hợ Bái năm ngày một phiên thường, mười ngày một phiên lớn, gọi là phiên chính. Những phiên chợ chính họp suốt từ sáng qua chiều, người ở các miền xa đến mua bán rất đông vui như đám hội. Vậy, đi chơi chợ Bái, còn là một cái thú của gái lịch trai thanh.Cách chợ Bái già nửa ngày đường, về phương Nam, có một cái làng hẻo lánh kia gọi là Lữ Xá. Đất Lữ Xá ném đá giấu tay, thiên hạ vốn vẫn khiếp cái tiếng ấy. Từ xưa, vì lẽ xa xôi, vả lại đò giang cách trở, người Lữ Xá không có đi chợ Bái. Vậy, Lữ với Bái chẳng hề thông thương.Tinh sương hôm hai mươi tháng Hai, ở Lữ Xá, có một người con gái dậy sớm, đốt ngọn đèn còn le lói, sửa lại cái đẫy lụa nặng trịch, ý chừng sắp đi chợ bán hàng.Bà mẹ dậy theo, hỏi luôn, giọng thật là kín đáo:- Hai cái gói ấy, mày đã nhớ kỹ chưa, hở Tý?Tý, ả con gái, khe khẽ trả lời:- Đã, con đã giắt cẩn thận trong người.Bà mẹ, dáng thỏa thuê, lại âu yếm sửa lại cái mép khăn mỏ quạ cho Tý, và nói:- Đi cho may mắn nhé. Ngày xưa, tao cũng phải buôn bán như mày vậy, có gì là vất vả lắm đâu, đừng có ngại.Tý mỉm cười mà đáp:- Con có ngại đâu. Gái kẻ Lữ thì phải thế chứ, u nhỉ. Thôi, con đi đây, muộn lắm rồi.Bà mẹ đưa chân con gái ra khỏi cổng. Tý vác đẫy lụa lên vai, bước nhanh thoăn thoắt. Bà mẹ còn dặn với trước khi đóng cổng lại:- Có đi thì có về.Tý qua mấy ngõ nhỏ để ra đường cái. Một vài kẻ trong làng, đã sắp tuổi nâu sớm, ngó qua liếp cửa thấy bóng Tý, đều đưa lời theo:- Có đi thì có về.Tý chỉ mỉm cườỉ, không ứng tiếng gì cả.Trời dần dần hửng nắng. Xuân ấm như hơi rơm nỏ. A gái tơ, đầy lưng một đẫy lụa, vẫn cắm cúi những bước nhẫn nại của riêng người đồng quê sống kiếp con tằm.Khi đi qua cánh đồng làng bên, Tý nghe thoáng có mấy kẻ nông phu thầm nói với nhau:- Nó mang thuốc mê đấy.- À nhỉ, hôm nay đã được hai mươi tháng Hai rồi. Ta lại sắp được xem hội Lữ Xá. Nhưng chẳng biết ả đi tới đâu?- Kệ, đâu thì đâu. Có điều chẳng ở vùng này. Mà đã không ở vùng này, thì ta thóc mách đến làm gì, kẻo mà vạ miệng.Tý mỉm cười, vẫn chỉ mỉm một nụ cười kiêu ngạo. Ả là người kẻ Lữ. Mà kẻ Lữ vẫn được các làng lân cận ở bên này sông sợ như hùm beo. Không sợ kẻ Lữ, dễ chừng chỉ những người thiên hạ ở bên kia sông trở đi. Song từ bên kia sông trở đi, thì con gái Lữ Xá vẫn coi người thiên hạ như cái đóm, có lửa cháy hẳn hoi, chỉ búng ngón tay cũng đủ tắt.Nghĩa là, Tý lên đường sáng hôm ấy, không phải chỉ mang đi có lụa là thức vốn hiền mà nhũn và ai xé cũng được cả. Vậy, ngoài lụa, còn có một thức gớm ghiếc hơn nữa, là thuốc mê. Trai thiên hạ, dẫu như ngọn lửa mạnh, Tý chỉ búng ngón tay cho thuốc mê xuống, lửa đủ tắt ngấm rồi.Tý sang sông, đi về phương Bắc, rồi lại qua một khúc sông nữa, đi về phía chợ Bái. Tý là người kẻ Lữ độc nhất đi chợ Bái, bạn đường toàn những hạng mới làm quen. Vậy Tý giấu bặt quê quán mình. Á tùy cơ mà nói trạnh ra một cái làng hiền lành có tiếng. Vả, mặt Tý, giọng Tý cũng rất hiền lành. Rồi đến hàng của Tý lại càng hiền lành hơn nữa. Lụa, chỉ có lụa thôi. Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? Lụa đấy, tay ai muốn xé mà chả được, mà nó chả để vên! Nó không phải là của dữ vía. Dữ vía, có chăng tại kẻ mua nó về làm dây thắt cổ. Ông thắt cổ thì ông chết, tại ông!Khi Tý đến chợ, các mái lều đã ngả bóng về đông. Nhưng đi chợ trưa, cũng chẳng hết được khách. Một chút mật thơm, hớ hênh ra, ruồi bu đến từng đàn. Tý là một của lạ, lạc đến đồng đất người, lỏm loi, bé nhỏ, ai người ta thèm sợ!