Phần I

     rên đường dài ta thu dần khoảng cách
Rút thời gian cho những khách ngược xuôi.

 

Sau bảy năm tù gần chết về tội làm quan. Ông được Cách Mạng khoan hồng cho về để địa phương tiếp tục giáo dục để mau chóng trở thành con người mới, con người XHCN. Trong thời gian 6 tháng bị quản chế, ông làm “nhà báo” rất âm thầm.
Một hôm, “đột xuất” được giấy mời của Công an kêu sáng mai đúng 8 giờ lên Phường “làm việc” với lý do cho biết sau. Suốt đêm, nằm trằn trọc nhắm mắt để đó, bao nhiêu ý nghĩ hắc ám quanh quẩn trong đầu nhưng ông không tài nào đoán ra lý do Công an cho gọi. Sáng hôm sau, tiếng gà đầu xóm vang lên ông bật dậy bắc ghế ra sân ngồi trầm ngâm bên điếu cầy và ngọn đèn dầu loe loét, kéo một hơi thuốc tiếng nước réo rắt phập phồng. Thả làn khói bạc phếch vào trong khoảng trời còn mờ sương ông càng lo âu chưa biết chuyện gì sắp xảy đến cho mình. Hay là bỏ trốn!
Chỉ nghĩ thôi người ông đã run lên!.
Một làn gíó hắt ngang làm ông rùng mình, hết nhìn ra đường xem có ai thấy mình đang “nghĩ ” không, lại nhìn vào cái đồng hồ hai cửa sổ không người lái trên tay, mới có 6 giờ.
Còn hai tiếng nữa.
Thời gian như dừng trôi.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Đúng 7 giờ, ông đã có mặt tại Công an dù giấy mời ghi là 8 giờ. Ông trình giấy cho anh Công an trực, rồi ngồi chờ đến 9 giờ sáng thì cán bộ Công An Chấp Pháp mới đến. Ngay vừa khi chạm mặt anh Chấp Pháp, nhìn cặp mắt lươn ti hí của cán bộ anh lo lo, nhưng may sao Cán bộ nở nụ cười khoe hàm răng vàng khè tươi tỉnh. Một tia nắng ban mai vàng ấm soi vào cơ quan khiến mọi âu lo trong người ông tan biến khi ông “phát hiện” thái độ vui vẻ ân cần bất chợt của anh Công an Chấp Pháp điều hiếm có trước đây những lần ông lên Phường trình diện. Cán Bộ chỉ tay vào ghế mời ông ngồi và bắt đầu lấy trong cặp táp ra một xấp giấy tờ đặt lên bàn làm việc. Bằng động tác nhanh nhẹn bắt chước Cán Bộ, và đúng tác phong con người mới, ông ngồi co chân lên ghế. Thỉnh thoảng đưa tay ngoáy lỗ mũi sau những câu trả lời …vốn người hiền lành dễ bảo, luôn chấp hành tốt mọi quy định của địa phương và kết quả sau 6 tháng ông được Cán Bộ tuyên bố xả chế.
Điều kiện Phường quy định sau khi xả chế ông được phép tạm trú 6 tháng để tìm việc làm, và muốn xin thường trú muốn có hộ khẩu tại địa phương, phải là công nhân viên nhà nước, nếu không thì ông bị buộc làm đơn xin tình nguyện đi kinh tế mới. Ông ôm nỗi lo này ngày ngày đi lang thang xin việc nhưng lý lịch xấu, không hộ khẩu nên không cơ quan nào nhận.
