Chương 3

     achot này ghê gớm nhất. Nếu ví nhà tù là khách sạn và nỗi khổ là sao thì Chí Hòa, khách sạn mười tám sao. Khu FG cực kỳ sang trọng đánh giá bằng kỷ luật thẳng thừng và sự tối tăm phát sợ. Và biệt giam tầng cao nhất FG, những phòng đặc biệt dành cho những khách tù đặc biệt. Trần Thế Tưởng, 32 tuổi; sinh quán Quảng Trị; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú Làng Báo Chí, quận Thủ Đức, Sài gòn; nghề nghiệp lính ngụy biệt phái nhật báo Tiếng Nói; đơn vị gốc Pháo binh; can tội tổ chức chống phá cách mạng; nhiệm vụ ấn loát truyền đơn, báo chí; bị bắt ngày 5 tháng 11 năm 1975, đang ngồi bó gối ở góc cachot khu FG Chí Hòa.
Trần Thế Tưởng, người tù duy nhất đã nằm hết cachot của Sở công an, của đề lao Gia Định. Một năm có 365 ngày thì Tưởng ở cachot đủ 300 ngày. Chàng coi thường cachot đề lao. Khi người ta đưa chàng ra phòng tập thể, chàng kiếm chuyện vi phạm kỷ luật để được đi biệt giam. Dáng dấp to con, giọng nói trọ trẹ mà ham nói nhanh, nói nhiều, Tưởng ưa tranh luận và ưa gây lộn. Tính tình thẳng thắn, nóng nảy. Nổi danh ở đề lao Gia Định vì dám chỉ tay thẳng mặt tên cai ngục C2 sỉ nhục: “Anh và chế độ của anh dã man, vô nhân đạo”. Cai ngục báo cáo với chúa ngục Hai Phận. Chúa ngục gọi Tưởng lên làm việc [1]
- Anh dám bôi bác chế độ hả?
- Đúng.
- Tại sao?
- Vì lâu quá tôi không được gặp vợ con tôi.
- Sẽ cho anh gặp.
- Bao giờ?
- Mai.
Hai Phận giữ lời hứa. Hắn dẫn Trần Thế Tưởng ra hàng rào đề lao. Vợ con Tưởng bên ngoài, Tưởng bên trong. Sau mười lăm phút gặp gỡ Hai Phận đưa Tưởng vào, mời Tưởng uống nước trà, hút thuốc Vàm Cỏ.
- Chế độ còn dã man không?
- Còn.
- Tại sao?
- Vì đứng ở hàng rào dã man, vô nhân đạo hơn là không gặp.
- Sẽ cho anh gặp lại.
- Bao giờ?
- Cuối tuần.
Cuối tuần, can phạm Trần Thế Tưởng gặp vợ trong phòng thăm đàng hoàng. Chuyện trò kéo dài nửa tiếng.
- Chế độ còn dã man không?
- Còn.
- Tại sao?
- Vì nói chuyện có nửa tiếng chưa nói hết chuyện.
- Sẽ cho anh gặp vợ con nữa.
Lần thứ ba, Tưởng tha hồ tâm sự với vợ con. Trọn nửa ngày, Hai Phận không ngồi ám. Hắn cũng chẳng khám quà nuôi Tưởng đem vô phòng. Anh em bảo Tưởng khùng, Tưởng liều và Hai Phận thì bốc đồng. Từ đó, Hai Phận chiếu cố Tưởng tận tình. Trước ngày nuôi, hắn đưa dao cạo cho Tưởng cạo râu. Sáng sớm ngày nuôi, hắn đưa bánh mì cho tưởng ăn, sợ ra khiêng quà tù vất vả, mau đói. Hắn tặng Tưởng hai bộ quần áo tù và, thỉnh thoảng, bồi dưỡng trứng gà tươi. Hắn còn thi ân lao động ngoài phòng cho Tưởng. Sáng sáng, đích thân hắn mở cửa mời Tưởng lên y tế bào chế thuốc dân tộc. Chiều chiều, đích thân hắn ôm vai đưa Tưởng về. Tưởng gây gổ đánh ai, Hai Phận xử hòa. Người khác sẽ bị kỷ luật. Tưởng được ưu đãi quá khiến anh em ngờ vực, sợ hãi rồi rỉ tai nói xấu. Thần tượng hôm qua sụp đổ. Hôm nay là thằng antenne hèn mọn, đê tiện. Cộng sản lại chơi quốc gia một cú ngoạn mục. Mày nổi tiếng, mày thuyết phục, mày kết hợp được, mày dám chống đối, tao không hành hạ mày, hành hạ mày để mày trở thành anh hùng, thành đại bàng à! Không, tao nuông chiều mày, tao mượn tay những đứa sùng bái mày hạ bệ mày, ghê tởm mày, hết tin mày, con ạ!
