Chương 6

     gười công an chấp pháp hỏi Đinh Vượng:
- Anh nằm biệt giam bao lâu rồi?
Đinh Vượng vươn vai:
- 18 tháng, tức 540 ngày, 12 ngàn 5 trăm giờ.
Người công an xoa cằm:
- Lâu đấy nhỉ.
Đinh Vượng cười nửa miệng:
- Vâng, lâu hơn bất cứ một lãnh tụ Cộng sản nào nằm cachot. Về phương diện nằm cachot, tôi ăn đứt các ông. Tôi nhất định phá kỷ lục cachot.
Người công an vẫn nhỏ nhẹ:
- Anh bị còng chân tay bao lâu rồi?
Đinh Vượng nhìn thẳng vào mắt người công an chấp pháp:
- Ông gọi tôi ra làm việc chỉ hỏi vậy thôi ư?
Người công an gật đầu:
- Phải, chỉ có vậy. Anh bị còng tay bao lâu? Anh cứ thong thả trả lời rồi sẽ đến những câu hỏi mà anh mong đợi.
Đinh Vượng vuốt tóc:
- Tám tháng còng tay.
- Mấy tháng còng chân?
- Tám tháng còng chân.
- Mấy tháng còng cả tay lẫn chân?
- Hai.
- Từ ngày bị bắt là anh đeo dính còng?
- Ông lạ à?
- Lạ chứ. Anh làm việc với bao nhiêu cán bộ rồi?
- Mười, kể luôn ông.
- Anh cảm thấy ra sao khi bị còng quá lâu?
- Cảm thấy mình anh hùng.
- Anh nghĩ gì khi ngồi còng?
- Không nghĩ. Tôi chửi những đứa chế ra còng!
- Anh biết còng còng anh, đứa nào chế ra không?
- Mỹ!
- Anh đã chửi Mỹ?
- Và tôi chửi những đứa chửi Mỹ mà lại dùng còng Mỹ còng tay chân tôi.
Người công an khựng lại. Bỗng ông ta mỉm cười, nụ cười của chó sói. Ông ta bỏ rơi chuyện còng.
- Tại sao anh khước từ sự can thiệp của Bộ trưởng Nguyễn thị Bình?
Đinh Vượng liếm mép:
- Vì tôi không thích mang ơn Cộng sản!
- Còn chú ruột anh, đại tá Đinh Khang?
- Ông ấy cũng là Cộng sản.
- Anh thù hằn Cộng sản hả?
- Dĩ nhiên.
- Cộng sản đã làm gì gia đình anh, đã làm gì anh? Tự anh, anh dấn thân vào tù rồi tự anh, anh không thích được thả. Nếu anh thành khẩn làm tờ tự khai, chúng tôi đâu có còng anh ở biệt giam. Sự còng chân tay anh không phải là một hình phạt, một trừng trị mà chỉ là một đòi hỏi thành khẩn khai báo. Đinh Cường, Đinh Dũng đã thành khẩn khai báo, đã ăn năn sám hối, đã chấp nhận sự can thiệp của chú thím anh và đã về. Họ đang tự do. Còn anh?
- Còn tôi? Tôi không phải là em tôi. Cộng sản đã làm gì tôi à? Đâu cần Cộng sản làm gì tôi. Tôi đi chiến đấu vì mọi người, vì cuộc đời mà tôi muốn nó thật tốt, thật đẹp. Thế thôi. Ông bắt tôi thành khẩn nhận tội, tôi không có tội, nhận cái gì? Ông đánh Mỹ, ông có lý tưởng của ông. Tôi đánh cộng sản, tôi có lý tưởng của tôi. Tôi thua ông keo đầu, tôi cam đành chịu tù đày, cùm xích. Nhận lý tưởng của mình là tội thì không bao giờ. Không bao giờ cả.
- Anh ngoan cường, không, anh cường điệu quá đà đấy.
- Ông có quyền chụp đủ thứ tội. Tôi không xin tha đâu.
- Anh biết tại sao cha anh chết không?
- Chắc ông biết rõ.
- Cha anh chết vì thương nhớ anh, vì giận anh bướng bỉnh.
- Điều này thì ông cường điệu hơi lố lăng. Cha tôi chết vì thấy tôi chưa kịp đánh nát Cộng sản đã sa cơ thất thế.
Người công an mời Đinh Vượng hút thuốc. Thản nhiên, Đinh Vượng rút một điếu Thăng Long, thứ thuốc thơm cao cấp của Hà Nội. Người công an bật diêm cho Đinh Vượng mồi thuốc. Ông ta ngắm nghía cung cách cầm điếu thuốc, hút và nhả khói của Đinh Vượng. Người công an thân mật:
- Đọc kỹ nội quy chưa?
