Dịch giả: Hoàng Quân
- 5 -
Ăn xin trong thành phố

     hông có thời giờ để kịp nghĩ ngợi về cách di chuyển lạ lùng này của xe lửa. Một nhân viên đi thu tiền đám đông. Hai đồng bạc của Wang Lung là chi phí cho cả gia đình trên chuyến đi một trăm dặm bằng đường sắt. Cho đến lúc này, anh chỉ còn lại vài xu.
Một người bán đồ ăn đẩy xe vào toa. Wang Lung mua bốn ổ bánh mì nhỏ và một bát cơm. Chỗ đồ ăn này còn nhiều hơn cả chỗ thức ăn mà gia đình Wang Lung đã ăn trong suốt mấy ngày qua nên mấy đứa nhỏ không dễ dàng nuốt trôi chúng được. Ông cụ mút ổ bánh mì, cười ngất và nói: “Cái dạ dày ngu xuẩn của ta đến ăn cũng còn lười. Nó đâu có quen được ăn”.
Có vài người trong xe lửa hiểu biết về những thành phố phương nam.
“Chúng tôi sẽ sống như thế nào ở phương nam vậy?” Wang Lung hỏi.
“Anh phải mua sáu cái chiếu” một người đàn ông trả lời. “Hai xu mỗi cái”.
“Rồi sau đó thì sao?”, Wang Lung hỏi tiếp.
“Rồi...”, người đàn ông ngập ngừng, “... anh ghép mấy cái chiếu lại thành một túp lều để sống trong đó. Sau đó anh ra ngoài đường đi xin ăn”.
“Chúng tôi phải đi ăn xin á?” Wang Lung thốt lên ngạc nhiên.
“Ừ,” người đàn ông đáp, “nhưng chỉ sau khi anh đã ăn no. Anh có thể ăn ở mấy nhà ăn công cộng mà chỉ mất một xu thôi. Khi dạ dày đã căng, anh có thể đi xin tiền để mua đậu phụ, cải bắp và tỏi”.
Wang Lung đứng tách ra khỏi mọi người. Anh chưa từng đi ăn xin và cũng không thích cái ý kiến đó. Anh đếm số tiền xu của mình một cách kín đáo. Vừa đủ tiền để mua mấy cái chiếu.
Xe lửa dừng lại vào sáng hôm sau, tất cả đều xuống. Họ nhìn chòng chọc những con người phương nam xung quanh. Những người này có làn da nhờn, nhợt nhạt và nói chuyện một cách khác lạ. Wang Lung khó có thể hiểu được những người phương nam này đang nói chuyện gì.
Anh bảo O-Lan cùng với cha anh và lũ nhỏ đứng đợi cạnh một bức tường xám dài. Sau đó anh đi tìm một cửa hiệu bán chiếu để hỏi và biết được giá một chiếc chiếu là hai xu.
Khi anh quay lại, mang theo mấy manh chiếu, thì đã có những túp lều mới được dựng lên bên cạnh bức tường xám dài. Bức tường chắn cho họ những cơn gió lạnh. Không ai biết bên kia bức tường là cái gì và cũng chẳng ai quan tâm đến chuyện đó.
“Đưa mấy cái chiếu cho em” O-Lan nói. “Em đã học được cách ghép chúng lại với nhau lúc em còn nhỏ”.
Cô xếp thành một túp lều đơn giản, cũng dựa vào tường như những túp lều khác. Mỗi túp lều sát nhau đến nỗi Wang Lung chỉ cần vươn người ra là chạm được vào lều của hàng xóm.
Wang Lung tìm thấy nhà ăn công cộng, nơi dành cho những người nghèo khổ của thành phố. Những nồi cơm lớn được bắc trên các đống lửa. Mấy cái nồi này to như một cái ao nhỏ, nhiều đàn ông và phụ nữ tụ tập xung quanh để lấy thức ăn. Anh đứng với một nhóm, trả tiền xu và lấy ra bát.cơm của mình. Cái bát đầy ắp. Anh không hiểu được tại sao người ta lại phải làm cái nhà ăn công cộng này.