Không chịu nổi sự ngộ nhận của “chiến hữu” ngu xuẩn và để thanh minh tâm hồn trong sạch của mình, một buổi sáng, khi Hai Phận vừa mở cửa phòng, Trần Thế Tưởng phóng trái đấm đắng cay vào mặt Hai Phận. Chúa ngục lảo đảo, bị xô bắn sang cửa biệt giam đối diện. Tưởng nghiến răng, nói với anh em:
- Hãy cố mà sống lâu. Kẻ nào sống, kẻ ấy sẽ biết. Đoạn cuối của đời tôi sẽ có một kết luận đúng nhất.
Phản ứng của Hai Phận bình thường. Buổi trưa, Trần Thế Tưởng dọn hành lý rời phòng. Chúa ngục tuyên bố nhà nước khoan hồng thả Tưởng về. Nhưng Tưởng bị đưa qua Chí Hòa và bị nhốt ở cachot khu FG. Chàng đang ngồi bó gối suy nghĩ về cái thủ đoạn khốn kiếp của cộng sản. Cộng sản gian manh và giỏi lắm. Cộng sản không phải là những anh nhóc bộ đội nói ngọng và những cậu công an khu vực mê gái Sài gòn đâu. Cộng sản có chủ nghĩa. Và chủ nghĩa của nó tua tủa móng vuốt. Và chúng ta mãi mãi hôn mê trong hờn giận, ghen tuông, ngờ vực và bêu xấu lẫn nhau.
Tưởng đưa tay rờ mép. Máu vẫn còn ri rỉ. Chàng bị lũ công an quản giáo FG trói lại đánh đập tàn bạo. Chúng giáng những nắm đấm tình nghĩa, những cú đá khoan hồng, những cái đạp nhân đạo [2] vào mặt chàng, vào bụng chàng, vào ngực chàng. Chúng quần thảo cho đến khi chàng nằm bất động, mắt nhắm lại và máu miệng ứa ra [3]. Chưa tha, chúng dựng đứng chàng dậy, bồi tiếp những trái cách mạng vĩ đại. Rồi chúng khiêng chàng, liệng vào cachot, chẳng cần quan tâm chàng sống hay chết. Tưởng tỉnh dần, tỉnh dần. Chàng không hiểu mình đã thiếp đi bao lâu. Chàng tỉnh nhờ bóng tối âm u, nhờ mùi hôi khai tỏa ra từ cái xô phân tiểu lâu ngày chưa đổ, nhờ sự ẩm ướt của phòng biệt giam. Thế là chàng chưa chết. Để có dịp so sánh cachot FG Chí Hòa với cachot đề lao Gia Định.
Dựa lưng vào tường, thả dài chân cho thoải mái, chàng cảm thấy thèm một hơi thuốc lá hơn là môt ly nước dẫu cổ họng chàng khô cháy. Tưởng mơ ước một vũng nước, một vũng nước của thời niên thiếu. Được nhảy xuống, dầm mình, ngoi lên, da thịt lại tươi ngon, nỗi đau sẽ tan biến và ý chí sẽ gang thép. Tự nhiên, Tưởng muốn truy nã cái thân phận của chàng từ dĩ vãng đến hiện tại. Chàng muốn làm một bản tự khai tâm cảm cho chính chàng...
