PHẦN THỨ HAI
TẢNG ĐÁ DIỆU KỲ
CHƯƠNG 17
BẠO CHÚA PHỤC TÙNG MỆNH LỆNH CỦA SỐ PHẬN

     á tước lại nói với Voócki:
- Chúng ta đã thỏa thuận với nhau phải không anh bạn? Tất cả những điều tôi nói trên đây đều đúng sự thật phải không?
Voócki nhắm mắt, đầu hắn cúi gục. Các mạch máu ở thái dương căng phồng lên như sắp vỡ ra. Không muốn Xtêpan tham gia ý kiến, bá tước Luy nói to:
- Mi sẽ nói, anh bạn ạ! Bắt đầu đau nhiều hơn rồi chứ gì? Đầu óc đổ ụp rồi hả? Mi còn nhớ chứ... Một tiếng huýt sáo... “Mẹ ơi những con tàu nhỏ...” ta sẽ ngừng bài diễn văn của ta... Mi không muốn à? Hay mi nghĩ chưa chín? Không sao đâu, ông Xtêpan, ông không phải lo gì cho Phơrăngxoa. Tôi sẽ giải quyết xong tất cả. Nhưng xin ông không nên thương hại con ác quỷ này. A! Không nên, một ngàn lần không nên! Chúng ta đừng quên rằng hắn đã chuẩn bị đầy đủ tất cả đâu vào đây rất chặt chẽ, bình tĩnh, tự ý hắn. Chúng ta đừng quên...
Hắn làm tôi điên tiết lên... Vô ích!
Bá tước Luy cầm quyển sổ tay của Voócki giở đến trang ghi chép câu thơ tiền định, ông giơ trước mặt, nói tiếp:
- Những điều còn lại không mấy quan trọng. Lời giải đáp chung cuộc đã có. Nhưng cũng rất cần đi vào một vài chi tiết để tháo tung cái cơ cấu sự việc do Voócki tưởng tượng và dựng lên. Cuối cùng dẫn đến vai trò của lão đạo sĩ đáng yêu của chúng ta... Như vậy chúng ta đang ở vào tháng sáu. Đó là thời điểm ấn định cho ba mươi nạn nhân. Dĩ nhiên nó đã được ấn định bởi ông thầy dòng Tôma, tháng sáu (gioanh) hợp với vần Canh và vần định mệnh (đétxtanh). Cũng như vậy, năm mười bốn cộng ba (tơroa) hợp với vần khủng khiếp (épphoa) và thánh giá (cơroa). Sở dĩ ông thầy dòng Tôma dừng lại ở con số ba mươi bởi vì đó là số những mỏm đá ngầm và những bàn đá cổ ở đảo Xarếch. Nhưng đối với Voócki đó là quân lệnh rõ ràng dứt khoát. Tháng sáu một ngàn chín trăm mười bảy phải có ba mươi nạn nhân! Tuy nhiên người ta chỉ có thể thực hiện được với điều kiện hai mươi chín người dân hiền lành trên đảo phải vui lòng ở lại để đợi cái ngày họ trở thành những vật hiến sinh. Lát nữa chúng ta sẽ thấy rõ Voócki đã làm thế nào để có đủ ba mươi nạn nhân của hắn. Voócki bỗng được tin Honorin và Magơnốc đi khỏi đảo. Honorin đã về. Nhưng Magơnốc vẫn chưa thấy trở về. Hắn liền cử Enphơrít
và Cônrát đi tìm, mai phục và thủ tiêu Magơnôc. Dựa vào những nguồn tin đồn đại, hắn cho rằng Magơnốc đã mang các đồ trang sức quý giá và đá kỳ diệu để trong ống chì trốn đi, vì thế hắn càng quyết tâm tìm giết Magơnôc bằng được.
Thế là Enphơrít và Cônrát lên đường ngay buổi sáng hôm ấy. Chúng gặp Magơnốc ở một quán ăn và Enphơrít đã lén bỏ thuốc độc vào tách cà phê của ông ta (lời tiên đoán không thấy nói đến việc Magơnốc chết vì thuốc độc). Uống cà phê xong Magơnốc tiếp tục đi. Đi được độ vài giờ ông ta đau bụng giẫy giụa và gần như chết ngay trên lề đường. Enphơrít và Cônrát chạy đến lục soát các túi nhưng không thấy gì, chẳng có đồ trang sức cũng chẳng có đá quý. Hy vọng của Voócki tan thành mây khói. Tuy nhiên người chết đã nằm đó. Làm sao bây giờ? Hai đứa vội đem cái xác bỏ vào túp lều xiêu vẹo, nơi trước đó vài tháng Cônrát đã cùng với Voócki vào trú tạm. Đấy cũng là túp lều Vêrôních nhìn thấy cái xác ông già... và khi nàng quay lại cái xác đã biến mất. Sở dĩ như vậy là do Enphơrít và Cônrát vẫn còn lởn vởn quanh đấy, đã mang cái xác giấu vào một nơi khuất trong tòa lâu đài nhỏ không có người ở.
Đó là một. Nhân tiện tôi nhắc để chúng ta lưu ý một điểm chính, Magơnôc đã nói ra miệng lời tiên đoán rằng mệnh lệnh thực hiện ba mươi nạn nhân sẽ bắt đầu từ ông. Cái đó không dựa trên
một căn cứ nào cả. Các câu thơ tiên đoán không nói đến điều đó. Dù sao hành động của Voócki cũng không có chủ định, ở Xarếch hắn bắt cóc Phơrăngxoa và Xtêpan Maru, vừa là thận trọng, vừa là để đi ngang qua đảo hoặc vào Phơriơrê không bị chú ý, hắn lấy quần áo của Xtêpan và Phơrăngxoa để cải trang cho hắn và Raynôn con trai hắn. Công việc trót lọt. Trong khu Patơrixơ chỉ còn một ông già, ông Đecgơmông và một phụ nữ, chị Mari Lơ Gôn. Sau khi giết xong hai người này chúng lục soát các buồng và chủ yếu là buồng ngủ của Magơnôc là vì hắn tự nhủ (lúc này Voócki chưa biêt kết quả công việc mạo hiểm của Enphơrít) biết đâu Magơnôc chẳng để các đồ trang sức và thứ đá diệu kỳ ở Phơriơrê?