Đã mấy lần, Tý lé mắt nhìn trộm mấy người đàn ông ghé qua hàng ả, giở tung các tấm lụa ra chỉ cốt để chòng ghẹo ả. Nhưng mấy người ấy, đều vào hàng già già, cơ chừng Tý không thích, nên Tý cười cứ nhạt như không.Sau cùng, có một bọn ra dáng phong lưu, tình tứ, mà đều trai trẻ cả, đến hàng Tý, ỡm ờ. Tý thấy ghét nhất một cái mặt nhăn nhở của gã mặc áo đoạn, nhưng ghét bằng giọng cười say đắm, vừa cười vừa nói:- Sao mà ông làm duyên nhiều thế? Chả bù với cái ông kia, đến hàng em cứ đứng lì lì thôi!Cái ông kia, là một gã mặc áo the thâm, cùng đi với bọn thiếu niên đương đứng ám hàng ả Tý; nhưng mọi người đùa cợt bao nhiêu thì gã đó im lặng bấy nhiêu, chỉ thỉnh thoảng nhìn thẳng vào mắt Tý một cái rất chóng, và có cười thì chỉ hơi mỉm miệng.Người áo đoạn nghe nhắc đến gã áo the, mới quay lại, mà làm như vừa sực nhớ ra, bô bô nói:- À, cái thằng hai Giáp này thì biết cái gì, nó đi hầu tôi đấy, cô hàng lụa ạ.Mọi người đều vỗ tay khoái lạc, cho câu nói cợt trên làm thú vị. Duy Giáp đỏ mặt, mà vẫn cố làm ra vẻ thản nhiên.Tý cởi gói trầu, lẳng lặng chọn một miếng đưa lên miệng nhai một điệu ngon lành lắm. Một gã trong bọn thiếu niên nói chòng:- Trầu này têm tối hôm qua hẳn?Tý tức thì dẽ dàng ngâm nga luôn:Trầu này têm tối hôm qua,Giấu bác, giấu mẹ đem ra mời chàng.Gã áo đoạn, thích chí, đon đả:- Nào thế cô hàng mời ai đây?Tý lại nâng gói trầu lên. Gói trầu còn năm miếng, thì bốn miếng màu lá xanh, chỉ có một miếng màu lá vàng. Ả chọn lấy miếng lá vàng, kèm với cau tươi vỏ tía, rồi nói ngọt lịm đi:- Em mời ông chứ còn mời ai nữa, vì chỉ có ông mới mua được lụa của em thôi.Gã áo đoạn cười ngất, toan nhặt lấy khẩu trầu ở trên bàn tay ngón nhỏ muôn muốt. Nhưng đột nhiên, gã áo the đã nhặt xong khẩu trầu trước gã áo đoạn. Mặt Tý bỗng biến đổi trong chớp mắt. Ả kêu lên:- Ông Giáp không được ăn!Đã chậm. Giáp đã cầm gọn, hình như rất chặt, khẩu trầu ở trong nắm tay. Gã bấy giờ mới cười hở hàm răng, mà nói với các bạn, giọng thách thức:- Anh nào dám ăn miếng trầu này?Tý cố len vào một câu:- Em mời ông áo đoạn kia!Một gã trai đọc liến láu:Ăn trầu thì mở trầu ra,Một là thuốc độc, hai là mặn vôi.Giáp thản nhiên nói:- Nếu thuốc độc, thì cô hàng là đồ tồi, còn như mặn vôi, thì nước cốt càng đỏ, chứ sao. Ta ăn đấy!Vừa dứt lời, Giáp bỏ luôn khẩu trầu vào miệng nhai liền. Gã áo đoạn chỉ cười xòa, đứng nhìn chứ không nói được câu gì cả. Hình như gã sợ cả sự im lặng của Giáp, một sự im lặng thách thức rất mạnh, chẳng ai dám tranh giành.Duy Tý không cười nữa, mà cũng chẳng nói gì với Giáp. Ả nhẹ nhàng trách gã áo đoạn:- Thế là tại ông đấy nhá! Trầu của tôi có thuốc mê, mà ông chẳng được ăn, thì ông không mê tôi được, mà cái ông áo the kia kìa, ông ấy lại mê tôi.Khi người ta điên, thì người ta cãi là không điên; khi người ta nói dối, người ta hay bảo là nói thật; vì vậy, khi miếng trầu có thuốc mê mà cô hàng bảo là có thuốc mê, thì không ai tin rằng nó có thuốc mê.Người thứ nhất xua tay là Giáp. Giáp nói:- Ta mà lại mê được cô hàng? Vô lý! Thôi, chào cô. Đấy, anh em có ai mê cô ấy thì ở lại mà mê, ta về đây.Nói đoạn, Giáp lặng lẽ đi khỏi, với nét mặt tự tin ở lòng mình sắt đá lắm. Bọn bạn gã cũng theo chân, bỏ cô hàng tấm [1] ở lại với những khách hàng mới khác.Bóng chiều nhòa dần. Quán chợ từng chiếc một, trống huếch