Chương 13

     âng, tôi lấy danh dự hứa rằng tôi không nói dối. Cũng chẳng cần phải nói dối vì những người liên hệ với tôi trong tổ chức đã bị bắt hết. Tên tôi là Ngô Tỵ, 19 tuổi, học sinh lớp 12 trường Cộng Hòa. Ba tôi người Minh Hương, má tôi người Việt Nam. Nhà tôi nổi tiếng vì cái bảng hiệu Tám Mập, chuyên bán đồ nhậu ở ngã tư Phan Thanh Giản - Cao Thắng, gần rạp hát Đại Đồng. Tôi có chân trong hội múa lân của bang Triều Châu. Cách mạng vô Sài Gòn, tôi được chị Bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kếp nạp vào đoàn và được làm phụ tá cho chị ấy, hoạt động tại các trường Régina Mundi, Marie Curie, Lê Quý Đôn thuộc phạm vi quận 3 là những trường của con nhà giầu học, nghiêng về chương trình Pháp. Chị Bí thư cần tôi vì chị ở bưng ra, chữ nghĩa chị rất kém.
Tôi hoạt động tích cực. Chị Bí thư có nhiều cảm tình với tôi, thường biểu dương tôi và khuyên tôi thoát ly gia đình theo cách mạng. Đôi khi, một mình tôi chủ trì những phiên họp ở các trường quận 3. Tôi đã giáo dục bọn học sinh Régina Mundi, Marie Curie, cấm chúng nó viết thông cáo bằng Pháp ngữ, Anh ngữ nặng tính chất chống đối. Tôi bị chúng nó ghét cay ghét đắng. Điều đó không thành vấn đề. Vấn đề là tôi đã đưa chúng nó vào sinh hoạt mới, kỷ luật mới, đời sống mới. Chị Bí thư trao súng K54 của chị cho tôi giữ. Chị dạy tôi cách xử dụng. Đi đâu tôi cũng đeo súng và rất hãnh diện. Tôi tự vẽ cho tôi một tương lai huy hoàng. Tôi sẽ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tôi sẽ sang học bên Liên Sô. Tôi sẽ đem hết khả năng của tôi cống hiến đảng và nhân dân. Tôi đã đọc cuốn truyện Liên xô, nhan đề: Thép đã tôi thế đấy và tôi rất yêu mến anh Pavel. Anh này đúng là biểu tượng của thanh niên cộng sản. Tôi còn đọc cuốn Ruồi trâu và tôi khinh bỉ Thiên Chúa giáo. Tôi là ước mơ của bao nhiêu đứa bạn bằng tuổi tôi, được đảng chiếu cố, được đảng ban phát ân huệ để nở mày nở mặt với đời. Đời xưa quen gọi tôi là thằng chệt, thằng ba tàu, thằng hủ tíu...! Đời nay gọi tôi là ‘đồng chí’, là anh Tỵ. Ba má tôi hồ hởi, phấn khởi. Họ hàng tôi tự cho là có chỗ nương dựa ở xã hội mới.
Nhưng tại sao tôi thay đổi toàn bộ tư tưởng? Một buổi tối tháng 10, thằng bạn tôi là Trần Chiêm Đồng đến rủ tôi đi uống cà phê. Tôi theo nó. Đồng và tôi nói chuyện.
- Tư sản mại bản Chợ Lớn bị bắt nhốt ở Chí Hòa mày biết không?
- Biết. Bị bắt hồi tháng 9.
- Ông bang trưởng Đào Mậu cũng bị bắt.
- Thế hả?
- Ông bang Trần Thành nằm khám luôn.
- Thế hả?
- Các đội trưởng múa lân Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu trong Chợ Lớn bị bắt hết.
- Thế hả?
- Các hiệu trưởng trường Tàu vào ấp cả.
- Thế hả?
