Chương 10

     gười chấp pháp lắc đầu:
- Em chưa tiến bộ chút nào!
Trí ghẻ đưa tay ra sau lưng gãi xoàn xoạt:
- Tôi thấy chú cũng chưa tiến bộ chút nào! Ba lần rồi, chú gọi tôi làm việc chỉ hỏi mỗi một câu.
Người chấp pháp cười:
- Tại em không chịu thành khẩn. Cứ thành khẩn khai báo đi, sẽ về sớm sum họp gia đình.
Trí ghẻ bĩu môi:
- Gia đình! Gia đình! Gia đình tôi tan nát rồi, chú ạ! Tôi không còn chốn thèm về nên không cần về.
Trí ghẻ nói đúng. Nó không còn gia đình nữa. Cuộc đời nó sẽ là một cuốn tiểu thuyết đầy tình tiết lâm ly hằn rõ dấu tích của thời đại, nếu nó kể cho một nhà văn. Hơn cả David Copperfield của Dickens, Rémy của Malot về hẩm hỉu ấu thời và, dĩ nhiên, Tom Sawyer, Huckle Berryfinn của Twain không được quyền ví với nó. Trí ghẻ, tù danh của Vũ Đình Trí, sinh năm 1958. Nó vừa biết nói thì bố nó đã bỏ mẹ nó đi giang hồ tuyệt tích. Hai tuổi, mẹ nó gửi bà con nuôi nó rồi đi luôn. Sáu tuổi, mẹ nó về dẫn nó đến giới thiệu với một người đàn ông và bảo người này là bố nó. Vậy thì Vũ Đình Trí đã có bố, một ông bố ít nói mà tốt. Nó được cắp sách tới trường. Tám tuổi, Trí đã thấy người ta đảo chính, chỉnh lý, xuống đường, tự thiêu, đàn áp răm rắp. Muời tuổi, nó thấy Việt cộng đánh Sàigòn, người chết, nhà cháy. Riêng những biến cố lịch sử tang tóc ấy đã khiến nó ăn đứt các “nhân vật tuổi thơ” trên thế giới. Qua vụ Mậu Thân, bố nó bị động viên vì bố nó lỡ tự học và đậu bằng tú tài. Cứ để làm anh thư ký quèn ở Thư Viện Quốc Gia lại khỏi phải đi lính. Thư viện thiếu nhân viên rành việc, mãn khóa Thủ Đức, bố nó được biệt phái về nhiệm sở cũ.
Trí không có em nên bố nó thương nó lắm. Trí được bố dắt vào thư viện chơi. Cậu bé mê không khí thư viện. Ngoài giờ học, Trí đóng đô ở thư viện, đọc sách báo say sưa như một độc giả lớn tuổi. Nó lén bố, đọc cả những cuốn sách mà nó chẳng hiểu gì. Riết rồi nó bị “tẩu hỏa nhập ma”, mở miệng toàn danh từ hóc búa. Nó lây bệnh nghĩa, lầm lỳ như những trang sách. Ngày 30-4-1975, Vũ Đình Trí 17 tuổi. Nó đi xem giải phóng. Nó sợ hãi cờ giải phóng. Và nó cảm giác cái gì thật xót xa khó diễn tả khi nhìn người ta xé lá cờ quen thuộc mà nó gọi là quốc kỳ.
Nửa tháng sau giải phóng, một người đàn ông đội nón cối, mang dép râu, đeo súng lục đến nhà nó, xưng là cha đẻ của nó. Bố nó không chối cãi. Mẹ nó không chối cãi. Mẹ nó khóc sưng mắt. Vậy là Vũ Đình Trí có bố Việt cộng. Nó nhất định không tin. Bố nó, mãi mãi, chỉ là ông thư ký thư viện.
Tháng 7-1975, ông bố thư viện của nó đi học tập cải tạo. Tháng 8, ông bố Việt cộng “tiếp thu” nhà nó. Tháng 9, mẹ nó tự tử. Tháng 10, nó bỏ nhà đi hoang, tham gia tổ chức “đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất” bị bắt và kết tội “đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất”. Bị nhốt ở quận 3 hai tuần, bị đánh đập sưng vù mặt mũi, bị ghẻ lở. Chuyển sang đề lao Gia Định tháng 12-1975, ghẻ lở đầy mình. Có tù danh Trí ghẻ. Đã làm bản tự khai. Hôm nay là lần thứ ba làm việc với công an chấp pháp.
- Em nghĩ lại coi, Trí.
- Nghĩ gì?
- Ba em là người chiến sĩ cách mạng. Gia đình em vẻ vang quá.
