Tổng Hợp & Biên Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh
NHỮNG CÂU HỎI

    
ÂU HỎI 1
Câu Hỏi:  Làm thế nào để người có rất nhiều nỗi oán hận đối với cha mẹ có thể phát triển lòng biết ơn đối với cha mẹ?
Ajahn Sumedho:  Đây không phải là một vấn đề cá biệt, vì Sư biết rằng giảng dạy về lòng từ bi trên một nền tảng tình cảm có thể thực sự làm gia tăng sự sân hận.  Sư nhớ có một nữ thiền sinh trong một khóa tu, bất cứ khi nào đến phần thực hành trải tâm từ bi đến cho cha mẹ là bà nổi cơn giận.  Sau đó bà cảm thấy rất hối hận về việc đó, vì bà không thể tha thứ và phát khởi tâm từ bi đến cho mẹ bà.  Mỗi khi nghĩ đến mẹ, bà chỉ có lòng oán thù.  Đó là vì bà chỉ sử dụng cái đầu; bà muốn thực hành tâm từ bi, nhưng bà không cảm thấy gì ngoài sân hận.
Điều quan trọng là phải thấy ra sự xung đột giữa cuộc sống lý trí và tình cảm.  Chúng ta biết trong đầu là phải tha thứ cho kẻ thù và thương yêu cha mẹ, nhưng trong tim chúng ta cảm thấy, ‘Tôi không bao giờ có thể tha thứ cho họ về những gì họ đã gây ra cho tôi’.  Rồi sau đó chúng ta hoặc cảm thấy giận dữ hoặc oán trách, hay chúng ta sẽ lý luận rằng: ‘Vì cha mẹ chúng ta quá tệ, quá đáng ghét, quá bất nhân, họ khiến ta phải quá khổ đau đến nỗi ta không thể quên hay tha thứ lỗi lầm của họ’, hay: ‘Chắc tôi là người không bình thường, tôi là kẻ xấu xa vì tôi không thể tha thứ.  Nếu tôi là người tốt, tôi đã có thể tha thứ rồi, do đó chắc chắn tôi phải là kẻ không ra gì’.  Đây là những xung đột xảy ra giữa cuộc sống lý trí và tình cảm.  Khi chúng ta không hiểu về sự xung đột này, chúng ta cảm thấy hoang mang; chúng ta biết mình nên cảm thấy như thế nào nhưng chúng ta không thực sự cảm thấy như thế.
Với lý trí chúng ta có thể tính toán mọi thứ hoàn hảo; chúng ta có thể tạo ra những hình ảnh và tư duy tốt đẹp trong tâm trí.  Nhưng trạng thái tình cảm thì không thể lý giải.  Đó là bản chất của tình cảm.  Nó không tuân theo những gì hợp lý, lô-gic, biết điều –vì thế trên bình diện tình cảm, chúng ta phải hiểu chúng ta thực sự cảm giác thế nào.  Tôi cảm thấy việc có lòng từ bi đối với tình cảm cá nhân của mình rất có ích lợi.  Vì thế khi cảm thấy cha mẹ chúng ta tàn nhẫn, vô tâm đối với chúng ta, ta có thể trải tâm từ bi đến với cảm giác trong tim ta; không phán xét, nhưng có lòng kiên nhẫn đối với tình cảm đó –để thấy rằng tình cảm của ta là như thế đó, rồi chấp nhận tình cảm đó.  Sau đó ta có thể giải tỏa tình cảm đó.  Nhưng khi ta bị mắc kẹt trong một trận chiến giữa tư duy lô-gic và những phản ứng tình cảm, thì ta sẽ rất hoang mang.
Một khi tôi đã bắt đầu chấp nhận đặc tính tiêu cực của mình hơn là đè nén nó, tôi có thể giải tỏa nó.  Khi chúng ta giải quyết điều gì đó với chánh niệm, thì chúng ta có thể buông bỏ và giải thoát bản thân khỏi áp lực của việc đó –không phải bằng cách trốn tránh hay chối bỏ, nhưng bằng sự cảm thông, chấp nhận tình cảm tiêu cực đặc biệt đó.  Giải pháp của xung đột hướng ta đến sự quán tưởng về ý nghĩa của cuộc đời.
