Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
XXVII & XXVIII

     ebecca, Esther cùng nhìn ra biển, hy vọng sẽ trông thấy chiếc Euxin. Biển đang động và sóng lớn. Hành khách trốn hết vào phòng. Vợ của Max vẫn đứng trên bong. Esther thì đang say sóng như đa số hành khách khác. 800 người Do Thái đang đi trên chiếc Adassa, chồng chất lên nhau. Người đau cũng không nằm được vì phòng quá chật, mà đứng trên bong cũng không được vì sóng quá to. Adassa kêu răng rắc và tiến thật chậm. Khoảng 9 giờ tối, một ông già chịu không nổi lăn ra chết lại càng tăng sự hỗn loạn trong tàu. Hành khách kết tội thuyền trưởng thiếu kinh nghiệm và không biết duy trì trật tự trên tàu. Có rất nhiều Y sĩ trên tàu nhưng cũng chẳng làm gì được trước các con bệnh say sóng; khoảng nửa đêm lại thêm một người chết. Xác chết được đặt lên bong tàu. Cho đến viên thuyền trưởng cũng say sóng. Mọi việc đều do viên kỹ sư điện khí lo hết; đó là một người còn trẻ tuổi và đầy cương nghị. Ông ta ra lệnh vứt hai xác chết xuống bể và khuyên mọi người bình tĩnh:
- Ngày mai chúng ta sẽ đến Istamboul. Ai đau sẽ được đưa vào bệnh viện, chúng ta sẽ tổ chức chuyến đi lại theo phương thức khác, vì bây giờ có nhiều hành khách trên tàu quá. 
Trật tự có vẻ được vãn hồi, nhưng cơn bão tăng dần lên. Khoảng hai giờ sáng, Adassa có vẻ sắp vỡ, vì sóng đánh mạnh quá. Người ta đành phải nhốt hành khách vào phòng. Vì thế một người đàn bà nổi điên, thế là tốn một căn phòng để nhốt riêng bà ấy ra. Nhiều tiếng khóc la, con nít, người lớn, làm hành khách mất tinh thần. 
Trước khi trời sáng, trong lúc bão tố không ngớt hoành hành thì máy tàu đứng hẳn. Trong cảnh chen lấn nhau, một số hành khách cầu nguyện, số khác ngồi than vãn, có kẻ thì nguyền rủa ban tổ chức chuyến đi. Viên thuyền trưởng mới của Adassa kêu cứu SOS và tuyên bố với hành khách:
- Ai cố chịu đựng đến sáng sẽ được cứu sống. Quý vị cần giữ gìn sức lực, giữ vững tinh thần. Chúng ta sẽ được cứu thoát. 
Nước đã tràn vào tàu. Nhiều toán đặc biệt cho tát nước, nhưng chẳng thấm vào đâu, chỉ mỗi giờ một nhọc nhằn thêm mà thôi. 
Máy phóng thanh lại loan tin: 
- Ai gây ra hỗn loạn sẽ bị nhốt, cứ yên trí là chúng ta sẽ được cứu thoát, vì điện đài làm việc không ngừng. Adassa chưa bị hư hỏng gì, nhưng bão lớn quá. Quý vị cố giữ bình tĩnh. 
Vào lúc 5 giờ sáng, máy phóng thanh lại yêu cầu hành khách giữ bình tĩnh, bờ biển không còn xa bao nhiêu, Adassa đã tiếp tục chạy được dù một máy thôi. Tàu đang tiến dần vô đất liền.
Hành khách đang đau đớn vì sợ hãi, vì sóng biển và tuyệt vọng đã ngỡ thấy đất liền trước mắt dù mắt họ đang nhắm kín. Tuy không phải là «Mảnh đất hứa hẹn» nhưng vẫn là đất liền, hy vọng sống sót bừng lên như một đám cháy. Họ bắt đầu hát các bài thánh ca, những bài hát tán dương uy quyền của đấng Toàn năng. 
Máy phóng thanh lại loan báo:
- Hai ca nô cứu nguy đang đến gần. Quý vị ráng giữ bình tĩnh. 
Động cơ thứ hai đã nổ lại nhưng đang còn yếu, cơn bão thì vẫn chưa dịu. Nhưng niềm hy vọng đã thắng được mệt mỏi và bệnh say sóng. Hai chiếc xà lúp chở cảnh sát và nhân viên hải cảng đang tiến dần về chiếc Adassa trước khi trời sáng, và một câu hỏi trước tiên qua loa phóng thanh:
- Tàu các ông thuộc quốc gia nào? 
Thuyền trưởng Adassa trả lời: 
- Chúng tôi đang đi Palestine. Tàu chúng tôi bị tắt máy, hành khách lại quá đông, nhiều người đã ngã bệnh, hỗn loạn hết sức. 
