Chương 15

     ăn phòng chỉ có hai người: Hoàng Sơn Trường và mẹ cậu. Nhà lập thuyết trẻ tuổi sửa lại cặp kính cận, nhìn mẹ và nhẹ nhàng hỏi:
- Mẹ còn gì để nói với con không?
Người mẹ ngắm khuôn mặt bơ phờ của con, ái ngại:
- Tại sao con không chịu khai?
- Con đã khai hết rồi.
- Khai sự thật cơ.
- Con đã khai đầy đủ sự thật.
- Còn điều cơ bản con giấu diếm.
- Ai bảo mẹ thế?
- Các đồng chí chấp pháp.
- Bọn ngu ấy không chịu tin sự thật. Khi con nói thật mà chúng nó chẳng thích nghe, khai báo chi nữa!
- Ai đã xui con, đã dạy con viết cái chủ thuyết tiểu tư sản cực kỳ phản động ấy?
- Sự suy tư của con!
- Con qua mặt cả mẹ à?
- Con nói thật.
- Mẹ không tin.
- Tùy ý mẹ.
- Mẹ sẽ khước từ con, gia đình sẽ khước từ con. Con làm ô danh sự nghiệp cách mạng của mẹ.
- Không phải đâu, con muốn làm rạng danh gia đình. Tuổi trẻ cần lập chí. Chí của con đối nghịch chí của mẹ. Thế thôi. Vì sự nghiệp cộng sản của mẹ, mẹ cứ việc từ con, càng sớm càng tốt.
- Con bằng lòng nằm tù mãn kiếp?
- Vâng.
- Con phá hủy tương lai các em con.
- Mẹ về Sông Bé hoạt động đi! Con không còn gì để trả lời mẹ nữa.
Người Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Sông Bé đập bàn đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng. Một mình Hoàng Sơn Trường ngồi lại trong sự im lặng của căn biệt thự hoang vắng, căn biệt thự chủ nhân đã di tản, nay biến thành một thứ nhà tù. Cậu ngồi bất động. Thời gian bước chân kiến trên nỗi hiu quạnh. Và nỗi hiu quạnh nhỏ từng giọt xuống hồn cậu.
Buổi chiều đã vướng vất ngoài kia. Tia nắng vàng thoi thóp lọt qua khe cửa. Gói thuốc còn một điếu cuối cùng. Hoàng Sơn Trường cảm thèm ly nước lạnh. Môi cậu khô, cổ họng cậu khô. Khói thuốc làm cậu nhức đầu. Khói thuốc tụ ở mí mắt cậu. Đưa tay dụi mắt, hơi khói vướng mắt và nước mắt cậu ứa ra, ứa ra mãi.
Người công an mở cửa, bước vào phòng đúng lúc ấy. Ngọn đèn néon bật sáng trưng. Trường không có mù-soa lau mắt. Cậu gỡ kính ra. Người công an hỏi:
- Hối hận hả, cậu tiểu tư sản?
- Ông lầm rồi, ông cộng sản à!
- Tại sao khóc?
- Nếu nói thật rằng khói thuốc khiến tôi cay mắt, ông sẽ không tin. Nhưng nếu bắt chước những anh yêu nước giả vờ nói phét rằng tôi khóc vì thương xót tổ quốc, dân tộc, chắc ông dễ tin hơn. Vậy tôi chọn sự nói phét.
- Cậu đã nói phét?
- Đúng.
- Cậu nói phét là chính cậu định viết chủ thuyết tiểu tư sản?
- Việc này tôi nói thật.
- Nói phét.
Người công an khích Hoàng Sơn Trường. Cậu đâu có ngu.
- Ông muốn thảo luận về tiểu tư sản chủ nghĩa không?
Người công an hớn hở:
- Tôi rất thích nghe.
- Vậy, trước hết, tôi cần ly nước lạnh.
- Đồng ý. Cậu còn thuốc hút không?
- Hết.
