Chương 2 (tt)

     hím Lê mừng mừng tủi tủi khi thấy tôi bước vào nhà:
- Trời, con đi đâu mà mất biệt thế con?
- Dạ, con bận học thưa thím.
Tôi lí nhí đáp, không rõ thím ngạc nhiên thật hay giả vờ.
- Sao con về lúc này? Đã nghỉ hè đâu!
Thím lại hỏi, ánh mắt vẫn xoáy vào mặt tôi như thể tôi lại chuẩn bị nói dối.
Và đúng là tôi tiếp tục nói dối thật:
- Trường con đang sửa chữa nên tụi con được nghỉ học.
Tôi hỏi đếm thím không kịp hỏi thêm:
- Thằng Thục đâu rồi thím?
- Nó đi học trong Tam Kỳ, cuối tuần mới về.
- À, năm nay nó lên lớp mười hai rồi.
Tôi gật gù, tháo ba lô đặt trên góc phản. Làng tôi chỉ mở cấp một, lên cấp hai phải ra thị trấn Hà Lam, lên cấp ba phải vô Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng học. Tôi nhìn quanh, vắng bóng thằng Thục và cái miệng bép xép của nó căn nhà tự dưng trống trải kỳ lạ.
Hôm đó ăn cơm trưa xong, tôi ngủ một giấc tới chiều. Tôi ngủ mê mệt, vì suốt dọc đường nhồi xóc trên xe đò, tôi chẳng ngủ được bao nhiêu, cứ gà gật chập chờn mộng mị.
Thức dậy, không thấy thím Lê đâu, rôi ra sau hè rửa mặt rồi quay lên nhà trên bước lại chỗ bàn học của thằng Thục. Thấy con bọ ngựa tết bằng cọng dừa nằm chỏng chơ bên đống tập, tôi cầm lấy và bước ra cửa.
Tôi đi về phía sông Kiếp Bạc, lòng bồn chồn nghĩ đến con Rùa. Tôi không biết giờ này con Rùa đang làm gì, nó có nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến nó hay không. Tôi cũng không rõ khi gặp tôi, thái độ của nó sẽ như thế nào. Chắc nó sẽ nhìn tôi khinh bỉ như một kẻ lẻo mép, dối trá và phụ bạc. Nhìn xong, chắc nó sẽ phun nước bọt và quay lưng bỏ đi. Nếu nó đối xử với tôi như vậy, thú thật tôi không biết tôi sẽ nói gì với nó. Tôi không thể nói với nó rằng ba nó là con tư sinh giữa bà nội nó và ông nội tôi và đó chính là lý do khiến tôi không quay về làng như đã hứa.
Bí mật về cái chết của ba nó do chú Ngãi tiết lộ đã như một cú đánh mạnh vào trái tim nó, đến hôm nay có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai, bây giờ nếu nó biết được sự thật về thân thế của nó, chắc chắn trái tim nó sẽ trầy xước thêm lần nữa, và tôi biết rằng vết thương lần này sẽ không bao giờ thành sẹo.
Tôi ngồi dưới gốc cây sầu đông bên bờ sông, xem chiều rớt nắng, đầu nghĩ ngợi mông lung.
Làng Đo Đo vừa qua mùa nắp keng, tiếng ve đã bắt đầu nỉ non trong lá và dòng sông Kiếp Bạc vẫn khô cạn như lần trước tôi về. Những tảng đá giữa lòng sông vẫn mượt rêu xanh, chỉ có lòng tôi chiều nay lên sắc xám.
Sắp gặp lại con Rùa nhưng lần này tôi chẳng thấy vui. Lần này, tôi chờ gặp nó như chờ đối diện với sự đùa cợt độc ác của số phận, chờ xem rốt cuộc thì tôi (và cả con Rùa nữa) sẽ bị bánh xe của định mệnh nghiến nát như thế nào.
Một đứa con gái từ sau lưng tôi chạy xe về phía cầu treo khiến tâm trí tôi đột ngột lãng đi. Đứa con gái mặc áo dài trắng, mái tóc đen mượt xõa tung trong gió, cặp sách buộc ở yên sau, phóng xe lên chiếc cầu đong đưa với tốc độ khá nhanh khiến tôi tròn mắt kinh ngạc.
Tôi đang tò mò nhìn theo nó thì nó chợt ngừng xe lại giữa cầu. Trong khi tôi cố đoán xem đứa con gái gặp chuyện gì, nó thình lình leo xuống khỏi yên và dắt xe đi ngược trở lại.
Tôi thấy rõ đứa con gái đang nhìn về chỗ tôi ngồi nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Ánh mắt tôi chỉ lướt nhanh qua người nó rồi quay đi chỗ khác, rồi lại liếc trộm nó một cái nữa để lần này quay hẳn đi, thầm đoán nó bị hư xe nên quay về xóm dưới tìm chỗ sửa.
Tuy nhìn đi chỗ khác tôi vẫn cảm nhận được đứa con gái đang đi về phía tôi. Dù vậy tôi vẫn dán mắt vào bãi cát lấp lánh nắng trải dọc triền sông cạn, cố không quay đầu lại, bụng thầm nhủ: “Chắc nó định nhờ mình sửa xe giùm”.
Chỉ đến khi đứa con gái dựng xe vào thân cây sầu đông và ngồi xuống bên tôi, nhẹ giọng vui mừng:
- Em biết thế nào anh cũng trở về.
Tôi mới giật nảy người, hấp tấp ngoảnh mặt lại.
“Con Rùa”, một tiếng reo bật ra trong đầu tôi.
Con Rùa. Chắc chắn đứa con gái trước mặt tôi là con Rùa. Nhưng ngay cả khi biết rõ nó là con Rùa, tôi vẫn thấy ngờ ngợ.
Đang ngồi trước mặt tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi đây là một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng. Con Rùa mà tôi biết có nước da rám nắng. Mái tóc của con Rùa ngắn, lởm chởm và hoe hoe đỏ. Và quan trọng là con Rùa không biết đi xe đạp.
Con Rùa tôi đang nhìn thấy hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi. Vì vậy khi nhìn thấy đứa con gái tóc dài chạy xe qua cầu, tôi không có chút liên tưởng nào đến nó.
- Sao anh nhìn em sững vậy? Em lạ lắm sao?
Nghe con Rùa hỏi, tôi sực nhớ từ nãy đến giờ tôi chỉ mải nhìn nó, vẫn chưa nói tiếng nào. Tôi không nghĩ tôi gặp con Rùa trong tình huống này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để gặp nó, mặc dù tôi quay về làng chính là vì nó.
Tim đập thình thịch, tôi nói như người hụt hơi:
- Ờ… trông em lạ lắm.
Tôi nhìn con Rùa, lần này tôi nhận ra đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài từng làm tôi thao thức trong những đêm Sài Gòn trở gió. Đôi mắt đó, cộng thêm cách bắt chuyện tự nhiên của con Rùa giúp tôi dần trấn tĩnh.
Vui vẻ, hồn nhiên, thân mật, con Rùa nói chuyện với tôi như thể chúng tôi vừa gặp nhau hôm qua chứ không phải từ ba năm trước. Và dường như nó chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi bắt gặp tôi ngồi bên bờ sông lộng gió lúc này.
- Lúc nãy nhìn thấy anh từ phía sau, em không nghĩ đó là anh. - Con Rùa mỉm cười nói - Nhưng khi đi tới giữa cầu tự nhiên em tin đó là anh.
Nó ngưng một chút rồi nói thêm, giọng thoảng qua tai tôi như tiếng gió:
- Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em.
Tôi và con Rùa vẫn nhìn vào mắt nhau, nhưng gần như chỉ có nó nói. Tôi chỉ nói mỗi một câu rồi lặng thinh nhìn nó, tay mân mê con bọ ngựa bằng cọng dừa một cách vô thức, lòng rối tung như có ai vò.
- Em nhớ anh lắm đó.
Con Rùa thì thầm, vẻ rạng rỡ khiến gương mặt nó như tỏa nắng, nhưng tôi chợt thắt lòng khi phát giác đôi mắt đẹp của nó đang rưng rưng và đôi môi nó đột ngột méo xệch đi như sắp òa ra khóc.