- Rồi.
- Điều xưng hô giữa tù nhân và cán bộ?
- Tù nhân gọi cán bộ bằng anh xưng tôi. Cán bộ gọi tù nhân bằng anh xưng tôi.
- Tại sao anh gọi tôi bằng ông?
- Vì ông có vẻ nhiều tuổi hơn tôi.
- Tôi đề nghị chú gọi tôi là anh cho nó thân mật nhé!
- Để ra đời, dù ông thua và tôi thắng, tôi sẽ gọi ông bằng chú xưng cháu, bằng anh xưng em. Bây giờ giữa ông và tôi có biên giới, không thể thân mật được.
- Cũng tốt thôi. Này nhé, tôi sẽ không còng anh nữa, sẽ đưa anh ra phòng tập thể ngay sau khi ở đây về. Ta sẽ không làm việc luôn, ta nói chuyện mưa nắng thôi.
- Ông lãng mạn quá!
- Hơn cả lãng mạn, tôi chiêm ngưỡng tâm hồn của anh, đảng đang cần những tâm hồn như anh. Đảng viên cũ đã lạc hậu, đảng viên già thì ì ạch, đảng viên trẻ thì suy thoái mất phẩm chất, đảng viên mới thì giá áo túi cơm. Những người như anh rất cần thiết cho đảng trong thời đại mới.
Đinh Vượng dập điếu thuốc:
- Những người như tôi cũng rất cần thiết cho sự khôi phục lại đất nước đã bị bằm vặp nát bấy bởi phỉ quyền và ngụy quyền.
Người công an cau mày:
- Đừng gọi chính quyền Cộng sản là phỉ quyền. Đừng để thành kiến che lấp lương tri. Thế này nhé, tôi tự giới thiệu với chú, tôi mới ở Hà Nội vào, chúng ta sẽ mạn đàm hàng ngày. Anh em mình sẽ hiểu nhau. Tôi rất thông cảm chú, rất dễ dãi với chú, chú thấy đó. Nếu tôi đủ thẩm quyền, tôi chẳng đòi hỏi chú làm bản tự khai làm gì. Đọc những bản tự khai của các bạn chú, cộng thêm sự làm việc của các bạn chú với cán bộ, tôi đã biết hết, đã nắm gọn vấn đề. Nhưng mà nguyên tắc, cấp trên chỉ thị cho tôi phải có tờ tự khai của chú. Để nghiên cứu trường hợp của chú mà trả tự do cho chú. Để tôi đun nước pha trà mời chú uống. Trà móc câu Thái Nguyên, tuyệt lắm.
Đinh Vượng lặng thinh nghe người công an Hà Nội nói. Ông ta không có thái độ thù hằn Đinh Vượng, không dọa nạt, quát tháo, đập bàn như những người công an đã từng gọi Đinh Vượng làm việc. Ông ta quá ngọt ngào, cởi mở nên Đinh Vượng không có cớ để trút nỗi tức tối bị còng ròng rã 540 ngày đêm. Đinh Vượng chợt nhớ câu mật ngọt chết ruồi. Cậu bỗng giật mình. Được, mày muốn tự khai thì ông tự khai. Ông chán nằm ngủ đeo còng rồi. Nằm ngủ đeo còng chân dính tay như con tôm, ông càng chán. Lâu lắm ông không uống nước trà, ông thèm lắm. Trà móc câu Thái Nguyên à, tốt tốt.
Sau tuần trà, Đinh Vượng về cachot thu dọn hành lý. Người cán bộ Hà Nội giữ đúng lời hứa. Đinh Vượng ra phòng tập thể. Người ta phát cho cậu hai mươi trang giấy, bảo cậu cứ từ từ tự khai ở ngay phòng, nếu hết giấy thì báo cáo cán bộ xin thêm. Mỗi ngày, người ta tặng cậu một ca nước trà và một gói thuốc lá Vàm Cỏ. Đinh Vượng viết tự khai nửa tháng. Cậu nộp tự khai buổi sáng thì buổi chiều rời phòng tập thể vào cachot nằm tiếp. Lần này, hai tay cậu bị còng chéo sau lưng. Còng chỉ mở mỗi bữa ăn mười phút. Lý do: Đinh Vượng chưa thành khẩn khai báo. Tự khai của cậu vỏn vẹn ba trang giấy và không phải là mẫu tự khai của chế độ.