- Muốn gì nữa. Nhớ rằng, muốn gì cũng được, chỉ cần chịu thảo luận sôi nổi về tiểu tư sản chủ nghĩa.
- Tôi rất muốn thảo luận.
Người công an trở ra. Lát sau, ông ta mang vào một chai nước lạnh, một cái ly cối đầy đá, hai gói thuốc Président, một hộp diêm Samasa. Hoàng Sơn Trường uống liền một hơi cạn hai ly nước. Rồi cậu hút thuốc và bắt đầu nói:
- Để dễ dàng hiểu tiểu tư sản chủ nghĩa của tôi, tôi hỏi, ông trả lời.
Người công an tròn xoe mắt:
- Can phạm hỏi công an?
Nhà lập thuyết cười:
- Tôi và ông thảo luận về chủ nghĩa mới. Ông tìm hiểu thì ông trả lời tôi cho nó dễ hiểu.
- Đồng ý.
- Mở đầu là câu hỏi nằm trong bản chất con người. Thí dụ: Ông cưới vợ thì vợ ông thuộc về riêng ông hay thuộc về tập thể?
- Dĩ nhiên, thuộc riêng tôi.
- Tức tài sản riêng của ông?
- Chứ sao?
- Nếu nhiều người khác đòi ngủ với vợ ông, ông tính sao?
- Tôi bảo vệ tài sản của tôi.
- Đó, tài sản của riêng ông tức là tư hữu. Bảo vệ tài sản tức là bảo vệ quyền tư hữu. Ông nặng chất tư hữu, ông giải thích giùm tôi, ông cộng sản chỗ nào?
Người công an gạt ly nước đổ tung xuống nền nhà.
- Bố láo!
Hoàng Sơn Trường chậm rãi:
- Trúng tim ông rồi hả? Ông nên thành thật đi! Người vô sản đòi bảo vệ quyền tư hữu! Khôi hài hay bố láo! Tôi hay ông?
Người công an nín thinh. Một lát, ông gật gù:
- Cậu có thể viết chủ nghĩa của cậu trên giấy không?
Hoàng Sơn Trường lắc đầu:
- Không.
- Vậy là cậu nói phét, cậu nghe lỏm ai nói, cậu kể lại chứ gì?
- Ông đánh giá tôi thấp quá. Ông kháy tôi rẻ tiền quá. Nếu ông muốn tìm hiểu chủ nghĩa của tôi, khuyên ông cứ bình tĩnh nghe tôi thí dụ rồi trả lời thí dụ của tôi. Dần dần, ông sẽ vỡ ra và ông sẽ tự hỏi ông còn là cộng sản không.
- Được, nếu thí dụ láo lếu, cậu đừng trách.
- Hoàn toàn đứng đắn. Thí dụ: Ông thích cái xe Honda của riêng ông để lau chùi, o bế, để muốn chở vợ con đi chơi lúc nào thì đi hay thích cái xe Honda tập thể, muốn đi phải đăng ký vài ngày?
- Tôi thích bỏ tiền sắm riêng Honda của tôi.
- Nó vĩnh viễn của ông?
- Nó là tài sản nhỏ của tôi.
- Là của riêng?
- Đúng.
- Của riêng, tiếng Hán-Việt gọi là tư sản. Của riêng nhỏ gọi là tiểu tư sản, ông đã là tiểu tư sản rồi mà ông không biết, ông cứ chửi rủa giai cấp của ông, ông cứ nhận phứa ông là vô sản, cộng sản!
- Hay lắm, hay lắm. Nhưng ai mớm cho cậu những thí dụ đó?
- Tôi... tự biên tự diễn.
- Tôi đùa với cậu hơi lâu rồi đấy.
- Ông đừng đùa nữa.
- Ai là thầy cậu?
- Tôi. Ai là thầy của chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Lénine vĩ đại.
- Ai là thầy của Lénine vĩ đại?
- Karl Marx và Fiedrich Engels.
- Ai là thầy của Karl Marx?
