3) Chánh trường thế giới đã cống hiến cho chúng ta những thí dụ cụ thể về vấn đề này. Chế độ dân chủ tự do được áp dụng ở một số nuớc Tây Phương vốn có tinh thần khoan dung. Nó chấp nhận sự tự do hoạt động của nhiều chánh đảng khác nhau về mặt chánh trị, đồng thời với quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh của các tư nhơn. Lúc khởi thủy, các nước theo chế độ dân chủ tự do không chủ trương kế hoạch hoá kinh tế vì sự kế hoạch hóa hàm ý dùng chánh quyền điều khiển sự hoạt động kinh tế là điều trái với nguyên tắc dân chủ tự do. Nhưng về sau, vì sự tự do kinh doanh hoàn toàn đã đưa đến nhiều mối hại cho xã hội, nhứt là nạn khủng hoảng kinh tế, các nước theo chế độ dân chủ tự do đã ít nhiều áp dụng một số biện pháp liên hệ đến chánh sách kế hoạch hóa kinh tế để tránh nạn này. Tuy nhiên, loại kế hoạch kinh tế được các nước dân chủ tự do áp dụng là loại kế hoạch nhu tánh và các biện pháp được đem ra thi hành đã dung hợp được với chế độ kinh tế tự do. Do đó, các nước dân chủ tự do đã cải thiện được tình thế về vấn đề này. Phần các nước cộng sản thì áp dụng chế độ độc tài toàn diện. Trong chế độ này, chỉ có một chánh đảng duy nhứt quyết định hết mọi việc và tài sản dùng vào việc sản xuất đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước. Do đó, Đảng Cộng Sản cầm quyền cũng là đoàn thể quản trị luôn cả nền kinh tế của quốc gia theo những kế hoạch được soạn trước và được áp dụng một cách cứng rắn. Sau này, các nhà lãnh đạo cộng sản ở nhiều nước đã nhận chân rằng chế độ kinh tế tập sản hóa của họ không khích lệ người dân trong sự sản xuất và làm cho nền kinh tế của quốc gia không phát triển mạnh mẽ được. Để cải thiện tình thế, một số nước bị Cộng sản cai trị như Nam Tư, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Trung Hoa và..Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp của nền kinh tế tự do. Các biện pháp này đặt căn bản trên việc cho người hoạt động sản xuất được hướng nhiều quyền lợi hơn. Nó có làm cho sự sản xuất chung được tăng gia, nhưng cũng đồng thời đưa đến một vài chứng bịnh của chế độ kinh tế tự do như lạm phát, tham nhũng, chênh lệch tài sản v.v.. và gây sự chống đối của các nhà lãnh đạo cộng sản tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin. Chủ nghĩa này vốn không dung nạp cho con người được có tư lợi, và phe trung thành với nó đã nhiệt liệt chỉ trích những người chấp nhận mượn một số biện pháp của chế độ dân chủ tự do để khích lệ người dân sản xuất. Kết quả là bên trong Đảng Cộng sản cầm quyền đã có những cuộc tranh luận sôi nổi. Sự giằng co giữa hai phe chống đối nhau đã làm cho các nước cộng sản áp dụng các biện pháp mượn của chế độ dân chủ tự do phải nhiều lần điều chỉnh chánh sách mà không đi hẳn được theo chiều hướng nào thành ra không thể thâu hoạch được những kết quả tốt. Với sự lóng ngóng của chúng, bọn Cộng sản Việt Nam hiện nay thật chẳng khác nào một người không có khả năng luyện theo thuật Song Thủ Hỗ Bác mà đương cố gắng một tay vẽ hình vuông một tay vẽ hình tròn. Trung Cộng mặc dầu bên trong cũng có những nhà lãnh đạo trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Marx-Lenin, đã tiến mạnh hơn trong việc áp dụng một số biện pháp của chế độ dân chủ tự do để tăng gia sản xuất. Họ đã thâu hoạch được nhiều kết quả khả quan, nhưng cũng bị một số những chứng bịnh của chế độ kinh tế tự do mà các biện pháp này mang đến. Do đó, họ cũng phải ít nhiều điều chỉnh chánh sách của họ. Nhưng trắc nghiệm để xem Trung Cộng có thể thực hiện được sự dung hòa giữa chủ nghĩa Marx-Lenin và các nguyên tắc kinh tế tự do cằn thiết cho sự phát triển kinh tế hay không hãy còn ở trong