theo nhau. Tý thu dọn lụa, buộc đẫy, xốc lên vai, về chợ. Nhưng ả không về đâu, bằng con đường cái đầy người lũ lượt kia. Ả trọ lại ở ngay phố chợ, và nói chệch ra rằng:- Để mai tiện đường, đi chợ Trẩy.Sự thật, cái hạn chưa được về Lữ Xá của Tý còn lâu. Công việc của ả trong những ngày xuất ngoại chỉ là làm một cô hàng tấm, bất cứ ở chợ nào, vậy ả còn phải ngủ trọ mãi.Lạ nhà, lạ giường, lạ chiếu, người ta khó ngủ. Vậy, Tý trằn trọc mãi. Rồi như không thể câm ở trong lòng, ả lẩm bà lẩm bẩm:- Chẳng may thì nó thế... Chẳng may thì nó thế... Mình có mời hắn đâu.Phải, Tý không có ý mời Giáp ăn khẩu trầu lá màu vàng. Đó là tự Giáp muốn ăn. Giáp ăn khẩu trầu ấy, là Giáp sẽ mê Tý, vì trong lá trầu có bỏ thuốc. Giáp mê Tý, tức là trái lại câu gã đã khảng khái tuyên bố trước mọi người:- Ta mà lại mê được cô hàng? Vô lý!Nhưng trên đường về phủ Thoải, chiều hôm hai mươi tháng Hai, xuân không buồn, sao Giáp thấy ngẩn ngơ? Gã cho là do miếng trầu say. Biết đâu rằng miếng trầu say cũng vì bùa thuốc.Sáng hôm sau, thơ thẩn nhìn cánh đồng bát ngát, Giáp tự dưng như thấy thoáng bóng một người. Gã tức mình, vung tay lên, lẩm bẩm:- Vô lý! Thật là vô lý!Mà vô lý thật. Ở phủ Thoải, còn ai không biết hai Giáp như sao nữa? Hai Giáp là một tay ngang tàng niên thiếu, không ưa thói huyên hoa [2] của bọn phong tình. Gã rất ghét những kẻ nào si dại vì đàn bà. Bởi vậy, ai cùng đi với Giáp mà tỏ sự mê gái ra trước mắt gã, thì thế nào gã cũng tìm cách ngăn cản rất kín đáo. Chẳng hạn như việc ăn tranh miếng trầu, ấy là Giáp muốn khuyên bạn đừng mắc vào cô hàng tấm lả lơi kia. Mọi người đã phải gọi Giáp là một cái cây khô, một ông sư già, hay một phiến bàn thạch.Phiến bàn thạch muốn vỡ, ông sư già đã ngắm bướm, và cái cây khô bỗng nảy chồi. Ấy là Giáp từ sáng hôm hai mươi mốt. Gã có những trạng thái khác thường. Đương ngồi uống trà, gã bỗng nhớ đến một tấm áo người con gái, nhớ khắc khoải, nhớ say sưa, hình như nhớ một tấm áo gã đã mó đến, đã ấp lấy, đã dành để từ lâu mà rồi đánh mất. Đương ngủ, gã bỗng choàng tỉnh, quờ bàn tay, tưởng vương một món tóc ai. Đương đi giữa cánh đồng mông mênh, gã bỗng ngửi thấy một thứ hơi êm thấm lạ lùng, một thứ hơi như mưa, như nắng, lại như là tơ, như là lụa, như là đương ngồi gần cô hàng tấm mời miếng trầu vàng.Than ôi cho Giáp vì Giáp nhớ... cô hàng tấm! Gã giận mình lắm lắm. Nhưng giận mình một nửa thì lại yêu mình gấp hai. Giáp tự thấy mình đáng được cô hàng tấm lắm. Miệng ả cười xinh tệ. Mắt ả nhìn đẹp tệ. Không, ả không xấu như lúc Giáp trông thấy ở chợ đâu. Chẳng tin, thì Giáp cứ thử tìm ả mà xem, xem rằng ả có... đáng yêu không!Thế là Giáp nóng lòng sốt ruột đếm từng buổi đằng đẵng cho tới sáng hôm thứ năm, sau phiên chợ chính. Ấy là phiên chợ thường, thưa vắng lắm. Dù thế, Giáp cũng cứ đi, biết đâu lại chẳng gặp cô hàng tấm?Chợ Bái, phiên thường, ít có hàng tơ lụa. Nhưng phiên chợ ngày hăm nhăm, Tý cũng cứ mang đẫy hàng tấm đến, ngồi ở cái lều cũ, chờ Giáp. Vì ả biết chắc rằng thế nào Giáp cũng phải mò đến, thuốc mê đã ngấm rồi.Giáp đến có một mình, lủi thủi như con cò bợ, những bạn bè hôm nọ đều đâu mất cả. Có lẽ gã cất lẻn đi một mình, để làm cái việc chỉ có một mình mình hay. Vậy, Tý mỉm cười, ngước mắt đá đưa mà hỏi:- Kìa ông, các ông bữa nọ đâu rồi mà ông đi lẻ loi thế này, có buồn không?Giáp trả lời luôn, hữu ý:- Buồn lắm, cô hàng ạ. Gớm, miếng