Người công an thộn mặt ra. Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường gỡ kính cầm trên tay:
- Ông giận tôi không thèm trả lời hả? Vậy tôi trả lời tôi giùm ông: Tư bản chủ nghĩa đẻ ra Karl Marx, tư bản là thầy của Karl Marx. Cộng sản chủ nghĩa đẻ ra tôi, cộng sản là thầy tôi. Nói rõ ràng, vì sự bất lực của chủ nghĩa cộng sản nên phải có chủ nghĩa tiểu tư sản.
Người công an vỗ vai nhà lập thuyết:
- Cậu có khùng không?
Nhà lập thuyết đáp gọn:
- Hình như tôi khùng!
Buổi tối, người ta cho Hoàng Sơn Trường ăn một dĩa cơm sườn nướng. Cậu là can phạm đặc biệt nên không bị còng tay, còng chân. Tù nhân ở villa, ăn cơm dĩa, hút thuốc Présiden là tù nhân thượng hảo hạng. Ăn xong dĩa cơm sườn ngon lành, Hoàng Sơn Trường nằm dài ở góc phòng hút thuốc lá. Cậu rất sung sướng vì biết đích xác rằng cộng sản sợ hãi vũ khí tư tưởng. Và cậu chẳng còn ngạc nhiên tại sao cộng sản lên lớp chính trị nó coi thứ Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ như cỏ rác mà lại thù hận nể nang ông Ngô Đình Nhu và chủ nghĩa cần lao nhân vị.
Đến nửa đêm, người ta bịt mắt đưa Hoàng Sơn Trường tới một nhà giam khác. Khi cậu được mở mắt, mở còng, trời đã sáng và cậu thấy mình nằm trong cachot. Người ta đã lấy lại thuốc lá và diêm. Tiêu chuẩn cơm dĩa chấm dứt luôn. Cửa gió cachot gài chốt bên ngoài kín mít. Trường không biết cậu bị nhốt tại nhà giam nào. Cậu ngủ li bì, bất cần thời gian. Cachot nhỏ hẹp, không tồi tệ mấy vì có cầu tiêu và vòi nước chảy ri rỉ.
Một hôm, người ta lại bịt mắt cậu, đẩy cậu lên xe hơi chạy vòng vo những nơi nào nơi nào rồi xe dừng lại. Người ta lôi cậu ra, nắm cánh tay cậu dìu cậu leo thang lầu, đưa cậu vào căn phòng gắn máy lạnh, mở mắt cậu và bảo cậu ngồi xuống ghế bọc da sang trọng trước cái bàn giấy lớn.
Một người đàn ông khoảng dưới 60 tuổi xuất hiện. Tóc ông ta đã bạc nhiều nhưng tướng ông còn quắc thước, nước da đỏ tươi, cặp mắt trong sáng. Hoàng Sơn Trường nhận ra ông ta, hình ông ta thường đăng trên báo “Sàigòn giải phóng”.
- Cậu biết tôi không?
- Dạ biết. Ông là ông Mai Chí Thọ.
- Tôi cũng biết cậu qua sự giới thiệu của mẹ cậu và của chú tiểu Thích Thanh Bần.
- Thưa ông, hân hạnh cho tôi quá.
- Học thuyết tiểu tư sản của cậu ra sao mà chú tiểu chùa An Lạc xưng tụng hết lời?
- Thưa ông, học thuyết của tôi gồm toàn thí dụ!
Một người công an đã bảo Hoàng Sơn Trương khùng, cậu muốn đóng vai trò điên khùng để tồn tại, noi gương Tôn Tẩn.
- Học thuyết... thí dụ?
- Vâng, thí dụ và thí dụ rồi vấn đáp.
- Cậu thử thí dụ xem nào.
- Thí dụ của chủ thuyết tiểu tư sản thường hay xúc phạm tới người muốn biết. Tôi sợ ông sẽ không hài lòng.
- Cứ thí dụ đi!
- Thưa ông, cái đồng hồ Rolex ông đeo trên tay của riêng ông hay là thuộc tài sản công cộng?
