MỘT THOÁNG QUA ĐI

    
ôi gặp lại Hưng trong một tiệm bán Mỹ Phẩm – Bazar ở thương xá Tax. Lúc đó tôi đang lui cui chọn một thỏi son mầu hoa đào. Mầu mà chồng tôi thường tỏ ý thích. Hưng đứng sát bên tôimà tôi không nhìn ra. Mãi đến lúc Hưng gọi thật khẽ bên tai tôi, tôi mới ngẩng đầu lên. Hưng đứng đó thật xa lạ - thật người lớn. Tôi ngỡ ngàng trong một phút không ngờ đến.
- Vân lớn quá!
Hưng nói, tôi chớpmắt chưa kịp trả lời, Hưng cười:
- Vân quên mình rồi sao?
- À, không. Vân nhớ chứ, Vân nhớ lắm chứ!
Tôi nói vội vàng. Hưng nhỏ nhẹ:
- Hưng thì chả bao giờ quên nỗi Vân. Kỷ niệm của chúng mình nhiều quá, dễ thương và đáng nhớ quá. Vân có nghĩ thế không?
Tôi nhìn Hưng – hình ảnh cậu học trò mười sáu tuổi – cô bé mười bốn tuổi của mười năm về trước còn ẩn hiện đâu tím, dẫn dắt trí nhớ tôi trở về những ngày thơ dại và một mối tình cũng thơ dại không kém. Quả thật, kỷ niệm của chúng tôi khó quên vô cùng. Tôi còn nhớ như mới ngày hôm qua, Hưng chở tôi đi học bằng chiếc solex cũ mượn được của bà chị, những buổi sáng đón tôi đi học và về học ngang qua những con đường rợp bóng Me. Và, những câu nói vụng về, ngớ ngẩn của hai đứ đã chứa đựng biết bao nhiêu là âu yếm ngấm ngầm. Những gói me, những trái ổi, trái khế chua Hưng hái cho tôi chứa đựng biết bao nhiêu ý nghĩa, tràn đầy tình tứ. Với chúng tôi, như thế là tình yêu, là thương nhau rồi đó. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên trong đời tôi khóc vì một người con trai cho một tình yêu nhỏ dại. Đó là ngày Hưng bị bắt trong thời gian tranh đấu Phật Giáo, Hưng dự vào cuộc biểu tình cùng với các anh sinh viên và học sinh các trường. trong số đó có tôi, nhưng rất may mắn tôi không bị bắt. Buổi sáng nghe tin Hưng bị giam, tôi khóc ồn ào – khóc như một đứa trẻ con nghe mình lạc lõng vì người thân chợt đi xa không về, giận dỗi như mình bị bỏ rơi và nhớ nhung mỗi đoạn đường vắng phải đi bộ một mình. Tôi không nghĩ tôi khóc vì người yêu. Hai ngày sau Hưng được tha. Hưng khoe tôi những vết bầm trên mặt, trên đùi, tôi nghe xót xa tràn đầy lên đôi mắt. Từ đó, tôi không theo Hưng và các anh sinh viên dự vào những cuộc biểu tình của người lớn nữa. Chúng tôi lại sống bình yên trong tuổi học trò cho đến ngày tôi theo gia đình đi xa – bỏ lại tỉnh nhỏ với kỷ niệm vui buồn không dứt cùng với gương mặt người con trai thương tôi và tôi thương bằng những nhung nhớ bùi ngùi.
Bây giờ gặp lại Hưng giữa thành phố lớn. Trước mắt tôi, Hưng không còn là cậu học trò nhút nhát của ngày nào nữa. Và, chắc dưới mắt Hưng, tôi đã thành một thiếu nữ. Nói cho đúng hơn, tôi đã thành một người đàn bà.
- Vân đi phố một mình thôi sao?
Hưng hỏi, tôi cười nhẹ:
- Ừ, tại ở nhà buồn quá, Vân đi mua vài thứ lặt vặt.
Vân chỉ thỏi son, hộp phấn trong quầy hàng:
- Lặt vặt là những thứ này phải không?
Tôi gật đầu, Hưng hỏi:
- Vân mua xong chưa?
