Phần I

    
hánh Tổng Hoán, ngay khi còn tại chức đã có tiếng là người khắc nghiệt, cái khắc nghiệt đến độ độc ác của ông thể hiện qua những hành vi diễn ra từng ngày, nhưng ông không thấy đó là một khuyết điểm mà trái lại ông luôn tự hào cho rằng mình oai nghiêm và có uy quyền.
Với dân chúng, với kẻ ăn người ở trong nhà ông nhẫn tâm đã đành mà ngay cả với vợ con, ông cũng cứng rắn như gỗ đá, lạnh lùng như người dưng nước lã, không để lộ chút tình cảm riêng tư nào.
Dường như ông có cái thú được người ta sợ mình vì ông coi đó là một cái uy của một người vừa có chức, vừa có tiền, tha hồ tác yêu tác quái ở vùng nông thôn giữa hàng ngàn người dân thấp cổ bé miệng.
Tuổi chưa đến 50, nhưng ông khệnh khạng đóng vai già trước tuổi, và cả Tổng bất cứ ai chẳng may gặp ông, đều phải đoán ý ông mà chắp tay vái chào từ đằng xa cho phải phép:
- Con xin phép lạy cụ Chánh ạ.........ạ........
Lời chào ấy ông nghe quen tai lắm, cho nên vô phúc cho ai tình cờ gặp ông ngoài đường mà lại tỏ ra thân mật, quên không gọi ông bằng cụ: cụ Chánh hoặc cụ Tổng. Chẳng hạn anh Hào con ông thợ nung gạch trong làng, một hôm vác cuốc ngoài đồng trở về, gặp ông Chánh giữa đường, anh bỏ nón, hạ cuốc cuối đầu chào lớn:
- Ông Chánh đi dạo mát ạ, ông Chánh xơi cơm chưa ạ?
Ông Chánh coi đó là một lời bất kính, cho nên lập tức ông trừng mắt, vẫy anh Hào lại gần, rồi bất chợt tát cho một cái nảy đom đóm mắt và mắng:
- Bố mày cũng không được gọi tao bằng ông, huống chi là mày. Quân láo lếu, không biết trên, biết dưới gì cả. Lần sau còn thế tao bỏ tù nghe chửa?
Anh Hào ríu rít vâng dạ hai ba lần rồi xin lỗi bước đi, mặc dầu anh chưa biết mình có lỗi gì.
Kể ra người ta sợ ông Chánh cũng phải. Dạo còn tại chức, có lần ông lên hầu Quan Huyện để nộp tiền cho Quan ăn tết. Lúc trở về, trời cuối năm rét căm căm, lại gặp cơn mưa phùn lê thê. Ông Chánh ngồi chểm chệ trên xe, anh phu xe gò người kéo đi ngược chiều gió khiến sức nặng phốp pháp của ông càng nặng thêm gấp bội. Bất chợt anh phu xe vấp chân vào cục đá trên đoạn đường trơn làm anh ngã chúi xuống. Hai càng xe chống mạnh xuống đất, ông Chánh cũng suýt lộn cổ té theo anh. Anh luống cuống đứng dậy nâng hai càng xe lên đồng thời van lạy xin lỗi ông Chánh, nhưng cơn thịnh nộ đã nổi lên theo thói quen. Ông Chánh cầm ba toong quật lia lịa xuống đầu anh. Cái ba toong biểu lộ sự uy quyền của ông bằng gỗ mun, nặng và cứng như thép, lại bọc sắt ở đầu, nên vô phúc cho ai bị ông xuống tay.
Đánh người như thế là chuyện bình thường, ông chỉ định ra oai thôi chứ ko có chủ ý giết người, nhưng ko ngờ anh phu xe ngã vật xuống, giẫy giụa mấy cái, máu chảy chan hoà lẫn với nước mưa, chết luôn trên vũng bùn. Án mạng nặng như thế mà ko sao cả, ông Chánh chỉ tốn mất tiền lớn cho Quan Huyện để Quan ra bản án gán cho anh phu xe là người của hội kín, chống nhà nước bảo hộ, âm mưu ám sát ông Chánh Tổng, thế là xong.
Thời ấy biết bao nhiêu người đi tù oan hoặc biệt xứ vì cái tội " giả tưởng " là nấu rượu lậu hoặc tệ hơn là làm loạn chống Pháp. Uy quyền ông Chánh càng lớn hơn sau khi giết anh phu xe mà ko bị giam ngày nào, cũng không mất chức Chánh Tổng. Tiếng đồn về thân thế của ông càng lan rộng hơn khiến người ta càng sợ. Và ai bất hạnh lắm mới phải khúm núm đến gõ cửa nhà ông nhờ vả chuyện giấy tờ hoặc kiện cáo.