- Hội Tinh Võ bị giải tán rồi. Tinh Võ môn bị Nhật Bản nó phá vỡ bảng hiệu! Tiếc rằng không có Lý Tiểu Long.
Trần Chiêm Đồng đưa ra những câu hỏi làm tôi choáng váng. Nó lại nhắc tôi tinh thần yêu nước của người Trung Hoa trong phim Tinh Võ môn. Tôi cũng là võ sinh của Tinh Võ môn. Ở hội múa lân là phải giỏi võ vì các hội khác bang thường thách thức thí võ và đánh nhau.
Chúng tôi im lặng một lát. Trần Chiêm Đồng thở dài.
- Đời này làm gì có Lý Tiểu Long.
Nó chưởi thề:
- Mẹ kiếp, bao nhiêu năm ăn cơm, uống nước của người Việt Nam, bây giờ, bảng hiệu Việt Nam bị gỡ xuống, nghĩ rất thẹn vì không có tinh thần Lý Tiểu Long. Cái thân phận Việt gốc Hoa nghìn năm bị khinh bỉ ở đất nước Việt Nam chỉ vì sống theo kiểu gió chiều nào nương chiều ấy. Nay, Việt cộng nó bắt bỏ tù, nó tịch thu tài sản, nó đuổi về vùng kinh tế mới, dám làm gì nó không? Kêu cứu ông Mao Trạch Đông, ông Tưởng Kinh Quốc đi!
Nó hỏi tôi:
- Bao giờ mày được vào đảng?
Tôi đáp:
- Còn lâu!
Nó chản nản:
- Đợi mày vào đảng để cứu các ông bang chắc các ông ấy rũ xác trong tù rồi.
Nó mỉa tôi:
- Năm nào mày đi tố cáo Việt cộng, năm nay mày đeo súng Việt cộng. Kỳ quá, Tỵ à!
Cái vụ này, tôi xin kể: Năm 1970, quán nhậu của ba tôi rất đông lính Cộng Hòa. Có người đến ăn nhậu rồi bỏ lại cái giỏ đỏ. Tôi chạy theo bảo người ấy trở lại lấy bị đồ. Người ấy bỏ chạy nhanh. Sinh nghi, tôi báo cảnh sát bắt người ấy. Rồi tôi về quán báo động. Khách hàng bỏ chạy tán loạn. Nhờ một sĩ quan công binh giỏi nghề chất nổ nên cái giỏ chất nổ để đồng hồ tự động đã bị vô hiệu hóa.
Nó tiếp:
- Nếu chất nổ không được sĩ quan ‘ngụy’ hủy diệt, ba má mày chết hết, mày què cụt, hôm nay mày có theo Việt cộng không?
Tôi cứng họng không trả lời nổi. Nó dọa tôi:
- Việt cộng nó thù dai lắm, tội từ thuở lọt lòng nó còn lôi ra đấy. Mày đừng tưởng bở.
Nó chia tay tôi ở quán cà phê. Tôi về suy nghĩ cả đêm không ngủ. Đầu óc tôi muốn nổ tung. Hôm sau, tôi đến nhà Trần Chiêm Đồng thật sớm.
- Tối qua mày gợi những chuyện ấy với tao nhằm mục đích gì?
- Không nhằm mục đích gì cả.
- Mày cứ nói thật đi!
- Tao không còn tin mày nữa. Bây giờ, tao tự nhận tao là Quốc Gia, còn mày thì đã là Cộng Sản. Quốc Gia không tin Cộng Sản.
- Tao chưa là cộng sản.
- Mày đeo súng hoạt động cho cộng sản, mày là cái gì? Nói thật rồi mày có đi tố cáo thì đi, tao không sợ đâu. Mày lúc này cộng sản không ra cộng sản, ngụy không ra ngụy, mày mình dơi đuôi chuột. Cộng sản nó bắt mày hôm nào tao chưa biết nhưng Quốc Gia về thì mày chết trước. Mày tưởng Quốc Gia chết rồi à? Mày tưởng ngụy nhào rồi à? Ngụy nhào, Mỹ cút nhưng Quốc Gia vẫn sống hiên ngang. Quốc Gia sắp về. Mày mù, mày điếc nên không biết gì cả. Mày tự chặt cầu rồi, mày, mày... Tội nghiệp mày quá!