“Nạn nhân thứ nhất: chị làm bếp Mari Lơ Gôn bị bóp cổ và bị chém một nhát dao làm bếp. Voócki bị máu phun vào đầy mặt, hắn sợ quá bủn rủn cả chân tay và phải tạm lánh đi nơi khác sau khi đã giao nhiệm vụ giết Đecgơmông cho Raynôn.
“Cuộc vật lộn giữa ông già và đứa trẻ kéo dài, diễn ra suốt dãy nhà và do một sự tình cờ bi đát, đã kết thúc trước con mắt Vêrôních. Ông Đecgơmông bị giết đúng lúc Honorin vừa về tới. Chị bị bắn ngã. Đó là nạn nhân thứ tư.
“Các sự việc xảy ra dồn dập. Suốt đêm hôm ấy nỗi kinh hoàng bắt đầu trùm lên Xarếch. Dân trên đảo lo sợ cuống cuồng. Họ thấy những lời tiên tri của Magơnốc đã thành sự thật. Giờ phút tai họa từ lâu đe dọa hòn đảo đã điểm. Họ quyết định ra đi. Đó là điều mà Voócki và con trai hắn đang chờ đợi. Lấy cắp được chiếc xuồng máy, chúng lao tới nhừng người chạy trốn và tiếp đó là cuộc săn người ghê tởm nhất, một mẻ lớn do thầy dòng Tôma tiên đoán:
Có người chết đuối tang ma rối bời.
Honorin, người tận mắt chứng kiến cảnh tượng trên đây đã phát điên nhảy xuống vực tự sát.
Thê rồi trong mấy ngày tạm yên, Vêrôních đã tìm ra tu viện Phơriơrê của đảo Xarếch. Quả thực sau một cuộc săn người có kết quả, hai cha con Voócki đã để lại một mình Ôttô ngồi uống rượu giết thì giờ dưới hầm ngầm rồi dùng xuồng máy để đi tìm Enphơrít và Cônrát, chở xác Magơnôc vứt xuống biển với lý do Magơnôc phải được đặt vào một trong số ba mươi chiếc quan tài của đảo Xarếch!
Cho đến lúc đó nghĩa là lúc hắn trở lại Xarếch, Voócki đã đạt được con số hai mươi bốn, cộng với Xtêpan và Phơrăngxoa đang bị cầm tù dưới sự giám sát của Ôttô sẽ là hai mươi sáu. Chỉ còn bốn người đàn bà dành cho cuộc hành hình trên cây thánh giá, thì ba bà xơ Ácchinha đã bị nhốt sẵn trong kho thực phẩm đế chờ đến lượt họ. Vêrôních đã cố tìm cách cứu họ mà không được. Ba bà xơ bị mai phục và bị Raynôn, thằng bé bắn cung rất giỏi bắn bị
thương. Cuối cùng họ rơi vào tay chúng. Ngay đêm hôm ấy các bà xơ bị buộc lên cây sên, chưa nói việc Voócki lục soát và lấy được năm mươi tờ giấy một ngàn đồng trong người họ. Kết quả: hai mươi chín nạn nhân. Ai là nạn nhân thứ ba mươi? Ai sẽ là người đàn bà thứ tư?
Bá tước Luy ngừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Vấn đề này, câu thơ tiên đoán đã nói rất rõ bằng hai câu hoàn chỉnh:
Trước mặt mẹ chúng, Aben sẽ giết Canh
Đêm tháng sáu Hoàng tử ác giết vợ đi
“Chính Voócki sau khi nắm được tài liệu đã định nghĩa hai câu thơ trên đây theo cách của hắn. Quả thực lúc đó hắn không thể đặt Vêrôních, người hắn đã mất công tìm kiếm khắp nước Pháp, vào vị trí người đàn bà thứ tư. Hắn tìm cách đi đường vòng để thực hiện mệnh lệnh của số phận. Người đàn bà thứ tư phải chịu cực hình nhất định phải là một trong hai người vợ của hắn. Nhưng sẽ là người vợ thứ nhất, Enphơrít! Điều đó hoàn toàn không có gì trái với lời tiên đoán. Bởi vì nếu cùng kỳ lý phải giết mẹ thằng Canh thì cũng như giết mẹ thằng Aben vậy thôi. Chúng ta chú ý một điểm khác nữa là câu thơ tiền định dành cho hắn ngày xưa không nói cụ thể người vợ nào phải chết trong số hai người vợ của hắn. “Vợ Voócki sẽ chết trên cây thánh giá” Vợ nào? Enphơrít. Vậy thì người vợ yêu quý và là kẻ tiếp tay tận tụy của hắn sẽ phải chết. Một việc não lòng ghê gớm đối với Voócki! Nhưng hắn có cần phải tuân theo thánh Môlốc hay không? Nếu Voócki quyết định hy sinh đứa con trai Raynôn để thực hiện công việc của hắn, hắn sẽ không được Enphơrít tha thứ nếu không hy sinh nốt mụ ta đi. Như vậy mọi chuyện sẽ êm xuôi.
Nhưng bỗng nhiên có chuyện thay đổi bất ngờ. Trong khi bám theo các bà xơ Ácchinha, hắn nhận ra Vêrôních!
