III - Bọn diều hâu
CHƯƠNG 25

     ịa điểm cuối cùng.
…nơi tôi đưa anh đến… - đen..
Parker Kincaid đứng trước tấm bảng đen trong phòng Thí nghiệm Tài liệu. Hai tay chống hông. Nhìn chằm chằm vào câu đố trước mắt mình..
"Cái gì đen?", Tiến sĩ Evans lẩm bẩm.
Cage nhún vai. Lukas đang nói chuyện điện thoại với các chuyên gia khám nghiệm hiện trường PERT trên chiếc thuyền Riizy Lady. Cô cúp máy và thuật lại với cả đội, đúng như họ đã nghĩ, có rất ít đầu mối vững chắc. Họ tìm được vỏ đạn với một vài dấu vân tay. Chúng đang được kiểm tra trên APIS, và kết quả nhận dạng sẽ được gửi qua email cho Lukas. Không còn bằng chứng vật chất nào khác. Các nhân chứng mô tả lại một người đàn ông da trắng, trung tuổi, mặc áo khoác màu tối. Hắn mang một chiếc túi mua hàng màu nâu, có thể trong đó chứa khẩu súng tự động. Một mẩu giấy đã được khôi phục lại. Nó bị rách ra từ cái túi, các chuyên viên của PERT đã khẳng định như vậy, nhưng nó chỉ nằm trong nhóm khái quát và không hề đưa ra được đầu mối nào dẫn tới nơi sản xuất.
Parker nhìn quanh, "Hardy đâu?”
Cage kể cho anh vụ việc xảy ra ở Rite.
"Cô sa thải anh ta à?", Parker hỏi, gật đầu về phía Lukas.
"Không. Tôi đã tưởng thế nhưng cô ấy chỉ mắng cho anh ta một trận, rồi cho anh ta cơ hội thứ hai. Anh ta đang ở trong thư viện nghiên cứu dưới nhà. Cố gắng chuộc lỗi."
Parker nhìn lại Geller. Chàng đặc vụ trẻ đang chăm chú vào màn hình trước mặt trong lúc máy tính ứng biến chương trình ghép chữ khi cố gắng một cách vô ích để ghép các chữ cái vào trước chữ "đen". Tuy nhiên lớp tro đằng trước đã bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với chỗ ghi dòng Ritzy Lady.
Parker đi đi lại lại một lát rồi thôi. Anh nhìn lên tấm bảng đen, mơ hồ cảm thấy khó chịu như sắp sửa tìm ra một đầu mối nào đó nhưng chưa hẳn, nên lại thở dài.
Anh thấy mình đang đứng cạnh Lukas. Cô hỏi, "Con trai anh, Robby, thế nào rồi? Nó ổn chứ?".
"Ổn. Chỉ hơi sợ một chút."
Cô gật đầu. Chiếc máy tính gần đó báo, "Bạn có thư". Cô bước đến và đọc tin nhắn. Rồi lắc đầu, "Dấu vân tay trên vỏ đạn là của một trong các hành khách trên du thuyền nhặt lên để làm vật lưu niệm. Đã kiểm tra xong anh ta". Sau đó, cô bấm nút "lưu".
Parker liếc nhìn màn hình. "Cái đó biến tôi thành đồ cổ."
"Cái gì?"
"Email", anh nói. Anh nhìn Lukas và thêm, "Với tư cách là nhà giám định tài liệu ấy. Mọi người viết lách nhiều hơn bất kỳ lúc nào vì có cái này, nhưng..
"Nhưng ngày nay chẳng còn mấy chữ viết tay nữa, cô nói tiếp dòng suy nghĩ của anh.
"Đúng vậy."
"Thật khắc nghiệt", cô nói. "Mất rất nhiều bằng chứng vì thế!".
"Đúng. Nhưng với tôi, chuyện đó không đáng buồn".
"Buồn à?", cô nhìn anh. Đôi mắt cô không còn lạnh lẽo như đá nữa mà có vẻ đề phòng khi một khái niệm lạ lẫm như thế lại xuất hiện trong phòng thí nghiệm tối tân nhường này.
"Với tôi", Parker nói với cô, "chữ viết tay chính là một phần của nhân tính. Giống như khiếu hài hước hay óc tưởng tượng của chúng ta vậy. Nghĩ mà xem, nó là một trong những thứ hiếm hoi thuộc về con người có thể tồn tại sau khi chúng ta chết. Chữ viết tồn tại cả trăm năm. Cả ngàn năm. Nó là thứ gần với sự bất tử nhất mà con người với tới được."