Từ phía chiếc xà lúp trắng, lại có câu hỏi như cũ: 
- Chúng tôi hỏi tàu các ông thuộc quốc gia nào? 
- Chúng tôi là những người Do Thái đi lánh nạn.
- Thế thì, một tàu trục sẽ đến, quí vị cứ giữ bình tĩnh, giấy tờ của tàu đâu hết? 
Thuyền trưởng Adassa nói như hét lên: 
  - Các ông hãy lấy bớt số hành khách lên ca nô, và chở hộ số bệnh nhân trong lúc chúng tôi chờ tàu trục đến. Nhẹ bớt đi, Adassa chúng tôi cũng có thể chầm chậm tiến vào bờ được. 
Một viên chức trên chiếc xà lúp lại hỏi: 
- Có bệnh dịch nào xảy ra trên tàu các ông không? 
- Tất cả chúng tôi đều đang bệnh và say sóng cả. Ông già, đàn bà và trẻ con cần được mang đi càng sớm càng tốt. Họ không thể chịu đựng thêm nữa.
- Các ông cứ bình tĩnh. Lát nữa thôi, sẽ có tàu cấp cứu đến. Các ông bảo là tàu không tổn hại gì nhiều, vậy cứ bình tĩnh chờ xem. 
Thế rồi, hai chiếc xà lúp rẻ sóng biến mất. 
Lúc trời sáng, lại có thêm hai chiếc tàu nhỏ xuất hiện mang theo đầy đủ nhân viên y khoa. Họ lên bong tàu, vào tận các phòng, phân phát rượu «Rhum», thuốc lá, nước chanh. Họ mang theo những hộp thiếc sơn trắng với đầy đủ thuốc men, mọi hành khách đều được săn sóc chu đáo suốt cả buổi sáng. 
Adassa vẫn từ từ tiến một cách mệt nhọc. Đất liền không gần như người ta loan báo hồi đêm. Tuy nhiên tàu cũng không còn xa bờ bao nhiêu. Giữa trưa lại có một chiếc tàu nhỏ khác mang ký giả và đại diện các cường quốc lên tàu. Như thế là số phận của Adassa đã được biết đến. Người ta bàn tán về sự man rợ của Đức quốc xã đã vứt hơn tám trăm người trên một chiếc tàu quá nhỏ, vừa đủ để chở chừng 100 người thôi, thiếu thủy thủ đoàn, thiếu phương tiện cứu cấp.
 Mấy người đàn bà mặc đồng phục màu trắng đưa cho hành khách trên tàu những dây thắc lưng cấp cứu mà họ bắt hành khách phải buộc lại và xem kỹ thử dây đã được buộc chặt chưa. Mọi hành khách nhận thêm một cây đèn gắn trên ngực nhờ một sợi dây. Người ta giải thích: 
- Đó là những phương tiện tối tân để cấp cứu. Nếu tàu chìm vào ban đêm, nhờ những dây buộc có đèn nầy tàu cấp cứu có thể thấy rõ nạn nhân và đến vớt lên dễ dàng. 
Viên thuyền trưởng Adassa hỏi: 
- Độ mấy giờ thì tàu trục sẽ đến đưa chúng tôi vào bờ? Chúng tôi đang chen lấn nhau quá sá mà sóng thì... 
- Đó là một tội khả ố nhất mà tôi chứng kiến trên đời. Một người Anh bảo thế, gần như run lên vì giận. Rồi tiếp tục:
- Để cho 800 người rời hải cảng trên một chiếc tàu nhỏ bé, cũ kỹ không máy móc, không phương tiện cấp cứu... Thế thì giết họ đi cho rồi. Đây là một cuộc sát nhân tập thể. Một chiếc tàu như thế này, thật không tôn trọng luật lệ quốc tế về hàng hải, không có thủy thủ đoàn giỏi, không có thuyền trưởng... Chính phủ Lỗ ma ni sẽ bị truy tố trước tòa án quốc tế về tội quái quỉ này đối với nhân loại. 
Thân hình cao và mảnh khảnh của người Anh run lên vì giận dữ. Một luật sư Do Thái đến gần ông ta và hỏi: 
- Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Palestine cần bao nhiêu ngày? 
- Nhưng ông có giấy tờ hợp lệ để đi Palestine không? 
Một ông già trả lời ngay cho người Anh vừa hỏi câu đó:
- Chúng tôi đều là Do Thái cả. Người Do Thái không cần giấy tờ để vào chính xứ sở của họ, mà Palestine là chính xứ sở của Do Thái cơ mà. 