Một lính gác trong bộ đồng phục màu xanh dương và đỏ đứng gần cửa vào nhà ăn. Wang Lung liền hỏi anh ta: “Làm sao biết bao người có thể ăn chỉ với một xu được? Ai phát số gạo này vậy?”
Người lính gác trả lời: “Những người giàu có trong thành phố cho số gạo này đấy”.
“Nhưng tại sao?”, Wang Lung hỏi. “Tại sao mấy người đó lại phải cho kẻ nghèo thức ăn như vậy?”
“Có người làm điều đó như là một việc thiện,” người lính gác trả lời, “để họ có thể nhận được phước lành trên thiên đàng. Còn vài người khác làm vậy để được bạn bè nói tốt về mình”.
“Và vài người làm việc tốt vì họ có trái tim nhân hậu” Wang Lung nói thêm vào. Nhưng người lính gác không đáp.
Sáng hôm sau, gia đình Wang Lung cần thêm tiền, và O-Lan tìm được giải pháp.
“Em cùng với lũ nhỏ và ông cụ sẽ đi ăn xin ở ngoài đường” cô nói. “Tất cả sẽ cầm bát cơm trên tay và la to: Thưa các quý ông tốt bụng, thưa các phu nhân hiền hậu. Làm một việc thiện chắc chắn sẽ nhận được điều tốt đẹp trên thiên đàng. Cho tôi xin một xu thôi. Để đứa bé sắp chết đói này có được cái ăn”.
Wang Lung nhìn cô chằm chằm: “Em học đâu ra cái thứ này vậy? Em học đâu ra cái kiểu xin ăn trên đường như thế?”
“Em đã học được khi còn bé” O-Lan trả lời. “Em đã từng đi ăn xin vào một năm lúc không còn gì để ăn. Vào năm đó, em bị bán làm nô tì cho nhà họ Hwang”.
Ông già đang ngủ bỗng thức giấc. O-Lan nhét mấy cái bát vào tay ông cụ và hai đứa con trai. Rồi họ ra ngoài đường và bắt đầu ăn xin.
O-Lan ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Đứa bé đang ngủ, nhưng đầu nó ngả sang một bên trông giống như đã chết.
“Chúng tôi đói lắm!”, O-Lan bắt đầu rền rĩ. “Cho tôi xin một xu đi, nếu không đứa bé sẽ chết mất!”
Hai đứa con trai chơi trò ăn xin. Chúng đã quên mất cái đói, đối với chúng, ăn xin chỉ là một trò chơi. Chúng la to: “Chúng con đói lắm! Chúng con đói lắm!”, rồi toét miệng cười ngượng nghịu với nhau. Thấy vậy, O-Lan liền nổi giận và đánh chúng.
“Chúng mày vừa ăn xin vừa cười à? Lũ ngu xuẩn! Chắc chắn chúng mày sẽ chết đói đấy, biết chưa!” Và cô đánh chúng mãi cho tới lúc đau cả tay và những dòng nước mắt chảy ràn rụa xuống mặt lũ trẻ.
“Bây giờ chúng mày có thể xin xỏ được rồi đấy” O-Lan nói.
Wang Lung cảm thấy xấu hổ trước cảnh người nhà anh trở thành những kẻ ăn xin. Thế rồi anh lên đường đi kiếm việc làm và tìm thấy một chỗ cho thuê xe kéo. Người chủ hiệu xe giải thích cặn kẽ cho Wang Lung cách thức làm việc.
“Anh có thể lấy một chiếc xe kéo của ta để chở khách” ông ta nói. “Đòi tiền công sao cho vừa với túi tiền của khách. Mỗi tối, anh sẽ đưa ta nửa đồng bạc. Phần tiền còn lại anh có thể giữ lấy”.