Làm sao một con người như Voócki lại không coi đó như một đặc ân của các đấng tối cao? Người vợ mà hắn chưa bao giờ quên lãng đã được các đấng thần linh đem đến đúng lúc, nàng cần phải có một vị trí trong cuộc biến cố lớn lao. Người ta đưa nàng đến cho hắn như đưa một miếng mồi ngon mà hắn có quyền giết đi... hay chinh phục. Còn gì tế nhị bằng! Thượng đế vừa rọi xuống những tia sáng bất ngờ! Voócki mừng quýnh. Càng ngày hắn càng vững tin vào Chúa cứu thế, càng tin hắn là người may mắn được dành nhiều ân sủng, tin vào các giáo sĩ, vào loại người được coi là “thuộc về các mệnh lệnh của số phận”. Hắn gắn mình với dòng dõi của những Tổng Giám Mục, những người canh giữ Tảng Đá Diệu Kỳ. Hắn tự coi mình cũng như đạo sĩ, cũng là Tổng linh mục. Hắn cũng sẽ làm như họ trong cái đêm Vêrôních đốt cháy cây cầu, cái đêm thuộc về đêm thứ sáu sau tuần trăng, hắn sẽ cắt cành tầm gửi thiêng với lưỡi hái bằng vàng.
Và cuộc vây hãm Phơriơrê bắt đầu. Tôi không nhấn mạnh việc này. Bà Vêrôních đã kể cho các ông nghe rồi. Xtêpan và tất cả chúng ta đều hiểu rõ những nỗi đau của nàng, vai trò tuyệt diệu của con chó Vạn Sự Tốt Lành, việc tìm ra những đường ngầm và các xà lim hành hình mà lời tiên đoán gọi là “buồng chết”, ở đó Xtêpan đã một phen sửng sốt về sự xuất hiện của Vêrôních. Thằng ác quỷ Raynôn đã hất ông xuống biển. Phơrăngxoa cùng với mẹ trốn khỏi đường hầm. Khốn thay Voócki và đồng bọn đã có thể đến tận Phơriơrê. Phơrăngxoa bị bắt. Mẹ Phơrăngxoa đi tìm... và rồi, và rồi những màn kịch bi đát nhất tiếp diễn mà tôi không muốn nhấn mạnh thêm, cuộc chạm trán giữa Vêrôních với Voócki, cuộc đấu tay đôi giữa hai anh em, giữa Aben và Canh trước mắt Vêrôních. Lời tiên đoán chẳng đã nói:
Trước mặt mẹ chúng Aben sẽ giết Canh.
“Lời tiên đoán còn nói rõ nỗi đau của nàng sẽ vượt ra ngoài mọi cảm giác và rằng Voócki là một kẻ ác rất tinh tế! “Hoàng tử ác”. Hắn cho hai đứa bé đấu thủ bịt kín mặt và khi Aben sắp thua, chính tay hắn đã đâm Canh, để Canh phải chết trong cuộc đấu.
“Tên ác quỷ đã loạn trí. Hắn loạn trí và hắn say rượu. Sự kết cục đã sát nút. Hắn uống, hắn cứ uống mãi bởi ngay tối hôm ấy hắn đã phải đưa Vêrôních đến chỗ hành hình.
Đêm tháng sáu Hoàng tử ác giết vợ đi
Giết ngàn lần cho chết dần từng li
“Giết ngàn lần, điều đó Vêrôních đã từng chịu và cơn hấp hối sẽ kéo dài dai dẳng. Đến giờ rồi. Ăn tối. Đoàn người đưa đám. Các dụng cụ, thang, dây, và rồi... rồi đến chuyện lão đạo sĩ!
Nói xong hai tiếng đạo sĩ, bá tước Luy phá lên cười.
- À! Đấy, đấy câu chuyện sắp trở nên buồn cười đấy. Kể từ đoạn này trở đi, bi kịch gần như biến thành hài kịch, và tính cách hài hước quá lố pha trộn với sự rùng rợn. Chà! Cái ông đạo sĩ già ấy quả là một khẩu súng thần diệu! Ông Xtêpan và ông Patơrixơ đứng ở hậu trường nên không thấy hết được cái thích thú của câu chuyện. Nhưng với Voócki... còn phát hiện nào lý thú hơn!... Ôttô, chống chiếc thang vào thân cây để chủ mi có thể đặt chân lên đó. Tốt. Làm thế mi đỡ mỏi hả? Voócki? Mi nên chú ý là sự chăm chú của ta không phải xuất phát từ lòng thương hại phi lý đâu nhé. Không. Cái chính là ta hơi sợ nhỡ ra mi bất tỉnh nhân sự, và hơn nữa ta cầm chắc mi đang ở tư thế thuận lợi để nghe lời xưng tội của lão đạo sĩ.
Bá tước Luy lại phá lên cười. Chắc chắn lão đạo sĩ đã kích thích tính vui cười của bá tước.
- Sự xuất hiện của lão đạo sĩ - ông nói - làm cho biến cố có trình tự, có lý lẽ hẳn hoi. Cái rời
rạc lỏng lẻo đã được chặt chẽ trở lại. Sự rời rạc trong tội ác trở thành lôgích trong sự trừng phạt. Không còn chuyện tuân theo những mẩu vần của ông thầy dòng Tôma nữa mà là sự phục tùng lương tri, là phương pháp nghiêm khắc của một người biết rõ cái mình muốn và không để cho thời gian mất đi. Lão đạo sĩ thật xứng đáng với mối cảm phục của tất cả chúng ta.
