ên bờ sông Châu Giang thuộc xứ Sơn Nam kia, mấy cụm lau hiu hắt, và chồi liễu lơ thơ, dưới bóng tre xanh rậm rạp um tùm, một túp tranh con, ấy chính là cái nhà yêu quí của cô hàng hoa Nguyễn Thị Lan đó. Cô vốn là con nhà gia thế, người tỉnh Hải Dương, ông cha ngày trước vào bậc phú hào, cũng đã chiếm một phần danh dự bậc nhất bậc nhì trong chốn hương thôn. Chẳng may má hồng phận bạc, tuổi xanh khuất bóng thung đường, mẹ góa con côi, không bao lâu mà những gia sản của ông cha để lại cho ngày trước, nó đã theo với ngọn nước thủy triều cuối mùa thu mà mỗi ngày một sụt dần đi. Nào có phải ăn hoang phá hại gì đâu, chẳng qua số phận long đong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen! Mẹ con đưa nhau đến xứ này ở, đã trải mấy thu, rau cháo nuôi nhau, lần hồi khuya sớm, cái thú sinh nhai thực là êm đẹp lạ nhường: tuy trong áng cỏ lều tranh, mà cũng chẳng kém gì kẻ cửa cao nhà rộng, ruộng cả ao sâu; con mến mẹ, mẹ yêu con, cái thiên luân lạc sự của một gia đình như thế, kể cũng là ít có vậy. Sao đổi vật dời, ngày tháng thoi đưa, không bao lâu mà cô đã xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê. Cô tuy chả được đâu mặt phượng mày ngài, lưng ong má phấn, nhan sắc trầm ngư lạc nhạn như cô Kiều, cô Vân ngày trước; nhưng mà cái tóc đen nhanh nhánh, cái má đỏ hồng hồng, cái dáng đi yểu điệu, cái tiếng nói dịu dàng, lạ gì con gái đến thì, cái nhan sắc có một, cái nhân duyên nó đáng lên mười, đem câu tài sắc mà so, thì ở trong chốn thôn quê nhỏ mọn này, cái nhan sắc tầm thường của cô, cũng có thể đặt lên bậc nhất bậc nhì chi đó. Cô là con gái nhà nghèo, cô có thiết chi cái đẹp, cô chỉ mong sao cho đủ ăn đủ vận, đủ nuôi mẹ già, nên trong vẻ đẹp của cô, nó lại kém người ta một vẻ là không có son tô phấn điểm, lược dắt trâm cài. Than ôi! Cái nghèo nó làm cho người ta thua thiệt trăm phần. Bấy giờ cô vừa mười bảy tuổi, mẹ già tóc bạc da mồi, cô phải đem thân ra mà chịu cái gánh nặng sinh nhai; cô chọn ngay được một nghề doanh sinh rất là nhẹ nhàng, rất là thanh thú, rất là hợp với cái tình cảnh của cô. Cô có vốn đâu cho nhiều, mà bảo rằng buôn Tần bán Sở, mua vạn bán nghìn; thôi thì một gánh hàng hoa, sớm qua chợ sớm chiều qua chợ chiều. Cái nghề bán hoa phải đi thật sớm, cứ sáng ngày ra, nghe con chim nó ríu rít trên cành, cô dậy thổi cơm nấu nước, hầu hạ mẹ già, đoạn rồi cất gánh ra đi. Ngày nào cũng vậy, sớm cô đi bán hoa, chiều cô đi hái hoa, tối chưa về đến ngõ, đã thấy mẹ già đón cửa, hỏi một tiếng: - Con đã về đấy, con, – ấy thế là bao nhiêu những sự gian tân, đi sương về mù, buôn thúng bán mẹt, cô không quản gì cả; cô chỉ ước ao hằng ngày được tấm lòng vui vẻ của mẹ già, cô được dài lâu vui vầy ở dưới gối mẹ già, ấy là thõa cái tấm lòng hiếu thảo của cô. Gần làng cô ở, về trại bên cạnh, có một ông già, tên là Trần Lục Ông, gần sáu mươi tuổi, không có vợ con gì cả, nhất sinh ông chỉ thích trồng hoa, cái cách sinh nhai của ông trông cả vào cái vườn hoa, ấy cái vườn hoa là cái hi vọng cảnh già của ông, là cái thần tiên cảnh giới của ông. Cô Lan ngày ngày đến mua hoa của ông già, lạ thay cái tay thần tiên của cô thật là khéo