- Xong rồi, chờ Vân một chút xíu.
Chờ bà bán hàng gói xong hàng, tôi mở ví trả tiền bằng hai tờ năm trăm. Hưng nhìn tôi, ánh mắt đằm thắm và nụ cười ranh mãnh như ngầm nói với tôi: sao bây giờ Vân già dặn thế? Và chững chạc thế. Bắt gặp ánh mắt đó, tôi nghe má mình nóng ran lên như thủa còn con gái được nghe người yêu chế riễu trêu chọc âu yếm vậy. Tôi nghe vui vui.
- Cười gì thế?
Tôi hỏi Hưng trống không và thân mật.
- Trông Vân chững chạc như…bà lớn.
Tôi cười rộn ràng: Bà thôi chứ không phải bà lớn. Vân có chồng là đã trở thành Bàn rồi còn gì nữa. Song tôi đã không nói cho Hưng nghe chuyện đó. Không hiểu tại sao? Hưng rủ tôi đi dạo phố, đi ăn kem, uống nước. Tôi nhận lời Hưng không e dè, ngần ngại. Trong một thoáng tôi cứ ngỡ mình còn con gái và tưởng như mình đang tung tăng dạo phố với người yêu. Chả hiểu đọc được những ý nghĩ của tôi lúc này, chồng tôi có giận tôi không nhỉ? Quân thường bảo tôi còn lãng mạn quá, còn trẻ con quá và chưa ý thức được mình đã là vợ và sắp làm Mẹ. Những điều Quân nói tôi thường xuyên đến độ tôi không còn muốn nghe, muốn nghĩ đến nữa. Tôi vẫn còn ham thích cuộc sống tình nhân hơn cuộc sống vợ chồng nhiều. Tôi sống không thực tế.
Lúc băng qua đường, quen như khi đi với chồng, tôi nắm nhẹ cánh tay Hưng – thật tự nhiên – Hưng không tỏ thái độ ngượng ngùng hoặc lợi dụng sự thân mật ấy của tôi, mà cũng thản nhiên như tôi. Buông tay Hưng ra, tôi thầm nghĩ đến Quân và không thấy mình có lỗi với chồng bởi vì sự thân mật ấy. Chỉ là những cử chỉ bình thường, tôi nói với Hưng khi hai đứa đã ngồi trong tiệm nước:
- Chúng mình vẫn thế.
Chả biết Hưng có hiểu câu nói của tôi không? Hưng hỏi tôi:
- Vân uống gì? Ăn kem đã nhé.
Tôi lắc đầu:
- Cho Vân một ly sữa tươi.
Hưng gọi coca cho Hưng và sữa tươi cho tôi. Đẩy dĩa bánh đến gần, Hưng chọn cho tôi một chiếc bánh kẹp sữa. Tôi nhận chiếc bánh cắn đôi một cách ngon lành, vui thích và thấy như mỗi phút mình mỗi trẻ lại, hồn nhiên như thủa nào xa xôi lắm cùng với Hưng và đám bạn cùng lớp chia nhau khúc bánh mì trong dịp trại hay pícnic xa thành phố. Chia nhau khúc mía, những cái kẹo vừng, những trái ổi chín mới hái mà không thấy một e dè ngượng ngập nào hết. Tôi nhìn Hưng:
- Hồi nhỏ vui ghê, Hưng nhỉ?
Hưng gật đầu:
- Trông Vân bây giờ chả khác ngày xưa là mấy.
Tôi hỏi:
- Tại sao vậy? Ngày xưa Vân mười bốn. Hôm nay Vân hai mươi bốn. Cách nhau quá xa.
- Mười bốn và hai mươi bốn chỉ như một cái chớp mắt dài. Nhìn Vân lúc này đâu ai nghĩ Vân hai mươi bốn tuổi.
Tôi nghiêng mái tóc hỏi Hưng:
- Theo Hưng,Vân bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười tám, hai mươi là cùng.
Tôi cười:
- Tại sao không bảo Vân chừng mười bố như xưa có hơn không?
Hưng cười theo tôi:
- Ừ, Hưng cũng đang định nói thế.
- Thôi, cho Vân xin.
Hưng bảo:
- Thật mà, Vân trẻ lắm, trẻ đến độ hưng không ngờ đấy. Bạn bè mình ngày xưa bây giờ có chồng có con cả rồi, đâu có ai trẻ mãi bằng Vân.
Hưng nói bằng nét mặt thành thật và nghiêm trang. Tôi tin là Hưng không nịnh tôi vì tôi biết mình còn trẻ hơn số tuổi thật, rất nhiều người đã bảo tôi như thế và không ai tin là tôi đã lấy chồng. Buổi sáng nào chợt thức giấc thấy mình đã thành đàn bà và bên cạnh mình – người đàn ông của những ngày còn là tình nhân thì quá quen thuộc – nhưng của một ngày làm chồng thì lại quá mới mẻ, xa lạ khiến mình nghe bâng khuâng lạc lõng và muốn òa khóc như trẻ thơ. Muốn trở về nằm vùi trong lòng Mẹ kể lể, nhõng nhẽo như hồi còn nhỏ. Không ngờ nổi mình lại có thể làm vợ và người đàn ông mình yêu lại có thể làm chồng. Mới hôm qua còn nhìn nhau bằng ánh mắt mê đắm lẫn lo âu vì không tin mình được ở bên nhau. Buổi sáng thức dậy thấy cuộc sống hai đứa là những gắn bó dài không rời, không dứt. Tôi những lễ nghi phiền toái cũng tròn rồi. Thôi, những kỷ niệm cũng ngù yên. Những dỗi hờn, lo lắng cũng chẳng còn dịp để “hành hạ” nhau nữa. Có nhau tất cả rồi. Chỉ cần mở mắt là thấy người mình yêu kề cận. kề cận cả lúc ăn, lúc uống, lúc ngủ. Ở đâu cũng hiện diện có nhau. Chả hiểu điều đó có thể là lý do để tình yêu biến dần ra tình nghĩa không nữa. Tôi lo lắng điều đó không ít. Tôi chưa ý thức được điều gì cả. Lúc nào cũng nghĩ mình là cô tình nhân thích dỗi hờn hơn là một người vợ phải lo cho gia đình cùng đứa con sắp ra đời. Đứng trang điểm trước gương, tôi nhìn thấy tôi vẫn chỉ là một cô gái, mặc một kiểu áo hợp thời, tôi thấy mình quá trẻ trung không giống một người vợ chút nào. Nhiều lúc tôi thấy Quân buồn vì những trẻ con quá đáng của tôi, tôi lại nghe ấm ức dỗi hờn sao đó. Tuy vậy, những gì Quân không thích tôi đã hoặc cố ý, hoặc vô tình chiều theo ý Quân hết. Cho đến lúc không ngờ tôi đã khám phá ra tôi lệ thuộc chồng quá nhiều. Lệ thuộc từ đời sống đến ý nghĩ, ý thức riêng tư của tôi. Đó là lúc tôi cảm thấy yêu chồng và cần thiết sự hiện diện của chồng bên tôi nhất.
Hưng khuấy đều ly sữa tươi cho tôi một cách tự nhiên và thành thạo. Tôi nghĩ đến ngày bé, chưa bao giờ tôi dám đi chung với Hưng vào quán nước một mình. Lần nào cũng phải hoặc hai ba đứa bạn tôi, hoặc em gái Hưng. Và những cử chỉ vụng về của Hưng khi lau chiếc muỗng nhỏ, rót một ly nước cho tôi đã làm tụi bạn trêu chọc phá phách cho hai vành tai Hưng đỏ bừng đến không nói thành lời. Đó là những kỷ niệm đẹp, chả biết Hưng có nghĩ đến điều đó không?
- Bây giờ Hưng làm gì?
Tôi hỏi, Hưng nhìn tôi chăm chú:
- Vẫn còn đi học.
Tôi kêu lên:
- Trời ơi, sướng quá.
Hưng cười cười:
- Hưng vừa đi học, vừa kèm tư gia cho hai nơi, vất vả lắm.
Tôi nheo mắt:
- Kèm cho các cô Tú nhà giầu, thích quá trời còn than gì nữa.
