ôi sẵn sàng tin mọi điều người ta nói về sông Rhin, riêng cái tính vui tươi mùa hạ của nó, tôi không bao giờ tin là có thật; tôi đã tìm kiếm nhưng vô ích; có lẽ vì mắt có tật hay tâm hồn thiếu nhạy cảm nên tôi không thể khám phá ra cái tính vui tươi ấy.Sông Rhin của tôi tăm tối u buồn, nó mang quá nhiều đặc tính của một dòng sông đầy mánh con buôn nên sao tôi có thể tin là nó có gương mặt mùa hè trẻ trung được.Các mùa xuân, hạ, thu tôi đã đi trên những con tàu trắng, leo lên các ngọn đồi bên sông, đạp xe từ Mayence tới Cologne, từ Rudesheim tới Deutz, từ Cologne tới Xanthen, còn mùa đông, tôi ở những khách sạn nhỏ bên sông, và sông Rhin của tôi chưa bao giờ là dòng sông mùa hạ.Tôi biết sông Rhin của tôi từ thuở ấu thơ: dòng sông tăm tối u buồn, lúc nào tôi cũng vừa sợ vừa yêu; nơi tôi sinh cách sông ba phút; chưa biết nói, chỉ mới biết đi thôi, tôi đã chơi bên bờ sông: trên những đường viền cây ngập lá tới đầu gối, chúng tôi lội đi tìm nhưng chong chóng giấy đã nhờ gió đông đưa đi, gió thổi chúng - quá mau đối với chân trẻ con - về hướng tây, nơi có những đường hào quanh các pháo đài cổ xưa.Mùa thu, trời giông tố, mây đen và gió đắng từ các ống khói tàu lơ lửng trên không; tối lặng gió, sương mù dăng giữa thung lũng sông Rhin, còi báo mù rú lên tiếng trầm trầm, đèn hiệu xanh đỏ trên các đài gác lững lờ trôi như những con tàu ma, và chúng tôi tựa mình trên lan can cầu, nghe tiếng còi hiệu lanh lảnh, bực dọc của những chiếc tàu đi xuống hạ lưu.Đông đến: những tảng băng trắng, to như sân banh, phủ lớp tuyết dầy; những ngày trời trong ấy, dòng Rhin lặng yên; quạ khoang là những hành khách duy nhất để các tảng băng đưa mình theo hướng Hà Lan, chúng đi êm êm trên những chiếc tắc xi khổng lồ và sang trọng dị kỳ.Suốt nhiều tuần, dòng Rhin cứ lặng yên: chỉ còn những rãnh nước xám, hẹp giữa các tảng trắng lớn. Hải âu lượn dưới gầm cầu, băng vỡ thành từng mảnh nhỏ ở chân cầu, rồi tháng hai tháng ba, chúng tôi hồi hộp đến ngừng thở khi đợi luồng băng lớn từ thượng lưu sông Rhin xuống, và người ta không thể tin rằng đây là con sông hai bờ trồng nho, loại nho tốt. Nhiều lớp băng vỡ răng rắc, xô đẩy nhau qua làng mạc, thành phố, giật ngã cây cối, phá hại nhà cửa, rồi trở nên êm đềm hơn, ít nguy hiểm hơn khi đến Cologne. Chắc chắn có hai con sông Rhin: sông trên của người uống rượu vang; còn sông dưới của kẻ uống rượu mạnh, ít được ai biết đến và là con sông tôi ủng hộ. Sông Rhin ấy cho tới ngày nay chưa bao giờ thật sự giải hòa với bờ đông của nó; nơi trước kia lửa tế thần của người Giéc-man tỏa khói giờ là chỗ các nhà máy phun khói, từ Cologne cho tới tận Duisbourg ở miền bắc; những ngọn lửa đỏ, vàng, xanh lục, hậu trường ma quái của những ngành công nghệ lớn trong khi bờ tây, tả ngạn sông, vẫn còn giống bờ sông của những người chăn thú: bò, liễu, lau sậy và dấu vết những trại mùa đông của người La Mã. Nơi đây quân La Mã đã đăm đăm nhìn về phía bờ đông không nhân nhượng; họ tế thần Vệ Nữ; thần Rượu, ăn mừng sự ra đời của Agrippina: cô gái vùng Rhin này là con tướng Germanicus, cháu hoàng đế Caliguala, mẹ bạo chúa Néro, vợ hoàng đế Claudius, là kẻ giết chồng, rồi sau bị Néro con mình giết chết. Máu vùng Rhin trong huyết mạch Néro!Cô ta sinh ra giữa những trại lính: trại ky binh, trại lính thủy, lính bộ. Ở phía tây hồi đó đã có những biệt thự của người đi buôn, công chức hành chính, sĩ quan, đã có những hồ nước nóng, phòng tắm hơi lớn; cái huy hoàng ấy, thời đại mới vẫn chưa bắt kịp, nằm sâu mười mét dưới những cái sân con cái chúng ta chơi, giữa