Bản tự khai bất hủ của Đinh Vượng:
“Tôi đã đọc Ngục trung nhật ký của chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi thích nhất bốn câu này:
Ở đời trăm sự đều cay đắng
Cay đắng không bằng mất tự do
Mỗi lời mỗi việc thiếu tự chủ
Để chúng dắt đi tựa trâu bò
Thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng ra cái gì cả. Tôi thích vì nó hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của tôi hiện thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hạnh phúc hơn tôi nhiều. Trước hết, ông nằm ngục bên Tàu. Ông chỉ có mỗi một nỗi cay đắng là không dám tuyên truyền bậy bạ và yêu sách lăng nhăng. Ông cam đành làm kiếp trâu bò để cai ngục dẫn đi đâu thì đi đấy, bắt làm gì ông làm nấy. Ông đã thành khẩn khai báo và làm thơ vinh tôn sự thành khẩn đó. ‘Để chúng dắt đi tựa trâu bò’, ông hơi hèn. Nhưng ở tù mà hùng thì chết ngu. Nhờ chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi hiểu rõ niềm bí mật: Tất cả những vị anh hùng Cộng sản vào tù đều hèn hết. Do đó, đã không vị nào dám phán xét những anh bị nằm tù cả. Bí mật ấy cho tôi hiểu thêm, các nhà cách mạng vào tù biến thành trâu bò để cai ngục dẫn dắt. Vậy đứa nào thoát khỏi cảnh ngục tù mà nói mình làm anh hùng trong nhà tù tức là nó nói phét. Đứa nào không ở tù mà phán xét người ở tù này nọ là đứa vô liêm sỉ. Đứa nào ca tụng Hồ chủ tịch rất anh hùng trong nhà tù là đứa siêu vô liêm sỉ. Đất nước ta có khá đông bọn siêu vô liêm sỉ. Lãnh tụ đã thú nhận lãnh tụ làm trâu bò trong nhà tù mà chúng nó cứ hô hoán lãnh tụ vĩ đại, vĩ đại!
Tôi bất hạnh hơn chủ tịch Hồ Chí Minh, dĩ nhiên. Trước hết, tôi nằm ngục ở ngay quê hương tôi, ở quê hương đã sạch bóng quân xâm lược, đã giải phóng, đã cách mạng thành công, đã hòa bình hòa giải dân tộc, đã dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người ta bảo, trong xã hội xã hội chủ nghĩa không có nhà tù. Vậy mà tôi bị nhốt ở đề lao Gia Định vốn là nhà tù của thực dân, đế quốc. Tôi bị còng chân, còng tay nằm khổ sở trong cachot hôi hám, ẩm ướt 540 ngày ròng rã. Nhưng, có điểm, tôi hạnh phúc hơn chủ tịch Hồ Chí Minh. Là mỗi lời, mỗi việc của tôi, tôi đều tự chủ. Tôi không hạ mình làm kiếp trâu bò. Không ai có thể dắt tôi đi tựa trâu bò được. Do đó, tôi khước từ làm bản tự khai.
Tự khai. Tự khai cái gì? Đó là dấu ấn ô nhục hằn lên chủ nghĩa mà người ta tự hào là chủ nghĩa ưu việt, cái nôi của loài người. Tự khai dành cho những thằng ăn cắp, những thằng ăn cướp, những thằng tham nhũng, những thằng hiếp dâm. Tự khai không thể, không được phép dành cho người yêu nước, cho những người làm đẹp đời sống, cho những người bất đồng quan điểm, tư tưởng. Những thằng ăn cướp, ăn cắp nên tự khai tội lỗi của chúng và hứa ăn năn sám hối. Những người yêu nước luôn luôn khước từ khai báo, hô hoán. Những người yêu nước chân chính, thật lòng, ở bất cứ thời đại nào, đều im lặng. Sự vỗ ngực khoe mình yêu nước dành độc quyền cho chủ tịch Hồ Chí Minh và công ty và lũ chính khách chuyên nghiệp múa may và đám thống trị Sài Gòn cùng bầy tay sai cầy cáo. Nếu yêu nước là tội lỗi ngang hàng với tội lỗi của ăn cướp, ăn cắp thì quý vị lãnh đạo đảng và nhà nước phải thành khẩn tự khai nêu gương đầu. Vì quý vị là những người yêu nước nhà nghề, những người đòi độc quyền yêu nước. Nếu yêu nước là bổn phận của mỗi công dân thì sự bắt con người khai báo mình yêu nước ra sao, mình yêu nước bao nhiêu là một sự sỉ nhục không thể tha thứ.