Ông nghe nói: Có việc Công an mới cấp hộ khẩu thường trú. Lên cơ quan xin việc lại đòi có hộ khẩu … Ông không biết bây giờ ông phải làm gì trước …
Ngày vào tù đâu ai có hộ khẩu mà vẫn được thường trú, đâu ai cần xin việc làm cũng được việc làm tìm đến tận chỗ nằm. Bây giờ, ông là một công dân của chế độ, chẳng lẽ đời sống còn khổ hơn thằng tù của chế độ hay sao? Biết thế cứ trong tù lại sướng vì chẳng phải lo gì cả vì có nhà nước lo …
Sau dò hỏi nhân dân, ông được biết đây chính là lề lối làm việc đầy thông minh sáng tạo của chế độ mới, và phong cách điều hành tổ chức này mới nói lên được tính ưu việt của chế độ XHCN: Ông cần phải học tập nơi quần chúng để nắm vững đường lối lãnh đạo của Đảng. Nhờ thế, ông hiểu được: Muốn có trong tay tờ “Giấy Chứng Nhận: Cán Bộ, Công Nhân Viên” còn dễ tìm hơn …cháo. Chỉ cần bỏ ra một chầu nhậu bia hơi, lẩu móng bò và gói thuốc Ba số với bất cứ anh Thủ Trưởng của bất cứ cơ quan nào trong thành phố là có ngay. Bởi lẽ dưới chế độ bao cấp, thủ trưởng nào khá là nhờ con dấu.
Tùy giá trị mỗi loại giấy tờ mà giá cả cao thấp khác nhau. Mọi giây tờ chứng nhận dưới chế độ XHCN: Hộ Khẩu, Hôn Thú, Khai sinh, Bằng cấp, Thẻ Đảng, Gia đình vẻ vang … có tiền là có tất cả. Một chân lý ai cũng biết, Hồng hơn chuyên; đôi lúc văn bằng học vị thật, và người có tài năng thật nhưng lại không được dùng … Mang mặc cảm người tù chế độ, như chim bị đạn, đời sống ông luôn bị khủng bố. Hễ ông thấy ai đi ngang nhà liếc xéo vào là trái tim ông đổi nhịp đập thùng thùng. Ông tưởng đang bị an ninh cho người theo dõi. Ông vốn không hèn, nhưng được “cải tạo” sống dưới chế độ cs phải làm vẻ, giả bộ hèn và rồi nay ông hèn thật lúc nào ngay chính ông cũng không biết!. Do đó, ông nào dám nghĩ chuyện hối lộ mánh mung Cán Bộ. Đi xài giấy tờ giả để qua mặt Công an!
Có người chỉ mánh cho ông là hàng tháng cứ việc cà phê cà pháo cho Công an địa phương là xong ngay chứ khó gì. Địa phương xem thế mà lại có quyền hơn Trung ương:”Phép vua thua lệ làng!” Ông nghe thoáng, vội vàng khua tay lắc đầu không không. Rồi tự nhủ: Công an “Nó” tưởng mình ngu nên gài người thử mình xem đã thực sự cải tạo tiến bộ chưa …!” Lừa ai chứ lừa ta sao nổi ha … ha…ha…ông cả cười thích chí và tự phục lăn sau khi tự nhủ dù sau nhiều năm tù mình vẫn chưa lú lẩn như mấy ông già. Tinh thần vẫn cảnh giác vẫn sáng suốt trước mọi mưu kế của Công an …

 

Từ đó hễ ai chỉ vẽ cho ông điều gì trái với pháp luật ông đều nghĩ Công an cho người gài để bắt ông. Nhờ đó ông nức tiếng là một công dân gương mẫu của địa phương. Trong một lần họp tổ dân phố, có người đề nghị biểu dương ông trong danh sách “người tốt việc tốt ” của Phường. Ai cũng quý mến ông nhưng chỉ riêng Công an khu vực nhìn ông với cặp mắt không mấy thiện cảm làm ông đâm lo …