- Của riêng tôi.
- Nó là tư sản của ông?
- Tư sản nhỏ mọn, đáng kể gì.
- Thưa ông Giám Đốc, nếu có vị đồng chí nào lột cái Rolex của ông khơi khơi, ông nghĩ sao?
- Xin thì tôi cho, tự nhiên lột thì không được.
- Thì ông phải bảo vệ?
- Tôi bỏ tù!
- Thưa ông, đó là chủ thuyết của tôi.
Mai Chí Thọ phá ra cười. Hoàng Sơn Trường cười theo. Cậu nói:
- Ông nên theo chủ nghĩa tiểu tư sản đi!
Mai Chí Thọ vẫn cười ngất. Người cộng sản ít khi được cười, ít khi dám cười. Họ làm ra bộ nghiêm túc, khắc khổ thật tội nghiệp. Vớ được dịp cười vô tội vạ, Mai Chí Thọ cười như điên.
- Tôi theo chủ nghĩa tiểu tư sản?
- Vâng. Gốc của ông là trí thức tiểu tư sản, dẫu khước từ nó, tâm hồn ông vẫn cứ tiểu tư sản. Tôi xin phép lý luận: Cái đồng hồ Rolex là tư sản nhỏ mọn của ông như ông xác định. Vậy nó là tiểu tư sản. Ông đòi bảo vệ nó là ông đòi bảo vệ quyền lợi tiểu tư sản, ông đòi quyền tư hữu. Mãi mãi ông là tiểu tư sản.
Mai Chí Thọ hết cười. Ông ta đanh mặt lại:
- Cái mặt cậu cũng đòi lập thuyết?
Hoàng Sơn Trường nổi nóng:
- Thế kỷ trước, chắc đã có người khinh bỉ Karl Marx như ông khinh bỉ tôi hôm nay?
- Marx là vĩ nhân, cậu là tép riu.
- Trước khi trở thành vĩ nhân, Marx đã là tép riu. Thưa ông, tôi rất buồn vì người Việt Nam mình nặng tinh thần vọng ngoại. Tại sao một người Việt Nam không thể lập thuyết? Tại sao người Việt Nam suốt đời cứ phải bái tụng các chủ thuyết ngoại lai? Thuyết của tôi sẽ chẳng ra cái gì cả nhưng tôi tự hào tôi đã lập thuyết.
- Thuyết thí dụ?
- Vâng, thuyết thí dụ.
- Thuyết của cậu khôi hài, ngớ ngẩn. Nó sẽ dẫn cậu qua các nhà tù, các trại tập trung mãn kiếp cậu. Cậu chỉ là thằng nhỏ mới lớn lãng mạn và mơ mộng hão huyền, ham danh, thèm tiếng, thứ ngựa non muốn chứng tỏ ta độc đáo, ta khác đời. Thả cậu về cũng chẳng làm nên tích sự gì. Giữ cậu lại để cậu nhìn rõ cậu hơn, chừng nào hết ham luận bàn chủ nghĩa thí dụ sẽ thả. Còn thí dụ, còn nằm tù.
Hoàng Sơn Trường thấy không nên nổi nóng, không nên tự ái, cứ mặc kệ người cộng sản coi thường mình. Như thế có lợi cho sự tồn tại của mình hơn. Tư bản, ngày xưa, nó bảo cộng sản là cái bóng ma. Cộng sản, ngày nay, nó tưởng tiểu tư sản chỉ là những thí dụ ngớ ngẩn. Nó tưởng thật hay nó giả vờ hay nó thấm đòn... thí dụ? Mới thí dụ thôi, cộng sản đã nóng mặt. Đi vào toàn bộ tư tưởng sắp đặt thành hệ thống, cộng sản sẽ chết đứng, sẽ tan rã. Anh còn khỏe và tôi đang yếu, tôi chưa thể nói hết với anh những điều tôi cần nói. Đợi tôi lớn hơn, từng trải hơn, tôi sẽ cho anh biết sức quyến rũ nam châm của tiểu tư sản chủ nghĩa cuốn hút các thứ chủ nghĩa khác. Và chính tiểu tư sản mới xứng đáng độc tôn. Vì nó thực sự tạo hạnh phúc cho con người.