Tôi bần thần, ngồi đưa tay bưng mặt khóc. Trần Chiêm Đông vẫn nói trong tiếng khóc của tôi:
- Tao rất sợ sự phẫn nộ của quần chúng khi Quốc Gia trở về. Mày gây thù hận ở các trường quận 3 khiếp quá.
Tôi nức nở:
- Mày cứu tao! Mày là bạn thân nhất của tao, Đồng ơi!
Nó nói:
- Mày tự cứu lấy.
- Tao tự cứu tao bằng cách nào?
- Làm sao tao biết được!
- Mày nói mày là Quốc Gia. Quốc Gia mới hay Quốc Gia cũ?
- Quốc Gia mới.
- Tao có thể là Quốc Gia mới không?
- Tự mày hỏi mày đi. Mày nên về suy nghĩ kỹ lưỡng. Mày cần nhìn rõ cộng sản đã.
- Tao suy nghĩ kỹ rồi.
- Chưa đâu. Người Quốc Gia mới không đùa với cộng sản bằng truyền đơn vớ vẩn. Tao chắc mày đánh giá người Quốc Gia mới như mấy anh Phục Quốc. Không. Phục Quốc là mặt nổi, mặt chìm của người Quốc Gia mới là đồ chơi sẽ đẩy chủ nghĩa cộng sản xuống hố thẳm của thời đại.
Tôi đâm ra nể sợ Trần Chiêm Đồng. Về sau, tôi phục nó, yêu mến nó hơn và mãi mãi tôi yêu mến nó. Bởi vì nó đã dẫn tôi đi trên con đường lạ lùng của tuổi trẻ ước mơ. Nó có vẻ không cần tôi vội vã. Nó bắt tôi suy nghĩ để tôi khỏi ân hận. Một tuần lễ sau, tôi lại tới nhà Trần Chiêm Đồng.
Nó hỏi tôi:
- Mày nhìn gì thêm về cộng sản chưa?
Tôi đáp:
- Rồi.
- Kể tao nghe!
- Nó đẩy tao vào đường chết. Nó chỉ thị tao phải cứng rắn với bọn học sinh Régina Mundi, Marie Curie mà nó thì lại ngọt xớt. Con mụ Bí thư chi đoàn nham hiểm thật.
- Nó cho mày giữ súng của nó để mày tự sát đấy.
- Tao sẽ bắn nó.
- Bắn nó đâu có chết chủ nghĩa cộng sản. Bắn chết chủ nghĩa cộng sản thì Đảng Cộng sản chết, chế độ cộng sản tiêu luôn. Người Quốc Gia mới chỉ cần bắn chết chủ nghĩa cộng sản thôi. Không bắn chết chủ nghĩa cộng sản, mọi việc chống đối, kháng chiến là trò đùa. Người Quốc Gia mới không võ trang bằng súng đạn Mỹ. Họ võ trang bằng tư tưởng. Tư tưởng mạnh hơn súng đạn.
- Ai dạy mày điều đó?
- Người Quốc Gia mới.
- Họ ở đâu?
- Sàigòn.
- Tao gặp được chứ?
- Được. Dù mày có phản bội, họ vẫn chấp nhận mày.
- Tao thật lòng.
- Mày chứng minh sự thật lòng của mày trước đi.