37

Cô Út Huệ mừng rỡ khi tôi bất ngờ trở về làng. Cô vui đến mức khi thấy tôi nhấp nhổm định chạy qua nhà thầy Điền, cô chẳng tỏ ý gì ngăn cản mặc dù cô biết tôi qua đó chỉ để kiếm con Rùa. Có lẽ cô tin tôi đủ lớn để không làm điều gì khờ dại.
Cũng như con Rùa, bé Loan năm nay học lớp tám ngoài thị trấn nhưng nó ở lại nhà người chú họ, cuối tuần mới về làng.
Lần này tôi về, thầy Điền đã qua đời được một năm. Bây giờ trong nhà con Rùa, chỉ có hai bà cháu quẩn quanh với nhau. Tôi nhớ tiếng mõ đều đều buồn bã của thầy Điền, nhưng khi tiếng mõ cô độc đó tắt đi dường như khung cảnh càng buồn hơn.
Ngoài vườn, hòn non bộ bay mất hai ông tiên, chỉ còn bàn cờ đá ngồi một mình nghe suối chảy. Con gà trống bằng đất nung hôm trước bị ông Bảy Thành dùng báng súng kíp đánh văng vô hàng giậu chắc là vỡ nát. Rốt cuộc, khi tôi về hòn non bộ nhà con Rùa chỉ còn mỗi ông lão đánh cá ngồi hờ hững buông câu trước cửa hang nhưng chiếc nón rộng vành trên đầu ông cũng không còn như cũ. Nó méo mó và bị gió đánh tơi ra sau mấy mùa giông bão kéo về làng.
Cá lội dưới đám bèo tai chuột cũng út hơn. Thỉnh thoảng mới thấy một con ngoi lên đớp bóng dưới nhành dương xỉ lòa xòa. Con sóc hay trèo lên tuột xuống trên cây dừa sau vườn cũng bỏ đi đâu mất. Ngày tôi về chỉ còn mỗi con Cổ Dài loay hoay rúc mỏ vào đám rau muống dưới ao.
Nhà con Rùa vắng từ trong ra ngoài. Và khi hai đứa ngồi cạnh nhau trên phiến đá năm nào, tôi cảm thấy nỗi hoang vắng tràn vô cả lòng tôi và đang gọi tên tôi bằng một âm điệu ảo não khi tôi nhớ đến tình cảnh của mình. Trái ngang nhất là dường như tôi vẫn không thôi yêu thương đứa em họ, bất chấp trong ba năm qua lý trí của tôi đã hàng trăm lần dùng lưỡi kéo vô hình hòng cắt đứt những sợi tơ tình tuy đã rõ là nghiệt ngã nhưng không hiểu sao cứ quấn quýt mãi trái tim tôi.
Rung động đầu đời khó quên cộng thêm nỗi trắc ẩn về số phận có quá nhiều chuyện không may của con Rùa, về cuộc sống u buồn quạnh quẽ và ít được cảm thông của nó khiến tình cảm tôi dành cho nó sâu sắc hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của một chuyện tình mới lớn. Nhưng thứ gia bị cay đắng đó của cuộc đời thi nhau ướp vào mối tình của tôi khiến nó tỏa ra một mùi vị xót xa đến mức cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện chia tay con Rùa trái tim tôi lại muốn vỡ ra từng mảnh.
Hai tâm hồn non tơ đang yêu nhau sáng trong và tha thiết bất ngờ trở thành anh em chú bác, cảnh ngộ trớ trêu này vừa đẩy tôi ra xa con Rùa vừa kéo tôi đến gần nó hơn bao giờ hết. Tôi vừa muốn đi khỏi nó hàng ngàn dặm lại vừa muốn ở kề bên nó để biến bờ vai mình thành một trụ đỡ tinh thần cho nó có chỗ tựa đầu như một cách sẻ chia. Đã nhiều lần tôi đau đớn nghĩ thầm nếu con Rùa biết tôi và nó không thể đến được với nhau vì mối quan hệ huyết thống ở trên trời thình lình rơi xuống kia không biết nó sẽ tiếp tục sống ra sao. Nó có sẽ kéo lê những tháng ngày còn lại như một con rùa thật kéo lê cái mai nặng nề của mình qua những bụi bờ gập ghềnh gai góc hay không.
- Em đoán là anh bận học nên không về sớm được.
Con Rùa nói bên tai tôi, giọng hớn hở chẳng chút trách móc. Tôi ngờ rằng trong ba năm qua con Rùa không hoàn toàn vui vẻ như cách nó đang bộc lộ nhưng có lẽ khi gặp lại tôi nỗi buồn đã bị gạch tên khỏi lòng nó, giúp nó nhanh chóng quên đi những ngày dài chờ đợi.
- Ờ… càng lên lớp bài vở càng nhiều… - Tôi đáp, xuôi theo nó, bắt gặp mình đang xấu hổ vì dối trá.
- Anh biết tại sao bây giờ trông em lạ hơn không? - Con Rùa chợt hỏi.
- Tại sao? - Tôi hỏi lại, bất lực trong việc bắt đầu óc tập trung.
Con Rùa vén tóc, mỉm cười rạng rỡ:
- Tại em lớn lên rồi đó.
Mặt tôi như bị ai kéo lệch đi và tôi phải quay đầu đi chỗ khác để con Rùa không phát hiện ra. Câu nói năm nào của nó lại hiện về trong óc tôi, rát bỏng “Bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Tôi nhớ cả tiếng sụt sịt của con Rùa trong đêm hôm đó. Bây giờ con Rùa đã lớn lên thật, đến mức tôi không nhận ra, nhưng khi nó đã là cô gái mười bảy tuổi xinh đẹp thì tôi đã trở thành anh họ của nó.
Con Rùa không biết gì về nỗi khổ tâm trong lòng tôi. Nó chìa bàn tay nhỏ nhắn ra trước mặt tôi, giọng reo vui:
- Anh cầm tay em đi anh!
Trong một thoáng, tôi không biết phải làm gì. Dĩ nhiên tôi rất muốn cầm tay nó, không chỉ một lần mà suốt cả cuộc đời tôi, nhưng tôi lại không thể để tôi (và cả nó nữa) lún sâu vào vũng lầy của sự cám dỗ.
Con Rùa có vẻ ngạc nhiên trước thái độ ngập ngừng của tôi. Nó ngước nhìn tôi, vẫn không rụt tay lại nhưng giọng đã bắt đầu xao xuyến:
- Sao anh không cầm tay em? Hay là anh không còn thích em nữa?
- Không. Anh thích em lắm. Bao giờ anh cũng thích em.
Tôi nói như máy và lật đật cầm lấy tay nó, không kịp nghĩ ngợi. Cách tôi chộp tay nó rất giống cái cách của người vừa tìm lại được một kỷ vật thân thiết đã trót đánh mất mà nếu không nhặt lấy ngay lúc này sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được nữa.
Quên hết những lời vàng ngọc của lý trí, tôi gói tay nó trong tay tôi, nâng niu, che chở, như đang sửa ấm một con chim sẻ ướt mưa, lòng rưng rưng cảm động.
- Anh biết không. - Con Rùa thủ thỉ, đã yên tâm trở lại - Em cũng không muốn anh về sớm đâu. Vì lúc đó em chưa kịp lớn.
Từng câu nói hồn nhiên của con Rùa nghiến vào lòng tôi như có ai đang kéo một lưỡi cưa. Tôi cảm nhận nỗi đau một cách hoàn toàn thể chất đến mức tôi suýt buột miệng xuýt xoa.
- Em nè. - Tôi nói, nén đau, và để tránh xa chiếc bẫy yêu đương đầy mê hoặc tôi quyết định hỏi về chuyện mà thật ra tôi chỉ muốn hỏi thằng Thục - Lâu nay mấy ông thợ săn trong làng có quấy rầy em nữa không?
Tôi không muốn nhắc đến phường săn trước mặt con Rùa, sợ làm nó tổn thương khi vô tình gợi lại những tiết lộ của chú Ngãi về cái chết mờ ám của ba nó. Hỏi xong, tôi đau đáu nhìn vào mặt nó, lo lắng chờ một cái chau mày.
Nhưng dường như con Rùa không bị câu hỏi của tôi kích động. Nó khẽ lắc đầu, bình thản đáp:
- Không. Họ bỏ nghề rồi anh à.
- Tất cả bọn họ đều bỏ nghề à? - Tôi dựng mắt lên vì ngạc nhiên.
- Dạ. Anh đi khỏi làng chừng một tháng thì toàn bộ phường săn đều chuyển sang nghề khác. Ông Bốn Lai mở tiệm sửa đồng hồ. Ông Hai Sắn và ông Bảy Thành hìn bốn mở quán ăn dưới chợ Kế Xuyên. Còn chú Ngãi bây giờ lái xe tải trong Tam Kỳ.
Cứ như có ai vừa thả một cái chong chóng trong đầu tôi. Tôi há hốc miệng:
- Nhưng tại sao bọn họ lại đồng loạt bỏ nghề săn bắn?

38

Ông Hương, ba con Rùa, qua đời do trượt chân ngã xuống sông Kiếp Bạc vào một đêm tối trời là chuyện có thật. Nhưng trong cái đêm không may đó ông không hề đuổi theo bọn cướp.
Chỉ có ông Bốn Lai rượt ông qua cầu treo. Chi tiết này chú Ngãi đã nói đúng. Khi biết được chuyện đó qua lời kể của ông Bốn Lai, ông Hai Sắn, ông Bảy Thành và chú Ngãi đều tin rằng ông Hương lẻn vào nhà ông Bốn Lai để trộm kỳ nam, bị ông Bốn Lai phát hiện và xách súng rượt theo. Đoạn kết thì ai cũng biết: ông Hương trong khi tẩu thoát, chẳng may sẩy chân rớt xuống sông bị nước cuốn mất tích.
Những người thợ săn tốt bụng lúc đó đều nhất trí kể lại câu chuyện theo cách khác, trước hết bịa ra một bọn cướp sau đó bịa ra thêm một người anh hùng bắt cướp để đứa con ông Hương có thể lớn lên một cách tự nhiên như mọi đứa trẻ khác trong làng.
Chú Ngãi và những người bạn đã hành động theo tiếng gọi của lương tri, vì mặc cảm về danh dự gia đình là nỗi khổ tâm lớn lao có thể làm thui chột tâm hồn non nớt của một đứa bé, nhưng khi chú mất bình tĩnh đến mức phun ra tất cả bí mật giấu kín trong bao nhiêu năm thì lòng tốt của chú đã trôi theo dòng nước nhưng cũng nhờ vậy mà câu chuyện bất ngờ mở ra thêm một cánh cửa khác.
Con Rùa đã khóc rất nhiều ngay sau khi bị những người thợ săn chặn đường trong buổi trưa đầy nắng đó.
Con Rùa không vào rừng nữa. Kể từ hôm đó, mỗi ngày khi mặt trời trượt dần xuống bên kia đồi và trong không khí bắt đầu sực nức mùi hoa dại, người làng thường bắt gặp nó đứng thẫn thờ giữa cầu treo cắm mặt xuống dòng sông. Nó đứng đó, trầm tư, xa cách, một mình một thế giới, và khi trong làng dậy lên tiếng xì xào rằng cháu nội của thầy Điền bị điên thì ông Bốn Lai lặng lẽ xách đi tìm nó.
Chú Ngãi đã nói ra sự thật nhưng đằng sau sự thật đó hóa ra còn có một sự thật khác. Một tháng sau ngày chú Ngãi tiết lộ về nguyên nhân cái chết của ông Hương, trên chiếc cầu lộng gió và không ngừng đu đưa ông Bốn Lai đã nói với con Rùa rằng chuyện ông hái được kỳ nam trong rừng chỉ là tin đồn nhảm. Kỳ nam là một sản vật quí hiếm chứa nhiều tinh dầu chỉ được sinh ra trong lõi của cây gió, là loại cây không mọc ở địa phương.
Trong cái đêm định mệnh đó, ông Hương có vào nhà ông Bốn Lai thật nhưng chỉ để đánh cắp súng kíp của người thợ săn. Trước khi đột nhập một ngày, trong một bữa rượu giữa hai ông với nhau, ông Hương đã kịch liệt phản đối ông Bốn Lai khi ông này bộc lộ ý định bắn hạ bầy khỉ đuôi dài mới về trú ngụ trong rừng. Dạo đó có người về làng hỏi mua cao khỉ và món lợi quá hấp dẫn đã khiến ông Bốn Lai, cho tới lúc đó chưa từng xem khỉ là một loại thú săn vì vậy vẫn chưa biết tới phương pháp bẫy khỉ, quyết định phục kích bầy khỉ vào hai ngày sau - thời điểm mà ông tin bầy khỉ đã quen lui tới khu vực ông đã chọn sẵn với những trái bắp làm mồi nhử.
Ông Hương khi thấy không thể thuyết phục được người bạn của mình, đã quyết định ra tay. Vào đêm trước ngày ông Bốn Lai vào rừng, ông Hương đã lẻn vô nhà người thợ săn lấy đi khẩu súng kíp và rủi ro bị chủ nhà phát hiện.
Ông Bốn Lai lúc đó đuổi theo ông Hương thực ra chỉ để đòi lại khẩu súng săn nhưng tiếng chân rượt bắt huỳnh huỵch đã khiến chó trong làng sủa vang, và đến khi cái tin ông Hương sẩy chân rớt khỏi cầu treo bị nước cuốn trôi lan ra thì câu chuyện ông Hương đuổi cướp được những người thợ săn thêu dệt và đi kể khắp làng. Theo kịch bản của phường săn thì đêm hôm đó nhóm cướp ba người tấn công nhà ông Bốn Lai để truy lùng nơi cất giấu kỳ nam, chẳng may gặp ông Hương đi ngang thế là hai ông hợp lực chống cự và đuổi bọn cướp chạy tới cầu treo, và nếu ông Hương không bất hạnh ngã xuống sông chắc chắn hai ông đã tóm được bọn cướp.
Sự thật về mục đích đột nhập của ông Hương, ông Bốn Lai giấu cả ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi. Ông sợ pháp luật khép ông vào tội ngộ sát và ông sẽ phải vào tù. Nhưng bây giờ khi thời gian đã lăn bánh quá xa, đặc biệt khi thấy con Rùa có vẻ như sắp bị câu chuyện của chú Ngãi đè bẹp, ông quyết định không giữ im lặng nữa.
Ông thú nhận với con Rùa như vậy. “Hôm đó, ông Bốn Lai vừa nói vừa rơm rớm nước mắt”, con Rùa kể với tôi bằng thứ giọng pha trộn nhiều cảm xúc. Nó bảo lúc đó sau khi thổ lộ hết sự thật với nó, ông Bốn Lai đã dang tay ném khẩu súng kíp xuống ông. Ông bảo ông đã quyết định từ bỏ nghề săn. Tuy ông không nói gì thêm với con Rùa nhưng tôi hiểu đó là cách ông tạ lỗi với hai cha con nó, cũng là để cho chính ông được nhẹ lòng.
Không chỉ ông Bốn Lai, những người thợ săn khác khi biết được sự thật đằng sau cái chết của ba con Rùa cũng lập tức bỏ nghề.
Con Rùa bảo trước khi vào Tam Kỳ lập nghiệp chú Ngãi có đến tìm nó để xin lỗi. Và nó nói tôi nó chẳng thấy chú Ngãi có lỗi gì, thậm chí nó còn biết ơn chú vì nếu chú không bức xúc nói lung tung thì ông Bốn Lai đã không có cơ hội minh oan cho ba nó.
Dưới bóng cây bướm bạc, câu chuyện của con Rùa sưởi ấm lòng tôi từng phút một. Tôi cảm thấy dù sao số phận cũng không đến nỗi tước hết của con Rùa mọi niềm vui sống và nếu địa ngục từng trút lên đầu nó thì bây giờ ít ra cũng có vài cái vạc dầu được nhấc đi.
Những ý nghĩ trong đầu tôi còn đi xa hơn khi tôi lờ mờ nhận ra sự kiện mẹ con Rùa bỏ nhà ra đi ngay sau cái chết của ba nó có thể xuất phát từ việc bà nghi ngờ và thất vọng về tư cách của chồng mình giống như ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi đã nghĩ như vậy trong một thời gian dài. Tôi chỉ không hiểu tại sao bà không đem theo đứa con bé bỏng của bà. Bà không có cơ hội hay bà cố tình lưu lại đứa cháu nội để ba mẹ chồng không phải sống lủi thủi sau cái chết của con trai?
Dĩ nhiên tôi đã không thốt ra thành lời những thắc mắc trong đầu vì tôi không muốn con Rùa đau lòng thêm lần nữa khi đào bới lại quá khứ.
Kết thúc câu chuyện về ba nó, hôm đó tôi chỉ nói một câu mà tôi tin con Rùa sẽ vui:
- Lạ thật! Cách em đối xử với các con vật giống hệt ba em.

