đường khác, khệ nệ bưng ghế ngồi … ngoài hành lang! Các cậu sinh viên sao mà galants thế không biết nữa! Đã không lịch sự nhường ghế cho phái yếu, lại còn chen lấn, tranh dành chỗ với nữ sinh viên nữa chứ! Chỉ vài cậu muốn « lọt vào mắt xanh » giai nhân nào mới tỏ vẻ hào hoa phong nhã, đứng dậy nhường chỗ mời người đẹp an tọa, rồi sung sướng đón nhận một nụ cười cùng một lời cảm ơn.
Thấm thoát  hai giờ Văn Phạm của Giáo sư Thọ đã trôi qua. Các sinh viên ra về, trừ vài anh chị hiếu học lên vây quanh bàn Giáo sư, hỏi rõ chi tiết về cách học và thành quả cần phải đạt được cho cuối năm. Lan và Hương cũng lên đứng nghe các bạn hỏi và nêu thắc mắc yêu cầu Giáo sư giải đáp. Đang chăm chú nghe Giáo sư, Hương bỗng cảm thấy một ánh mắt là lạ hướng về phía mình. Nàng ngửng lên thì bắt gặp một chàng trai đang chăm chú nhìn mình. Bản tính Hương vô tư nên nàng thản nhiên, tiếp tục đứng nghe lời giảng giải của Giáo sư.
Nhưng tia nhìn kia không rời khuôn mặt nàng, vẫn thiết tha quyến luyến lạ thường, Hương biết vậy. Nàng bối rối vô cùng. Tính Hương nhút nhác nên qua suốt tám năm trung học nàng vẫn chưa hề kết bạn với một người khác phái. Trong những năm sau này, trường nàng có một số nam sinh vào học những lớp lớn, nhưng Hương không để ý đến họ và cũng chả thiết quen họ. Các bạn nàng phê bình anh này có vẻ thi sĩ như Lamartine, chỉ trích anh kia mặt này chất phác giống nông dân, có khi còn chế riễu các cậu ăn mặc lập dị hoặc quá chải chuốt. Họ kết bạn, cười đùa, rủ nhau đi bơi lội, chơi tenis, vũ cầu, v..v.. Nhưng Hương vẫn khép mình trong chiếc tháp ngà của nàng. Tính nàng thích cô đơn, thích nơi thanh tịnh nên nàng tránh các đám đông. Bạn bè ai cũng chế riễu, mệnh danh Hương là « cổ lỗ sĩ », nhưng nàng mặc kệ họ. Chỉ cần cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thông cảm với àng là đủ:
‘‘Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao ’’.
Hương chuyên tâm vào việc học cho ba mẹ vui lòng. Ba nàng là công chức, cả đời tận tụy với công việc, hy sinh cho các con ăn học. ba tổ chức đời sống cho chị em nàng thật hoàn toàn, luyện cho các con phát triển cả thể xác lẫn tinh thần. Thấy các con chăm chỉ học hành suốt năm, gần đến hè Ba lại thúc giục mấy chị em Hương đi chơi thể thao như boi lội,  vũ cầu, ping pong … Ba muốn chị em nàng được « một linh hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện » không chỉ quá hoạt động tinh thần mà xao lãng thể xác.
Thấy ba tận tâm dạy dỗ các con, Hương cảm thấy nàng có bổn phận phải học  chăm, học giỏi để đền đáp công ơn của cha mẹ. Vì vậy, nàng gạt bỏ những thú vui phù du của tuổi trẻ như đi bát phố, ciné, dạ tiệc ; nàng chỉ chuyên cần dùi mài « kinh sử ». Kết quả thật mỹ mã, mang lại cho nàng nhiều phần thưởng tinh thần và vật chất. Một số phần thưởng xuất sắc đã về tay nàng trong những năm trung học.
