t hôm sau, lão Đối thu vén được hơn hai ngàn bằng tất cả những món tiền dành dụm được, rồi lão mầy mò lên phố chợ. Lão vô tiệm thuốc tây độc nhất trong vùng, xòe cái giấy của Vấn lên mặt quầy và nhìn ông chủ tiệm với tất cả mọi niềm hy vọng. Người chủ tiệm liếc qua một lần rồi nhún vai:
- Toàn thuốc trụ sinh hiếm hoi, ở đây làm sao mà có.
Lão Đối năn nỉ:
- Xin ông cố giúp giùm cho. Tôi cấp cứu người bệnh gấp rút lắm.
Rồi như sợ lỡ lời, lão lại tiếp:
- Đứa con dâu nhà tôi đã ốm lại còn có bầu. Nguy hiểm lắm.
- Biết vậy rồi nhưng đây chỉ là đại lý, làm sao có đủ mặt hàng. Tôi chỉ bán cho cụ được có hai món thôi. Còn bao nhiêu, cụ phải lên tỉnh mới có được.
Lão Đối lè lưỡi:
- Ui choa! Lên tỉnh thì làm sao tôi đi. Nhà hiếm người.
- Vậy thì biết làm sao.
- Tôi đặt tiền trước, nhờ ông mua giúp giùm.
- Không được đâu cụ ơi. Tiệm này của tôi sắp sửa phải dẹp rồi. Cả tháng nay tôi đâu có buôn hàng gì thêm đâu. Tình thế này, cụ không thấy sao?
- Mà trên tỉnh chắc là có chớ?
- Chắc vậy. Ở trên đó cóù nhiều tiệm. Cà rà đây đó may ra thì đủ.
Lão Đối buồn bã lượm mảnh giấy cho vào túi rồi trở ra. Ngày hôm sau lão đổi mấy lần xe để lò dò lên tỉnh. Mớ thuốc lão mua được đủ, chất vừa khít một cái giỏ xách tay. Lúc xuống xe lam ở đầu cầu chợ Lùng, lão đã bị một nhóm lính đón đường. Một người cười lạt lẽo:
- Đi tiếp tế thuốc trụ sinh cho Việt Cộng, hả?
Lão Đối giật nẩy mình, sững người nhìn mấy kẻ trước mặt. Lão nhận ra ba người quen thuộc là thằng Trọng, thằng Hưng và anh Lầu. Lão hơi yên dạ, mỉm cười gượng gạo:
- Chèn ơi! Buộc nhau chi những tội tầy trời vậy, mấy em.
Một người lên tiếng:
-Thì cả chợ này đồn cụ đi lùng thuốc trụ sinh mà. Phải hôn?
- Nói xàm hết cỡ chưa! Tôi mua thuốc chữùa bệnh cho tôi mà.
- Đâu, cụ bệnh gì, đau ở đâu?
- Ối, già tuổi rồi, nhức đầu, xổ mũi, đau xương đau cốt tùm lum.
- Vậy cho coi cái giỏ đi. Có phải thuốc bổ thận hoàn Thảo Nam Sơn thiệt không nào.
Một người sán lại, giằng cái giỏ trên tay lão Đối. Lão rụt lại phản kháng:
- Bộ cứ đau xương là phải uống Thảo Nam Sơn sao? Thời buổi bây giờ thiếu gì thuốc hay hơn.
- Thì cứ cho khám đi. Không phải thuốc trụ sinh tiếp tế cho V.C. thì thôi chớ gì.
- Thuốc trụ sinh thiệt đó. Mà điều chẳng dùng để tiếp tế cho Việt cộng Việt cung gì hết.
Lầu từ nẫy vẫn im lặng, bây giờ mới xen vào:
- Thì bác cứ để cho anh em làm phận sự đi. Nếu không có chuyện thì thôi chớ có ai làm gì bác đâu.
Cái giỏ được mở ra, những hộp thuốc được rỡ từng gói. Có cả Pénicilline lẫn Tyfomycine. Những tiếng in, in, phát ra từ miệng đọc của gã đàn ông có phận sự lục soát đã khiến cho mọi người cùng la lên:
- Chèn ơi! Rặt một loạt trụ sinh ác ôn, không tiếp tế cho V.C. thì mua làm cái gì đây?