"Một phần của nhân tính ư?", cô hỏi. "Nhưng anh nói rằng việc đoán tướng chữ chỉ là trò vớ vẩn."
"Không, ý tôi nói rằng những gì người ta viết ra vẫn là sự phản ánh con người của chính họ. Cách viết hay nội dung viết chẳng thành vấn đề, thậm chí nếu nó có vô nghĩa hay sai sót. Nội chuyện ai đó nghĩ ra từ ngữ ấy rồi tay họ viết nó lên giấy đã là điều có ý nghĩa rồi. Với tôi, nó gần như là một điều kỳ diệu."
Cô đang nhìn chằm chằm xuống sàn, đầu cúi gằm.
Parker nói tiếp, "Tôi luôn nghĩ rằng chữ viết tay chính là dấu vân tay của trái tim và trí óc". Anh tự cười mình trước câu nói này, vì nghĩ chắc cô sẽ lại phản ứng lỗ mãng trước ý nghĩ ủy mị như vậy. Nhưng điều kỳ quặc đã xảy ra. Margaret Lukas gật đầu và vội nhìn đi chỗ khác. Trong một thoáng, Parker nghĩ liệu có phải một tin nhắn khác lại hiện trên màn hình gần đó và làm cô chú ý tới. Nhưng chằng có tin nhắn nào. Vì đầu cô vẫn quay đi không nhìn anh, anh có thể trông thấy hình phản chiếu trên màn hình máy tính và có vẻ mắt cô đang đẫm lệ. Đó là điều anh không bao giờ ngờ tới sẽ thấy ở Lukas, nhưng đúng là thế, cô đang dụi mắt.
Anh định hỏi cô có chuyện gì không thì cô đột ngột đứng lên bước tới chỗ mấy mảnh kính đang giữ các tờ giấy cháy dở. Không cho anh cơ hội để nói thêm về những giọt nước mắt của cô, Lukas hỏi, "Tên nghi phạm vẽ mê cung đấy à? Anh nghĩ có gì ở đó không? Đầu mối nào đấy chẳng hạn?".
Anh không trả lời. Chỉ tiếp tục nhìn cô. Cô khẽ quay lại và nhắc, "Mê cung ấy?".
Một lát sau, anh nhìn xuống, quan sát tờ giấy vàng. Chỉ có bọn thần kinh phản xã hội mới thường để lại tài liệu mã hóa làm đầu mối, nhưng ngay cả chúng cũng ít khi làm vậy. Dù sao, Parker vẫn nghĩ kiểm tra không hại gì; họ đã có quá ít đầu mối để lần theo rồi. Anh đặt hai tấm kính đang giữ tờ giấy lên chiếc máy chiếu phía trên.
Lukas đứng bên cạnh Parker.
"Chúng ta đang tìm gì?", Cage hỏi.
"Các đường này có tạo nên chữ cái nào không?", Lukas hỏi.
"Tốt", Parker nói. Cô đã bắt đầu nắm được cách giải đố. Họ cẩn thận lần theo các đường vẽ. Nhưng không tìm được gì.
"Có thể”, rồi cô gợi ý. "Nó là một cái bản đồ."
Một ý không tồi.
Tất cả mọi người đều nhìn vào các đường vẽ. Là trưởng văn phòng Đặc khu, Lukas rất am hiểu về địa bàn thành phố. Nhưng cô không thể nghĩ ra một con phố hay khu dân cư nào liên quan đến những mê cung này. Chẳng ai nghĩ ra được.
Geller nhìn lại máy tính của mình rồi lắc đầu. Phần mềm ghép chữ không dùng được. "Không còn đủ tro để tạo nên bất kỳ chữ cái nào nữa."
"Chúng ta đành phải giải toán theo cách cũ vậy". Parker bước lại nhìn chằm chằm lên tấm bảng đen, "...đen".
"Một tổ chức Mỹ - Phi nào đó chăng?", Evans gợi ý.
"Có thể", Parker nói. "Nhưng hãy nhớ là nghi phạm rất thông minh. Và có giáo dục."
Cage cau mày. "Ý anh là sao?"
Chính Lukas là người trả lời. "Từ 'đen' viết thường. Nếu nó nằm trong tên một tổ chức nào đó, hắn có thế sẽ viết hoa."
"Chính xác", Parker nói. "Tôi đoán nó dùng để mô tả. Nhiều khả năng nó nhăc tới màu da nhưng tôi không nghĩ nó là tham chiếu tới một tổ chức cụ thể nào."