trầu của cô, thế mà say.Tý mừng rằng mình đã thành công được bước đầu. Nhưng ả thở dài một cách kín đáo. Ả nói:- Thì tôi đã bảo trầu tôi têm lẫn thuốc mê, ông lai cứ không nghe. Thì mặc ông. Ông chết, chớ có oán tôi đấy nhé.Giáp vô tình đáp:- Chết thế nào được! Mà giả dụ tôi yêu cô, đến chết một đời, tôi cũng không hề ta thán. Người ta chỉ sợ không gặp được ai mắt xanh để mà yêu thôi.Tý nhìn thẳng mắt Giáp, vừa đắm đuối, vừa não nùng, vừa thương tiếc. Ả nói:- Gớm, chúng em quê mùa, đâu có hiểu được những lời nói xa xôi của “ngài”. Ngài yêu gì đến cái thứ em kia chứ!Tý càng nói, giọng càng đằm thắm, hay như những vần thơ. Giáp càng nghe, càng như đi xa mãi ra ngoài bể khơi, đôi tiếng nhạn kêu mùa thu xanh, diễm tình bát ngát.Hai người đi chầm chậm qua những cánh đồng dài. Trên gương mặt người thôn nữ lạ lùng kia những bóng vết buồn vui không nhất định, khi điềm đạm, khi sắc mắc, khi phận gái chữ tòng, khi nhất tiếu khuynh nhân quốc.Giáp cũng có tâm trạng khác thường, lúc thì gã run lên vì một câu nói của người đẹp, lúc thì gã lạnh như băng. Nhưng tơ đứt rồi tơ lại vương, con nhện còn nhả dãi.Giáp đã được biết rằng Tý không còn cha mẹ. Á không muốn nhờ vả họ hàng, nên lìa quê xuất ngoại để tự buôn xuôi bán ngược kiếm ăn. Gái quê như vậy lạ thường, song thật là một tấm gương can đảm, giá Giáp là phận gái, thì cũng nên soi vào gương ấy. Giáp lại là đàn ông. Đàn ông tất nhiên phục đàn bà can đảm, nghiêng đầu mà đón. Và theo lễ, phải mời về làm bạn tề gia.Vậy, Giáp khẩn khoản được dùng lễ để rước người thục nữ hảo cầu.Người thục nữ không phản đối, nhưng bảo:- Hãy gượm!Lệ làng Tý như thế này: “Gái kẻ Lữ phải làm cho thiên hạ yêu, nhưng không được mất tiết trinh vì đàn ông thiên hạ”.Vả, “có đi thì có về”, đó là một mật lệnh uy nghiêm truyền cho gái kẻ Lữ không biết bao nhiêu đời kiếp. Trái với câu dặn đó, không hiểu sẽ ra làm sao, vì đã bao nhiêu đời kiếp, chưa từng có nghe thấy chuyện một người con gái kẻ Lữ ra đi mà chẳng trở về.Vậy, muốn giữ riết lấy một người đàn ông đã cúi đầu trước sắc đẹp, giữ bằng một mối tình càng ngày càng phải thiết tha, điên dại mà không phải tính đến sự phối hợp, thì Tý nói:- Hãy gượm!Giáp cũng bằng lòng.Từ đấy, cứ năm ngày một phiên chợ Bái họp, là hai người lại gặp nhau. Nhưng chẳng có sự sung sướng nào không tạo ra bằng ít nhiều đau khổ. Cái kén có luộc, mới kéo ra tơ. Sợi đay không tước, sao dệt thành vải. Muốn cưới một cô hàng tấm, nhất là cô hàng tấm tên là Tý, thì Giáp không thể chỉ đem tiền ra là được. Việc đời khó hơn thế nhiều. Vả, gái kẻ Lữ phải nhớ mà làm cho kẻ yêu mình chịu hết thảy những điều đau khổ.Cái tâm niệm ấy, Tý đã phải học trước khi ra đi. “Em chỉ có một mình”, đó là lời Tý dối người, và cũng là dối ngay chính ả nữa. Sự thật, vẫn có một sợi dây vô hình nó trói buộc cô hàng tấm với những lệ làng hầu như thiêng liêng, những khoán ước đời đời không tháo được. Trong thời kỳ xuất ngoại, dù có đi xa đến nghìn dặm đường chăng nữa, người con gái vẫn chỉ là một “hình nhân múa rối” bị sai khiến bởi quyền phép Lữ Xá mà thôi. Tý têm thuốc mê vào miếng trầu, cũng do lệ làng; Tý làm cho trai ngoại say ả, cũng do lệ làng; Tý khiến người yêu ả đau khổ, cũng do lệ làng nốt. Tý không nỡ ư? Phải thẳng tay! Chẳng có một trường hợp nào có thể tha thứ cho người con gái làm sai lệ làng được. Tý đành hành động như một người