Thời gian tạm trú sắp hết, may mắn thay bỗng ông được một bà cửa hàng trưởng, người trong xóm, vốn trước đây nằm vùng biết ông nguời hiền lành đã ngỏ ý giúp đỡ nhận ông vào làm “Cửa hàng chất đốt Thanh Niên” nhưng chẳng có việc gì giao cho ông. Chỉ có tên ông nằm trong danh sách là nhân viên cửa hàng cho bà. Cửa hàng trưởng tháng tháng thay ông lãnh lương và nhu yếu phẩm gạo đường v.v…do trên phân phối xuống cho các cán bộ, nhân viên cửa hàng. Phần ông được cầm trong tay lá bùa hộ mạng là giấy chứng nhận Công Nhân Viên của nhà nước, nhưng ông không được lãnh lương không được cấp phát tiêu chuẩn nhu yếu phẩm. Điều này không can hệ gì, miễn sao ông có giấy chứng nhận là nhân viên chính thức của “cửa hàng” là đủ, không còn lo bị đuổi ra khỏi thành phố, bị đi kinh tế mới. Hai bên đều có lợi. Trước tin vui này ông mừng hơn ngày vợ ông gật đầu khi ông ngỏ ý xin cưới. Ngày địa phương chấp nhận ông ở lại Thành phố đồng thời chính là ngày nghề làm ” nhà báo ” của ông bị đình chỉ. Trong nhà đã hết sạch tiền!. Nhìn quanh đồ đạc quần áo không còn cái nào đáng giá đem bán. Khổ nhất! Vợ ông, sau nhiều năm thân cò lặn lội buôn chuyến lao lực lấy tiền nuôi chồng tù đến nay đã hoàn toàn kiệt sức buồn rũ ngã bệnh không ăn không thuốc, vì mới đây hàng hoá vừa bị Công an kinh tế tịch thu làm hết sạch vốn liếng nợ nần chồng chất đang nằm rũ rượi trên giường trên người chỉ còn da bọc xương. Ông bối rối ngồi bó gối khoanh tay nhìn nhà cửa, nhìn vợ con trước một tương lai đen tối không có một hy vọng dù mong manh …
Bây giờ cả nhà chỉ còn trông vào đồng tiền ít ỏi lương công nhật của đứa con gái lớn mới lên 10, đã phải bỏ học đi vấn thuốc lá cho một nhà sản xuất lậu thuốc “dzỏm” trong xóm để sông đắp đổi qua ngày. Thằng út 8 tuổi sáng nào cũng thèm thuồng đủ thứ, nó cứ ngồi tựa cửa khóc thút thít khi thấy bà hàng xôi, hàng bún gánh rao lanh lảnh ngang nhà. Nó ra đời mới đầy tháng đã không thấy mặt bô”. Và khi ông được về nó vẫn nhìn ông ngỡ ngàng xa lạ chưa nhận ra bố nên niềm vui của nó chỉ quanh quẩn bên mẹ mè nheo vòi ăn. Thế mà giờ này mẹ nó nằm liệt giường trong lúc nó đang đói. Những lúc bất chợt ông bắt gặp cảnh vợ ông cố gượng ngồi dậy lại phải nằm ngay xuống nước mắt trào ra lúc con đòi ăn cơm mà nhà hết gạo, ông không có can đảm nhìn lâu, lẩn ra ngoài tìm điếu cầy làm một bị thuốc lào kéo một hơi mạnh nhả khói rồi nằm bệt ra sàn nhà nghe lòng dâng dần tê tái. Khi men say thuốc tan đi, buồn lo kéo đến, vì không biết đào đâu ra tiền … Những chỗ gia đình thân thuộc bạn bè có thể vay mượn nhờ cậy cũng chẳng ai hơn gì ông. Chỗ nào có thể gõ cửa vay mượn thì ông cũng đã, và ngày nay có những món nợ đã khê, không thể trả nổi nên ông không còn mặt mũi nào nhìn ai để hỏi vay thêm.