"Nhưng đừng quên", Cage nói. "Gã cũng rất thích biến chúng ta trở thành lũ ngốc””.
"Đúng", Parker thừa nhận.
... đen.
Parker đi đến bàn giám định, nhìn xuống bức thư tống tiền. Đặt hai tay hai bên. Nhìn chằm chằm vào giọt lệ quỷ phía trên các chữ cái ỉ và lớp mực ảm đạm.
Mày biết gì? Anh lặng lẽ hỏi tài liệu. Mày đã không kể với bọn tao điều gì? Mày đang nắm giữ bí mật gì? Cái gì...?
"Tôi tìm được thứ gì đó", giọng nói vọng vào từ cửa.
Tất cả quay lại.
Thanh tra Len Hardy chạy vào phòng với một tập giấy kẹp dưới nách. Anh ta đang chạy thì dừng phắt lại và hít lấy hít để. "Được rồi, Margaret, cô đã đúng. Tôi không giỏi bắn súng cũng chẳng biết điều tra. Nhưng không ai giỏi nghiên cứu hơn tôi. Vì vậy, tôi đã quyết định sao mình không làm thế? Tôi tìm được chút ít thông tin về cái tên đó. Digger ấy." Anh ta thả tập giấy lên bàn và bắt đầu lật giở rồi liếc nhìn cả đội. "Tôi xin lỗi chuyện lúc trước. Về ông thị trưởng. Tôi đã sai. Tôi chỉ muốn làm gì đó để mọi người không bị tổn hại."
"Được rồi Len", Lukas nói. "Anh có gì?"
Hardy hỏi Tiến sĩ Evans, "Khi kiểm tra cái tên, ông đã dùng cơ sở dữ liệu nào?".
"Thì những cơ sở tiêu chuẩn", vị tiến sĩ trả lời, có vẻ hơi bị chạm tự ái.
"Về tội phạm?", Hardy hỏi, "VICAP, Tội phạm bạo lực của Sở cảnh sát New York, John Jay?". (1745-1829, chính khách, người yêu nước, nhà ngoại giao, một trong những người sáng lập liên bang Hoa Kỳ, ký kết hiệp định Paris và là Chánh án tòa án tối cáo Mỹ)
"Chắc chắn là những nguồn đó rồi", Evans nói, tránh ánh mắt của Hardy.
"Những nguồn đó không sai", Hardy nói, "nhưng tôi lại nghĩ sao không thử cả các nguồn phi tội phạm? Cuối cùng tôi đã tìm được. Cơ sở dữ liệu ở phòng Lịch sử tôn giáo của trường Đại học Cambridge". Hardy mở cuốn sổ tay. Có mấy chục trang bên trong, toàn là bảng biểu. Thanh tra trẻ đã nói đúng; chắc chắn là anh ta rất biết cách nghiên cứu.
"Cái nhóm từng xuất hiện ở San Francisco hồi những năm Sáu mươi mà ông đã nhắc tới ấy?", anh ta hỏi Tiến sĩ Evans. "Nhóm có tên Diggers?"
''Nhưng tôi đã kiểm tra họ rồi", tiến sĩ nói. "Họ chỉ là một nhóm diễn viên."
"Không phải", Hardy bác lại. "Đó là một nhóm vận động chính trị và xã hội ngầm cực đoan, có trung tâm đặt tại Haight-Ashbury. Tôi đã kiểm tra triết lý hoạt động và lịch sử của họ, hóa ra họ lấy cái tên này từ một nhóm ở Anh hồi thế kỷ XVII. Nhưng họ cực đoan hơn nhiều. Họ ủng hộ chủ trương xóa bỏ quyền sở hữu tư về đất đai. Đây mới là điều đáng chú ý. Họ chuyên lo về mặt kinh tế và xã hội nhưng lại liên minh với một nhóm khác thiên về chính trị và hoạt động tích cực hơn nhiều, đôi khi còn dính dáng tới quân sự. Họ tự gọi mình là True Levelers” (Những người mang lại sự bình đẳng đích thực)"
"Levelers", Cage lẩm bẩm. "Cái tên cũng ghê rợn một cách chết tiệt."
Hardy nói tiếp, "Họ phản đối việc người dân bị nhóm người thuộc tầng lớp cao trong xã hội và Chính phủ tập trung kiểm soát".
"Nhưng điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta?", Lukas hỏi.