Người Anh nhìn vào mặt của ông già. Việc Do Thái trở về Palestine là ngược với quyền lợi của đế quốc Anh, nên điều ông già vừa nói là một thách thức lớn. Người Anh bèn thay đổi câu chuyện: 
- Dân tộc như Lỗ ma ni chưa đủ khả năng để tự trị. Một nước man rợ đến thế này cần được sống dưới chế độ bảo hộ. Sứ mạng của các nước văn minh là kiểm soát những quốc gia man rợ. 
Một người tóc vàng của sở báo chí Đức quốc phụ họa thêm: 
- Đúng đấy, đó là bổn phận của các nước có văn hóa và văn minh. Một người Do Thái có bộ râu quai hàm lớn vừa nói vừa khóc:
- Tôi không muốn chết trước khi đụng được «Mảnh đất hứa hẹn» dù chỉ là đụng bằng đầu ngón chân của tôi thôi cũng được. 
Người Anh đang nhìn vào một người đàn bà đang ẵm một đứa bé tóc hung trong tay, người đàn bà năn nỉ: 
- Ông có thể mang cháu qua ca nô của ông được không? Tôi thấy là cháu khó có thể sống được để chờ tàu trục đến cứu. Chờ như thế sẽ chậm mất thôi. 
- Bà có thể hỏi các viên chức có thẩm quyền hơn, vì chỉ có họ mới có thẩm quyền quyết định mọi việc. Tôi chỉ là một quan sát viên vô tư có sứ mạng nhận xét các sự kiện xảy ra và báo động cho thế giới văn minh biết những hành động man rợ chưa hề có nầy. 
Nhưng người đàn bà vẫn năn nỉ thêm: 
- Ít nhất ông cũng có thể mang cháu bé nầy sang thuyền của ông, chỉ một mình cháu bé nầy thôi. 
Nói xong bà giao đứa bé đang được bọc trong mảnh vải trắng cho người Anh. Nhưng ông ta không đỡ lấy mà lại mở máy ảnh, thản nhiên chụp hình người đàn bà đang trao đứa bé cho ông bằng đôi tay cầu khẩn, vừa chụp vừa nói: 
- Thưa bà bức ảnh nầy chỉ cho thế giới Tây phương biết cái gì đã xảy ra nếu người ta đồng ý trao độc lập cho một vài dân tộc chưa qua khỏi giai đoạn man rợ. Công luận Anh và ký giả Mỹ quốc sẽ xúc động sâu xa, xúc động ghê gớm. Tôi bảo đảm với bà điều đó.
Người đàn ông cao to, tóc hung quay đi nơi khác tiếp tục chụp hình các hành khách trên tàu, luôn cả cái bong tàu. Rồi ông giận dữ bước xuống chiếc thuyền nhỏ của ông trở về bờ biển một mình. Cho đến chiều người ta mang thức ăn, thuốc men xuống tàu Adassa. Những chiếc tàu nhỏ chở các nhà ký giả, ngoại giao và y sĩ. Tất cả đều đồng ý về những hành động dã man chưa hề có nầy. 
Viên công chức quan thuế an ủi: «Quý vì sẽ được cấp cứu ngay». Những chiếc máy bay quan sát theo dõi chiếc Adassa. Bão vẫn còn dữ dội. Bây giờ trời đã tối, ai cũng ngong ngóng chiếc tàu trục đến mang họ đi. Trên bong tàu đã có đèn sáng.
Trong lúc đó, bỗng có một tiếng nổ long trời như tiếng bom. Hành khách giật nẩy người lên. Chỉ một vài phút hỗn độn thôi, sau đó tàu chìm ngay, chìm trong chốc lát. Không ai ngờ như thế cả, và chỉ trong vài giây đồng hồ, Adassa đã biến khỏi mặt biển. 
Đa số hành khách không thể nhảy xuống nước được, nhưng họ đều có những dây buộc cấp cứu do các cơ quan quốc tế tặng. Do đó, những hành khách Do Thái không chìm theo chiếc Adassa. Họ vẫn trôi lềnh bềnh trên mặt nước. 
Số phận đã không cho phép họ đụng chân lên «Mảnh đất hứa hẹn» của Palestine hay mảnh đất liền ở bờ biển và đồng thời cũng ngăn cản họ không cho đụng chân thấu đất ở đáy biển. Những kẻ đắm tàu nầy không được phép gặp đất đai. Bất cứ loại đất nào. Ngay cả thứ đất ở đáy biển dành cho những người chết đuối. Số phận bắt họ phải trôi bồng bềnh xa lòng đất. 
Những kẻ bị đắm tàu Adassa là những kẻ ở ngoài luật lệ chung. Họ không bị chìm xuống đáy biển vì họ đang mang những dây buộc cấp cứu, quà tặng của những đại cường quốc văn minh. 
Đàn bà trẻ con, người lớn chết bồng bềnh trên bể với những chiếc đèn sáng treo trước ngực. 