- Mua để xài chớ mua làm cái gì! Các ông ngó thử coi. Tí xíu bằng này thì tiếp tế cho ai?
- Kiến tha lâu đầy tổ mà cụ. Thôi, cứ mời cụ về trụ sở đã rồi phân giải sau.
Toán người áp giải lão Đối đi ngược về phố chợ. Vừa đi lão Đối vừa phản đối om sòm. Râu tóc lão dựng ngược lên, mặt lão đỏ rần rần. Lầu an ủi:
- Chắc chẳng ai giữõ bác đâu. Nội ở đây, bác thì ai mà không biết.
- Chẳng giữ tôi thì điệu tôi về trụ sở làm chi?
- Thì cũng phải trình lên Ủy ban Hành chánh Xã chớ. Tại bác làm gì lộ liễu quá, người ta đồn bác đi lùng thuốc trụ sinh dữ thần, ai mà không thắc mắc. Phải bác mua cho thằng Đực không?
- Nó là con tôi, tôi có quyền mua cho nó chớ.
- Mà điều nó là du kích.
- Là gì đi nữa thì bố cũng có quyền thương con. Bộ nó ốm đau rồi tôi mặc nó chết bỏ xác sao?
- Thì thế mới hy vọng Ủy ban người ta thông cảm với mình. Bác cứ yên chí đi. Cháu tin tưởng vậy mà.
- Trời ơi! Hạng người già cả như tôi mà tống tôi vô tù thì vô lý hết chỗ nói.
- Nào ai đã tống bác vô tù đâu?
Lão Đối giận dữ:
- Áp giải thế này không là tù thì là cái vương tướng chi đây?
Một người khác chen vào:
- Thôi bác thông cảm cho anh em giùm một chút đi bác. Nếu coi bác là tù thì chúng tôi đã phải trói tay bác rồi.
Ở trụ sở Ủy ban Hành chánh, lão Đối được chỉ cho ngồi vào một chiếc ghế băng kê ở sát tường. Ông Chủ tịch đi vắng, nhưng có Ủy viên an ninh, người này có họ bà con xa bên đằng vợ của lão Đối. Hắn phải kêu lão Đối là dượng. Hắn tiếp nhận chiếc giỏ xách tay rồi bầy biện mười hai hộp thuốc lên mặt bàn. Hắn nói:
- Dượng dại lắm. Ai biểu dượng đi mua những đồ nguy hiểm này về làm chi.
- Có gì mà nguy hiểm. Trên tỉnh người ta bán tự do mà.
- Trên tỉnh là một đàng, mà ở đây là một đằng khác. Dượng không biết chớ, để sửa soạn cho những trận đánh lớn vào mùa mưa tới, Việt Cộng tung tiền đi vơ vét thuốc trụ sinh ở khắp các tiệm thuốc.
- Nó vơ kệ nó chớ, ăn nhằm gì tới tôi.
- Dạ, dượng nói vậy thì cháu cũng biết vậy. Biên bản cháu làm đây sẽ ghi đúng lời khai của dượng. Nhưng quyết định thì cháu không có quyền. Phải chờ Ủy ban.
Lầu lại phải an ủi:
- Cháu chắc cũng không có gì đâu. Bác cứ yên tâm ngồi nghỉ một lát. Bác có đói để cháu mua bánh mì.
- Thôi. Bánh với trái cái gì. Tao đâu còn bụng dạ nào mà ăn được nữa kìa!
Nghiên cứu trong số thuốc tìm được ở cái giỏ xách tay của lão Đối, người ta nhận thấy có cả loại thuốc trừ bệnh phong đòn gánh. Rõ ràng là người mua có dụng ý đem dùng trong những trường họp ngăn ngừa vết thương nhiễm độc. Sự lo xa ấy của Vấn làm cho số phận của lão Đối không được êm xuôi dễ dàng như Lầu tưởng. Tờ trình đã được ghi đầy đủ chi tiết tỉ mỉ. Nó được chuyển từ Xã lên Quận, từ Quận lên Tỉnh và ở Tỉnh người ta giữ lão Đối lại để điều tra thêm. Như vậy khó có thể biết được ngày nào lão được trở lại xóm làng thân yêu cũ, nơi lão đã thề nguyền là dù cuộc chiến có xảy ra như thế nào, thì lão cũng sẽ chết ở đấy. Để xác thịt của lão được trở về với mạch đất của quê hương, để trước khi nhắm mắt, lão được nhìn thấy một lần chót mái tranh này, bụi tre kia, và được thở hít bầu không khí quen thuộc mà lão đã sống ở đó từ hơn sáu mươi năm.