Tôi trả khẩu K54 cho chị Bí thư chi đoàn, báo cho chị ấy biết là tôi nghỉ hoạt động, không nêu lý do. Tôi đến các trường trung học ở quận 3 họp hành, xin lỗi và tuyến bố tự ý rút lui khỏi chức vụ phụ tá Bí thư. Tôi trả thẻ đoàn viên. Trần Chiêm Đồng hứa sẽ giới thiệu tôi với người Quốc Gia mới. Nó giữ lời hứa. Đồng dẫn tôi tới chùa An Lạc. Ngang qua một con hẻm, chúng tôi dừng lại vì công an đang ập vào một căn nhà và dân chúng lối xóm bu quanh đông nghẹt. Có gì lạ thế? Dân chúng nói, ông chủ căn nhà có thằng con trai 10 tuổi. Nó là thiếu niên quàng khăn đỏ tiên tiến, xuất sắc, gương mẫu. Nó đi họp hành tối ngày, người ta giáo dục nó kiểm soát cha mẹ và tố cáo với phường khóm ngay nếu phát hiện tội lỗi của cha mẹ. Hôm nay, thằng thiếu niên khăn đỏ, ‘cháu ngoan bác Hồ’ tố cáo cha nó chôn giấu súng với công an phường. Công an đến khám xét.
Chúng tôi tò mò đứng chờ kết quả. Công an còng tay bố thằng thiếu niên lôi đi với khẩu M16 bọc ni-lông dính đầy đất ướt. Thằng bé đã được học tập căm thù để đưa bố nó vào tù. Tôi nhìn rõ mặt thằng bé. Nó cười hớn hở khi ông phường trưởng xoa đầu biểu dương nó. Còn mẹ nó thì khóc sướt mướt. Hình ảnh đó, hôm nay tôi vẫn chưa quên. Tôi cám ơn Trần Chiêm Đồng đã lôi tôi ra khỏi tội ác. Chúng tôi bỏ đi. Lòng tôi dậy lên con sóng phẫn nộ. Cộng sản là thế, là con nít cũng không tha đầu độc, hủy diệt tình nghĩa của nó. Tôi vào chùa An Lạc, gặp chú tiểu Thích Thanh Bần. Chú pha trà mời tôi uống và hỏi tôi:
- Anh viếng chùa hay tôi?
Trần Chiêm Đồng nói:
- Anh ấy viếng chú. Tôi đã bảo chú là anh Ngô Tỵ sẽ đến thăm chú.
Tôi nói:
- Hân hạnh quen biết chú.
Chú tiểu cười thật dễ thương.
- Đừng gọi tôi là chú nữa, tôi chưa xứng đáng để anh phải thủ lễ. Anh Đồng là bạn học cũ lại năng viếng chùa, chúng tôi coi nhau như anh em, cùng gia đình Phật tử cả.
Cạn chén trà, chú tiểu hỏi:
- Anh Tỵ gặp tôi là muốn tìm hiểu người Quốc Gia mới phải không?
Tôi đáp:
- Vâng, tôi tha thiết gặp mặt người lãnh tụ.
Chú tiểu lại cười:
- Theo tôi biết thì họ không có lãnh tụ, họ chỉ có người mở đường, người này chưa tiện gặp ai. Anh Đồng cũng chưa gặp.
Trong khi chú tiểu và tôi nói chuyện, Trần Chiêm Đồng ngồi im hút thuốc, uống nước.
- Thỉnh thoảng, người ấy ghé chùa, tôi có dịp nghe người ấy nói về tương lai dân tộc Việt Nam và cái thế tất bại của chủ nghĩa cộng sản. Người ấy quả là con người ước mơ. Anh Tỵ có nhiều mơ ước không?
- Tôi ít ước mơ lắm.
- Tuổi trẻ cần nhiều ước mơ. Ước mơ mười ngọn núi rồi thực hiện một ngọn núi là đủ. Cộng sản thật bất hạnh vì họ không biết ước mơ. Họ chỉ biết tạo ra đau khổ và bắt con người phải chịu đựng.