Ông Chánh cứ sống ung dung, nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ mà hưởng lộc của thiên hạ giữa bao nhiêu dân làng cùng khổ xung quanh.
Nhưng dòng đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, năm ấy mới ăn xong cái tết linh đình thì ông Chánh gặp cơn gia biến bất ngờ mà chưa bao giờ ông lường trước được. Đó là cô Khuê - con gái đầu lòng đang ở chung với ông, phải lòng anh Thủ - con nhà cùng đinh nghèo nát vải đến làm thuê cho ông.
Ông Chánh có hai vợ chính thức, chỉ sanh toàn con gái nên mới đây ông vừa lấy thêm bà thứ ba dĩ nhiên còn rất trẻ. Bà vợ đầu cho ông hai cô là Khuê và Cúc, Khuê năm nay vừa 19 hiền lành và khiêm tốn. Cả làng cứ khen mãi là không giống bố, ko giống bố bởi tính cô bình dị và thương người, đối xử hoà nhã với kẻ ăn người ở trong nhà.
Cách đây 6 tháng, ông Chánh tậu thêm một căn nhà ở bià làng, phá đi để xây nhà gạch mới cho bà vợ thứ ba. Nói đúng ra thì chẳng phải ông bỏ tiền ra mua cho bà vợ căn nhà ấy mà vì gia chủ gán nợ cho ông. Nhà ở vị trí thấp nên ông Chánh gọi người đến đào cái ao ở phía sau vừa để nuôi cá sau này, vừa để lấy nước đắp nền cho căn nhà mới, tránh muà lụt tháng 7 vẫn thường diễn ra khi nước sông dâng cao.
Trong số hàng chục đàn ông lực lưỡng ngày ngày hì hục lấp đất đổ nền, có chàng thanh niên tuổi vừa đôi mươi tên là Thủ, mồ côi cha, mẹ làm nghề chăn vịt, dựng chòi lợp lá sau sân đình.
Thủ với Khuê cũng là chổ quen biết từ lâu bởi thuở nhỏ Thủ có đến chăn trâu cho ông Chánh và thường đi bắt cà cuống cho Khuê vào những ngày nước lớn.
Vì cùng trang lứa nên dễ thân nhau, Khuê vẫn thường lén cha mẹ lấy kẹo bánh cho Thủ vì biết Thủ rất nghèo. Lớn lên Thủ có sức khoẻ nên cũng được ông Chánh lâu lâu gọi lại sai việc, chẳng hạn gặt lúa hay tát ao cá hoặc phụ thợ hồ lót sân gạch, và bây giờ anh có mặt trong toán người đào ao, gánh đất, đổ nền.
Mỗi buổi trưa khi nhà ông Chánh gánh cơm ra cho thợ, cô Khuê thường đi theo và trời xuôi đất khiến, cô bổng để ý đến Thủ. Cô gọi Thủ lại hỏi thăm và lâu lâu dúi cho Thủ vài củ khoai luộc vì biết sức Thủ đang lớn lại làm việc nặng nhọc cần bồi dưỡng.
Từ lâu, ông Chánh có ý định gã Khuê cho con trai đầu lòng của ông Lý Trưởng. Chẳng ngờ cô lại thích người cùng đinh, không quan tâm đến cái truyền thống môn đăng hộ đối.
Được cô chủ chiếu cố, Thủ vừa mừng vừa sợ. Mừng vì được con gái cụ Chánh đoái thương thân phận bọt bèo của mình, nhưng lại kinh sợ vì cái oai tàn độc không nương tay của cụ Chánh. Lửa gần rơm lâu ngày cứ thế mà bén dần, những ánh mắt nhìn nhau chứa chan ân tình mà chỉ hai người biết với nhau.
Đám thợ chất phác xung quanh có bao giờ tưởng tượng ra con gái ông Chánh lại thèm để ý đến thằng Thủ nghèo nhất làng. Chuyện công chúa lấy thằng bán than củi chỉ có trong cổ tích chứ làm gì xảy ra được ở ngoài đời, cho nên ko một người nào ngờ vực được mối tình thầm kín của Khuê và Thủ. Một hôm trong bửa ăn trưa tập thể, Khuê bảo Thủ:
- Anh Thủ, chiều nay anh ăn xong, anh khỏi đánh giấc nhé, anh theo tôi ra đằng kho rơm, bố tôi có việc nhờ anh đấy.
Thủ hiểu ý, nhưng trước mặt mọi người, anh làm bộ lo lắng hỏi ý:
- Bẩm cô...cụ đòi tôi có việc gì thế ạ?
Khuê vừa quay đi vừa đáp:
- Um...tôi không biết, bố tôi dặn làm sao thì tôi chỉ biết thế thôi. Anh đừng có hỏi lôi thôi.