tương lai. Năm 1997, Hongkong sẽ được trả về cho Trung Hoa Nhơn Dân Cộng Hoà Quốc. Cứ theo bản hiệp ước đã ký giữa Trung Cộng với nước Anh về vấn đề này, Hongkong sẽ trở thành một Đặc Khu Tự Trị với một quyền tự trị khá rộng: nó sẽ do người địa phương quản trị theo một đạo luật căn bản giống như một Tiểu Hiến Pháp và sẽ có thể tiếp tục duy trì nếp sống theo chế độ tư bản và tự do hiện tại trong 50 năm sau 1997. Vậy, khi Hongkong đã sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa, người dân Hongkong sẽ tiếp tục được hưởng một số quyền mà dân Trung Hoa ở lục địa không được hưởng. Ngoài sự cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Cộng khi ký hiệp ước về Hongkong với người Anh, việc duy trì phần nào chế độ được áp dụng ở Hongkong hiện nay cũng phù hợp với quyền lợi Trung Cộng vì nó giúp vào việc giữ cho Hongkong được yên ổn và phồn thạnh. Nhưng với việc sáp nhập Hongkong vào lãnh thổ mình trong những điều kiện như vậy, Trung Hoa Nhơn Dân Cộng Hoà Quốc sẽ có hai chế độ khác nhau dưới quyền một chánh phủ duy nhứt. Điều này không khỏi gây ra những sự xung khắc và xu hướng đòi hủy diệt qui chế đặc biệt của Hongkong sẽ xuất hiện, lại có thể tăng cường lần lần. Chỉ khi nào các nhà lãnh đạo Trung Cộng trong tương lai vẫn duy trì chế độ của Hongkong đúng như lời cam kết với người Anh, họ mới chứng minh được rằng họ có đủ tinh thần cởi mở để dung hòa hai hệ thống kinh tế khác nhau và đáng được xem như là những cao thủ võ lâm luyện được thuật Song Thủ Hỗ Bác. c. Thông điệp chánh trị của Kim Dung xét qua kết quả cuộc tranh thủ mục tiêu của các cao thủ võ lâm. 1) Trong các cốt chuyện của Kim Dung, các nhơn vật đã nhứt quyết đạt cho bằng được một mục tiêu quan trọng đã không thành công trong các mưu đồ của họ. Sự cố gắng kiên trì của họ nhiều khi đã đưa đến những họa hại, và họ càng có nhiều mưu cơ hiểm độc thì mối họa hại lại càng lớn. Trái lại, những người đã thành công phần lớn là những người không cố tâm tranh đoạt một mục tiêu. Họ là những người tốt và hành động theo lẽ phải, theo lương tâm, chỉ lo hành hiệp giang hồ, nhưng cuối cùng lại được hưởng những kết quả mà những kẻ cố tâm tranh đoạt đã đeo đuổi một cách vô ích. Hai cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục suốt đời đeo đuổi giấc mộng khôi phục nước Đại Yên, nhưng không thực hiện được giấc mộng này mặc dầu đã đưa ra trăm phương ngàn kế. Riêng Mộ Dung Phục đã nhẫn tâm sát hại một bộ hạ trung thành nên cuối cùng bị mất hết thế lực và thành điên rồ, đi làm vua với đám trẻ con. Tây Độc Âu Dương Phong trước sau vẫn không tìm ra được bộ CỬU ÂM CHƠN KINH thật để luyện tập theo đó cho đúng cách, và bị Hoàng Dung gạt, ông đã luyện tập theo một chiều hướng ngược lại chiều hướng được dạy trong bộ Kinh thật. Tuy nhờ đó mà có một võ công đặc biệt, ông đã mất trí và chỉ còn di động bằng cách dộng đầu xuống đất, trổ cẳng lên trời. Đông Tà Hoàng Dược Sư cũng là một nhơn vật cố sức tìm CỬU ÂM CHƠN KINH. Nhưng mặc dầu đã tốn nhiều tâm cơ, ông chỉ lấy được có phân nửa bộ Kinh ấy, mà công việc này lại còn làm cho người vợ mà ông hết mực mến yêu bị chết non, để lại cho ông một vết thương lòng không lúc nào hàn gắn được.. Phần Quách Tĩnh thì không hề tìm học CỬU ÂM CHƠN KINH, nhưng lại vô tình mà học được cả bộ Kinh này. Dương Khang thì vì quyết tâm muốn làm đệ tử của Âu Dương Phong mà hạ sát Âu Dương Công Tử. Nhưng chính vì hành động này mà ông khổng được Âu Dương Phong cho thuốc giải khi ông bị nọc rắn độc vào mình và đã phải chết một cách thê thảm. Kim Luân Pháp Vương đã không làm được Minh Chủ Võ Lâm như ông ước muốn mà lại còn bị chết trong biển lửa. Trong khi đó, Châu