Wang Lung nhận một chiếc xe kéo và ra đường. Công việc này nặng nhọc hơn là làm việc ngoài đồng. Từ xưa tới giờ, anh chỉ dùng cuốc xới đất chứ đã bao giờ kéo xe đâu. Lúc đầu anh chẳng biết cách nào tìm được nơi khách cần đến. Anh cũng không biết phải đòi khách bao nhiêu tiền. Nhưng rồi anh học rất mau. Tuy nhiên, tối hôm đó, sau khi trả nửa đồng bạc cho ông chủ xe, thì anh chỉ còn có một xu.
Wang Lung trở về lều và biết được cả ngày O-Lan xin được bốn mươi cắc lẻ. Tính ra được bốn xu đồng. Đứa con trai lớn có tám cắc lẻ, còn đứa em có mười ba cắc.
Ông cụ thì chẳng được xu nào. Ông lão đã ngủ khì bên đường và không xin xỏ gì hết. “Ta đã từng cày đất, gieo hạt và kiếm đủ ăn” ông tuyên bố. “Và ta đã sinh con trai”. Ông tin rằng gia đình sẽ nuôi ông.
Khi Wang Lung ngả lưng sau cả ngày làm việc mệt nhọc, anh nghĩ về mảnh đất của mình. Nó đang đợi anh, xa tận phương bắc. Nghĩ về điều đó, lòng anh cảm thấy thật an bình.

*

Ngày ngày trôi qua, Wang Lung kéo xe suốt các con đường của thành phố lớn miền nam. Anh nhìn thấy nhiều thứ mới mẻ và lạ lẫm. Những người nông dân ở vùng này rải phân chuồng ra đất, vụ mùa tươi tốt. Thực phẩm có ở khắp nơi. Anh thấy gạo và ngô, những con cá còn sống, quẫy mình trong rổ ở khu chợ bán cá, những miếng thịt to dùng treo trong các cửa hàng thịt.
Nhưng Wang Lung không thể kiếm đủ tiền, vì vậy gia đình anh phải tới nhà ăn công cộng để lấy đồ ăn. Nếu có một hoặc hai xu dư, O-Lan sẽ nấu cơm với bắp cải trong túp lều của họ. Trước đó, cô tìm được hai viên gạch và một cái nồi sắt mà ai đó đã vứt đi. Nhưng chất đốt rất khó kiếm. Hai thằng bé đi trộm lá tranh hay cỏ khô ở mấy xe bò của nông dân nên bị họ rượt chạy bán sống bán chết. Đứa lớn mập và chậm chạp, nhưng đứa nhỏ thì nhanh nhẹn và tháo vát nên nó luôn tìm được vài que củi hoặc cỏ khô làm chất đốt.
Một đêm nọ, Wang Lung trở về và thấy O-Lan đang nấu một miếng thịt heo to.
“Ai cho chúng ta miếng thịt này vậy?”, Wang Lung hỏi.
“Con lấy nó lúc người bán thịt không để ý,” đứa con trai nhỏ liền khoe, “nó là của con đó!”
Nghe thấy vậy Wang Lung liền đùng đùng nổi giận. “Ta sẽ không ăn miếng thịt này!”, anh quát lên. “Chúng ta sẽ chỉ ăn miếng thịt nào mà chúng ta mua hoặc xin được. Chúng ta sẽ không ăn thứ thịt ăn cắp!”
“Thịt là thịt mà” O-Lan nhỏ nhẹ nói.
Cô lấy miếng thịt đã nấu ra và xắn nó bằng đôi đũa. Cô đưa một ít cho ông già và lũ trẻ, rồi đút đầy miệng đứa con gái nhỏ, cuối cùng mới tởi lượt mình. Nhưng Wang Lung không ăn một miếng nào. Anh lôi đứa con trai nhỏ ra khỏi lều và đánh nó, vừa đánh vừa chửi: “Làm điều đó là một thằng ăn cắp!”, rồi anh lại đánh tiếp.
Thằng bé chạy lại chỗ mẹ nó, khóc lóc thảm thiết, còn Wang Lung thì đứng ngoài lều một mình trong đêm tối.
“Chúng ta phải trở về mảnh đất của mình thôi” anh nói.