mù quáng.Vậy, đến ngày thứ mười của cuộc xuất ngoại, Tý không thể chung tình với Giáp nữa. Sự ngẫu nhiên đã đưa dắt người thiếu niên ấy vào trong phép bàn tay của gái kẻ Lữ, thì người ấy phải chịu tất cả những cái gì mà dân kẻ Lữ đã định cho. Kẻ Lữ định rằng: “Ít nhất, cũng phải có hai người đàn ông đánh nhau vì mối tình ấy, và hai người bạn thân sinh thù nhau vì mối tình ấy, và kẻ thắng sẽ khóc”.Phiên chợ Bái ngày ba mươi tháng Hai, Giáp lại cất lẻn đi một mình, không đánh bạn với một đàn ông nào cả.Nhưng những trai phủ Thoải, trong tiết xuân, cỏ thơm mơn mởn, nắng sáng hây hây, không thể không đi chơi chợ. Chợ Bái vui như hội, và chỉ có chợ Bái vui nhất vùng, chỉ có chợ Bái mới họp được nhiều các cô hàng kén chồng bằng lưng vốn và bằng sắc đẹp.Người thiếu niên thứ nhất đến hàng Tý trước, lại không là Giáp. Ấy là gã áo đoạn, dắt theo mấy tên bạn nháo nháo nhâng nhâng.Họ xúm quanh Tý để đùa ghẹo, và riêng lòng ai cũng tấp tểnh được gửi vào lòng cô hàng, được mắt xanh của cô hàng biệt đãi, được một lời hò hẹn của cô hàng, được có một mối tình.Tý đã rắp tâm gây ra cuộc bất hòa giữa những người đàn ông như đàn ruồi bu lại dĩa mật. Vậy, ả cười đon đả, lấy những câu chuyện đằm thắm ỡm ờ để lưu bọn ấy lại cho tới khi Giáp đến.Và Giáp đã đến. Nhưng nét mặt gã đương hí hửng bỗng đổi ra xám ngắt. Gã vừa thoáng thấy Tý buông thả giọng nói điệu cười như một gái lẳng lơ nhất đời. Mà buông thả với ai? Rặt đàn ông phủ Thoải cả.Giáp không phải là một kẻ có máu điên hồng hộc. Gã nắm hai bàn tay lại, cố giữ sát khí không lộ, rồi cứ lẳng lặng mà tiến đến gần. Ấy là một thứ ghen dè dặt. Gã không hỏi cô hàng tấm, cũng không hỏi gì bè bạn cả. Gã đứng nghênh ngang ở trước mắt Tý lẫn trước mắt những kẻ đàn ông mà gã đã hơi mệnh danh cho là tình địch.Tý khoan thai cúi xuống và làm ra bộ thản nhiên. Ả nhìn đất. Đất có tình hay không, chẳng cần biết, nhưng biết chắc chắn là đất không có cám dỗ đàn bà ngoại tình. Và, người con gái nhìn xuống đất là người con gái đoan trang, khi ở nhà thì kính cha, khi xuất giá thì sợ chồng. Còn ở địa vị Tý, mà nhìn xuống đất, là sợ người yêu vậy.Gã áo đoạn, hỏi Giáp:- Anh cũng đến đây à?Giáp lạnh lùng chắp tay ra đằng sau, không đáp. Gã nhìn thẳng vào trán Tý, xem Tý có ngửng đầu trông lên chăng.Nhưng, đàn bà có những cái liếc thần tình lắm, những cái liếc chỉ trừ một kẻ được nhận là nhận thấy, ngoài ra dù một ông chồng chú ý rình vợ cũng không thể nào biết được.Cái liếc ấy đánh vào mắt người đã được chọn sẵn. Vậy, Vị, anh chàng điển trai nhất trong bọn gã áo đoạn, đã bị cái liếc rất nhanh của Tý gọi ngầm và bảo ngầm như thế này:- Em sẽ thuộc về anh.Tức khắc, Vị tin chắc là chỉ mình mới có quyền bắt được người con gái nhìn xuống đất hay là ngước lên trời. Tý nhìn xuống đất đã lâu. Vị cần ả ngước lên trời, theo tiếng gọi của gã, để cho mọi người cùng biết hiển nhiên rằng “Tý đã thuộc về Vị rồi”.