goài việc dùng một số nhơn vật để tượng trưng cho một vài quốc gia trên thế giới và cho một vài chánh khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại, Kim Dung còn kín đáo gởi cho độc giả của ông một số thông điệp chánh trị qua một số nhơn vật chánh yếu và qua các cốt chuyện của ông. Ta có thể nhờ các thông điệp này mà nhận thấy rõ hơn diễn trình tư tưởng của ông về mặt chánh trị. Để cho độc giả có thể theo dõi dễ dàng các thông điệp trình bày trong chương này, trước hết chúng tôi xin kể lại sơ lược thân thế và sự tích của một số nhơn vật chánh yếu trong các tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung ....... SƠ LƯỢC VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ TÍCH CÁC NHƠN VẬT CHÁNH YẾU TRONG CÁC BỘ TRUYỆN VÕ HIỆP NỔI TIẾNG CỦA KIM DUNG Kim Dung đã viết nhiều bộ truyện võ hiệp, mỗi bộ đều có một hay nhiều nhơn vật chánh yếu. Nếu chỉ lấy các tác phẩm nổi tiếng nhứt của ông làm để tài nghiên cứu, chúng ta có thể kể các nhơn vật chánh yếu độc đáo sau đây: -Tiêu Phong tức Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc tức Hư Trúc Tử và Mộ Dung Phục trong hai bộ THIÊN LONG BÁT BỘ và LỤC MẠCH THẦN KIẾM - Quách Tĩnh, Dương Khang và Dương Quá trong hai bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP. - Trương Vô Kỵ tức Tạ Vô Kỵ trong bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG (vốn tên là Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ theo nguyên tác) - Lịnh Hồ Xung trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ - Vi Tiểu Bảo trong bộ LỘC ĐỈNH KÝ. Chúng tôi đã sắp thứ tự các nhơn vật trên đây theo thời gian trước sau của giai đoạn lịch sử Trung Quốc làm khung cảnh hoạt động của họ hoặc của việc trước tác bộ truyện: 1- Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc và Mộ Dung Phục là những nhơn vật của thời kỳ nhà Đại Tống còn làm chủ Hoa Bắc và bị sự uy hiếp nặng nề của người Khiết Đơn làm chủ nước Đại Liêu. Trong bộ LỤC MẠCH THẦN KIẾM có hai niên biểu làm mốc thời gian cho khung cảnh hoạt động của các nhơn vật này. Theo Kim Dung thì bức thơ mà Uông Kiếm Thông, Bang Chủ Cái Bang gởi cho Mã Đại Nguyên dặn phải ngấm ngầm giám thị Kiều Phong lúc ông truyền chức Bang Chủ cho Kiều Phong được viết năm Nguyên Phong thứ 6. Nguyên Phong là một trong hai niên hiệu của Vua Tống Thần Tông (t.v. 1068-1085) và năm thứ 6 của niên hiệu này là năm 1083. Ngoài ra bộ LỤC MẠCH THẦN KIẾM còn cho biết rằng việc vua nước Đại Liêu dự liệu xâm lăng nhà Đại Tống đã xảy ra lúc Vua Tống Triết Tông (t.v. 1086-1100) bãi chức các vị đại thần theo phe bảo thủ của Tư Mã Quang để áp dụng trở lại chánh sách của Vương An Thạch. Trong lịch sử Trung Quốc, đó là việc xảy ra trong những năm chót của niên hiệu Nguyên Hựu, tức là vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ thứ 11. 2- Quách Tỉnh, Dương Khang và Dương Quá là những nhơn vật xuất hiện vào cuối đời nhà Tống, lúc người Mông Cổ vừa quật khởi và diệt nước Đại Kim của người Nữ Chân rồi chuẩn bị xâm chiếm Đại Tống và Đại Lý. Các việc này đã xảy ra trong thế kỷ thứ 13. Trong bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU, có hai niên biểu có thể dùng làm mốc thời gian cho hoạt động của Quách Tĩnh: - năm 1227 là năm băng hà của Thành Cát Tư Hãn tức là Nguyên Thái Tổ - kế đó là năm 1234 nước Đại Kim bị người Mông Cổ diệt. Trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, thì biến cố có thể làm mốc thời gian cho hoạt động của Quách Tỉnh và Dương Quá là cái chết của Mông Kha tức là Nguyên Hiến Tông khi nhà vua này mở cuộc tấn công thành Tương Dương (tức là Tương Phàn trong tỉnh Hồ Bắc ngày nay) năm 1259. Và theo bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG thì Quách Tĩnh đã chết khi thành Tương Dương bị quân Nguyên phá vỡ mà việc này đã xảy ra năm 1273. 3- Trương Vô Kỵ là một nhơn vật đã tham dự cuộc khởi nghĩa của người Trung Hoa nổi lên đánh đổ nhà Nguyên do người Mông Cổ xây dựng để thiết lập nhà Minh năm 1368. Vậy, thời gian hoạt động của ông là vào cuối đời Nguyên, tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ 14. 4- Phần Vi Tiểu Bảo thì sống trong lúc nhà Thanh vừa chiếm được Trung Hoa trước đó do nhà Minh làm chủ. Trong bộ LỘC ĐỈNH KÝ, ông được mô tả là gần như đồng tuổi với vua Khương Hy là một nhà vua trị vì từ năm 1662 đến năm 1722. Các biến cố có thể làm mốc thời gian cho hoạt động của Vi Tiểu Bảo là việc Trịnh Khắc Sảng đầu hàng nhà Thanh và đem đảo Đài Loan sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc năm 1683, và việc nhà Thanh ký với người Nga một hiệp ước ấn định biên giới hai nước (mà lịch sử Tây Phương gọi là Hiệp Ước Nerchinsk) năm 1689 Riêng bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ không trực tiếp nói đến thời đại nào, nhưng khi kể chuyện Lưu Chánh Phong rửa tay treo kiếm, nó có để cập đến chức vụ tuần phủ tỉnh Hà Nam.. Ở Trung Quốc, tên tỉnh Hà Nam đã có từ đời Nguyên. Về chức tuần phủ, nó có từ đời Minh, nhưng dưới triều đại này, đó là một chức vụ giao cho một viên quan ở chánh quyền trung ương được gởi đi giải quyết các công việc địa phương khi cần. Chỉ đến đời nhà Thanh, tuần phủ mới là một chức quan ở luôn tại chỗ để điều khiển công việc một tỉnh. Vậy, với chức vụ tuần phủ tỉnh Hà Nam được nói đến trong TIẾU NGẠO GIANG HỒ, ta có thể bảo rằng câu chuyện được bộ truyện võ hiệp này kể lại đã được xảy ra dưới đời nhà Thanh. Nhưng vì bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ được sáng tác trước bộ LỘC ĐỈNH KÝ nên chúng tôi sẽ nói đến Lịnh Hồ Xung là nhơn vật chánh yếu trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ trước Vi Tiểu Bảo là nhơn vật chánh yếu trong bộ LỘC ĐỈNH KÝ.