*
Theo ý của Lầu, vai trò của lão Đối ở trong ấp Vĩnh Hựu này thật cần thiết. Chính lão đã là người ngăn cản nhiều ý định rồ dại của bọn thằng Há, thằng Đực, những kẻ mang trong lòng mọi ý nghĩ thù địch, lúc nào cũng sẵn sàng thanh toán bạn bè xưa cũ, những người đã chia xẻ với bọn chúng một dĩ vãng tươi mát, êm đềm. Và chính lão cũng đã có nhiều lần từng che chở cho bọn chúng thoát khỏi những cuộc ruồng xét bất tử của lính quốc gia ở đồn Phi Mã.Trong ý nghĩ đơn giản nhưng bền vững như dao chém đá, lão Đối quan niệm rằng ở buổi giao thời đau thương và khốn khổ này, tất cả chúng nó chỉ là nạn nhân. Những đứa này bị xô đẩy vào lò cừ với lý tưởng Giải phóng, những đứa khác chống cự lại với lý do Tự vệ, và Bảo vệ. Nhưng liệu thực chất của cuộc chiến lâu dài này có phải là như vậy không? Dù sống dưới một lý tưởng hay chủ nghĩa nào thì tối thiểu quyền sống của con người cũng phải được tôn trọng. Người ta đã nhân danh cái quyền sống ấy để hủy diệt. Và một khi sự hủy diệt này kéo dài quá lâu, quá tàn khốc, quá thảm thương, thì không một chiêu bài nào còn đầy đủ lý do đề tồn tại nữa.
Những ý nghĩ đó khiến Lầu rất băn khoăn. Phải chi con đường mà gã và các bạn đồng đội của gã đang đi sẽ sáng tỏ được như ban ngày. Còn gì đau khổ, dằn vặt hơn khi phải đem cả mạng sống của mình đặt vào một cuộc thách đố không định hướng. Trong những lần tiếp xúc tập thể với anh em binh sĩ trong đồn Phi Mã, chuẩn úy Dũng vẫn thường nhắc nhở đến lý tưởng Tự Do, xã hội Công Bằng, đời sống Bảo Đảm. Những lời lẽ văn hoa ấy đẹp như tấm thủ bút của những tay danh sĩ đời xưa vẫn thường được người ta đóng khung nâng niu như đồ gia bảo. Người ta chiêm ngưỡng nó say mê, gìn giữ nó cẩn thận như gìn giữ một phần thân thể. Nhưng không phải lúc nào nó cũng trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Cũng như danh từ Tự Do, Công Bằng, Bảo Đảm không phải lúc nào cũng là những động cơ thúc đẩy con người ta hành động. Phải có điều gì cụ thể hơn các ý nghĩa sâu xa của những danh từ tốt đẹp, hoa mỹ đó. Nó phải làm cho người ta cảm được, thấy được, xúc động được, nhất là với đám dân quê hiền lành, chất phác, quanh năm chỉ biết vui thú với những ước mơ nhỏ bé, tầm thường của mình.
Nhưng được một điều may mắn là những tâm trạng ray rứt đó không phải lúc nào cũng trở thành vấn đề khiến cho người ta phải tự tra vấn, xét hỏi. Cuộc sống hằng ngày còn nhiều tình tiết tuy nhỏ nhặt hơn, nhưng lại khiến người ta bận tâm đến nhiều hơn. Cho nên hầu như nhu cầu tinh thần chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu vật chất của đời sống hằng ngày. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một trạng huống, mỗi người một mối lo âu về sinh kế, về tật bệnh, về muôn ngàn những đòi hỏi thực tế khác nữa, tất cả đã sẵn sàng che lấp đi trong ý nghĩ mọi người về cả một khoảng trốâng tinh thần đó.