Một người lớn tuổi hơn, lên tiếng mắng Thủ để lấy lòng cô chủ:
- Thằng này cứ hay hỏi lòng thòng, cô sai gì thì cứ làm. Gặp cụ Chánh rồi mới hỏi. Hỏi lôi thôi thì có ngày ốm đòn.
Thủ gật đầu nhìn Khuê khúm núm nói:
- Bẩm cô, xin cô tha lỗi cho, để tôi xuống rửa chân tay rồi tôi xuống hầu cụ ngay chứ không cụ lại mắng chết.
Dứt lời, Thủ với lấy cái áo nâu máng trên tàu lá chuối mặc vào rồi lao xuống vũng nước bên cạnh. Khoắng đôi bàn tay cho trôi lớp đất bùn đã khô, bết vào những kẻ. Khuê đội nón đi trước, rẽ khuất vào bên đường hai bên tre mọc um tùm. Thủ nhớn nhác chạy theo, lòng hồi hộp khôn tả. Cô dẫn anh lại kho rơm của bố cô vốn cũng là một căn nhà của nông dân bị ông Chánh siết nợ trước đây. Bà Chánh bảo cô lấy hai người khoẻ mạnh để làm lại cái chuồng bò nhưng cô chỉ gọi một mình Thủ.
Đó là lần đầu tiên hai người ngồi bên nhau trên chiếc vơng rách căn ngang căn nhà vắng vẻ, mở đầu cho những ngày hội hợp kế tiếp và cũng là bắt đầu một thảm kịch ghê gớm xảy ra cho gia đình ông Chánh
Một buổi sáng Khuê chạy ra tìm Thủ lúc mặt trời mới lên lưng chừng ngọn tre, trái với thời khóa biểu thường lệ là cô chỉ thường theo người nhà gánh cơm trưa ra cho thợ. ông Chánh lúc này hay ở bên nhà vợ lẽ cho nên Khuê đi lại tương đối tự do. Bà Chánh thì lại khuyến khích con quán xuyến việc nhà, điều động thợ cấy thợ gặt, và kiểm tra trâu bò, cả việc đừng để tài sản lọt vào tay các bà vợ bé của ông Chánh.
Chuyện tình giữa Khuê và Thủ chỉ một thời gian ngắn, đám thợ gánh đất đã biết gần hết và tò mò, bàn tán với nhau. Bàn tán với nhau thôi, chứ không ai dám loan tin công khai cho xóm làng, vì ai cũng sợ uy ông Chánh. Hỏi Thủ thì Thủ vẩn chối vì sợ đến tay ông Chánh sẽ ốm đòn. Có hôm Thủ tâm sự hết với mẹ trong buổi cơm tối, làm bà mẹ kinh hãi lặng người rồi ứa nước mắt than:
- Giời ơi, nếu quả như thế thì nhà mình hết phúc rồi con ơi! Cụ Chánh mà biết được thì đời nào cụ ấy để yên cho, mày chết rũ tù thôi con ạ!
Thủ cũng sợ lắm, nhưng vẫn nói cứng:
- Mẹ cứ nói thế chứ cha mẹ nào chả thương con, nhất là cái Khuê nó là con gái đầu lòng của cụ Chánh mà. Cụ ấy chìu nó lắm, nó bảo con là nó sẽ nói khéo với cụ Chánh để cụ ấy cho tụi con lấy nhau.
Bà mẹ lắc đầu thở dài:
- Con ơi là con....Tai họa đến nơi rồi mà ko biết cái gì hết. Đỉa đeo chân hạc thế nào được? Người ta giàu sang phú quý như giời, còn mình thì bất quá cũng như cái đứa ăn mày trong làng, mò cua bắt ốc sống qua ngày còn chưa nên thân nữa con ạ. Đời nào người ta đoái hoài đến mình!
Rồi bà lau nước mắt, cay đắng tiếp:
- Để mẹ nói nhé! Cái trò đời hễ trèo cao thì ngã đau. Người ta bảo Tình nghê vui thú tình nghê, tép tôm thì lại vui về tép tôm. Mày phải biết thân, biết phận mà chấm dứt ngay đi con ạ! Không thì lại mang họa vào thân. Khổ mày mà lại khổ lây cả mẹ đấy con ạ.
Bà ngừng lại để thở, nước mắt trào ra trên khuôn mặt nhợt nhạt. Khuê rón rén tuột xuống quỳ trước mặt mẹ và thút thít van xin:
- Mẹ, con trót dại. Mẹ ơi, xin mẹ cứu con!
Bà Chánh dùng ngón tay dí mạnh vào trán con khiến Khuê té ngửa ra, bà nhắc lại:
- Nhưng mà mày ngủ với thằng nào? Nói, nói mau. Nói để tao bảo bố mày gan họng nó ra, tống cổ nó vô tù.