hái hoa, cây nào cô đã hái qua thì lại càng tươi tốt bội phần, mà nếu ngày nào cô không đến, thì cái vườn hoa quí báu của ông hình như có ý thê thảm tiêu điều, đó là cái sự kinh nghiệm của ông già trong khi tưới hoa mỗi một buổi sáng mà ông thường trông ngắm nghía như vậy. Bởi một lẽ đó, nên ông không bán hoa cho ai cả, chỉ để riêng bán cho cô Lan; hễ thấy cô đến mùa hoa, ông mừng rỡ lắm, cười cười nói nói: «Gớm, cái vườn hoa của tôi nó mong cô đã nóng cả lòng». Cô Lan thấy ông cụ vui tính, dễ dãi, bán hàng lại phải chẳng, cô nghĩ đến cái tình cảnh của ông, sớm trưa vò võ một mình, lắm lúc cô cũng thương thầm xót vay. Trời đất xoay vần, bể dâu biến đổi, bà mẫu thân cô Lan phút đã từ trần. Tình cảnh cô bấy giờ thực là điêu đứng khổ sở! Một mình cô biết làm sao? Nỗi nhà tang tóc nỗi mình bơ vơ! Anh em nào? Họ đương nào? Sự khâm liệm, việc tống táng, có biết nhờ cậy vào đâu? Đang lúc ruột tằm bối rối vò tơ, thì bỗng đâu thấy ông phật Thích Ca hiện hình trước mặt; ông phật ấy là ai? Chính là ông lão bán hoa cho cô mỗi ngày đó. Cô vội bước ra chào, nức nở nói không ra lời, đôi giọt ngọc rỏ trên má đào, làm cho ông già cũng phải cau mặt mà thở dài, thương tình con trẻ thơ ngây, ông phải xuất tiền ra lo liệu tất cả mọi sự cho nàng. Thế là nàng đã nợ ông một cái ơn trời biển; nợ lòng biết trả bao giờ cho xong?... Từ khi huyên đường khuất bóng non tây, một mình nàng vơ vơ vong vỏng trong xó nhà tranh; nào là buồn rầu thân bạc mạnh, nào là đau đớn nỗi chung thiên. Lúc đêm khuya dưới ngọn đèn xanh, cô ngồi nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ vẩn nghĩ vơ, tứ cố vô thân, biết nhờ cậy ai? Họa chăng là ông lão bán hoa nhân từ phúc hậu kia, ông sẵn lòng thương ta, yêu ta; ví chăng bằng đôi phải lứa, thì ta chỉ quyết đem thân mà làm khuyển mã cho ông. Nhưng mà con gái mười bảy, mười tám, đã sợ hết duyên gì mà đã phải vội vơ ông lão móm làm chồng; cô nghĩ vậy mà cô lại phì cười; ấy cái tâm sự của một cô thiếu nữ long đong thật là vơ vẩn quá. Song có lẽ bàn với ai, nói với ai, họa chăng là cái ngọn đèn xanh trên bàn cùng là cái bóng trăng suông ngoài cửa sổ. Bởi vậy mà thâu đêm lại ngày, hết cười lại khóc, ngày làm bạn với gánh hàng hoa, tối về tựa cửa ngồi chong, hết trông con đom đóm lập lòe, lại nghe con giế kêu ra rả, nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng. Thoi đưa thấm thoắt, cái mối sầu riêng của cô nó cũng lần lần mà tháng trọn ngày qua, cô đã ba năm hai bảy tháng chung chế mẫu thân rồi. Song cái ngày sầu qua là ngày ngơ ngẩn đến, một cái bông hoa vô chủ, thì giữ sao cho khỏi bướm lả ong lơi, cô thấy cái thói đời nó bạc hãnh, cô lại càng thêm chán ngán cho đời, nhiều phen cô đã toan cắt tóc đi tu, song mà cái nợ lòng chưa trả, chữ hiếu kia còn canh cánh bên lòng, thành ra sương sa hôm sớm, nàng chỉ phải luôn luôn phòng bị với những quân ong bướm vô loại. Một hôm cô vào đền bà chúa Liễu lễ xin thẻ và cầu mộng, để xin ngài chỉ bảo cho cái duyên kiếp tương lai; đêm hôm ấy cô nằm chiêm bao thấy một người đàn bà đọc cho một câu kệ rằng: Phải đem tình trả hiếu, Ai biết nợ là duyên. Cô cũng biết cái nhân duyên của