ió mùa đông ở miền núi đất Bắc thổi mạnh. Hơi lạnh như cắt. Trong hang đá, tạm cho là ấm hơn ở ngoài, mà ai nấy run cằm cặp. Thu Hương (1) bưng chén nước sâm lại mà dâng cho Hồ Chí Minh và đứng một bên mà chờ lịnh. Trên bàn, la liệt những hồ sơ, vài quyển sách, dưới ánh sáng le lói của một cây nến đã cháy hơn phân nửa. Chí Minh uống xong chén nước sâm, đưa tay cho Thu Hương chẩn mạch, rồi mở nút áo, bày ngực cho nàng đặt ống nghe tim. Nàng xem xong, báo cáo: - Mạch của bác hôm nay chạy không đều, tim đập có vẻ mệt nhọc. Hình như bác đêm rồi không ngủ mà trí lại lo nhiều.(1) Muốn hiểu nhân vật này hơn, xin xem tiểu thuyết THU HƯƠNG của nhà văn Hồ Hữu Tường. Chí Minh gật đầu vội vã gài áo lại và đáp: - Cháu nhận rất đúng. Bác có mối lo, nên cả đêm không ngủ được. Rồi ra lịnh cho tất cả lùi ra khỏi hang đá, chỉ chừa có Thu Hương, Chí Minh dạy nàng ngồi và nói: - Mối lo của bác có thể gọi là căn bịnh kinh niên của bác. Nó khởi đầu từ năm 1931, khi bác ra khỏi tay của cảnh sát Anh ở Hồng Kong và nhờ nhà viết báo Hoa Kỳ Harold Isaacs phỗng tay trên, bắt cóc bác mà cứu bác khỏi tay của tay sai của thực dân Pháp. Vừa thoát nạn, bác nghe tin nhóm Trốt-Kýt xuất hiện ở Sài Gòn. Chúng tuy không đông, vỏn vẹn có năm sáu que, mà vô cùng lợi hại. Chúng lại phân công một cách khoa học, tùy theo khả năng mà cắt người theo lý thuyết, kẻ ra mặt trước công chúng mà thực hành... Hồ Chí Minh nói hơi mệt. Để giúp cho người nghỉ, Thu Hương ngắt ngang nói tiếp: - Cháu dường như hiểu. Để cháu nói cho cụ nghỉ. Có chỗ nào sai, cụ chận lại. Cháu sẽ điều chỉnh cho đúng ý cụ. Hồ Chí Minh gật đầu, tỏ về tán dương sự thông minh và sự khôn ngoan của nàng. Nàng thừa lịnh nói tiếp: - Căn bản của chủ nghĩa Mác Lê không phải là mớ lý thuyết suông, mà là hành động. Không phải thứ hành động mù mờ mà là cái praxis, tức là cái phức hợp lý thuyết và thực hành. Lý thuyết soi sáng thực hành, thực hành đem kinh nghiệm về làm giàu thêm cho lý thuyết. Lénine lại nặng về lý thuyết hơn nên buông ra câu: «Không có lý thuyết cách mạng thì không thể có hành động cách mạng được». Và lấy theo quan điểm ấy, trong những năm trước chiến tranh thế giới thứ hai, sự cạnh tranh giữa hai phái Sta-lít-nít và Trốt-kýt, giữa Đệ Tam và Đệ Tứ hóa ra chinh lịch. Lý thuyết của phái Đệ Tam thì do ban đầu não ở tận Mốt-Cu xướng ra, đã mất thì giờ qua lại, mà không mấy hợp với tình cảnh nước nhà. Còn lý thuyết bọn Trốt-kýt, xây dựng ngay ở Việt Nam và hợp với tâm lý quần chúng hơn. Nên trong mấy năm tranh giành ảnh hưởng, phái Trốt-kýt càng lấn đất, toàn thắng trong cuộc tranh cử ở Sài Gòn và tràn lan đến đất Bắc. Đó là nguyên nhân của bịnh bác. Bịnh bác là tâm bịnh, giống như bịnh của Châu Du, muốn dùng hỏa công đốt quân Tào mà không có gió đông «dữ tiện». Tâm bịnh không giải, lâu ngày hóa ra bịnh lao. Hồ Chí Minh