“Lão đạo sĩ mà chúng ta có thể gọi một cách không phân biệt, mi không tin ư? Bá tước Luy Pêrênen hay Ácxen Luypanh không biết gì nhiều về câu chuyện đảo Xarếch khi mất kính tiềm vọng ở tàu ngầm của ông, tàu “Cái Nút Pha Lê” bắt đầu nổi lên trong vùng bờ biển của hòn đảo này trưa hôm qua.
- Không biết gì nhiều ư? - Đại úy Benvan chợt hỏi.
- Chả nhẽ lại nói là không biết gì - Bá tước Luy khẳng định.
- Thế mọi chi tiết về dĩ vãng của Voócki, về những gì hắn đã làm ở Xarếch và những dự định của hắn, những tài liệu chính xác về vai trò Enphơrít và việc mụ đầu độc Magơnốc... Tất cả là cái gì nếu không phải là sự hiểu biết?
- Tất cả những cái đó - bá tước Luy tuyên bố - tôi đều mới tìm hiểu sau khi đặt chân đến đây, từ hôm qua.
- Ai cung cấp cho ông? Tôi có lúc nào rời ông ra đâu?
- Hãy tin lời tôi nói rằng ông đạo sĩ khi đổ bộ lên Xarếch ông ta hoàn toàn không biết gì hết. Nhưng ông ta có một tham vọng, ít nhất cũng như mi, Voócki, là được các thần linh ưu đãi! Và quả nhiên ông ta đã lập tức được các thần linh ưu đãi. Lão đạo sĩ đã gặp ông bạn Xtêpan trên một bãi cát nhỏ hẻo lánh trên bờ biển, ông Xtêpan đã may mắn rơi vào một vực nước sâu và do đó tránh được số phận rủi ro mà con trai mi và mi định dành cho ông ta. Lão đạo sĩ vớt người dưới nước lên. Rồi câu chuyện trao đổi trong nửa tiếng đồng hồ, lão đạo sĩ đã nắm được hầu hết vấn đề. Ngay sau đó là việc tìm kiếm... Cuối cùng tìm ra các hầm xà lim, lấy trong hầm của mi chiếc áo choàng trắng mà ta dự định sẽ dùng đến. Rồi tìm thấy bản sao những câu thơ tiên đoán. Rất tốt. Lão đạo sĩ đã biết rõ kế hoạch của đối phương.
“Đầu tiên ông đi theo đường hầm, con đường hầm mà Phơrăngxoa đã cùng với mẹ trốn đi, nhưng... không qua được vì đất đá sụt lở. Lão đạo sĩ quay lại và ra tới vùng cánh đồng hoang màu đen. Một cuộc thăm dò hòn đảo. Trông thấy Ôttô và Cônrát đốt chiếc cầu tạm. Lúc đó đã sáu giờ tối. Làm sao đến được Phơriơrê? Xtêpan nói “bằng đường dốc cửa ngầm”. Lão đạo sĩ quay xuống tàu “Cái Nút Pha Lê”. Tàu đi một vòng quanh đảo dưới sự hướng dẫn của Xtêpan. Ông biết rõ hết các luồng đi. Và thế là “Cái Nút Pha Lê” một loại tàu ngầm dễ điều khiển, có thể đi mọi nơi - Lão đạo sĩ đã cho làm chiếc tàu theo thiết kế của ông - Cuối cùng đổ bộ lên chỗ treo chiếc thuyền của Phơrăngxoa. Ở đây Vạn Sự Tốt Lành đang nằm ngủ ngay dưới chỗ treo thuyền. Giới thiệu lão đạo sĩ. Nó thiện cảm ngay. Lại lên đường. Nhưng leo được độ một nửa dốc, Vạn Sự Tốt Lành rẽ sang hướng khác. Bờ đảo chỗ này thẳng đứng nham nhở như một cái áo vá vì những tảng đá xây. Giữa những khối đá xây ấy có một cái lỗ do Magơnốc khoét trước đây. Sau này lão đạo sĩ biết thêm là Magơnốc đã chui qua lỗ đó để vào phòng làm lễ hiến sinh và các hầm mộ ngầm dưới mặt đất. Cứ thế lão đạo sĩ dần dần đi sâu vào tất cả các thủ đoạn của kẻ địch, làm chủ cả phần bên trên và phần bên dưới mặt đất. Lúc này đã tám giờ tối.
Về Phơrăngxoa trước mắt không có gì đáng lo ngại. Câu tiên đoán nói “Aben sẽ giết Canh”. Nhưng Vêrôních, người phải chết vào “một tối tháng sáu” liệu đã bị chúng đưa ra hành hình chưa? Liệu có kịp cứu nàng không?
Bá tước Luy quay về phía Xtêpan:
- Ông Xtêpan có nhớ không, những mối lo sợ mà lão đạo sĩ và ông đã trải qua, nỗi vui mừng khi ông tìm ra cái cây được chuẩn bị sẵn với chữ VdH ở trên. Trên cây chưa có nạn nhân nào! Vậy thì Vêrôních sẽ được cứu thoát! Quả nhiên có tiếng người từ phía Phơriơrê vọng đến. Đó là đám tang buồn thảm. Giữa bóng tốì dày đặc, đám tang chậm chạp lên dốc men theo bãi cỏ. Cây nến lắc lư. Họ dừng lại. Voócki nói lải nhải. Giây phút kết cục đang đến gần. Ngay sau đó là cuộc tấn công và giải thoát Vêrôních.