Cha tôi mất sáu năm trước đây.  Lúc đó ông đã chín mươi tuổi.  Ông chưa hề bày tỏ tình thương hay sụ tử tế nào đối với tôi.  Vì thế từ thời thơ ấu tôi đã có cảm giác rằng ông không hề thương tôi.  Tôi mang cảm giác này đi gần suốt cuộc đời mình.  Tôi cũng chưa bao giờ có tình cảm yêu thương, hay bất cứ mối liên hệ mật thiết nào với cha tôi.  Lúc nào ông cũng nói một cách máy móc: “À con, gặp con vui rồi”.  Hình như ông không cảm thấy thỏai mái với sự có mặt của tôi.  Tôi nhớ, mỗi khi tôi trở về nhà với tư cách là người tu sĩ Phật giáo, ông thường nói, “Hãy nhớ, đây là nhà của cha, con phải làm theo ý cha”.  Đó là câu chào hỏi của ông –khi tôi đã gấn năm mươi tuổi đầu!  Tôi không biết ông nghĩ là tôi sẽ làm gì!
Khoảng mười năm cuối đời, ông khá khổ, và trở nên quạu quọ. Ông bị viêm khớp khá nặng, nên luôn bị đau đớn.  Ngoài ra, ông còn bị bệnh Parkinson, nên mọi thứ đều trở nên tồi tệ.  Dần dần chúng tôi phải đưa ông vào nhà dưỡng lão.  Ông hoàn toàn bại liệt.  Ông có thể chuyển động mắt và trò chuyện, nhưng toàn thân hoàn toàn bất động, cứng ngắt.  Ông rất ghét điều đó.  Ông buồn phiền về những gì đã xảy ra cho mình vì trước kia ông từng là một người đàn ông mạnh khỏe, rắn rỏi, tự lập.  Ông từng có khả năng làm chủ và quản lý tất cả mọi việc trong cuộc đời mình.  Vì thế ông ghét và bực tức về việc phải phụ thuộc vào các cô y tá để cho ông ăn, vân vân.
Lần đầu tiên trở về Mỹ, tôi nhớ đã trao đổi với chị tôi về cha mẹ.  Chị bảo cho tôi biết cha tôi là người rất biết điều.  Ông rất quan tâm, biết điều đối với mẹ tôi.  Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ mẹ tôi khi bà mệt hay không khỏe -một người chồng rất nhiệt tình.  Vì gia đình tôi thường vẫn như thế, nên tôi chẳng bao giờ nhận ra những đức tính này.  Chị tôi nói rằng không có nhiều người chồng biết giúp đỡ hay nhiệt tình với vợ như thế.  Ở thế hệ cha tôi, quyền phụ nữ và nữ quyền không phải là một vấn đề.  ‘Tôi mang tiền về nhà, còn bà lo việc bếp núc, giặt giũ’, đó là quan niệm của xã hội thời đó.  Lúc đó tôi nhận ra rằng không những tôi hoàn toàn coi thường những đức tính tốt đẹp đó, mà tôi còn không nhận ra chúng.
Lần cuối cùng khi đến thăm cha, tôi đã quyết định sẽ tạo ra một không khí ấm cúng giữa hai chúng tôi trước khi người ra đi.  Chỉ nghĩ đến điều này thôi tôi đã thấy khó, vì tôi từng sống với ý nghĩ là ông không hề thương tôi.  Thật khó để vượt qua những suy nghĩ như thế.  Tuy nhiên, thân ông cần được khởi động, nên tôi nói, ‘Để con xoa bóp chân ba”.  “Không, con không cần phải làm thể”, ông nói.  Tôi nói, “Ba cần phải được xoa bóp, nếu không nằm một chỗ sẽ bị hâm da’.  Nhưng ông vẫn nói, ‘Không, con không cần phải làm thế’.  Tôi nói, ‘Con thực sự muốn làm thế mà”.  Cha tôi vẫn cố từ chối, nhưng tôi thấy ông có vẻ đang lưỡng lự.  Rồi tôi nói, ‘Cần phải làm thế ba à, và con thực sự muốn làm thế’.  ‘Con thực muốn làm thế à?’ ông nói.  ‘Dạ,’ tôi nói.