- Kìa, cô hàng, có người muốn mua lụa, sao cô lại cứ cúi nhìn mặt đất mãi thế. Hay đó là triệu chứng báo rằng cái kẻ mua lụa của cô là để đem về thắt cổ. Thắt cổ treo người lên xà nhà thì mặt gục xuống nhìn đất mà lại. Hà hà hà hà hà. Vì cô, mà anh em tôi đây sẽ có người thắt cổ đấy, cô ạ.Vị nói xong, đứng khoành hai cánh tay ra, nom có vẻ hùng dũng lắm.Bấy giờ Tý mới nhẹ nhàng ngước trỏng lên, nhìn thoáng qua Giáp một cái buồn rầu, rồi hỏi:- Thưa ông, chẳng hay ai mà lại chán đời sớm thế vậy, hả ông?Vị trỏ luôn vào Giáp:- Cái ông này đấy ạ, nguyên do là lúc ông ấy tới đây, ông ấy thực tỏ ra là một kẻ chán đời lắm lắm. Nhưng cô đừng bán lụa cho ông ấy đấy nhé. Chúng tôi lo số tiền phúng viếng lắm, cô ạ.Cả bọn lấy làm sướng khoái về những câu chọc tức ấy, vỗ tay mà cười.Giáp đi hai bước đến sát Vị, nhìn gã một cái, đoạn bảo:- Chúng ta không nên chế giễu nhau ở trước một người đàn bà.Vị ương ngạnh:- Tôi thích thế ở trước một người đàn bà, thì anh bảo sao?Giáp cười nửa miệng:- Chốc nữa, ở dọc đường về, tôi sẽ nói cái việc tôi làm để trả lời anh.Người áo đoạn hất hàm mà hỏi Giáp:- Nghĩa là?Vị dang hai cánh tay ra, như gạt tất cả mọi người một cách kiêu ngạo, rồi đường hoàng nói như là ông tướng:- Ai muốn nói gì thì nói, cô hàng cũng không dám cười một tiếng. Là vì, tôi cấm cô hàng cười. Vả, tôi có thể bảo cô hàng phải kính trọng cả cái người bạn mà tôi chế giễu kia mà, hỡi anh em, anh em cứ tin ở tôi đây.À, thì ra giả dụ Tý có kính trọng Giáp mà nhìn xuống đất, cũng chẳng qua là do cái hảo ý đối với bạn của Vị đã truyền cho Tý đấy thôi, chứ không phải là vì Tý đã yêu Giáp. À, thì ra chính Vị mới thật là người tình bậc nhất của Tý, Vị mới thật là người nói gì Tý cũng phải nghe. À, thì ra như thế. Song như thế thì không thể được. Giáp tức điên ruột lên rồi. Việc đời, buồn thay, không phải chỉ có một chiều thẳng ruột ngựa, không phải chỉ có một người đàn ông gọi là tri kỷ, và không phải chỉ có một người con gái chung thủy thôi! Vĩệc đời, giận chết đi được, lại có những đường ngoắt ngoéo, lại có hai người đàn ông, lại có cả những người con gái lá mặt lá trái nữa.Giáp bèn nghiêm giọng mà bảo Vị:- Tôi tưởng rằng nên đi chỗ khác.Vị cười bướng bỉnh:- Tôi nghĩ rằng riêng tôi nên ở lại đây.Giáp thản nhiên nói:- Nhớ rằng chỉ có một con đường về phủ Thoải, và tôi về trước hay anh về sau đều qua con đường ấy cả.Vị vỗ hai cánh tay bắp thịt chắc nịch, giọng tự phụ:- Và kẻ nào đều sẽ về phủ Thoải cả, không ai đi biệt mất đâu.Tý vờ ngơ ngác và nói bằng một giọng mà Giáp nghe ra là sợ hãi:- Chết chửa! Hẹn nhau thế để làm gì? Gớm các ông bí mật quá.Giáp vội mỉm cười cho bớt tím mặt đi:- Không, đây chúng tôi là bạn thân với nhau, hẹn cùng về một lúc vì cùng đi một con đường.Nói xong, Giáp thênh thang bước ra xa, và đi khỏi, không thèm nhìn trở lại.Gã áo đoạn bình phẩm:- Thằng cha ấy lúc nào cũng lầm lầm, ghét lạ.Tý xoay chiến lược:- Ông chả nên nói xấu bạn khi ông ấy vừa đi khỏi.Gã áo đoạn đỏ mặt lên, vội chữa:- Không, chúng tôi là bạn thân của nhau, nói thế chứ nói nữa, cũng vẫn là chuyện đùa, chẳng hề gì cả.Vị nặng tiếng mà hỏi Tý:- Tại sao cô lại bênh nó?Tý cười đáp:- Tại ông ấy hiền lành để cho các ông bắt nạt tợn. Đàn bà chúng tôi bao giờ cũng thích người hiền lành.Vị nhìn thẳng vào Tý mà nói:- Thằng ấy mà hiền lành, chết chửa! Nó gan ăn người đấy, cô ạ. Nghĩa là nó thâm như cái áo the thâm của nó vậy.Tý bật cười khanh khách:- Vâng, áo the nhũn mà quý. Em chỉ thích lấy một ông chồng mặc áo the thôi.Vị lại mặc áo nhiễu mềm, lót màu hồ thủy. Gã hờn oán những cái áo the thâm, gã hờn oán vẻ bí mật của Giáp, gã hờn oán người con gái khó hiểu ở đời.Vừa bấy giờ, có mấy bà lão nhà quê tạt vào hàng Tý xem lụa, giở hết tấm này sang tấm khác. Tý chau đôi mày lá trúc lại, khẽ gắt lên với bọn Vị:- Gớm, những cái ông này, cứ ám mãi. Các