39

Những gì con Rùa thuật cho tôi nghe về ông Bốn Lai và phường săn không chỉ giúp tôi cảm thấy đời không đến nỗi quá buồn mà còn gỡ tôi ra khỏi tình trạng khó xử trong buổi đầu tiên tôi quay về ngồi bên cạnh nó. Câu chuyện dài đến mức khi con Rùa kể xong thì đã đến giờ tôi phải về nhà đi ngủ, nhờ vậy mà con Rùa không kịp nối lại câu chuyên tâm tình dang dở mặc dù suốt từ lúc nó bắt đầu cho đến khi nó kết thúc câu chuyện, tay tôi vẫn nắm lấy tay nó.
Cô Út Huệ nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi khi tôi thò đầu vào nhà (cũng có thể là tôi tưởng thế) và cảm giác đó khiến tôi bắt gặp mình đang xấu hổ và tôi phải quay mặt đi như vừa làm điều gì tồi tệ.
Tối đó tôi nằm lăn qua lăn lại trên tấm phản rộng, nghe tiếng côn trùng rỉ rả vọng vào từ ngoài vườn, tự nhiên thấy lòng buồn tên. Tôi không biết tôi quay về làng Đo Đo để gặp lại con Rùa là đúng hay sai.
Nếu con Rùa biết được sự thật về mối quan hệ giữa tôi và nó, có lẽ tôi sẽ đỡ lúng túng hơn. Lúc đó, hẳn nó sẽ rất buồn nhưng chắc chắn nó sẽ không đòi tôi cầm tay nó.
Con Rùa cũng không biết tôi quyết định về làng chỉ vì tôi e rằng chứng bệnh nan y của tôi sẽ không cho tôi thêm cơ hội nào gặp lại nó nữa. Với tất cả những gì đẹp đẽ đã có giữa hai đứa tôi ba năm về trước, con Rùa chào đón sự trở về của tôi bằng sự mừng rỡ ngây thơ và niềm tin trong trẻo của nó vào tình yêu khiến tôi cảm thấy có lỗi với nó nhiều quá.
Lẽ ra tôi không nên trở về. Ừ, có lẽ thế thì tốt hơn cho cả hai! Trở về để vừa muốn nắm tay nó vừa không muốn nắm tay nó, vừa muốn nói với nó những ngày qua tôi nhớ nó biết bao, rằng gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy nó vừa nghiến chặt răng để nuốt những lời yêu thương đó vào lòng quả là một cực hình đối với tôi.
Hôm sau đi học, con Rùa báo với bé Loan tôi đã về làng và buổi chiều nó chở con bé từ thị trấn theo về.
Bé Loan hò hét om sòm khi nhìn thấy tôi đứng trước cửa nhà cô Út Huệ ngó ra. Nó nhảy vội xuống khỏi xe, xách cặp chạy vù vào nhà ôm chầm lấy tôi và đấm vào lưng tôi thùm thụp. Con bé này lạ thật, năm mười tuổi thì nó mắc cỡ chẳng bao giờ chịu ôm tôi, bây giờ đã mười ba tuổi, đã ra dáng một thiếu nữ thì nó lại hành động như một đứa con nít.
Tối đó, lấy cớ ở nhà chơi với bé Loan sau nhiều năm xa cách, tôi không qua nhà con Rùa. Tôi sợ phải ngồi cạnh nó trên phiến đá năm nào, sợ nghe nó hỏi như nó vẫn luôn hỏi “Anh có thích em không?” và tôi sẽ không biết phản ứng như thế nào để nó không cảm thấy đau lòng.
Dĩ nhiên con Rùa chẳng nghi ngờ gì. Nó ra sau vườn bẻ ba ống đu đủ rồi sang nhà cô Út Huệ rủ tôi và bé Loan chơi trò thổi bong bóng. Một cô gái mười ba tuổi, một cô gái mười bảy tuổi và một người con trai hai mươi mốt tuổi xúm quanh thau nước xà phòng chơi trò trẻ con quả là kỳ cục nhưng lúc đó tôi thấy mọi thứ đều hoàn toàn tự nhiên. Những quả bong bóng nhiều màu lấp lánh dưới ánh đèn bay rợp nhà trông như một đàn bướm vừa kéo vào tránh gió khiến tôi bâng khuâng nhớ lại một thời thơ ấu đã xa.
Lúc đầu trò chơi tuổi thơ này có bơm vào tim tôi đôi chút niềm vui nhưng khi nhìn những quả bong bóng thi nhau vỡ tan, tôi lại nghĩ đến chuyện tình trắc trở giữa tôi và con Rùa, kể từ lúc đó ngực tôi như trĩu xuống và tôi không còn cảm thấy hứng thú nữa.
Con Rùa không hiểu được tâm trạng phức tạp của tôi. Sau khi cùng bé Loan chụm môi vào ống đu đủ thổi bong bóng một cách say sưa, con Rùa hào hứng rủ tôi chủ nhật này vào rừng chơi và mặt nó lộ vẻ buồn khi nghe tôi từ chối:
- Chủ nhật này thằng Thục về, anh phải ở nhà chơi với nó.
Chủ nhật này thằng Thục từ Tam Kỳ về thật. Dĩ nhiên điều đó không ngăn cản tôi đi chơi với con Rùa nếu tôi muốn. Nhưng tôi sợ lang thang trong rừng với con Rùa, những ngọn nến lung linh trong ký ức sẽ tự động thắp lên khiến tôi nhớ lại nụ hôn ngày nào dưới bóng cây leo mặc dù tôi biết tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm ngọt ngào đó. Tôi cũng sợ đi qua con đường cũ, giữa tiếng âm ỉ êm dịu và bất tận của rừng, tắm mình trong bóng mát đầy đặn của cây du sam và cây trắc bá, lý trí của tôi sẽ bị ru ngủ và lúc đó rất có thể tôi sẽ không cưỡng lại được những mệnh lệnh đầy mê hoặc của trái tim rồi phạm phải những sai lầm mới.
Đêm đó tôi rơi vào tình trạng nửa ngủ nửa thức hệt như lúc tôi ngồi chập chờn trên xe đò. Hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung lúc còn ở Sài Gòn, chuyến về quê lần này không đem lại cho tôi cảm giác bình yên. Có vẻ như tôi đang tự đẩy tôi vào tình huống chống lại chính mình. Không những thế, bằng cách tệ hại đó tôi còn chống lại cả con Rùa.
Lần trước tôi không hề nói dối con Rùa nửa câu. Bây giờ tôi gần như không có lấy một câu nói thật. Tôi quay về, với mong muốn đánh lên một que diêm trong những tháng ngày u ám của nó, rốt cuộc niềm vui vừa ngời lên trên gương mặt nó đã nhanh chóng bị thái độ xa lánh của tôi thổi tắt. Tôi tự bào chữa tôi hành động như vậy là để bảo vệ cả hai, nhưng thực ra có vẻ như tôi chỉ bảo vệ chính tôi.
Nhưng bây giờ, khi không tìm thấy sự thanh thản như mong đợi, tôi chợt nhận ra tôi đang đánh lừa mình. Đã biết tình yêu con Rùa dành cho tôi luôn vững chãi qua thời gian, vậy mà bây giờ chính tôi lại ra tay đánh sập cái lô cốt tình cảm đó - mỗi lần nghĩ tới điều này lòng tôi không khỏi nhói đau. Điều khiến tôi dày vò nhất là ngay cả con Rùa cũng chẳng biết tại sao tôi lại nhẫn tâm đánh thuốc độc vào tình yêu của hai đứa. Nhưng liệu tôi có thể làm khác đi, khi mà bất cứ một giây phút yếu mềm nào cũng có thể dẫn đến những sai lầm khó bề tha thứ?
Tôi trằn trọc gần như suốt đêm, đau đớn dưới móng vuốt của nỗi dằn vặt và sáng hôm sau đợi con Rùa chở bé Loan đi học, tôi vội vã băng qua cầu treo trở về nhà thím Lê.
Tôi ở nhà thím Lê suốt ngày hôm đó. Tối, tôi cũng không lên chơi nhà cô Út Huệ theo thói quen. Thằng Thục vắng nhà, tôi lôi sách ra đằng bàn ngồi đọc, cố chú tâm vào các trang chữ để đầu óc không nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng càng dán người vào chiếc bàn bên cửa sổ tôi lại nhớ đến cái ngày con Rùa nấp ngoài hè nhìn trộm tôi. Tôi nhớ đôi mắt đen láy lấp ló chỗ khe liếp, nhớ tiếng chân chạy thình thịch khi bị tôi phát hiện, nhớ mái tóc cắt vụng rụt vè nhô lên bên ngoài cửa sổ như một bụi cây gai.
Đáng lẽ tôi phải tim cách quên đi những kỷ niệm nhưng nỗi nhớ tràn về khiến tôi không cưỡng được ước muốn ngẩng đầu lên khỏi trang sách nhìn ra sân, cố hình dung gương mặt con Rùa trong bóng tối và khổ sở nhận ra tôi vẫn còn yêu thương nó xiết bao.