Tôi bắt đầu xoa bóp chân, đùi, cổ, vai, tay và mặt ông; ông thật sự thích thú sự tiếp xúc gần gũi này.  Đó là lần đầu tiên ông được tôi chăm sóc như thế.  Tôi nghĩ người già cần sự tiếp xúc này vì sự xúc chạm vật lý này đầy ý nghĩa, nó là một cách để biểu hiện tình cảm.  Và tôi bắt đầu nhận ra rằng cha tôi thực sự rất thương yêu tôi, nhưng ông đã không biết làm sao diễn tả điều đó vì cách ông được giáo dục.  Ông lớn lên trong một môi trường giáo dục rất nghiêm khắc.  Gia đình ông không bày tỏ tình cảm ra ngoài, không ôm ấp, nựng nịu con cái.  Họ không có những sự bùng nổ tình cảm trọng đại, tình cảm luôn được kiểm soát.  Giờ thì tôi hiểu là cha tôi cũng tràn đầy tình thương, nhưng ông không thể biểu lộ tình cảm vì ông không được giáo dục như thế.  Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy lòng biết ơn.  Khi còn trẻ, tôi không hiểu ông vì không biết ông đã được dạy dỗ khi lớn lên như thế nào.  Chỉ khi đã lớn tuổi, tôi bắt đầu hiểu hậu quả của sự giáo dục như thế; một khi đã được rèn luyện theo khuôn mẫu đó, thật khó để bỏ thói quen đó.
Những ai đã từng chăm sóc người nằm một chỗ hay bại liệt đều biết rằng đôi khi người bệnh rất khó tính, thích gây gổ.  Chúng ta có thể nghĩ là mình đang giúp đở họ, nhưng họ khá độc đoán vì khi người ta trở nên bất lực như thế họ trở nên rất nhạy cảm đối với thái độ hống hách của người nuôi bệnh: ‘Để tôi giúp bạn – bạn là người tàn tật’.  Điều này cũng đúng khi người trẻ chăm sóc người già.
Tám năm trước đây, có một ông lão muốn đến tu viện để được qua đời tại đây.  Ông là người Anh, 80 tuổi, đã theo Phật giáo từ năm 1937, và bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.  Ông là người rất lịch sự.  Do đó ông đã đến ở tu viện Amaravati này và người trong nhóm Phật tử Harlow mà ông đã thành lập và động viên, thường đến chăm sóc ông; khi họ không đến được thì quý sư sẽ chăm sóc ông.  Tôi để ý thấy một số sư có thái độ ban ơn.  Nhưng ông lão đâu có để cho họ làm thế: ‘Tôi có thể sắp chết, nhưng tôi không phải là kẻ ngu’, ông nói, nhấn mạnh cho các vị này biết là ông không thể chấp nhận cách đối xử như thế.  Vì thế, chúng ta phải cẩn thận khi chăm sóc người già hay người bệnh, chúng ta phải chánh niệm về cách ứng xử của mình.
Khi quán sát cuộc đời từ góc cạnh lịch sử, ta thấy cuộc đời luôn đầy khổ đau.  Khi thăm viếng một nghĩa trang, đọc qua các bia mộ, ta có thể thấy nhiều tấm dành cho các em bé hay là phụ nữ trẻ -chừng khoảng hai mươi mấy- chết khi sinh sản.  Điều đó thường xảy ra ở Anh quốc khoảng 100 năm trước.  Thai phụ thường mất mạng khi sinh nở.  Giờ thì khi chuyện đó xảy ra, chúng ta ngạc nhiên và phẫn nộ.  Chúng ta nghĩ cuộc sống phải thay đổi, phải công bằng.  Những gì ta mong mỏi, chờ đợi rất cao; chúng ta có thể rất hay chỉ trích vì chúng ta nghĩ là cuộc sống phải mỗi ngày một tốt hơn.  Tuy nhiên, dầu chúng ta có mọi thứ đi nữa, cuộc sống vẫn có thể thiếu niềm vui.  Do đó vấn đề là cách ta nhìn cuộc sống, và chúng ta đã phát triển tâm như thế nào mới là điều đáng kể -điều đó không liên hệ gì đến tài sản, danh vị hay ngay cả sức khỏe.
Sống là một trải nghiệm đầy khó khăn, và nó luôn đi tới.  Ta cứ phải học hỏi cho đến ngày ra đi.  Cuộc sống không dễ, nhưng ta cứ tưởng nó không phải vậy, cứ muốn nó phải dễ dàng.  Riêng tôi, tôi nghĩ rằng cuộc sống cần phải khó khăn, có thế ta mới học hỏi, tu tập được.