Nhưng bước vào ngưỡng cửa đại học, Hương mất lòng tự tin ở khả năng mình. Một chân trời mới bao la rộng mở trước cặp mắt bỡ ngỡ của nàng. « Đại học khác hẳn trung học, làm sao mình có thể đạt được kết quả mong muốn? » Nàng bâng khuân tự hỏi « Trong số 40, 50 học sinh trung học mình mới mong nhất nhì. Nay giữa hàng ngàn sinh viên dự bị, lại chuyển sang học Anh văn, làm sao mình đọ nổi với những sinh viên đã đi Hoa Kỳ trong chương trình AFS (American Field Service) sau năm đệ nhị nhỉ? » Hương lạc lõng trong đám sinh viên đông đảo ồn ào, hoang mang không biết phải học ra sao nữa. Ban Anh văn quá đông, phải chia nhóm học nhiều giáo sư khác nhau, làm sao đạt được sự thống nhất khi chấm bài thi nhỉ?
Học được vài tháng, Hương quen dần với không khí đại học - Một không khí lạnh nhạt và cạnh tranh. Ngoài trừ một bạn thân của nàng, các sinh viên khác đều có vẻ tranh đua nên mất hẳn những mối thâm giao như thời trung học. Hương buồn man mác, dường như có một cái gì rạn nứt trong tim! Vốn tính đa cảm, nàng đau khổ khi nhận thấy sợi dây thân hữu trên bậc đại học có vẻ chùng xuống, hững hờ. Ôi! Sự thông cảm giữa con người và con người không còn nữa: « Một người là một ốc đảo cô đơn … » Đa số sinh viên chỉ nhìn bạn mình bằng cặp mắt nghi ngờ và luôn giữ thế thủ. Họ tự nhủ: « Biết đâu cô sinh viên này, cậu sinh viên nọ … lại chẳng là một địch thủ của mình? » Nhiều lúc gặp ánh mắt ganh tị của các bạn đồng lớp khi nàng thoăn thoắt ghi lời giảng. Hương chán nản, muốn thét lên rắng:« Các bạn ơi! Hương không phải là thù nghịch của các bạn đâu! Hương luôn mong muốn là một người bạn tốt, giúp đỡ các bạn trong việc học khi các bạn cần đến Hương. Sao chúng ta không thể cởi mở hơn với nhau, hởi các bạn? » Nhưng vốn nhúc nhát, nàng chỉ giữ những câu đó trên vành môi rồi lại ngập ngừng, thở dài, giữ yên lặng.
* * *
Đang chìm dần trong dĩ vãng, Hương bỗng giật mình. Tiếng em nàng nói léo xéo trong nhà, kéo nàng trở về thực tại. Nàng cúi xuống đọc tiếp …
Văn Khoa, ngày … tháng 10, 1967
« Hôm nay được nghỉ hai giờ, mình lại ngồi trên lan can lầu 3, ngắm những hồ nước nhỏ bé và thả hồn theo những đám mây lờ lững dưới đó. Ôi! những hồ nước thật cạn mà sao mình tưởng chừng như sâu vô đáy. Cả một bầu trời sâu thẳm in hình xuống những vũng nước tí hon, đôi khi khiến mình choáng váng. Làm trai mà mình lãng mạn quá! Phải chăng đó là ảnh hưởng của Jean Jacques Rousseau, Chateaubriand. Lamartine mà mình ưa thích hồi còn trung học?
« Cô bé tóc poupée Nhật vẫn hằng ngày đứng ngắm những hồ nước của mình. Cô bé luôn đứng ở một chỗ nhất định, ngang hông Giảng đường, 4 cặp mắt mơ màng, trầm ngâm thả hồn theo những áng mây lồng dưới bóng nước. Những lúc ấy, cô bé như xuất thần, như sống ở một nơi nào xa xăm lắm thì phải. Cô bé mang tâm hồn thi sĩ chăng? Hay cô bé trầm ngâm suy nghĩ chuyện đời: « Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Hay những hồ nước ấy gợi choc ô bé một kỷ niệm xa xăm sâu đậm? Bỗng nhiên mình chấp nhận cô bé vào thế giới hồ nước của mình, và không còn buồn bực khi phải chia xẻ những hồ nước ấy nữa. Và mình tò mò, muốn tìm hiểu thêm về cô bé này.