Hưng nhì tôi ngây ngô:
- Sao Vân biết?
- Ồ, biết chứ.
- Mấy cô gái nhà giầu khó chịu quá, đã học…dốt lại…xấu nữa.
Hưng nói như thế là phân trần với tôi. Tôi cười khúc khích:
- Ừ, ừ Vân có hỏi gì về các cô học trò của Hưng đâu. Tự nhiên sao Hưng khai ra hết vậy?
Mặt Hưng đỏ, ngơ ngác đến buồn cười. Tôi tìm thấy Hưng ở nét mặt của cậu học trò mười sáu tuổi lúc này. Thì ra thời gian vẫn không làm phai đi trí nhớ và những cử chỉ vụn vặt của nhau. Vẫn còn sót lại trong Hưng nét ngờ nghệch của cậu học trò nhỏ trước mặt một người bạn gái. Vẫn để lại trong tôi nét nghịch ngợm hồn nhiên của cô học trò mười bốn tuổi biết mình được để ý đến.
Chúng tôi bước ra khỏi tiệm nước – thành phố đã lên đèn. Giờ này Quân đã về và chắc hẳn mong tôi ghê lắm. Kệ, ai bảo hồi sáng giận nhau Quân bảo từ nay tôi muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, bây giờ tôi đi cho Quân biết tôi đâu phải cứ bám vào Quân mới có thể bước ra phố được nhỉ? Tuy nghĩ vậy tôi vẫn thấy buồn buồn, nóng ruột lạ thường. Chưa bao giờ hai đứa lại cãi nhau một cách vô lý đến thế. Chuyện chả đâu vào đâu cũng cãi vã nhau, to tiếng và nói nặng đến nhau. Quân bảo tôi:
- Em lúc nào cũng chỉ sống như một đứa con nít mà không bao giờ chịu nghĩ mình đã lớn và đã có chồng rồi, hết tuổi lãng mạn rồi.
Câu nói đó của Quân như một tiếng dội lớn trong đầu tôi khiên tôi buồn tuổi vô cớ, khiến tôi nghĩ là Quân hết thương tôi, hết chiều chuộng tôi như những ngày yêu nhau. Cơn tức tối vỡ òa. Tôi la lối và Quân cũng…la lối. Buổi trưa Quân đi làm một mình. Tôi nằm khóc tỉ tê và nắm ngủ một giấc, trở dậy soi gương thấy đôi mắt mình sưng húp xấu xí, tôi lại hí hoáy chườm nước muối, nước nóng lên mắt và sửa soạn, trang điểm thật kỹ đôi mắt cho tan biến nét mệt mỏi gậin hờn đi. Tôi đi phố một mình, hết giận chồng lại thấy thương chồng quắt quay – thương đến bật khóc. Giá có Quân ngay lúc này, tôi đã ôm Quân xin lỗi rồi. Nhưng vắng Quân, căn nhà mênh mông lạnh lẽo quá. Tôi cần Quân. Ở bất cứ trường hợp nào tôi cũng cần Quân. Khi giận nhau. Tôi chán đủ mọi thứ và thời gian sao dài hàng thế kỷ kể từ lúc Quân đi làm cho đến lúc về. Nên tôi đã không muốn ở nhà, tôi sợ một mình và chờ đợi. Tôi muốn đi phố, mua một món gì đó cho Quân và chúng tôi sẽ hết giận nhau.
Hưng ghé vào Khai Trí mua tặng tôi một quyển sách – Hưng thường thế. Ngày nhỏ Hưng cũng đã từng mua sách cho tôi. Phần nhiều sách học và sách đọc của tôi đều do Hưng mua cả. Những quyển sách mà cho đến bây giờ tôi vẫn giữ gìn cẩn thận.
Quyển sách Hưng tặng tôi không đề chữ. Tôi ngạc nhiên hỏi Hưng:
- Sao Hưng không đề tặng Vân?
Hưng lắc đầu:
- Thôi, để nguyên thế cho quyển sách còn đẹp…
Tôi nhìn Hưng lạ lùng, Hưng vẫn thản nhiên, một thản nhiên khiến tôi bâng khuâng, bứt rứt. Tôi trả quyển sách cho Hưng:
- Nếu Hưng không viết gì cả, Vân không nhận.