nó một nụ cười và khen: - Trong mấy mươi năm tranh đấu, bác chưa gặp ai sáng suốt như cháu. Hiểu được căn bịnh của bác, quả cháu là Khổng Minh đời nay vậy. Cũng may cho bác, là cơn bịnh kinh niên có được một hồi thuyên giảm. Năm 1939 nhà lý thuyết của bọn Trốt Kýt là Hồ Hữu Tường lại bỏ hàng ngũ của Đệ Tứ rồi tuyên bố luôn là bỏ chủ nghĩa Mác Lê. Kế theo đó vài tháng sau, cả Họ Hữu Tường và người thủ lãnh thực hành của họ là Tạ Thu Thâu cùng bao nhiêu cán bộ đều bị bắt. Hồi đó trong ba người có thể chọc trời khuấy nước ở Việt Nam, thì hai người đã bị tù đày. Còn một mình bác ở ngoài độc chiếm sân khấu chánh trị cách mạng. Bác gặp thời, thêm được thể là quân đội Nhựt bạo hành dọn trống chánh quyền cho nước Việt Nam độc lập, bác nắm cái cớ là toàn dân đứng dậy, sau ngày Nhựt đầu hàng. Thời, Thế, Cơ là ba yếu tố đưa bác lên chỗ thành công... Để cho Hồ Chí Minh nghỉ, Thu Hương tiếp: - Và khi bác cướp được chánh quyền rồi, muốn dứt tâm bịnh, bác liền áp dụng những chỉ thị của đồng chí Staline đã ra từ 1936 và đã thi hành một cách kiên quyết ở I Pha Nho, là làm cỏ hết bọn Trốt Kýt. Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng Ngãi, các lạnh tụ khác ở Nam đều bị thủ tiêu. Chỉ trừ có Hồ Hữu Tường, bác để sống sót. Điều ấy, nhiều đồng chí đã thắc mắc. Hồ Chí Minh có vẻ trầm ngâm, chận ngang: - Điều đó bác có giải thích. Một lý do là Hồ Hữu Tường đã dứt chủ nghĩa Mác Lê từ năm 1939. Một lý do nữa là trước khi chúng ta lên cầm quyền, Hồ Hữu Tường long trọng tuyên bố là nghỉ làm chánh trị mười năm. Lẽ thứ ba, và là lẽ quan trọng hơn, là bây giờ hắn không cán bộ, không quần chúng, một mình ở giữa Hà Nội, thì khác gì Quan Công ở giữa binh Tào. Thế nên bác muốn dùng tài của hắn như... Thu Hương tiếp lời: -... Tào Tháo dùng Quan Công độ nọ. Tuy tâm trạng của hắn giống như tâm trạng Quan Công, là dầu hắn chẳng đầu Tào tức là phò dân Việt Nam mà chẳng phò đảng Cộng, song bác đã nghĩ rằng khi bác ở chánh quyền, thì hắn phò dân Việt Nam, ấy là hắn phò bác rồi. Nên chi bác chủ trương tha giết hắn. Hồ Chí Minh ra dấu cho nàng ngừng lại, chỉ cho nang lấy một tài liệu nằm trên bàn rồi nói: - Khi hắn đưa tài liệu nầy mà đề nghị rằng muốn miễn cho dân tộc Việt Nam mấy chục năm binh lửa, bác nên long trọng tuyên bố rằng nước Việt Nam nên trung lập, thì những người trước kia chủ trương giết hắn, lại nổi lên đòi... -... giết hắn nữa, lấy cớ rằng để hắn còn sống không biết hắn còn mưu mẹo gì mà lái nước Việt Nam rời khỏi con đường do đảng định. Song bác lại binh vực nữa, cho nên hắn còn sống tới bây giờ. Theo những tài liệu mà hắn đã viết, như Muốn làm Chánh tri, Tương lai Văn hóa Việt Nam, hắn có một biện pháp cứu nguy cho dân tộc. Cục xương lớn trong giai thoại con chó què, bài «Tiếng gọi đàn» báo trước như vậy. Phải chi hắn còn ở trong địa phương do mình