“Nhưng đến đây lại có một việc rắc rối hay hay... Voócki... Phải, một phát hiện kỳ lạ. Chúng tôi phát hiện một người đàn bà lẩn lút quanh chỗ bàn đá cổ... Trông thấy chúng tôi, chị ta vội lẩn trốn. Chúng tôi đuổi bắt được. Dưới ánh sáng của chiếc đèn pin, Xtêpan nhận ra chị ta. Mi có biết ai không, Voócki? Ta đố mi đoán được, Enphơrít! Phải đó là Enphơrít người đồng lõa với mi, người đàn bà lúc đầu mi định đưa lên cây thập giá! Thật lý thú phải không? Chị ta bị kích động ghê gớm, gần như điên khùng kể lại với chúng ta rằng chị ta bằng lòng cho con chị ta đấu tay đôi với điều kiện mi hứa rằng con trai chị ta sẽ thắng, sẽ giết được con trai Vêrôních. Nhưng mi đã nhốt chị ta không cho đến chỗ đấu. Mãi đến chiều chị ta mới thoát ra được và đã tìm thấy xác thằng Raynôn. Bây giờ chị ta mò đến đây xem kẻ tình địch bị hành hình rồi sau đó sẽ giết mi để trả thù cho con trai. Thế đấy, ông bạn khốn khổ ạ!
“Tuyệt quá! Lão đạo sĩ tán thưởng và trong khi mi tiến gần đến bàn đá cổ, Xtêpan giám sát mi, lão đạo sĩ tiếp tục xét hỏi Enphơrít. Bỗng dưng, không biết có phải vì nghe thấy tiếng mi, mụ ấy quay ra chống cự. Sự trở mặt bất ngờ! Tiếng nói của ông chủ thúc đẩy mụ chống lại lão đạo sĩ với một tính cách hăng say chưa từng có. Mụ muốn nhìn thấy mi, báo cho mi biết cơn hiểm họa sắp đến với mi, muốn cứu mi. Thế là mụ ta bất ngờ nhảy xổ vào lão đạo sĩ với con dao găm trong tay. Lão đạo sĩ buộc phải đập mụ chết ngất để tự vệ và đứng trước cái cơ thể đang hấp hối của mụ, ông chợt nẩy ý lợi dụng cơ hội này. Trong nháy mắt cái thân hình mềm rũ kia được trói gô lại... và thế là chính tay mi đã hành hình mụ. Voócki! Mụ phải nhận cái số phận ngay từ đầu mi định giành cho mụ. Lão đạo sĩ đưa chiếc áo choàng trắng cho Xtêpan và dặn dò kế hoạch, bắn một phát tên sượt qua người mi lúc mi vừa thoạt đến và trong lúc mi đuổi theo chiếc áo choàng trắng, ông đã đánh tráo Enphơrít vào chỗ Vêrôních, người vợ thứ nhất vào chỗ người vợ thứ hai. Bằng cách nào? Điều đó không dính dáng đến mi. Mi chỉ cần biết một khi trò chơi khăm đã giở ra bao giờ lão đạo sĩ cũng thành công. Bá tước Luy ngừng lại lấy hơi. Người ta thật sự cho rằng với giọng nói tâm tình quen thuộc của ông, bá tước đã kể cho Voócki nghe một câu chuyện vui, một vở hài kịch hấp dẫn mà hắn phải là người cười đầu tiên.
“Không chỉ có thế - ông nói tiếp - Patơrixơ Benvan và một vài nhân viên người Marốc của ta - để ứng phó với mi ta còn mười tám nhân viên như thế ở trên tàu - đã làm việc trong những phòng ngầm.
Lời tiên đoán có dứt khoát hay không? Sau khi người vợ trút hơi thở cuối cùng:
Lửa và tiếng nổ dấy lên từ mặt đất
Nơi giấu ngầm kho báu từ ngàn xưa.
Dĩ nhiên ông thầy dòng Tôma chẳng bao giờ biết cái kho báu lớn ấy giấu ngầm ở đâu. Thiên hạ cũng chẳng ai thấy. Lão đạo sĩ biết tỏng điều đó. Nhưng ông muốn làm cho Voócki càng tin mù quáng để hắn cứ việc há miệng chờ sung nên đã đốt pháo hoa và gây nổ mạnh như trong câu thơ. Phải tìm một lối vào các hầm mộ gần Bàn Đá Các Tiên. Đại tá Benvan đã tìm ra cái lối vào mà trước kia Magơnốc bắt đầu công việc của ông ta từ chỗ đó. Người ta dọn một dãy bậc lên xuống ngay bên dưới gốc cây sên khô. Mìn và pháo hiệu lấy ở tàu ngầm. Và đợi khi mi đứng trên đầu chiếc thang tuyên bố như một vị tuyên cáo: Nàng đã chết! Người đàn bà thứ tư đã chết trên cây thập giá! Thế là đoàng! Đoàng! Tiếng sấm nổi lên, lửa tóe lên. Tất cả đều rung chuyển... Thế đấy, mi càng thấy mình là con cưng của Chúa, con cưng của số mệnh, mi càng nóng lòng muốn nhảy xổ vào khe núi mà nuốt chửng Tảng Đá Diệu Kỳ. Mi đã hoàn tất ba mươi nạn nhân của mi theo đúng những mẫu vần của thầy dòng Tôma. Mi đã vượt lên mọi trở ngại. Lời tiên tri đã được mi thực hiện.
Người đàn ông được số phận ban cho
Sẽ tìm thấy tảng đá thần bị mất
Mà ngày xưa “rợ bác ba” phương bắc
Đã lấy đi tảng đá tự bao giờ
Tảng đá cho sự sống và cái chết.
Lão đạo sĩ chỉ còn thực hiện lời tiên tri trao cho mi chiếc chìa khóa mở cửa thiên đường. Nhưng dĩ nhiên trước hết phải có một màn kịch nhỏ xen kẽ, vài điệu nhảy đập chân và vài trò phù thủy, đôi câu chuyện dí dỏm. Sau đó tiến thẳng đến Tảng Đá Diệu Kỳ có người đẹp ngủ trong rừng canh gác.