Vào chiều chủ nhật buồn đang lang thang tại bến Bạch Đằng ông gặp một bạn tù đang đạp xích lô. Nó lấy uy tín và danh dự ra giới thiệu ông thuê một chiếc xe chạy ca ngày với giá rẻ. Theo chân nó xem xe, đó là một chiếc xe còn mới xi mạ sáng loáng. Ông mừng chảy nước mắt lúc nghe chủ xe đồng ý cho mướn không phải đặt cọc vì thấy tội nghiệp.
Mả cứu bần nhà ông đã phát!
Ông vội vàng ký tên vào giao kèo thuê xe mà không cần đọc kỹ làm gì những điều kiện ràng buộc trong đó. Ông vui vẻ ký cho mau và đưa ngay sang cho chủ, chỉ sợ chủ đổi ý. Ông không có gì làm điều kiện để giao kèo, chỉ mỗi việc ngoan ngoãn gật đầu làm theo ý chủ muốn. Đã nghèo nếu gặp phải cái eo cũng là chuyện thường tình có gì đáng kể!

 

Trời rạng sáng hôm sau ông thức sớm hơn thường lệ, thay bộ cánh tươm tất đạp xe đạp đến nhà chủ nhận xe. Điều trước hết việc ông cần phải làm là tập đạp cho nhuyễn trước khi hành nghề. Ông run run sung sướng vuốt ve chiếc xe với tất cả tấm lồng trìu mến hân hoan như cậu học sinh vừa mới ra râu mép được dịp đi bên cạnh và nắm tay người đẹp đầu đời. Nhẹ nhàng “bế ” xe xuống đường sợ va vào lề đường tróc xi. Ông đẩy xe đến một khúc vắng, rồi hồi hộp từ từ đặt chân leo lên yên. Khi yên vị ông có cảm giác ngất ngưởng sung sướng như đêm tân hôn… rướn người lấy sức đạp. Chiếc xe lắc qua bên trái, ông lái sang bên phải quá đà leo lề xém đụng một bà bán cháo huyết. Nhanh tay ông kéo cần thắng, xe bị ghì mạnh và theo đà lắc nó lật ngang hất ông té xuông đường … Sau vài lần tập đi tập lại quen dần với chiếc xe không. Ông đạp tà tà sang nhà thằng bạn mời nó làm khách để dợt. Tội nghiệp! Thằng chết nhát ngồi xe ông mà run như cầy sấy. Nói nào ngay, ông mới chỉ biết đạp nhưng chưa biết …thắng. Tay kéo cần phản ứng còn chậm chạp nên lắm khi ông cứ nhè cột đèn đưa đầu thằng bạn thử khiến miệng nó cứ la oai oải… Đã nhiều lần cả ông lẫn nó, cả xe lẫn người bổ càng.
Vạn sự khởi đầu nan!
Rồi cũng đến lúc nhờ lòng can đảm và sự tận tâm chỉ bảo của bạn về các kỹ thuật lấy đà, quẹo trái, quẹo phải lên xuống dốc hoặc len lỏi nơi chôn đông người ông “tiếp thu” rất nhanh và nay tay sử dụng con ngựa sắt thành thạo chỉ mất một thời gian ngắn vài ngày. Cái giá phải trả là mình mẩy ê ẩm, đôi chân căng buốt nhất là trên người khá nhiều dấu vết trầy trụa thương tích bầm tím nơi hai ống quyển có để lại vết sẹo làm kỷ niệm … Bây giờ ông từng bước dò sang mức nguy hiểm hơn là cho xe “xâm nhập thực tế” nghĩa là chạy ngay trên lộ chính luồn lách nơi xe cộ đông đảo qua lại trong giờ cao điểm. Ông sung sướng nhận ra sự tiến bộ nhanh chóng nên trong một chiều nắng đẹp ông cùng bạn đến một quán cà-phê sang trọng kêu hai cái phin và hai điếu thuốc có cán để trả ơn thày và mừng ngày ”cách mạng thành công” trong nhiệm vụ mới làm “dân biểu”. Tối đó, ông họp vợ con lại rồi long trọng tuyên bố ngày mai là bước ngoặt lịch sử mở ra một con đường mới là ông nhất định ra nghề.