Như mối quan tâm thiết yếu nhất của Lầu bây giờ chính là đứa con đầu lòng của gã sắp sửa ra đời. Hình ảnh của lão Đối đứng giữa hai người lính ở bên lề quốc lộ để chờ chuyến xe lam đưa về quận lỵ chỉ gây xúc động cho gã trong ít phút. Đến khi gã bước qua ngưỡng cửa của nhà hộ sinh thì những ý tưởng hoang mang, rời rã đã tan biến rất nhanh, nhường chỗ cho một mối lo âu mới, mạnh mẽ hơn đến độ có thể thiêu đốt lòng gã. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, gã bối rối đứng ngồi không yên bên chiếc bàn gỗ xộc xệch. Hơi nóng tỏa xuống từ mái tôn thấp khiến mồ hôi trên mình gã đổ ra đầm đìa. Chung quanh gã, những mẩu tàn thuốc vứt vương vãi khắp mọi chỗ. Miệng gã khô đắng lại với những miếng nước bọt như khô quánh, đặc sệt trong cổ họng. Mắt gã không rời cánh cửa gỗ loang lổ nước sơn cũ kỹ vẫn đóng im ỉm ngay từ lúc gã đặt chân tới. Bốn bề im lặng hoàn toàn như tôn trọng, chia xẻ với những tiếng rên la thét lên từng cơn của chị Lầu. Chị gọi tên gã. Chị đòi gặp má. Chị muốn lên tỉnh vô nhà thương lớn. Chị mong được chết. Thật là Lầu đã phải trả một cái giá đáng đời sau những ngày chứa chan hạnh phúc.
Bỗng nhiên chị Lầu la to hơn hết mọi lần. Tiếng gào của chị xé lên như bóp nát ruột gan của gã, rồi tiếp theo đó là tiếng trẻ oa oa khóc. Lầu ném ngay điếu thuốc qua ngưỡng cửa và nhảy bổ lại trước cánh gỗ đập rầm rầm. Cánh cửa bật mở, một cô mụ hiện ra với vẻ mặt đầy mệt nhọc:
- Nhín chờ chút đi. Chưa rồi mà!
Lầu hỏi cuống quít:
- Con gái hay con trai?
- Con trai! Mừng chưa?
Lầu không còn nghe thấy gì nữa. Gã xách ngay cây súng chạy thốc ra đường. Gã muốn gặp bất cứ ai quen thuộc để báo tin mừng là vợ gã đẻ con trai. Người đầu tiên mà gã đụng phải là Thư. Mặc dầu chẳng ưa thích gì lắm thứ đàn bà ngựa vía này, Lầu cũng vẫn hối hả:
- Vợ tôi đẻ con trai rồi, cô Thư!
Trái với sự dự đoán của Lầu, Thư lại tiếp nhận một cách rất sốt sắng và nồng nhiệt. Nàng reo lên như chính nàng đang làm chủ cái nguồn vui tuyệt diệu đó. Rồi nàng rối rít loan báo với mọi người chung quanh:
- Nè! Chị Lầu đẻ rồi. Đẻ con trai nữa mới mừng chớ.
Thái độ vồn vã ấy khiến Lầu thấy thiện cảm với Thư hơn. Gã nói:
- Cô sẽ vào thăm nó chớ?
- Vô chớ sao không. Mà điều phải đi mua cái gì đã. Nó đã có quần áo, tã lót gì chưa?
- Không thiếu gì hết. Cô vô thăm là quí rồi.
- Được mà. Để ghé chợ rồi tôi sẽ vô.