40

Tối hôm sau tôi tiếp tục không lên xóm trên.
Tối hôm sau nữa cũng vậy.
Tôi biết tôi đang hành hạ mình.
Tôi biết tôi đang làm đau tôi và làm đau con Rùa.
Trong những ngày chôn mình ở nhà thím Lê, tôi nghĩ tôi nên quay về Sài Gòn càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng này nhưng tôi muốn đợi thằng Thục. Còn hai ngày nữa là đến chủ nhật, gặp thằng em họ xong tôi sẽ xuống đường quốc lộ đón xe vào phương Nam.
Những ngày đó, tôi toàn nghĩ và nghĩ, óc lúc nào cũng ong ong như có ruồi bay trong đầu.
Tối ngày thứ ba, ăn cơm xong tôi bồn chồn thả bộ ra trước sân. Đi loanh quanh một hồi, tôi ngồi tựa lưng vào góc me trước ngõ ngước nhìn sao giăng chi chít trên bầu trời đêm, lòng rưng rưng nhớ đến buổi tối tôi hỏi đố con Rùa về chòm sao Hiệp Sĩ.
Hình ảnh đêm hôm nào hiện về khiến người tôi run lên.
- Em đừng trách anh nhé Rùa! - Ý nghĩ trong đầu tôi tự dưng bật ra thành tiếng.
Trả lời tôi chỉ có tiếng dế kêu ri ri trong cỏ tháng năm.
- Anh có lỗi với em nhiều lắm! - Tôi tiếp tục thì thầm với ngàn sao.
Trả lời tôi là những giọt sương đêm rơi âu sầu trên tóc.
Sương tiếp tục rơi mềm tóc tôi và tôi lại nghe tiếng mình lan đi buồn bã trong gió đêm:
- Giờ này em đang làm gì hả Rùa?
Tôi nghe tiếng ai như tiếng con Rùa trả lời tôi:
- Em đang khóc.
Tôi gục xuống như bị ai đánh mạnh vào đầu, trong một phút nghe lòng vữa ra. Có lẽ tôi phải sớm quay về Sài Gòn như dự định. Ở lại làng thêm ngày nào, thần kinh tôi càng bất ổn. Trái tim tôi đã bị nỗi đau xay thành bột và bây giờ đến lượt đầu óc tôi bắt đầu được cho vào máy nghiền.
Sương vẫn rơi trên tóc tôi. Và tiếng con Rùa lại vang lên:
- Tại sai anh không chơi với em nữa?
Lần này tôi nghe rõ tiếng con Rùa vẳng tới từ đâu đó, không phải vọng ra từ trong tâm tưởng của tôi như tôi vẫn nghĩ.
Lòng đầy nghi hoặc, tôi quay đầu nhìn dáo dác. Trước mặt tôi, hàng giậu mồng tơi chạy thành một đường viền nhấp nhô quanh sân. Những bụi cây chạm lên nền trời xanh đen những hình khối kỳ dị. Hoàn toàn không có bóng người nào ở cạnh tôi.
Trong khi tôi đang ngơ ngác, bất thần một tiếng gì như tiếng nấc gieo xuống từ trên cao.
Tôi ngước mắt nhìn lên, ngạc nhiên khi thấy có ai ngồi vắt vẻo trên cành me.
- Em hả Rùa?
Tôi hỏi, ngạc nhiên và mừng rỡ, không tin vào mắt mình.
Con Rùa đáp lời tôi bằng cách lặng lẽ tụt xuống khỏi cành cây.
Khi nó lại gần, tôi thấy mặt nó nhòe nước dưới ánh sao. Con Rùa là đứa con gái cứng cỏi, không dễ khóc, nhưng từ khi chúng tôi quen nhau tôi đã tát cạn của nó bao nhiêu là nước mắt. Tôi ác ghê!
Tôi sờ tay lên mặt nó, để nghe những đầu ngón tay ướt lạnh.
- Nín đi em!
Tôi bùi ngùi nói, thầm đoán con Rùa chắc đã khóc nhiều lắm. Ờ nhỉ, trời chưa vào khuya, sương đâu đã tụ. Chính nước mắt của con Rùa đọng thành sương, rơi trên tóc tôi nãy giờ đó thôi.
- Em tới lâu chưa? - Tôi hỏi, cảm thấy câu hỏi quá tầm thường so với những gì đang xảy ra nhưng không nghĩ ra câu nào ít vụng về hơn.
- Lâu rồi. - Con Rùa đáp bằng giọng cố đừng tỏ ra sụt sịt nhưng tôi vẫn nghe giọng nó nghèn nghẹt như phát ra từ đắng sau một chiếc khăn tay.
Tôi hỏi lại, lòng chùng xuống:
- Sao em không vô nhà mà leo lên cây ngồi?
- Em ngồi trên cây nhìn vô được rồi. Anh có chơi với em nữa đâu. - Giọng con Rùa hờn dỗi như trẻ con.
Tôi bất giác cầm tay nó, cũng rất giống như một đứa trẻ con đang làm hòa với một đứa trẻ con khác:
- Anh vẫn thích chơi với em mà.
Rồi không biết làm thế nào cắt nghĩa tại sao vẫn thích chơi với nó mà tôi ở lì nhà thím Lê suốt ba ngày nay, tôi ấp úng lảng sang chuyện khác:
- Thế tối hôm qua, hôm kia…
- Tối hôm qua hôm kia em cũng đến đây. Em ngồi trên cây me ba ngày liền xem anh đang làm gì mà không lên chơi với em.
Tiết lộ của con Rùa làm tôi há hốc miệng. Tôi ngỡ ngàng nhìn nó, sống mũi cay xè, cảm thấy mình tội lỗi ngập đầu. Tôi không ngờ thái độ lạnh nhạt của tôi đã làm nó cực khổ đến vậy.
Tôi muốn thanh minh hoặc nói một câu gì đó để chuộc lỗi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đành thở dài đưa tay gỡ những chiếc lá me li ti bám trên tóc nó.
- Tại sao hở anh? - Con Rùa lại hỏi.
- Tại sao gì cơ? - Tôi hỏi lại, dĩ nhiên là vờ vịt.
- Tại sao anh không lên xóm trên nữa?
- À… ờ… - Tôi ậm ừ, có cảm giác miệng đang ngậm một quả chanh.
Nếu cuối cùng tôi có phun được quả chanh đó ra cũng chỉ để tiếp tục dối gạt con Rùa:
- Anh có việc:
- Việc gì? Tối nào em cũng thấy anh ngồi đọc sách mà.
- Sách giáo khoa của thằng Thục đó em. - Tôi đáp, liên tục xoay chuyển ý nghĩ để nặn ra một lý do chính đáng - Anh đang giải giùm nó mấy bài toán khó.
- Anh đã gặp bạn Thục đâu.
- Nó nhắn về.
Những lời bịa chuyện của tôi có hàng đống cơ sở nhưng con Rùa không hỏi nữa. Nó là đứa cả tin. Bao giờ nó cũng cả tin. Những hành động của tôi hết sức bất thường và đáng nghi, nhưng chỉ cần vài lời giải thích đơn giản của tôi, con Rùa đã lập tức gột sạch khỏi tâm trí những thắc mắc.
Nó nhẹ nhàng tựa đầu vào vai tôi, như hôm nào, thủ thỉ bằng giọng tin cậy và đầy yêu thương:
- Khi nào giải toán xong thì anh lại lên chơi với em nhé.
Bên tai tôi, hơi thở của nó thơm nồng như trái cây.

41

Bữa đó, tôi đưa con Rùa về nhà. Hai đứa đi bộ dọc con đường đất từ xóm dưới dẫn lên nhà cô Út Huệ. Trời không trăng nhưng dưới ánh sao mờ tôi vẫn nhận ra vẻ tươi tỉnh của con Rùa, những giọt nước mắt trên mặt nó lúc này đã được gió hong khô.
Chúng tôi vượt qua cây sầu đông mọc bên này sông, nơi tôi và con Rùa gặp nhau hôm tôi mới quay về làng, lặng lẽ băng qua cây cầu treo cũ kỹ, chòng chành, không ngừng kêu cót két dưới từng bước chân. Ở ven sông, dãy bìm bìm hoa tím đã ngủ. Những cây dong riêng cũng đã vùi những bông hoa của mình vào tấm chăn đêm. Chỉ có bụi dạ lý hương còn thao thức mặc dù tôi chưa từng nhìn thấy nó bao
giờ. Hương thơm của nó không rõ đến từ đâu và đi về đau nhưng lần nào tôi đi từ nhà thím Lê lên thăm con Rùa nó cũng thầm nhắc tôi rằng tôi đang đi đến chỗ người tôi yêu thương dưới sự dẫn đường kín đáo của nó.
Tôi chia tay con Rùa chỗ hàng giậu ngăn nhà nó và nhà cô Út Huệ, đang định âm thầm quay về xóm dưới thì bị bé Loan bắt gặp:
- Anh Đông.
Tôi đành bước lại chỗ gốc ổi sau hè nhà cô Út Huệ:
- Giờ này em chưa ngủ sao?
- Em định ra ang nước rửa chân rồi đi ngủ thì thấy anh. Anh đi đâu với chị Rùa về vậy?
- Chị Rùa xuống nhà thím Lê chơi. Giờ anh đưa về.
- Mấy ngày nay không thấy anh lên chơi, em đoán chắc anh bận lắm.
- Ờ.
Bé Loan rất mến tôi. Tôi không lên chơi chắc nó nhớ lắm nhưng nó chưa đủ lớn để đặt câu hỏi về sự vắng mặt bất thường của anh họ nó.
Tôi định bảo nó vào nhà ngủ kẻo cô Út Huệ la, nó chợt xích sát vào tôi, lấy tay nó khều lên tay tôi, thì thầm:
- Em nói anh nghe chuyện này nè.
Chung quanh không có ai, nhưng thấy nó hạ giọng tôi cũng bất giác hạ giọng theo:
- Chuyện gì vậy em?
- Từ đầu năm đến giờ có mấy người đi hỏi chị Rùa làm vợ rồi đó.
Ở thôn quê, con trai con gái dựng vợ gả chồng sớm không phải là chuyện lạ. Con Rùa năm nay mười bảy tuổi, tính theo tuổi mụ là mười tám, ở tuổi nó khối đứa con gái trong làng đã có chồng, có con. Nhưng thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Trong mắt tôi, con Rùa vẫn còn là cô nữ sinh lớp tám bé bỏng, tuy bây giờ nó lớn hẳn và đẹp ra một cách khó tin.
Thông báo của bé Loan bất ngờ đến mức tôi không kịp có bất cứ một phản ứng gì. Tôi tròn mắt ra nhìn nó, người chết lặng. Trong giây phút đó, tôi biết lẽ ra tôi nên vui mừng. Con Rùa lấy chồng, đó là lối thoát vẹn toàn nhất cho mối tình của chúng tôi. Đám cưới của con Rùa sẽ gỡ chúng tôi khỏi tấm lưới bùng nhùng của số phận theo cách ít xây xát nhất. Con Rùa hạnh phúc, tôi khỏi phải dằn vặt cho tôi và lo lắng cho nó như những ngày qua.
Tôi nghĩ trong đầu như vậy nhưng mặt tôi lại ngây ra.
- Làm gì anh thừ người ra vậy! - Bé Loan cấu tôi một phát đau điếng - Nhiều người dạm hỏi nhưng chị Rùa không chịu một ai hết á.
Lúc bình thường tôi đã cốc đầu con nhỏ tinh quái này rồi. Nhưng lúc này, tôi đón nhận lời trêu chọc của nó như là một tin tức nghiêm túc, thậm chí gương mặt rạng ra của tôi còn lấp lánh sự biết ơn:
- Vậy hả em?
Bé Loan cầm tay tôi lắc lắc:
- Chị Rùa nói vời bà nội là ngoài anh ra, chị không thích ai hết.
- Sao em biết? - Tôi ngạc nhiên, không rõ mình đang vui hay đang cảm thấy nặng nề.
- Chị Rùa kể em nghe.
- Chị Rùa có bảo bà nội chị trả lời sao không>
- Bà nội chị bảo tùy chị.
Tôi chợt nhớ đến cô Út Huệ, sống lưng chợt lạnh đi:
- Mẹ em có biết chuyện này không?
- Biết. Mẹ em bảo “con Rùa bị khùng”.
Bé Loan nhìn tôi như dò xét rồi ngần ngừ nói tiếp:
- Hình như mẹ em không thích anh và chị Rùa quen nhau.
Tôi hiểu thái độ của cô Út Huệ. Cô chỉ nói thế thôi chứ cô biết con Rùa mù tịt về nguồn gốc của nó. Khi mượn cái miệng thằng Thục để gián tiếp tiết lộ bí mật đó với tôi, cô chỉ hy vọng ở tôi. Cô tin tôi sẽ không dại dột và liều lĩnh đặt chân qua lằn ranh cấm kỵ.
Tối hôm đó, trên đường về nhà thím Lê, đầu tôi đau nhức như búa bổ. Càng ngày tôi càng nhận ra tình cảm con Rùa dành cho tôi sâu đậm đến mức bây giờ dù tiến hay lui gì tôi cũng đều góp phần làm hỏng tâm hồn của nó.
Khi sắp đến cầu treo, tôi nhận ra bụi cúc tần dưới ánh sao và bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên tôi theo con Rùa lên nhà nó chơi. Lúc đi tới chỗ này, nó đã ngồi thụp xuống lui cui hái lá me chua đất dưới chân bụi cúc tần về cho bà nội nó nấu canh. Tôi không trông rõ bụi me chua đất bò lan trong bóng đêm nhưng tôi vẫn nhớ những cánh lá của nó có hình trái tim. Hôm đó, con Rùa nhai một chiếc lá và bảo tôi nhai một chiếc lá khác. Đó là hành động tự nhiên nhưng bây giờ tôi có cảm tưởng chuyện tôi và nó nhai nát những chiếc lá hình trái tim kia giống như là một điềm báo của định mệnh.
Ý nghĩ đó khiến con đường về nhà bỗng dưng dài ra và những ngôi sao trên trời đêm chợt tôi đi trong mắt tôi.