cô về tay ông lão bán hoa, cô cũng yên tâm như thế, mà không phàn nàn chi cả. Thói đời bạc hãnh, cô đã trải rồi, thì cô cũng yên lòng nhu câu phương ngôn nói: Trời mưa nước chảy qua sân... Một hôm cô lại đến mua hoa, ông già cũng nói như những lần trước: «Gớm cái vườn hoa của tôi nó mong cô đã nóng cả lòng». Cô trả lời rằng: «Nếu cụ rộng cho tôi được sớm trưa ở đây trông nom cái vườn hoa cho cụ, thì lọ là còn phải rày mong mai chờ chi nữa». Ông già sỗ sàng liền hỏi: «Chẳng hay cô ngờ tôi có bụng gì mà cô dạy quá lời như vậy?» - Cô Lan: «Thưa cụ, chẳng giấu gì cụ, con nghĩ đến cái ơn cụ trong khi mẫu thân con lâm chung, thì không bao giờ con quên cụ được, đêm qua con có nằm chiêm bao thấy chúa Tiên ngài cho một câu kệ rằng: «Phải đem tình trả hiếu, ai biết nợ là duyên», chắc là con với cụ có cái duyên nợ ba sinh, nếu cụ rủ lòng thương tới, thì con xin ở lại đây để hầu hạ cụ, lưng cơm bát nước, gọi là chút nghĩa xướng tùy, trẻ thơ nông nổi, xin cụ tha lỗi cho». - Cụ già: «Cô nghĩ như thế là ít có lắm, song tôi đâu dám đem cái thân tàn mà làm lầm lỡ cái thanh xuân đẹp đẽ của cô; thôi, xin cám ơn cô». - Cô Lan: «Thưa cụ, con thực tình như vậy, xin cụ cứ nghe con. Gọi là trả chút nghĩa người, lòng này dằng dặc muôn đời chẳng quên...». Nể lời không lẽ chối lời, ông già nghe cũng êm tai, thế là chẳng phải mối lái gì, mà một ông lão 60, một cô con gái đôi mươi đã cùng nhau đẹp duyên cá nước; một người như cây mai già súc sích, một người như bông huê lan hớn hở tươi cười. Kính yêu từ trước đến sau, Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời. Lòng trời không phụ người ngoan, vợ chồng ăn ở với nhau, hơn một năm trời, cô Lan mãn nguyệt khai hoa, sinh được một thằng bé con trai, thực là hai vai chĩnh chiện ba đình nở nang, đặt tên là Trần Huy Bích, vợ chồng yêu quí như hòn ngọc trên tay; một chồng một vợ một con, chỉ nhờ có cái nghề trồng hoa mà kiếm ăn lần lữa tháng ngày. Sự đâu sóng gió bất kỳ, đến năm thằng bé lên bảy tuổi thì xảy ra một sự rất là ghê gớm! Số là gần đấy có một chàng công tử bột, con nhà hào phú, quen thói trăng hoa, thấy cô Lan là người nhan sắc, thì sinh lòng quyến anh rủ yến, rở hết ngón nọ đến ngón kia; nhưng mà ai, chứ như cô Lan thì phỏng bao nhiêu vương tôn công tử cô có quản vào đâu, ông già hom hem kia, là nghĩa già đời của cô, thằng bé quí báu kia, là cái hi vọng suốt đời của cô, thờ chồng nuôi con, một lòng sắt đá. Êm đềm trướng rủ màn che, Tường đông ong bướm đi về mặc ai... Chàng công tử ta túng kế phải dùng đến mẹo kiếp gian, thuê một lũ côn quang, đang khi đêm tối, vào bắt ngay nàng đi; buồm cao treo thẳng cánh thuyền, mong mênh nào biết bể trời là đâu! Nàng thì phách lạc hồn xiêu, kêu van hết cấp, chỉ còn một sự liều mình giữ tiết là xong. Trong khi quân giặc đưa nàng đi bốn năm ngày trời, thì nàng chỉ những than vụng khóc thầm, sợ nữa mắc phải lưỡi dao oan nghiệt, mong thù này còn có lúc trả xong; đến hôm ấy thì bỗng thấy trước mặt nàng có một cái thuyền đi lại, ấy là cái thuyền của bác công tử đó. Thuyền vừa áp mạn, công tử bước sang, dỗ dành khuyên giải trăm chiều, nói rằng nếu nàng bằng lòng cùng hắn