Bá tước Luy nhảy rất sinh động một vài động tác trong số những điệu nhảy đập chân của ông, những điệu nhảy mà ông đặc biệt yêu thích. Rồi ông nói với Voócki:
- Này ông bạn, ta có một cảm giác không rõ rệt lắm rằng mi đã nghe ta kể chuyện quá đủ rồi và mi thích nói với ta về chỗ mi giấu Phơrăngxoa hơn là nghe ta tiếp tục kể chuyện có phải không? Đau buồn ư? Tuy nhiên mi cũng cần phải biết rõ những ý nghĩ của mình về người đẹp ngủ trong rừng, và về sự có mặt lạ lùng của Vêrôních ở đây. Hai phút là đủ. Xin lỗi.
Bá tước Luy nói tiếp, từ lúc này trở đi ông sẽ để lão đạo sĩ sang một bên và dùng tên thật của ông:
“Vâng, tại sao ta lại để Vêrôních nằm vào chỗ đó sau khi cứu nàng khỏi nanh vuốt của mi? Câu trả lời rất đơn giản: Vậy mi muốn ta đưa nàng đi đâu? Đưa xuống tàu ngầm ư? Cách đặt vấn đề của mi không hợp lý bởi vì đêm hôm ấy biển rất động mà Vêrônich thì đang cần nghỉ ngơi. Đưa về Phơriơrê ư? Không đời nào! Ở chỗ ấy cách trung tâm điều hành công việc quá xa, ta không yên tâm. Quả thật chỉ có một nơi vừa tránh được sóng vừa tránh được sự tấn công của mi, đó là phòng lễ hiến sinh, vì thế ta mang nàng đến đó. Ở đây nàng đã ngủ yên giấc dưới tác dụng của một chất thuốc an thần loại tốt. Mi cũng đã trực tiếp nhìn thấy nàng. Ta thừa nhận niềm vui ta mang lại cho mi bằng cái hình ảnh nho nhỏ rất có lợi cho một vài vấn đề trong giải pháp của ta. Đó là cái mà nhờ nó ta đã được đền bù. Không, mi hãy nhớ lại nỗi kinh ngạc của mi! Ảo ảnh khủng khiếp! Vêrôních sống lại! Người đàn bà đã chết sống lại! Ảo ảnh khủng khiếp đến nỗi mi phải vội vàng chạy thục mạng. Ta sẽ nói ngắn gọn. Mi tìm thấy lối xuống, vì thế mi thay đổi ý định. Tên Cônrát quay lại tấn công. Hắn định tấn công ta bất ngờ, cái tên xảo trá ấy, trong lúc ta đang đưa Vêrôních xuống tàu. Tên Cônrát đã bị một nhân viên Marôc của ta giáng cho một đòn trí mạng. Màn hài kịch xen kẽ thứ hai: Cônrát được mặc chiếc áo dài đạo sĩ nằm úp mặt trong gian hầm mộ và dĩ nhiên việc săn sóc đầu tiên của mi là nhảy bổ vào hắn để làm khổ hắn một lần nữa. Khi mi nhận ra xác của Enphơrít trên bàn thờ thay cho Vêrôních, mi cũng nhanh như chớp... Nhảy vào chị ta đâm nát bươm kẻ đã bị mi hành hình đến chết. Luôn luôn hành động ngốc nghếch! Và cứ thế mi đi đến chỗ kết cục cũng trong cái nốt nhạc hải hước như vậy! Mi đã bị treo lên cột hành hình trong khi ta đưa đến trước mặt mi một bài diễn văn đề kết liễu đời mi. Từ đấy mi có thể suy ra rằng nếu mi đã chinh phục được Tảng Đá Diệu Kỳ bằng ba mươi tội ác của mi thì chính ta sẽ chiếm lấy tảng đá bằng những đức độ của ta.
Voócki, đó là toàn bộ biến cố. Trừ một vài tình tiết phụ mà mi không cần biết đến. Mi được bố trí một chỗ thoải mái như thế. Mi có đầy đủ thời gian để suy nghĩ. Ta đợi mi trả lời về vấn đề Phơrăngxoa với tất cả lòng tin cậy. Vậy hãy hát lên bài hát của mi... “Mẹ ơi những con tàu nhỏ đi trên mặt nước có chân không hả mẹ?”... Như vậy đó, mi nói chứ?
Bá tước Luy đã trèo lên một vài nấc thang. Xtêpan và Patơrixơ tiến lại gần lo lắng nghe ngóng. Hiển nhiên Voócki sẽ nói.
Hắn mở mắt nhìn bá tước Luy bằng cái nhìn vừa chứa đựng căm thù vừa toát lên nỗi sợ hãi. Con người này đối với hắn thật kỳ lạ, như một trong những kẻ mà hắn cố chống lại, hay cố nài xin cũng chỉ hoài công vô ích. Bá tước Luy tiêu biểu cho sự chiến thắng và đứng trước kẻ mạnh nhất người ta chỉ còn biết quy phục hoặc là chết... Vả lại hắn đã kiệt quệ, không còn sức để chống đỡ. Cực hình trở thành một thứ hắn không thể chịu đựng nổi.
Hắn thốt lên một vài tiếng khó nghe.
- Nói to lên - bá tước Luy nhắc lại - Ta không nghe rõ.
Ông vươn cao người trên chiếc thang.
Voócki lắp bắp:
- Tôi được tự do chứ?
- Vấn đề danh dự của ta. Người của ta sẽ đi hết khỏi đây, chỉ còn Ôttô ở lại cởi trói cho mi.
- Ngay lập tức chứ?
- Ngay lập tức.
- Thế thì...
- Sao?
- Đây... Phơrăngxoa còn sống...