« Cơ hội đã đến sáng nay. Giáo sư Thọ không đến như mọi thứ sáu khác. Sinh viên ngồi chờ một tiếng đồng hồ, sau đó đa số bỏ về. Mình theo ban Pháp văn, nhưng cũng dự những lớp Anh văn, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa chính là vì mình có dịp gặp gỡ cô bé nhiều hơn và « nghiên cứu » về con người khó hiểu ấy. Cô bé là một người khác thường, gọi theo tiếng Pháp là một phénomène, nhưng cô bé không cố ý lôi cuốn sự chú ý của tha nhân bằng những thái độ chải chuốt, quá đáng, trái lại, cô bé có vẻ thâm trầm, sống về nội tâm, nên nổi bật giữa đám sinh viên dự bị ồn ào chải chuốt. Thời đại nguyên tử này, mà có một người học lycée Pháp ra, gia đình khá giả nhưng lại giản dị như vậy kể cũng lạ.
« Mình khám phá thêm chút ít về gia cảnh cô bé cũng nhờ giáo sư Thọ nghỉ sáng nay, và định mệnh run rủi cho chị Tâm quen mình ngồi sát bên cô bé. Chị ấy làm quen, hỏi thăm cô bé đủ điều rồi lân la mượn cours vì chị ấy phải đi làm, váng mặt ở trường luôn. Chị ấy nghe đồn cô bé ghi nhanh như … tốc ký nên vội nhờ ngay. Mình ngồi phía sau nghe rõ giọng cô bé nhỏ nhẹ trả lời. Giọng nói cô bé ríu rít, dễ thương lạ!
« Cô bé ở đường Trần Quý Cáp, gần công trường Chiến sĩ và là một sinh viên thuầntúy. Khu Trần Quý Cáp đó mình quen thuộc, vì gần trường J.J Rousseau, toàn villa, nên ít nhất gia đình cô bé cũng thuộc giới trung lưu. vậy sao cô bé trang phục quá giản dị vậy nhỉ? Như mình, nhà chỉ đủ ăn, mặc quần áo xuềnh xoàng không sao. Nhưng còn cô bé? Thường thường phái nữ có khuynh hướng chải chuốt kia mà! Chẳng bao giờ mình thấy cô bé trang điểm, chỉ vỏn vẹn thay đổi ba chiếc áo dài để đi học.
« Mình cố ý lại chào chị Tâm để được dịp quan sát cô bé kỹ hơn. Cô bé có làn da rám nắng, type người thể thao, khoẻ mạnh. Đặc biệt nhất là cặp mắt nai tơ thơ ngây và vô tư, trong sáng, chiếc cằm xẻ ngộ nghĩnh và đôi má lúm đồng tiền tròn xoay. Khuôn mặt cô bé tròn trịa càng tăng thêm vẻ trẻ con và khiến mình liên tưởng đến hai câu thơ tả Thúy Vân trong truyện Kiếu:
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang…
Hương bất giác mỉm cười. Chân dung nàng thật ngộ nghĩnh dưới cặp mắt Giang. Hình ảnh buổi học ấy hiện về rõ ràng trong tâm trí nàng. Đúng vậy, Giang có lại chuyện trò cùng chị Tâm một lát. Anh chàng này kể cũng ngầm thật, giả vờ gặp chị Tâm để dò xét mình đây!
Văn Khoa, ngày …, Tháng 10, 1967.