- Cậu cần yêu cầu gì tôi không?
- Cám ơn ông, tôi không có yêu cầu gì cả.
- Cậu cần suy nghĩ.
- Vâng, tôi cần suy nghĩ nhiều.
- Suy nghĩ về tương lai của cậu.
- Vâng.
Người ta không bịt mắt Hoàng Sơn Trường nữa và cho cậu về đề lao Gia Định, nhốt cậu trong một cachot đủ ánh sáng và không bị còng. Những câu vấn đáp cuối cùng của Mai Chí Thọ và Hoàng Sơn Trường, mọi người ráng hiểu lấy ý mình.
Hoàng Sơn Trường nằm cachot hai tuần thì được gọi ra viết những ý nghĩ của cậu về “cái gọi là” tiểu tư sản chủ nghĩa. Cậu cố nhớ lại mấy trang nháp viết ở chùa An Lạc để dẫn vào những thí dụ và thí dụ! Càng bị viết cậu càng thí dụ vớ vẩn. Khi cạn thí dụ, cậu xào lại những thí dụ đã thí dụ. Những trang viết của cậu được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao. Người ta kết luận cậu là thằng dở hơi, thằng cám hấp. Tuy nhiên, trong đầu óc cậu chứa chất nhiều tư tưởng phản động cần phải cải tạo dài hạn.
- Đội 37!
Đội 37 được gọi xuất trại đầu tiên. Đội truởng ngồi. Các trại viên khác cũng ngồi ì vì Đội trưởng chưa ban lệnh đứng lên.
- Đội 37!
Phan Tiến Dzũng đứng dậy:
- Cán bộ hét thật lớn giùm. Đội trưởng của chúng tôi điếc!
Các trại viên cười khúc khích. Cán bộ trực trại nổi nóng, quát lớn:
- Đội 37!
Đội trưởng Trần Thế Tưởng đã nghe rõ, vụt dậy. Người ta đã giáo dục cả nếp sống quân sự hóa ở trại và Đội trưởng thuộc lòng. Thiếu úy biệt kích, người có giọng sấm sét, biểu diễn màn... quân sự hóa:
- Tất cả... đứng dậy! Nón mũ lột ra. Hai hàng dọc, nhìn đằng trước... thẳng! Nghiêm! Báo cáo cán bộ Đội 37 tổng số 20, tham gia đủ 20...
- Tham gia cái gì?
- Tham gia lao động đủ 20. Chờ lệnh cán bộ.
- Cho đi!
Đội trưởng vẫn đứng. Cán bộ trực trại hét:
- Cho đi!
Đội trưởng nhận lệnh:
- Rõ!
Đã được dặn dò, cả đội dậm chân bước như diễn binh. Chẳng người nào của Đội 37 cười nhưng toàn thể trại viên cười quên luôn kỷ luật. Một luồng gió mới thổi vào sinh hoạt Sa Ác. Những họng súng của cai ngục bớt ghê gớm đi. Quyền uy của trực trại giảm vợi. Đội 37 đã diễu cợt Nội Quy, thứ pháp chế thu nhỏ của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa. Ngang qua chòi trực, anh cán bộ trực trại hậm hực:
- Miệng thì lớn mà tai nhỏ!
Hai vệ binh và một quản giáo dắt đội ra bãi lao động. Quản giáo phải nói lớn. Đội nhận cuốc, xẻng, búa chim và... xe (miếng vỉ lớn đan bằng tre, hai bên là hai khúc tre, người đi trước, người đi sau khiêng đất). Công tác: Phá gò mối lấp hố bom! Mấy năm bị nhốt trong tù như bầy gà kỹ nghệ, thịt nhão, da mỏng dính, nay hai mươi tù nhân tư tưởng cầm cuốc phá gò mối khươm mươi niên, rắn chắc hơn cả tường gạch xây xi-măng, tay cậu nào cậu ấy rộp da hết.