ông có vui lòng sang quán khác cho, để tôi còn bán hàng chứ. Đất có chút xíu, mà len bao nhiêu là người.Một bà già vô tình vui miệng nói thêm vào:- Các ông tạm rời ra kia, cho chúng tôi mượn chỗ tí đã, lát nữa các ông lại đến, cô ấy chưa về đâu.Tý vẫn nguây nguẩy:- Các ông ấy có thèm mua hàng của cháu đâu ạ, các ông ấy chỉ vớ vẩn; nói thì bảo ác, không nói thì các cụ lại cười cho.Gã áo đoạn vội ra hiệu cho các bạn lảng ra nơi khác. Vị tấm tức bảo:- Lại chỉ cái thằng Giáp đây. Chốc nữa xem, chơi thế thì ức thật.Một kẻ nói:- Cứ như đệ thấy, thì cô ả có vẻ xiêu về huynh nhiều hơn là về Giáp. Huynh chưa nên thất vọng.Vị cười gằn:- Sao lại thất vọng được! Nhưng phải triệt cái thằng Giáp đi, chứ cứ để nó đâm ngang chầy củ vào, chướng mắt lắm.Trên đường về phủ Thoải, cỏ xanh ngan ngát. Cây mùa xuân chim vàng tí tót với những nhánh lá non mới nẩy. Đôi chút ánh hoàng hôn nghiêng chảy ở lưng đồi. Giáp ngồi nghỉ ở giữa quãng đường dài mà vắng, khuất rặng găng xum xoe thành bụi.Bọn Vị đi ngang qua.Giáp đứng lên, hai tay khoanh trước ngực, mặt nhìn vào bóng cành chi chít. Gã đón Vị và hỏi:- Anh nhớ đường đấy nhỉ.Vị không ngạc nhiên lắm. Gã cười sang sảng:- Thì chỉ có một con đường, cả hai người đều phải đi qua. Tuy nhiên, trước hay sau, chẳng kể làm gì. Người ta chỉ kể kẻ nào còn đi qua con đường này nhiều lần nữa.Giáp vẫn đứng không nhúc nhích:- Vậy là anh hay là tôi?Vị ngông nghênh:- Tôi, giời cho, hơn anh nhiều thứ. Vậy chắc là tôi.Giáp nhìn lên buổi chiều bàng bạc, thủng thẳng nói như kể lại một câu chuyện cũ:- Tôi, giời cho, kém anh nhiều thứ. Nhưng đi đường dài, thì anh chóng mỏi chân trước; ở gần lửa, thì anh chóng nóng mặt trước; và bất hòa với ai thì anh hay đánh người ta trước. Vì ba điều ấv, anh là người tự mình không có một vài cái hơn tôi. Vậy, tôi sẽ làm cho tôi thắng ở trên con đường này.Gã áo đoạn len vào, hỏi Giáp:- Xưa nay, anh không hay nói. Bây giờ anh đầm ra nói nhiều, thành là thằng nói khoác.Giáp lùi vào trong một bước và bảo:-Tôi xin chuộc cái tội nói khoác bằng một bước lùi, nghĩa là đất của tôi còn hẹp lắm, nếu anh Vị đá tôi một cái, mà tôi ngã, thì đầu tôi sẽ ngâm xuống lạch.Từ chỗ chân Giáp đứng, đo ra phía sau đến mép lạch, không dài hơn một sải tay.Vị cau mặt, hỏi:- Vậy bây giờ anh muốn gì?Giáp lắc đầu:- Tôi chả muốn gì với nét mặt khó chịu của anh cả. Ở đây, có một người cố giữ tư cách bàng quan hơn cả, là Thái. Vậy anh Thái cho tôi hỏi: Vị với tôi là thế nào?Thái là người già nhất bọn, lúc ấy được hỏi đến, vội nói:- Vị với anh là bạn từ thuở nhỏ.- Thế cái tình của Vị từ trước đãi tôi vào hạng chí thân, có đáng ngờ không?- Không đáng ngờ.- Thế cái tình của tôi từ trước đãi Vị vào hạng chí thiết, cũng có đáng ngờ không?- Không đáng ngờ.Giáp nói với Vị:- Không lẽ chỉ trong một buổi chiều mà chúng ta lại bị tổn thương về tình bạn đã hơn mười năm giời nay? Mà bị tổn thương chỉ vì một người con gái, càng nhục hơn nữa. Vậy, anh đừng đi chợ Bái nữa.Vị quắc mắt hỏi:- Mà anh thì vẫn đi?Giáp thản nhiên giảng giải:- Vì lẽ cô hàng tấm đã thuộc về cánh tay tôi trước anh.- Có thật không?- Thật! Mà tôi, thì tôi chắc yêu cô ta hơn anh yêu cô ta nhiều.- Có thật không?- Thật! Và cô ta sẽ không có một đường nào nữa để mà chạy đến anh. Và lối về nhà cô ta ngoài tôi, không ai biết và cũng chẳng có ai đi tới được.