Lúc tàu cấp cứu đến thì chỉ còn thấy những xác chết trôi lềnh bềnh trên sóng của Biển Đen.
Như đã có thói quen của công dân một nước văn minh, thủy thủ đoàn của tàu cấp cứu tìm cách vớt những xác chết và mang họ lên những chiếc thuyền con. 
Một thủy thủ đoàn Hung Gia Lợi hỏi một cách chua chát và mỉa mai: 
- Tại sao người ta cho họ đèn và dây buộc lưng nhỉ? Vào tháng giêng, ở Biển Đen mọi người đắm tàu đều bị chết ngay khi rớt xuống nước vì sự khác biệt thái quá giữa nhiệt độ thân thể và nhiệt độ nước biển. Vậy cho họ dây buộc lưng là một điều kỳ dị. Hơn thế nữa, người ta lại còn tặng họ đèn, chắc là để người chết trôi trên sóng với những ngọn đèn được thắp sáng. 
Trước khi sắp các xác chết vào thuyền, các thủy thủ tắt các ngọn đèn trên ngực của các nạn nhân. Và người ta thấy rằng không có nạn nhân nào quên bật đèn khi tàu đắm.
XXVIII
Những người Do Thái trên tàu Euxin không còn được phép rời Constantza nữa. Một trại lính được thành lập ngay với đầy đủ giường nằm và bếp nấu ăn. Người ta bảo họ cứ việc chờ đợi. Một số muốn trở về Bucarest, nhưng đều bị cấm. 
Các cuộc phỏng vấn bắt đầu, Eddy Thall là người được gọi tên đầu tiên. Viên sĩ quan lập biên bản, vừa đưa cho Eddy tờ cam kết cho nàng ký không trở về Lỗ ma ni vừa bảo với nàng: 
- Cô không có quyền trở về Lỗ ma ni nữa. 
- Tôi vẫn muốn rời xứ này bằng tàu Euxin. 
- Euxin là một câu chuyện đã được xếp lại rồi. Người ta không thể nào cho phép ngần ấy người đi trên một chiếc tàu quá cũ kỹ nầy, vì như thế thật quá dã man. Cô phải chọn một giải pháp khác vậy. Cùng lắm, cô có thể xin được trở lại quốc tịch Lỗ ma ni. Cũng bi đát thật, nhưng đành vậy. Cô hãy nghĩ đến một lối thoát khác hợp lý hơn đi.
Eddy Thall yên lặng. Nàng thừa biết trong hoàn cảnh này nàng không còn được phép ra đi mà cũng không còn được phép ở lại nữa. 
Viên sĩ quan lập biên bản gợi ý cho Eddy:
- Riêng tôi, tôi thấy cô còn hai giải pháp. Hoặc là cô xin giấy nhập nội vào một quốc gia khác, hoặc là cô xin gia nhập quốc tịch nào đó. Hai điều cô chọn một. Cô quyết định thế nào? 
Eddy bảo ngay: 
- Tôi sang Nga. Một ước lệ mới cho phép công dân Lỗ ma ni của Bessarabie được sang Nga nếu họ muốn. 
Viên sĩ quan cười mỉa mai: 
- Cô là cộng sản?
Eddy mím môi không trả lời. Ông ta nói tiếp: 
- Đoàn xe đi Nga sẽ khởi hành ngày mai. Cô có thể đi được, vì sang Nga thì dễ lắm. 
Eddy Thall rời văn phòng. Nàng nhìn ra biển. Ngày mai nàng sẽ sang Nga với chừng vài trăm người Do Thái. Nàng cũng không còn hành lý để sửa soạn nữa, bởi vì bao nhiêu hành lý nàng đều gởi cả trên chiếc Adassa. 
Nàng ngồi xuống và ôm đầu. Lần đầu tiên nàng nghĩ đến người bạn của Pierre Pillat, người bạn tên Boris Bodnar trốn sang Nga vì đã thi hỏng. Eddy tự nhủ: 
Ngày hôm nay mình cũng làm như anh ấy, ra đi với những lý do tương tự. Hồi còn nhỏ anh ấy đã chọc thủng mắt em và bị mọi người xem như một đứa trẻ thoái hóa cần được loại trừ. Cũng như Boris, mình không biết phải đi đâu. Đành trốn sang Nga vậy. Người Do Thái sẽ như thế nào ở đất Nga nhỉ, ai mà biết được. 
Thế là Eddy Thall ngồi khóc. Phần đầu tiên của cuộc đời Do Thái của nàng đã chấm dứt. Cuốn sách đầu tiên của người Do Thái cũng chấm dứt nốt. Nàng khóc cho nàng, cho đời nàng, mắt đăm đăm nhìn mặt đại dương ngoài xa.