Khuê lại quỳ lên và ấp úng đáp:
- Dạ..thưa mẹ..anh...anh..Thủ..Nhưng mà..lỗi tại con, lỗi tại con!
Bà Chánh ngữa mặt lên trời, giơ hai cánh tay, gào lớn hơn:
- Thằng Thủ? Con thương thằng chăn vịt? Ối Giời cao đất giải ơi! Con tôi nó cành vàng lá ngọc mà nó đem thân cho cái thằng mã nó dày vò. Giời ơi, con ơi là con, khôn ba năm, mày dại có một giờ. Ối Giời đất ơi, trông xuống đây này ông Giời ơi! Tôi có ngờ đâu...
Rồi bà ngồi phịch xuống giường rồi hai mẹ con cùng khóc, Khuê đi bằng đầu gối lại gần, gục mặt trên lòng mẹ, nước mắt đầm đià ướt đẩm cả lớp váy đen nhánh của bà.
Ba hôm sau, ông Chánh Tổng mới từ bên nhà vợ bé trở về. Bà Chánh đã khóc hết nước mắt, người gầy rạc đi, hố mắt trủng sâu, nét mặt bơ phờ như người mắc bệnh hậu sản. Bà vừa giận vừa thương, ngẩm nghĩ cố tìm lời van xin cho con gái bởi biết tính chồng bà hết sức nhẫn tâm.
Buổi tối lên giường, bà tỉ tê kể hết mọi chuyện. Ông Chánh ngồi bật dậy, vớ cái gối mây quăng mạnh vào tường làm rớt bức tranh mạc thủy xuống nền gạch, mảnh thủy tinh vỡ vụn, bắn tung toé. Ông chạy lao sang buồng con gái, bà Chánh đã chuẩn bị trước, cuống quýt chạy theo ôm lấy hai chân ông và bảo:
- Ông ơi, ông ơi, chuyện này trong nhà ngoài ngỏ chưa ai biết cả, chỉ có mình ông với tôi, ông định làm ầm lên hay sao? Còn gì là thể diện của ông nữa? Nhà mình kẻ ăn người ở nó đầy dãy ra, đừng để tiếng xấu nó lọt ra ngoài.
Ông Chánh hất mạnh, đẩy văng bà vợ ngã lăng ra rồi nghiến răng trèo trẹo:
- Tôi phải giết con khốn nạn này, thứ voi dày ngựa xéo ấy để sống làm gì cho nhục nhã dòng họ nhà mình. Tôi giết nó, tôi giết nó rồi tôi tống mẹ con thằng kia vào tù.
Bà Chánh lại lao tới, ôm chặt cả hai chân ông và tha thiết nói:
- Ông ơi ông, tôi van ông mà, tôi cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Hổ dữ cũng không ăn thịt con mà huống chi là người. Chuyện ấy nó lỡ ra rồi, mấy hôm nay này, tôi xé gan xé ruột, mất ăn mất ngủ ông cũng thấy đấy. Nhưng mà con tôi, tôi rứt ruột đẻ ra, chả lẻ...chả lẻ...tôi làm sao bây giờ? Ông ơi, ông tha nó, tôi xin ông, tôi lạy ông mà.
Ông Chánh vẫn bước đi, kéo lê bà Chánh trên nền gạch, bà cố bám chặt hai chân ông và sụt sùi tiếp:
- Ông thì ông cứ đi biền biệt chả mấy khi về nhà, tôi thì tôi chỉ có mình nó với cái Cúc. Ối Giời ơi, tôi lạy ông mà, tôi trăm lạy ông, tôi ngàn lạy ông, ông tha nó ông ơi....
Ông Chánh vẫn cương quyết:
- Bà im đi, chẳng thà tôi ko có nó.
Nói thế, nhưng ông lảo đảo quay vào, tiến lại giường và nằm vật xuống, rên hử hử như người lên cơn suyển. Trời đất quay cuồng trước mắt ông, ông đã tự coi mình là danh gia vọng tộc không phải chỉ riêng với cái tổng này mà hơn thế nữa, cả tỉnh cả huyện, còn phải kiêng nể ông. Thế mà nay con ông đưa ông vào cảnh xấu hổ nhớp nhơ như thế này thì ông sống làm sao được?
Xã hội Việt Nam có những truyền thống sai lầm nhưng được chấp nhận từ đời này qua đời khác, chẳng hạn như trường hợp của ông Chánh, trọng hư danh hơn là cả mạng con người, dù mạng người ấy chính là con gái của mình. Sợ xấu hổ vì tiếng đồn đến nổi muốn con gái chết đi cho đỡ nhục.
Ông nằm vắt tay lên trán nghĩ cách trừng trị con gái và nhất là thủ đoạn thả thù thằng khố rách áo ôm, con bà chăn vịt ngoài tỉnh làng phải đền tội, nó làm ông mất mặt với xóm làng, Quan trên trông xuống, người ta trông vào.