Hardy nói, "Nó có thể giúp tìm ra điểm cuối cùng. Digger sẽ muốn tấn công vào đâu để cào bằng xã hội tư bản chủ nghĩa của chúng ta?".
Parker nói, "Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần biết tại sao hắn lại muốn làm thế cho xã hội nói chung?".
"Một tên cuồng tôn giáo chăng?", Geller hỏi. "Nhớ cây Thánh giá không?"
"Có thể", Evans nói. "Nhưng hầu hết những tên cuồng tôn giáo đều không muốn lấy tiền; chúng chỉ muốn nửa giờ xuất hiện trên kênh CNN."
"Có thể Digger có thù hằn gì đó", Parker nói.
"Chắc chắn rồi. Trả thù", Lukas đồng tình.
"Ai đó đã làm hắn tổn thương", Parker nói. "Và hắn muốn đòi lại sự công bằng"
Evans gật đầu. "Nghe có lý."
"Nhưng ai mới được chứ? Ai đã làm hắn tổn thương?", Hardy lẩm bẩm, lại một lần nữa nhìn vào bức thư ma quái.
"Hắn bị sa thải chăng?", Cage gợi ý. "Một nhân viên bất mãn?"
"Không", Evans nói, "một kẻ tâm thần có thể giết người vì việc đó nhưng hắn không bị tâm thần. Hắn quá thông minh và biết cách kiềm chế bản thân".
Geller cũng góp giọng, "Doanh nghiệp lớn, tập đoàn bự, những nhà tài phiệt..”
"Chờ đã", Hardy nói, "nếu thế thì mục tiêu của Digger phải là ở New York, chứ không phải Washington?".
"Hắn đã từng ở đó đấy chứ", Cage chỉ ra. "White Plains."
Nhưng Hardy lắc đầu. "Không, nhớ lại xem, White Plains, Boston, Philly? Những nơi đó chỉ là đợt chạy thử của hắn. Đây mới là màn kết hoành tráng."
"Chính phủ", Parker nói. "Đó là lý do Digger ở đây."
Hardy gật đầu. "Và nhóm Diggers phản đối chính quyền tập trung. Vì thế, có thể nó chẳng liên quan gì đến tầng lớp trên cả." Anh ta liếc nhìn Evans. "Mà là Chính phủ liên bang."
Lukas nói, "Đúng rồi. Chắc là thế".
Parker thêm vào, "Chính phủ chịu trách nhiệm cho một việc gì đó làm tổn thương hắn". Rồi anh nhìn khắp một lượt cả đội. "Ai có ý tưởng gì không?"
"Hệ tư tưởng?", Cage băn khoăn thành tiếng. "Hắn là cộng sản hoặc một phần tử của lực lượng quân sự cánh hữu."
Evans lắc đầu. "Không, nếu thế thì giờ này Digger phải gửi tối hậu thư rồi. Việc này mang nhiều tính cá nhân hơn thế."
Lukas và Hardy cùng nhìn vào mắt nhau. Với Parker, có vẻ cả hai vừa nghĩ ra cùng một ý. Chính là chàng thanh tra cất tiếng trước, "Cái chết của một người hắn yêu quý".
Lukas gật đầu.
"Có thể", vị tiến sĩ đồng tình.
"Được rồi", Cage nói. "Tình huống nào nhỉ? Ai đã chết? Và tại sao?"
"Hành quyết?", Hardy gợi ý.
Cage lắc đầu. "Hầu như chưa có cấp liên bang. Chỉ có cấp tiểu bang thôi."
"Hoạt động giải cứu ở biên giới thất bại", Geller gợi ý.
"Mơ hồ quá", Lukas nói.
Hardy thử lần nữa, "Xe của Chính phủ gây tai nạn, chè chén rồi bắn phải nhân viên bưu điện, tai nạn ở sở công viên... quan chức ngoại giao..."
"Quân đội", Cage gợi ý. "Hầu hết những cái chết liên quan đến chính quyền liên bang đều gắn liền với quân đội."
"Nhưng", Lukas nói, "mỗi năm trong lực lượng có tới hàng trăm người chết. Có phải tai nạn không? Tập huấn? Chiến đấu?".
"Bão táp sa mạc?", Cage gợi ý. (tên một chiến dịch quân sự trong chiến tranh vùng Vịnh)
"Digger khoảng bao nhiêu tuổi?", Parker hỏi.
Lukas chộp lấy bản báo cáo sơ lược của đội giám định pháp y. Cô đọc và nhìn lên, "Xấp xỉ bốn mươi lăm".