Lầu không kịp cám ơn gì nữa hết. Gã tất tả chạy về phía đồn Phi Mã. Trong khi ấy Thư nhìn theo mỉm cười, thân hình đưa đẩy. Từ hôm Hoanh đi rồi, nàng cảm thấy đời sống nhẹ nhõm và tự do như gió trời. Việc đầu tiên là Thư thay toàn bộ các đồ trang điểm phấn sáp của mình. Dầu sao, xài một thỏi son mới cũng vẫn hơn là thỏi son cũ đã mòn toẹt, nhoét nhòe. Mầu má hồng tại sao lại không đậm hơn mầu trước một chút nhỉ. Hãy trả cho Hoanh cái gì của gã. Và ta như cánh chim bay bổng trên vòm trời, ở đó sẽ được nhìn thấy biết bao nhiêu cảnh vừa mới, vừa lạ. Chỉ tiếc một điều, thanh niên ở đây bây giờ hiếm hoi quá. Những chàng trai trẻ đã ra đi hết, các khuôn mặt còn lại thì chỉ là những kẻ cằn cỗi, già nua. Đối tượng duy nhất mà Thư thấy ước ao bây giờ chỉ còn có một Chuẩn úy Dũng trong đồn Phi Mã. Nhưng Dũng lại thuộc loại người quá nhút nhát nghi kỵ. Hầu như trong những ngày sống ở đây, nhìn ai Dũng cũng có cảm giác như họ đã là V.C rồi. Bước ra khỏi đồn, bao giờ Dũmg cũng kéo mấy anh lính đi kèm theo. Trong quán nướùc, Dũng chọn chỗ ngồi an toàn nhất ở góc trong cùng. Trên xe lam, Dũng chỉ ngồi bên cạnh tài xế, sau khi đã buông lời đe dọa:
- Từ đây đến ngã ba cây gòn, cấm bác ngừng xe. Ngừng lại là tôi bắn bác trước đó!
Rút cục cặp mắt lạnh lùng, đôi môi quyến rũ, thân hình nở nang cân đối ấy chỉ còn linh động được trong trí tưởng tượng của Thư vào những hôm nàng trằn trọc mất ngủ. Nhiều hôm ngủ không được, Thư cởi quần áo ra dội ùm ùm ngoài bể nước. Chỉ những giây phút ấy Thư mới thấy Hoanh có lý nhiều phần khi gã từ bỏ cuộc sống chật hẹp ở đây để tìm đến một chân trời rộng rãi hơn. Nàng đem ý nghĩ dọn nhà lên tỉnh bàn với mẹ chồng. Bà chỉ cười chua chát:
- Lên tỉnh rồi làm gì ở trển?
- Mình buôn bán, làm ăn chớ. Chết dí ở cái xó này, rồi nghèo mạt rệp suốt đời, má ơi.
- Giầu nghèo gì trời đất này. Thôi, sống được ở nhà ngày nào hay ngày nấy.
- Nói như má thì vô cùng. Cái đó tùy má. Nhưng tôi đi thì má không cản chớ?
Bà cụ ngước lên nhìn Thư, một lát mới trả lời được:
- Việc của mầy thì mầy tính. Làm sao tao xía được vô.
Thư mỉm cười, hài lòng:
- À, đó là nói trước với má vậy thôi. Chớ tôi cũng chưa tính tới chuyện đó đâu. Để thằng Há về, tôi hỏi tình hình coi sao đã.
- Hừ, tính gì thì tính, chớ nó không dám vác mặt về đây nữa đâu.
- Sao má biết?
- Thì từ hồi đó tới giờ, nó sợ thằng Hoanh, đâu có dám bén mảng về.
- Bây giờ thì khác. Thế nào nó chẳng biết ảnh vô biệt kích rồi. Mà dầu sao thì nó cũng phải về thăm má chớ, cách mạng gì đâu mà lại bỏ cả mẹ già coi sao được.
Quả như lời Thư tiên đoán, ít lâu sau ngày Hoanh đi khỏi, một đêm thằng Há lại mò về. Lần này nó đứng nín thinh ngoài cửa sổ ghé mắt nhìn qua song cửa. Đêm về khuya, ngọn đèn leo lét không đủ soi sáng căn nhà rộng rãi âm u. Ở buồng trong, bà cụ ngủ mê mệt, tiếng ngáy đưa ra từng chập. Phía giường ngoài. Thư còn thao thức với với tờ tuần báo cũ nát mà nàng đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Một chập sau, Há giơ tay gõ cửa nhè nhẹ. Nàng giật mình nhìn ra, lo lắng hỏi:
- Ai đó?
Há ngập ngừng:
- Tôi đây, chị Thư.
Thư đứng dậy, khêu to ngọn đèn rồi bước ra ngưỡng cửa. Cánh then gỗ được nhấc lên từ từ, rồi thân hình của thằng Há hiện ra chập chờn dưới ánh sáng leo lét. Thư mỉm cười:
- Chú Há đấy hả. Đi đâu khuya dữ vậy?
- Tôi về thăm nhà, có cho tôi vô không?
Thư lùi lại nhường chỗ cho nó:
- Vô chớ sao không. Nhà của chú mà.