kết duyên, thì hắn sẽ đưa nàng về cố hương, và giúp đỡ cho chồng con của nàng một cách tử tế. Nhưng dù chàng khéo nói đến đâu, cũng chỉ làm cho nàng thêm khổ não tấm lòng mà thôi, nàng nhất định không chịu, mà cự lại lắm câu rất kịch liệt, làm cho chàng kia phải đỏ mặt tía tai. Nó biết rằng tấm lòng sắt đá không thể nào xiêu được, đang lúc đêm thanh, bèn dun nàng xuống sông, để cho sạch hơi tiếng; may sao lòng ngay dạ thảo, giang thần còn gìn giữ người ngoan, nàng ngoi ngóp thế nào lần vào được đến bờ sông, một mình lẩn quất trong bãi đồng xanh. Hay đâu gió đưa mây rước, nàng đi quanh đi quẩn mãi, tìm vào được đến một cái chùa, tên gọi chùa Ngọc Long, chùa có một vị sư già ở, sư già thấy nàng có tướng phúc hậu, lành lòng liền thương, nuôi nấng ở đấy để trông nom đỡ các công việc trong chùa. Nàng tuy được chốn nương thân, bình yên vô sự, cũng đã lấy làm đại hạnh phúc lắm rồi, song nhiều khi nghĩ đến chồng già con dại, thì sầu đong muôn hộc, lại hình như chan chứa trong can trường, sớm trưa là bối phan mây, tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người. Mà nói đến tình cảnh cha con ông lão già thì lại càng thảm hại nữa. Trong khi bất ý chẳng ngờ, nàng bị bắt đi, ông cũng chẳng biết đầu đuôi ra sao cả, ngơ ngác rụng rời, phần thì thương con, phần thì nhớ vợ, một mình đứng tủi ngồi sầu, đã than với bóng lại rầu với hoa. Cái vườn hoa tươi tốt của ông ngày trước, bây giờ nó đã hóa ra một cái cảnh tiêu điều, cành cỗi không buồn sửa, hoa tàn chẳng rỗi vơ. Cái nghề cây, có chăm tưới tắm vun bón thì nó mới tươi tốt, nhưng mà như ông, cha già con mọn, thì người buồn cảnh còn lấy gì làm vui nữa. Dần dần gia kế của ông một ngày một kém, làm không đủ ăn, hai cha con phải dắt nhau đi khiếu hóa, đi quanh đi quẩn, ngờ đâu tình cờ không hẹn mà nên, bỗng một ngày hai cha con đưa nhau đến chùa Ngọc Long. Bấy giờ nàng đương đứng hái hoa lễ Phật, chợt trông thấy thằng bé đứng ngoài cửa tam quan, đang nói chuyện với ông già: «Giá cái giàn hoa của nhà ta còn đến rầy, thì có dễ nó tốt bằng hai bằng ba cái giàn hoa này nhỉ». - «Quái, tiếng ai văng vẳng như tiếng thằng Huy Bích», nói đoạn, nàng quay ra thì bỗng nhiên ngơ ngác rụng rời: «Kìa, Huy Bích, con ơi! Vì đâu cha con đã dắt díu đến đây!», rồi nàng chạy lại ôm lấy thằng Huy Bích mà rằng: «Ngờ đâu Trời Phật run rủi mà mẹ con lại được gặp gỡ nhau đây! Ông lang quân già của thiếp ơi! Bắc nam cách trở đôi đường, thiếp tuy không nhớ ông như những câu thế tục thường tình, nhưng mà thiếp thương ông lắm, mà nhất là thiếp thương thằng Huy Bích này lắm». Lời tan hợp nỗi hàn huyên, chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng. Đoạn rồi dắt nhau vào cửa chiền môn, trước ra lễ Phật sau vào bạch sư. Sư già thấy sự ngạc nhiên, cũng lấy làm cảm tình, bèn nuôi cả hai cha con ông già ở đấy, ông già thì vun cảnh trồng cây, còn Huy Bích thì nuôi cho đi học, về sau thì đỗ làm quan, ông già hưởng thọ tám tuần, cô Nguyễn Thị Lan cũng thọ ngoài bảy tuần, một nhà lộc nước ơn trời, con con cháu cháu muôn đời vinh hoa. Còn chàng công tử kia sau bị việc hành kiếp phải tội lưu chung thân. NGUYỄN NGỌC THIỀU