42

Sáng hôm sau vừa ngủ dậy, tôi đã nôn nóng chạy lên nhà cô Út Huệ.
Con Rùa đã chở bé Loan đi học, tôi lên xóm trên để làm một chuyện tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ làm là hỏi chuyện bà nội con Rùa.
Đêm hôm qua tôi thao thức rất lâu. Câu chuyện con Rùa cương quyết chờ đợi tôi khiến tôi cảm động đến không tài nào chợp mắt được. Những gì nó thổ lộ với tôi năm mười bốn tuổi thực ra chỉ là những tình cảm ngây thơ của một đứa bé, nhưng chính vì vậy đối với con Rùa tình cảm đó tự nhiên như gió trời, tinh khôi như nắng ban mai. Con Rùa lớn lên, tình cảm đó cũng lớn lên cùng với nó hồn nhiên như cây cỏ lớn lên dưới ánh mặt trời.
Cách con Rùa nói với bà nó rằng nó thích tôi có lẽ cũng giản dị như nó bảo nó thích một thứ trái cây ngon. Nhưng do vậy mà sự yêu thích đó còn lớn hơn một sự giao ước, đáng tin hơn một lời hứa hẹn. Con Rùa tin tôi, tin vào sự chờ đợi, chẳng qua vì nó tin vào chính nó. Dần dần tôi nghiệm ra: tôi nói gì nó cũng tin, không phải vì nó không có khả năng nghi ngờ, nhưng tâm hồn trong sáng của nó không có chỗ dung chứa sự nghi ngời đối với người nó yêu thương.
Bà của nó cũng vậy. Bà của nó tin vào cháu gái của mình.
Lúc nghĩ đến đây, suýt chút nữa tôi đã bật dậy khỏi chỗ nằm. Tại sao bà con Rùa không ngăn cản tình cảm con Rùa dành cho tôi? Lẽ ra chính bà chứ không phải cô Út Huệ mới là người phải cấm đoán quyết liệt nhất mối giao tình giữa tôi và cháu bà. Nhưng bà đã không làm thế. Bà không hề tỏ thái độ gì khi tôi thường xuyên cặp kè với con Rùa hồi ba năm về trước. Bà cũng không phản đối khi con Rùa bảo rằng nó chỉ thích tôi và cứ khăng khăng từ chối những mối mai khác trong làng.
Hay vì bà tin rằng đó chỉ là mối tình trẻ con, rằng thời gian sẽ gỡ bỏ hình ảnh tôi khỏi tâm trí con Rùa và đến lúc đó bà vẫn có thể hướng con Rùa đi theo con đường đúng đắn mà không cần phải làm tổn thương cô cháu gái?
Như thế mùa chong chóng đang về trong óc tôi: đầo tôi xoay tít trong đêm tối, vô số dấu hỏi bay như bươm bướm và dĩ nhiên tôi không thể tìm thấy câu trả lời bằng cách đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác.
Lên tới xóm trên, tôi không vào nhà cô Út Huệ theo thói quen mà đi thẳng qua nhà con Rùa.
Bà nội con Rùa đang ngồi lặt rau chỗ giếng đá khi tôi vẹt hàng rào giậu.
Tôi rón rén lại gần, đứng nhìn cành huỳnh anh xum xuê nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà, chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào.
Bà con Rùa chỉ ngẩng lên khi tôi, tim đập binh binh trong ngực, trong lúc ngọ nguậy hai bàn chân để kềm nén sự hồi hộp đã giẫm lên miếng gạch vỡ bên thềm giếng.
- Đi chơi hả con? - Bà hỏi, không hề ngạc nhiên vì sự xuất hiện của tôi, tay vẫn đảo mớ rau xanh trong rổ.
Tôi nhìn rổ rau muống, rau dền và rau lang dập dềnh trong thau nước, lí nhí:
- Dạ.
Bà nội con Rùa chép miệng:
- Sáng nay con Rùa đi học rồi con à. Ngày mai chủ nhật nó mới ở nhà.
Tôi lại “dạ”, miệng đột nhiên khô khốc.
- Bà ơi! - Tôi nói, cố vét đến gam can đảm cuối cùng.
- Gì hả con?
Tôi mím chặt môi để trấn tĩnh, nhưng đến phút chót lại luống cuống nói tránh đi:
- Bà có cần con phụ giúp gì không?
Con Cổ Dài đang kiếm ăn bên ao rau muống tự nhiên quay đầu về phía tôi, như thể nó vô cùng ngạc nhiên trước sự tử tế bất thường này của tôi.
- Cảm ơn con. Chuyện này bà tự làm được rồi.
Bà nội con Rùa nói, rồi thấy tôi cứ đứng loay hoay bên thềm giếng, bà hất đầu về phía hiên nhà:
- Con vô nhà ngồi chơi đi con. Sáng nay con rảnh à?
Tôi “dạ” và vẫn đứng chôn trân trên sàn giếng đầy rêu. Tôi biết nếu tôi vào nhà ngồi đối diện với bà trong không khí nghiêm trang, tôi không thể nào mở miệng. Đây là một bí mật chắc chắn bà muốn chôn sâu tận đáy lòng. Nó chẳng đẹp đẽ gì, và thực sự thì nó cũng đã bị bụi thời gian phủ kín từ lâu.
- Bà ơi! - Tôi đành vọt miệng, như van lơn.
Lần này bà nội con Rùa ngừng tay, ngước mắt nhìn tôi:
- Con định nói gì với bà hả con?
- Con và em Rùa thương nhau bà ạ. - Mặt ửng lên như tráng men, tôi ngập ngừng nói, một câu nói nếu không rơi vào tình thế này chắc tôi sẽ không bao giờ dám nói. Nó không hợp tình hợp cảnh, cũng không hợp lễ nghĩa. Nếu mẹ tôi, hoặc cô Út Huệ sang nhà nói với bà con Rùa “Cháu Đông và cháu Rùa thương nhau” nghe còn chấp nhận được. Nhưng dù sao tôi cũng không có lựa chọn nào khác: đối với tôi đó vẫn là câu mở đầu ít tồi tệ nhất.
Nhưng điều tôi lo lắng đã không xảy ra. Bà con Rùa chẳng trách cứ gì tôi. Bà mỉm cười, giọng bình thản:
- Chuyện đó thì bà biết rồi.
Tôi nhè nhẹ thở ra. Nhưng tảng đá vẫn chưa lăn khỏi ngực tôi. Mặc dù bà nội con Rùa trong mắt tôi lúc này rất giống với một bà tiên hiền từ, tôi vẫn thấy khổ tâm khi tiếp tục câu chuyện. Tôi nắm chặt tay, những ngón chân bấu xuống sàn giếng, cả răng cũng nghiến chặt - trong tư thế cả người căng ra như dây đàn sắp đứt đó, tôi run run hỏi:
- Bà ơi, thế hai đứa con không phải là anh em chú bác hả bà?
Trái với e ngại của tôi, bà nội con Rùa không tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Có vẻ như bà biết trước sớm muộn gì tôi cũng sẽ hỏi bà câu đó và trong buổi sáng tháng năm đầy ắp tiếng ong bay đó, bà tiên trong hình dáng bà nội con Rùa đã tạo ra phép màu khi từ tốn giải đáp thắc mắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi:
- Con và con Rùa không có bà con gì hết con à.