Bà Chánh thấy chồng nằm im, cả mừng trong lòng, rón rén đến ngồi ké xuống bên cạnh rồi đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề, nhưng ông Chánh dường như không nghe thấy gì nữa, ông nhắm mắt ko nói lời nào. Một lúc sau, ông ngồi bật lên và nghiêm khắc bảo vợ:
- Ngày ngày mai tôi không còn muốn nhìn thấy mặt con Khuê trong căn nhà này nữa, bà bảo nó đi đâu thì đi cho khuất mắt tôi. Tôi mà nom thấy nó thì bà đừng có trách tôi.
Bà Chánh khổ sở nói:
- Nhưng mà nó bụng mang dạ chửa, đi đâu bây giờ? Tôi xin ông để tôi thu xếp, tôi đưa nó lên tỉnh, thuê nhà trọ cho nó. Sanh nở xong, mẹ tròn con vuông rồi thì tôi đón nó về, ông không muốn nuôi cháu ngoại thì tôi đem cho các bà sơ trong viện mồ côi cũng được.
Ông Chánh gạt vợ sang một bên và cứng rắn nói:
- Tôi cấm bà không được can dự vào việc này, tôi cấm bà. Bảo nó khăn gói cút đi khỏi làng này ngay ngày mai. Tôi kỳ hạn cho nó nội nhật ngày mai phải xéo khỏi nhà tôi. Đi đâu cũng được, chết bờ chết bụi, mặc kệ nó. Còn không cho nó một liều thuốc độc, riêng mẹ con thằng Thủ thì tôi sẽ cho rủ tù.
Bà Chánh toan lên tiếng tiếp tục xin cho con, nhưng vừa mở miệng, ông Chánh đã gạt ngay:
- Bà câm đi, đừng để tôi lộn tiết, tôi bóp cổ nó chết tươi ngay bây giờ.
Rồi ông bước lại, mở tủ lấy ra chai thuốc độc để trên mặt bàn, bên cạnh cái đĩa bát và nhấn mạnh:
- Thuốc đấy, bà đưa cho nó, chết quách đi cho tôi đỡ ngứa mắt.
Bà Tổng vốn biết tính chồng nên sợ hãi ngồi im rồi rón rén xuống bếp lấy chổi lên quét mảnh thủy tinh văng vãi trong buồng.
Nhà có đến ba người làm nhưng giờ phút này bà không muốn câu chuyện chửa hoang của con lọt ra ngoài nên bà đành làm lấy. Vừa quét nhà, bà vừa liếc lọ thuốc độc trên bàn rùn mình. Lọ thuốc ấy chồng bà mua của ông thầy tàu đã lâu, không biết mua nhằm mục đích gì? Lúc nào cũng được cất kỷ trong tủ. Chẳng ngờ chồng bà còn nhớ mà lôi ra trong cơn hoạn nạn này.
Quét nhà xong, bà Chánh mang chổi xuống bếp rồi sang phòng của con gái. Tuy đau khổ, nhưng bà vẫn còn mừng là ông Chánh chưa xuống tay nặng nề với Khuê.
Ông đã từng cầm ba ton đánh chết anh phu xe mà không mảy may hối hận chút nào thì huống chi gặp lúc uất hận con gái, ông dễ gì buông tha?
Đứa em khác mẹ của Khuê, tức là con bà vợ thứ hai của ông Chánh, đi xem hát chèo rồi hẹn hò với trai. Ông Chánh biết được, đã hầm hầm chạy sang lấy đòn gánh phang gãy một chân, làm con bé 16 tuổi phải bó bột, buộc thuốc đến mấy tháng mới đi lại được bình thường.
Bà Chánh nhè nhẹ đẩy cửa bước vào, ngọn đèn dầu leo loét đặt trên nóc tủ soi mờ khuôn mặt thảm nảo của Khuê, Khuê giật mình ngẩng lên.
Từ chập tối đến giờ, cô vẩn lo âu chờ đợi cơn thịnh nộ của bố, và ngạc nhiên chưa thấy bố cô lao sang trừng trị như cô dự đoán. Bà Tổng bước vào hỏi nhỏ:
- Cái Cúc nó đâu?
Khuê lau nước mắt đáp nhỏ:
- Dạ nó vừa đi tắm, lúc nãy nó có hỏi thăm con, con kể hết đầu đuôi cho nó nghe rồi, nó cũng khóc và hứa với con là nó sẽ giữ kín.
Bà Chánh thở hắt ra rồi cầm cái quạt nan phẩy cho con đỡ nóng. Bà rơm rớm nước mắt kể cho con tất cả những điều ông Chánh vừa nói. Ý ông đã quyết, ko lay chuyển được nữa: Một là Khuê trốn khỏi làng, hai là tự vẩn để khỏi làm nhục gia cang. Rồi bà sục sùi kết luận:
- Mẹ chỉ cứu con được đến thế thôi, hiện bố con nóng lắm. Thôi thì con chịu khó lánh đi một thời gian. Mai kia sanh nở xong, tao sẽ nói khéo với bố mày để xin cho mày về.