gạch vụn của hàng bao thế kỷ.Con sông Rhin cổ xưa ấy đã thấy quá nhiều đạo quân: La Mã, Giéc-man, Hung Nô, Cô-đắc, những hiệp sĩ cướp bóc [1] - quân chiến thắng cũng như chiến bại - và sứ giả của lịch sử đang diễn tiến, những người đi xa nhất: đám trai trẻ xuất thân từ Wiscosin, Cleveland hay Manille tiếp tục nghề buôn mà lính đánh thuê La Mã đã bắt đầu từ năm số không. Sông Rhin rộng lớn với dòng nước xanh xám ấy đã thấy quá nhiều thương mại, quá nhiều lịch sử nên sao tôi có thể tin được là nó mang vẻ mặt mùa hè trẻ trung. Đáng tin hơn, là nỗi u buồn, vẻ tối tăm của nó; cả những thành quách đổ nát của các hiệp sĩ cướp bóc còn tồn tại trên các ngọn đồi bên sông cũng chẳng phải là di tích của một thời khuyết ngôi tốt lành nào cả. Nơi đây, vào năm số không, đồ trang sức giả của La Mã đã được đổi lấy phẩm giá phụ nữ Giéc-man, và năm 1947, kính quang lọc của hãng Zeiss được đổi lấy cà phê và thuốc lá, những cây nhang trắng nhỏ của thế giới phù du. Ngay cả họ Nibelungen [2], những kẻ sống trên đất trồng nho ấy, cũng không tốt lành cho lắm, máu là tiền của họ, với một mặt trung thành, còn mặt kia là lòng phản bội.Sông Rhin của người uống rượu vang chấm dứt ở khoảng thành phố Bonn, rồi qua một đoạn cách ly cho tới Cologne; nơi đây bắt đầu con sông của kẻ uống rượu mạnh, đối với nhiều người tuồng như điều đó có nghĩa là sông Rhin tận cùng nơi đây. Sông Rhin của tôi bắt đầu nơi đây, nó trở nên lặng lẽ u buồn, nhưng không bao giờ quên những gì đã trải qua và trông thấy ở phía trên, càng tới gần cửa sông, nó càng nghiêm hơn, cho tới khi mất đi ở biển Bắc, nơi nước sông hòa lẫn với nước đại dương rộng lớn; dòng Rhin với những tranh Đức Mẹ dịu hiền của miền trung du chảy tới quê Rembrandt [3], để rồi mất hút trong sương mù biển Bắc.Sông Rhin của tôi là con sông của mùa đông, của quạ khoang đi trên những tảng băng trôi về hướng Tây bắc đến Hà Lan, sông Rhin của Brueghel-Rhein [4], họa sĩ chuộng các sắc xanh xám, đen trắng, xám đậm, xám nhạt, và mặt tiền nâu nâu của những ngôi nhà chỉ lòe loẹt trở lại lúc gần hè; sông Rhin êm đềm nhưng vẫn còn đủ nguyên thủy để không cho những kẻ thờ thần Thương Mại đến gần ít nhất vài tuần trong năm và tự làm chủ lấy mình, chỉ dành lòng sông cho chim, cá và băng đá. Và tôi vẫn luôn sợ sông Rhin có thể hung dữ vào mùa xuân, tôi sợ nó khi thấy đồ gia dụng trôi trên sông, thú vật chết đuối, cây cối bật rễ; khi cây trên bờ có dán tấm áp phích đề chữ báo động màu đỏ và nước bùn dâng lên đục ngầu; khi dây xích buộc những nhà bè to lớn tưởng chừng như sắp đứt. Tôi sợ sông Rhin thì thầm những gì rờn rợn hoặc êm dịu vào giấc mơ tuổi thơ, vị thần tăm tối tỏ ý muốn tiếp tục đòi vật tế lễ: ngoại đạo, nguyên thủy, không chút êm thắm, sông to rộng ra như biển cả, tràn vào các căn nhà, dâng nước xanh xanh ngập các hầm nhà, trào ra kinh đào, cống rãnh, gầm thét dưới các vòm cầu: người cha hùng của nữ thủy thần Undine [5].Chú thích:[1] Hiệp sĩ sống bằng sự cướp bóc, ở châu Âu vào cuối thời trung cổ (giữa thế kỷ 13 tới đầu thế kỷ 16).[2] Theo huyền sử Đức, Nibelungen là danh hiệu của dòng họ lùn chủ nhân một kho tàng, về sau (thế kỷ thứ 5?) danh hiệu cũng như kho tàng ấy thuộc về dòng họ Bourgogne của vua Gunther.[3] Rembrandt (1606- 1669) tên thật là R. Harmensz van Rijn, họa sĩ và nhà khắc đồng người Hà Lan. Ông để lại hậu thế chừng 700 bức họa, 300 bản khắc đồng và 1.800 phác họa.[4] Có lẽ ông thuộc gia đình họa sĩ Hà Lan Brueghel.[5] Undine có hình người, nhưng chỉ có được linh hồn bất tử khi lấy người trần thế làm chồng.