- Đừng xạo! Cộng Sản như tôi, đồ bỏ mà.
- Ai biểu chú thế?
- Anh Hoanh chớ ai.
- Ui, ảnh đi rồi. Nhắc lại làm chi.
Há im lặng, ngắm Thư sỗ sàng từ đầu đến chân. Cái nhìn đó làm Thư bối rối, nàng vội nói:
- Kìa! Chú vô đi chứ. Bộ đứng đây hoài sao.
- Bả đâu?
- Má ngủ rồi.
- Tôi đói, chị còn gì ăn không?
- Còn cơm nguội với canh chua.
- Cha! Đem hâm nóng lên thì phải biết.
- Thì hâm nóng chớ sao. Dễ ợt mà.
- Vậy số dách chị rồi. Để tôi phụ với chị.
Vừa nói Há vừa nhấc cây đèn lên tay và đi xuống sân đất. Thư lặng lẽ theo sau. Trong chốc lát, ngọn lửa cháy hồng lên, tỏa một vùng ánh sáng chập chờn in trên vách bếp. Há ngồi dựa lưng vào chạn bát, hai chân duỗi dài. Nó vặn mình kêu răng rắc. Trong khi ấy Thư ngồi im lặng bên bếp lửa. Hơi nóng làm hai má của nàng mỗi lúc một đỏ hồng thêrn. Mái tóc buông hờ hững xuống bờ vai. Một vài sợi dính nhếch nháp trên vầng trán thấp, và phẳng. Thư bận một chiếc áo lụa nâu, cắt kiểu, cánh tay ngắn tới nách, để lộ nước da mỡ màng của thiếu phụ đang ở độ nảy nở, chín mùi.@
Câu chuyện giữa hai người chỉ theo đà gióng một, được mấy tiếng rồi chẳng ai nói gì thêm. Chung quanh chỉ còn tiếng củi nổ tí tách, tiếng nước reo trong nồi canh cá và tiếng một vài con chuột chạy đâu đó trên xà bếp. Rồi bỗng nhiên Thư thấy nóng ở phía đằng sau gáy. Không quay lại nàng cũng biết thằng Há đã lén tới từ lúc nào. Hơi thở của nó mỗi lúc một giồn giập như át tiếng nước đang bắt đầu sôi. Rồi bàn tay của nó đặt lên vai Thư vuốt nhè nhẹ.Thư lắng nghe để phân biệt tiếng động ở nhà trên. Bốn bề thật êm ả như một đêm nào Thư đã cùng với Hoanh chia xẻ sự sung sướng, hồi hộp, lúc hai người gần gũi nhau lần đầu. Bàn tay của thằng Há vẫn như những con rắn êm ái luồn quanh cổ nàng. Thư rùng mình một cái nhẹ rồi ném cây cời lửa vào giữa bếp. Thư thấy cánh tay của Há đỡ lấy giải tóc của mình như một cái gối êm. Nồi canh đã sôi lên, khiến chiếc vung bật mở và những dòng nước tuôn ra ở mép nồi rồi chảy xuống nghe xèo xèo. Ánh lửa đảo lên một vài vòng rồi vụt thu bé lại. Căn bếp chìm trong bóng tối mênh mông. Thư thấy như mình đang bay bổng trong sự mênh mông tuyệt vời đó. Với Dũng. Anh ơi! Em khao khát được gần anh biết bao.
*
Lúc Thư đến nhà hộ sinh thì Lầu cũng đã trở lại đấy từ bao giờ. Gã đang ngồi chiêm ngưỡng tác phẩm bằng xương, bằng thịt do chính gã tạo nên. Thằng bé đỏ hỏn, nét mặt nhăn nhúm, mái tóc óng mượt như những sợi nhung. Chị Lầu nằm thiêm thiếp ngủ trên tấm phản gỗ có trải nệm trắng đã ngả mầu ố vàng. Làn tóc rối bù. Nước da nhợt nhạt. Bầu không khí trong phòng phảng phất mùi thuốc nhà thương.
Thư mang đến cho chị Lầu một chục trứng gà, cho thằng bé năm hộp sữa và một cục xà bông thơm. Lầu cảm động, bối rối:
- Cô vô thăm cháu đủ rồi, mua chi nhiều cho tốn kém.