kiểm soát... Nói tới đây, Hồ Chí Minh ho sù sù. Thu Hương nói tiếp: - Thì đến lúc cần, bác ép hắn đưa ý đó ra cho đảng ta khai thác. Đằng nầy, theo tin đã loan báo khắp nơi, hắn lọt về Hà Nội, rồi gần đây dắt vợ, người vợ Bắc mới gặp ở Hà Nội, cùng hai con trứng nước mà bay về Sài Gòn. Điều nầy làm cho bác lo cả đêm không ngủ được. Làm sao tìm được cái bí mật mà hắn chôn tận đáy lòng? Làm sao mà khai thác được bí mật ấy cho mình? Làm sao mà ngăn hắn khai thác riêng cho hắn? Cháu hiểu tâm bịnh của bác. Hồ Chí Minh nói nho nhỏ: - Cháu đoán bịnh đúng đó! Đoán đúng cháu ắt có phương thuốc để trị. Thu Hương dừng một chập để suy nghĩ. Một cuốn phim được quay trước mặt nàng. Ba năm trước đây, nàng là một sinh viên trường thuốc, bị cuộc đảo chính của Nhựt mà không kịp trình dự án thi tấn sĩ. Rồi thời cuộc lôi cuốn, nàng dấn thân vào đường hoạt động. Một sự tình cờ làm cho nàng nghe lén được câu chuyện giữa Tạ Thu Thâu và Hồ Hữu Tường. Không biết vì ngoại cảm, hay vì khủng hoảng tinh thần, nàng phát đau nặng, cả năm mới thuyên, trong lúc nước nhà chuyển biến dữ dội. Chừng nàng mạnh, nàng tìm gặp Hồ Hữu Tường mà đặt câu hỏi: «Gái nước Nam là gì?». Đáp rằng: «Dầu là gái, dầu là trai, con đường duy nhất là hòa mình với dân tộc. Dân tộc có thể đi lầm đường, nhưng mình ở trong dân tộc, mình có thể lái dân tộc được mà trở về nẻo đẹp. Đứng ngoài dân toc, tiếng nói của mình sẽ không được nghe, hóa ra vô hiệu. Trần Ích Tắc có thể là một học giả, nhưng không sao được hậu thế ghi ơn...». Chỉ nghe có bao nhiêu lời, nàng đã chọn. Xông vào kháng chiến, nàng làm trong Quân y. Nhờ học vấn của nàng, nhờ sự thông minh của nàng, nhờ nàng giỏi về thuốc, nàng được chọn làm y sĩ riêng của Hồ Chí Minh, kiêm thư ký đặc biệt. Nhờ làm thư ký đặc biệt, nàng mới biết rằng Hồ Hữu Tường đã trình cho Hồ Chí Minh biết cái dự đoán là dân tộc Việt sẽ trải qua mấy chục năm binh lửa khổ cực. Đã là gái vốn giàu tình cảm, nàng động lòng vì cảnh não nề mà dân tộc sắp sống. Một tình thương vô biên làm cho nàng thốt ra: - Chắc bác muốn biết bí mật ấy vì vấn đề «tri bỉ». Tri bỉ, tri bỉ, bách chiến bách thắng... Bác có thể hạ lịnh cho các cơ quan tình báo ở Nam dõi theo hắn mà ăn cắp cái bí mật nọ. Hồ Chí Minh chận ngang: - Không được! Bí mật ấy giấu trong óc, làm sao mà ăn cắp được? Trừ phi hắn nói cho mình nghe. Mà làm sao cho hắn tin mà nói? Đó là vấn đề. Thu Hương dường như đã hiểu ý, song giả vờ chưa biết, và làm dáng suy nghĩ lung lắm. Hồ Chí Minh nói: - Các cơ quan địch vận ta, tuy có công, song chưa có công nào lớn. Vận động kéo một người lính, một tiểu đội lấy bí mật để công phá một cái đồn của địch, là những công có tánh cách cục bộ song vẫn chưa đến tuyệt đích của nghệ thuật. Điều cần, là khám phá được bí mật về đường lối chánh trị của một thời gian năm, mười, hai mươi năm... kìa! Hồ Hữu Tường tuyên bố mười năm nghỉ làm chánh trị. Mà khi khởi sự làm lại, tất phải vạch một lối đi trong ít lắm là hai mươi năm, mới dẫn đến sự thành công đầu. Bác nói vậy là phỏng theo sự nghiệp của Lénine, hoạt động trước đầu thế kỷ, mà năm 1917 mới thâu được chánh quyền; là phỏng theo sự nghiệp của bác, về Tàu khởi công năm 1925, mà bây giờ hãy còn lộn xộn. Hồ Chí Minh ho mấy tiếng, nghỉ hơi rồi tiếp: - Bác thấy cháu có sắc, có tài, có tâm chí. Cháu có thể lãnh sứ mạng trọng đại là tìm hiểu hết tư tưởng của Hồ Hữu Tường. Cháu cũng thông minh, chắc đã đoán ngay là phải thi hành mỹ nhân kế. Thu Hương nói: - Cháu có thể vì dân tộc mà hi sanh, mặc dù hắn đã có hai vợ rồi. Song bác cho cháu nói tâm tình của cháu. Cháu là gái Việt, thấm nhuần cái luân lý dân tộc, chỉ biết thờ chồng. Nay vì kế của bác mà cháu phải làm vợ thứ ba của Hồ Hữu Tường, thì cháu xin một điều trước khi nhận lãnh sứ mạng. Hồ Chí Minh nhìn vào mắt Thu Hương để dùng điện lực mà chụp tinh thần nàng, rồi hỏi: - Cháu xin điều kiện gì? - Là khi nào bác thành công và Hồ Hữu Tường lọt vào tay bác thì bác tha giết cho. Và nên cư xử với Hồ Hữu Tường như vua nhà Hán đã xử với Tư Mã Thiên. Hồ Chí Minh vỗ vế cười lớn: - Đã làm vợ hắn, mà xin điều đó, thì quả là cháu gánh một hi sanh lớn. Được! Bác sẽ thiến môn của quí của Hồ Hữu Tường để cho hắn sống sót mà viết bộ Việt sử cũng như Tư Mã Thiên đã viết Sử ký. Thu Hương lấy tay che miệng, giấu nụ cười nói: - Có giống đó mà cũng khác đó, Tư Mã Thiên sở trường về sử thích viết sử. Hắn tha thiết một việc, là tổng hợp ba nền văn mình lớn của loài người, văn minh kỹ sư, văn minh chánh ủy, văn mình tu sĩ. Hiện nay, tổng hợp hai cái văn minh sai biệt nhau, cũng khó như hòa giải hai vợ ghen của chung một ông chồng. Nhưng cháu nghĩ, trong việc vợ chồng có hai phần. Phần ở thấp, ô trọc vì quyền lợi, cháu gọi là dâm. Phần ở trên siêu thoát vì cao vọng, cháu gọi là yêu. Nếu trong cảnh một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm, sở dĩ có như vậy là vì ba bà tranh nhau trên lập trường của cái dâm. Nếu cụ thiến mất cái của quí của hắn, thì ở phần thấp, phần ô trọc, phần vì quyền lợi, phần vì dâm sẽ không còn đối tượng nửa. Bà vợ nào còn ở, thì do phần ở trên, phần siêu thoát, phân vì cao vọng, phần vì yêu sẽ làm nền tảng cho một sự hòa đồng, một sự tổng hợp. Đối với ba cái văn minh, muốn tổng hợp cũng phải như thế. Bộ phận ô trọc vì quyền lợi, mà xét lại phần thanh nhã, phần vị cao vọng của loài người, ắt có thể tổng hợp ba cái văn mình làm cái văn hóa chung cho nhân loại. Bác thiến cái của quí của Hồ Hữu Tường, thì bác nhắc cho hắn cái cao vọng mà hắn nuôi, ấy là bác làm ơn cho hắn vậy. Nói tới đó, Thu Hương giựt mình, vì bởi quá hứng mà tiết lộ một chương trình văn hóa của người mà nàng đã thầm yêu, ngay lúc nàng mới ăn dưa trên con đường