« Buổi học Anh văn nào mình cũng dự. Mình cảm thấy vui vui khi ngắm cô bé miệt mài ghi bài thoăn thoắt. Cô bé này chăm thật, không nghỉ buổi nào, lại còn đi học thêm cả nhóm khác nữa. Những giờ Giáo sư nghỉ bất ngờ, thay vì tán gẫu như các bạn, cô bé ngồi cặm cụi ghi lại notes đã ghi trong vở ra những tờ giấy rời để học cho tiện.
Mình vô lý thật. tại sao mình quá chú ý đến cô bé như vậy nhỉ?
Văn Khoa, ngày…., tháng 12, năm 1967
« Noël Văn Khoa tổ chức liên hoan từng ban. Cô bé không tham dự. Mình cũng chẳng thiết dự. Cô bé này ắt cho làm đệ tử của Lão Tử được đấy.
 “Hồi này bài học đã khá nhiều nên mình ít viết nhật ký. Mình dần dần đã phải bỏ dự những buổi học Anh văn chuyên biệt để nghiên cứu trau dồi thêm về môn Sử - Địa – Môn mình ưa thích nhất.
“Cô bé không chọn Sử - Địa mà chọn Triết. Mình đi nghe thử giờ Triết Đông của giáo sư Cần, thấy cô bé luôn ngồi bàn đầu, ánh mắt sang ngời thu nhận những lời giảng của Giáo sư, lâu lâu lại gật gù tán thưởng mỉm cười sung sướng trông hay hay. Gương mặt cô bé linh động lạ thường! Rồi cô bé cắm cúi ghi nhanh những lời giảng, nụ cười thoải mái còn vương trên môi. Mình thích ngắm cô bé những lúc ấy.
Cô bé thích Triết Đông hơn Triết Tây. Cô bé này có tinh thần Đông phương, thảo nào mà cô sống theo thuyết Lão Trang, giản dị vô cùng. Mình đọc “Une Conscience Révoltée” nói về đời Henry David Thoreau –tư tưởng gia Hoa Kỳ thế kỷ 19 - Thấy cô bé này cũng yêu thiên nhiên, lấy sự giản dị làm phương ngôn giống Thoreau quá. Không biết cô bé có đọc sách về Thoreau chăng?
“Ồ! Một sự trùng hợp lạ kỳ!” Hương buột miệng thốt. Nàng còn nhớ rõ, trong khoảng thời gian trước, Noël năm Dự bị, Văn khoa nghỉ khá nhiều, nên nàng ưa đem theo cuốn “Une Conscienne Révoltée” để đọc những khi giáo sư nghỉ. Và lúc đó nàng bắt đầu say mê tìm hiểu về Thoreau. Nàng đọc cuốn “Walden” của ông, ghi lòng tạc dạ ba chữ “giản dị, giản dị, giản dị” của ông như châm ngôn cuộc đời. Thoreau mong muốn nhân loại sống giản dị. Vô tình nàng đã noi theo lời khuyên ấy từ thửa thơ ấu. Thật là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Anh chàng Giang kể cũng có mắt tinh đời thật!
Văn Khoa, ngày … tháng 1, năm 1968
“Năm mới đã về. Hôm nay Tết Dương lịch, được nghỉ học nhưng mình vào Văn khoa kê ghế ra lan can ngồi học bài cho mát. Ở Văn Khoa có cái thú là mở cửa cả ngày nghỉ cho Sinh viên học sinh vào học bài hoặc sinh hoạt. Mình tránh đám học sinh tập hát ồn ào dưới sân nên lên tuốt lầu 3 cho yên tĩnh. Ngày đầu năm lần này thật vắng vẻ. Hình như chả có sinh viên nào đến học hôm nay cả.