Quê hương chàng, quê hương “đất cày lên sỏi đá”. Con nhà nghèo, thật nghèo. Bố chàng xưa, học hành vớ vẩn, đi lính gác quận đường. Năm chàng lên sáu, bố bệnh hoạn trở về làng. Cậu bé không được đi học và thường xuyên đói rách. Tội nghiệp cậu, bố cậu đến một ngôi chùa, ký thác cậu cho sư cụ trụ trì để cậu ăn cơm thừa cửa Phật. Cậu bé có pháp danh Thích Tâm Ổn. Đầu gọt nhẵn, mặc áo cà sa, đi chân không, chú tiểu Tâm Ổn theo thầy đi khuyến giáo đây đó. Chú thích nhất đám ma. Vì đám ma thì có đàn chay, gõ mõ cả đêm và ăn uống thỏa thuê. Ăn căng bụng là ước mơ của chú tiểu Tâm Ổn. Chú nảy sinh ý nghĩ độc ác, mong mỗi ngày một người chết. Để chú khỏi lo đói. Sự nghiệp đi tu không kéo dài hết đời chú Thích Tâm Ổn. Năm chú lên mười, bố chú ra tỉnh, gặp sếp cũ nay là Tỉnh trưởng. Nhờ ông Tỉnh trưởng giúp đỡ, chú Tâm Ổn cởi áo cà sa, vô tuốt Vũng Tàu học trường Thiếu Sinh Quân. Một chân trời mới mở ra cho cậu Trần Thế Tưởng. Chăm chỉ, ngoan ngoãn, chịu khó nhờ các anh lớp lớn kèm thêm, cậu theo kịp bạn học cùng lứa tuổi với số chữ nghĩa học ở nhà và học thầy chùa. Mười tám tuổi, cậu tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Vì là tình nguyện, tốt nghiệp, sĩ quan Trần Thế Tưởng phục vụ ở binh chủng biệt kích. Hai năm sau, cậu mang lon thiếu úy, chỉ huy một toán quân chuyên nhảy lên đầu cộng sản ở rừng già heo hút. Thiếu úy Tưởng gan dạ, lập nhiều chiến công nhưng không có huy chương. Biệt kích không được phép phô trương, chiến công của họ nhường cho các binh chủng bạn. Tưởng có nhiều kỷ niệm buồn bã về nhảy toán. Những buổi chiều mưa hiu hắt ngồi chờ trực thăng bốc đến địa điểm nào đó mà mình chẳng hề biết trước. Những đồng đội bị thương nặng không thể mang theo, không thể để sống chờ chết, phải kết thúc họ bằng chính dao găm biệt kích. Nước mắt đã nhỏ nhiều trên những xác chết đòi đoạn ấy.
Khi chiến tranh chỉ còn là trò chơi giết nhau vô tích sự, người biệt kích chán nản. Chàng uống rượu. Chàng mê gái. Chàng đốt ngày tháng sầu muộn viển vông: người biệt kích bỗng hối hận mình đã không có căn tu. Rồi chàng si mê cô ca sĩ. Chàng đào ngũ vì nàng. Nàng không yêu chàng. Chàng biến thành gã lang thang, về Sài gòn đêm đêm kéo màn cho gánh cải lương hát đình bệ rạc. Cuối cùng, quê hương là nơi chốn êm đềm nhất. Nhưng mà đói rách, chàng đành dùng căn cước của anh họ, đăng lính pháo binh Sư đoàn I. Vì ngang bướng, vì không tôn trọng mệnh lệnh, binh nhì Trần Thế Tưởng đã không kéo chướng ngại vật cho thiếu tá chỉ huy trưởng đơn vị lái xe vào trong cơn say mèm. Vị thiếu tá ban lệnh rồi vị thiếu tá dẫm chân lên lệnh. Và đòi bắn binh nhì Tưởng. Binh nhì Tưởng bị đầy đi làm “đề lô” trên một ngọn núi hết tháng này sang tháng khác. May mắn, sếp cũ bị thuyên chuyển, sếp mới thay thế, chú ý trường hợp của Tưởng. Ông ta gọi Tưởng về, Tưởng trình bày hoàn cảnh của mình: sếp yêu mến người sĩ quan biệt kích cũ, dành cho Tưởng nhiều ân huệ, Tưởng quanh quẩn ở đơn vị.