43

Có thể khi ông nội con Rùa vào Sài Gòn chữa bệnh lao, ông không tin ông sẽ qua khỏi vì vậy ông quyết định sẽ sống ở phương Nam đến cuối đời, không bao giờ quay trở về làng nữa.
Có thể trong hoàn cảnh khó khăn đó, bà nội con Rùa đã được ông nội tôi giúp đỡ tận tình và giữa hai người đã phát sinh tình cảm, không ngờ có một ngày ông nội con Rùa lành bệnh trở về.
Có thể, có thể và có thể. Tất cả chỉ là giả định từ những mẩu chuyện sau này tôi lượm lặt được mỗi nơi một ít và xâu chuỗi lại trong đầu để có thể hình dung ra một trong những cuộc tình gay cấn ở làng tôi gần bốn mươi năm về trước.
Còn khi bà nội con Rùa thuật cho tôi nghe câu chuyện xưa bên thềm giếng thì quá khứ chỉ bắt đầu từ chỗ tôi tha thiết muốn biết nhất: Ông nội con Rùa, do không có khả năng sinh con và do trót tuyên bố sẽ sống nốt cuộc đời còn lại ở phương Nam, đã không hề đay nghiến hay trách móc gì vợ mình về mối quan hệ với ông nội tôi. Tuy nhiên, ông không muốn nhìn thấy “giọt máu oan nghiệt” - từ dùng của ông - trong nhà.
Bà nội con Rùa dĩ nhiên không dám phản đối, đã bí mật đổi đứa trẻ lúc này đã bốn tháng tuổi với con trai bà Bốn Nhi ở xóm trong. Bà Bốn Nhi là thợ cấy thuê trong làng, có lẽ do làm lụng vất vả nên có mang mới tám tháng đã tòi ra thằng bé. Thằng bé oặt ẹo, khó nuôi, biếng ăn biếng uống, chỉ giỏi khóc ằng ặc suốt đêm. Vợ chồng bà Bốn Nhi đi xem bói, thầy bói bảo thằng bé sinh ngày mồng một, lại phạm vào giờ ngọ, chỉ có bán khoán lên chùa may ra mới sống. Hai vợ chồng bối rối chưa biết tính sao, thằng bé còn nhỏ quá đem cho chưa chắc nhà chùa đã nhận, nghe bà nội con Rùa đề nghị, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng.
Thằng bé đó chính là ông Hương, ba con Rùa.
Chuyện đổi con dĩ nhiên chỉ có gia đình hai bên biết với nhau. Người làng Đo Đo vẫn đinh ninh ông Hương là con của bà nội con Rùa. Ngay cả cô Út Huệ cũng tin như vậy.
- Ông nội con có biết chuyện này không hở bà? - Tôi nhìn những tia nắng đang nô đùa trên cây bướm bạc kế hòn non bộ, bâng khuâng hỏi.
- Ông con không biết. Bà chưa kịp báo cho ông con biết thì ông con đã qua đời.
- Còn gia đình bà Bốn Nhi…
- Vợ chồng bà Bốn Nhi mất rồi, con à. Còn chú của con lớn lên chọn con đường xuất gia, bây giờ chính là sư trụ trì chùa Tịnh Độ.
Ba con Rùa suýt vào chùa từ bé nhưng rốt cuộc chú tôi mới là người có duyên với cửa thiền. Đôi khi đó là sự sắp xếp của số phận. Hai con người không rõ thân thế của mình là ba con Rùa và chú tôi thì một người đã mất, một người có lẽ không còn quan tâm đến những hệ lụy trần gian nữa rồi.
Chỉ có bà nội con Rùa ôm ấp câu chuyện cũ như nuôi nấng một vết thương trong tâm khảm. Vết thương đó hẳn sẽ không bao giờ lành. Nó sống mãi với bà và chỉ chết đi cùng bà.
Tôi nhìn nắng bắt đầu chảy tràn trên cây bướm bạc, quyết định không hỏi thêm bà nội con Rùa câu gì nữa. Điều quan trọng nhất tôi đã biết rồi. Tôi không muốn bà nội con Rùa tiếp tục lần giở những trang đời đã lên rêu để xát muối vào kỷ niệm dù tôi biết vì con Rùa, bà sẵn lòng vượt qua địa ngục trong lòng mình để thanh toán với quá khứ một lần cho xong.
Tôi chỉ không ngờ ông nội con Rùa cũng có một địa ngục của riêng ông.
- Những năm cuối đời, ông ấy cảm thấy có lỗi với bà. Ông ấy quyết định dời nhà về đây để bà có dịp viếng chùa thường xuyên.
Bà nội con Rùa không nhắc gì đến chuyện thầy Điền suốt ngày ngồi đối diện chùa Tịnh Độ gõ mõ tụng kinh để tìm sự bình yên cho tâm hồn nhưng tôi có thể đoán ra.
Tôi không rõ tiếng mõ sám hối có có giúp ông thanh thản được chút nào không nhưng tôi biết bà nội con Rùa mỗi khi gặp sư thầy trụ trì bên giàn nguyên tiêu trong vườn chùa mà không dám nhận mẹ con, chắc lòng bà ngổn ngang lắm.

44

Tôi và bà nội con Rùa giữ kín cuộc trò chuyện bên thềm giếng trong buổi sáng đặc biệt đó.
Buổi tối thấy tôi lên nhà tìm nó, con Rùa hỏi:
- Anh giải toán giùm bạn Thục xong rồi hả?
- Ờ. - Tôi mỉm cười, lần đầu tiên tôi nói dối con Rùa một cách sung sướng.
Con Rùa lại hỏi, không phải câu trả lời của tôi mà chính vẻ mặt của tôi làm nó thắc mắc:
- Có chuyện gì mà hôm nay trông anh hớn hở vậy?
- Có gì đâu!
Tôi lại cười. So với vẻ mặt gượng gạo của tôi những ngày trước, kiểu cười bất thường của tôi có lẽ rất khả nghi nhưng tôi không kềm được niềm vui to lớn trong lòng mình. Còn hơn cả niềm vui, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người vừa leo lên khỏi hố sâu của nỗi tuyệt vọng khốn cùng. Rất giống bầy thú nhỏ đã qua được vùng đất thanh bình bên kia ngọn đồi để thảnh thơi gặm cỏ và ngắm những cánh bồ công anh bay trong gió, tôi đã đi từ địa ngục đến thiên đường chỉ trong một buổi sáng và từ chỗ oán trách tôi đã bắt gặp trong đầu mình những lời cảm ơn số phận.
Sáng nay tôi đã không ngăn được nước mắt khi nghe bà nội con Rùa bảo “Con và con Rùa không có bà con gì hết con à”. Đó là những giọt nước mừng mừng tủi tủi của một đứa trẻ bị hà hiếp, bị giật mất quà nay được được người lớn trả lại kèm theo lời xin lỗi chân thành tuy có đôi chút muộn màng.
Đã gần một ngày trôi qua, niềm vui trong tôi lớn dần từng phút một và tôi không thể nào giữ cho các cơ mặt đừng nhúc nhích mỗi khi nghĩ đến những gì số phận bù đắp cho tôi, và thế là tôi lại trưng ra những nụ cười chắc là rất ngớ ngẩn.
Con Rùa mặc dù không tin lời tôi, nó cũng chẳng buồn cật vấn thêm. Tôi vui, với con Rùa thế là đủ. Trong mắt nó, tâm trạng vui vẻ của tôi có giá trị hơn bất cứ một lời giải thích nào.
Nó cầm tay tôi:
- Sáng mai anh ở nhà chơi với bạn Thục hả?
- Không. Sáng mai anh đi vô rừng với em. - Vừa đáp tôi vừa âu yếm gom những ngón tay mềm mại của nó trong tay tôi.
Hành động lẫn câu nói của tôi khiến con Rùa tròn xoe mắt:
- Sao hôm trước anh bảo…
Tôi cười, không biết lần thứ bao nhiêu:
- Hôm nay anh nghĩ lại rồi. Anh sẽ chơi với thằng Thục sau khi đi rằng về.
Nhưng sáng hôm sau, hai đứa tôi không thể vô rừng như dự định. Một cơn mưa rào đã giữ chân chúng tôi ở dọc đường và như một ngày cách đây ba năm, tôi và con Rùa lại chui vào giữa bụi duối dại để nhìn mưa bay qua kẽ lá.
Cơn mưa không lớn như cơn mưa năm nào nhưng nhờ nó mà một lần nữa tôi lại cùng con Rùa co ro bên nhau trong “căn nhà” ấm cúng để nghe mưa dạo nhạc trên cành lá. Vẫn tiếng rơi lộp độp quen thuộc vây bọc hai đứa tôi mặc dù những hạt mưa hôm nay là cháu chắt của những hạt mưa ba năm về trước.
Trong khi con Rùa ngồi thu mình trên hai chân thì tôi không ngừng cựa quậy và lắng nghe kỷ niệm tràn về theo hơi đất ẩm dạt dào dâng lên từ mặt cỏ. Chính giữa lòng bụi duối dại này, lần đầu tiên tôi chạm môi lên má con Rùa, dù chỉ là vô tình nhưng đủ làm trái tim tôi bồi hồi và đầu óc tôi nghĩ ngợi vẩn vơ. Có phải đó là nụ hôn đầu không nhỉ? Hay nụ hôn đầu chỉ tính cho lần tôi cố tình hôn nó khi cả hai té ngã trong rừng?
Con Rùa liếc tôi, thấy tôi ngồi cười tủm tỉm, tò mò hỏi:
- Anh đang nghĩ gì vậy?
Tôi đáp, nghiêm trang và cảm động:
- Anh đang nhớ xem anh hôn em lần đầu vào lúc nào.
- Có một lần chứ mấy! - Con Rùa bĩu môi “xì” một tiếng.
Tôi cãi:
- Tát cả là hai lần.
- Chỉ một lần thôi. - Con Rùa giật tay ra khỏi tay tôi - Ở trong rừng, thừa lúc em bị ngã.
Vừa nói nói vừa đấm thùm thụp vào lưng tôi. Tôi chộp tay nó, kéo nó về phía tôi để sung sướng nghe đầu nó ngả lên vai tôi.
- Còn một lần nữa. - Tôi thì thầm trong tiếng mưa - Ngay trong bụi cây này.
- Làm gì có!
- Có. - Tôi đưa tay vuốt khẽ lên tóc con Rùa - Lúc anh quay sang định hỏi chuyện gì đó, đôi môi anh bất ngờ chạm phải má em. Anh giật bắn vội quay đi…
- Vậy mà hôn?
- Là hôn! Vì lúc đó tim anh đập rất mạnh và đầu óc anh quay cuồng…
- Vì đầu óc anh đen tối! - Con Rùa vừa nói vừa cười.
- Vì anh thương em.
Tôi nói và bàn tay tôi lại tìm bàn tay con Rùa để siết chặt những ngón tay mảnh mai của nó. Như tôi đã bao nhiêu lần làm thế trong những giấc mơ. Để nghe những ngón tay ngoan ngoãn và tin cậy. Để nghe trong một phút yêu thương và lấp đầy.
Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao khi nghe cô Út Huệ bảo ba con Rùa là con của ông nội tôi, tôi vẫn không hề có cảm giác tôi là anh nó. Trước đây tôi cứ nghĩ tôi là con người kém bản lĩnh, rằng tình yêu tôi dành cho con Rùa lớn đến mức tôi không cảm nhận được sợi dây tình cảm thiêng liêng của dòng họ đang ràng buộc hai đứa tôi. Bây giờ thì tôi biết trái tim tôi đã đập theo sự dẫn dắt của linh cảm. Trực giác của tôi đã không phản lại tôi.
Lòng xốn xang, tôi quay nhìn con Rùa, tự nhiên muốn hôn nó một cái quá chừng.
Con Rùa không biết có đọc được ý định của tôi hay không mà đột ngột hỏi:
- Bao giờ anh lại về thăm em nữa?
- Bao giờ à?
Tôi bối rối hỏi lại, sực nhớ đến căn bệnh hiểm nghèo của mình. Hai tháng nữa, tôi phải đến bệnh viện truyền máu lần thứ hai và chờ thêm ba tháng nữa
để các bác sĩ phẫu thuật ghép tủy. Từ khoảnh khắc đó trở đi, tôi không còn làm chủ được cuộc sống của tôi nữa. Có thể tôi sẽ sống thêm khoảng bảy tháng, nhưng cũng có thể là ba tháng hoặc chỉ một tháng thôi.
Từ khi phát hiện ba con Rùa không phải là con ông nội tôi, trâm trí tôi cứ lơ lửng trên mây. Ngập trong hạnh phúc, tôi quên bẵng căn bệnh của mình. Tôi không nhớ vì sao tôi trở về làng Đo Đo.
Bây giờ câu hỏi vô tình của con Rùa đâm vào lòng tôi khiến tôi nhói đau. Món quà mà tôi ngỡ tôi vừa được trả lại, có vẻ sắp bị số phận giật mất lần nữa.
- Anh không biết bao giờ anh về à? - Thấy tôi ngồi lặng thinh, con Rùa sốt ruột hỏi tiếp, những ngón tay nó ngọ nguậy trong tay tôi.
- Ờ, anh không biết.
Tôi thở dài. Tôi không biết bao giờ tôi trở về thật. Cũng có thể tôi sẽ không còn dịp trở về thăm con Rùa nữa.
Con Rùa cảm nhận tiếng thở dài của tôi theo cách hiểu của nó. Nó dịu dàng nói, cố xua tan sự áy náy trong lòng tôi:
- Anh không cần phải về sớm đâu. Nhưng mùa thả diều sang năm, em tròn mười tám tuổi, anh nhớ về thăm em nhé?
- Ừ. Anh sẽ về.
Tôi nói, và không tin chút nào vào lời nói của mình.
Có lẽ tôi không sống được đến ngày con Rùa tròn mười tám tuổi. Tôi và nó đang ngồi bên nhau giữa mùa cọng dừa, còn một năm rưỡi nữa làng Đo Đo mới vào mùa thả diều, tôi e rằng đó là quãng thời gian quá dài để tôi có thể ở lại trên cõi đời và quay về gặp nó.
Ba năm trước con Rùa không cho tôi hôn nó. Nó bảo nó còn nhỏ. Nó bảo tôi chờ nó lớn lên, rồi sợ tôi buồn nó hứa nó sẽ lớn thật nhanh để tôi khỏi nóng lòng chờ đợi. Con Rùa đã giữ lời hứa. Mùa cọng dừa năm nay, nó đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, thậm chí trong làng đã có kẻ tới nhà mối mai dạm hỏi. Thế nhưng ngày đó tới, tôi lại sắp sửa ra đi.
Con Rùa nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của tôi, lo lắng hỏi:
- Anh sao thế?
Tôi nói dối:
- Nước mưa đó em.
Con Rùa ngẩng đầu nhìn qua kẽ lá:
- Trời hết mưa rồi mà anh.
Bây giờ tôi mới nhận thấy cơn mưa đã ngưng từ hồi nào. Trước mắt tôi những giọt nước vẫn còn bám long lanh trên cành duối dại và qua khe hở của các nhánh cây tôi nhìn thấy một dải cầu vồng rực rỡ vắt ngang đỉnh núi xa.
- Trời hết mưa nhưng nước vẫn còn nhỏ xuống trên cành lá kia kìa.
Tôi nói, và kéo tay con Rùa:
- Về thôi em!
Nắng đầy ắp khi tôi và con Rùa thả bộ về làng, mặc dù hơi nước chưa tan hẳn trong không trung khiến mặt trời giống như một quầng sáng màu cam bay lơ lửng. Ánh sáng sau mưa khiến mọi chiếc lá hai bên đường trở nên óng ánh và biến tất cả những giọt nước còn nấn ná trên đầu ngọn cỏ thành những hạt kim cương.
Con Rùa lôi gói xôi trong túi áo ra:
- Anh ăn không?
- Em ăn đi. Anh chưa đói.
- Em cũng chưa đói.
Con Rùa cất gói xôi vào và từ lúc đó đến khi về tới nhà nó không hỏi tôi thêm câu nào nữa. Có thể nó hồn nhiên tin rằng nước trên cành lá đã rơi vào mắt tôi thật nên không còn bận tâm đến điều đó. Cũng có thể nó không nghĩ cuộc đời lại phức tạp đến mức tôi vừa nắm tay nó hân hoan nhắc đến nụ hôn đầu trái tim tôi ngay sau đó lại có thể tê dại đi như thể đột ngột nhúng trong hố băng.
Giống như cách đây ba năm về trước, khi sương đã tan và mặt trời bắt đầu thả xuống mặt đất từng bựng nóng, con Rùa lại tìm cách giẫm lên bóng mình trên con đường dẫn về làng bằng những bước chân nghịch ngợm.
Trong mắt tôi lúc này, con Rùa trở lại là cô bé mười bốn tuổi, cả trong bước chân sáo tung tăng lẫn trong cách nhìn đời ngây thơ, trong trẻo và một lần nữa hình ảnh mong manh thần tiên của một cô bé cả tin lại làm lòng tôi quặn thắt khi tôi bùi ngùi nghĩ đến mùa chia ly sắp tới.