Hôm nay, mình đổi chỗ ngồi. Và chính nhờ thế mà mình bất ngờ khám phá ra một cảnh sắc mới cũng hấp dẫn không kém những hồ nước xinh xinh phía sau. Từ lan can phía bên này, mình nhìn thẳng ra đường Thống Nhất, mặt tiền dinh Thủ Tướng. Màu tường vôi trắng của dinh nổi bật trên nền trời xanh xanh thẳm, không một bóng mây. Ôi! Hôm nay trời thật tuyệt vời, mát và sâu vời vợi. Mình bị lôi cuốn bởi ngọn cờ vàng chói lọi bên dinh đang phất phới dưới ánh nắng hồng ban mai. Ngọc cờ ngạo nghễ vương lên trên khắp mọi vật – trên cả những ngọn me cao nhất - tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của dân tộc, going máu hào hung bất khuất của giống nòi. Lòng mình phơi phới theo ngọc cờ vàng. Một nguồn hy vọng dâng tràn … Quê hương yêu dấu này sẽ luôn luôn hãnh diện là “Mình châu trời đông” và ngọn cờ quốc gia sẽ muôn đời hiên ngang vươn lên; mình tin tưởng như vậy. Tình yêu quê hương, tổ quốc bừng lên mãnh liệt hơn bao giờ trong tim mình. Mình tự nguyện sẽ dốc hết nghị lực vào công cuộc phục vụ quê hương, Mình sẽ đem thân ra bảo vệ non sông cho đến hơi thở cuối cùng…”
Hương thở dài, đôi mắt long lanh … Giang ơi, anh đã toại nguyện rồi, phải chăng anh? Anh đã đền nợ nước trong lòng hăng hái nhiệt thành, trong niềm hy sinh cao quý, Hương vô cùng cảm phục anh, người chiến sĩ can trường, người thanh niên có tâm huyết - Ở thế giới bên kia, Giang ơi, anh có vui khi nghe những lời Hương thành thật thốt tự đáy tim?
“Các tàn me xanh dịu màu mạ non báo hiệu chúa Xuân về, lay động nhẹ, in những bóng mát lung linh xuống mặt đường nhựa. vắng vẻ, tĩnh mịch … Thỉnh thoảng, một chiếc xe mới chạy qua quãng đường này. Từ trên lầu 3, chế ngự khắp mọi vật, tâm hồn mình lâng lâng như bay bổng. Mình cảm thấy thanh thoát xa hẳn cõi trần tục chen đua nơi đô thị. Mình muốn vươn lên, vươn lên mãi, cao thượng, trong sạch trọn đời. Không khí trên cao dường như mát mẻ hơn, trong lành hơn, rửa sạch bụi trần và những ưu phiền do cuộc sống tranh đua mang lại. Cô bé ơi, cô có biết khung trời mới mẻ này chăng? Hay chỉ mình tôi khám phá và trọn quyền sở hữu?
“Đang cắm cúi viết, linh tính khiến mình chợt ngửng lên nhìn về đầu hành lang kia. Bỗng mình bàng hoàng dụi mắt, không hiểu đang mơ hay tỉnh. Tà áo quen thuộc đang phất phới dưới ấy, và dáng vóc nhỏ nhắn của cô bé nghiêng đầu trên trang giấy mới ngoan ngoãn làm sao! Học một lát, cô bé ngửng lên say sưa ngắm ngọn cờ vàng tung bay trong làn gió mai, vẻ mặt rạng ngời tin tưởng, hai tay chắp lại trên mặt bàn trong một dáng điệu sung kính, tôn thờ. Cô bé ơi, phải chăng cô cùng chung tâm trạng với Giang? Phải chăng cô cũng chia xẻ long nhiệt thành hướng về tương lai tổ quốc của Giang?”
Hương bàng hoàng. Những tư tưởng, ước vọng của Giang ghi lại trên giấy là những gì chính Hương đã cảm thấy khi nàng ngồi say mê ngắm ngọn cờ, chứa chan hy vọng. Ôi! Chúng ta có nhiều điểm giống giống nhau, cùng chung một lý tưởng mà đã cách chia cả một thế giới rồi. Tiếc rằng Hương khám phá ra điều này hơi muộn, Giang ơi!