Bá Thông, Quách Tĩnh và Dương Quá không nghĩ đến việc giành một địa vị cao trong võ lâm lại được liệt vào hàng bá chủ với các ngoại hiệu Trung Ngoan Đồng, Bắc Hiệp và Tây Cuồng. Trong tất cả các nhơn vật và đoàn thể tìm cách chiếm đoạt đao Đồ Long, chỉ có Tạ Tốn là đạt mục đích. Nhưng ông đã không tìm ra được công dụng của đao này. Diệt Tuyệt Sư Thái biết các bí mật của kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long thì lại không lúc nào cùng có hai võ khí này trong tay. Châu Chỉ Nhược với sự chỉ dẫn của bà đã chiếm được cả kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long và lấy các bí kíp trong đó. Nhưng cô đã không thành công trong việc thực hiện giấc mộng của Diệt Tuyệt Sư Thái. Cuối cùng, chính Trương Vô Kỵ, một người không hề nuôi ý muốn tranh đoạt địa vị hay bảo vật lại trở thành Minh Chủ Võ Lâm và có được các bí kíp chứa trong kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long. Trọng việc tìm TỊCH TÀ KIẾM PHỔ, Chưởng Môn Nhơn phái Thanh Thành đã tỏ ra hết sức tàn độc, nhưng đã không lấy được kiếm phổ này mà về sau còn bị vũ nhục và chết thảm vì kiếm pháp mà ông nhứt định tìm học. Phần Nhạc Bất Quần thì đã đánh cắp được bản kiếm phổ lừng danh này. Nhưng chính vì nó mà ông bị thân bại danh liệt và cuối cùng chết trong tay một hậu bối võ công tầm thường là Nghi Lâm. Các Giáo Chủ của Triêu Dương Thần Giáo cũng đã thất bại trong việc mưu đồ nhứt thống giang hồ để trường trị muôn năm. Nhậm Ngã Hành đã chết vì môn võ công tàn độc của mình là Hấp Tinh Đại Pháp. Phần Đông Phương Bất Bại thì đã luyện được công phu ghi trong QUÌ HOA BẢO ĐIỂN và thành vô địch về võ công. Nhưng chính công phu này đã làm cho ông thành ái nam ái nữ và luyến ái Dương Liên Đình, thành ra ông đã bị chết dưới tay những người võ công thấp kém hơn mình. 2) Về phía những người đã ít nhiều thành công trong việc xây dựng một sự nghiệp trong võ lâm hay trong chánh trưởng, ta có thể nhận thấy rằng phần lớn đều đã gặp rất nhiều may mắn. Hu Trúc đã tình cờ mà được các cao thủ thượng thặng của phái Tiêu Dao dồn hết công lực của họ vào mình và dạy cho các tuyệt nghệ của họ. Phần Đoàn Dự thì nhờ nuốt con Mãnh Hổ Châu Cáp để tự tử mà lại có khả năng thâu hút công lực người khác và đã ngẫu nhiên thâu hút được công lực của một số cao thủ, đặc biệt là Cưu Ma Trí, thành ra có một nội công thâm hậu. Ông đã vô tình lạc vào cái động kín mà Kiếm Phái Vô Lượng đã cố công tìm kiếm năm này sang năm khác nhưng không ra. Nhờ đó, ông đã học được phép Lăng Ba Vi Bộ. Mặt khác, mặc dầu không muốn học võ, ông đã vô tình học đuợc môn Lục Mạch Thần Kiếm. Vậy, Hư Trúc và Đoàn Dự đã nhờ sự may mắn mà trở thành những cao thủ võ lâm thượng thặng. Vương Trùng Dương sở dĩ có một công lực siêu phàm giúp ông đoạt được danh hiệu “đệ nhứt bá võ lâm” là nhờ lúc bé ông đã ăn được cái nấm mọc trên bã nhơn sâm. Đoàn Nam Đế và Âu Dương Phong được liệt vào hàng Võ Lâm Ngũ Bá vì đã ngẫu nhiên hút được huyết con lươn thần Kim Thiện Vương hay con rắn quí Bạch Long Xà. Quách Tĩnh cũng đã tăng thêm công lực sau khi tình cờ hút được huyết con rắn của Lương Tử Ông. Dương Quá trở thành một cao thủ vượt lên trên những người khác nhờ gặp được con thần điêu đưa ông đến chỗ ẩn cư trước đây của Độc Cô Cầu Bại rồi giúp ông luyện tập theo phương pháp của vị kiếm khách này, lại cho ông ăn một loại trái cây trân quí làm ông tăng thêm công lực. Trương Vô Kỵ cũng như Lịnh Hồ Xung đều toàn nhờ duyên may mà chữa đuợc nội thương và học được các môn võ siêu tuyệt. Về phần Vi Tiểu Bảo, ông đã lấy được hết tám bộ TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH mà nhiều nhơn vật và đoàn thể thèm