Quảng Trị sục sôi lửa đạn. Bọn phóng viên nhiếp ảnh ngoại quốc không dám lao vào chiến trường. Họ đưa máy cho Tưởng, thuê Tưởng chụp, mỗi cuốn mười ngàn đồng. Sếp của Tưởng không chịu. Rẻ quá. Ông sắm máy ảnh cho Tưởng. Tưởng bỗng nhiên thành phóng viên nhiếp ảnh chiến trường, bán phim cho các hãng thông tấn ngoại quốc và báo chí Việt Nam. Rồi Tưởng được nhận làm phái viên của nhật báo Tiếng Nói, được đổi vào Sài gòn, được biệt phái về ngành báo chí. Tiếng tăm chàng nổi dậy. Tiền bạc chàng nhiều. Chàng cưới vợ và trở về làng cũ xây cho bố mẹ một căn nhà khang trang. Còn trẻ, thiếu thủ đoạn nghề nghiệp, chàng say máu sự nghiệp, làm tất cả những gì mà đàn anh ở tòa báo sai bảo. Và chàng đã dính líu vào vụ bắn chết một ông chủ báo đối nghịch với Tiếng Nói tại đầu đường Bùi Chu. Cuộc đời không dừng lại ở đó, nhà báo Trần Thế Tưởng vẫn hung hăng tiến lên. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì sự nghiệp báo chí của chàng chấm dứt.
Cơn hốt hoảng qua mau, phái viên Trần Thế Tưởng sắm cái xe ba bánh chở đồ mướn. Nghề chở xe ba bánh thiếu hấp dẫn, Tưởng bán xe ba bánh mua xe xích lô. Chàng thả dài khắp đường phố Sài gòn, giải sầu bằng đạp xe và chỉ cần đủ một gói Lucky. Trần Thế Tưởng đã gặp Vương Huy Dũng trong dịp này. Dũng, dưới ba mươi tuổi, chưa vợ con, sĩ quan báo chí Quân đoàn 4, khước từ trình diện học tập cải tạo. Họ tìm đường vào chiến khu.
- Mày bắt liên lạc gì với tụi bạn biệt kích cũ chưa?
- Chưa. Tao thả dài các phố, quán cà phê nào cũng ghé mà chẳng gặp thằng nào.
- Bọn nó về rừng cả rồi.
- Mình phải tìm đường. Tao để địa chỉ liên lạc ở quán chị em Quỳnh Như, Hoàng Nga.
- Vợ mày ra sao?
- Sắp đập bầu.
- Mày vất vợ mày lại à?
- Không, tao đi làm cuộc đời cho các con tao. Cuộc đời chúng mình hỏng rồi. Mình tiêu pha đời mình láo lếu qua. Tao thương cuộc đời thơ ấu khốn nạn của tao. Con tao sẽ khốn nạn như tao ngày xưa. Tao ngỡ đã có thể quên mình mà gầy dựng hạnh phúc cho con mình. Bây giờ thì hỏng. Thì phải làm lại. Thì phải chiến đấu. Chiến đấu vì cái gần gũi trước nhất.
- Đúng. Bây giờ mới đích thực là chiến đấu. Tao muốn được chiến đấu như một hiệp sĩ một mình một ngựa. Tao chán làm guốc cho lãnh tụ rồi, tao phải làm mũ đội lên đầu tao. Tuổi trẻ của tao còn nguyên vẹn tao cần đi từ đầu. Từ đầu đường mới đến tương lai. Tao ghê tởm cái cũ. Cái cũ vất bỏ.
