ÂY GIỜ ĐẠM CÔ ĐƠN KHỦNG KHIẾP, CUỘC đời đã đào một cái hố lớn trong tâm hồn nó. Nỗi buồn biến thành nỗi sầu. Nỗi sầu đổ trút bao nhiêu rượu mạnh cũng không tiêu tan nổi. Đạm uống rượu như uống nước lã, như uống thuốc ngủ để ngủ một giấc khỏi giật mình khi gặp những hình ảnh méo mó, đau thương của xã hội để khỏi nằm mơ thấy người yêu nằm mệt mỏi trên chiếc giường trải tấm drap hoen ố nghe tiếng nước xối vội vàng của khách làng chơi.Một đôi lần Đạm có ý định trở về nhà. Nó đã về thật. Về vào buổi tối cuối tháng. Nó đứng ở một gốc cây bên đây đường nhìn sang cửa nhà nó bên kia. Nhưng cửa nhà nó cài thật kỹ. Đạm đứng đến nửa đêm. Không thấy ai mở cửa. Nó thở dài. Lại đi. Đạm chỉ còn niềm an ủi duy nhất. Là mỗi chiều thứ Bảy nó tới trường nội trú đón Gia nin ra chơi. Sự hồn nhiên của Gia nin đã làm Đạm quên sầu tủi trọn một ngày. Chiều Chúa nhật, đưa Gia nin vào nội trú, rồi về. Đạm lại sầu tủi. Sầu tủi trọn một tuần lễ. Rồi lại quên. Cứ thế, nó đã sống những ngày vô vị ở Saigon...Ba giờ, cửa nội trú mở. Gia nin cắp gói quần áo chạy ra. Nó ôm chầm lấy Nguyễn Đạm cơ hồ đứa con ôm lấy bố sau một tuần xa cách. Nguyễn Đạm vuốt ve tóc Gia nin. Nước mắt nó muốn ứa ra. Nó nghĩ đến thân phận nó. Nó ước ao được bé nhỏ như Gia nin để được trở về ôm chặt lấy bố nó. Nhưng nó lớn quá rồi. Không một ai thương thanh niên nhiều tội lỗi, dù tội lỗi do xã hội gây ra. Gia nin ngước mắt hỏi Đạm:- Anh chờ em lâu chưa?Đạm cúi xuống nhìn Gia nin. Hai giọt nước mắt của nó rơi lên đôi má con bé khiến Gia nin phải nới đôi tay và buông Đạm ra.- Anh buồn gì vậy?Đạm gượng cười:- Buồn gì đâu?- Sao anh khóc?- Anh khóc à?- Vâng, nước mắt anh nhỏ xuống má em!Đạm đưa gói kẹo cho Gia nin:- Kẹo của em đây?Gia nin cầm lấy gói kẹo. Đạm cầm gói quần áo.Con bé nuốt nước miếng:- Cả tuần nay em không ăn kẹo.Rồi nó khoe:- Ma xơ mới kể cho em nghe một chuyện hay lắm, anh ạ!Đạm kéo tay Gia nin dìu đi:- Vừa đi vừa kể cho anh nghe.Gia nin nũng nịu:- Anh phải cho em cái gì cơ.- Biếu em gói kẹo rồi thôi.- Gói kẹo rẻ quá. Chuyện này hay ghê lắm, anh ạ!Đạm véo khẽ vào cánh tay Gia nin, khiến con bé nhăn nhó:- Úi cha...Đạm cười hồn nhiên:- Đau hả, em?Gia nin ngúng nguẩy:- Đau thấy mồ.Hai đứa cười ròn tan trên quãng đường vắng. Bây giờ, Đạm không còn nhớ nó là kẻ bị cuộc đời khai trừ nữa. Nó yêu đời hơn cả người yêu đời. Ánh mắt nai tơ của Gia nin đã làm tâm hồn Đạm dịu lại. Đạm cũng không hiểu ánh mắt ngơ ngác ám khói tủi hổ từ bao giờ. Nó nghĩ đến các bà phước ở Cô Nhi Viện và nó ước ao cuộc đời là một thứ «Cô Nhi Viện» dành riêng cho những đứa đau khổ như nó.