- Đồ ngốc. Ta không tin. Nhưng ở đâu?
- Trói trong chiếc thuyền.
- Chiếc thuyền treo ở chân bờ vực phải không?
- Vâng.
Bá tước vỗ vào trán mình:
- Dốt quá, vô ý quá! Chính ta cũng đã nói đến chỗ đó. Vậy mà... Chà! Đáng lẽ ta phải đoán ra rồi mới đúng! Vạn Sự Tốt Lành chẳng đã yên chí nằm ngủ ở đó như một con chó ngoan ngoãn ngủ bên chủ nó là gì? Chính Vạn Sự Tốt Lành đã dẫn Xtêpan đến chỗ chiếc thuyền đó thôi! Quả thật cũng có lúc những người khôn khéo nhất lại hành động như những con lừa! Voócki, sao mi biết chỗ đó có một giá treo với một chiếc thuyền à?
- Từ hôm qua.
- Và mi, tên láu cá, mi định dùng nó để trốn đi chứ gì?
- Vâng.
- Thế thì mi hãy dùng nó mà chuồn đi, Voócki, cùng với cả Ôttô nữa! Ta để chiếc thuyền lại cho mi. Ông Xtêpan!
Nhưng Xtêpan đã chạy vụt đi từ lúc nào cùng với Vạn Sự Tốt Lành - Giải thoát cho Phơrăngxoa, ông Xtêpan - bá tước Luy nói với theo và ông nói với những nhân viên người Marôc:
- Các anh giúp ông ấy một tay, rồi chuẩn bị rời bến. Mười phút nữa lên đường.
- Vĩnh biệt anh bạn! A! Tôi nói thêm một lời nữa. Trong tất cả các biến cố được sắp đặt từ trước có một tình tiết vui vui: một tình yêu. Ta không có ý gì, ta không muốn ám chỉ những tình cảm đã thúc đẩy mi về phía con người thần thánh mang tên của mi. Song ta cũng cần phải báo cho mi biết về một mối tình rất trong trắng thanh cao. Mi hẳn nhìn thấy thái độ nôn nóng của giáo sư Xtêpan khi ông chạy đi giải cứu Phơrăngxoa. Hiển nhiên ông ấy rất yêu đứa trò nhỏ của ông ấy, nhưng ông ấy còn yêu mẹ nó hơn nhiều. Và cái làm Vêrôních dễ chịu không thể không làm mi khó chịu. Ta thích nói với mi rằng ông ta không lãnh đạm với nàng, rằng mối tình tuyệt diệu đã làm rung động trái tim người đàn bà. Nàng đã gặp lại Xtêpan trong nỗi vui mừng khôn tả, và rằng tất cả rồi sẽ kết thúc bằng cuộc hôn nhân giữa hai người... ngay cả trong trường hợp nàng sẽ là người đàn bà góa chồng, tất nhiên. Mi hiểu ta nói gì chứ? Trở ngại duy nhất cho hạnh phúc của họ là mi! Đúng không? Thế nào? Mi là một người đàn ông hào hoa phong nhã tuyệt vời, mi sẽ không... Nhưng ta không muốn nói nhiều nữa. Ta tin rằng mi sẽ tỏ ra biết điều mà chết đi càng sớm càng tốt. Vĩnh biệt anh bạn. Ta không bắt tay mi nhưng trái tim ta sẽ làm thay việc đó. Trong mười phút nữa Ôttô sẽ giải thoát cho chủ nó, trừ trường hợp nó thay đổi ý kiến. Bọn mi sẽ tìm thấy thuyền ở chỗ chân vực. Chúc bọn mi may mắn.
Thế là hết. Cuộc chiến đấu giữa bá tước Luy và Voócki đã kết thúc, mặc dầu có lúc người ta cho rằng nó không có lốì thoát. Ngay từ phút đầu, một trong hai đối thủ đã ở vào thế bị áp đảo rõ rệt. Đối thủ đó dù có táo bạo bao nhiêu, dù đang bị lôi cuốn vào tội ác, cuối cùng cũng chỉ là một con rối bị tháo khớp lố bịch và phi lý. Đang thành đạt trong việc thực hiện toàn bộ kế hoạch, đang thu được những kết quả vượt mức, làm chủ tình thế, đùng một cái hắn thấy mình bị buộc vào gốc cây và cứ chịu chết ở đấy mà thở hắt ra, gò bó như một con sâu bị ghim vào cái nút bấc.
Không quan tâm đến Voócki nữa, bá tước Luy kéo tay đại úy Patơrixơ Benvan. Ông này không chịu được, nói với bá tước:
- Dù sao, như thế cũng là tạo thuận lợi cho con người đê tiện này!
- Ấy thế mà nó sẽ mắm môi mắm lợi giơ nắm đấm sau lưng mình ngay bây giờ đấy! - Bá tước Luy cười khẩy nói - Ông muốn chúng phải thế nào?
- Nhưng trước hết phải lấy Tảng Đá Diệu Kỳ.
- Không được! Phải có hai chục người để làm việc đó, phải dựng giàn giáo, các dụng cụ. Ngay lúc này chính tôi cũng đành phải từ bỏ ý định ấy. Sau chiến tranh tôi sẽ quay lại đây.
- Nhưng thứ đá kỳ diệu đó là cái gì nhỉ, ông bá tước?
- Một vấn đề lý thú - bá tước chỉ trả lời thế, không nói gì thêm nữa.
Họ bước đi, bá tước Luy xoa tay nói:
- Tôi đã điều hành công việc khá tốt. Chúng ta đổ bộ lên hòn đảo Xarếch không quá hai bốn giờ mà những câu tiên đoán thì đã có từ hai mươi bốn thế kỷ nay. Một giờ cho mỗi thế kỷ. Những lời chúc mừng của Luypanh.