Hoàng Sơn Trường và Ngô Tỵ khiêng đất gò mối đổ xuống hố bom. Họ đã gặp nhau ở đề lao Gia Định, đã chung phòng, đã trò chuyện. Thoạt đầu, Ngô Tỵ ngạc nhiên về “người dẫn đường” lùn tì, cận thị và đã tỏ ra chán nản. Rồi nghe nhà lập thuyết lùn tì luận về chủ nghĩa tiểu tư sản, Ngô Tỵ bái phục Hoàng Sơn Trường. Đứng trên miệng hố bom, Trường hỏi Tỵ:
- Cậu thấy rõ chưa?
- Thấy gì?
- Tư bản tạo ra hố bom, cộng sản bắt chúng ta lấp hố bom. Đó, hai chủ nghĩa khốn kiếp đó đầy đọa dân tộc mình. Từ cái hố bom oan nghiệt này, chúng ta có thể suy ra muôn vàn thủ đoạn độc ác của tư bản và cộng sản.
- Chúng ta mở mắt thế giới?
- Không, chúng ta trồng hoa tiểu tư sản trên hố bom tư bản tạo ra và cộng sản bắt chúng ta san lấp.
- Cậu hay thật.
- Nhờ các cậu giúp tớ.
Nguyễn Kiến Thiết và Trần Chiêm Đồng cũng khiêng đất lấp hố bom. Đồng hỏi Thiết:
- Trường còn suy tư về chủ nghĩa tiểu tư sản chứ?
- Luôn luôn.
- Cậu ấy tin tưởng mãnh liệt?
- Mỗi ngày mỗi tin tưởng hơn. Nếu người nào phải chết, xin hãy là tôi, đừng bao giờ là Hoàng Sơn Trường. Một trăm ngàn tù nhân chết chẳng sao cả vì họ sống vô tích sự. Lại đến vượt biên sang Mỹ sang Pháp hưởng thụ và tranh giành nhau đủ thứ. Riệng Trường cần sống để giải thoát dân tộc và nhân loại. Cậu ấy được định giá trị bằng tinh hoa của 4.000 năm văn hiến.
Bốn tù nhân phá một gò mối vẫn không đủ đất cho bốn người khiêng. Buổi lao động làm quen, quản giáo chưa thèm giục giã. Giờ giải lao, hai mươi người quây quần bên nhau. Trần Thế Tưởng nói:
- Anh em mình, chắc chắn, còn phải đi nhiều trại. Số phận chúng ta đã gắn lấy nhau chặt chẽ. Chúng ta tự coi chúng ta là bó đũa. Tách riêng ra, nó bẻ gẫy hết anh em ta. Tôi rất mong, có ngày, anh Lương Việt Cương làm Đội trưởng. Anh Cương lớn tuổi nhất, điềm đạm, từng trải, tôi muốn anh lãnh đạo chúng ta.
Lương Việt Cương nói:
- Cám ơn anh Tưởng. Tôi nghĩ đã là bó đũa thì mỗi chiếc đũa là một lãnh đạo.
Phan Tiến Dzũng nói:
- Cần thiết một đại ca.
Đỗ Mậu Quý nói:
- Và đại ca có cái đầu. Cứ coi anh Cương là cái đầu của chúng ta đi và anh Tưởng vẫn làm đội trưởng. Cần thiết nhất là chúng ta triệt để tin cẩn nhau, đừng để cộng sản nó tạo ra sự ngờ vực giữa anh em.
Trần Thế Tưởng nói kinh nghiệm bản thân của mình ở đề lao Gia Định và kết luận:
- Nhiều tù nhân còn khờ khạo lắm. Rốt cục, ghét nhau, nói xấu nhau, thù hận nhau vì thủ đoạn chia rẽ của cộng sản.