Câu Hỏi 2
Câu Hỏi: Thưa, Sư giảng giùm con về ‘Tứ Vô Lượng Tâm’ (Four Brahmaviharas).
Ajahn Sumedho: Tứ Vô Lượng Tâm – metta (từ), karuna (bi), mudita (hỷ), upekkha (xả) – được gọi là những Trú Xứ Thánh Thiện (Divine Abodes).  Chúng là những trạng thái tâm trong sạch.  Là bản chất tự nhiên của tâm trong sạch.  Tâm được coi là thuần khiết khi ta tự giải thoát mình khỏi các tư lợi –tham, sân và si.  Khi tâm không bị vướng mắc trong những thứ ấy, thì Vô Lượng Tâm là trú xứ tự nhiên của nó.
Từ (Metta) là thái độ chung đối với mọi chúng sinh -một cảm giác của sự kiên nhẫn, thương yêu, và sự vắng mặt của sự tìm lỗi.  Bi (Karuna) tựa như lòng bi mẫn; là sự cảm thông với nỗi đau của người, nhận thức được thế nào là khổ.  Đó là nơi chúng ta cảm thấy cảm thông và bi mẫn với người, không giống như tình cảm thương hại người khác.  Mudita được dịch là hoan hỷ; là niềm vui chúng ta có được khi nhìn thấy người khác được hạnh phúc.  Niềm vui chúng ta tìm thấy trong nét đẹp thiện lành của người.  Nó trái ngược lại với ghen ghét.  Thường khi ta thấy người khác đẹp hơn, giàu hơn, chúng ta cảm thấy ganh tỵ.  Nhưng hoan hỷ là đức tính của sự mừng vui, tán thán cái đẹp, sự thành công của người khác.  Và upekkha là sự xả bỏ của tâm –sự tĩnh lặng và quân bình của tâm.
Như thế đây là những đức tính thánh thiện, nhưng chúng có thể được trải nghiệm trong cõi người.  Tôi cảm thấy dễ bi mẫn đối với những người khốn khổ, bị áp bức, với thú vật, với những chúng sanh kém may mắn hơn bản thân tôi.  Tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú khi làm hại hay bắt nạt người khác.  Nhưng điểm yếu của tôi là tôi thường cảm thấy ganh tỵ, ghen ghét với những người hơn tôi, và tôi cũng thường chỉ trích họ, tìm cách hạ uy tín họ.  Thật rất khó để mong cho ai đó được điều tốt lành, khi họ hơn hẳn ta.  Nên hỷ đối với tôi là một đức hạnh rất quan trọng để quán tưởng.  Thật tuyệt vời để hoan hỷ trong việc thiện lành, sắc đẹp và sự thành công của người khác.  Do đó tôi quán tưởng về nó và vung trồng nó thật nhiều để có thể mang được đức tính này vào cuộc sống của tôi.
Trong bốn tâm vô lượng này, từ -metta- là căn bản, và xả (Upekkha) –tâm xả bỏ, an tĩnh- là kết quả của tâm từ đó.  Karuna (bi)mudita (hỷ) là phản ứng đối với cuộc sống quanh ta –đối với những khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời ta.  Trước đây tôi thường cảm thấy giận dữ, phẫn nộ khi nghe những chuyện khủng khiếp, như là một nhóm người xấu xa nào đó tấn công nhóm người vô tội, hay sự tàn sát hàng loạt như là vụ Khmer Đỏ tàn sát hàng loạt người dân Campuchia.  Tôi có thể hiểu cảm giác muốn trả thù, muốn đòi công bằng trong những trường hợp đó.  Nhưng khi quán tưởng về các cảm giác này, tôi nhận ra rằng chúng không phải là những điều tôi muốn hành động, vì chính sự trả thù và những tình cảm oán thù khiến cho những điều khủng khiếp như thế xảy ra.  Nếu bạn đánh tôi, tôi sẽ đánh lại bạn, rồi khi tôi đánh bạn, bạn sẽ đánh lại tôi, rồi tôi đi đến chỗ giết bạn.  Rồi người thân của bạn sẽ giết người thân của tôi.  Chúng ta có thể thấy điều đó trong các phong trào khủng bố.  Họ đi tìm nhau để trả thù và giết hại lẫn nhau –điều đó cứ tiếp diễn.  Nên giờ nó phải chấm dứt.