- Tôi cũng xin tự nguyện chúc mừng ông, bá tước Luy ạ - Patơrixơ Benvan nói - Những lời chúc mừng đó chưa tương xứng với một con người thành thạo như ông đâu.
Khi hai người ra đến bãi cát, chiếc thuyền của Phơrăngxoa đã được hạ xuống và không còn ai ở đấy. Xa xa, về phía tay phải, tàu ngầm “Cái Nút Pha Lê” nổi trên mặt sóng yên tĩnh.
Phơrăngxoa chạy về phía hai người đang đi lại.
Nó đứng sững trước mặt bá tước Luy cách ông mấy bước chân, đôi mắt mở to ngắm ông.
- Đây rồi - nó thì thào - đúng ông rồi!... Ông là người cháu chờ đợi...
Bá tước Luy tươi cười nói:
- Quả thật bác không biết cháu đang chờ bác... Nhưng bác cam đoan đấy chính là bác...
- Bác... bác... bác bá tước Luy Pêrêna.... nghĩa là...
- Suỵt. Không gọi thế... Cháu cứ gọi bác là Pêrêna, thế là đủ... và đừng nói về bác. Cháu có đồng ý thế không? Bác là cái hú họa, là cái ông khi thì thoáng lướt qua, khi thì từ đâu rơi đánh bộp xuống... Thế đấy. Còn cháu... ái chà, cháu của ta khá lắm... Như vậy là cháu bị nhốt suốt đêm ở trong thuyền phải không?
- Vâng ạ. Ở dưới tấm bạt che thuyền. Cháu bị trói và bị nhét giẻ vào mồm.
- Có sợ không?
- Không ạ. Đánh nhau xong những người khác chăm sóc địch thủ của cháu, còn ông ấy dẫn cháu đến chỗ để thuyền, bảo là dẫn cháu đến với mẹ cháu. Ông ấy nói sẽ cho hai mẹ con cháu trốn đi bằng thuyền. Nhưng đến gần chiếc thuyền, ông ấy trói cháu và không nói gì cả.
- Cháu có biết ông ta không? Có biết tên ông ta không?
- Cháu không biết ạ. Chỉ biết ông ấy hành hạ mẹ cháu và cháu.
- Rồi ta sẽ nói cho cháu rõ về ông ta, cháu Phơrăngxoa của ta. Dù sao cháu không việc gì mà phải sợ ông ta.
- Thế bác không giết ông ta chứ?
- Không. Nhưng bác đã làm cho ông ta không còn hại được ai. Rồi cháu sẽ được giải thích rõ tất cả. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải mau mau đến với mẹ cháu.
- Ông Xtêpan bảo mẹ cháu đang nghỉ ngơi ở dưới tàu ngầm. Bác đã cứu mẹ cháu. Mẹ cháu cũng nói thế. Mẹ cháu đang đợi cháu hả bác?
- Phải rồi. Đêm hôm ấy mẹ cháu và bác đã nói chuyện với nhau. Bác hứa sẽ tìm được cháu. Bác cảm thấy mẹ cháu rất hài lòng về cháu. Bác Xtêpan cũng thế. Tốt hơn hết chúng ta hãy xuống tàu và chuẩn bị...
Phía tay phải, ở đầu dãy mỏm đá trông như con đê chắn sóng thiên nhiên, tàu “Cái Nút Pha Lê” nổi trên mặt nước yên lặng. Khoảng một tá thủy thủ người Marôc đang cử động ở khắp các chỗ trên boong tàu. Hai người ra giữ chiếc cầu cho bá tước Luy và những người khác lên tàu.
Trong một ngăn ca bin bầy biện như phòng tiếp khách, Vêrôních đang nằm dài trên ghế tựa. Nước da nàng tái, dấu vết của những nỗi đau đớn không sao kể xiết mà nàng phải chịu đựng từ lâu. Nàng có vẻ rất yếu, rất mệt nhọc, nhưng đôi mắt nhòa lệ long lanh vui sướng.
Phơrăngxoa ngã vào cánh tay mẹ. Nàng òa khóc thành tiếng, không nói được một lời.
Vạn Sự Tốt Lành ngồi trên hai chân sau, vẫy hai chân trước, đang nhìn hai mẹ con.
- Mẹ ơi - Phơrăngxoa nói - bá tước Luy đấy mẹ ạ...
Nàng nắm tay bá tước và ôm ông rất lâu trong
khi Phơrăngxoa thì thầm:
- Bác ấy cứu mẹ... Bác ấy cứu mẹ con ta...
Bá tước Luy ngắt lời Phơrăngxoa:
- Cháu có muốn làm bác vui lòng không, Phơrăngxoa? Vậy thì đừng cảm ơn bác nhé. Nếu cháu thấy cần phải cảm ơn một người nào đó, hãy cảm ơn người bạn Vạn Sự Tốt Lành của cháu kia. Trông nó không có vẻ gì là vừa đóng một vai trò rất quan trọng trong tấn kịch vừa qua. Vậy mà khi cần phải đương đầu với một con người độc ác đã hành hạ mẹ con cháu thì nó lại tỏ ra xuất quỷ nhập thần, kín đáo, thông minh, khiêm tốn và thầm lặng.
- Bác cũng thế.
- Ồ, bác ấy à. Bác không khiêm tốn cũng chẳng thầm lặng và vì thế bác cảm phục Vạn Sự Tốt Lành. Nào Vạn Sự Tốt Lành hãy đi theo ta và thôi từ nay đừng làm điệu nữa. Nếu đêm nay mày ở đây thì mày sẽ chịu thiệt hại bởi vì người ta sẽ còn khóc hàng tiếng đồng hồ nữa kia, cả mẹ và con...