... đen.
Rồi Parker chợt hiểu ra. Anh nói, "Bức tường đen!".
Lukas gật đầu, "Đài tưởng niệm Việt Nam".
"Ai đó hắn biết", Hardy nói, "đã bị giết ở Việt Nam. Anh trai, chị gái. Có thể vợ hắn từng là y tá".
Cage nói, "Nhưng chuyện xảy ra từ ba mươi năm trước rồi. Sao lại nổi lên lúc này?".
“Ô có chứ", Evans nói. "Nếu nghi phạm của ông không triệt tiêu được cơn giận trong lúc chữa trị tâm lý thì cái nhọt sẽ vỡ ra. Và Giao thừa thường là thời điểm của những quyết tâm mới, con người có xu thế tiến hành những hoại động bạo dạn hơn, thậm chí cả hành động mang tính hủy hoại. Đêm nay có nhiều vụ tự tử hơn bất kỳ đêm nào khác trong năm."
"Ôi lạy Chúa", Lukas nói.
"Sao?"
"Tôi vừa nghĩ ra Đài tưởng niệm trong công viên Mall. Dễ có đến hai trăm ngàn người sẽ có mặt ở đó. Để xem pháo hoa. Chúng ta sẽ phải hủy sự kiện đó."
"Công viên đầy chật người mất rồi", Parker nói. "Họ đã cắm trại ở đó từ nhiều tiếng trước."
"Nhưng Chúa ơi", Cage nói, "chúng ta cần thêm nhân lực". Ông gọi cho Artie, bảo vệ đêm của tòa nhà, và yêu cầu ông ta thông báo trên loa cho tất cả các đặc vụ đang ở trong tòa nhà phải có mặt ở sảnh để nhận nhiệm vụ khẩn cấp.
Lukas gọi Jerry Baker và bảo anh ta đưa toàn bộ đặc vụ tác chiến của mình tới khu vực tây bắc của công viên Mall. Sau đó, cô nhắn tin yêu cầu phó giám đốc gọi lại. Ông ta gọi ngay lập tức. Cô nói chuyện với ông ta một phút rồi tắt máy.
Cô nhìn toàn đội. 'Phó giám đốc đang trên đường đến. Tôi sẽ gặp ông ấy dưới nhà để tóm lược tình hình rồi sẽ gặp lại mọi người ở Đài tưởng niệm."
Cage mặc áo khoác vào. Geller đứng dậy và kiểm tra súng. Trông nó thật lạ lẫm trong tay cậu ta, rõ ràng đôi tay kia thành thạo cầm chuột máy tính hơn nhiều.
Lukas nói, "Chờ đã, Tobe. Anh về nhà".
"Tôi có thể".
"Đó là lệnh. Anh đã làm đủ rồi.”
Cậu ta phản đối thêm một lúc. Nhưng cuối cùng, Lukas vẫn là người chiến thắng, song chỉ sau khi cô hứa là mình sẽ gọi điện nếu cần thêm sự trợ giúp về kỹ thuật. "Tôi sẽ mang laptop về", cậu ta nói, cứ như mình có thể chịu được cảnh cách xa chiếc máy tính trong bán kính một mét không bằng.
Lukas đi đến chỗ Hardy. "Cảm ơn thanh tra. Làm việc tốt lắm."
Anh ta cười toe toét. "Xin lỗi vì vụ việc với ngài thị trưởng. Ông ta..."
Cô xua tay, chấp nhận câu xin lỗi và khẽ nở nụ cười. "Mọi chuyện rồi sẽ 'mạnh khỏe như mưa rào' thôi." Rồi cô hỏi anh ta, "Anh vẫn còn muốn nếm mùi hành động đêm nay chứ?".
"Ồ, đương nhiên là có."
"Được, nhưng cứ ở phía sau đoàn nhé. Nói thật với tôi... Anh thật sự biết bắn đấy chứ?"
"Chắc chắn rồi. Tôi còn bắn khá giỏi... nếu trời không có gió." Viên thanh tra trẻ vẫn còn cười trong lúc mặc áo khoác.
Parker cảm nhận sức nặng của khẩu súng trong túi khi khoác áo vào. Lukas liếc nhìn anh với vẻ nghi ngờ. "Tôi cũng đi", anh nói chắc nịch để trả lời cái liếc mắt ấy.
Cô nói, "Anh chẳng cần đi đâu, Parker. Không sao hết. Anh đã làm đủ rồi".