Các trú xứ thánh thiện này, bốn vô lượng này, là những điều đáng suy gẫm và là phương cách để phát triển tâm tha thứ, là những đức hạnh trong cuộc sống và chúng có thể mang đến nét đẹp và sự hoàn hảo cho nhân loại.

Câu Hỏi 3
Câu Hỏi:  Làm thế nào chúng ta có thể phát triển từ bi trong khi ta chứng kiến bao khổ đau, bất công trên thế giới?
Ajahn Sumedho:  Chúng ta cần quán chiếu các hành động của mình, và chủ đích của chúng, quán tưởng về hậu quả của chúng, cả hai mặt tốt và xấu.  Nếu tôi quán tưởng về các vụ giết người ở Rwanda, và bảo rằng các nạn nhân bị giết là do nghiệp của họ, thì thật quá nhẫn tâm.  Giống như một sự quay lưng.  Ở Ấn Độ, đôi khi ta gặp những kẻ ăn xin, người phong cùi, nếu ta phớt lờ họ bằng cách cho rằng đó là nghiệp của họ, thì đó chỉ là chúng ta không muốn bị bận tâm về họ.  Đó thực sự không phải là cách ta nên quán tưởng về luật nhân quả.  Đó chỉ là cách ta sử dụng luật nhân quả để gạt vấn đề qua một bên.
Tháng sáu vừa rồi tôi đến Delhi.  Trời thật nóng: 46°c.  Lúc này ở Ấn Độ đã cho phép uống Coca Cola.  Ở Delhi, ai cũng uống Coca Cola.  Tôi đi chung xe với những người đang cho tôi tạm trú, và họ dừng xe ở một cửa tiệm để mua Coke.  Lúc đó tôi thấy hai phụ nữ bệnh phong trẻ.  Một người đẩy chiếc xe và người còn lại ngồi trong xe, tay bồng một cô gái nhỏ.  Họ đang xin ăn ngoài cửa tiệm.  Cả hai người phụ nữ đều xinh xắn, mặt họ không xấu hay bị biến dạng, chỉ có tay họ bị phong rút –và nhìn họ cũng không đến nỗi khổ sở lắm.  Họ có vẻ sáng sủa, tươi tắn.  Dầu sự đau đớn thể xác của họ không nhỏ, tôi có cảm giác họ chấp nhận sự việc đó khá tốt.  Trong khi ở đây (ND-Anh quốc), ta thường thấy những người hết sức trầm cảm, đầy tiêu cực; dầu họ chẳng có bệnh gì nơi thân, nhưng tâm họ không lành mạnh.  Tôi gọi đó là sự thống khổ cùng cực.  Bạn sẽ thấy bệnh trầm cảm này ngay cả ở những người giàu nhất.  Họ thấy cuộc đời họ chẳng có ý nghĩa gì, nên họ bám chặt vào sở hữu vật chất của họ.  Tôi thà ở gần người bệnh phong hơn kẻ chán đời!
Trong quyển sách ‘Thành phố của Niềm Vui – City of Joy’, do một Giám mục Thiên chúa giáo người Ba Lan viết khi ông đến sống tại một khu ổ chuột tồi tệ nhất ở Calcutta.  Đó là khu ổ chuột tồi tệ nhất, nghèo nàn nhất của những người bệnh phong.  Nơi đó được gọi là Anandanagar – City of Joy (Thành phố Của Niềm Vui).  Ông tả lại cuộc sống của những người bệnh phong và niềm vui, tinh thần lạc quan của họ.  Dầu nghèo nàn, khổ sở, cuộc đời bất hạnh, họ vẫn tràn đầy niềm tin.  Chúng ta sẽ cảm thấy lòng tràn đầy kính phục đối với những con người khi, dầu ở trong những hoàn cảnh xấu nhất, họ cũng không để bị khuất phục.  Chuyện kể rằng có một người phu xe vất vả ngày đêm để có đủ tiền gả con gái chứ không để cô thành gái điếm.  Dầu không mấy ai trong chúng ta phải ở trong hoàn cảnh tồi tệ như thế -phải kéo xe để có tiền gả con gái đàng hoàng.  Nhưng người phu xe cuối cùng cũng thành công trong việc tìm cho con gái một tấm chồng xứng đáng.  Hành động này thật cao cả; ta có thể thấy được tinh thần tự trọng của những người như thế.