Khuê cảm động ôm lấy vai mẹ, bà tổng nhìn ra sân rồi tiếp:
- Bây giờ trời tối quá, sáng mai con gặp thằng Thủ sớm nhé, bàn định với nó xem như thế nào? Đem nhau đi đâu thì đi. Tiền bạc không phải lo, mẹ cho con một ít làm vốn. Với lại mẹ cho con đôi hoa tai của mẹ phòng khi túng thiếu....
Nói được bấy nhiêu, bà Chánh xúc động rồi khóc, Khuê tuột xuống giường, lau nước mắt rồi quỳ xuống chắp tay lạy mẹ ba lạy và nói:
- Vâng, con xin vâng lời mẹ. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ, có nơi có chốn rồi con sẽ tìm cách liên lạc về, con sẽ thuê người đưa tin về cho mẹ.
Bà Chánh đỡ con gái dậy và bảo:
- Thôi, con đi ngủ đi. Nhớ sáng mai con chạy ra gặp thằng Thủ ngay rồi thu xếp mà đi. Chờ nhá nhem tối hẳng đi, đừng có cho người ta nom thấy. Lên huyện là tiện hơn cả, đây lên huyện là chỉ một đường thôi, phố huyện đông đúc, chả ai biết mình là ai. Đến phố huyện thì thuê buồng trọ ngủ tạm qua đêm rồi từ từ tính. Có việc gì thì thuê người tính cẩn đưa tin về cho mẹ. Dặn họ là tìm cách gặp riêng mẹ thôi nhá, đừng cho bố con biết nhá, nhớ đấy!
Bà quay ra khép cửa lại và trở về buồng bên kia với chồng.
Sáng hôm sau, Khuê cắp nón ra tìm Thủ thật sớm, nhưng Thủ đã bỏ trốn từ hôm qua sau khi Khuê báo tin có bầu, ko dám đến khiêng đất nữa. Cái uy và cái ác của ông Chánh lớn lắm, lại thêm lủ đồng nghiệp bàn ra tán vào làm thủ hoảng hốt ko còn can đảm đi làm vì sợ ông Chánh bất chợt cho người ra bắt trói, giải lên huyện.
Khuê cũng đoán Thủ sợ bố mình nên nằm lì ở nhà, cô tất tả đến thẳng nhà Thủ, tức là cái chòi lá dựng sau đình làng. Bà Lưu, mẹ Thủ đang đứng ở bờ ao cầm cái que đuổi vịt, giật mình thấy con gái ông Chánh Tổng Hoán, hạ cố đến thăm con trai mình, bà vội lật đật chạy lại đón và dáo dác nhìn quanh xem Khuê có đem theo người đến bắt mẹ con bà hay không?
Ở nhà quê, những người thấp cổ bé miệng luôn luôn sợ hãi bất cứ ai quyền thế hơn mình, nhất là những ông Lý, ông Chánh dù đã mản nhiệm. Khi biết chắc Khuê chỉ có một mình, bà Lưu hồi hộp nói:
- Dạ chào cô ạ, cô lại chơi ạ?
Khuê gật đầu:
- Không dám, cháu chào bác ạ. Thưa bác, anh Thủ có nhà không ạ?
Mẹ Thủ tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Ơ hay..Tôi tưởng nó đi làm bên hai cụ rồi ạ?
Vừa nói bà vừa đăm đăm nhìn Khuê dò xét vì Thủ đã cho bà biết là Khuê có chửa, Khuê thất vọng đáp:
- Thưa hôm nay anh ấy không có ra gánh đất ạ.
Bà mẹ ngơ ngác hỏi lại:
- Thế thì nó đi đâu ạ? Lạ nhỉ?
Khuê ứa lệ nhìn quanh sân đình, thời gian gấp rút quá rồi, nội ngày hôm nay cô phải gặp Thủ để cùng trốn khỏi làng. Hành trang và tiền bạc, mẹ cô đã để sẳn. Cô hỏi bà Lưu:
- Thế anh Thủ đi lâu chưa bác?
Bà mẹ nhấn mạnh:
- Thì cũng như mọi khi, sáng dậy nó ăn tạm bát ngô rồi vác xẻng đi ngay, tôi tưởng là cả tuần nữa mới đổ nền xong ạ.
Khuê hớn hở đáp:
- Vâng thì cả tuần nữa mới xong ạ.