Giọng nói của chú tiểu quyến rũ vô cùng. Tôi nghe chú nói bằng cả tâm hồn tôi. Tôi không ngờ, chỉ bằng tuổi tôi thôi, mà chú ấy quảng bác quá. Chú ấy phân tích những sự sai lầm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản và chứng minh hai chủ nghĩa này cùng đốn mạt và đã toa rập với nhau hủy hoại văn minh Việt Nam, cày nát quê hương Việt Nam và làm điêu đứng dân tộc Việt Nam. Chú ấy nói về chủ thuyết tiểu tư sản. Tôi ngẩn ngơ. Tôi mê mẩn và tôi chìm đắm vào cái chủ thuyết tuyệt vời đó. Chú ấy bảo cha đẻ của chủ thuyết này là người tôi muốn gặp mặt. Tôi rất tin tưởng vào cái thế tất thắng của người Quốc Gia mới.
Sau hôm đó, tôi thường lui tới chùa An Lạc. Mỗi lần ngồi nghe chú tiểu luận bàn thời thế là mỗi lần tôi vẽ thêm mơ ước. Tôi chưa gặp người mở đường cũng chưa được giao công tác gì. Tôi nghĩ họ còn thử thách tôi. Nếu họ giao công tác, bất cứ công tác nào, nguy hiểm cách mấy, tôi sẽ nhận và thực hiện bằng được. Tôi hơi buồn vì tưởng mình bị thử thách. Lần chót, chú tiểu xua tan lớp mây ngờ vực của tôi:
- Chiến đấu bằng tư tưởng khác với chiến đấu bằng súng đạn. Súng đạn chỉ giải quyết ở chiến trường, không giải quyết được lòng người. Đó là kinh nghiệm chiến thắng của cộng sản. Cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ chiến thắng bằng chính tư tưởng của mọi người trong toàn thể dân tộc ta. Khi mọi người đều thấm tư tưởng mới thì vũ khí là trái tim mạnh hơn cả nguyên tử. Bởi vậy, chúng ta phải kiên nhẫn, phải chờ đợi tư tưởng thấm vào hồn.
Tư tưởng mới nằm trong chủ nghĩa tiểu tư sản. Tôi hiểu và tôi cảm thấy có cái gì khác lạ xứng đáng để tôi dấn thân. Sự liên hệ của tôi với Trần Chiêm Đồng và chú tiểu Thích Thanh Bần mới đến thế. Tôi đem những gì nghe được ở chùa An Lạc kể cho bạn hữu nghe, đứa nào cũng khoái và muốn đến chùa. Bạn hữu tôi lại kể cho những người quen thân khác. Và chú tiểu nói như thế là vận động tư tưởng là công tác trọng đại. Rồi, tự nhiên, công an bảo vệ chính trị tới nhà tôi bắt tôi giam nhốt. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao, do đâu tôi bị bắt. Ông bảo tôi khai hết sự thật, tôi đã khai hết sự thật. Chẳng cần giấu diếm làm gì. Tôi đã thấy Trần Chiêm Đồng và chú tiểu Thích Thanh Bần ở cachot đối diện cachot tôi. Họ ra hiệu cho phép tôi nói thật, nói hết. Chiến đấu bằng tư tưởng là chiến đấu đẹp, là chiến đấu cho sự thật, cần chi phải gian dối.
Tôi còn muốn nói thật với ông rằng, không có thứ gì tẩy xóa nổi sự say mê chủ nghĩa tiểu tư sản đã khắc sâu trong tâm hồn tôi. Ông đừng dối lòng ông là ông không thèm làm người tiểu tư sản. Hãy liệng cái xe Honda của ông xuống sông rồi gạ đi chung xe với đồng chí của ông xem sao! À, lúc ấy ông sẽ thấy quyền tư hữu của cộng sản và ông mơ ước làm người tiểu tư sản hào sảng, thông minh, lãng mạn. Cái nôi của loài người không là chủ nghĩa cộng sản đâu. Mà là chủ nghĩa tiểu tư sản”.