- Ba tôi là ngụy. Gia đình tôi tan nát vì cách mạng. Tôi không thích làm con Việt cộng!
- Nhưng em vẫn là con em cách mạng.
- Không, tôi ngụy.
- Em ngụy bao giờ nào?
- Tôi ngụy từ sơ sinh. Trên ngụy địa, tôi là ngụy dân. Ngụy dân hèn mạt vẫn hơn Việt cộng.
- Chắc em giận vì má em chết. Có lẽ, đó là lỗi của ba em, không phải lỗi cách mạng.
- Việt cộng không là cách mạng. Tôi biết đọc sách, đừng tưởng tôi nhóc con ngu đần.
- Theo em, thế nào là cách mạng?
- Giản dị lắm, theo tôi và theo dân chúng Sàigòn, Việt cộng cút về Bắc kỳ hết là cách mạng.
- Em gàn dở quá.
- Vậy đừng gọi tôi làm việc nữa.
- Cách mạng muốn giúp em trở về đời sống bình thường. Do đó cần làm việc với em. Em bị bọn phản động đầu độc nặng nề.
- Tôi tình nguyện đi theo phản động.
- Em chống cả ba em à?
- Ba nào?
- Ba ruột thịt của em.
- Sinh tôi ra, vất tôi sống lây lất là một tội ác, là kẻ thù của tôi, là Việt cộng. Chưa đủ sao, còn bắt bố tôi bỏ tù, bắt mẹ tôi chết. Tôi khước từ ruột thịt với Việt cộng.
- Ba em vì Đảng, vì Cách Mạng, vì Nhân Dân đành tâm bỏ em.
- Bỏ tôi cho ngụy nó nuôi dưỡng tôi, thương yêu tôi hả?
- Ba em sắp đến đây gặp em.
-Tôi không thèm gặp ông ta.
- Em dã man, không tình phụ tử gì à?
- Phụ vô lương thì tử vô tình!
Người chấp pháp xoay qua chuyện khác:
- Em định đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất?
Trí ghẻ luôn tay gãi gáy:
- Phải.
Người chấp pháp cười thành tiếng:
- Làm sao em đánh nổi phi trường Tân Sơn Nhất?
Trí ghẻ nhún vai:
- Nếu không bị bắt, tôi đã đánh rồi.
- Mà thắng nổi không?
- Cứ đánh đã, thắng bại tính sau
- Bây giờ thả em ra, em còn nghĩ chuyện đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất không?
- Tiếp tục đánh phá.
- Đánh phá cách nào?
- Cứ thả ra coi.
- Thả thì sẽ thả nhưng em đánh phá với ai?
Trí ghẻ khựng lại. Nó suy nghĩ vài giây rồi nói:
- Tôi đã khai hết. Họ cũng bị bắt một lượt với tôi. Chú có đầy đủ tên tuổi họ mà.
Người chấp pháp gật gù:
- Ừ nhỉ! Em không được thả ra, một mình em ra ngoài, em đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất với ai?
Trí ghẻ cười:
- Tôi đi kiếm người đánh. Thiếu gì. Dân Sàigòn đông lắm. Chừng hết Việt cộng mới hết người đánh.
Người chấp pháp ngọt ngào:
- Tôi cho em đi biệt giam em sẽ hết bị lũ phản động trong phòng tập thể rỉ tai nhồi nhét tư tưởng xấu xa. Em phải nhớ em mang giòng máu cách mạng. Máu cách mạng không thể xen lẫn máu phản động hôi hám.
Trí ghẻ về cachot. Nó vừa gãi ghẻ vừa hát nhảm, Những khi nó chán nằm ngủ. Rồi người ta lại gọi nó làm việc. Đây là lần thứ tư. Trí gặp ông bố Việt cộng ngồi ở phòng chấp pháp. Nó tỉnh bơ nói với chấp pháp:
- Làm việc thì tôi làm, gặp ai khác thì tôi về biệt giam. Tôi con mồ côi, mẹ chết, bố đi tù rồi. Tôi chẳng còn liên hệ gia đình gì với ai cả.
Người chấp pháp dụ dỗ:
- Mình làm việc, Trí ạ!
Trí ghẻ nói:
- Tôi định khai báo thêm nhưng chỉ khai báo với riêng chú thôi.
Ông bố Việt cộng buồn bã:
- Ba mang quần áo, thuốc ghẻ, thuốc bổ và quà cho con.
Trí ghẻ nín thinh.
- Ba mong con thành khẩn nhận tội để về sống với ba, ba sẽ săn sóc con. Rồi con sẽ đi Liên Xô học.
Trí ghẻ vẫn nín thinh. Một lát, nó hỏi người chấp pháp:
- Ông này làm việc với tôi hả chú?