Hưng kê quyển sách trong lòng bàn tay hí hoáy viết. Tôi hỏi đùa:
- Để xem Hưng viết gì trong này.
Hưng cười:
- Viết về một buổi chiều đẹp và một kỷ niệm đẹp.
Tôi nhận quyển sách trên tay Hưng. Hưng nói:
- Ngày xưa Hưng tặng sách cho một mình Vân, Bây giờ Hưng phải tặng cho cả hai người. Hy vọng là Vân phải thật hạnh phúc.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Từ lúc gặp Hưng đến giờ tôi chưa nói với Hưng về cuộc sống hiện tại cảu tôi và chồng tôi. Thì tại sao Hưng biết được tôi đã có chồng nhỉ? Nhưng khi nhìn đến bàn tay mình với ngón tay đeo nhẫn tôi chợt hiểu. Hưng thật kín đáo và tôi cũng thật lặng lẽ.
Chúng tôi chia tay nhau ở cuối đường sau khi viết cho Hưng một tấm card mang tên vợ chồng tôi cùng địa chỉ và bảo:
- Hôm nào mời Hưng đến nhà chơi. Chồng Vân rất vui mừng tiếp Hưng vì biết Hưng là bạn Vân từ thủa nhỏ.
Hưng cười nhẹ, nhận tấm carte bằng một thoáng bâng khuâng và quay đi. Tôi không đoán nổi Hưng đang buồn hay đang vui – đang thấy tiếc nuối một kỷ niệm đẹp đã vội rời xa hay đang bằng lòng thoải mái vì vừa gặp lại khuôn mặt mình và người con gái mình yêu trong suốt tuổi học trò nhỏ dại bây giờ đã thay đổi tất cả. Mỗi người là một cuộc sống mới khác nhau mà vẫn còn nhớ kỷ niệm của nhau. Kỷ niệm thì bao giờ chẳng đẹp, chẳng đáng yêu, đáng mến nhỉ? Tôi nhìn theo Hưng đi khuất trong đám đông và nghe man mác buồn như kỷ niệm đi theo Hưng cũng vừa tan theo làn sóng người biến mất.
Tôi về đến nhà đã thấy Quân đứng ở cửa. Mặt hầm hầm. Hay cố tình làm ra vẻ hầm hầm cũng thế. Tôi cười thầm trong bụng: “ Em hết giận anh rồi nên nhìn khuôn mặt anh lúc này sao buồn cười đến thế được”. Lướt ngang người Quân tôi lọt vào nhà, bất chợt Quân nắm cánh tay tôi:
- Em đi đâu về?
- Vô duyên chưa, giận nhau ai thèm nói chuyện.
Tôi nói và giả bộ còn giận Quân đi thẳng vào nhà. Quân còn nắm chặt cánh tay tôi, nói như hét:
- Anh hỏi em đi đâu về?
Tôi giật tay ra khỏi tay Quân:
- Ai nói chuyện với anh mà hỏi. Giận nhau chứ bộ.
Có lẽ Quân buồn cười vì câu nói của tôi. Tôi đi nhanh vào nhà. Quân lẽo đẽo đi theo tôi:
- Em đi đâu về đó.
Gớm! sao lại xuống giọng thế, tôi nghĩ và cười thầm nhưng không nói. Tôi dỗi:
- Đi đâu kệ người ta, hồi sáng anh nói từ nay ai muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm cấm hỏi cơ mà.
Quân cười:
- Hồi sáng khác, bây giờ khác.
Tôi nhăn mặt:
- Không khác.
- Khác.
- Ừ, khác kệ anh.
Tôi nói và thay quần áo xong thản nhiên leo lên giường nằm đắp chăn kín đầu. Quân mon men lại ngồi gần tôi, cù tay vào nách cho tôi cười. Tôi tung chăn ngồi dậy và vít đầu Quân xuống. Chúng tôi hôn nhau say đắm. Bao nhiêu giận hờn rồi cũng tan biến theo nụ hôn ấy…