Đạm chưa vào trại Tế Bần, chưa vào tù. Nó chỉ mới bị nhốt ở phòng Tạm giữ, bị cạo trọc đầu, xích chân tay đeo biển «du đãng» triển lãm ở hè phố Sài Gòn thôi. Nhưng hồi còn sống, Mừng lác đã tả cho nó nghe sinh hoạt trại Tế Bần và trại Giáo Hóa Thủ Đức. Nó chỉ thấy thù hận và ghê rợn. Và nó mường tượng những khuôn mặt tàn ác của bọn Giám thị, những kỹ sư tâm hồn của những thằng thanh niên sa ngã. Quả vậy, chưa vào các trại giáo hóa, nó đã lợm giọng. Làm sao ở Tế Bần, Giáo Hóa có được những tâm hồn rộng mở, kiên nhẫn, chịu đựng của các bà Phước? Ở cái xứ này, danh từ bị lạm dụng một cách triệt để Trại Tế Bần, chính nghĩa của nó là nơi cứu tế những người bần cùng. Thì lại là nơi nhốt những người có tội. Nhà thương, chính nghĩa của nó là nơi những người bịnh hoạn, nghèo nàn tới để được an ủi, thương yêu và trị bịnh. Thì lại là nơi người bệnh hoạn tới để bị các cô, các thầy y tá hắt hủi. Không còn một danh từ nào dùng đúng nghĩa của nó. Đạm hết tin tưởng vào những công việc mà người ta gọi là làm đẹp cho xã hội. Nó chỉ còn một chút tin tưởng khi nghĩ về Gia nin.Con bé hỏi Đạm:- Đau thấy mồ là gì hả, anh?Đạm vỗ vai Gia nin:- Mất gì anh giải nghĩa cho mà nghe.- Mất cái kẹo.- Cái kẹo ít quá.- Hai cái nhé?- Không, em đổi cho anh câu chuyện của ma xơ em đi.Gia nin lắc đầu:- Em không chịu đâu.- Vậy anh không giải nghĩa nữa.- Anh không giải nghĩa em «nghỉ» anh ra.- Nghỉ thì nghỉ!- Thật hở?- Thật chứ rỡn à...Gia nin đứng xựng lại phụng phịu:- Ứ... ứ, anh bảo nghỉ em ra. Thế thì em về với ma xơ đây.Và con bé chạy trở lại nội trú. Đạm đứng nhìn theo mỉm cười.Con bé chạy được một quãng ngắn, đứng lại. Nó quay đầu hỏi đầy trách móc:- Anh để em về với ma xơ thật à?Đạm thản nhiên, hút thuốc.- Em đâu nỡ bỏ anh về mà anh sợ.Gia nin vênh mặt lên:- Em về thật hà.Đạm thách:- Em đâu dám về.Gia nin ức quá, la lớn:- Anh đuổi em về hả?Đạm càng trêu Gia nin:- Anh đuổi bao giờ? Em đòi về đấy chứ!Gia nin khăng khăng cãi:- Anh đuổi em về.Nó ứa nước mắt ra. Rồi khóc thành tiếng.Bây giờ Đạm mới chạy lại. Nhưng Gia nin lánh xa Đạm:- Không thèm chơi với anh nữa.Đạm dỗ dành:- Thôi anh xin lỗi. Chóng ngoan, đi coi xi nê với anh nào.Gia nin nhõng nhẽo:- Không thèm.Đạm vứt điếu thuốc đi:- Úi cha, phim này hay ghê lắm cơ. Có thằng nhỏ Joselito hát hay lắm. Lại có cả con bé mủm mỉm hay giận hờn như em nữa.Gia nin vẫn bĩu môi:- Không thèm.Đạm muốn kéo dài quãng thời gian này. Nó hiểu, chỉ ở những lúc này nó mới sống, mới còn sống. Những lúc khác, không có Gia nin không có sự hồn nhiên của tuổi thơ, Đạm đã chết, chết trong men rượu, chết trong đau tủi, chết trên những chiếc giường trải những tấm drap trắng ngà hoen ố.