Người chấp pháp vỗ vai nó:
- Cháu đừng giận ba cháu nữa.
Trí ghẻ hất tay người chấp pháp khỏi vai mình:
- Tôi đã nói với chú, tôi không hề có bố Việt cộng. Bố tôi là sĩ quan ngụy, đi tù rồi. Mười lăm năm tôi sống bằng cơm nước ngụy, thuốc thang ngụy, tình nghĩa ngụy. Ngụy đi tù, tôi đi tù theo. Tôi không cần sự thương hại của Việt cộng.
Ông bố Việt cộng nổi giận:
- Mày dám nói thế sao?
Trí ghẻ tỉnh bơ:
- Tù thì gì mà không dám!
Người chấp pháp yêu cầu ông bố Việt cộng bình tĩnh. Rồi ông mời ông bố Việt cộng ra khỏi phòng. Bắt đầu màn giáo dục luận lý cộng sản.
- Con chim có tình, con chó có tình, em nghĩ kỹ đi.
- Con chim mớm mồi cho con nó, dẫn con nó đi kiếm mồi, chỉ dẫn con nó cách kiếm mồi. Con chó cho con nó bú, bảo vệ con nó tới khi khôn lớn. Nó có tình, dĩ nhiên.
- Ba em vì nhiệm vụ cách mạng.
- Ba tôi là ngụy.
- Là cách mạng!
- Là quốc gia.
- Là ngụy!
- Đúng là ngụy, tôi đã nhận mà!
- Em bị mất trí chăng?
- Tôi tỉnh như sáo sậu.
- Thôi em về, hôm khác làm việc. Mang bị quà của ba em về biệt giam luôn.
- Tôi không nhận quà cáp của Việt cộng.
- Của ba em, của tình thương yêu đấy.
- Không phải! Của Việt cộng, của mua chuộc.
Trí ghẻ về tay không. Người quản giáo xách bị quà theo sau nó. Cửa cachot mở ra. Người quản giáo đẩy bị quà vào trước. Ổ khóa bóp lại. Trí ghẻ đập cửa,báo cáo ầm ĩ.
Cửa cachot vừa hé mở, nó tung cái bị đổ tung tóe phía ngoài.
- Tôi không thích thọ ơn Việt cộng!
Nó làm việc lần thứ năm, thứ sáu, thứ bảy... Thái độ của nó trước sau như một. Đến nỗi chấp pháp tưởng Trí ghẻ nửa điên nửa khùng. Nhưng người ta vẫn không tin mấy thằng nhãi ranh dám âm mưu đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất. Người ta nghĩ rằng chúng nó có lãnh đạo hẳn hoi. Người ta muốn khai thác Trí ghẻ. Hễ Trí ghẻ thành thật khai báo là xong hết. Đồng bọn của nó, trước sau, thú nhận làm theo sự chỉ đạo của Trí ghẻ. Vậy tạm coi là Trí ghẻ là kẻ chủ xướng vụ đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất. Nó nổi tiếng ở đề lao Gia Định. Trí ghẻ là một triết tai chống lại thuyết... “Lá rụng về cội!” Các nhà nghiên cứu Mác-xít sẽ phải nghiên cứu nó. Và thế giới tự do cũng sẽ phải nghiên cứu trường hợp của nó. Những ông cò kháng chiến chắc chắn sẽ chán nó lắm. Vì nó mới đích thực anh hùng. Còn họ chỉ là những anh hùng tự phong xuôi giòng chiến đấu trên sông Potomac, trên sông Mississipi, trên sông Seine, trên sông Danube và chỉ biết nghĩ đến phương thức đàn áp tuổi trẻ Việt Nam mai này. Lịch sử nào cũng có những người nuôi chí chiến đấu trong ngục tù và, luôn thể, những người nuôi chí trong các hộp đêm hải ngoại. Những người nằm tù thì đói khổ nhưng không hề lên tiếng xin ăn. Những người bên ngoài thì phè phỡn nhưng không quên lạc quyên, xổ số chiến đấu! Sự khác biệt bên ngoài và bên trong ở đó. Và đau đớn hơn một chút, bên ngoài tự do, bên ngoài chưa dám ở lại nhìn rõ mặt kẻ thù, chưa biết nỗi ê chề của những người trong tù mà cứ lên tiếng đánh giá, phán xét, mỉa mai, thị phi, bêu nhục. Không, đó chẳng phải là sự đau đớn. Mà là sự khốn nạn không thể tha thứ. Những người ấy không thể ví với mụn ghẻ của Trí ghẻ. Khốn nạn hơn, hạng người ở lại, cam đành cộng tác với kẻ thù, nhận ân huệ của kẻ thù, hoan hỉ nhận thêm ân huệ chót của kẻ thù là khúm núm cầm miếng giấy xuất cảnh ra đi chính thức rồi cũng vỗ ngực mình căm thù cộng sản và bày đặt thị phi những người khắc khoải trong tù ngục quê nhà. Hạng người này tanh tưởi hơn mùi ghẻ mủ của Trí ghẻ! Có lẽ, phải dùng một pho Xú Thư ghi rõ tên tuổi, hành động của bọn gián đêm để phân biệt rõ ràng người công chính với bọn giả hình trên bước đường tạm dung buồn bã.