thiên lý. Hồ Chí Minh cũng ngạc nhiên với tràng lý thuyết không biết nàng học ở đâu, nhưng hứa cho có lệ, người nói: - Được. Bác hứa, hứa sẽ cho hắn sống sót mà làm cái công việc tổng hợp ba nền văn minh đó, trong cái khung cảnh hắn hòa đồng ba bà vợ ghen. Song với điều kiện là cháu phải tìm cho ra cái bí mật mà hắn giấu bác. Thu Hương ưng chịu. Hồ Chí Minh thảo cho nàng hai toa thuốc, mà sự thật là cái lịnh để nàng về Hà Nội, rồi vô Chợ Lớn, trình cho hai tiệm thuốc Tàu mà lấy tiền chi phí trong công cuộc gián điệp không tiền khoáng hậu nầy. Từ miền núi, nàng trèo đèo, vượt suối, lội rừng mà tiến về Hà Nội. Nàng lập tức đưa toa thuốc cho tiệm thuốc Bắc của người Tàu ở phố hàng Đào. Nàng lấy được một trăm ngàn đồng bạc, dùng số tiền đó mà chuẩn bị việc xuôi Nam. Cũng may, nàng gặp lại người vú nuôi của nàng, bây giờ tuổi gần năm mươi, vừa ở hậu phương hồi cư về Hà Nội. Nàng bỏ tiền lo lót cho sở Mật thám làm giấy tờ cho cả hai, mua giấy máy bay cho nàng, giấy tàu thủy cho bà vú. Vì bà vú có trọng trách hộ tống mấy thùng sách cũ mà nàng mua từ khi nàng về thành. Sách lúc ấy bày la liệt theo hè phố hàng Bông, hàng Gai, vốn là đủ thứ sách mà người ta đã «thổ phỉ» ở khắp các nhà bỏ trống. Sách rẻ như bèo, có đủ loại hết. Thơ, tuồng, truyện, tiểu thuyết, sách khảo cứu, mới có, xưa có, Thu Hương đã lựa mua mỗi thứ mỗi cuốn, mà gom chung có tám thùng to đầy ăm ắp. Nàng đáp tàu bay vào Sài Gòn. Việc đầu tiên của nàng là đến ngay sở mật thám mà xin địa chỉ của Hồ Hữu Tường vì biết rằng một nhân vật như vậy, thế nào cũng bị Mật thám theo dõi. Xong, nàng vào Chợ Lớn, đưa toa thuốc Bắc cho một hiệu ở đường Marins mà lấy hai trăm ngàn đồng bạc. Nàng sang một căn phố ở gần chợ Thái Bình, nạp đơn xin ba tăng, thuê người đóng kệ, mà mở một hiệu sách. Nàng mua sách mới chất mấy kệ ở trước để bán. Còn kệ sau nàng dùng chất sách cũ mà bà vú mới vừa mang vào. Đó là sách cho mướn. Nàng cho in quảng cáo mà phát chung quanh vùng để kêu gọi công chúng đến thuê sách về độc. Quảng cáo vừa phát, vài giờ sau, có một thằng nhỏ, tuổi vừa hơn mười, mặt sáng sủa, mắt có ngời, mặc một cái áo vá vai, quần cụt luốc luốc mà vá đít một miếng vải trắng cũ, chắp tay sau đít mà nhìn đọc những tên sách bày trên kệ. Làm quen, Thu Hương hỏi: - Cháu ở đâu? - Cháu ở đường hẻm Frère Louis, hẻm số 263, căn nhà số 6. Thu Hương mừng khấp khởi. Trúng tủ rồi? Căn nhà ấy là căn nhà của Hồ Hữu Tường mới dọn về vừa được một tháng. Và thằng nhỏ nầy đích là thằng con của hắn. Nàng dắt nó đến mấy kệ ở trong, chỉ cho nó thấy mấy ngàn cuốn sách cũ và bảo nó tự ý chọn lấy mà đọc. Nó nói: - Cháu không tiền mà mướn. - Không sao! Cô cho cháu mượn đọc, với điều kiện là mỗi ngày, chau ghé đây chơi vài phút, để đổi sách khác, để cô tập nghe quen giọng trong Nam, vì cô gốc ở Huế, nên nói trọ trẹ, không nghe