Rồi cô đứng tần ngần ngó ra sân đình, bà Lưu nhìn nét mặt xanh xám lo âu của Khuê, lòng thương cảm vô biên, bất đắc dĩ nói:
- Hay là rước cô vào nhà ngồi chơi tạm chờ nó về ạ.
Khuê cũng bất đắc dĩ phải theo bà Lưu chui vào túp lều xiêu vẹo của mẹ con bà. Cô mủi lòng nhìn giang sơn nhỏ bé và hôi hám của người yêu, chỉ có mỗi chiếc võng nhỏ cho bà ngủ, còn Thủ thì nằm trên cái ổ rơm ngay bên cạnh mấy cái thúng ấp trứng vịt. Bà Lưu ngượng ngùng xoa tay phân trần:
- Dạ..Cái thằng Thủ...nó có nói chuyện với tôi...Cô có lòng đoái thương đến nó..Thật quý hóa quá ạ....nhưng mà tôi biết chắc là ko đời nào hai cụ mới bằng lòng vì...vì hai mẹ con tôi là cùng đinh trong cái làng này. Nói cho cô thương nhá, tôi chỉ có mỗi mình nó, bố nó chết lúc nó mới lên ba, tôi mới vừa 22, ở góa cho đến bây giờ. Mẹ góa con côi đùm bọc lấy nhau cho nên chỉ...chỉ đủ bửa cơm bửa cháo thôi. Thôi thì duyên giời đã sắp đặt, cô với nó liệu thế nào mà thu xếp với nhau.
Bà đang nói giở thì Thủ về bằng con đường nhỏ chạy ngang trước cánh đồng ngô. Thủ đi ra, lấm lét nhìn tứ phía như đang rình ăn trộm. Từ hôm qua đến bây giờ anh lo lắm, chỉ sợ ông Chánh cho người đến bắt nên lúc nào cũng nơm nớp trốn tránh, hễ ra khỏi nhà thì dáo dác nhìn quanh. Sáng nay Thủ cũng định đi gánh đất như thường lệ nhưng nữa đường anh nghĩ lại và bỏ cuộc, anh biết chắc hôm qua Khuê đã thú tội với ông Chánh như vậy chỉ nội hôm nay ông Chánh sẽ có phản ứng. Đoán thế anh vác xẻng quay về, quay về nhưng ko dám vào nhà, anh thơ thẩn trong vườn ngô, nhìn về hướng sân đình xem động tỉnh thế nào, cứ tưởng ông Chánh cho người đến bắt hóa ra chính Khuê tới tìm. Thủ mừng quá từ bãi ngô hấp tấp lao lên về, hồi hộp hỏi Khuê:
- Em tìm anh đấy ư? Ở nhà ra sao rồi? Anh lo quá.
Bà mẹ bỏ ra bờ ao để con bà nói chuyện riêng với Khuê. Cô vắn tắt trình bày sự thể rồi điềm tỉnh kết luận:
- Không có nán lại được nữa đâu anh ạ, phải đi thôi. Thầy em không đánh em là may lắm rồi nhưng mà kỳ hạn cho em là nội nhật hôm nay phải bỏ làng. Thầy bảo một là em đi xa, hai là em uống thuốc độc tự vẩn để khỏi làm nhục dòng họ. Em chết đã đành nhưng mà đứa con trong bụng thì phải làm sao? Tiền bạc em sẽ bọc đầy đủ, mẹ em dúi cho em cả mấy chỉ vàng, anh ko phải lo gì nữa hết, anh chào mẹ anh đi rồi lấy mấy bộ quần áo mang theo. Thôi em về nhé, chiều nay độ 6 giờ, trời nhá nhem tối thì anh ra kho rơm nhà em, em chờ sẵn ở đấy rồi mình cùng đi lên huyện. Anh cứ đi đi đã, rồi mình tính sau, anh nhớ nhé! Thôi em về đây, về thôi kẻo mẹ mong. Đúng 6 giờ nhé, vãng bóng một chút là mình đi đấy, nhớ là 6 giờ nhé, đừng có để em đợi.
Thủ cực kỳ cảm động, anh nghĩ đến những thống khổ mà Khuê phải chịu đựng cả mấy ngày hôm nay dưới bàn tay sắt của ông Chánh Tổng làm anh thương nàng muốn khóc, anh nhìn theo Khuê chờ cô đi thật xa, anh mới quay vào bàn chuyện với bà mẹ. Bà Lưu sụt sùi khóc rồi bảo:
- Cũng may được bà Chánh là người nhân nghĩa biết thương con, chứ ko ông Chánh đã cho người đến trói mày tống vào tù rồi. Thôi thì con cứ ra đi. Buổi đầu thì cô ấy lo, mẹ chẳng có gì cho con nhưng mà trai tráng như con, lưng dài vai rộng chả sợ chết đói. Khi nào cô ấy sanh nở thì tìm cách báo cho mẹ, mai kia Giời thương, con có chổ ăn chổ ở tử tế thì tao bỏ quách cái làng này ra ở với con, nom cháu cho hai đứa chúng mày đi làm.