Nhưng ở những nơi như Rwanda, dường như đầu óc ma quỷ đã chiếm lĩnh, ở đó chỉ có sự tàn nhẫn cùng cực, đến mức độ mà dường như nhân tính đã biến mất.  Mà những con người này không phải là người bệnh phong.  Họ là những con người bình thường nhưng tràn đầy lòng hằn thù, nên họ có thể đập đầu phụ nữ, trẻ em và nhúng tay vào những tội tàn ác nhất.  Những thứ đó từ đâu đến? …  Điều đó cũng có thể xảy ra cho chúng ta.  Điều đó cũng nằm trong những hành vi khả thi của nhân loại mà.
Ở Amaravati, tôi quán chiếu tâm mình.  Chúng ta có thể than phiền rất nhiều điều về Amaravati; tâm thường than vản khi chúng không thích điều gì.  Nhưng là những người tu sĩ Phật giáo, chúng ta đã tự rèn luyện để chỉ quán tưởng về những gì ta có; đó là bốn thứ ta cần –chiếc bình bát, chiếc y, thuốc men cho những khi đau ốm và một chỗ nương thân.  Do đó, tôi quán tưởng: ‘Tôi đã dùng bữa hôm nay rồi; tôi có y áo và một nơi để ngã lưng’.  Rồi tôi nghĩ, ‘Tôi còn có giáo pháp và khả năng được sống với những thiện hữu tri thức’.  Vì thế tôi hàm ân về những gì tôi có được, hơn là bị vướng mắc vào các trạng thái tâm khó chịu mà chúng có thể làm chủ tôi, nếu tôi cho phép chúng làm thế.
Chúng ta thường luôn nghĩ cuộc sống phải lý tưởng như thế nào, dựa trên những khả năng cao độ nhất.  Vì thế ta chỉ có thể cảm thấy là có điều gì đó không ổn đối với cuộc sống hiện tại.  Nhưng cuộc sống ít khi nào ở đỉnh điểm.  Chúng ta có những lúc thăng hoa, nhưng không thể kéo dài chúng mãi.  Phần lớn cuộc sống của chúng ta không giống như thế, mà nó giống như hiện tại.  Trong khi hành thiền chúng ta tập theo dõi dòng chảy của cuộc sống, và chúng ta rút ra bài học từ đó –tốt hơn là nghĩ có điều gì không ổn trong cuộc sống khi nó không như ý ta muốn.
Nhờ hành thiền, chúng ta có thể buông bỏ mọi thói quen và sự chống đối đối với cuộc sống.  Chúng ta thường để bản thân vướng mắc vào những bận rộn, những bộc phát, nên chúng ta không nhận thức được rằng để sống làm người, chúng ta thực sự không cần nhiều thứ lắm.  Tất cả mọi người đều nghĩ là mình cần có một cuộc sống vật chất cao với đủ loại tiện nghi, nhưng thực sự là, nếu chúng ta phải từ bỏ chúng, ta vẫn có thể rất hạnh phúc.  Chúng ta không cần phải đến sống ở City Of Joy (Thành phố của Niềm Vui) để chứng nghiệm điều đó, chúng ta vẫn có thể thấy được điều đó trong cuộc sống hằng ngày.  Chất lượng cuộc sống thực sự tùy thuộc vào cách chúng ta suy nghĩ và hành động.  Nếu chúng ta có thể vung trồng một tâm an lạc, tự tại, chúng ta không còn cần phải mua sắm thứ này thứ nọ, hoặc muốn cuộc sống phải bảo đảm và dễ chịu.  Một khi tâm ta được an lạc, không ai có thể tước đoạt nó từ ta.  Nhưng một ngôi nhà đẹp đẽ có thể bị thiêu hủy, côn đồ có thể đến chiếm đoạt, một con đường cao tốc có thể chạy qua phòng khách nhà; bao nhiêu thứ có thể xảy ra!

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ từ Gratitude to Parents, www.amaravati.org)