Mỗi đêm, hai người bạn đều chờ đợi một chuyến vào chiến khu. Hình như không có chiến khu. Hình như chiến khu chỉ là ảo tưởng, là nơi chốn nương dựa của tuyệt vọng. Vương Huy Dũng và Trần Thế Tưởng tìm đến cụ Phan Vô Kỵ. Già và trẻ gặp nhau. Cụ Vô Kỵ chỉ dẫn Dũng và Tưởng những kinh nghiệm của cụ với cộng sản. Họ hoạch định chương trình hoạt động. Tổ chức, ngày đầu, chỉ có Dũng và Tưởng. Tuần lễ sau đã quyến rũ được hàng chục thanh niên, thiếu nữ. Nam Sơn, vua các biển quảng cáo đường Vũng Tàu, Lục tỉnh nhập cuộc chơi. Phan Vinh, phó giám đốc khách sạn Palace dâng hiến tiền bạc. Nơi liên lạc: Các quán cà phê vỉa hè. Nơi hội họp: Phòng 4, lầu 3, khách sạn Palace. Dũng và Tưởng viết truyền đơn, viết báo. Nam Sơn ấn loát bằng roneo, bằng máy in. Sinh viên học sinh phổ biến. Tổ chức thiếu cảnh giác và kết nạp người theo nhiệt tình. Tên luật sư Đỗ Hữu Cảnh, bạn học của Dũng đã lọt vô. Nó là thằng trí thức nằm vùng, đeo quân hàm trung úy công an, bí danh ba son. Nó giăng một mẻ lưới. Tổ chức bị tóm gọn. Đối diện Mai Chí Thọ, Dũng và Tưởng không nhận tội. Chiến đấu cho tự do, dân chủ, hạnh phúc của dân tộc không bao giờ là tội lỗi cả.
Hai chàng bị xếp vào hồ sơ đen, bị còng chân, còng tay nằm dài dài trong các thứ cachot của các kiểu nhà tù. Hai chàng từ chối làm việc với công an chấp pháp và không viết tự khai. Tuy vậy, công an vẫn điều tra đầy đủ lý lịch của hai chàng cộng thêm những chống đối của hai chàng ở các trại giam.
Tiếng đập cửa thình thình làm Trần Thế Tưởng giật mình.
- Mày khát nước chưa?
Cai ngục hỏi.
- Tôi khát lắm.
Tưởng đáp.
- Ký vào tờ giấy tự kiểm nhận hết tội lỗi với cách mạng, mày sẽ được uống nước và đưa xuống phòng tập thể. Rồi mày có thể về nhà luôn.
Cai ngục rọi đèn pin qua miếng cửa cachot. Ánh sáng soi rõ cảnh tượng ghê gớm của cái quan tài xi-măng nhốt tù nhân. Cuộc đời nhỏ đấy, phóng lớn thì nó là cuộc đời xã hội chủ nghĩa rất trung thực. Cai ngục tắt đèn.
- Mày nghĩ kỹ đi.
- Tôi nghĩ rồi.
- Ký hả?
- Không phải tôi nghĩ thế.
- Mày nghĩ sao?
- Tôi nghĩ có ngày tôi sẽ tha thứ anh, dù anh đã đánh đập tôi không tiếc thương.
- Đ. m., vậy lát nữa tao đánh thêm mày!
Cai ngục bỏ đi. Trần Thế Tưởng cố đứng dậy, mò mẫm tới cửa, đặt miệng vào ô hở cachot, hét lớn:
- Mày không đáng trả thù, mày chỉ đáng tha thứ...
Chú thích:

[1] Chấp cung, hạch hỏi, dọa nạt đối với cộng sản đều là... làm việc.
[2] Danh từ nghiêng: Cộng sản luôn luôn nói với tù nhân như thế.
[3] Trận đòn Tưởng chịu đựng ở Chí Hòa với Vương Huy Dũng tháng 12 năm 1978.