Thế là Thủ lóng ngóng sắp xếp hành trang chuẩn bị lên đường.
Nhưng đến chiều sắp đến giờ hẹn thì bà Lưu nghĩ ra một điều ghê gớm làm bà hết sức hãi hùng, bà dè dặt nhìn Thủ và giảng:
- Mẹ nghĩ lại rồi, không xong con ạ. Mẹ áng chừng ông Chánh gài bẫy để bắt con chứ chẳng để con ra đi an lành với con gái người ta như thế đâu. Ông Chánh mà! Ai còn lạ gì, ác có tiếng lẽ nào việc này lại dễ dãi như thế!
Thủ yếu ớt cãi:
- Nhưng mà...nhưng mà chính cái Khuê nó bảo con mà mẹ.
Bà mẹ ngắt lời:
- Con để mẹ nói đã, tối nay con ra chỗ hẹn với cái Khuê, ông Chánh sẽ cho người phục sẵn ở đấy. Cái Khuê làm gì chả bọc theo tiền bạc vòng vàng mẹ nó cho, ông Chánh sẽ vu con cái tội là xúi cái Khuê ăn cắp của ông Chánh, tang chứng rành rành, còn chối vào đâu được? Ổng tống mày vào tù, chúng nó sẽ đánh mày nhừ tử, còn sống mà về được thì cũng thân tàn ma dại, chi bằng....
Thủ ngồi nhìn đăm đăm ra cửa, bà mẹ đã nói đúng cái điều mà anh phân vân từ sáng đến giờ. Anh cũng đã từng thắc mắc là tại sao ông Chánh bây giờ lại dễ dãi như vậy? Con gái chửa hoang mà chẳng đánh đập gì cả. Biết con gái chửa hoang với Thủ mà từ mấy hôm nay ông ko hề cho người đến gọi Thủ vào trị tội. Chuyện lạ quá, không thể tin được. Chính mấy thằng bạn thân gánh đất chung với Thủ cũng từng đoán như mẹ Thủ và khuyết phục Thủ phải đề phòng ông Chánh vốn nổi tiếng là tay thủ đoạn lại có thế lực. Bây giờ nghe mẹ phân tích, Thủ lại càng thấy mình đang tự đem thân nộp mạng. Còn đang nghĩ ngợi thì bà mẹ lại lo âu vội tiếp:
- Trăm phần trăm là giăng bẫy con ơi! Con đi là trúng kế ông Chánh, có thể chính cái Khuê cũng ko biết là bị bố nó lừa. Ông Chánh nham hiểm có tiếng, con nên tránh đi thì hơn. Không có nên ra gặp cái Khuê, mà tối nay cũng đừng có ngủ ở nhà, sang tạm ngủ ở nhà thằng Tuất đi vậy.
Thủ áy náy nói:
- Nhưng mà...nhưng mà ko đi cũng phải chạy ra báo cho cái Khuê nó biết chứ mẹ. Chả lẽ bắt nó chờ cả đêm ở ngoài ấy à?
Bà Lưu lắc đầu:
- Đã bảo là con mà ra đến đấy là người nhà ông Chánh nó tóm cổ ngay. Họ phục sẳn để bắt con mà lại. Cái Khuê nó chờ một lúc ko thấy thì nó về chứ lo gì.
Rồi bà nhìn ra sân, giọng đấm để hơn:
- Mẹ chỉ có mình mày thôi đấy nhé. Nói dại lỡ mà con có bề gì thì mẹ làm sao mà sống được. Nghe lời mẹ đi, sang nhà thằng Tuất mà ngủ, sáng mai ko thấy dộng tỉnh gì thì lại về.
Thế là Thủ xiêu lòng không ra kho rơm gặp Khuê nữa, anh chờ trời tối hẳn lẻn qua nhà người em họ ngủ nhờ.
Ở ngoài kho rơm, Khuê ôm cái túi quần áo lóng ngóng đứng chờ mãi. Chập tối bà Chánh tiễn con ra tận cổng có cái Cúc đi theo bên cạnh, bà nắm tay Khuê dặn dò vài câu rồi thút thít khóc đứng trông theo dáng đi xiêu vẹo của con. Cúc oà lên khóc lớn khiến mẹ đang tan nát cõi lòng cũng phải đưa tay ngăn lại, sợ người làm và hàng xóm nghe thấy.
Ông Chánh Tổng thì đứng trên thềm chống nạnh hầm hầm nhìn ra không một chút thương xót. Bà Chánh và Cúc muốn theo tiễn thêm một quảng đường nhưng ông hắng giọng nhắc nhở hai người quay vào, để mặc Khuê lầm lũi bước đi.