mà cũng không quen giọng trong nầy. Thằng nhỏ lựa được một cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí đưa cho nàng ghi vào sổ. Nó khai tên họ: - Cháu tên là Hồ Xích Tú, cha là Hồ Hữu Tường. Mẹ là Nguyễn Huệ Minh. Vừa viết vào sổ, Thu Hương vừa hỏi: - Dường như cháu có một đứa em trai, một cha khác mẹ. - Dạ phải. Tên nó là Xích Tuệ. Thằng nhỏ được cho mượn một cuốn sách, không lấy tiền, mừng khấp khởi, xá nàng mà về. Mừng hơn nó, chắc chắn là nàng Thu Hương vì nàng hé thấy một phần bí mật. Nàng lấy cuốn nhựt ký mà đọc những trang đã viết. Sài gòn, ngày... 1948 Tôi đến Sài Gòn đúng vào lúc đội quân kiêu hùng của Quang Trung thắng trận Đống Đa. Ngày mùng năm tháng giêng âm lịch. Bậc tiền bối ta đã dùng võ mà thắng, nay tôi dùng văn mà thành công chăng? Bấy lâu nay, người ta dùng món văn nghệ làm món du hí, một món du hí thanh nhã thôi. Nay tôi thử dùng văn chương mà làm lợi khí để khám phá sự thật, để trình bày sự thật. Nói đã hứa hẹn. Những gì tôi tìm thấy, tôi sẽ kết cấu lại thành một áng văn chương. Thay vì có một xấp báo cáo khó khăn, tôi sẽ viết tiểu thuyết. Muốn cho qua mặt bọn kiểm duyệt, tôi sẽ dùng giọng trào lộng. Trào lộng là cái kho tàng vô giá của văn chương ta, có lẽ ăn đứt cái kho tàng ca dao, mà các nhà văn học sử không bao giờ nhắc đến. Hai ba anh nông dân gặp nhau và tán gẫu, thế nào cũng có một đôi mẩu chuyện tiếu lâm xen vào. Chuyện Cống Quỳnh chưa thấy in ở đâu, thế mà khắp đâu đâu, người ta thảy đều thuộc. Thiên hạ sẽ xem tiểu thuyết tôi là thứ đùa cợt. Có ai dè đó là một bản báo cáo mà tôi viết, in ra cả ngàn bộ, gởi tung khắp nơi. Rồi một quyển sẽ lọt vào tay của người muốn đọc. Tôi cũng đã ước hẹn, tên tác giả, tôi sẽ để là Ý DƯ. Vì sao đặt tên là Ý Dư? Vì lúc nhỏ, gần nhà tôi, tôi thường thưởng thức những bức tranh trào phúng mà một ông già đã cắt ở những tờ nhật trình cũ và dán khắp vách. Những «ý dư» của thiên hạ, ông ghép thành một câu chuyện có mạch lạc mà kể cho tâm hồn non trẻ tôi nghe, nghe đến mê. Ký tên là Ý Dư, tôi mong mỏi cho những mẩu chuyện đầu Ngô minh Sở sẽ xỏ xâu vào nhau... Sài gòn, ngày... 1948 Hôm nay, tôi khám phá được một chút bí mật. Có một thằng nhỏ tên Xích Tú đến nhà tìm sách đọc. Em nó là Xích Tuệ, vừa biết đi. Cả hai anh em đều viết X. T. Tôi nhớ lại trong quyển Tương lai Văn hoá Việt Nam, nơi trương đầu, tác giả có viết: «Tặng X. T., độc giả vị lai của quyển nầy». Thế là rõ ràng hắn viết quyển nầy với tinh thần viết di chúc, viết cảm nang cho thế hệ thanh niên về sau, mà hiện nay mới chín mươi tuổi trở xuống. Chúng nó mà «tam thập nhi lập», thì cũng khoảng vài mươi năm trở lên. Nếu thế hệ ấy mà khám phá được sự bí mật giấu trong sách nầy, ắt cũng dành để vài mươi năm chuẩn bị mới thành công. Liệu tôi sẽ sống thêm gần bốn mươi năm nữa để chứng kiến sự thành bài của chúng chăng?