Người cộng sản, cứ mở miệng là đề cao phẩm cách làm người. Con người có phẩm cách là con người biết tôn trọng giá trị của người khác. Giá trị con người của tôi là sự làm đẹp cho đời sống trong im lặng. Bắt tôi tự khai truy nã sự im lặng của tôi là tiêu diệt giá trị con người của tôi. Như thế, phẩm cách làm người mà người Cộng sản hãnh diện chỉ mình có, nó ở chỗ nào? Nó ở sự cưỡng bách tự khai nhận tội? Nó ở cachot hôi hám, ẩm mốc? Nó ở những đêm còng chéo tay vào chân? Hay nó ở trong cái xô phân tiểu đầy giòi ở góc tối biệt giam? Bất cứ một biệt giam nào của đề lao và trại tập trung thời đại khốn khổ này. Hãy hỏi lãnh tụ nằm trong hòm kính xem, thuở nhục nhằn của lãnh tụ ở ngục tù Trung Hoa, lãnh tụ có bị cưỡng bức tự khai không? Nếu có và nếu lãnh tụ đã khai thì lòng yêu nước của lãnh tụ chỉ là lòng yêu nước phường tuồng diễn trên sân khấu, sơn đông mại võ rao hàng ngoài chợ. Nhưng vẫn bỏ qua được, vì lãnh tụ đã nhận mình là trâu bò và cai ngục cưỡng bức lãnh tụ tự khai không phải là người Việt Nam.
Đó, anh muốn biết chính xác về chúng tôi, tôi đã thành khẩn khai báo. Sau hết, vì anh nói ‘những người như tôi rất cần thiết cho đảng trong thời đại mới’ và tôi cũng đã nói: Những người như tôi cũng rất cần thiết cho sự khôi phục lại đất nước bị bằm vặp nát bấy bởi phỉ quyền và ngụy quyền. Tôi giải thích thêm: Từ ba mươi năm nay, tuổi trẻ Việt Nam chưa hề được tự quyết định thân phận mình và thân phận dân tộc mình. Từ ba mươi năm nay, tuổi trẻ Việt Nam đã tiêu pha hết nhiệt tình và lòng tự phụ cho những âm mưu đê tiện của đàn anh, của lãnh tụ; cho những thủ thuật tranh giành quyền bính thống trị. Tuổi trẻ miền Bắc bị phù thủy Cộng sản gian ác huyễn hoặc thành âm binh lao vào lửa, phóng lên rừng, tụt xuống biển, leo đỉnh núi, giết người, giết người để chết thảm hại, để no đầy tham vọng vĩ đại của lãnh tụ. Tuổi trẻ miền Nam bị đạo diễn mù đeo kính đen xúi dục xuống đường hít lựu đạn khói, hứng phi tiễn, ăn dùi cui của bạo lực và bị bạo lực đẩy vào cuộc chơi chiến tranh vô tích sự. Rốt cuộc, tuổi trẻ đầy thương tích sống sót nhìn quê hương thoi thóp, rã rượi.
Hôm nay hoàn toàn khác. Cuộc đổi đời đã làm một dâu biển trong tâm hồn chúng tôi, tuổi trẻ thế hệ sau 30-4-1975. Trước đây, chúng tôi nhìn rõ ngụy quyền, nhìn rõ tư bản, nhìn rõ một nửa trái đất. Bây giờ, chúng tôi nhìn rõ phỉ quyền, nhìn rõ Cộng sản, nhìn rõ nửa trái đất bên kia. Chúng tôi tự hào nhìn rõ cả trái đất. Chúng tôi giành toàn quyền quyết định thân phận chúng tôi và thân phận Việt Nam. Chúng tôi chiến đấu không để khôi phục dĩ vãng buồn thiu và quyền bính tôi đòi nhơ nhớp mà chiến đấu cho ngày mai của Việt Nam rạng rỡ, Việt Nam thật tươi, thật mới, Việt Nam toàn chân toàn thiện toàn mỹ, Việt Nam hạnh phúc, thương yêu chan chứa, vĩnh cửu.
Và đó, chúng tôi dấn thân.
Đề lao Gia Định, ngày sinh nhật tôi
Đinh Vượng”.
Trên trang đầu của bản tự khai bất hủ của người tuổi trẻ Đinh Vượng, sinh viên năm thứ hai luật khoa, một hàng chữ bút lông màu đỏ ghi đậm nét: Xếp vào thành phần cải tạo trường kỳ!