45

Khi tôi đặt chân vô nhà cô Út Huệ, bé Loan đang ngồi thả thuyền giấy trên lạch nước nhỏ do cơn mưa tạo nên trước hiên nhà.
- Chơi thả thuyền không anh?
- Chơi.
Tôi đáp và vui vẻ ngồi xuống cạnh nó. Tuổi của tôi có lẽ không ai chơi thuyền giấy nữa. Cả thằng Thục và con Rùa cũng vậy. Tụi nó đã lớn hết rồi. Nhưng con thuyền giấy đong đầy kỷ niệm tuổi thơ đó bao giờ cũng lung linh trong ký ức tôi và tôi luôn bắt gặp mình bồi hồi mỗi khi nhìn thấy con thuyền tí hon đó bập bềnh trên mặt nước.
Tôi ngồi bệt xuống nền nhà lấy giấy loay hoay xếp thuyền vừa hỏi bé Loan:
- Sáng nay mẹ em có hỏi anh đi đâu không?
- Dạ có. Em bảo anh đi vô rừng với chị Rùa.
- Mẹ có nói gì không?
- Dạ không.
Bé Loan biết mẹ nó không thích tôi quen với con Rùa. Khi trả lời tôi như vậy, nó tưởng nó có thể khiến tôi yên lòng trong khi thực ra tôi biết rõ cô Út Huệ đang nghĩ gì. Đến lúc này, cô vẫn chưa biết tôi và con Rùa không có bà con gì với nhau.
Sáng hôm qua ngay sau khi trò chuyện với bà nội con Rùa bên thềm giếng, tôi tự nhủ tới một ngày nào đó, khi chuyện tình cảm giữa tôi và con Rùa trở nên rõ ràng hơn, tôi sẽ phải làm cái chuyện mà tôi không thể không làm là tiết lộ cho cô Út Huệ biết sư thầy trụ trì chùa Tịnh Độ mới đúng là chú tôi và là em cùng cha khác mẹ với cô.
Khi nghĩ bụng như vậy, tôi quên bẵng căn bệnh hiểm nghèo của mình. Bây giờ, ngay vào lúc đang sè sẹ thả con thuyền giấy xuống dòng nước trước hiên nhà cô, tôi quyết định tôi sẽ thông báo với cô điều đó sớm hơn. Tôi sợ tôi sẽ không kịp nói với cô điều hệ trọng đó nếu chẳng may tôi chết đi. Và đến ngày bà nội con Rùa từ giã cõi đời, bí mật đó chắc chắn sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn.
- Anh nghĩ gì mà ngồi thẫn thờ vậy? - Bé Loan khều tôi - Con thuyền của anh mắc cạn rồi kìa!
Tôi cười, vói tay kéo con thuyền ra khỏi chỗ kẹt, mắt tự nhiên cay xè. Cả bé Loan đáng yêu này nữa, tôi cũng sẽ xa nó trong một ngày rất gần. Nó sẽ không còn cô hội trêu chọc tôi, không còn dịp chạy ùa lại ôm chặt lấy tôi mỗi khi tôi về làng.
Bất giác tôi đưa tay vuốt tóc nó, giọng bâng khuâng:
- Em nhớ học giỏi cho mẹ vui…
Câu nói của tôi chẳng ăn khớp gì với câu hỏi của bé Loan, cũng chẳng liên quan gì đến khung cảnh chung quanh khiến đôi mắt nó tròn xoe.
- Anh sao thế? - Nó hỏi, nhìn tôi với vẻ lạ lùng.
- Sao là sao?
- Trông anh không giống mọi ngày. Anh sắp vô lại Sài Gòn hả?
- Ờ.
Tôi đáp, tin rằng mình sắp vào phương Nam thật mặc dù cho tới lúc đó tôi vẫn chưa có một quyết định dứt khoát.
Mới vừa rồi đây, lúc ngồi trong bụi duối dại tôi đã muốn ôm hôn con Rùa biết bao nhưng cuối cùng tôi đã kềm lại khi sực nhớ đến căn bệnh của mình.
Tôi buộc phải khép lại bản thân chỉ vì bất cứ một biểu hiện tình cảm nào của tôi cũng kéo theo sự đáp lại tình cảm của nó. Tôi tin nụ hôn của những người yêu nhau chỉ là mượn sự đụng chạm về thể thác nhằm thỏa mãn nỗi khát khao về tình cảm và sự cam kết về tinh thần: chính ý nghĩa đó khiến những nụ hôn và những vòng tay hóa thành nhiệm màu, nhưng mặt khác nó khiến cho nỗi nhớ trở nên không thể chịu đựng nổi nếu chẳng may một ngày nào đó người này không còn nhìn thấy người kia nữa.
Nếu trước đây tôi không dám thân mật với con Rùa vì mặc cảm tội lỗi thì bây giờ lý do đã khác: tôi không muốn cuộc tình của tôi để lại một dư âm sâu đậm đến mức con Rùa không đủ sức đi tiếp quãng đường còn lại một mình.
Sau buổi sáng hôm qua tôi cũng đã loáng thoáng nghĩ đến chuyện rời làng nhưng chỉ đến khi bé Loan hỏi tôi câu đó thì ý tưởng quay vào Sài Gòn mới thực sự định hình. Tôi biết, nếu tôi nấn ná ở đây sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị tình cảm của mình nhấn chìm và ở dưới đáy sự u mê có thể tôi sẽ làm những điều không nên làm để rồi sau đó lại sống trong dằn vặt. Một viễn ảnh như thế thì thật tồi tệ, không chỉ cho tôi mà cho cả người tôi yêu thương.
- Chừng nào anh đi? - Bé Loan lại hỏi.
- Ngày mai. - Tôi buột miệng, hoàn toàn không định trước.
- Sao anh đi sớm thế? - Con nhóc ngạc nhiên - Anh về chơi chưa được một tuần mà.
- Anh chỉ xin phép nhà trường được có mấy ngày à.
Thực ra tôi đã xin nghỉ đến hết năm học sau khi trình giấy chẩn bệnh cho phòng giáo vụ.
Bé Loan nheo mắt nhìn tôi, giọng đe dọa:
- Lần này nếu ba năm nữa anh mới về, chị Rùa đã đi lấy chồng rồi đó!
Tôi nhìn ra cây nắp ấm trước ngõ, không rõ đây là cây nắp ấm tôi từng nhìn thấy ba năm trước hay là cây mới mọc lên nhưng vị trí thì vẫn y như cũ. Và vẫn là hình ảnh đáng yêu đó: những bông hoa đỏ đeo nũng nịu ở đầu ngọn lá, đong đưa trong gió như những đứa con đeo tay mẹ.
Có khi lúc đó con Rùa đã tay bồng tay bế rồi cũng nên! Tôi bần thần nhủ bụng, dù tôi biết là tôi nên vui nếu con Rùa có thể quên được tôi.
- Anh về xóm dưới chơi với thằng Thục đây!
Tôi đứng lên, tìm cách dứt ra khỏi nỗi ám ảnh.
- Tối nay anh lên không?
- Lên chứ! Anh sẽ lên chia tay em và mẹ.
- Chia tay chị Rùa nữa chứ?
Tôi muốn cốc đầu con bé nhí nhảnh này một cái quá, nhưng cuối cùng tôi chỉ mỉm cười và vội vã bước ra sân.
Lúc tôi băng ngang qua vườn cải, một đôi chiền chiện không biết từ đâu bay về đáp xuống ngọn ổi sau hè hót lên những lời chào lảnh lót. Nó chào tạm biệt tôi sao giọng nó véo von đến vậy?