muốn, phần lớn nhờ những gặp gỡ tình cờ hơn là vì sự cố công tìm kiếm. Phần lớn các nhơn vật trên đây đã có một bản lãnh trước rồi mới lợi dụng được sự may mắn tình cờ đến với mình. Một số đã nhờ có tâm tánh tốt và đã giúp đỡ người hoặc đã gây được cảm tình với người, hay một con vật — như trường hợp của Dương Quá và Trương Vô Kỵ — rồi mới hưởng được những kết quả tốt đẹp của một cuộc gặp gỡ phi thường. Nhưng nói chung thì đối với tất cả các nhơn vật, sự thành công đã nhờ cơ vận tốt nhiều hơn nhờ tài năng. Sự lấn thế của cơ vận đối với tài năng biểu lộ rõ rệt nếu chúng ta đem đối chiếu sự tích của Vi Tiểu Bảo và của Tiêu Phong, về các mặt thân thế, khả năng, tâm địa và tác phong, Tiêu Phong đều vượt xa Vi Tiếu Bảo. Con người Tiêu Phong là một con người đáng được mọi người kính trọng và mến phục. Nhưng đời ông toàn gặp những gian truân. Lúc thoát khỏi ngục thất của nhà vua Đại Liêu, Tiêu Phong đã có một ý nguyện rất đơn giản là tiễn các bạn Đại Lý và Đại Tống của mình về nước họ, rồi phần mình thì cùng A Tử sang ở với người Nữ Chân. Nhưng cái nguyện vọng rất nhỏ đó cũng không thực hiện được và cuối cùng ông đã phải tự sát. Trái với Tiêu Phong, Vi Tiễu Bảo tài đức kém, nhưng lại đã gặp rất nhiều cơ hội may mắn và làm được nhiều việc trên tài sức mình. Ngay đến lúc rời khỏi chánh trường, ông cũng đã cùng với cả gia đình thoát thân được một cách êm thắm. 3. Tánh chất các thông điệp chánh trị của Kim Dung liên hệ đến vấn đề tranh thủ mục tiêu. Trong các thông điệp chánh trị liên hệ đến vấn đề tranh thủ mục tiêu mà Kim Dung đã đưa ra trong các tác phẩm của ông, ta có thể thấy thoáng qua ý vị của đạo Nhân theo Nho Giáo, qua thuật Song Thủ Hỗ Bác của Châu Bá Thông. Nhưng nói chung lại thì các thông điệp này chịu ảnh hưởng nhiều hơn của nền triết lý Đạo Giáo được nêu ra trong bộ ĐẠO ĐỨC KINH. Hai nguyên tắc của ĐẠO ĐỨC KINH được Kim Dung áp dụng trong việc mô tả các nhơn vật của mình là “tri túc tri chỉ” và “bất tranh”. “Tri túc tri chỉ” có nghĩa là biết như thế nào là vừa đủ cho mình và dừng lại ở đó chớ không mong muốn đòi hỏi thêm nữa thành ra đi quá mức. Cứ theo ĐẠO ĐỨC KINH thì “tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (Chương 44), nghĩa là “biết đủ thì không bị nhục, biết dừng lại đúng lúc thì không bị nguy”. Bộ Kinh này cũng bảo rằng: “Họa mạc đại ư bắt tri túc; cữu mạc đại ư dục đắc” (Chương 46), nghĩa là “không họa nào lớn bằng việc không biết là mình đã đủ rồi; không mối hại nào to bằng việc cứ muốn thèm mãi”. “Bất tranh” có nghĩa là “không tranh giành”. Nguyên tắc này cũng được gọi là “bất vi thiên hạ tiên” (ĐẠO ĐỨC KINH, Chương 67) nghĩa là “không dám đứng trước thiên hạ”. Người không tranh giành, không dám đứng trước thiên hạ thì không bị ai thù ghét chống chọi. Bởi đó, khi tình thế đòi hỏi một kẻ có khả năng như người ấy đứng ra điều khiển thì người ấy được tất cả chấp nhận làm kẻ lãnh đạo. Trong các tác phẩm của Kim Dung, các nhơn vật muốn chắc chắn trở thành một cao thủ vô địch hoặc muốn làm vua chúa, làm Minh Chủ Võ Lâm, hoặc muốn thống nhứt giang hồ dưới quyền điều khiển của mình là những người không biết “tri túc tri chỉ” và cứ muốn tranh giành với mọi người khác để chen lên đứng trước cả thiên hạ. Bởi đó, họ đã bị sự chống báng mãnh liệt và chẳng những không đạt được mục tiêu mà có khi còn bị mang họa. Trái lại, những người không có tham vọng quá đáng, không cố tâm tranh đoạt một chức vị cao quí hay một bảo vật là những người đã theo nguyên tắc “tri túc tri chỉ” và “bất tranh”, “bất vi thiên hạ tiên” và cuối cùng, họ đã được đưa lên một chức vị cao quí hay được hưởng bảo vật mà nhiều kẻ thèm muốn nhưng không được.