Anh mỉm cười với cô. Chỉ cần ngắm và bắn thôi, phải không?
Cô ngập ngừng rồi nói, “Chỉ cần ngắm và bắn”.

 

Nó đây rồi, nó đây rồi... Chúa ơi, nhìn họ mà xem!
Một tá, hai tá đặc vụ chạy ra khỏi trụ sở FBI. Một số người mặc áo khoác chống đạn, những người khác thì không.
Henry Czisman uống ngụm cuối cùng của chai Jim Beam rồi đặt cái chai màu nâu lên ghế sau của chiếc xe thuê mà bên trong nồng nặc mùi thuốc lá và rượu whiskey. Anh ta dụi điếu Marlboro trên chiếc gạt tàn đã đầy ứ.
Họ đang lao về phía ô tô. Từng người một nổ máy rồi phóng đi.
Anh ta không đi theo. Chưa được. Anh ta kiên nhẫn chờ đợi như một con rắn hổ lục.
Rồi Czisman trông thấy viên đặc vụ cao lớn tóc xám tên Cage đi qua cửa trước. Ngó lại đằng sau lưng ông ta. À phải rồi! Anh chàng đây rồi: Parker Kincaid.
Mặc dù Czisman đã không kể mọi chuyện với các đặc vụ FBI, nhưng thực tế, anh ta là phóng viên gần như suốt cuộc đời. Lại là một phóng viên giỏi nữa. Anh ta có thể đọc hiểu từng người một cách mẫn cảm như bất kỳ cảnh sát đường phố nào. Trong lúc họ chạy thử các chương trình quét võng mạc và phân tích độ căng thẳng giọng nói của anh ta trong căn phòng thẩm vấn kia, bản thân Czisman cũng có những bài thử nghiệm của riêng mình. Ít tính kỹ thuật và nhiều phần bản năng hơn, thế nhưng kết quả anh ta thu được chẳng hề kém chính xác so với Cục điều tra. Một trong những điều anh ta đã nhận ra, rằng Jefferson không phải là Jefferson. Khi anh chàng này vội vã rời khỏi trụ sở và lên ô tô của mình vài giờ trước, Czisman đã gửi biển số xe của anh tới một thám tử tư ở Hartford, Connecticut và có được nhân thân thật sự. Parker Kincaid. Chỉ cần một cuộc tra cứu đơn giản trên Internet là anh ta có thể biết người này từng là trưởng phòng phòng Tài liệu của Cục điều tra.
Nếu Cục đang phải dùng một cựu đặc vụ làm cố vấn, hẳn anh ta phải rất giỏi. Điều đó có nghĩa là anh ta đáng để bám theo. Không phải con người quan liêu như Cage, cũng chẳng phải người vô cảm như Lukas.
Sau khi dừng lại để kéo khóa chiếc áo da, Kincaid nhìn quanh định hướng rồi trèo vào trong chiếc xe không biển hiệu cùng với Cage và một đặc vụ hay cảnh sát trẻ trông có vẻ thật thà trong chiếc áo khoác dài. Họ bật đèn hiệu màu đỏ trên bảng điều khiển xe và nhanh chóng tăng tốc về phía tây, hướng công viên Mall.
Czisman dễ dàng lẩn vào đoàn xe đi cùng, vì cả đoàn đều đang lao quá nhanh nên chẳng ai chú ý tới anh ta. Mặc dù vậy, ở khoảng phố Eighth, gần Đại lộ Constitution, đám đông và xe cộ đi lại dày đặc đến mức các xe của Cục điều tra buộc phải dừng lại, còn các đặc vụ thì phải trèo ra ngoài, chạy về phía công viên Mall. Czisman bám sát nút đằng sau.
Cage và Kmcaid đang đứng cạnh nhau, nhìn ra đám đông. Kincaid chỉ về phía tây của Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, còn Cage thì gật đầu về hướng đông. Họ chia tay nhau và đi theo hướng mình đã định, chàng trai mặc áo khoác dài thì tách khỏi hai người, hướng về phố Constitution.
Czisman vốn to béo lại không khỏe. Hơi thở anh ta khó nhọc ra vào trong phổi, còn tim thì đập bùm bụp như một chiếc piston. Nhưng anh ta cũng gắng gượng theo được Parker Kincaid, chỉ phải dừng lại một thoáng chốc để lấy khẩu súng từ chỗ cạp quần ướt mồ hôi rồi trượt nó vào trong túi áo khoác.