- Thật như thế cả đấy, phải không, Giáp?Vị sừng sộ hỏi thật to. Nhưng Giáp vẫn lạnh lùng khoanh hai tay, chậm chạp bảo:- Thật như thế cả. Vậy, tốt hơn hết, lại vẹn cả đôi đường, là anh đừng đến chợ Bái nữa.Vị hét lên:- Ta cứ đến. Con hàng tấm sẽ ở trong tay ta, đừng có đứa nào bén mảng đến mà toi mạng.Giáp cười, lúc ấy Giáp mới nhếch mép cười, để nói dằn từng tiếng một:- Mỗi người đàn bà chỉ có một người đàn ông. Nếu có người đàn ông thứ hai thì người thứ hai là kẻ cướp, phải đánh.Vị tiến lên một bước như bước cọp:- Mày thách tao nhiều lần rồi...Nhưng Giáp ngắt lời:- Tôi đã bảo rằng anh có một điều kém tôi, là thích đánh trước. Thì ra bây giờ anh quyết đánh để thắng phải không? Anh là kẻ cướp, tôi phải đánh. Nhưng anh lại là bạn thân thiết của tôi, vậy tôi không đánh anh. Hỡi anh Vị của tôi, cái giao tình mười năm, chớ vì một buổi chiều xuân mà làm cho tan tác!Vị thở ra, buông rời đôi nắm tay chặt:- Ta cũng không lẽ vì một đứa con gái mà đánh bạn!Mọi người đều can ngăn và hòa giải.Giáp bước ra giữa đường, nhập với bọn Vị, và vẫn nói riêng cùng Vị:- Tôi khẩn khoản xin anh thôi cái việc đi chợ Bái, thêm một lần này nữa, để cho vẹn cái tình ta, và để trên đường về phủ, ta vẫn còn cùng nhau hòa hảo bước.Vị mím môi nhìn lạch nước bên đường. Lạch nước không có gì an ủi được gã. Nước dù chảy, không có nghĩa là quên đi.Một cái xe ngựa nhong nhong đi về phủ; trên xe, một người đàn ông rầu ba chòm đen nhánh ngồi cầm cương; phía sau, ghế ngồi không có ai. Cái xe dù chạy qua, như dòng nước chảy, vẫn không có nghĩa là quên đi.Vị bèn quay bảo Giáp:- Không thể cùng đi một đường nữa. Không thể có hai người, từ chiều nay. Phải là tôi, chứ chẳng là anh.Rồi Vị chạy vút lên, gọi người dong xe:- Ông Tú, cho tôi đáp với.Nói vừa dứt, Vị đã bíu được gọng sau xe, nhảy lên ngồi gọn lỏn ở ghế trống.Thái, người nhiều tuổi hơn hết trong bọn, thở dài mà nói rằng:- Từ đây, thiên hạ thêm một việc thù của hai kẻ mười năm kết nghĩa.Giáp buồn rầu hứa:- Tôi sẽ xin cố tránh.Thái bỗng trở thành cương quyết:- Tôi muốn, chiều nay về phủ, đặt một bữa rượu, gọi Vị đến, rồi đông đủ bọn ta, tôi xin làm minh chủ để anh em cùng thề rằng từ nay đừng ai bén mảng đến chợ Bái nữa.Mọi người đều hoan nghênh:- Phải như thế, chứ trong bọn ta mà lại để xảy ra chuyện tranh giành xâu xé nhau giữa Giáp và Vị, thì thật là một trò cười cho thiên hạ.- Nhất là nguyên nhân chỉ tại một con hàng tấm cũng chẳng lấy gì làm tài sắc ở vùng này.- Anh Giáp nghĩ sao?Giáp hơi nghiêng đầu xuống, nhìn những vệt bánh xe hằn trên đường cát đỏ, mà đáp:- Đành như thế.Từ bấy giờ, Giáp không nói thêm gì nữa. Gã lẳng lặng vừa đi vừa nhìn những vệt bánh xe hằn trên đường cát đỏ. Những vệt xe ấy xuôi về phủ Thoải, nhưng nếu ngược lên, biết đâu những vệt bánh xe ấy không kéo dài cả đến nơi Tý, đêm nay, ngủ một mình nhưng lại mơ giấc mơ có hai chàng trai lạ.Than ôi, khi lòng ta không có nỗi ghen tuông bứt rứt, thì thật đời ta chẳng còn gì! Khi lòng ta đã sạch quang những vết xe qua của cuộc phiêu lưu tình ái, thì đời ta chẳng còn đâu một mảnh trời xanh bóng mấy tiếng nhạn, thì đời ta chỉ trơ khối đất vô tri, thì đời ta... không biết đàn bà là gì cả.Không! Không thể như thế được! Giáp có biết một người con gái tên là Tý, một người con gái không thể ghét ở đời.Mà Tý vẫn đợi gã ở nơi mà gã đã biết, hẳn thế.Chú thích:[1] Hàng tấm: hàng bán vải lụa.[2] Huyên hoa: huyên thuyên, ba hoa.