ộp... cộp... cộp...Mình có cảm giác rằng đang ở trong rạp hát và màn sắp được kéo lên.Nhưng không, đây là Lạc-son Tây và hổ giá viên báo hiệu rằng cuộc mua bán bắt đầu.Hổ giá viên là một người Pháp. Bọn họ đông đến hơn chục người, thay phiên nhau mỗi tuần, tất cả đều có được cái lanh lợi của bọn con buôn, nhưng ông này là người tinh ranh nhứt bọn mà mình đã quen mặt quá rồi.- Một chiếc tủ lạnh còn mới tinh hảo, hai trăm, ai mua?Thật là tâm lý. Đây là chợ đồ cũ, thế mà cái lão sói đầu ấy lại khoe rằng hàng mới tinh hảo. Tuy nhiên vẫn còn có người tin.Chiếc tủ lạnh này dầu cũ, cũng đáng giá năm ngàn (giá năm 1950). Người ta ngạc nhiên sao ông ấy dại mà bán rẻ thế. Nhưng có la cà ở đây nhiều năm mới biết được mánh khóe con buôn của các ông.Những kẻ mua hàng ở Lạc-son Tây, luôn luôn mua hớ vì họ say máu ngà trong việc tranh mua, sôi nổi vô cùng.Nếu lão hồi đầu ra giá ba ngàn đồng, thì chỉ có vài người quyết mua mới đưa tay lên mà thôi. Cái giá hai trăm rất buồn cười ấy làm cho hằng trăm cánh tay mọc lên thình lình và một lượt với nhau bao nhiêu chàng thất nghiệp đi lang thang trên hè phố và xem phòng này là cái bến ghé lại để tạm nghỉ chơn, bao nhiêu kẻ hiếu kỳ, bao nhiêu ông già bà cả mà răng lung lay rất sợ thức ăn lạnh, đều tham gia đấu giá vì tham của rẻ.Sôi nổi nhờ đông người tham dự, và cuộc leo thang giá cả mới hào hứng. Lão Hổ giá viên hô to:- Có ai trả lên hay không? Xin nhắc rằng khi nền tảng là bạc trăm thì lần lên là năm mươi đồng. Vậy ai trả lên?Số cánh tay ngã bớt hai mươi phần trăm. Những người không cần món đồ ấy, chỉ đưa tay lên vì cái hứng nhứt thời, mà hứng nhứt thời rất giống lửa rơm.- Hai trăm rưởi rồi đó. Nhưng còn nhiều người bằng lòng với giá ấy. Vậy ai trả lên nữa?Số tay rụng năm mươi phần trăm.Cứ như thế mãi cho đến lúc chiếc tủ lạnh lên đến hai ngàn.Bây giờ sự sôi nổi mới bắt đầu. Hổ giá viên nhắc:- Xin nhắc rằng hễ nền tảng là bạc ngàn thì mỗi lần lên là năm trăm đấy nhe!Bao nhiêu cánh tay tài tử đều trốn mất hết. Chỉ còn lại những cánh tay quyết ăn thua đủ với nhau. Những cánh tay ấy tự nhủ thầm: Ừ, “thêm năm trăm nữa cũng còn rẻ chán!”Và hai ba cánh tay hiếm hoi ấy cứ thi đua mọc. Và tự ái của chủ của những cánh tay ấy cũng tham chiến nữa.“Ừ, cái thằng cha kia, coi bộ xoàng xĩnh như một ông ký nghèo, mình chịu thua hắn thì mình dở, vậy cứ ráng thêm nè!”.Và rốt cuộc cái ông “được” phải méo mặt vì ông ta sôi máu anh hùng, trèo lên đến bảy ngàn.Tức thì ông ta bị nhân viên phòng hổ giá vây lấy ngay tức khắc. Ấy truyền thống của phòng này là như vậy. Không vây khách hàng ngay họ sẽ cút mất hết vì người nào cũng hớ tuốt, trừ bọn nhà nghề, mua đi bán lại, nhưng bọn này đã có cách riêng để tổ chức cướp thị trường khi có món chúng ưng ý.Mình nhìn quanh phòng Lạc-son Tây và không khỏi mỉm cười tự bảo thầm: “Thì ra bọn này vẫn giữ tánh học trò thuở nhỏ”.Quả thật thế, bao nhiêu hàng ghế phía trước gần như trống trơn. Thiên hạ dồn ra ngoài sau như nước chảy chỗ trũng, giống hệt hồi đi học, cậu nào cũng rút trốn xuống xóm bàn chót cho thầy giáo ít thấy mặt.Cái xã hội Lạc-son Tây này thật là ngộ nghĩnh. Có những ông sang trọng quá chừng mà sao cứ mua giành với những người không sắm nỗi đồ mới. Có những cô me cặp tay đức lang quân đen hay trắng, mua liều, mua lĩnh khiến người ta phải sốt ruột giùm cho đồng tiền của họ. Có những chú ba, bạ gì cũng mua, đó là bọn nhà nghề nói trên, họ bỏ cuộc nửa chừng vì thấy món đồ khó bán lại, hoặc phá đám cho cuộc đấu giá hào hứng lên, chọc cho thiên hạ mua hớ để họ hối hận đào ngũ thị trường hầu các chú độc chiếm.Người ngộ nghĩnh, đồ vật lại bâng khuâng.Có những lọ sứ cổ, những độc bình xưa, của gia bảo, được cắc ca cắc củm gìn giữ mấy đời liền trong một gia đình giàu có nào đó, nay bỗng dưng vì thời loạn khó giữ của, hoặc vì thế hệ này suy sụp không làm tròn được sứ mạng gia truyền nữa, những lọ, bình ấy đành phải rời các tủ kiếng của hậu đường, tủ kiếng mà trước đây, người bạn thân nhất của chủ nhơn chưa dễ được mở ra để rờ mó cái da men láng mịn. Chúng ra khỏi tủ kiếng mà rất rầu lòng mà phải ngồi chung với những bộ tách trà đời nay không đài cát một chút xíu nào, phải đứng gần những chiếc đồng hồ đứt dây thiều, những cây quạt máy gãy cánh.Phải dạn mặt dày mày như vậy để rồi vào tay những ông nhà giàu mới, sẽ được nưng niu vài thế hệ nữa, rồi một khi kia, lại phải một phen phơi mặt phong trần.“Tích kim dĩ vi tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ, tích thư dĩ vi tử tôn, tử tôn vị tất năng độc” là tình trạng diễn ra hằng tuần ở đây, vì phòng Lạc-son Tây cũng có bán sách cũ nữa, những thư viện tư nhơn mà trong hàng trăm quyển, cũng chọn được vài quyển quý giá.Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời! Và của cải xây vần, chuyển từ tay này qua tay kia, các tay ấy luân phiên nhau mà giữ của, vui sướng với nó đau khổ vì nó, bao nhiêu là nụ cười và nước mắt!(Bài này được dùng làm vật liệu để viết truyện “Tập di cảo”)1952