Lịch sử, nhất là ở khúc rẻ ghê gớm của nó, thường làm con người lớn lên, khôn ra. Và lịch sử sau 30-4-75 đã làm tuổi trẻ Việt Nam lớn lên, khôn ra. Tuổi trẻ Việt Nam sáng mắt nhìn suốt kính đen của lãnh tụ phù thủy đạo diễn để biết đạo diễn mù mà tự mình quyết định lấy thân phận mình, thân phận dân tộc mình. Buồn thay, bên ngoài quê hương quằn quại dưới gót thù, một số những người tuổi trẻ xa xứ từ lâu; những người tuổi trẻ không hề trực diện chiến tranh Việt Nam 20 năm; những người tuổi trẻ không hề nếm mùi dùi cui, phi tiễn, lựu đạn cay của bọn bảo vệ chế độ đàn áp tuổi trẻ xuống đường đòi hỏi tự do dân chủ, công bình, quyền sống... lại suy tôn, ủng hộ bọn đã đàn áp thế hệ mình nghiệt ngã. Số người tuổi trẻ ấy rất nhiệt tình nhưng họ chưa thể nhìn suốt kính đen của phù thủy để biết mặt phù thủy là mắt cò, mắt cớm! Trí ghẻ còn nhỏ bé, nó đã nhìn suốt kính đen của cộng sản.
Lần cuối cùng, Trí ghẻ làm việc với người chấp pháp từ Hà Nội vào. Ông ta ngụy trang công an. Thực ra, ông ta là người nghiên cứu tâm lý tuổi trẻ Sàigòn. Trung ương Đảng Cộng Sản và Viện Kiểm Sát nhân dân cử ông vô gặp Trí ghẻ.
- Em không muốn về, tại sao vậy?
- Vì tôi không có chỗ về.
- Chỗ nào em mong muốn về?
- Nó ra sao?
- Nó không còn cộng sản!
- Này em, em đừng nuôi ảo tưởng. Với cộng sản, một là em đầu hàng, hai là em nằm mãi trong tù, không ai đánh thắng nổi cộng sản đâu. Mỹ còn phải thua nữa là em.
- Vậy thì tôi cần cố gắng hơn.
- Em đánh cộng sản bằng cái gì?
- Tôi sẽ cho chú biết khi tôi đánh.
- Bao giờ?
- Bao giờ tôi rời đây.
- Không bao giờ cả đâu.
- Có chứ. Đã 30-4-75, sẽ 30-4 sắp tới.
- Ai bảo em thế?
- Trái tim tôi bảo tôi thế. Tôi đánh cộng sản vì tôi thích. Ngoài ra không vì cái gì cả.
- Những đứa bằng tuổi em đều giống em à?
- Cái đó chú hỏi từng đứa. Tôi chỉ biết tôi thôi.
- Tại sao em chọn phi trường Tân Sơn Nhất là mục tiêu khởi sự?
- Vì lão Việt cộng nhận tôi là con làm việc ở đó!
- Em có nghĩ em sẽ chết trong tù không?
- Sức mấy mà chết. Tôi đi chiến đấu sớm hơn ông Hồ Chí Minh nhiều năm, tôi sẽ về sớm hơn ông ấy.
Cộng sản chịu thua Vũ Đình Trí, tù danh Trí ghẻ. Từ đấy, Trí ghẻ không còn cơ hội nào làm việc với chấp pháp nữa. Nó nằm cachot 14 tháng. Lần cuối, vì Trí ghẻ dám ví mình như Hồ Chí Minh nên nó bị còng cả chân lẫn tay hai tháng. Sau đó, Trí ghẻ ra phòng tập thể. Nó không tin rằng nó sẽ chết rũ trong tù. Trí ghẻ nuôi mộng đánh thắng cộng sản. Cộng sản bảo nó nuôi ảo tưởng vì không ai đánh thắng nổi cộng sản. Trí ghẻ đã khiêm tốn hứa hẹn: Vậy thì tôi cần cố gắng nhiều hơn.
Trí ghẻ giữ đúng lời hứa.