Ngày đầu ra xe mới đạp chừng dăm mười phút ông gặp ngay một bà khách vẫy xe ông. Mừng húm! ông đạp nhanh lại bên khách nở ngay một nụ cười xã giao rất tươi. Khách là một bà ăn mặc kiểu nhà quê, ôm chặt tay nải vào người vội nhẩy lùi lại hai bước ngước lên nhìn ông hỏi:
– Bác có dzước khách không?
Rõ là hỏi thừa! Không rước khách thì đạp xe xích lô để làm gì. Ông ngập ngừng nói:
– Dạ có! Thế bà muốn đi xe?
Rõ là lẩm cẩm. Không đi xe thì vẫy ông để làm gì!
– Dạ..dạ thưa muốn ạ! Bác đèo em nại đường Huỳnh văn Bánh, thế bác muốn ăn em bao nhiêu?
Ông ngập ngừng …một lát. Rồi hỏi lại bà khách
– Đường đó ở đâu thưa bà,tên cũ là gì?
– Em mới từ Bắc vào có biết đường đất là gì đâu! Cháu nó công tác trong này cho địa chỉ mời khi lào rảnh nại chơi. Em chả biết ngụy nó gọi là đường gì? Đây này! Cháu nó biên địa chỉ đây này. Thế bác nái mà không biết đường sao!?
Ông cầm mảnh giấy lướt nhanh
– Không! thưa bà. hay để tôi hỏi thăm cho bà nhé?
-Thôi được không dám! Em xin cám ơn bác.
Người đàn bà giành lại mẩu giấy rồi ngúng nguẩy bỏ đi…
Ông tiếc nuối, cởi mũ ra lau mồ hôi trán đứng ngó theo … Những ngày đầu bỡ ngỡ, ông chỉ mới nghĩ cách chạy vớt, chỉ mong rước khách bèo. Bên kia đường, có một chiếc xe vừa bỏ đi, từ chối khách là ông vội quay đầu phóng lại mời. Thường giá nào ông cũng chạy. Bất cứ ai, đứng dáo dác bên đường đều có sức thu hút ông mãnh liệt....
 Kia rồi! một bà xồn xồn mặt hoa da phấn thân hình phốp pháp vừa từ một con hẻm bước ra đưa tay vẫy ông.
Mừng quýnh! Ông rướn người đạp nhanh tới sát bên. Chẳng nói lời nào, bà bước lên làm bửng xe xụp xuống sát mặt đất; nhổng đít đưa hổng ông lên trời và hất bà chúi nhủi xém té may một chân bà còn chống xuống đất, gượng lại được.
Rút kinh nghiệm, ông nhẩy xuống nín thở gồng mình ghìm chặt ghi đông. Bà khách cũng rón rén, chậm chạp bước lên xe, ngồi lọt vào ghế thở phào nhẹ nhõm …
Xong đâu đấy, ông đẩy xe chầm chậm lấy đà rồi đặt bàn chân trái lên bàn đạp làm điểm tựa phóng vút lên yên, lắc đôi mông xẹp lép và còng lưng nhướng người ra sức đạp … Được vài vòng, bà khách ngoái cổ lại nói:
– Ông làm ơn chở tui tới Đoàn văn Bơ!
Ông giật thót, chết mất! hết “Bánh ” giờ lại “Bơ ”! Giọng run run ông hỏi lại:
– Bà có biết tên đường cũ gọi là gì không?
-Ồ xin lỗi tui quên! Hình như là Đỗ Thành Nhơn bên Khánh Hội thì phải! Ông cứ cho tui sang bên đó! Bộ ông mới chạy xe hả?
-Dạ phải, thưa bà!
Xe chạy bon bon qua cầu Khánh Hội, ông vừa thấy ngay tên đường trước mặt thì bà khách bảo Xì tốp! Ông cho xe vào lề an toàn, đổ khách xuống.