Đạm vỗ vai Gia nin «xử hòa» nhưng con bé hất tay Đạm ra:- Không được động tới người ta nữa.Đạm nhái lại Gia nin:- Đừng đụng tới «người ta» nữa thì thôi.Nó giả vờ quay mặt bước đi vài bước:- Thì người ta đi coi xi-nê một mình vậy. À, chiều nay người ta ra bờ sông lên du thuyền Bạch Tuyết đi Biên Hòa chơi... Đi du thuyền sướng lắm cơ!Gia nin đang nín thinh, bỗng òa lên khóc. Đạm phải chấm dứt ngay sự trêu cợt con bé. Nó quay lại rút khăn lau mặt cho Gia nin, con bé hất Đạm ra:- Không thèm.Đạm đấu dịu:- Thôi anh xin lỗi mà.Đôi mắt đỏ hoe, con bé bĩu môi:- Không thèm.Đạm sung sướng hưởng cái sự giận hờn con nít này. Nó đứng ngây người y hệt một cậu bé mới lớn lên, mới biết yêu, đứng trước một người yêu nhỏ bé đang giận hờn, không biết cách làm hòa. Nó đứng chôn chân trên mặt đường, nghĩ ngợi liên miên. Nó nghĩ tới phòng tạm giữ đầy thù hận, nó nghĩ đến Thủy, đến Mừng lác, đến cuộc đời. Và nhủ rằng, đây mới là thiên đàng của nó. Những giọt nước mắt của nó mới đúng là những giọt nước mắt.Đạm móc trong túi ra một gói nhỏ, khoe Gia nin:- Anh có cái này hay lắm cơ.Gia nin ngước mắt đẫm lệ nhìn lên:- Cái gì hở anh?Thế là con bé muốn «xử hòa» với Đạm rồi. Đạm được đà, «yêu sách» ngay:- Em phải để anh lau dùm nước mắt đã, rồi anh cho em biết cái này là cái gì...Gia nin nghi ngờ:- Anh định xí gạt em, hở?- Không, anh nói thật! Anh xí gạt em để em khóc nữa sao.Gia nin gật đầu. Đạm thấm nước mắt cho con bé. Rồi nó đưa cho Gia nin cái hộp nhỏ bọc bằng miếng giấy màu rất đẹp. Đạm dục Gia nin:- Em bóc ra đi!Con bé bóc miếng giấy màu bọc ngoài. Nó ngạc nhiên:- Hộp nước hoa hở anh?Đạm cuời:- Nhảm nào, em còn bé tí, cho em nước hoa làm chi.Gia nin chỉ vào hình vẽ lọ nước hoa nhỏ trên mặt hộp:- Người ta vẽ lọ nước hoa đấy thôi.Đạm cười bí mật:- Người ta đánh lừa em đó. Anh dặn trước em nhé.- Dặn gi?- Hễ mở ra có giật mình đừng khóc nghe.Gia nin ngơ ngác:- Cái gì mà ghê thế anh?- Cái này ngộ lắm.- Em không sợ đâu.- Thì em mở hộp ra đi.Gia nin nhìn Đạm một lát để dò xét. Rồi nó mở hộp ra, nó kéo mạnh, một tiếng «chóc» ghê rợn và một vật lạ nhảy thẳng vào ngực nó, Gia nin cuống cuồng vất chiếc hộp và ôm chầm lấy Đạm. Nó đấm Đạm thùm thụp:- Anh ác lắm nhé!Đạm vuốt tóc Gia nin:- Đâu có ác. Em sẽ có trò chơi đùa các bạn em trong trường mà. Đây là con chuột có lò xo, em ạ! Trong hộp có cái kèn nhỏ. Nhét con chuột vào hộp. Chỉ sợ một lần thôi. Anh mua mấy trăm đó. Mấy trăm bạc mà làm người lạ sợ một lần, đắt quá em nhỉ?Gia nin mỉm cười sung sướng:- Vậy anh thương em hở?