46

Lần này chia tay thím Lê, cô Út Huệ, thằng Thục và bé Loan, hiển nhiên tôi rất buồn. Có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn ngắm những gương mặt thân yêu này.
Những ngày ở làng, tôi đã không hé môi với bất cứ ai về căn bệnh tôi đang mang trong người. Khi tôi từ giã mọi người bằng một cái ôm chặt hơn bình thường, không ai biết đó là cái ôm cuối cùng của tôi. Và khi tôi quay mặt đi, không ai biết tôi muốn giấu những giọt nước mưa từ cành duối vô hình vừa rơi vào mắt tôi.
Buổi chiều trước khi đi, tôi kêu thằng Thục dắt tôi qua chơi nhà thằng Hợi.
- Qua nhà nó làm chi! - Thục nhún vai - Tụi em lớn rồi, không chơi trò lấy cọng dừa làm tiền nữa.
Dĩ nhiên không cần thằng Thục nói, tôi cũng nhận ra điều đó. Lần này về làng, tôi chỉ thấy mỗi bé Loan và những đứa nhóc cùng tuổi nó hoặc nhỏ hơn nó say mê trò chơi này.
Thằng Thục năm nay học lớp mười hai trong Tam Kỳ, đã chuyển giao các mùa giấy kính, mùa nắp keng… cho lớp đàn em. Bây giờ có lẽ nó đang mơ màng đến mùa phượng vĩ khi bâng khuâng nhớ tới cô bạn học ngồi bên.
Tôi đá vào chân Thục:
- Tao có bảo mày đem châu chấu cào cào qua đổi kẹo đâu. Qua thăm nó chút, mua vài miếng kẹo rồi về.
Vẫn vòng đeo tay, chiếc kẹp tóc, những hộp chì màu và những hộp bi ve, chai nước mắm, lọ xì dầu, những thẩu bánh tai heo, kẹo đậu phộng… bày khêu gợi trong tiệm tạp hóa bên kia đường nhưng bây giờ ngồi trên ghế nhựa thấp cạnh sạp hàng là một thằng nhóc trạc mười tuổi thay chỗ thằng Hợi. Thằng này trông láu lỉnh, có màu da của một củ khoai lang chưa gọt vỏ.
- Thằng Ngọ, em thằng Hợi đó.
Thục bảo tôi và nó cúi xuống kéo tai thằng này:
- Anh mày đầu rồi?
Thằng Ngọ đang hào hứng đổi kẹo lấy các con bọ tết bằng cọng dừa của mấy đứa nhóc trong xóm, bị kéo tai liền ngước mắt la ầm:
- Á… á… anh Thục chơi kỳ nha! Em méc mẹ em à!
- Mày méc đi! - Thục hừ mũi - Rồi tao méc mẹ mày chuyện mày bán kẹo mà không thu tiền, xem ai bị ăn đòn cho biết!
Bị đụng tới chỗ hiểm, thằng Ngọ nói lảng:
- Anh tìm anh Hợi có chuyện gì không? Anh Hợi đi xay bột rồi, lát mới về.
- Đợi nó không? - Thục quay sang tôi.
- Thôi, khỏi. Bây giờ mày dẫn tao đến tiệm sửa đồng hồ của ông Bốn Lai đi!
Lần này thằng Thục không thắc mắc nữa. Nó làm thinh dẫn tôi đi dù nó chưa thấy tôi đeo đồng hồ bao giờ.
Tôi và thằng Thục đứng cạnh tủ kính xem ông Bốn Lai làm việc với những chiếc đồng hồ bằng các dụng cụ tí hon. So với lần tôi gặp ông trước đây, bụng ông vẫn còn bự (từ ngày giã từ nghề săn bắn có thể nó còn bự hơn) nhưng đôi tay ông cử động vô cùng khéo léo, nhẹ nhàng. Khi thấy tụi tôi đứng nhìn, ông Obelix làng Đo
Đo cười nói “Tụi con tới xem chú để học lỏm hả?”, mắt vẫn dán vào chiếc đồng hồ ông đang xoay qua xoay lại trên tay.
Không có cây súng săn vắt ngang vai, ông Bốn Lai nom hiều hậu hơn lần tôi nhìn thấy ông trước đây. Tôi không biết ông còn nhớ tôi và thằng Thục là hai đứa có mặt lúc ông và những người thợ săn khác bao vây con Rùa trong một buổi trưa nắng chang chang ở dọc đường lên xóm trên hay không, nhưng trong đầu tôi hiện lên rõ mồn một cảnh ông mím môi ném cây súng kíp xuống dòng sông nước xiết mặc dù tôi chỉ biết điều đó qua lời kể của con Rùa.
Bữa đó, tôi còn rủ thằng Thục lấy xe chạy xuống quán ăn của hai ông “Asterix” Hai Sắn và “Panoramix” Bảy Thành ở dưới chợ Kế Xuyên. Tôi nói “Xuống đó tao đãi mày ăn tối” nhưng thằng Thục lập tức từ chối. Lý do của nó chính đáng đến mức tôi không thể không nghe:
- Tối nay mẹ em nấu cháo gà đãi anh đó.

47

Chuyến xe đò liên tỉnh mang tôi đi xa dần.
Tôi đi vào phương Nam. Như đã bao lần tôi rời làng. Nhưng lần này có thể là lần cuối tôi nhìn thấy những rặng tre, những cánh đồng quen thuộc chạy lùi trong mắt tôi qua ô cửa. Sau đó có lẽ tôi sẽ đi vào một thế giới hoang vắng và lạnh lẽ nơi không ai còn nhìn thấy tôi nữa.
Lúc nãy, thằng Thục có vẻ ngạc nhiên khi tôi nhét vào tay nó một phong thư trước khi leo lên xe đò, cẩn thận dặn “Em đưa lá thư này cho cô Út Huệ giùm anh”. Đó là lá thư tôi kể lại câu chuyện bí mật mà bà nội con Rùa đã tiết lộ với tôi. Tôi hy vọng cô sẽ tin vào lá thư như cô đã luôn tin tôi.
Tối hôm qua, tôi và con Rùa lại ngồi bên nhau trên phiến đá xanh hai đứa tôi từng ngồi. Phiến đá kỷ niệm đó, mai mốt con Rùa sẽ ngồi một mình. Chắc nó sẽ khóc nhiều lắm khi nhớ tôi!
Tôi nhớ con Rùa đã làm tôi ngạc nhiên như thế nào khi hôm qua tôi vừa ngồi xuống cạnh nó, nó khẽ chạm vai nó vào vai tôi, dịu dàng nói:
- Em cảm ơn anh nha.
- Cảm ơn chuyện gì?
- Chuyện anh đã nói với bà em là anh thương em đó.
Câu nói của con Rùa có xen tiếng cười nhưng tôi vẫn nhận ra là nó đang cảm động.
- Bà em kể lại với em thế hả? - Tôi hỏi lại, bối rối một cách sung sướng.
- Dạ.
Tôi nhún vai:
- Anh đâu có nói vậy.
- Chứ anh nói sao?
Tôi âu yếm nắm lấy tay nó:
- Anh nói anh và em thương nhau.
- Cái anh này! Em thương anh hồi nào!
Con Rùa “xì” một tiếng, nhưng vẫn để yên tay nó trong tay tôi. Thực ra chưa bao giờ con Rùa nói thương
tôi. Từ trước đến giờ nó chỉ nói nó thích tôi. Lần này tôi về, nó cũng chỉ nói nó nhớ tôi nhiều lắm. Chỉ vậy thôi, nhưng tôi hiểu tình cảm con Rùa dành cho tôi sâu sắc và bao la hơn tất cả những lời yêu thương trên đời cộng lại.
Chia tay lần này, con Rùa không buồn nhiều như lần trước. Có lẽ vì nó tin một khi cả nó và tôi đều không ngần ngại thổ lộ chuyện tình cảm với bà nó, chúng tôi đã là của nhau dù hai đứa đang ở cách xa nhau cả ngàn cây số.
Bên cạnh đó, nhờ sự hối lỗi của ông Bốn Lai câu chuyện u ám của chú Ngãi bất ngờ đã tìm được một cái kết có hậu giúp con Rùa yên tâm rằng cuộc đời không chỉ được sơn phết toàn những màu xám xịt.
Ra học cấp hai ngoài thị trấn Hà Lam, con Rùa cũng đã bắt đầu có bạn bè nhiều hơn so với những ngày thui thủi ở làng. Thị trấn đông người hơn, nhộn nhịp hơn, một nữ sinh mười bảy tuổi cũng dễ dàng đánh bạn với các nữ sinh mười ba, mười bốn tuổi hơn là một nữ sinh mười bốn tuổi kết bạn với tụi nhóc lên chín, lên mười như những ngày học lớp năm trên làng.
Rốt cuộc chỉ có tôi, người yêu thương nó nhất, lại là người sẽ đem đến nỗi buồn cho nó như một món quà tặng mà nó không hề mong đợi. Ý nghĩ đó hiện ra trong đầu tôi ngay vào lúc tôi định liều ôm hôn nó lần cuối đã kịp níu giữ cánh tay tôi vào phút chót. Để làm gì, nụ hôn đó, nếu không muốn khắc sâu thêm nỗi đau lên trái tim con Rùa trong cái ngày nó nhận ra tôi đã bỏ nó để ra đi mãi mãi?
Tôi đứng lên khỏi phiến đá khi sương khuya bắt đầu giăng lên tóc tôi những sợi tơ lành lạnh và quay đầu nhìn một vòng như để thu vào hồn tất cả những gì liên quan đến người con gái tôi yêu. Trăng thượng tuần đi vào những ngày cuối vẫn còn nấn ná trên bầu trời để dát một thứ ánh sáng xanh non lên cây bướm bạc, bụi huỳnh anh và những ngọn rau muống phía cuối vườn.
Trăng đêm nay đẹp quá, nhưng buồn.
Con ngỗng trắng nhướn cổ nhìn theo tôi lúc con Rùa tiễn tôi ra hàng rào giậu. Bây giờ thi tao đúng là kẻ trộm, Cổ Dài à! Tao sắp đánh cắp niềm vui của cô chủ mày, sao lần nay mày không rượt theo tao?
Hình ảnh đó, lời tự nhủ muộn phiền đó đến bây giờ vẫn chập chờn trong đầu tôi theo nhịp xe lắc lư khiến trái tim tôi không ngừng va đập vào thành xe, đau buốt.