Thư vui vẻ:
- Ui! Cho cháu tôi chút đỉnh mà. Coi nào, thằng bé ngộ quá, giống bố như đúc phải không?
Lầu bẽn lẽn:
- Dạ, cũng chưa thấy gì mấy. Trẻ sơ sinh thì đứa nào cũng như đứa nấy.
- Tầm bậy nào. Cái mồm, cái mũi này không phải giống bố thì cứ chặt đầu tôi đi. Chà, có con khoái quá há. Tôi thèm muốn chết mà không có đấy.
Lầu định nói góp, nhưng sau nghĩ tới Hoanh đã đi rồi, gã lại im lặng. Gã nhìn Thư chú ý hơn. Bây giờ gã mới nhận ra cô nàng diêm dúa hơn trước rất nhiều. Mái tóc chải kỹ, mướt vì dầu thơm. Đôi lông mày tỉa, vẽ gọn gàng. Làn môi ướt mọng, thân hình nẩy nở, thơm tho trong bộ quần áo ủi thẳng nếp. Trông Thư quyến rũ và gợi cảm gấp bội hồi nàng còn con gái. Thấùy gã đàn ông chăm chú nhìn mình kỹ quá, Thư có vẻ ngượng nghịu. Nàng nói lảng đi:
- Vợ đẻ thế này, anh cũng được phép nghỉ chớ?
- Dạ có. Bốn ngày.
- Ui! Bốn ngày lận. Coi bộ ông Chuẩn úy Dũng dễ chịu quá há.
- Đó là luật định mà. Ai cũng vậy hết, chả cứ.
- Nói vậy chớ, luật gì thì luật, cũng phải ăn thua ông xếp của mình. Còn viện cớ nhu cầu công tác thì thiếu gì.
- Cái đó thì đã hẳn. Mà điều ở đây thì dễ. Ông Chuẩn úy Dũng thương tôi lắm.
- Vậy hả. Thế mà tôi cứ nghĩ ổng khó lắm. Người gì mà lúc nào cũng lạnh như cục băng.
- Không có đâu. Đối với anh em binh sĩ, ổng rất tốt, ít có tác phong quan liêu như ông Trung úy trưởng đồn.
- A! Cái ông Trung úy ấy hả. Ổng già rồi nói làm gì. Tôi gặp ổng mấy lần, tôi cũng không có cảm tình.
- Mà điều ổng giỏi, nhiều kinh nghiệm tác chiến, đỡ lắm.
- Chắc giỏi thiệt hôn? Ngó bộ chớ, mấy bọn ở mé trỏng cũng tinh ma lắm đó nhé.
- Ui! Mấy thằng du kích xã chuột nhắt ăn thua gì. Trừ phi chúng nó đem chủ lực Miền về đây thì mới đáng ngại.
- Anh ngó thử coi, họ có dám về không?
- Cái đó thì không chắc, nhưng có thể lắm chứ. Mặt trận trên Phú Sơn mỗi ngày một nặng, cô không thấy sao?
- Ở trên đó nặng thì ở đây càng khoẻ chớ sao.
- Chắc gì. Quốc lộ số 1 này là cổ họng giao thông, vận tải, tiếp vận mà. Đồn Phi Mã trông nhỏ nhoi vậy chớ, tụi nó ham lắm đấy.
- Hèn chi mà tôi thấy hồi này rào trong, rào ngoài, ngó bộ phòng thủ dữ. Còn ông chuẩn úy Dũng thì thôi, khỏi nói, ổng làm như mấy thằng du kích nó ăn thịt đến nơi rồi.
Lầu bật cười:
- Có cẩn thận vẫn hơn chớ. Thời buổi này đâu có so được với như ngày xưa.
- Chắc ổng vợ con đùm đề rồi nên mới lo lắng thái quá vậy, phải không?
- Chưa đâu. Mà điều đã lo xa thì chảù cứ phải có gia đình rồi mới lo xa. Như tôi đây, tôi vẫn vô trong ấp khơi khơi, đâu có ngán.
Thư buông một tiếng thở dài:
- Nói vậy chớ, cứ nên lo xa như ông chuẩn úy là hơn, anh à. Bọn họ không vừa đâu. Bộ các anh tưởng mình làm những gì, những gì, họ không biết đấy sao?
Lầu nhìn Thư nghi ngờ:
- Họ biết hay không làm sao cô rõ được? Mà họ biết những gì?