Hết giờ giải lao, cán bộ ra lệnh:
- Lấy dụng cụ làm việc.
Đội trưởng Trần Thế Tưởng truyền lệnh:
- Thu dụng cụ nghỉ việc!
Anh em thu dụng cụ cất gọn một chỗ rồi xếp hàng. Cán bộ hỏi đội trưởng:
- Tại sao nghỉ việc?
Đội trưởng đứng nghiêm báo cáo:
- Cán bộ ra lệnh thu dụng cụ nghỉ việc.
- Tôi nói: lấy dụng cụ làm việc.
- Tôi nghe không rõ, tưởng cán bộ thấy ngày đầu cuốc gò mối anh em phỏng rộp hết tay cho nghỉ.
- Anh điếc à?
- Tôi đã báo cáo tôi điếc.
- Lần sau nhớ nghe rõ nhé! Thôi, nghỉ thì nghỉ. Tập họp về tắm.
Đội 37 về sông Ray tắm sớm nhất, nhập trại sớm nhất. Anh em hài lòng tài kịch điếc của Trần Thế Tưởng. Buổi chiều làm việc tài tử như buổi sáng. Cung cách lao động này, một nghìn năm nữa chưa lấp hết hố bom tư bản. Buổi tối, Nguyễn Kiến Thiết đề nghị Hoàng Sơn Trường cho anh em biết về chủ nghĩa tiểu tư sản. Phan Tiến Dzũng và Đỗ Mậu Quý canh gác vệ binh đi tuần rình rập. Với cặp kính cận thật dầy. gọng nhựa, Hoàng Sơn Trường rất triết gia. Cậu nói về sự bất lực của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cậu thí dụ tù nhân Việt Nam bị cộng sản bắt phá gò mối lấp hố bom tư bản. Rồi cậu luận về cái hay cái đẹp của chủ nghĩa tiểu tư sản. Anh em say sưa nghe Trường. Họ đồng ý phải võ trang tư tưởng mới đánh thắng cộng sản được. Hai mươi tù nhân phấn khởi. Họ tin rằng họ sẽ làm những việc mà chưa ai làm nổi từ 30 năm nay.
Công việc tạm thời của họ là phá gò mối, lấp hố bom. Được nửa tháng, trong giờ giải lao, Lương Việt Cương nói:
- Tôi muốn thay đổi thái độ lao động.
Vương Huy Dũng hỏi:
- Là thế nào?
Cương giải thích:
- Công việc là công việc. Chúng ta thử cố gắng làm việc đến nơi đến chốn xem sao. Việc nhỏ làm đến nơi đến chốn, việc lớn sẽ làm đến nơi đến chốn. Đừng nghĩ cộng sản bắt ta làm. Hãy nghĩ đó là công việc. Chúng ta cần tập cho chúng ta thói quen làm việc, và phải hoàn thành công việc. Thí dụ đánh cộng sản là phải hoàn thành công việc đánh, là phải thắng. Người khác bảo mình sợ hãi cộng sản, thây kệ họ. Cộng sản tưởng mình khiếp nhược, tiến bộ, thây kệ nó. Anh em nghĩ sao?
Đinh Vượng nói:
- Tôi đồng ý.
Mọi người đồng ý. Đội trưởng đề nghị làm khoán với quản giáo. Quản giáo bằng lòng. Đội 37 làm hết việc là nghỉ, dù sớm hay muộn. Sang tháng sau, quản giáo tăng việc. Đội họp bàn.
- Không làm thêm. Không để nó bóc lột. Trở lại lề lối cũ.
Anh em lại ỳ ra. Quản giáo đành thua, trở về mức khoán đầu tiên. Công tác lấp hố bom chấm dứt, Đội 37 chuyển sang công tác nguy hiểm là đào bom chưa nổ và khiêng xếp một chỗ. Cộng sản muốn hại Đội 37. Hố bom lấp ngàn năm chưa hết, tại sao phải đào bom chưa nổ? Hoàng Sơn Trường lại thấy thêm cái thâm độc của tư bản và cộng sản. Buổi sáng thứ hai, trước khi nhận lệnh xuất trại, các đội tập họp đầy đủ trong sân, chờ cán bộ trực trại mở sổ, Đội trưởng 37 đứng lên báo cáo dõng dạc:
- Báo cáo cán bộ: Đội 37 không đi lao động hôm nay.