- Anh thương em nhiều.Gia nin buông Đạm ra. Nó cúi xuống lượm chiếc hộp và con chuột. Nó nhét con chuột vào hộp. Rồi lại mở ra.Lần này con bé cười khúc khích. Nó bảo Đạm:- Tụi trong trường nó sẽ sợ xanh mặt cho mà xem.- Ừ.- Vô số đứa sẽ làm quen em anh nhỉ?- Ừ.- Em không giận anh nữa đâu. Anh đưa em đi xem xi-nê anh nhé.- Ừ.- Với lại đi du thuyền Bạch Tuyết nữa?- Ừ.- À, buồn thấy mồ là gì hở, anh?- Mồ là chỗ chôn người chết đó em. Người chết thì không bao giờ vui cả. Buồn thấy mồ là buồn thấy người chết đó, em ạ! Bây giờ kể cho anh nghe chuyện ma xơ em mới kể cho em nghe đi.Hai đứa đã song song bước. Con Gia nin bắt đầu câu chuyện của nó:- Ma xơ bảo trước ở viện có một đứa con trai trốn ra, nó bị lính bắt chẳng hiểu nó làm gì. Nó trốn vào viện ẩn núp vài năm. Rồi nó lại trốn ra. Vài năm sau nó dẫn vợ nó tới với đứa con trai anh ạ!Đạm nao nao tâm hồn. Nó nắm chặt cánh tay Gia nin:- Rồi sao nữa hả em?Gia nin kể tiếp:- Ma xơ bảo, giờ vợ chồng nó có một cửa tiệm bán chạp phô.Tự nhiên Đạm phá ra cười. Cười ngặt nghẽo. Cười đến chảy nước mắt: Gia nin không hiểu chuyện ma xơ buồn cười ở chỗ nào mà Đạm cười giữ vậy. Hay Đạm chế nó? Gia nin ngớ ngẩn hỏi:- Sao anh cười?- Tại anh buồn cười.- Anh buồn cười cái gì?- Buồn cười cái tiệm chạp phô của thằng du đãng mà em kể ấy.- Tiệm chạp phô thì có gì buồn cười hở anh?- Anh tưởng tượng giá anh có tiệm chạp phô anh sẽ giống lão Tàu già ở gần nhà anh thuở xưa, cả ngày ngồi phơi cái bụng phệ, nhặt từ một cắt trở đi. Thì em bảo có buồn cười không?Đạm ôm bụng cười. Nó lắc đầu nguây nguẩy:- Không được đâu, làm cuộc đời bằng cách ấy thà đừng làm nữa. Cứ để buông trôi muốn tới đâu thì tới. Các bà phước không hiểu gì về cuộc đời cả. Cuộc đời chi mà giản dị vậy.Gia nin trố mắt nhìn Đạm:- Anh nói gì em chẳng hiểu chi hết cả.Đạm vỗ nhẹ lên vai con bé:- Ừ, em chẳng hiểu đâu. Em đừng nên hiểu gì là hơn, ma xơ em kể chuyện hay lắm.- Sao lúc nãy anh cười?- Anh cười lão Tàu già đấy chứ?Nó kéo Gia nin đi, lảng sang chuyện khác:- Em đã đi tàu thủy bao giờ chưa?- Chưa.- Thế hôm nay anh cho em đi tàu thủy nghe em.- Đi có thích không?- Thích chứ?Đạm nắm tay con bé kéo đi. Tới một ngã tư, hai đứa dừng lại đón xe. Những buổi chiều của Đạm từ khi Mừng lác chết, chỉ đẹp ở những buổi chiều thứ Bảy. Vào những buổi chiều như hôm nay, được nắm tay Gia nin, Đạm đã quên bẵng cái ngôi trùm du đãng, nó đang được du đãng Sài Gòn tôn thờ sau khi thanh toán bọn Tám dao cạo.Hai đứa đứng lâu lắm mới đón được xe. Đạm cúi xuống sát vai Gia nin:- Đi tàu thủy nghe em!Gia nin đáp thật nhỏ, thật ngoan:- Vâng ạ!