- Bộ anh tưởng tôi hoạt động nội tuyến cho họ phải không? Ui, vài ba khẩu súng các anh vác đi ngờ ngờ, đến thằng con nít cũng trông thấy chớ đừng nói tới phải có nội tuyến nội tung gì, mất công.
Tiếng cười của Thư làm chị Lầu đang ngủ bỗng choàng tỉnh dậy. Chị mở mắt nhìn Thư ngơ ngác. Lầu vội vàng chạy lại nắm lấy tay vợ hỏi han rối rít:
- Mệt không em? Đau không em? Ui, em la hét quá trời làm anh vã mồ hôi hột. Có cô Thư lại thăm em đây này.
Chị Lầu cố mỉm một nụ cười trên khuôn mặt mệt mỏi. Thư nói:
- Chị thấy khoẻ trong mình không?
Chị Lầu gật đầu:
- Cám ơn cô. Dễ chịu lắm.
- Thôi, mẹ tròn con vuông vậy là mừng rồi. Đẻ con so như chị là lẹ lắm đó.
Lầu chen vào:
- Ui, nếu mà cơn chuyển bụng kéo dài thêm buổi nữa thì chắc tôi chết quá.
Chị Lầu mỉm cười:
- Thì ai bắt anh vô làm chi. Em đã bảo cứ ở đồn nằm khoèo, tới chừng sanh xong rồi, em nhờ người nhắn ra, anh không chịu.
- Nói nghe ngon dữ. Ở sát ngay đây còn nóng ruột muốn điên lên nữa là vô đồn thì còn điên tới đâu.
Thư hỏi:
- Vậy anh chị đã đặt cho cháu tên gì chưa?
Lầu đáp:
- Có rồi đó cô. Bà ngoại đặt cho cháu là thằng Hòa.
- Hòa là hòa bình há. Chẳng biết trời đất này bao giờ mới có hòa bình đây.
- Thì cứ ước ao vậy. Chứ hạng nhỏ nhít như mình, biết đâu mà nói.
- Anh tin tôi đi. Muốn gì thì gì, vùng này cũng phải một phen chết chóc thảm thương.
- Cô biết những gì mà dám quả quyết như vậy?
Thư mỉm cười:
- Thì như anh nói đó. Mình chả ở trên địa đầu của con đường tiếp tế, chuyển vận là gì.
- Nếu chỉ có vậy thì còn nói làm chi. Chắc bọn thằng Đực, thằng Há thì thọt về trong đó cho cô biết nhiều tin tức lắm phải không?
- Ui, mấy thứ đồ bỏ ấy biết cái gì mà nói. Phải những cấp ở trên tụi nó xa lắc kìa.
Chị Lầu chen vào:
- Thôi, chả biết cấp nào với cấp nào. Cứ tới chừng nào cô Thư tính lên tỉnh thì báo cho tụi tôi biết mà đi theo với nhé.
Thư cười rúc rích:
- Em ấy à? Em thì lúc nào cũng tính lên trển hết. Ở đây lủi thủi, rầu lắm chị ơi.
- Thế còn bà cụ? Cô cũng tính dẫn cụ đi luôn chớ?
- Không đâu. Các ông già, bà già ở đây kỳ lắm. Chỉ muốn được chết ở quê nhà thôi.
Một lát sau, Thư đứng dậy từ giã ra về. Lầu tiễn nàng ra tận cửa ngoài rồi quay vào nói với vợ:
- Cô ta chối thì chối vậy chớ, thái độ đó anh ngờ.
- Ngờ cái chi?
- Chắc chắn nó biết nhiều chuyện âm thầm của bọn thằng Đực, thằng Há. Mấy bữa rầy, ông trung úy về Chi khu họp luôn, anh càng thấy lo. Có lẽ phải tính tới chuyện dời em với con về Quận thôi.
- Nhưng còn má? Má không chịu đi đâu.
- Bả không chịu đi thì đành, chớ lỡ xảy ra chuyện gì, mình phải chịu chung cả đám sao?
Chị I.ầu thở dài:
- Để khuyên giải má lần lần coi sao. Vả cũng phải chờ ít tuần cho em khỏe hẳn đã chớ. Mới sanh yếu ớt thế này, làm sao đi?