Sân trại xôn xao.
- Các anh chống đối lao động hả?
- Chúng tôi chống đào bom, khiêng bom.
- Vậy là chống mệnh lệnh cán bộ.
- Nhà nước đưa chúng tôi đi lao động cải tạo chứ không đưa chúng tôi vào chỗ chết. Muốn giết chúng tôi cứ việc đem ra bắn. Còn khiêng bom thì chúng tôi không khiêng. Trừ phi ông Phạm văn Đồng đến đây bảo đảm tính mạng của chúng tôi.
- Được, các anh ở nhà làm việc với Ban Giám Thị.
Cán bộ lật sổ.
- Đội 1.
Đội trưởng Đội 1 đứng lên:
- Báo cáo cán bộ. Đội 1 cũng nghỉ lao động hôm nay. Gài mỉn phá núi rất nguy hiểm, cả đội bị tức ngực, sắp chết rồi.
Cán bộ trực trại bước ra khỏi chòi trực, rút súng lục bắn chỉ thiên ba phát. Vệ binh ào ào kéo tới, súng chĩa thẳng vào các tù nhân đang ngồi trong đội ngũ. Cán bộ trại hăm hở bước tới, cách tù nhân mười thước, y đứng lại:
- Thằng nào sách động đứng lên!
Phan Tiến Dzũng tự Dzũng quan tài vọt dậy, phanh ngực áo ra:
- Tao đấy, mày dám bắn không?
Đỗ Mậu Quý cũng đứng lên:
- Tao nữa!
Nguyễn Hữu Hạnh đứng theo:
Nhà lập thuyết nằm trong cachot viết chủ nghĩa tiểu tư sản bằng nỗi cô đơn. Cậu bắt đầu lại những trang dẫn nhập chẳng... thí dụ tí nào: “Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa tư bản và cộng sản đã chấm dứt từ lâu. Bây giờ chỉ còn là tranh giành quyền lực, quyền làm chủ toàn thế giới của họ. Trong tranh giành quyền lực, họ đã thỏa hiệp, toa rập gieo tai vạ xuống những vùng ảnh hưởng của họ, xuống đám tín đồ sùng bái chủ nghĩa của họ...” Hoàng Sơn Trường đã nói với chú tiểu Thích Thanh Bần: “Nhà chùa là sơ khởi, nhà tù là hoàn thành. Hoa nở ở nhà chùa, sẽ kết trái ở nhà tù”. Hoàng Sơn Trường tin tưởng chủ nghĩa tiểu tư sản của cậu sẽ thăng hoa, sẽ mặt trời rực rỡ làm tan bóng tối bất hạnh âm u đang bủa kín trái đất.
Cậu nằm tù hôm nay như Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập giá nghìn xưa. Hạnh phúc đẻ ra bất hạnh. Nhưng bất hạnh tạo ra hạnh phúc, nỗi bất hạnh của những tâm hồn đẹp... Hoàng Sơn Trường là một trong những tâm hồn đẹp của thời đại chúng ta, của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam rạng ngời....
Xem tiếp Chương 16

Xem Tiếp: Chương 16

Truyện Bầy Sư Tử Lãng Mạn Thư vào truyện Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 < Chương 18 Đoạn Kết
Truyện Cùng Tác Giả Áo tiểu thư Ảo Vọng Tuổi Trẻ Bầy Sư Tử Lãng Mạn Cái Diều Cám Ơn Em Đã Yêu Anh Cầu Mơ Con Sáo Của Em Tôi Con Suối Ở Miền Đông Con Thúy Đại dương trong lòng con ốc nhỏ

Xem Tiếp »