– Nhiêu tiền đây ông?
– Dạ bà thường đi nhiêu cho tôi bấy nhiêu được không thưa bà?
– Ủa! Thui đây, tui quen đi mười lăm đồng. Tui trả luôn ông hai chục khỏi thối! Cám ơn ông nha!
“Bánh” mất ăn lại được ăn “Bơ ” cũng thích! Mới ra nghề tổ đãi cho ông một cuốc xe dài, gặp được người khách mở hàng dù có hơi nặng ký nhưng lòng tử tế đã trả một cuốc xe khá hậu hĩnh … Ông tính nhẩm, với Hai chục bạc ta có thể trả được gần nửa tiền thuê xe trọn ngày, hoặc mua được một ký gạo cho cả nhà ăn chứ nào phải đùa!
Nhìn xuống dòng sông êm đềm nhẹ nhàng xuôi chảy, một luồng gió thoảng qua, mang hơi nước mát trong lành ban sáng làm mồ hôi sau lưng người ông thoát hơi khiến ông cảm thấy khoan khoái mạnh mẽ như người mới được tắm hơi…
Một buổi trưa cho xe lên lề nghỉ dưỡng sức. Ông lấy tấm bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh dưới nệm xe ra trải lên nắp cống góc đường, rồi lôi ra cây bút chì màu xanh đỏ làm dấu nhận diện các con đường trong thành phố. Ông hí hoáy tô đỏ những đường mang tên mới, tô xanh đường vẫn giữ tên cũ.
Dù là dân lớn lên nơi đô thị, trong lứa tuổi học trò, ông thường cùng chúng bạn rong chơi khắp các con đường Saigon thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa nhưng ông vẫn chưa rành hết ngõ ngách tên các con đường chằng chịt, và ông cũng chẳng mấy quan tâm để nhớ những tên đường làm gì cho mệt, ngoại trừ con đường dẫn về nhà, hoặc dẫn đến trường hay quanh quẩn nhà người yêu, thì ông lại không bao giờ quên được, nó rõ mồn một và nhớ như in. Giờ nay, sau 7 năm tù ra biết bao thay đổi về cấu trúc địa danh và tên đường khiến ông lạ lẫm ngơ ngác tựa lạc mất con. Có những con đường quen thuộc trước đây ông thường đi lại hàng ngày ngay trung tâm thủ đô nhưng hễ bị đổi tên cũng đủ làm ông cảm giác ngơ ngác như một kẻ lần đầu đặt chân lên vùng đất xa lạ …
Ông ước chi tất cả con đường sau khi đổi tên đều được nhân gian làm thơ cho dễ nhớ chẳng hạn như:
“Nam Kỳ khởi nghĩa thay Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”
sẽ giúp ích cho những con người mới, con người xã hội chủ nghĩa như ông không bị lầm đường lạc lối! … Ông nhớ lại các tiền nhân khi làm danh bạ, đặt tên đường từ Thủ Đô đến các Tỉnh đều dùng một địa danh gọi tên một Thành Phố hay tỉnh lỵ trước như Hà Nội, Sài Gòn, cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt… rồi mới đặt tên đường cho các anh hùng dân tộc như ngụ ý muốn nói Tổ Quốc là nước của Tổ tiên trên hết!.
Nhưng từ ngày “cách mạng” vào, SàiGòn là một địa danh lại bị thay tên bằng một con người cộng sản.
Như thế rõ ràng con người này được xem là lớn hơn Tổ Quốc Việt Nam, và các anh hùng dân tộc Hai bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung, Trầri Hưng Đạo …các danh nhân lịch sử đều chỉ là tên đường nằm trong lòng thành phố, trong con người này, ắt phải rõ nghĩa cách mạng đánh giá các anh hùng dân tộc tất cả đều nhỏ bé hơn Hồ Chí Minh …